Liệu vấn đề Bắc Triều Tiên sẽ mở màn cho một cuộc leo thang vũ khí tại châu Á?

15/09/20179:55 CH(Xem: 3199)
Liệu vấn đề Bắc Triều Tiên sẽ mở màn cho một cuộc leo thang vũ khí tại châu Á?

 

 

Liệu vấn đề Bắc Triều Tiên sẽ mở màn cho một cuộc leo thang vũ khí tại châu Á?

Chiến lược hạt nhân của Kim Jong-Un sẽ là đòn thử nghiệm lời cam kết bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc của Hoa Kỳ

 

HIROYUKI AKITA, Bình luận gia của Nikkei , và TETSUSHI TAKAHASHI, Giám Đốc Trung ương Nikkei  tại Trung Quốc.

Phạm Thiên Phước diễn dịch

 

TOKYO / BEIJING - Kể từ ngày 28/7 sau khi Bắc Triều Tiên bắn lên không trung một tên lửa loại đạn đạo xuyên lục địa có tầm bắn cao đến 3700m, thủ tướng Nhật  Shinzo Abe và tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục điện đàm với nhau cả thảy sáu lần - mỗi lần đôi khi cả gần một tiếng đồng hồ. Trong mỗi lần như vậy, ông Trump đã lập đi lập lại nhiều lần đảm bảo rằng  Hoa Kỳ sẽ toàn tâm toàn lực bảo vệ Nhật Bản 100%.   

G20-826151

Đối với thủ tướng Abe, những cam kết này đem lại sự lạc quan đáng kể, nhất là so với những lời tuyên bố lúc tranh cử của ông Trump, khi ông này luôn nặng lời chỉ trích về mức chi tiêu nước Mỹ phải xuất ra để bảo vệ đồng minh Á châu. Tuy vậy, một số các chuyên gia quân sự và chính trị tại Nhật đã bắt đầu đặt nghi vấn về giá trị của cái gọi là quy ước an ninh, là nền tảng cho mối tương quan Mỹ-Nhật trong thời hậu thế chiến. Theo hiến pháp chủ trương bất bạo động của Nhật, một hiến pháp mà ông Abe hằng mong muốn được sửa đổi, Nhật Bản sẽ dựa vào Mỹ đóng vai trò chủ động trong các cuộc tấn công quân sự. Nhưng với bối cảnh một Bắc Triều Tiên sở hữu tên lửa đạn đạo hạt nhân xuyên lục địa, cục diện đã thay đổi. Liệu Nhật Bản còn có thể trông cậy vào Mỹ được không khi Los Angeles hoặc New York có thể bị hủy diệt?

636399952028691919-AFP-AFP-S26R4

Một quan chức An ninh  Nhật Bản cho rằng liên minh Mỹ-Nhật hiện nay tuy mạnh mẽ, nhưng có lẽ không thể bảo vệ hoàn toàn an ninh cho Nhật Bản được khi Bắc Triều Tiên đang được trang bị vũ khí nguyên tử.

Nhật Bản không phải là quốc gia duy nhất trong khu vực có quan ngại về các chính sách cũ kỹ từ nhiều thập niên trước và các đồng minh khi Bắc Triều Tiên càng lúc càng tiến gần hơn tới việc hoàn chỉnh tên lửa hạt nhân. Kim Jong Un, nhà lãnh đạo 33 tuổi tính khí bất thường của Bắc Triều Tiên, trong năm nay đã làm mọi cách có tính cách khiêu khích chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình. Điều này đã khiến một số người ở Bắc Kinh trước đó đã chấp nhận hành vi của Kim nay đã phải đồng ý rằng phải làm sao đưa anh ta vào khuôn phép. Tại Seoul, Tổng thống Moon Jae-in đã đồng ý cho phép triển khai các tàu phóng hỏa tiễn của Mỹ, đi ngược lại với cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông, khi có sự quan ngại rằng chính quyền của ông và của ông Trump có những rạn nứt. Và ở Tokyo, các kế hoạch gia về quân sự khuyến cáo rằng Nhật phải chịu tốn kém lớn hòng có thể gấp rút nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa để đối phó với mối đe dọa mới này.

1280px-f-2a_526_of_6_sqn_taxis_at_andersen_air_force_base_-5_feb._2009_a

 

Một số chuyên gia an ninh Nhật Bản dự đoán Bình Nhưỡng có thể triển khai vũ khí hạt nhân trong vòng hai năm hoặc thậm chí sớm hơn – khoảng thời gian dự kiến này sẽ không xê dịch nhiều kể cả sau khi các lệnh trừng phạt mới được thông qua bởi Hội đồng Bảo an LHQ vào ngày 11 tháng 9. Nếu Bắc Triều Tiên thành công trong việc phát triển công nghệ tên lửa hạt nhân, châu Á có thể chứng kiến ​​một sự gia tăng vũ khí chưa hề thấy kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trung Quốc đã lớn tiếng phàn nàn về quyết định của ông Moon trong việc cho triển khai nhiều máy phóng chống tên lửa của Mỹ ở Hàn Quốc, và cảnh cáo rằng bất kỳ một sự gia tăng nào về năng lực của Nhật cũng sẽ được coi như là một mối đe dọa về an ninh cho Bắc Kinh.  

B-1B_Lancer_Awaits_Inspection

Masao Okonogi, một chuyên gia nghiên cứu về Bắc Triều Tiên và là giáo sư của Đại học Quốc tế Tokyo, cảnh báo rằng "tại Hàn Quốc đã có sự gia tăng kêu gọi trang bị vũ khí hạt nhân để đối phó với mối đe dọa của Bắc Triều Tiên.  Nhưng bất kể họ làm thế nào, sự tăng cường quân sự sẽ làm tăng sự căng thẳng hiện có trong khu vực, đặc biệt là đối với Nga và Trung Quốc."

 

Okonogi và những người khác không nghĩ rằng sẽ có một "hiệu ứng domino" hạt nhân xảy ra trong khu vực, khi có sự phản đối cứng rắn của Nhật Bản đối với loại vũ khí này và cam kết của Hàn Quốc theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, bất kỳ một xích mích nào về việc gia tăng mức độ quân sự sẽ tăng thêm nhiều rủi ro cho tình hình vốn đã căng thẳng của khu vực này, trong đó những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, quyền đánh cá và việc xây dựng đảo của Trung Quốc đã gây ra những cuộc xung đột định kỳ trong những năm gần đây. 

Tetsuo Kotani, thành viên cao cấp của Viện Quan hệ Quốc tế Nhật Bản, nhận định rằng "Tôi không nghĩ khu vực này trở nên ổn định hơn trong những năm tới. Có rất nhiều cơ hội bất trắc."

 

Bao nhiêu tên lửa thì mới đủ?
unnamed (4)

 

Thật là một mùa hè đầy lo âu, xốn xang. Khi ông Trump tuyên bố hôm 8/8 rằng Hoa kỳ sẽ trả đũa bằng "hỏa lực và cuồng nộ như thế giới chưa từng thấy" – sau khi Bắc Triều Tiên hứa hẹn sẽ thiêu rụi đảo Guam, nơi có một căn cứ quân sự Mỹ, - thế giới đều lo lắng rằng hai nhà lãnh đạo này có thể đang ở trên bờ vực chiến tranh. Người dân Hàn Quốc, những người qua nhiều năm đã quen với hành vi thất thường và đe doạ từ phía Bắc, đã trở nên lo lắng hơn, với 76% số người trong một cuộc thăm dò vào tuần trước cho rằng lần thử nguyên tử mới nhất của Bắc Triều Tiên đe dọa phá vỡ nền hòa bình trên bán đảo này. Và ở Nhật Bản, vào lúc 6 giờ sáng ngày 29/8, sự lo lắng đã lên đến cực điểm khi một tên lửa đạn đạo được phóng bay qua đảo Hokkaido trước khi rơi xuống Thái Bình Dương. Sự kiện này đã kích hoạt hệ thống cảnh báo J-Alert, một hệ thống báo động toàn quốc, với các cư dân ở phía bắc nhận được tin nhắn "Missile passing" của chính phủ.


170319120452-japan-drill-2-exlarge-169

Một số ít người trong giới quân sự ở Tokyo nghĩ rằng Bắc Triều Tiên sẽ ra tay tấn công phủ đầu Nhật Bản bằng phi đạn nguyên tử. Điều làm người ta quan tâm  nhiều hơn là một bất đồng ý kiến nào đó trên bán đảo Triều Tiên có thể leo thang đến một mức khiến  Bắc Hàn có thể mở một cuộc tấn công . Một mối lo khác là tổng thống Trump có thể khởi động tấn công Bắc Hàn mà không tham khảo ý kiến ​​Nhật Bản trước. Đây là một trong những lý do mà ông Abe cố gắng liên hệ với tổng thống Hoa Kỳ thường xuyên.


n-missile-g-20170705

Những mối quan tâm này đã khiến kết tủa một ý niệm trong hàng ngũ lãnh đạo rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật không đủ mạnh để chống lại mối đe dọa nguyên tử. Họ muốn nâng cấp khả năng phòng thủ của mình lên một cách đáng kể, hiện thời bao gồm hệ thống tàu khu trục Aegis trang bị với các thiết kế đánh chặn có khả năng bắn hạ các tên lửa đạn đạo, và tên lửa Patriot Advanced Capability-3, hay gọi tắt là PAC-3.

Tuy vây, một số các nhà phê bình cho rằng điều này vẫn chưa đủ. Nhật Bản có bốn tàu Aegis, và ba chiếc thì đã phải được điều động ra Biển Nhật Bản giữ việc phòng vệ cơ bản. Tuy nhiên, các tàu này chỉ có thể mang theo một số lượng hạn chế các thiết kế đánh chặn, nếu có sự tấn công ào ạt bằng tên lửa của Bắc Triều Tiên thì Nhật khó lòng chống cự nổi. Theo một quan chức cũ của Bộ Quốc phòng Nhật thì các thiết kế đánh chặn trên tàu có thể bị cạn kiệt và  các tàu Aegis bị buộc phải quay trở lại cảng để nạp thêm.

Trong trường hợp bắn trượt , thì sẽ có tên lửa PAC-3 tiếp nối bắn chặn. Nhưng phi đạn PAC-3 chủ yếu được triển khai tại các khu vực thành thị, và mỗi PAC-3 chỉ có tầm bảo vệ được khu vực trong vòng bán kính 10 km. Điều này khiến rất nhiều khu vực sẽ bị bỏ sót không được bảo vệ.

Để khắc phục yếu điểm này, Nhật Bản có kế hoạch đưa vào hệ thống Aegis Ashore đánh chặn đặt trên đất liền, hệ thống này có thể bao phủ một khu vực rộng lớn hơn - chỉ cần hai đơn vị có thể bao phủ toàn bộ Nhật Bản – nhưng phải cần nhiều năm nữa mới có thể nói đến chuyện này. Một vấn đề khác là chi phí, ví dụ  một máy đánh chặn cho hệ thống Aegis được ước định khoảng 2 tỷ yen (18,5 triệu đô la).

Chi phí cao đã khiến một số người trong chính phủ Nhật Bản quan ngại, nhưng những người khác - kể cả cựu Bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto - cho rằng Nhật cần phải chi tiêu nhiều hơn vào một hệ thống phòng thủ tên lửa mới.

Morimoto nói: "Aegis Ashore sẽ được cho vào ngân sách tài chính vào năm tới, nhưng ngoài việc đó, chúng ta sẽ phải xem xét về vũ khí laser có thể phá hủy một tên lửa trong giai đoạn xuất phát”

unnamed (1)

 

Một ý kiến ​​khác, triệt để hơn, cũng được đưa ra thảo luận là việc tạo cho Không quân Tự vệ khả năng trực tiếp tấn công các cơ sở tên lửa của Bắc Triều Tiên. Nói một cách khác là cho phép Nhật Bản nhắm bắn tên lửa tại các bệ phóng, chứ không đợi cho đến khi tên lửa xuất phát. Điều này sẽ đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong cấu trúc quốc phòng của Nhật Bản.

 

Cho tới bây giờ, Nhật Bản luôn chủ trương tuyệt đối chỉ phòng thủ không tham chiến dựa trên Điều 9 của hiến pháp sau thế chiến. Tuy nhiên, kể từ năm 1956, Nhật đã duy trì vị thế cho rằng hiến pháp sẽ cho phép họ tấn công căn cứ của đối phương nếu không có cách nào khác để tự vệ. Nhật Bản trông cậy vào quân đội Hoa Kỳ về khả năng tấn công quân sự.

Yukio Okamoto, một chuyên gia về an ninh và là cựu quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tin rằng Nhật Bản nên nghiêm túc xem xét ý tưởng này. Okamoto cho biết: "Trong cuộc thảo luận về cách phản ứng với việc phát triển vũ khí hạt nhân của bắc Triều Tiên, Nhật Bản nên tranh luận về cơ hội tự cho phép mình cái khả năng tấn công vào sàn phóng tên lửa. Nếu Nhật Bản có được một khả năng như vậy, Bắc Triều Tiên sẽ nhận thức được rằng khi tiến hành một chiến dịch quân sự tấn công Nhật Bản nó có nguy cơ bị phản công không chỉ bởi Mỹ mà còn bởi Nhật Bản ".

Các chuyên gia khác thì cho rằng đây là một lầm lẫn. Kotani lý luận rằng “Hệ thống này rất đắt tiền và chúng ta đang gặp khó khăn tài chính. Ưu tiên bây giờ là phát triển hệ thống phòng thủ phi đạn”.

Tại Hàn Quốc, tuy ông Moon đã chống lại khuyến cáo của phe bảo thủ đòi trang bị vũ khí nguyên tử, nhưng ông đã tăng mức chi tiêu quốc phòng.  Ông đã tuyên bố kế hoạch chi 38 tỷ đô la cho ngân sách quốc phòng vào năm tới, so với mức 35 tỷ đô la trong năm nay. Và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo gần đây đã tuyên bố kế hoạch thành lập một "đơn vị tiền trảm" có khả năng thực hiện các cuộc tảo thanh qua biên giới. 

unnamed (3)


Theo Kotani thì khó mà cho rằng sự mở rộng quân sự ở Nhật Bản và Hàn Quốc là dấu hiêu cho một cuộc chạy đua vũ trang quy mô. Ông nói rằng "Chúng tôi chỉ phản ứng lại các hành động của Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Quy mô và tốc độ ở Nhật Bản và Hàn Quốc hoàn toàn khác biệt so với sự tăng trưởng quân sự ở hai nước này. Có lẽ họ sẽ sử dụng sự gia tăng hoạt động của chúng tôi như một cái cớ để tăng gia thêm nữa."

Kích động Trung Quốc

Kim Jong Un đã đạt được hai mục tiêu của mình vào ngày 3/9. Kim đã giám sát thành công cuộc thử nghiệm một quả bom hydro nhiệt hạch, và trong quá trình này anh ta đã làm bẽ mặt Tập Cẩn Bình.

kim-jong-un-after-missile-launch-pti_650x400_41488883150

Trong khi ông Tập đang cố gắng đưa ra một hình ảnh lãnh đạo toàn cầu tại hội nghị thượng đỉnh BRICS lúc ấy ở Trung Quốc, thì một lần nữa lại bị Kim cướp mất hào quang sân khấu. Lần trước đây ông Tập cũng đã bị mất mặt trong hội nghị vào tháng 5 vừa rồi khi đang cho ra mắt phương án một 1 ngàn tỷ Đô la “con đường tơ lụa”  bởi một cuộc phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên.

 

Đối với một số người ở Trung Quốc, là đối tác thương mại lớn nhất và là mạch sống kinh tế của Bắc Triều Tiên, diễn tiến mới nhất này thật là quá độ. Một nhà nghiên cứu tại một tổ chức tư vấn liên kết với chính phủ Trung Quốc cho hay, "Chúng tôi chịu hết nổi rồi. Chúng ta cần tạo áp lực mạnh mẽ hơn đối với Bắc Triều Tiên.”

Người này đã từng phản đối các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Bắc Hàn, như lệnh cấm vận xăng dầu làm kiệt quệ kinh tế. Nhưng lần thử nguyên tử mới đây nhất đã khiến ông đổi ý. Những quan chức khác tại Bắc Kinh lúc trước đã đánh giá Bắc Triều Tiên như một vùng đệm để đối phó với Hoa Kỳ nay cũng đã đi đến những kết luận tương tự.
unnamed

 

Các biện pháp trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tuần này đã không bao gồm sự cấm vận dầu mỏ toàn bộ, thay vào đó chỉ cắt giảm 30% lượng dầu thô và các sản phẩm xăng dầu nhập vào Bắc Triều Tiên. Yêu cầu cấm vận xăng dầu toàn bộ của Hoa Kỳ đã bị Trung Quốc và Nga bác bỏ, nhưng việc nhất trí tương đối nhanh chóng của hội đồng là một dấu hiệu cho thấy cả hai nước này đều đồng ý rằng cần có một số hình phạt nào đó đối với Bắc Hàn.

Trung Quốc không muốn áp đặt lệnh trừng phạt nào mà có thể dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Bắc Triều Tiên. Một mối lo ngại về việc áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ toàn bộ là nó có thể dẫn đến một cuộc sụp đổ kinh tế toàn bộ, gây ra làn sóng người tị nạn qua biên giới Trung Quốc. Khả năng Bắc Hàn có thể trả đũa bằng cách quay hướng các tên lửa vào Trung Quốc rất ít, nhưng ngay cả Trung Quốc vẫn nhận thấy khó mà tiên đoán được hành động của Kim.

 

Hơn nữa, đối với Trung Quốc, lệnh cấm vận dầu mỏ toàn bộ cũng đồng nghĩa với việc đánh mất một lá bài ngoại giao trong các giao dịch với Hoa Kỳ. Bắc Kinh xem lệnh cấm vận dầu như là một lá bài thương lượng cuối cùng để có thể ngăn chặn Mỹ thực hiện hành động quân sự tại Bắc Triều Tiên.

 

Tuy nhiên, rõ ràng   là Trung Quốc chẳng có ảnh hưởng gì nhiều với Bắc Triều Tiên như nhiều người ở phương Tây đã giả định. Nhưng ta cũng sẽ vướng phải sai lầm khi cho rằng nó không có ảnh hưởng gì cả. "Trung Quốc có đòn bẩy kinh tế," Kotani nhận định thêm "Nếu họ dùng nó, họ vẫn có thể uốn nắn được Bắc Triều Tiên."

 

Kim cũng biết, cuộc khủng hoảng tên lửa đang xảy ra vào một thời gian phức tạp đối với ông Tập, người muốn tránh bất cứ điều gì có thể làm lu mờ ông ta trước Đại hội Đảng toàn quốc, được tổ chức mỗi năm năm một lần của Trung Quốc, sẽ được tổ chức vào tháng tới. Ông Tập rất e dè không muốn thực hiện bất kỳ hành động nào có nguy cơ làm “trật đường rầy” ở Quốc hội, nơi mà ông dự kiến ​​sẽ giành được một nhiệm kỳ thứ hai.


14946766164_3128f3c677_b_abe-xi-675x368

 


Nhưng nếu không hành động cũng có những rủi ro. Nếu Trung Quốc đưa ra một ấn tượng rằng mình chỉ khoanh tay đứng nhìn trong  cuộc khủng hoảng này, nó có thể làm tổn thương quyền lực của ông Tập.  Dư luận chỉ trích sự im ắng của chính phủ Trung Quốc sau vụ thử bom hydro của Bắc Hàn, gây ra một trận động đất ở Trung Quốc, đang gia tăng trên mạng Internet. "Mặc dù nhiều năm đã trôi qua kể từ khi tai nạn nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản [vào năm 2011], chúng tôi vẫn lo lắng về bức xạ. Tại sao chúng ta lại chỉ đóng vai trò bàng quang đối với việc thử bom nguyên tử của hàng xóm Bắc Hàn?" một câu hỏi đưa ra trên mạng.

Nhưng trong trường hợp này, ít nhất, chính quyền Trung Quốc đã hành động theo đúng bài bản.  Đó là, lo sợ về sự gia tăng của các ý kiến ​​tiêu cực, Trung Quốc đã thắt chặt việc kiểm duyệt mạng Internet. Weibo, đối tác của Twitter tại Trung Quốc, đã tìm mọi cách rà soát ngăn chặn các tra cứu trên mạng bao gồm từ "bom hydro".

 

Các Phóng viên Nikkei Mitsuru Obe ở Tokyo và Kim Jaewon ở Seoul đã đóng góp vào phóng sự này.

Phạm Thiên Phước diễn dịch

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC