Trung Quốc: Tằm Ăn Dâu Tại Âu Châu

26/09/20172:11 CH(Xem: 1965)
Trung Quốc: Tằm Ăn Dâu Tại Âu Châu

Trung Quốc: Tằm Ăn Dâu Tại Âu Châu.

 

Ulrich Ladurner và Steffen Richter

 unnamed

Xi Jingping tại Serbien

 

 

Tháng 6 năm 2016 Chủ Tịch Xi Jinping công du ba ngày tại Serbien. Nói lại thật chậm cho rõ: Vị lãnh đạo của một cường quốc thế giới với gần 1,4 tỉ dân bỏ ra ba ngày trời vàng ngọc để tới thăm một quốc gia tí hon nghèo mạt với chưa đầy 10 triệu dân.

Để có chút so sánh: Chuyến công du trước đó (2015) của bà Merkel, Thủ Tướng nước Đức, chỉ vỏn vẹn có mấy tiếng đồng hồ ở thủ đô Belgrad; đấy là một công tác có lẽ nhàm chán, nhưng không có không được, đối với một nước ứng viên vào Liên Hiệp Âu Châu (EU).

Nhưng chuyến viếng thăm của Xi Jinping là một phần của một kế hoạch lớn, một kế hoạch gây mất ăn mất ngủ cho EU. Nó không chỉ vì chuyện đầu tư và tìm kiếm thị trường mà thôi. Mà vì Trung Quốc muốn tìm cách ảnh hưởng chính trị trên EU, Trung Quốc muốn được cùng quyết định – một cách gián tiếp – nơi chính trường EU trong tương lai. Và họ đã khám phá ra được một mảng sườn hở cho í định của mình. Đó là các quốc gia ở phía đông và nam Âu châu; đó là những thủ đô, nơi đó Trung Quốc có thể làm cho các mệnh lệnh từ Brüssel (thủ đô EU) bị yếu đi. Trung Quốc muốn dùng các nước này, điển hình qua Hung, Hi-lạp, Ba-lan, để gia tăng tiếng nói của mình tại EU.

Tháng 6 năm 2016 chính phủ hi-lạp bán cảng Piräus cho Cosco, một công ti hàng hải bán quốc doanh của Trung Quốc, với giá 280 triệu âu kim. EU buộc Hi-lạp phải tư nhân hoá cảng này, thì mới được nhận gói tài trợ thứ ba của EU. Vì thế số tiền 280 triệu này được cả Athen lẫn Brüssel hoan nghênh. Coso muốn biến Piräus trở thành hải cảng quan trọng nhất trong biển Địa Trung, trong đó có cả kế hoạch xây thêm một bến đậu cho các du thuyền lớn, và Cosco đã chi vào đó khá bộn tiền. Tầng lớp trung lưu lắm tiền muốn du lịch đây đó của Trung Quốc có thể dùng Piräus để nghỉ chân.

Đầu tư trực tiếp của các công ti trung quốc vào EU đã tăng trên 35 tỉ âu kim trong năm 2016, trong đó có 11 tỉ đầu tư tại Đức. Đó là một kỉ lục mới. Trung Quốc quan tâm đặc biệt tới kĩ thuật cao. Một thí dụ cụ thể là công ti sản xuất người máy Kuka ở Augsburg (Đức). Nó đã được người Trung Quốc mua với giá gần 5 tỉ âu kim vào mùa hè 2016.

Tại sao Trung Quốc lại bỏ rất nhiều tiền vào các nước vành đai EU? Đông Âu chẳng có bao nhiêu kĩ thuật cao, nhưng các công ti trung quốc lại năng lui tới đó như đi chợ. Đây thường là những công ti quốc doanh hoặc doanh nghiệp tư nhân nhưng có cổ phần của nhà nước trung quốc. Như vậy, các nhà hoạch định kinh tế của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCS) có mặt trong những nghiệp vụ làm ăn này. Nhà máy thép lớn nhất của Serbien, nhà máy điện chạy than có năng suất cao và nhà máy lọc dầu lớn nhất của Rumani, mỏ dầu Patos-Marinza và phi trường quốc tế của thủ đô Albani… tất thảy đều đã được người Trung Quốc mua đứt. Danh sách có thể kể ra rất nhiều nữa.

Những đầu tư đó có thể được hoan nghênh tại các nước này, nhưng chúng đồng thời cũng tạo ra một „không khí điềm gỡ“ trên Âu châu, như lời của một công chức trong Uỷ Ban EU. Là vì Trung Quốc không phải là một nhà đầu tư bình thường, mà họ là một nhà nước độc tài cộng sản với những hậu í chính trị rõ ràng. Ở đâu họ đổ tiền vào, ở đấy họ nhắm tới – và hi vọng cũng đạt  được những mục tiêu chính trị.

Thí dụ với Hi-lạp. Vừa mới đây chính phủ Athen đã ba lần hành động theo í hướng của Trung Quốc và đã cố tình biểu quyết ngược lại các nước khác trong EU. Mùa hè vừa qua chính quyền Athen đã chống lại thông cáo chung của EU kết án thái độ hiếu chiến của Trung Quốc tại Biển Đông (EU quyết định theo nguyên tắc đồng thuận, nghĩa là nếu có một nước hội viên không đồng í, thì quyết định không được thông qua. Người dịch). Tháng sáu vừa rồi, Hi-lạp ngăn cản EU trong việc đưa ra tường trình kết án chính sách nhân quyền của Trung Quốc. Vài ngày sau, Athen lại chống lại những điều kiện đầu tư ngặt nghèo hơn của EU đặt ra cho Trung Quốc. Một nhân viên của Uỷ Ban lãnh đạo EU cho hay: „Dĩ nhiên đã chẳng có một lí chứng thật cụ thể liên quan tới việc đầu tư của Trung Quốc“, nhưng cũng theo vị này, thái độ bỏ phiếu của Athen đã tạo thắc mắc cho nhiều người. Dân biểu Quốc Hội Âu Châu Jo Leinen (SPD), Chủ Tịch của Phái Đoàn Giao Tiếp với Trung Quốc, nói rõ hơn: „Có lí do để sợ rằng, đầu tư của Trung Quốc khiến cho Athen bị lệ thuộc không những về kinh tế, mà cả về chính trị nữa“. 

Nhưng chữ lệ thuộc không phải luôn luôn là một từ ngữ thích hợp. Chẳng hạn Hung là một thí dụ. Hung là một trong những đồng minh dễ bảo nhất của Trung Quốc tại EU. Ít ra từ năm 2010 Thủ Tướng Viktor Orbán đã có một mối tương quan chặt chẽ với Peking. Ông ta muốn biến Hung thành một đầu cầu cho Trung Quốc tại Âu châu. Tình hình khả quan. Đầu năm rồi Trung Quốc trình làng gói 900 tỉ mĩ kim cho đại kế hoạch „Con đường tơ lụa mới“, nhằm dùng thương mại để nối liền châu Á với châu Âu. Trung Quốc muốn lập đường xe lửa nối Budapest (Hung) qua Belgrad (Serbien) tới Athen và chạy tiếp tới cảng Piräus.

Nhưng đó mới là mặt vật chất của tương quan giữa Trung Quốc và Hung. Hai bên còn có sự gần gũi cả về mặt í hệ. Orbán Không dấu diếm, mà còn khiêu khích nói ra điều đó. Trong chuyến thăm Peking dịp tháng 5 năm 2017 ông nói: „Mô hình cũ về toàn cầu hoá đã cáo chung, phương đông đã theo kịp phương tây, và một phần lớn thế giới đã chán ngấy việc nghe phương tây giảng dạy về nhân quyền và kinh tế thị trường.“

Đó là một đòn tấn công nặng nề vào nền tảng giá trị của phương tây, được ra tay bởi Thủ Tướng của một quốc gia thành viên EU. Có lẽ những người cộng sản trung quốc cũng nghĩ như thế, nhưng họ đã chẳng bao giờ nói toạc ra như Orbán.

Trung Quốc còn có thể nhận được cảm tình của những nhân vật cao cấp nhất ở các nước đông âu khác. Trong số đó có Milos Zeman, Thủ Tướng của Tiệp. Tay chỉ trích EU mạnh miệng nhất này đã đưa Ye Janming, một tỉ phú người trung quốc, vào làm cố vấn chính sách kinh tế cho mình, một vị trí nặng tính cách biểu tượng. Ye là Chủ Tịch của tập đoàn CEFC China Energy. Năm 2014 tập đoàn này đã bỏ ra 643 triệu âu kim, để mua 30% cổ phần ngân hàng J&T của Tiệp; nó đầu tư vào một xí nghiệp chế bia rượu, một đại công ti truyền thông, một hãng hàng không, mua đứt 99,9% câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng nhất của Tiệp là Slavia Prag và sau đó cũng mua luôn cầu trường của câu lạc bộ này.

Ngay từ đầu thập niên này Trung Quốc đã dấn thân một cách có kế hoạch vào Đông và Nam Âu. Thời điểm lúc đó khá thuận lợi. Khủng hoảng đồng Euro làm rúng động Âu châu, kinh tế suy sụp, khiến nhiều nước đổ đi tìm tiền tươi. Trung Quốc được dịp ra tay. Peking đề nghị với các nước đông và nam âu một mô hình đã được thử nghiệm thành công ở Phi châu và châu Mĩ La-tinh: Định chế hoá sự hợp tác các nước trong một vùng.

Năm 2012 Diễn Đàn 16+1 được khai sinh ở thủ đô Ba-lan. Diễn Đàn gồm 16 nước âu châu, tất cả đều thuộc Đông và Nam Âu, cộng với 1 là Trung Quốc. Nó có một văn phòng thư kí, mỗi nước cử một đại diện và hàng năm có một cuộc họp cấp lãnh đạo quốc gia. Nghĩa là một liên minh khá chặt chẽ, với thủ lĩnh là Trung Quốc.

Brüssel âu ngại, vì Diễn Đàn 16+1 không phải là một tổ chức dễ chơi đối với EU. „Nó mang tính chất của một con quái vật, bởi vì nó gồm cả các nước trong và ngoài EU. Thật khó mà hiểu được nó“, một công chức thuộc Uỷ Ban Đối Ngoại của EU cho hay như thế. Trong 16 nước âu châu có 11 nước thành viên EU, còn các nước khác trước đây thuộc Nam-tư, nay đang sắp hàng chờ xin vào EU. Dĩ nhiên, cũng theo lời công chức này, phải mừng vì những đầu tư của Trung Quốc. Bao lâu các nhà đầu tư trung quốc còn hành xử theo luật EU, chẳng ai đụng gì tới họ.

Nhưng chuyện ngờ vực của Brüssel là có lí. Reinhard Bütikofer, dân biểu Quốc Hội Âu Châu thuộc Đảng Xanh và là một chuyên viên về Trung Quốc, nghĩ rằng, mình hiểu được hậu í của Trung Quốc. Ông nói: „Trung Quốc muốn ngồi chung bàn trong Hội Đồng Âu Châu!“ Dù sao, trong Hội Đồng càng ngày càng có thêm những tiếng nói hỗ trợ cho Trung Quốc. Đặc biệt Hi-lạp và Hung có thể - ít ra thỉnh thoảng – sẵn sàng làm người nộm cho Peking.

EU chẳng làm được gì nhiều để chống lại. Nó không thể cấm thành viên mình làm ăn với Trung Quốc. Nhất là khi nước mạnh nhất Âu châu từ nhiều năm nay lại nêu gương làm ăn với Trung Quốc. Các thủ tướng nước Đức luôn là những khách quý của Peking, và những vị khách này thường kéo theo từng đoàn đại diện kinh tế đi theo. Vì thế chẳng lạ gì khi Ba-lan, Tiệp và Hung cũng tìm đến Peking. Các nhà phê bình cho rằng, Âu châu có thể thực hiện chính sách kinh tế của họ một cách khác. Reinhard Bütikofer bảo, EU phải đòi hỏi Trung Quốc  thực thi „chính sách Một-Âu-châu“, nghĩa là Trung Quốc phải nói chuyện thẳng với trung ương Brüssel, chứ không được xé lẻ với Warsovie, Praha hay Budapest. „Vì rốt cuộc Trung Quốc vẫn luôn nằng nặc đòi thế giới phải tôn trọng chính sách Một-Trung-Quốc của họ mà!“

Thách đố của 16+1 đối với EU do đó rất lớn, bởi vì Trung Quốc có một hệ thống chính trị hoàn toàn khác, nó có thể là cơn cám dỗ đối với một số nước âu châu. Viktor Orbán có thể biến Hung thành một nền „dân chủ thiếu tự do“. Vậy thì tại sao ông ta lại không dành cảm tình cho một quốc gia độc đảng như kiểu Peking?

  Mặt khác, cường quốc Trung Quốc cũng phải đối diện với thực tế phức tạp của Âu châu. Đã nhiều lần Peking thất bại trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu của nó tại EU, ít nhất là không thực hiện được theo tốc độ như nó mong ước. Peking có tiền, có nguồn lực, có khả năng và í chí, nhưng dù vậy đã phải bỏ cuộc trong nhiều dự án. Lí do rõ ràng là vì những khác biệt trong quan niệm hợp tác. Peking đặc biệt muốn xây đường xe, đường tàu điện và hải cảng, để có thể đưa hàng hoá của mình vào Âu châu và mang than, dầu và thép về.

  Nhưng các thành viên của 16+1 lại mong muốn chuyện khác. Bungari muốn Trung Quốc mở thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp của mình. Ba-lan muốn Trung Quốc tăng gia đầu tư vào lãnh vực kinh tế tư nhân. Slowenien thì lại đặc biệt muốn được đón nhiều du khách trung quốc. Dragan Pavlicevic, giáo sư thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Trung Quốc tại Đại Học Liverpool, vì vậy, đã nói tới một sự „thiếu nhất quán về những mong đợi“ khi khảo sát tương quan giữa các nước trong Diễn Đàn.

Nhưng điều này không thể nằm yên như vậy được mãi. Lãnh đạo Trung Quốc vốn dài hơi, kể cả tại Âu châu. Chuyện sau đây là một minh chứng.

Năm 2010 nhiều nhóm dân biểu âu châu đề nghị với ĐCS trung quốc: các đảng âu châu cùng gặp gỡ với ĐCS trung quốc để trao đổi học hỏi lẫn nhau; những cuộc gặp gỡ này có thể diễn ra thường đều tại Peking. Reinhard Bütikofer cho hay: „Thoạt tiên tôi thấy đề nghị đó rất hay.“ Nhưng khi ông bắt đầu bàn về những nội dung sẽ được trao đổi, thì được trả lời: mọi chương trình sẽ do Peking định đoạt. „Nghe thế, chúng tôi cám ơn từ chối.“

Nhưng rồi cuộc gặp giữa ĐCS trung quốc với các đảng âu châu cũng đã diễn ra, lần đầu ở Budapest, lần thứ hai ở Bukarest. Các thành viên đối thoại với ĐCS trung quốc đến từ Đông Âu: đảng Fidesz của Orbán và Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa của Rumani.

 

Phạm Hồng-Lam dịch từ Die Zeit, 21.08.2017

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC