Hồng I Trần Nhật Quân Đã Nói Gì Với Giáo Tông

01/03/20181:56 SA(Xem: 2610)
Hồng I Trần Nhật Quân Đã Nói Gì Với Giáo Tông

Hồng I Trần Nhật Quân Đã Nói Gì Với Giáo Tông

 

https://de.catholicnewsagency.com/image/cardinal_joseph_zen_ze_kiun_speaks_at_the_asianews_conference_at_the_pontifical_urbaniana_university_in_rome_nov_18_2014_credit_bohumil_petrik_cna_cna_11_19_14_1517305956.jpg/810

Hồng I Quân tại Đại Học Giáo Tông Urbaniana,

hình chụp năm 2014. Foto: CNA / Petrik Bohumil

 

Walter Sanchez Silva

HONG KONG , 30.01.2018 / 10:22 AM (CNA Deutsch).

Phạm Hồng-Lam dịch.

 

Ngày 20 tháng 1 hồng i Trần Nhật Quân, giám mục nghỉ hưu của giáo phận Hồng-công, đã phổ biến một bức thư, trong đó Ông nói về hoàn cảnh khó khăn của Giáo Hội công giáo tại Trung Quốc, đồng thời phân tích về sức ép và sự bách hại của nhà nước cộng sản, đặc biệt đối với các giám mục tại đây.   

Trong bức thư được phổ biến trên trang nhà của mình, Hồng I nhắc lại điều mà báo chí đã viết trong những ngày qua, là Vatican đã buộc một giám mục từ chức và yêu cầu một giám mục khác từ bỏ chức vụ, để nhường chỗ cho những giám mục do nhà nước chỉ định.

Một trong hai giám mục đó, giám mục Zhuang, đã nhờ Hồng I chuyển một lá thư tmình viết cho giáo tông Phan-sinh. Hồng I đã chuyển được thư đó cho Giáo Tông ngày 10 tháng 1, khi Ông tới Roma và dự buổi tiếp khách chung của Giáo Tông trong đại sảnh đường.

Cùng ngày đó, Ông nhận được một cú điện thoại từ Nhà Santa Marta, nơi Giáo Tông ở, cho biết, là Ông sẽ được Giáo Tông tiếp riêng vào ngày 12 tháng 1, trước khi Giáo Tông lên đường tông du Chí-lợi và Peru.

Cuộc tiếp kiến kéo dài khoảng nửa tiếng đồng hồ, Hồng I cho biết như vậy, và hôm đó Giáo Tông đã nói với Ông, là ngài „sẽ đích thân tìm hiểu sự việc“. Giáo Tông còn thêm, ngài sẽ bảo với họ (những nhân viên của ngài tại Toà Thánh) là đừng tạo ra một Mindszenty thứ hai.

Trong thời độc tài cộng sản tại Hungari, hồng i Jozsef Mindszenty là Tổng Giám Mục giáo phận Budapest. Ông bị bắt giam, nhưng cuối cùng đã thoát được vào năm 1956 và vào tị nạn trong toà đại sứ hoa-kì.

Dưới sức ép của chính quyền hungari thời đó, Vatican đã yêu cầu Tổng Giám Mục rời nước và đưa một giám mục „hợp khẩu vị“ nhà nước hơn lên thay thế.

Hồng i Quân giải thích trong lá thư của Ông: "Vấn đề không phải là việc từ chức của vị giám mục hợp pháp, mà là chuyện yêu cầu để cho một giám mục bất hợp pháp, và ngay cả bị tuyệt thông, lên thay thế. Nhiều giám mục già của Giáo Hội thầm lặng vô cùng cần người thay thế - dù tuổi về hưu ở Trung Quốc chẳng bao giờ được giữ đúng cả - vậy mà họ đã chẳng bao giờ nhận được trả lời của Toà Thánh."

Trong khi đó, cũng theo hồng i Quân, "có thể một vài vị khác đã có, thậm chí đã cầm được trong tay lệnh phong chức cho người kế vị mình do Đức Thánh Cha kí, nhưng lại có lệnh đình chỉ việc phong, vì sợ như thế sẽ làm phật lòng chính quyền."

"Tôi biết, tôi bi quan trước tình hình hiện nay ở Trung Quốc, nhưng cái bi quan của tôi có nền tảng từ kinh nghiệm trực tiếp và lâu dài đối với Giáo Hội tại đây. Từ 1989 tới 1996 tôi dạy học sáu tháng mỗi năm trong nhiều chủng viện thuộc Giáo Hội chính thức. Do dó tôi trực tiếp thấy được cảnh nô lệ và sự lăng nhục mà các anh em đồng nghiệp giám mục của tôi ở đó phải chịu.“

Hồng  I kể thêm, chính quyền còn gia tăng hạn chế sự tự do tôn giáo, khi chẳng hạn kể từ mồng 1 tháng 2 năm nay các tín hữu sẽ không còn được phép tham dự các thánh lễ của Giáo Hội thầm lặng vốn trung thành với Roma nữa.

Vị Hồng I trung quốc cũng cho hay, „một vài người bảo rằng, các nỗ lực đi tìm đồng thuận là để tránh một cuộc phân rẽ của Giáo Hội. Buồn cười thật! Sự phân rẽ đã diễn ra rồi, trong lòng Giáo Hội độc lập (thầm lặng)“ bị chính quyền kiểm soát.

"Các giáo tông tránh dùng chữ phân rẽ, vì họ biết, có nhiều người bị sức ép nặng nề bắt họ tham gia vào Giáo Hội chính thức, chứ không phải họ vào đó do tự nguyện. Con đường „thống hợp“ đang được đề nghị kia chỉ có thể có nghĩa là người ta giờ đây bắt tất cả mọi tín hữu phải vào trong Giáo Hội chính thức.“

Nếu điều đó xẩy ra, „thì theo quan điểm của vị Hồng I hưu trí Vatican là kẻ ban phép lành cho một cuộc phân rẽ giáo hội nặng nề hơn“.  

Và Ông đặt câu hỏi: "Cố gắng tìm kiếm một nền tảng chung để hiệp nhất giữa Vatican và Trung Quốc, vốn phân cách nhau từ nhiều chục năm nay, có phải là điều tốt không? Nhưng có thể có một cái gì đó gọi là „chung nhất“ với một chế độ toàn trị không? Người ta hoặc là phải đầu hàng hoặc là phải chấp nhận sự bách hại, nhưng vẫn giữ được sự trung thành với chính mình. Các bạn có thể nào hình dung ra được một hợp đồng giữa thánh Giu-se và vua Hê-rô-đê không?

Hồng I viết tiếp trong lá thư của Ông: Vì sự thể như thế, tôi phải tự hỏi: „Mình có tin Vatican sẽ bán đứng Giáo Hội công giáo ở Trung Quốc hay không? Câu trả lời của tôi là: Có, tôi dứt khoát tin như thế, nếu Vatican đi theo đường hướng xem ra họ đã theo và đã làm trong những năm tháng gần đây.“

Cuối cùng Hồng I tự hỏi, phải chăng „tôi là vật cản chính trong tiến trình đi tới một thoả hiệp giữa Vatican và Trung Quốc? Nếu là một thoả hiệp dở, thì tôi sẽ chẳng có gì vui mừng hơn, khi mình trở thành một vật cản.“

Các liên hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Vatican bị đứt đoạn từ năm 1951, hai năm sau khi cộng sản cướp chính quyền và trục xuất các thừa sai ngoại quốc ra khỏi nước.

Từ đó Trung Quốc chỉ cho phép Hội Công Giáo Yêu Nước được hành đạo mà thôi; Hội này trung thành với chính quyền và không công nhận quyền bổ nhiệm giám mục và quyền lãnh đạo Giáo Hội của Toà Thánh.

Trái lại các giám mục hợp pháp, vốn trung thành với giáo tông, phải sống trong hoàn cảnh giống như của một phong trào bất hợp pháp, và luôn bị các cơ quan chính quyền cộng sản rình rập theo dõi.

Từ vài năm nay Toà Thánh cố gắng tìm tới một thoả thuận để nối lại các liên lạc ngoại giao với Trung Quốc – nỗ lực này được giáo Tông Phan-sinh cổ vũ.

Tháng 8 năm 2014, trong chuyến tông du Đại-hàn, Đức Thánh Cha đã gởi một điện văn chúc mừng nồng hậu tới Chủ Tịch của Trung Quốc, khi phi cơ của ngài đang bay qua không phận nước này.

Việc Giáo Tông được phép bay qua không phận trung quốc được hiểu như là một bước nhỏ đi tới. Giáo tông Gio-an Phao-lô II trước đây đã phải tránh không phận trung quốc, khi ngài tông du các nước á châu.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC