Hoa Kỳ đang thua trận taị Biển Đông ra sao?

01/10/20173:52 SA(Xem: 2208)
Hoa Kỳ đang thua trận taị Biển Đông ra sao?

Hoa Kỳ đang thua trận tại Biển Đông ra sao?

Bill Bray
BĐ


Thời gian chỉ một năm thôi mà có thật nhiều khác biệt.

Vào tháng 7 cuối mùa hè năm 2016, Tòa án Trọng tài Quốc Tế đã ra phán quyết  ủng hộ Phillippines trên cơ sở biện luận về Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển đối với quần đảo Trường Sa và Bãi Scarborough. Phán quyết này đã dấy lên niềm hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ phải giảm các hoạt động xâm chiếm kế tiếp của họ ở Biển Đông (nhưng phải biết rằng Trung Quốc từ ban đầu đã từ chối không tham gia vào vụ kiện này hoặc công nhận thẩm quyền của tòa án, nói gì tới việc chấp nhận phán quyết.)

Một số người lạc quan như Lynn Kuok thuộc Đại học Quốc gia Singapore đã chỉ ra những bước phát triển nhỏ như Trung Quốc đã cho phép người Philippine và người Việt đánh cá quanh bãi Scarborough trong năm nay, lần đầu tiên kể từ năm 2012, và cho đây là những dấu hiệu khích lệ cho thấy phán quyết này có một hiệu ứng tích cực. Nhưng phần đông giới quan sát nhìn sự việc một cách khác hẳn, và những tiến triển trong mùa hè vừa qua dường như ngả về một dự báo bi quan hơn nhiều.

Trong khi chính phủ Mỹ và thế giới tập trung vào vấn đề Bắc Triều Tiên và sự leo thang căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á, thì Trung Quốc trong mùa hè này đã đạt những tiến triển đáng kể trong việc tiếp tục thiết lập quyền kiểm soát thực sự trên hầu hết Biển Đông. Thật vậy, không kể đến bài phát biểu mạnh mẽ của Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Mattis, trong tháng 6 tại cuộc hội đàm hàng năm Shangri-La ở Singapore, và việc tăng cường  các hoạt động bảo vệ quyền tự do hàng hải của Hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông; chính phủ Mỹ dường như không quan tâm đến việc củng cố sự thực thi luật pháp quốc tế và lập trường từ lâu nay của Hoa Kỳ, rằng tất cả những quốc gia trong cuộc phải thực hiện các bước cụ thể, phù hợp với luật pháp để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Như Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã lưu ý vào tháng 7 năm ngoái tại hội nghị Biển Đông hàng năm lần thứ bảy của CSIS rằng, Hoa Kỳ dường như không chuẩn bị kỹ và rất ngạc nhiên trước phán quyết năm 2016 của Toà án Trọng Tài, và chưa đưa ra được một chính sách hoặc một chiến lược toàn diện về biển Đông. Các hoạt động bảo vệ quyền tự do hàng hải chỉ đơn thuần là một công cụ cho chính sách chứ tự nó không phải là chính sách.

Nhưng, Bắc Kinh cũng như mười quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thì không bỏ qua chi tiết này. Khi thấy đã thắng thế trên phương diện ngoại giao, động thái tiếp theo của Bắc Kinh rất có thể là sự biểu diễn quyền lực an toàn, ví dụ như tuyên bố các điểm mốc  hàng hải và đường eo biển từ các hòn đảo và bãi cạn mà họ đã chiếm giữ và quân sự hóa. Hoặc Trung Quốc cũng có thể thiết lập một khu vực xác định phòng không (ADIZ) tại nơi đó. Hơn nữa, quan hệ Mỹ-Trung ngày càng tồi tệ do vấn đề Bắc Triều Tiên và thương mại, và, sau Đại hội Đảng lần thứ 19 vào cuối tháng 10 sắp tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cẩn Bình, đứng trong một vị trí nhiều thế lực hơn nữa, có thể nhìn thấy cả cơ hội lẫn nhu cầu để biểu diễn trò này.
Shelter-Surfing-shelter-1411460-1152-864

Mùa hè này Trung Quốc đã ghi được hai bàn thắng quan trọng trong cuộc đối đầu ở Biển Đông, mà các phương tiện truyền thông phương Tây hầu như không nhắc đến. Thứ nhất, sau một cuộc thảo luận căng thẳng của bộ chính trị ở Hà Nội hồi tháng 7, Việt Nam đã nhượng bộ trước đe doạ vũ lực của Trung Quốc và ngưng khoan ở lô 136/3, nơi mà công ty dầu khí quốc gia Việt Nam, công ty Repsol của Tây Ban Nha, và Công ty Phát triển Mubadala của các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất được cấp môn bài. Ban đầu, Trung Quốc đã cố gắng gây áp lực lên chính phủ Tây Ban Nha, vì Repsol S.A. đã cung cấp tàu khoan và bắt đầu dự án tại chỗ hồi tháng Sáu. Khi việc làm này không thành công, Tướng Trung Quốc Fan Changlong, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương của Trung Quốc, trong chuyến đi trao đổi hàng năm tại Việt Nam, đã công khai đe dọa sử dụng vũ lực nếu Việt Nam không ngừng dự án (Trung Quốc từng tuyên bố lô 136/3 nằm trong   chủ quyền biển của họ trên Biển Đông, còn gọi là đường 9 đoạn).

Chính xác sự kiện này là: Việt Nam bắt đầu hoạt động khai thác tài nguyên một cách hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, và Trung Quốc phản đối dựa trên căn cứ lịch sử và pháp lý đáng ngờ (những căn cứ mà đã bị Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế bác bỏ), rồi đe doạ chiến tranh nếu Việt Nam không chịu ngừng dự án. Bắc Kinh đã không đe dọa đưa Việt Nam ra Tòa Án Quốc Tế, hoặc đưa vấn đề lên Liên Hiệp Quốc trong một diễn đàn khác, hoặc gia tăng áp lực ngoại giao và kinh tế. Thay vào đó, chính phủ Trung Quốc đã đe doạ dùng hành động quân sự.  Việt Nam đã nghiêm túc cân nhắc vấn đề này và tuân thủ. Hoa Kỳ và cả thế giới cơ bản chẳng lên tiếng phản đối gì nhiều.

Thứ hai, Trung Quốc đã thắng trọn ở Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Manila vào ngày 8 tháng 8. Như đã dự đoán, 10 quốc gia ASEAN và Trung Quốc đã thỏa thuân về khuôn khổ của một Bộ Quy tắc ứng xử  trên Biển Đông . Những người không rành về việc này có thể cho đây là một tiến bộ ngoại giao nhiều ý nghĩa. Nhưng không phải vậy. Thực ra, nó là một diễn tập hoàn toàn trống rỗng bởi vì đây chỉ là sự lập lại các nguyên tắc mà tất cả đã đồng ý mười lăm năm trước đó, và Trung Quốc vẫn từ chối không tham gia vào một bộ quy tắc ứng xử có tính pháp lý.  Một khuôn khổ suông mà đã phải mất  hơn một năm mới thành hình, một thời gian quá lâu khiến ta phải tự hỏi có phải toàn bộ nỗ lực này cuối cùng chẳng khác gì một trò đố chữ.

Việt Nam,  ít ra cũng đã kiên quyết vận động cho việc sử dụng những ngôn từ cứng rắn hơn trong thông cáo chung của các Bộ trưởng, và sau nhiều tranh cãi, những cụm từ thể hiện mối quan tâm về "xây dựng" và "quân sự hoá" ở Biển Đông đã được thêm vào. Nhưng sau đó, trong một vi phạm nghi thức ngoại giao một cách lạ kỳ, ngoại trưởng Phi- Luật Tân, ông Alan Peter Cayetano, nói với báo chí rằng ông đồng ý với lời chỉ trích của Trung Quốc về bản thông cáo chung, trong đó Bắc Kinh đã trơ trẽn chối cãi rằng họ không xây dựng gì cả từ năm 2015. Cayetano đã bỏ sọt rác bản thông cáo chung của ASEAN, coi ASEAN như là tập thể một số quốc gia mới ra đời tìm cách gây hấn với Trung Quốc một cách không cần thiết, chứ không phải là một tổ chức 55 năm nhiều uy tín, gồm các quốc gia đầy tiềm năng ngoại giao và kinh tế, và đang được Philippines chủ trì. Một trong những mục tiêu chiến lược lâu dài của Trung Quốc là chia rẽ khối ASEAN và đối phó song phương với từng quốc gia có tranh chấp, việc làm của Cayetano chắc chắn đã khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc mở sâm-banh ăn mừng. Đây có lẽ không hẳn là làm mất danh dự, nhưng là một cú đánh thốc vào sự đoàn kết của ASEAN.

Cuối cùng, trong và sau hội nghị Ngoạitrưởng ASEAN tại Manila, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson dường như tập trung vào mọi chuyện, ngoại trừ Biển Đông, thật trái ngược với bài phát biểu  trong tháng vừa qua của ông Mattis và lời tuyên bố của chính ông ta về Biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 5. Thay vào đó, ông Tillerson đã ca ngợi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc sau khi Trung Quốc  bỏ phiếu thuận tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, để ban hành lệnh trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên sau cuộc thử tên lửa đạn đạo hồi tháng Bảy. Dĩ nhiên điều này cũng dễ hiểu, nhưng ngay cả việc ngầm cho Bắc Kinh hay rằng chính sách của Hoa Kỳ trên Biển Đông, Đài Loan hay bất kỳ vấn đề nào khác đều có tiềm năng là xèng mặc cả cho sự hợp tác của Trung Quốc trong việc đối phó  với Bắc Triều Tiên, là một thắng lợi lớn cho Trung Quốc. Rất có thể Trung Quốc  tin rằng phi hạt nhân hoá Bắc Triều Tiên bằng các áp lực kinh tế và ngoại giao mà không khiến quốc gia này sụp đổ là điều bất khả, nhưng nếu Bắc Kinh có thể thúc đẩy lợi ích của họ ở các nơi khác bằng cách cho Hoa Kỳ một ấn tượng rằng Trung Quốc đã sẵn sàng để buộc Bắc Triều Tiên tuân thủ thì càng tốt hơn. Hoa Kỳ cần phải khôn ngoan để tránh xa cái bẫy mậu dịch trao đổi này. Thay vào đó, Hoa Kỳ cần buộc Trung Quốc, một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, phải đáp ứng các trách nhiệm an ninh quốc tế của mình một cách vô điều kiện .

Sau những thắng lợi gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông,  bàn cờ quốc tế đã được thiết lập để Bắc Kinh gia tăng củng cố việc kiểm soát thực sự trên vùng biển tranh chấp. Sự kiểm soát này có thể xảy ra dưới nhiều dạng, chẳng hạn như tuyên bố một vùng xác định phòng không (ADIZ), hoặc các điểm cơ sở hàng hải từ các hòn đảo và bãi cạn mà họ đã chiếm đóng, như đã đề cập ở trên, hoặc bắt đầu hoạt động quân sự thường lệ từ các rạn đá ngầm đã chiếm đóng. Hải quân Hoa Kỳ đã tăng tuần tra Biển Đông (chín trăm ngày vào năm 2017, tăng  lên từ bảy trăm ngày vào năm 2016), và các hoạt động bảo vệ quyền tự do hàng hải ở gần những nơi đã bị Trung Quốc chiếm đóng. Về phần Việt Nam thì vào tháng 8, đã gửi bộ trưởng quốc phòng của mình đến Washington  và sau đó đã đồng ý tổ chức một chuyến thăm cảng cho một một hạm đội sân bay Hoa Kỳ. Nhưng cả hai việc này sẽ không ngăn cản được việc Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tại Biển Đông vào mùa đông này và năm 2018.


Trung Quốc đang cảm thấy thoải mái nhiều hơn trong việc đối phó với Hải quân Hoa Kỳ. Hàng năm Hải quân Trung Quốc phát triển thêm về quy mô, năng lực và trình độ. Các hoạt động Bảo vệ quyền tự do hàng hải của Hoa Kỳ sẽ trở nên bấp bênh hơn trong tương lai, rồi có thể sẽ đến lúc mà mức chi phí cần thiết để tiếp tục lớn hơn lợi ích đạt đươc. Về phía Việt Nam, Trung Quốc biết Hà Nội vẫn còn mơ hồ trong việc làm thân với Hoa Kỳ và có thể cũng muốn hạn chế mối quan hệ này, xét cho cùng thì Việt Nam quá gần Trung Quốc và có quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Nga. Khác với Philippines, Hoa Kỳ không có mối quan hệ an ninh chính thức với Việt Nam. Lợi lộc của một vài chuyến thăm hữu nghị của hải quân Mỹ đối với Việt Nam chẳng có nghĩa lý gì so với giá trị của việc tách Philippines, dù chỉ một phần nào đó, ra khỏi quỹ đạo của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.

Đe dọa chiến tranh với Trung Quốc trên Biển Đông là điều khó tin. Nhưng điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ không nên tăng cường nỗ lực khiến Trung Quốc phải trả một giá xứng đáng cho sự thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế một cách trắng trợn như thế. Như Ely Ratner đã chỉ ra trên diễn đàn Foreign Affairs lúc gần đây rằng, Hoa Kỳ vẫn chưa sử dụng đến các công cụ sẵn có trong lĩnh vực này, và việc thiếu một chính sách toàn diện đã cho thấy cách tiếp cận của Hoa Kỳ trong thập kỷ qua thật mơ hồ và bất nhất đến nhường nào. Trên nhiều mặt, vấn đề Biển Đông là một đòn thử tối cao về sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, không kém gì so với cuộc khủng hoảng của Bắc triều Tiên. Các tranh chấp thương mại đến và sẽ đi, do bản chất ngắn hạn và phức tạp của kinh tế toàn cầu. Nhưng bỏ cuộc ở Biển Đông sẽ khiến khả năng tồn tại và uy tín của luật pháp quốc tế bị đe dọa một cách lâu dài hơn.

Phạm Thiên Phước diễn dịch

Bill Bray là giám đốc điều hành làm việc với Nhóm tư vấn về địa chính trị tại Washington, DC. Ông là một sĩ quan tình báo hải quân gần đây đã nghỉ hưu.





















Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC