"Chẳng Có Con Đường Thối Lui Nào Cả, Mà Chỉ Có Đi Tới”

30/10/201710:53 SA(Xem: 1751)
"Chẳng Có Con Đường Thối Lui Nào Cả, Mà Chỉ Có Đi Tới”

"Chẳng Có Con Đường Thối Lui Nào Cả, Mà Chỉ Có Đi Tới”

Hội Nghị Về Tương Lai Âu Châu Ở Vatican

2037714_Articolo



Từ mười năm nay Liên Hiệp Âu Châu (Europa Union) rơi vào tình trạng khủng khoảng, khởi đầu với khủng hoảng đồng Âu kim (Euro), tới khủng hoảng tài chánh và nay là khủng hoảng về vấn đề dân tị nạn.

Những thách đố dai dẳng khiến cho viễn ảnh của một Âu châu thống nhất, đoàn kết, hoà bình và thịnh vượng bị mờ nhạt trước con mắt của người dân. Họ lo sợ cho tương lai. Một số trong họ mơ về những biên giới quốc gia dân tộc tưởng là an bình của thời quá khứ; và những chính đảng dân tuý khắp nơi đã kịp thời biết lợi dụng tình trạng tâm lí này. Một số quốc gia thành viên EU từ Đông Âu (Ba-lan, Tiệp. Slô-vắc, Hung) đâm ra dè dặt với Dân Chủ và muốn trở về với chính sách bế môn toả cảng cũng như lối cai trị (bán) độc tài đơn giản trước đây. Ngay trong hàng ngũ công giáo, các HĐGM âu châu cũng chưa thống nhất với nhau về một số chính sách, chẳng hạn về vấn đề tị nạn, về quan điểm đối với Islam.

Nhằm nỗ lực thống nhất nội bộ, góp phần mang lại niềm tin cho người dân âu châu vào tương lai của một dự án có một không hai trong lịch sử của mình và để mở ra những con đường đi tới cho Âu châu, Vatican đã tổ chức một cuộc hội nghị với đề tài „(Re) thinking Europa“ (Nghĩ [lại] về Âu châu) từ ngày 27 tới 29 tháng 10 vừa qua tại Roma, với sự tham dự của 350 quan khách từ các lĩnh vực tôn giáo, chính trị, ngoại giao kinh tế và xã hội.

Cuộc hội nghị do Uỷ Ban Giám Mục Âu Châu (COMECE: Commissio Episcopatum Communitatis Europensis) tổ chức. Trong EU có khoảng 273 triệu tín hữu công giáo sống trong 28 quốc gia thành viên (54% trên tổng số dân). COMECE được hình thành từ 1980, một năm sau khi có cuộc bầu cử trực tiếp các dân biểu quốc hội âu châu đầu tiên. Nó đại diện cho 28 Hội Đồng Giám Mục quốc gia. Văn Phòng Thư Kí Thường Trực của COMECE đặt tại thủ đô Brüssel, Bỉ, nơi đặt tổng hành dinh lãnh đạo chính trị của EU. Có thể nói Văn Phòng này là bộ phận „lobby“ của Giáo Hội công giáo âu châu bên cạnh chính quyền và Quốc Hội EU. Đây là nơi để Giáo Hội có những liên lạc trực tiếp và tìm cách ảnh hưởng trên EU. Nội dung trao đổi và ảnh hưởng của Giáo Hội lên EU là các đề tài liên quan tới Học Thuyết Xã Hội Công Giáo. Những đề tài làm việc của COMECE bao gồm từ lãnh vực tôn giáo, quốc gia tới vai trò của EU trong thế giới và trong các xã hội. Năm 2016 COMECE lên tiếng về chiến lược toàn cầu mới, nhằm giúp EU trong việc tạo lập chính sách ngoại giao và an ninh của mình; ngoài ra họ đã cùng với Hội Đồng Giám Mục Hoa-kì lên tiếng về dự ước thương mại tự do TTIP giữa Hoa-kì và EU.

Từ 2012 COMECE được lãnh đạo bởi Hồng I Reinhard Marx (64), Chủ Tịch HĐGM Đức; và Tổng Thư Kí của nó hiện nay là nhà dân luật Olivier Poquillon, linh mục dòng đa-minh người pháp.

Để hiểu thêm về cuộc nghị hội, mời độc giả đọc nội dung phỏng vấn Hồng I Marx do hai phái viên của Radio Vatican và của KNA thực hiện, đăng trên www.katholisch.de ngày 24.10.2017.

Bildergebnis für Bilder zu Re-thinking Europe


Hỏi: Thưa Hồng I, cuộc nghị hội của COMECE ở Roma diễn ra trong một hoàn cảnh khó khăn của Âu châu. Giáo Hội muốn gì về mặt chính trị qua cuộc thảo luận này?

Reinhard Marx: Ngay từ đầu – từ khi có dự án Liên Âu (EU) – Giáo Hội chúng ta vẫn luôn tích cực yểm trợ EU. Dự án hoà bình này, được hình thành sau những tai hoạ của thế kỉ 20., cũng là mong ước của nhiều vị giáo tông. Trong con mắt nhiều người, sự thống nhất âu châu được kể như là một giấc mơ: Một giấc mơ đã hiện thực sau bao nhiêu thế kỉ dằng co và chiến chinh. COMECE muốn một lần nữa nhấn mạnh tới điểm này và đồng thời khích lệ mọi người hãy tiếp tục chung tay đóng góp cho „Dự án âu châu“. Là vì chính chúng tôi cũng cảm thấy rằng, Âu châu đang gặp khủng hoảng. Âu châu đã gặp nhiều khủng hoảng, nhưng cái khủng hoảng của những năm gần đây có những thách đố nặng nề, trên lãnh vực tiền tệ (Euro), tài chánh và giờ đây là vấn đề tị nạn. Thêm vào đó là câu hỏi: Âu châu chúng ta muốn đi về đâu? Đâu là mục tiêu hướng tới của nó? Lúc này là giai đoạn định hướng, để chúng ta phải quyết định, muốn Âu châu về đâu trong những thập niên tới. Trong giai đoạn tìm kiếm này, Giáo Hội trước hết phải tạo lập những diễn đàn đối thoại, để tạo cảm thông giữa nhiều khuynh hướng.

Hỏi: Với tư cách Tổng Giám Mục giáo phận München-Freising ngài muốn đóng góp gì cho cuộc nghị hội?

R. Marx: Có ba điểm đặc biệt quan trọng đối với tôi. Thứ nhất: Âu châu là một dự án mà ta không thể bỏ được. Đây là một dự án có một không hai trong lịch sử loài người; trong đó các dân tộc, các quốc gia sẵn sàng cho đi một phần chủ quyền của mình, để sẽ không bao giờ còn đánh nhau, nhưng cùng nhau kiến tạo phúc lợi chung qua việc bảo vệ các nhân quyền được hình thành qua đường lối dân chủ và pháp quyền. Quà tặng này quý hoá là dường nào! Thứ hai: Nói theo lối học thuyết xã hội công giáo, chúng ta cần một sự liên đới (Solidarität) và bổ trợ (Subsilidarität) lớn hơn nữa trong Âu châu. Nhà kinh tế nào cũng hiểu rằng, một kết hợp tiền tệ sẽ không thể nào thành công, nếu không có một kết hợp chặt chẽ hơn về mặt chính trị, nếu không có một sự đồng thuận lớn hơn về kinh tế và tài chánh, kể cả về mặt xã hội. Do đó, đây là thách đố lớn nhất cho những năm sắp tới. Thứ ba: Đâu là tín hiệu Âu châu muốn gởi ra cho thế giới? Đâu là nền tảng giá trị của Âu châu? Chính thời buổi hiện nay là lúc cộng đồng thế giới cần tới những viễn kiến, cần một tác nhân hướng nhân loại tới một nền công ích chung, chứ không chỉ biết lo cho tư lợi mà thôi. Hãy nghĩ tới vấn đề môi sinh, chẳng hạn, tới „căn nhà của Tạo Hoá“, như Giáo Tông Phan-sinh đã đề cập, và tới nỗi âu lo cho người nghèo và cho những thế hệ con cháu sắp tới. Âu châu, đặc biệt là Liên Âu (EU), có trách nhiệm ở điểm này. Một cách nào đó, đây là thời điểm ra tay của Âu châu.

Hỏi: Cũng là một vấn đề cho Âu châu hiện tại là việc tái phân rẽ giữa Tây và Đông Âu. Phải chăng viễn kiến của Giáo Tông Gio-an Phao-lô II đã thất bại, đã hết thời? Giáo Tông muốn có một Âu châu với hai buồng phổi (để bổ túc nhau. Chú của người dịch)?

R. Marx: Không, không hết thời. Tôi nhớ lại thời điểm sang trang của những năm 1989/1990; lúc đó người ta bảo, cần phải có một trật tự mới cho thế giới, và người ta mặc nhiên coi trật tự của phương tây là mô hình phải theo. Nhưng đó là những suy nghĩ quá đơn giản. Chúng ta phải coi trọng con đường lịch sử riêng của các quốc gia đông âu. Bản sắc của họ đã nhiều lần nhiều cách bị chấn thương trong thế kỉ 20. Nhiều người trong họ cảm thấy chóng mặt bởi các diễn tiến, một số khác cảm thấy bị đẩy ra lề thế cuộc. Do đó mình phải để tâm tới những bước tìm kiếm của họ. Câu hỏi của chúng ta ngày nay phải là: Làm sao để tìm được „í chí chung“ (common sense“) trong một Âu châu đa nguyên? Không thể tìm được nó trong các mô hình quốc gia riêng rẽ của quá khứ. Là thành viên của EU, phải chấp nhận những nguyên tắc nền tảng của EU, đó là Dân Chủ và Pháp Quyền. Nhưng thú thực tôi cũng hơi âu lo. Việc một vài quốc gia dân tộc tự coi mình cao hơn các quốc gia dân tộc khác, không phải là chiều hướng để các Ki-tô hữu chúng ta hỗ trợ.

Hỏi: Đó cũng là một trong những lí do thành công của các chính đảng mị dân lúc này. Phải chăng Giáo Hội đã đánh giá thấp nhu cầu tìm về quê hương, tìm lại bản sắc nơi các tầng lớp dân chúng?

R. Marx: Theo tôi, vấn đề trước hết ở đây là mình hiểu như thế nào về quê hương, về bản sắc dân tộc? Khó mà xác định được. Đúng là cũng có những kẻ bị thua thiệt trong thời đại chạy đua toàn cầu hoá này. Nhưng nỗ lực tích cực kiến tạo một xã hội tự do – nghĩa là luôn phải tự đặt vấn đề, phải tranh luận, phải giữ sự đa nguyên kể cả trong môi trường gần gũi nhất với mình - cũng là một thử thách nặng nề. Và tôi tin, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho một số người muốn quay trở về lại với những xã hội đồng phục và đóng kín trước đây. Nhưng họ sẽ không thành công: Chẳng có con đường thối lui nào cả, mà phải luôn đi tới. Chiều hướng này hiện diện trên khắp thế giới, chứ không phải xuất phát từ Âu châu.

Hỏi: Các chủ trương dân tuý cũng xuất hiện trong nội bộ giáo hội. Đây có là một đề tài bàn luận trong những ngày nghị hội ở Roma không?

R. Marx: Trong Giáo Hội cũng có những khuynh hướng quay lui và người ta muốn làm sống lại truyền thống theo cách mới. Điều này có thể có tác động tích cực. Nhưng nếu thái độ đó đưa tới việc đòi hỏi tái lập trật tự cũ, đưa tới việc xây lô-cốt chống lại những quan điểm chính đáng khác, thì nó sẽ trở thành chủ nghĩa dân tộc, trở thành chủ nghĩa dân tuý – kể cả ở trong Giáo Hội. Lúc đó, chỉ còn mình là chân lí, mọi người khác đều sai. Nó cản trở sự bao dung trong suy nghĩ, chận đứng mọi nỗ lực mở ra cho cái mới. Người ta sẽ đóng cửa và tìm mọi cách bảo vệ những gì mình có. Đôi khi truyền thống giáo hội cũng được dùng, để hỗ trợ cho căn cước chính trị của mình và ngược lại. Hai bên lợi dụng lẫn nhau: Có những nhóm trong Giáo Hội dùng chính trị để thực hiện quyền lợi của mình; một số nhà chính trị dùng tôn giáo, không phải chỉ trong Ki-tô Giáo mà thôi, để tạo sức bật cho những sáng kiến của mình. Chúng ta có thể thảo luận nhiều với nhau về chuyện này, nhưng kì cùng ra: Kinh Thánh không thể bị lạm dụng cho mục đích chính trị.

Hỏi: Giáo Tông Phan-sinh, một người châu mĩ la-tinh, có lúc ví Âu châu như là một bà già hiếm muộn. Ngài có nghĩ rằng, trong con mắt của Giáo Tông lúc này, Âu châu đang bước trên một con đường tốt đẹp hơn?

R. Marx: Vấn đề được đặt ra: Liệu Âu châu có thích sống, có thích nghĩ về tương lai của mình không? Có lẽ cần phải khuyến khích nó như vầy: Này Âu châu, Bạn là một phần của tương lai, chớ lùi bước co cụm vào chính mình, chớ có thu mình vào sau một bức tường để bảo vệ sự phúc lợi của mình. Một Âu châu „bế môn toả cảng“ hẳn sẽ trở thành „hiếm muộn“. Tôi tin Giáo Tông Phan-sinh đã muốn dùng hình ảnh ấy để nói rằng: Bạn có muốn sẵn sàng mở ra cho người khác hay Bạn muốn co cụm cho riêng mình? Co cụm không thể là con đường của Âu châu. Giáo Tông Gio-an Phao-lô II đã nói một câu thật hay: Âu châu có nghĩa là mở ra. Và câu này trước sau vẫn luôn là đường hướng hoạt động của tôi trong Âu châu và cho Âu châu. Và đây cũng là mục tiêu muốn đóng góp của COMECE cùng nghị hội „Nghĩ [lại] về Âu châu“ của nó.  


Biên soạn và dịch: Phạm Hồng-Lam  

 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC