Laudato si. Chúc tụng Thiên Chúa! Tìm hiểu thông điệp về môi sinh của giáo tông Phan-sinh.

25/02/20187:31 SA(Xem: 7517)
Laudato si. Chúc tụng Thiên Chúa! Tìm hiểu thông điệp về môi sinh của giáo tông Phan-sinh.
Laudato si. Chúc tụng Thiên Chúa!
Tìm hiểu thông điệp về môi sinh của giáo tông Phan-sinh.

hoang_hon

[Bài này là một tóm tắt Thông Điệp Laudoto si. Soạn cho buổi sinh hoạt học hỏi của cơ sở Tống Viết Bường. Phương pháp áp dụng như sau: Sau khi người hướng dẫn trình bày một chương, các tham dự viên cùng đọc và trao đổi tìm hiểu thêm với nhau một Đoạn – Số - điển hình của chương liên hệ trong Thông Điệp (Bài đọc thêm). Rồi cứ thế tiếp tục chương tiếp]



Nhập đề

Môi sinh bị tàn phá là một đề tài đã được nhiều giáo tông bàn đến, khởi đi từ Phao-lô VI. vào năm 1971, qua thánh Gio-an Phao-lô II. rồi tới Biển-đức XVI. Các ngài gọi đó là một thảm hoạ và khẩn thiết kêu gọi con người hãy đổi mới tận gốc cách sống và lối suy nghĩ, để kịp thời cứu vãn nó.

Thảm hoạ giờ đây lại càng trầm trọng, vì địa cầu – ngôi nhà chung của nhân loại – đang bị huỷ hoại đến mức chưa từng có. Địa cầu của chúng ta đang ở trong tình trạng khủng hoảng nhiều mặt. Tàn phá môi sinh làm biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu làm địa cầu nóng lên kéo theo bao nhiêu tai hoạ không lường. Địa cầu đang trở thành một bãi rác khổng lồ. Các loại chất thải và khí thải gây nhiễm độc không khí và đại dương, huỷ diệt đa dạng sinh học.

Tất cả những điều đó làm cho phẩm chất cuộc sống xuống cấp và đổ vỡ xã hội gia tăng. Bất công và tai ương cuối cùng đều đổ trên đầu lớp người nghèo khổ nhất. Mà không chỉ riêng thế hệ loài người hiện nay phải gánh chịu. Gánh nặng nhất sẽ đổ lên đầu các thế hệ tương lai. Con cháu chúng ta đang kêu đòi chúng ta phải thay đổi, để kịp thời cứu vãn thế giới.

Vấn đề là: Chúng ta muốn tiếp tục khai thác địa cầu, để thoả mãn lòng tham vô biên của mình, hay muốn gầy dựng cho các thế hệ con cháu tương lai một gia sản tốt đẹp? Muốn để lại cho con cháu một địa cầu tan hoang cạn kiệt tài nguyên, hay muốn xây dựng cho chúng một ngôi nhà khang trang bền vững?


Chương 1: Những gì đang xẩy ra trong ngôi nhà chúng ta?

Hãy nhìn kĩ hơn về những gì đang xẩy ra nơi ngôi nhà chung của chúng ta.

Nhân loại ngày nay đang đứng trước hiện tượng „tăng tốc“. Mọi thứ thay đổi và biến động quá nhanh; nó đi ngược lại nhịp tiến hoá bình thường của thiên nhiên và con người. Sự tăng tốc không những làm hại cuộc sống thường ngày, nó còn đưa cả văn hoá đi xuống.  Nó tạo ra thói tiêu thụ „xài rồi vứt“ (tâm lí mì ăn liền, luôn phải thay đổi, phải tìm của lạ, loại bỏ truyền thống), một thứ văn hoá phủ nhận trách nhiệm đối với thiên nhiên, với tạo vật và với chính con người đồng loại.

Hậu quả của „xài rồi vứt“ là địa cầu trở thành một bãi rác khổng lồ. Những thứ rác rưởi không phân huỷ (chẳng hạn các loại bao nhựa) cộng với đủ loại chất phế thải công nghiệp, phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và khí thải độc gây cho các nguồn nước sạch, vốn đã khan hiếm vì nhiều lí do, bị ô nhiễm. Hậu quả của nước và không khí ô nhiễm là nghèo đói, bệnh tật và chết sớm, đặc biệt nơi các thành phần nghèo khó nhất trong xã hội.

Nạn phá rừng và lối tiêu xài hoang phí nơi một số thành phần dân và một số quốc gia làm cho nguồn nước bị cạn kiệt và làm biến mất bao nhiêu là chủng loại, mà chúng ta chưa lường được hết sự cần thiết của chúng cho sự tái sinh của thiên nhiên. Hậu quả của những bãi rác mênh mông không phân huỷ trên các đại dương và các chất độc là sự a-xít hoá nước biển, khiến lòng biển trở thành những bãi tha ma của san hô và của muôn vàn động và thực vật khác. Thêm vào đó, các kĩ thuật đánh cá tân tiến không ngùng vét cạn nguồn tài nguyên lòng biển.

Khí hậu là tài sản chung của gia đình nhân loại. Nhưng tài sản này đang bị huỷ hoại. Nguồn năng lượng chính của thế giới hiện nay là các nhiên liệu hoá thạch dưới lòng đất. Nhưng việc sử dụng các nhiên liệu này lại gây ra quá nhiều khí độc, gây hiệu úng khí nhà kính, làm nhiệt độ địa cầu gia tăng, khiến băng hà tan nhanh. Hậu quả của tan băng hà là mặt nước biển dâng cao, đe doạ sự sống của hàng tỉ cư dân các vùng ven biển.

Trong khi thế giới càng văn minh, thì lạ thay các vấn đề xã hội lại càng tăng, càng tinh vi, bất bình đẳng xã hội càng thêm gia trọng. Tiến bộ truyền thông một mặt đưa con người lại gần nhau, giúp gia tăng sự hiểu biết, nhưng đồng thời lại tạo ra bao nhiêu băng hoại cho con người. Thêm vào đó là việc phân phối tài nguyên không đồng đều. Nơi thì quá thừa mứa, nơi lại quá thiếu. Trong khi 1/3 thực phẩm thế giới bị vứt bỏ, thì hàng trăm triệu người phải nhịn đói và chết đói.

Nhìn vào thực trạng địa cầu như trên, ta phải đau đớn nhận ra rằng, nhân loại đã phá hư công trình tạo dựng của Thiên Chúa; họ đã không còn tin vào những mong đợi của Người.

(Bài đọc thêm: LS số 24. Xem bản dịch Thông Điệp ở http://phongtraogiaodan.org/ 2016/05/26/ thong-diep-laudato-si-chuc-tung-thien-chua/)


Chương 2: Tin Mừng tạo dựng

Thiên Chúa đã muốn gì, khi Người tạo dựng địa cầu và muôn vật?

Kinh Thánh cho hay, tạo vật được dựng nên là do từ một í định xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa, chứ nó không phải được hình thành từ hỗn mang hư không. Và như thế đất và mọi tạo vật, trong đó có con người, đều là của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa đã nhìn nhận mọi sự Người làm ra đều tốt đẹp. „Thiên Chúa đã viết một cuốn sách quý, mà các giòng chữ là vô số những tạo vật hiện diệntrong vủ trụ.“ Kinh Thánh cũng cho hay, con người đặc biệt được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa; vì thế mỗi con người đều có phẩm giá bình đẳng, họ có một vị trí trội hơn muôn loài, nhưng đồng thời cũng mang trách nhiệm hơn muôn loài.

Với vị trí và trách nhiệm đó con người được Thiên Chúa trao cho nhiệm vụ „làm chủ vũ trụ“. „Làm chủ“ ở đây có nghĩa là canh tác và bảo vệ mặt đất, chứ không phải có quyền thống trị tuyệt đối trên thiên nhiên. Với tư cách „làm chủ“ họ cộng tác vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa như một người quản lí khôn ngoan và trách nhiệm, biết làm cho mặt đất không ngừng sinh lợi.

Địa cầu là cho mọi người, không ưu tiên cho giống dân này hay thành phần kia, mà cũng không loại trừ ai. Người nghèo hay giàu đều do Thiên Chúa dựng nên, đều cùng có một phẩm giá như nhau. Cũng thế môi sinh là tài sản chung của mọi người; mọi người đều có quyền chung phần và đều có trách nhiệm giữ gìn.

Như vậy khi cố tình phá hoại môi sinh địa cầu và bóc lột đồng loại, con người hành động ngược lại í định và mong muốn ngay từ đầu của Thiên Chúa; họ phản bội lại Người, muốn đứng ra thay Trời để làm mưa làm gió.

(Bài đọc thêm: LS số 69)


Chương 3: Chính con người tạo ra khủng hoảng môi sinh

Lí do nào đã khiến con người hành động như thế? Lí do nào khiến họ gây ra khủng hoảng môi sinh và địa cầu?

Thưa là vì niềm tin tuyệt đối của họ vào tiến bộ khoa học kĩ thuật mà họ đã đạt được. Họ đã tạo được cách mạng kĩ nghệ, để thoả mãn nhu cầu vật chất; đã tạo được cuộc cách mạng số-hoá (Digitalisierung), để nối liền năm châu bốn bể; đã tạo được cách mạng sinh học, với kì vọng thay thế Thượng Đế làm ra sự sống… Những thành tựu vinh quang này khiến họ tôn thờ mô hình kĩ trị của mình như là chìa khoá vạn năng để đạt quyền lực.

Nhưng con người dù có tài ba cũng không đủ khôn ngoan để sử dụng và đưa khoa học vào con đường tốt đẹp. Các cuộc chiến tranh không ngơi, những trái bom nguyên tử, bao nhiêu bất công xã hội và việc tàn phá môi sinh địa cầu đã và đang minh chứng điều đó.

Vì thật ra mô hình kĩ trị chung quy chỉ là một kĩ thuật chiếm đoạt. Chiếm đoạt để tối đa hoá lợi nhuận. Tâm lí kĩ trị coi thiên nhiên là một vật vô chủ và vô hạn, họ cứ mặc sức xài, mặc sức khai thác. Xưa nay con người vẫn cải tạo nhiên nhiên, để thoả mãn các nhu cầu cuộc sống của mình. Nhưng trước đây người ta nương theo những gì thiên nhiên cho phép, để cải biến thiên nhiên. Nay với nền kĩ trị họ tìm cách phá vỡ và bòn rút cạn kiệt cả thiên nhiên lẫn đồng loại.

Vì đặt nền tảng trên chiếm đoạt và lợi nhuận, quan niệm kĩ trị bó hẹp nhận thức con người, khiến họ không nhìn ra được í nghĩa của toàn thể. Họ quy tất cả về cho mình. Mà một khi lấy mình làm trung tâm và chuẩn mực (chủ nghĩa quy nhân), thì tất cả mọi thứ khác đều bị coi là phụ, là tuỳ thuộc, chỉ là tương đối. Khi không còn chuẩn mực nào khác trên tôi, thì còn ai có thể cấm được tôi phá hoại, áp bức, bóc lột, loại bỏ người già (vì không có lợi), bỏ thai nhi (vì tốn kém), sa thải lao động (vì kém năng suất) để đưa máy móc vào thế…

(Bài đọc thêm: LS số 123)


Chương 4: Một khoa Môi Sinh Học toàn diện

Để giải quyết tình trạng khủng hoảng môi sinh toàn cầu hiện nay, trước hết đòi hỏi chúng ta phải có một cái nhìn bao quát về mọi khía cạnh của vấn đề. Là vì mọi thứ trong cuộc sống và trong thế giới này vốn liên hệ chặt chẽ vào nhau. Thời gian và không gian không độc lập với nhau. Môi sinh không phải là cái gì bên ngoài chúng ta, song là thứ gắn liền với ta: ta thở khí thiên nhiên, uống nước thiên nhiên, sống nhờ hoa trái của đất, lớn lên nhờ ánh sáng mặt trời…

Nói cách khác, phải có một khoa Môi Sinh Học toàn diện; nó gắn liền với và dựa vào kiến thức của các khoa học khác. Môi Sinh Học này quan tâm tới cả văn hoá và lịch sử, đặc biệt văn hoá và lịch sử của các địa phương; quan tâm tới các vấn đề trong cuộc sống thường nhật (nhà ở, giao thông, kiến trúc, cảnh quan, ăn uống, vệ sinh…), hầu giúp nâng cao phẩm chất cuộc sống, quan tâm tới thiện ích chung; quan tâm tới công lí không những cho thế hệ hiện tại, mà xuyên thế hệ, nghĩa là cho các thế hệ tương lai nữa.

(Bài đọc thêm: LS số 139).


Chương 5: Vài tiêu chí để định hướng và hành động

Phải làm gì cụ thể để giải quyết khủng hoảng?

Trước hết Giáo Hội không đòi hỏi cho mình quyền đưa ra giải pháp và cũng không có khả năng đó. GH hiểu rằng, đây là một bài toán nan giải và mang tính toàn cầu; muốn giải quyết, cần phải có sự hợp tác của nhiều thẩm cấp từ quốc tế tới địa phương và của nhiều lãnh vực: từ chính trị, kinh tế tới khoa học, tôn giáo…

Hợp tác khởi đầu bằng cùng nhau đối thoại, hầu chung sức tìm biện pháp. Và để đối thoại có được hoa trái, GH để nghị một số tiêu chí định hướng sau đây:

Thế giới ngày nay là một cộng đồng liên thuộc. Vì thế ở cấp quốc tế cần phải có những định chế mạnh và sự lãnh đạo (Global governance) đủ thẩm quyền, để đưa ra những chương trình chung và đề ra những biện pháp thi hành hữu hiệu. Đã có rất nhiều cuộc họp quốc tế và nhiều nghị quyết bảo vệ môi sinh, nhưng chẳng thành công bao nhiêu, vì sự ngăn cản của một vài quốc gia và vì không ai chế tài được ai.Tính liên thuộc đòi hỏi phải có một nền „đạo lí trong các quan hệ quốc tế“. Thế giới cần phải làm sao „loại bỏ những nguyên nhân thuộc cơ cấu làm cho nền kinh tế thế giới ra sai lạc chức năng và phải điều chỉnh lại cái mô hình phát triển xem ra không bảo đảm được việc tôn trọng môi sinh“.

Trên bình diện quốc gia nhà cầm quyền cần định nghĩa lại Tiến Bộ, cần đưa ra những dự án và chương trình dài hạn lẫn liên tục. Tránh chuyện ăn xổi ở thì, chỉ cốt kiếm phiếu bám giữ quyền lực trong giai đoạn. Trên nền tảng nguyên tắc „bổ trợ“ nhà nước cần cổ võ và yểm trọ các nhóm xã hội dân sự cùng tích cực trong việc lập dự án và thi hành các chương trình đã hoạch định.

Trong tiến trình lập dự án dù ở cấp độ quốc gia hay địa phương cần phải có sự minh bạch trong việc trả lời các câu hỏi sau đây: Với mục đích gì? Tại sao? Ở đâu? Khi nào? Bằng cách nào? Cho ai? Có những nguy cơ nào? Với giá nào? Ai chịu chi phí và họ làm sao để trả chi phí đó? Minh bạch qua việc cung cấp đầy đủ các dữ liệu cần thiết từ phía chủ dự án và qua việc chân thành thảo luận với các thành phần dân chúng địa phương có liên quan.

Giữa chính trị và kinh tế cần đối thoại, để có được những kế hoạch bền vững, nhằm giúp triển nở toàn diện con người. Chính trị không được phục vụ kinh tế; kinh tế không được tuân theo lệnh truyền và nguyên tắc duy hiệu quả của kĩ thuật. Kinh tế, tài chánh tránh những thủ đoạn mua chuộc hay lũng đoạn chính trị.

Khoa học cần đối thoại với tôn giáo. Khoa học thực dụng có thể cung cấp những giải đáp về kĩ thuật và chuyên môn, nhưng nó thiếu cái nhìn toàn diện, không quan tâm tới í nghĩa đạo đức của vấn đề. Ở đây tôn giáo có thể khoả lấp thiếu sót này.

(Bài đọc thêm: LS số 189)


Chuong 6: Giáo dục môi sinh và linh đạo môi sinh

Vấn đề môi sinh rút cuộc lại cũng là vấn đề con người. Để cải tiến môi sinh, phải bắt đầu cải tiến ở nơi từng con người. Địa cầu bị sa mạc hoá, là vì môi sinh tinh thần con người đã bị ô nhiễm. Vì thế con người cần phải có một cuộc hoán cải môi sinh, nghĩa là trở về với thiên nhiên qua việc thay đổi lối sống: Từ bỏ tâm lí kĩ trị chỉ biết có chiếm đoạt và lợi nhuận; không nô lệ cho tiêu thụ; giã từ thói tiên dùng xa hoa và tắc trách „xài rồi vứt“, là vì „mua không phải là một hành vi kinh tế, nhưng cũng luôn là một hành vi đạo đức“ (Caritas veritate); biết vui với cái tối thiểu „càng ít càng tốt“; biết hạnh phúc trong đạm bạc và khiêm tốn; biết nhận ra dấu chỉ mầu nhiệm nơi mọi loài trong thiên nhiên; biết thưởng thức bông hoa đẹp hay những giây phút nghỉ ngơi, vì tất thảy những thứ đó đều đã có trong í định tạo dựng của Thiên Chúa và đều phản chiếu một phần bản sắc của Người.

Mọi thay đổi lối sống bắt đầu với những thói quen nhỏ. Và thói quen được tập thành qua giáo dục: giáo dục từ gia đình, học đường, bằng các phương tiện truyền thông, qua các định chế tôn giáo…, trong đó giáo dục gia đình là quan trọng nhất.

Khủng hoảng và thảm hoạ đã đến hồi nguy kịch, nhưng hãy còn cứu kịp, miễn là con người có quyết tâm hoán cải. Và chúng ta tin chắc rằng, con người sẽ hoán cải và cứu vãn được địa cầu, bởi vì như Sách Giáo Lí Công Giáo khẳng định: „Con người có khả năng tự nhận ra mình, biết điều khiển mình, biết sống tự do và biết hiệp thông với những người khác.“

(Bài đọc thêm: LS số 211).


Phạm Hồng-Lam



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12/01/2020
The book, entitled From the Depths of Our Heart, addresses the ‘dark time’ the Catholic priesthood is enduring because of Church scandals and ‘the constant questioning of their consecrated celibacy.’
22/04/2019
8 CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ? TRỞ LẠI THƯ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BENEDICTÔ * Bài thuyết trình thứ tám 28 tháng 6 năm 2017
22/04/2019
NỘI DUNG CỦA BỨC THƯ TÌNH HÌNH GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TẠI TRUNG QUỐC Bài thuyết trình thứ sáu 26 tháng 6 năm 2017
04/03/2019
Chúng ta đã thực thi được những gì theo giáo huấn mục vụ của Công Đồng Vatican II về Sách Thánh
14/02/2019
Book publishing is both an act of faith and a throwing of the dice.
11/02/2019
BBT chân thành giới thiệu cùng quý đọc giả tuyển tập các luận văn và các tập sách qua dòng thời gian của GS Nguyễn Đăng Trúc, nguyên Điều Hợp Viên sáng lập PTGDVNHN
27/01/2019
The relationship of China with the greatest secular world power—the United States of America—and the most universal global spiritual power—the Catholic Church—is in a state of flux. President Trump and Pope Francis are major protagonists in this dramatic period. Although what is happening in China has an impact worldwide, it is hard for the non-specialist to grasp what is underway and its significance for the future.
01/01/2019
CWR editors and contributors share their favorite reads from the last year.
25/12/2018
PHONG TRÀO GIÁO DÂN VIỆT NAM HẢI NGOẠI Movement of the Vietnamese Laity in Diaspora Hải ngoại, ngày 08 tháng 08 năm 2018 NHẬN ĐỊNH VÀ ĐỀ NGHỊ TRƯỚC HIỆN TÌNH ĐẤT NƯỚC VÀ GIÁO HỘI VIỆT NAM
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC