Sau đây là bài thuyết trình trong buổi hội luận tại thành phố Mainz nước Đức, ngày 30 tháng 9 năm 2017, do Cơ Sở Tống Viết Bường tổ chức nhân dịp kỉ niệm 25 năm thành lập Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại. Nội dung cuộc hội luận sẽ được phổ biến trong những ngày tới đây qua hệ thống Youtube.
-
Nét chính yếu của truyện Hồng Bàng Thị của Vũ Quỳnh trong tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái (1492)
Truyện Hồng Bàng Thị của Vũ Quỳnh có thể được xem là Bản Kinh tóm lược những trục giác về nhân tính linh thiêng làm nên Văn Hiến, nghĩa là làm giềng mối suy tư và đạo lý của người Việt Nam.
Qua các âm hưởng thi ca của câu truyện, trong không quá hai trang gấy A4, Truyện Hồng Bàng Thị gợi lên những trực giác nền tảng làm nên hồn của Minh Triết Việt Nam :
-
Hồng Bàng Thị (Hồng là lớn ; Bàng là rộng khắp, Thị là dân tộc, là họ của những ai làm người hay cộng đồng con người). Thành ngũ này nhằm chỉ tính con người phổ quát, vượt qua những ranh giới cá nhân, gia đình, sắc tộc hay quốc gia ….). Trực giác ấy đưa bản văn lên hàng những Kinh Sách Minh Triết của nhân loại trong bất cứ nền văn hóa nào.
-
Nhân tính là kết tinh bởi tương giao thần thánh giữa Lạc Long Quân (Lạc là niềm vui, thỏa thích, tha thường gọi là Mỹ; Long biểu thị sự cao quí, siêu việt, ta thường gọi là Chân; Quân là điều hành, dẫn dắt, ta thường gọi là Thiện) và Âu Cơ là thân phận con người nơi dương thế (Âu là lo, là nhớ Ai ; Cơ là tính toán làm một việc gì). Do bởi mối tương giao thần thánh nầy, con người được sinh ra, được định nghĩa như là những sinh vật khác thường, linh thiêng, vượt lên vũ trụ và những định luật tụ nhiên mà con người hiểu biết và có thể chế ngự. Nhân tính linh ư vạn vật ấy được diễn tả qua ba đặc tính: * Một là đươc hình thành do giao thoa giữa thần (Lạc Long Quân) và người (Âu Cơ) trong Một Năm (biểu thị của Thời viên mãn) và tại Long Trang (Vùng Đất của Thần thánh). Nhân tính ấy cao cả vì đạt đến mức hoàn bị (hoàn thành sau bảy ngày: số bảy là biểu tượng đạt mức thần linh = thất hóa). * Hai là mối tương giao không thể tách rời giữa những con người với nhau, tương giao phát xuất từ mối tương giao căn nguyên Lạc Long Quân - Âu Cơ. Và đồng thời con người là bình đẳng vì cũng phát sinh do cùng một mối tương giao nầy: Bọc trứng 100 con biểu thị cho nét cao cả của con người qua tên gọi là đồng bào. * Ba là yếu tính linh thiêng, thần thánh của nhân tính qua việc mô tả những con người đồng bào ấy: họ không ăn không uống mà vẫn lớn mạnh.
-
Hiện sinh con người được định nghĩa qua nhiều hình ảnh. * Một là cuộc chiến làm người, cuộc chiến phi thường làm nên đạo lý và con đường hoàn thành nhân tính, cuộc chiến biểu thị qua thân phận Âu Cơ: Âu Cơ biểu thị cho sự yếu đuối căn nguyên của hiện sinh bị điều ác khống chế. Nàng là vợ Đế Lai, một sức mạnh, một ham muốn chỉ lo cho mình và ham mê của cải … mà vứt bỏ Kẻ Khác và những người khác. Nhưng Âu Cơ cũng là hiện thân của tương giao gắn bó với Lạc Long Quân. * Hai là trong cuộc chiến làm người giữa hai tương giao, hoặc theo và nhớ Đế Lai hoặc theo và nhớ Lạc Long Quân, Âu Cơ lại nhớ Đế Lai vì Lạc Long Quân lại thường khuất mặt, ẩn kín trong cuộc sống dương thế của nàng. Âu Cơ thật sự có thể phạm lỗi và đã phạm lỗi vì bỏ mất tương giao thần thánh với Lạc Long Quân. * Ba là vấn đề tiếng nói lương tâm: Hoàng Đế chận Âu Cơ không cho nàng về Bắc gặp Đế Lai: Hoàng Đế có nghĩa là Nền Vàng. Vàng là màu của Thổ, là Trung Cung trong Ngũ Hành, nói lên mối tương giao vương giả Trời-Người cư ngụ trong tâm hồn con người. Hoàng Đế là Đạo Tâm, là tiếng nói lương tri ngăn chận con người làm điều ác. * Bốn là Đạo Tâm, Trong Âu-Cơ, trong hiện sinh con người bị giằng co giữa Thiện và Ác, một tỉnh trạng mà tự căn nguyên con người nào cũng có thể gặp. Lạc Long Quân đến và hứa với con người con đường hành đạo và giải thoát: Lạc Long Quân nhắn với Âu Cơ và con cái nàng phải luôn ở trong tương giao với Ông (Chồng và Cha) qua Nỗi Nhớ ghi khắc nơi Tương Dạ: Tương là cùng nhau, Dạ gợi lên hai ý niệm, lòng người và cũng là ban đêm hoặc là ẩn kín. Nói theo cách khác Nỗi Nhớ ghi khắc nơi Tương Dạ là sức mạnh linh thiêng đưa con người ra khỏi sự chết của cao ngạo, cô đơn, ngã chấp… nói tóm là sự Ác, và thúc đẩy con người gặp Kẻ Khác, Đấng Siêu Việt, Đấng Tối Cao mà con người không thể thấy, không thể biết được, nhưng cư ngụ ngay nơi Tâm sâu kín của mình, từ đó con người mới có thể gắn bó thương yêu nhau, tôn trọng phẩm giá tự do và siêu việt cao cả của mỗi người.
-
Đối chiếu sứ điệp Truyện Hồng Bàng Thị với sứ điệp thiết yếu của các nền văn hóa khác
-
Hy lạp (thế kỷ - V).
Socrate: ἄνθρωπον σοφία, Minh Triết là Học Làm Người. (x. Platon, Đt. Biện hộ Socrate).
Nhân sinh là xung đột giữa hai mối tương giao đối nghịch: tương giao Thần-Người làm nên nhân tính trong sấm ngôn «người ơi, hãy sống nhân tính của mình» và nhân tính cô đơn, tự mãn trong châm ngôn triết học «tự mình biết mình» (x. x. Platon, Đt. Charmide)
Eschyle và Sophocle. Thần lực ban sư sống cho nhân tính là tương giao giữa người và Kẻ Khác: hôn nhân giữa người và Đấng Siêu Việt (Γάμος μεγίστος).
Nhân sinh là xung đột phi thường ( Ἀπόλεμος ὅδε γ᾽ ὁ πόλεμος) giữa hai mối tương giao đối nghịch: tương giao giữa người và Đấng Siêu Việt và tương quan ta với ta = ta làm nên ta: cao ngạo, tự mãn. (x. Prométhée bị trói của Eschyle và Œdipe Vua của Sophocle).
-
Phật học (thế kỷ - VI): Bụt là Người gặp (Ngộ Duyên) Ánh Sáng bờ bên kia soi dẫn và ban sư sống.
Nhân sinh chân thật là Con Đường diệt Dục (ta muốn thân ta, và không biết Ai Khác), - là đón nhận Ánh Sáng từ bờ bên kia soi dẫn và ban sự sống, nối kết với Siêu Việt và tha nhân, - là vượt qua chấp ngã, cô đơn, tự mình ham muốn chính mình thôi, để lên đường gặp Kẻ Khác và gần với người khác (2 con đường tiếp cận nhân tính của Hoàng Tử Tất Đạt Đa).
-
Lão học (thế kỷ -VI): Đạo khả đạo phi Thường Đạo; Danh khả danh phi Thường Danh (ch. I, Đạo Đức Kinh).
Đạo mà con người tụ mình làm ra, không phải Đạo làm người. Tên (ý nghĩa nhân tính) mà con người tư gọi, tự định nghĩa cho mình, không phải là lý lịch thật sự của con người.
Huyền chi hựu huyền; chúng diệu chi môn. (ch. I, Đạo Đức Kinh)
Phải làm tốt, hay xóa bỏ tụ mãn, để đi vào mầu nhiệm cao siêu khôn dò của nhân tính.
-
Nho học (thế kỷ - VI): Nhân tâm duy nguy, Đạo Tâm duy vi, doãn chấp quyết Trung (Kinh Thư); An thổ, đôn hồ Nhân; cố năng Ái. (Kinh Dịch); Chữ Nhân (仁), chữ Vương (王) trong Vương Đạo hình dung mối tương giao giữa con người với Siêu Việt và tha nhân.
-
Thánh Kinh Do thái-Kitô giáo
Nhân tính là Hơi Thở, là Lửa từ Thiên Chúa Siêu Việt thổi vào con người. Nhân tính là tương giao linh động, là giao ước nối kết con người với Thiên Chúa Siêu Việt.
Với Kitô giáo, Người toàn vẹn và chân thật là Đức Giêsu Kitô, Đấng sinh ra từ Hơi Thở của Thiên Chúa và sự ưng thuận của Người Nữ Maria.
Trái ngược với Người chân thật là Người cao ngạo, tự mãn, tự định nghĩa nhân tính mình do ước muốn riêng, tài trí riêng của mình, đẩy Thiên Chúa và kẻ khác ra ngoài mối tương giao làm nên nhân tính.
Trong đoạn Phúc Âm tường thuật cuộc tử nạn Chúa Giêsu, Thánh sử Gioan chỉ rõ Đức Giêsu Kitô là Người, là Sự Thật.
«Sự thật là gì ? » Gioan, 18,38
«Nầy là Người » Gioan, 19,5
Trong cuộc sống làm Người nơi dương thế, ý nghĩa toàn vẹn (hoàn tất) của Người đó được diễn tả là nỗi khát khao, nỗi NHỚ Thiên Chúa Siêu Việt.
«Ta khát» Gioan, 19, 28
«Mọi sự hoàn thành » Gioan, 19,30.