Trình Thuật Thương Khó của Chúa Giêsu, khởi diễn từ việc bị bắt rồi qua các cuộc tra thẩm cho đến hồi kết án, hành quyết xử tử và táng xác (tức từ Vườn Gethsemane cho đến huyệt mộ) theo ghi lại trong các Phúc Âm, đã hình thành một chuỗi động thái liên tục dài nhất về cuộc đời của Người.
Trên phương diện thẩm mỹ học, hơn bất cứ phần nào khác của các Phúc Âm, hơn ngay cả biến cố Giáng Sinh, Trình Thuật Thương Khó đã nắm bắt được sự chú ý, óc tưởng tượng của biết bao nhiêu kịch sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ cũng như những nghệ nhân thời danh. Bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi -Pietà- do Michaelangelo hoàn tất điêu khắc vào năm 1499 là một ví dụ điển hình.
Trên bình diện văn học, các đoản văn Thương Khó đã để lại những dấu ấn mạnh mẽ trên các ngôn ngữ và thi văn hình tượng: ba mươi đồng tiền bằng bạc, cái hôn của Giuđa, tiếng gà gáy, động tác rửa tay cho khỏi vấy máu…
Dưới khía cạnh lịch sử, cái chết của Đức Giêsu là thời điểm công khai nổi bật nhất trong cuộc đời trần thế của Ngài, vì những nhân vật tên tuổi trong lịch sử Do Thái và La Mã như Thượng Tế Cai-Pha, Thượng Tế An-na, Quan Phong Phi-La-Tô đã trực tiếp đối mặt với Ngài. Thực thế, bên cạnh dữ kiện “được hạ sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria,” một trích đoạn khác cũng đã đi vào Kinh Tin Kính là việc “chịu nạn thời Quan Phong Phi-La-Tô”, đã trở nên một điểm mấu chốt đem niềm tin Ki-tô Giáo về Con Thiên Chúa đặt vào Đức Giêsu, là một con người thật trong lịch sử.
Dưới nhãn quan thần học, Ki-Tô Hữu đã diễn giải cái chết trên thập gíá của Đức Giêsu như là yếu tố then chốt trong chương trình Cứu Chuộc của Thiên Chúa. Về phương diện tâm linh, Đức Giêsu Khổ Nạn đã là tiêu điểm suy ngẫm qua bao thế hệ cho hàng bao cơ man môn đệ, những người đã chấp nhận mang Khổ Giá để bước theo Thầy.
Trong thực hành mục vụ, Cuộc Khổ Nạn là trung tâm điểm của Mùa Chay và Tuần Thánh, là thời gian linh thiêng nhất của lịch Phụng Vụ.
Tóm lại, Tuần Thánh với đỉnh cao là việc tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, nhìn từ mỗi nhãn quan, là trọng tâm của cuộc lữ hành đức tin Ki-Tô Giáo.
Vài Tâm Tình trong Mùa Chay hướng về Tuần Thánh:
Một thần học gia người Đức, người đã bị hành quyết bởi Đức Quốc Xã, có viết rằng: “Khi Chúa Giêsu gọi một người, Ngài gọi người đó đến và chết”.
Trong chiều kích tâm linh đó, Tuần Thánh là thời gian để chúng ta tập trung suy tư về những nỗi Đau Khổ, đau khổ của cá nhân, của cộng đồng, của Giáo Hội, Giáo Hội Viêt Nam, Tổ Quốc Việt Nam.
Bên cạnh suy tư về Đau Khổ là suy tư về sự Sỉ Nhục và Sự Chết.
Điều quan trọng là chúng ta phải đặt Niềm Hy Vọng vào Sự Phục Sinh, Giao Ước cho Một Đổi Mới, Giao Ước cho Sự Sống, đối lập với bối cảnh của Sự Chết, sự Tận Cùng.
Chỉ có bước xuyên qua bóng tối và đêm đen của Tuần Thánh, chỉ có bằng nhận thức được nỗi kinh hoàng và tầm mức khủng khiếp của tội lỗi và hậu quả của nó, thể hiện trên con người Giêsu đang chết dần, treo trên Thánh Giá; chỉ có qua suy ngẫm về sự tuyệt vọng và cùng đường của các môn đệ trong ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, lúc xác Chúa Giêsu còn ở trong mồ, chúng ta mới thực sự hiểu được ánh sáng và niềm hy vọng của Buổi Sáng Chúa Nhật Phục Sinh.
Phạm Hương Sơn lược dẫn
(trich từ Tuyển tập "Tĩnh Lặng trong Lời - Thánh chỉ Ngài, con sẽ gẫm suy" Tv 119:48)
- Từ khóa :
- Tuần Thương Khó
- ,
- Mùa Chay Thánh