Về Những Tranh Luận Liên Quan Tới Tông Huấn “Amoris Laetitia”

29/11/201712:14 SA(Xem: 2375)
Về Những Tranh Luận Liên Quan Tới Tông Huấn “Amoris Laetitia”

Về Những Tranh Luận Liên Quan Tới

Tông Huấn “Amoris Laetitia”


Phạm Hồng Lam


(Bài viết thể hiện suy tư riêng của tác giả, không nhất thiết phản ảnh quan điểm chung của PTGDVNHN).


Kính mời quý đọc giả tham khảo bản dịch chính thức của HĐGMVN cho Chương 8 (khởi đi từ mục 291) trong Tông huấn “Niềm vui của Tình yêu – Amoris Laetitia” bản Việt ngữ trên trang mạng:


http://lamhong.org/tong-huan-niem-vui-cua-tinh-yeu-amoris-laetitia-ban-viet-ngu/




Yu8erE3lugr8GQmzUd16_y35gGWI-oA7pFGB7geVWkKU6SE5E3Y1EfXuf8LUu6hv-SMf6siKV44xXgkHMZaWfNnIg9JejRdqKmoQ4mJHTjZnwq7qlMs8C_Wp8Z3DkZpfqZiznZ3i


Về Những Tranh Luận Liên Quan Tới

Tông Huấn „Amoris Laetitia“



I.

Ngày 8.4.2016 giáo tông Phan-sinh cho phổ biến „Amoris Laetitia“ (AL: Niềm Vui Tình Yêu Gia Đình), tông thư huấn giáo tổng kết những suy tư của các nghị phụ thượng hội đồng nhóm họp trong tháng 10/2014 và 2015 bàn về ơn gọi và vai trò của Gia Đình trong bối cảnh cuộc sống ngày nay.

Chương 4 và 5 của AL là hai bản tình ca thật đẹp về tình yêu gia đình, nên đọc. Tuy nhiên, AL chủ yếu là một lá thư mục vụ, nhằm hướng dẫn việc tiếp cận và giải quyết những hoàn cảnh hay trường hợp mục vụ tế nhị và khó khăn.

Một trường hợp cụ thể trong đó, là làm sao giải quyết vấn nạn các gia đình li dị và đã tái hôn về mặt đời, nhưng họ vẫn muốn gần gũi với Giáo Hội?

Vấn đề này được tông thư bàn rốt ráo trong toàn bộ Chương 8: Đồng Hành, Biệt Phân Và Hội Nhập Sự Yếu Đuối. Một cách rất thận trọng nhưng cũng đầy cảm thông, giáo tông Phan-sinh đề ra những phương cách hành xử cụ thể đối với một vấn nạn, mà Giáo Hội ngày nay không thể làm ngơ hoặc coi thường, vì mức độ phổ biến của nó đã trở nên phổ quát. Nếu không có giải pháp mục vụ tái hội nhập họ, Giáo Hội sẽ mất đi một thành phần tín hữu lớn. Cũng như trước đây, trong quá trình kĩ nghệ hoá ở Âu châu, Giáo Hội đã đánh mất giới công nhân lao động, vì thiếu đường lối mục vụ đối với họ. Song cũng may, nhờ vậy mà „Học Thuyết Xã Hội Công Giáo“ có cơ hội hình thành, để cứu vãn tình thế. Ngày nay, cũng nhờ những hoàn cảnh như li dị tái hôn mà Giáo Hội đã khám phá ra khuôn mặt giàu thương xót của Thiên Chúa, cho dù từ hai ngàn năm nay Giáo Hội vẫn không ngừng giảng dạy Thiên Chúa là tình yêu. Học thuyết xả hội công giáo đã định vị và đang trên đường phát huy tác dụng. Còn lòng thương xót của Thiên Chúa? Hãy còn chín người mười ý.

Trong số 305 của chương 8 có một ghi chú mang số [351] đã gây lên một cơn bão tranh luận (và kết án) cho mãi tới hôm nay. Số 305 có một đoạn nội dung như sau: „Vì do những giới hạn của các yếu tố giảm khinh [như được đề cập ở trên] nên dù đang ở trong một hoàn cảnh khách quan tội lỗi - hoàn cảnh này không do chủ quan gây ra hoặc không hoàn toàn do chủ quan gây ra - người ta [những cặp li dị tái hôn] có thể vẫn sống trong ân sủng của Chúa, vẫn có thể yêu thương và lớn lên trong đời sống ơn thánh và đức ái, nếu như họ nhận được sự trợ giúp của Giáo Hội để thăng tiến.“ Và cuối câu này là ghi chú [351] với nội dung:

 

[351] Trong những trường hợp nhất định có thể đó cũng là sự trợ giúp của các bí tích. Vì thế „tôi nhắc nhở [các linh mục], không được biến toà giải tội thành phòng tra tấn, song dùng nó như là chỗ cho lòng thương xót của Chúa“ (Th. Evangelii gaudium [14. November 2013], 44: AAS 105 [2013], S. 1038). Tôi cũng đồng thời nhấn mạnh, là phép Thánh Thể „không phải là quà tặng cho những kẻ toàn hảo, mà là một phương tiện chữa lành rộng rãi và một của ăn cho những người yếu đuối ( nt, 47: AAS 105 [2013], tr. 1039).

 

Nghĩa là, theo Giáo Tông, trong một số trường hợp nhất định, có thể cho phép những người li dị và tái hôn dân sự nhận lãnh bí tích thánh thể.

Hẳn đã có những tranh luận sôi nổi trong Thượng Hội Đồng giữa bên tán đồng và phía chống đối. Là vì trong thời gian trước nghị hội đã có một nhóm 11 hồng i ra một tập sách nói lên sự bất đồng của họ. Đối lại, cũng có nhiều nhóm hồng i và nhà thần học khác đưa ra những nhận định nghiêng về phía mở ra đặc ân cho một số trường hợp „bất thường“. Và quan điểm này rốt cuộc cũng đã được các nghị phụ thượng hội đồng thông qua với đa số hai phần ba.

Ở đây cần nói ngay, Thượng Hội Đồng không phải là một công đồng thu nhỏ, cho dù giáo tông Phan-sinh và trước đó là giáo tông Biển-đức muốn nâng cao vai trò của định chế này. [Theo Biển-đức XVI., trong tương lai Giáo Hội khó có thể tổ chức được những công đồng chung như đã có, vì số giám mục quá lớn; và ngài có í hướng muốn dùng các hình thức thượng hội đồng để thay thế. Trong danh sách những ứng viên hồng i vừa rồi, ta thấy vị đứng đầu bảng là TGM Quốc Vụ Khanh Parolin, vị thứ hai là TGM Bassideri, hiện là Tổng Thư Kí Thượng Hội Đồng Giám Mục, rồi mới đến trưởng Bộ Giáo Lí Đức Tin TGM Müller. Xưa nay tổng thư kí Thượng Hội Đồng Giám Mục luôn là một TGM. Nay giáo tông Phan-sinh nâng lên hàng hồng i và có vị trí trong danh sách trước vị trí của Bộ Giáo Lí Đức Tin]. Do đó, tiếng nói hay biểu quyết của Thượng Hội Đồng cũng giới hạn và chỉ có tính cách tham khảo đối với giáo tông mà thôi. Đây trước sau cũng chỉ là một diễn đàn „cum Pedro“ (các anh em giám mục họp bàn cùng với giáo tông), nhưng vẫn là „sub Pedro“ (dưới quyền giáo tông).

Có được sự tán đồng của đa số nghị phụ, nhưng Giáo Tông vẫn biết, đây là điểm tế nhị, vì nó còn là một đề tài cấm kị tại nhiều giáo hội địa phương. Vì thế, Giáo Tông đã nhẹ nhàng mở nó ra trong một ghi chú (đọc thêm bài của Thomas Jansen). Nhưng việc mở cửa một giáo huấn thần học đạo đức quan trọng như thế bằng một ghi chú cũng đã là một lí do gây tranh cãi và phản đối.

Đã có một số nước như Đức, Bỉ, Malta. Á-căn-đình… và một số giáo phận hưởng ứng tinh thần tông thư và đã soạn ra những chỉ dẫn cụ thể để áp dụng tại địa phương mình; một số nước khác (chẳng hạn Ba-lan) và một số giáo phận (Philadelphia) không hưởng ứng. Đa số còn lại đang lưỡng lự, chưa biết phải giải quyết ra sao.

Tám tháng sau ngày phổ biến tông thư, ngày 14.11.2016, bốn hồng i: Raymond Leo Burke (Hoa-kì), Walter Brandmüller (Đức), Joachim Meisner (Đức) và Carlo Caffara (Í) bạch hoá một tài liệu được gọi là „Dubia“ nói lên sự ngờ vực và bất đồng của họ. Tài liệu này nguyên là lá thư của họ gởi cho giáo tông Phan-sinh và yêu cầu ngài trả lời; và vì Giáo Tông không trả lời, nên họ „buộc phải bạch hoá“ lá thư. Hồng i là những cố vấn của giáo tông; họ bổn phận phải nhắc nhở hay cảnh báo giáo tông về những gì liên quan tới giáo huấn. Nhưng nhiều chức sắc giáo hội tại Vatican và vài nơi khác đã phản đối hành động bạch hoá thư riêng của bốn vị này; họ coi việc làm của bốn vị là thiếu trung thành và cố tình gây khó cho Giáo Tông.

Đây là lập luận chung của „Dubia“: Nội dung tông huấn không rõ, khiến cho nhiều tín hữu và nhiều giám mục hoang mang, không biết phải giải thích và áp dụng ra sao; việc Giáo Tông cho phép những người li dị tái hôn rước lễ là hành động tương đối hoá một chân lí trong Giáo Hội: không thể có một giáo huấn trước đây là đúng (hôn nhân không thể tháo gỡ) mà nay lại là sai (hôn nhân có thể tháo gỡ); đó là việc rao truyền một giáo huấn sai về hôn nhân, luân lí và bí tích thánh thể (cụ thể: người li dị tái hôn là kẻ đang ở trong tình trạng tội nặng khách quan, mà họ giờ đây lại được tha tội và nhận bí tích thánh thể, như vậy giáo huấn về tội của Giáo Hội có còn giá trị nữa hay không). „Dubia“ xoáy mạnh vào điểm: Amoris Laetitia đi ngược với các giáo huấn của các giáo tông trước đây, thế thì các giáo huấn trước đó có còn giá trị nữa hay không!

Từ trước tới nay, thường chỉ có giáo tông là người có thẩm quyền giải quyết những trường hợp „bất thường“. Khi gặp những nố khó khăn, các giám mục cứ đẩy về Vatican để đợi giải quyết. „Dubia“ cũng nhắc nhở giáo tông Phan-sinh về truyền thống này. Nhưng nay chính sách của giáo tông Phan-sinh là tản quyền; ngài chủ trương trao lại quyền chủ động và trách nhiệm trong nhiều bình diện mục vụ cho các giám mục. Và nhiều giám mục cũng như nhiều hội đồng giám mục chưa quen với lối làm việc này. Một phần người ta sợ mang trách nhiệm, một phần vì không biết phải giải quyết ra sao cho đúng. Và không nói ra, người ta sợ rằng, cánh cửa hé mở này có thể làm vỡ cả một con đê.

Mới đây, một năm sau ngày bạch hoá „Dubia“, hai hồng i Brandmüller và Burke lại lên tiếng lập lại những suy nghĩ và yêu cầu của mình. Hồng i Meisner và Caffara nay đã qua đời. Quan điểm của bốn hồng i mới đây đã được một số nhân sĩ tại Âu châu tán trợ và họ đã gởi cho Giáo Tông một lá thư ngỏ bày tỏ sự lo ngại của họ. Có người thậm chí cho rằng, giáo tông Phan-sinh đang đi vào con đường rối đạo (Häresie)! Đối lại, một số nhà thần học nổi tiếng ở Âu châu đã lập một trang thông tin www. pro-pope-francis.com, để yểm trợ Giáo Tông. Hiện đã có gần 61 ngàn (02.11.2017) người đủ mọi thành phần lên tiếng trên trang này.

 

II.

Cho tới nay, chủ trương của Giáo Hội đối với vấn đề li dị tái hôn như sau: Những cặp tái hôn dân sự này phải sống với nhau như „anh em“, nghĩa là không chung đụng tình dục, thì mới được phép rước lễ. Năm 1994 đã có một yêu cầu xét lại của ba giám mục ở Đức (Oskar Saier, Walter Kaspar, Karl Lehmann). Nhưng Bộ Tín Lí lúc đó đã khẳng định: „Những người li dị tái hôn dân sự đang ở trong một tình trạng trái với luật Chúa một cách khách quan. Vì thế bao lâu họ còn đang ở trong tình trạng đó, họ không được rước lễ.“

Khẳng định này không khác gì quan điểm trong tông huấn „Familiaris consortio“ (FC) ngày 22.11.1981 của giáo tông Gio-an Phao-lô II (xem số 84 FC). Tuy nhiên, trong FC giáo tông Gio-an Phao-lô II. cũng có một hé mở, khi ngài nói tới những trường hợp cá biệt, cần phải phân biệt kĩ. FC còn thừa nhận, giáo huấn sống như „anh em“ này không nhất thiết thích hợp cho mọi trường hợp, vì nó có thể gây hại cho tương giao giữa hai người và gia đình họ.

„Amoris Laetitia“ tiếp tục mở ra; nó trình bày và phân tích cặn kẽ những hoàn cảnh „bất thường“ và đề nghị một lối nhìn mục vụ mới. Lập luận mở ra của giáo tông Phan-sinh có nền tảng vững về mặt thần học luân lí. Nói như hồng i W. Kaspar, nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Hiệp Nhất Các Giáo Hội Ki-tô Giáo: „AL chẳng làm thay đổi một dấu phẩy nào trong giáo huấn truyền thống của Giáo Hội. Dù vậy, tông thư này làm thay đổi tất cả, khi nó đưa giáo huấn truyền thống vào một lối nhìn mới.“ Có một tư tưởng được giáo tông Phan-sinh nhắc đi nhắc lại trong nhiều tông thư của ngài – và đây cũng là điểm mới, khai phá và rất „dòng tên“ của nhiệm kì giáo tông này: „Thời gian có giá trị hơn không gian“ (Evangelii gaudium, số 222; Laudato si, số 138). AL lặp lại tư tưởng này và giải thích thêm: „nghĩa là, mở ra những tiến trình [để cùng suy tư đi tới] là điều quan trọng hơn là việc chiếm ngự các không gian [có sẵn]“ (số 261). Để hiểu rõ quan điểm và lập luận của ngài, cần đọc kĩ chương 8 AL.

 

Bốn hồng i trên đây nêu ra năm câu hỏi („Dubia“) và yêu cầu Giáo Tông chỉ trả lời „có“ hay „không“, không cần phải giải thích. Hồng i Baldisseri, Tổng Thư Kí của Thượng Hội Đồng, cho hay: còn phải trả lời gì nữa, AL đã nói ra hết tất cả rồi! Nhưng cũng không dễ trả lời các câu hỏi đó đơn giản bằng có hay không được. Chẳng hạn câu „Dubia 3“: - Sau khi đọc AL (số 301) phải chăng ta có thể nói được rằng, một người dù đang sống trong tình trạng đi ngược lại luật Chúa (li dị tái hôn) cũng không còn đang ở trong tình trạng tội trọng (tội chết) nữa? Đúng - hay - sai!

Giáo huấn hay giới răn, có thể nói, đúng cho hoàn cảnh chung, nhưng không phải cho hết mọi hoàn cảnh sống có thể xẩy ra. Có thể có những trường hợp luật trừ không thể áp dụng giới răn, nhưng luật trừ này lại bảo vệ được í hướng tốt của giới răn.

Thánh Tô-ma ở Aquino cho ta một thí dụ: Một thành bị vây hãm; để bảo vệ sự sống của dân, luật chung là phải luôn đóng chặt cửa thành. Nhưng trước sự tấn công của địch, cần phải mở cửa thành, để dân quân ra ứng chiến; có như thế mới chống trả lại được kẻ thù, bảo vệ được thành. Trong trường hợp này, đóng cửa là có hại; mở cửa trái với luật chung, nhưng lại bảo vệ được sự sống vốn là í hướng của luật đóng cửa.  

Cũng vậy, Thiên Chúa cấm giết người. Lệnh này có giá trị tổng quát cho mọi thời mọi nơi. Nhưng nó không dự trù tới những trường hợp ngoại lệ. Trước đây tổng thống Pháp đã mật lệnh cho phép giết ba tay khủng bố islam vừa tàn sát hơn một trăm nhân mạng vô tội ở Paris và họ đã bị lực lượng cảnh sát truy lùng và hạ sát. Hay thỉnh thoảng bên Hoa-kì có những kẻ buồn đời xách súng xả loạn xạ vào lớp học, nhà thờ, hội trường… và hầu hết họ đã bị cảnh sát cố tình giết chết. Nếu không bị giết kịp thời, những tay súng này có thể tàn sát thêm nhiều người vô tội khác. Giới răn cấm giết người không áp dụng được ở đây.

Cũng là hành động lấy đi sự sống của một người nhưng ta có nhiều từ để ám chỉ nó với những hàm í khác nhau. Khi cảnh sát giết các tay súng kia, ta gọi là „kill“ (töten, tuer). Nhưng việc xả súng của các tay khủng bố thì lại là „murder“ (ermorden, assassiner). Cũng là giết người, nhưng kill khác với murder.

Tắt lại, có những điều tự nó là đương nhiên xấu (hoặc tốt), nhưng trên thực tế cuộc sống, chúng không đúng cho mọi trường hợp. „Amoris Laetitia“ bảo, trường hợp li dị tái hôn cũng vậy.

 

III.

Nay thì cuộc tranh luận công khai về ghi chú 351 của AL phải chấm dứt, khi Quốc Vụ Khanh Parolin xác nhận rằng, việc giáo tông Phan-sinh cho đăng tài liệu của các giám mục tại Buenos Aires giải thích về AL và lá thư tán đồng của ngài gởi cho các giám mục này vào Công Báo AAS của Tòa Thánh (số tháng 10/2016) có nghĩa là hai tài liệu đó đã trở thành „giáo huấn thật sự“ của Giáo Hội.

Mà các giám mục Buenos Aires đã giải thích như thế nào về AL? Quan điểm của họ như sau: Giáo huấn hôn nhân không tháo gỡ của Giáo Hội trước sau vẫn có giá trị; nhưng khi áp dụng, tránh rơi vào hai thái cực: nhắm mắt cấm đoán hoặc thả mặc (laissez faire), mà cần phải xét kĩ từng trường hợp, khi muốn đặc ân cho một trường hợp nào đó. Qua thư trả lời của mình, giáo tông Phan-sinh xác nhận, đó đúng là điều ngài muốn nói trong AL.

“Giáo huấn thật” này giờ đây có giá trị chung cho toàn Giáo Hội. Nó buộc tín hữu phải tuân giữ, hay nói theo kiểu giáo luật „phải cẩn thận tránh làm những gì đi ngược lại giáo huấn“ đó. Buộc phải tuân giữ, chứ không buộc phải tin, như tin các tuyên tín trong Kinh Tin Kính hay các tín điều được các giáo tông long trọng tuyên bố (chẳng hạn tín điều đức Mẹ hồn xác về trời). Nhưng vẫn có quyền nghi ngờ nếu muốn, là vì giáo huấn này không chứa đựng một nội dung tín điều nào cả, mà chỉ là việc mở ra một khả thể trong việc áp dụng mục vụ: Giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân vẫn không thay đổi; nhưng có thể cho phép một số trường hợp li dị tái hôn rước lễ, sau khi đã cứu xét cẩn thận từng trường hợp.

Còn cứu xét như thế nào và theo những tiêu chuẩn nào, thì đấy là trách nhiệm của từng giám mục giáo phận.

 

(Nói thêm: Những tranh luận thần học nhiều khi rất xa lạ với cuộc sống thực tế. Trình bày trên đây trước sau vẫn chỉ là những kiến thức lí thuyết. Cần phải đụng chạm với những ca áp dụng cụ thể trong đời sống, thì thực tế mới sáng tỏ được. Do đó tôi tính đưa thêm vào đây một trường hợp về li dị tái hôn - mà tôi biết – để chúng ta cùng phân tích luận bàn. Song như thế thì bài quá dài; phải khất.)

 

Phạm Hồng-Lam

Augsburg, chủ nhật II. mùa vọng, 10.12.2017

 

Tham khảo

- Tông thư „Amoris Laetitia“, chương 8. [Có thể tham khảo bản dịch chương 8 của chúng tôi (https://phongtraogiaodan.com/a295/tong-huan-amoris-laetitia-niem-vui-tinh-yeu-gia-dinh-chuong-tam-dong-hanh-biet-phan-va-tai-hoi-nhap-su-yeu-duoi ) hoặc bản dịch trên (http://lamhong.org/tong-huan-niem-vui-cua-tinh-yeu-amoris-laetitia-ban-viet-ngu/].

- Herbert Schlögel OP, In Beziehung: „Amoris Laetitia“, Bishofssynode und Kurienreform. Trích Stimme der Zeit, tập 5, tháng 05/2017.

- Stefan Goertz, Über Zweifel, Irrtümer und Unterscheidungen. Eine moraltheologische Zwischenbetrachtung zur Debatte um „Amoris Laetitia“. (http://www.stimmen-der-zeit.de/zeitschrift/online_exklusiv/details_html?k_beitrag=4784898)

- Kilian Martin, Wie verbindlich ist das authentische Lehramt?. Bonn, 07.12.2017. (http://www.katholisch.de/ aktuelles/aktuelle- artikel/wie-verbindlich-ist-das-authentische-lehramt)

- Thomas Jansen, Được phép hay không được phép rước lễ? KNA, 22.07.2016. (http://phongtraogiaodan.org/2017/01/05/duoc-phep-hay-khong-duoc-phep/)

- Christoph Schönborn OP, Hãy phân biệt và đồng hành với họ. Zenit, 08.04.2016. (http://phongtraogiaodan.org/2016/04/28/hong-i-schonborn-gioi-thieu-tong-huan-amoris-laetitia/)

- Walter Kaspar, Tự quyết định trong chuyện yêu đương. Die Zeit, tháng 4/2016.
(http://phongtraogiaodan.org/2016/04/22/phong-van-hong-i-w-kaspar-ve-amoris-laetitia/)

 

 

 

Phạm Hồng-Lam

Augsburg, 21.11.2017


Trong những tuần tới BBT sẽ cố gắng trình bày đại cương các tranh luận hiện chưa ngã ngũ này, cụ thể là tài liệu:

Five Serious Problems with Chapter 8 of Amoris Laetitia

The most controversial section of Pope Francis’ apostolic exhortation is fraught with problematic arguments and dubious moral theology—and gives the German bishops all they want.

Dr. E. Christian Brugger is the J. Francis Cardinal Stafford Professor of Moral Theology at St. John Vianney Theological Seminary in Denver and Senior Fellow of Ethics at the Culture of Life Foundation in Washington, D.C. He has a forthcoming book with Catholic University of America Press on the indissolubility of marriage and the Council of Trent.



 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC