Tại Sao Giải Tự Do Tôn Giáo của PTGDVNHN Lại Mang Tên Đức TGM Nguyễn Kim Điền?

08/04/20189:01 SA(Xem: 2353)
Tại Sao Giải Tự Do Tôn Giáo của PTGDVNHN Lại Mang Tên Đức TGM Nguyễn Kim Điền?
Mỗi năm vào tháng Mười Một


image002Đức TGM Nguyễn Kim Điền

Vâng, mỗi năm cứ vào tháng Mười Một, giáo hội lại nhắc nhở các tín hữu Công Giáo hãy nhớ cầu nguyện, xin lễ cho các linh hồn ông bà tổ tiên, thân bằng quyến thuộc đã qua đời. Cũng vào tháng này năm nào Cộng Đồng Công Giáo giáo phận Orange đều tổ chức đại lễ mừng các Thánh Tử Đạo Việt Nam hết sức long trọng vói sự tham dự của hầu hết các đoàn thể công giáo tiến hành và giáo dân trong và ngoài giáo phận. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam xứng đáng được tôn vinh ngay ở đời này vì các Ngài “Đã sống Đức Tin can đảm và anh dũng trong những hoàn cảnh bị bách hại đầy đau khổ trong suốt chiều dài lịch sử Gíáo Hội Công Giáo Việt Nam qua nhiều giai đoạn khác nhau.”

 Đọc hành trình Đức Tin của các Ngài khiến hậu thế hết sức cảm phục và xúc động vì các vị ấy đã trở thành những chứng nhân sống động cho niềm tin của mình trước cường quyền. Và ngay trong thời đại chúng ta đang sống, cũng không thiếu những chứng nhân Đức Tin nêu gương sáng cho các thế hệ kế thừa. Tôi muốn nói đến một nhân vật hết sức đặc biệt đó là Đức TGM Nguyễn Kim Điền nguyên TGM tổng giáo phận Huế.

Trong buổi lễ trao tặng “Giải thưởng Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền “ cho hai linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục thuộc giáo phận Vinh vào ngày 01/09/2017 tại nhà hàng Seafood Palace thuộc thành phố Westminster, California, một bạn trẻ đã hỏi tôi ĐC Điền là ai mà Phong Trào Giáo dân Việt Nam Hải Ngọai lấy tên Ngài đặt tên cho Giải Thưởng Tự Do Tôn Giáo” vậy thưa bác? Tôi có nói sơ qua cho người bạn trẻ biết một số chi tiết đặc biệt về Ngài và hứa sẽ viết đầy đủ hơn vào dịp lễ kính các Thánh Tử đạo Việt Nam. Vì vậy nhân dịp Cộng Đồng CGVN Hải Ngoại mừng kính các Thánh Tử Đạo VN vào tháng 11 nầy, tôi xin ghi lại một vài chi tiết quan yếu về con người và hành trình Đức Tin của một chủ chăn khiêm tốn, thánh thiện, hy sinh và can trường dám liều mạng sống mình vì đoàn chiên. Con người đó là ĐTGM Huế Nguyễn Kim Điền. Ngài còn là hiện thân của một  mục tử quyết tâm bảo vệ “Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo” cho con người và đất nước VN dưới bàn tay cai trị độc đoán của chế độ cộng sản vô thần. Sự việc Ngài lên tiếng đòi hỏi Công Bình và Sự Thật cần được hậu thế ghi nhớ và tưởng niệm. Mong rằng khi đọc bài viết nầy người bạn trẻ sẽ hiểu được lý tại sao giải thưởng “Tự Do Tôn Giáo”lại mang tên Ngài.

Đức Cha Nguyễn Kim Điền sinh quán tại Gia Định, nhập chủng viện Saigon năm 1930, thụ phong linh mục vào tháng 5/1947 và sau đó gia nhập dòng Tiểu Đệ Chúa Giêsu Hèn Mọn năm 1955. Ngài được gửi qua tu học tại sa mạc Sahara Phi Châu và đến đầu năm 1961 ngài được tấn phong giám mục giáo phận Cần Thơ. Do sự vắng mặt bất thường của ĐC Ngô Đình Thục TGM Huế, ĐC Điền được cử làm Giám Quản giáo phận Huế vào tháng 9/1964 và cho đến tháng 3/1968  Ngài được chính thức bổ nhiệm TGM giáo phận Huế thay thế ĐC Ngô Đình Thục. Khẩu hiệu Giám mục của Ngài là”Nên mọi sự cho mọi người”( Omnia Omnibus) và Ngài đã sống với khẩu hiệu đó cho đến hơi thở cuối đời vào ngày 8/6/1988. Trong Thánh Lễ tưởng niệm và cầu hồn cho linh hồn Đức cố TGM Nguyễn Kim Điền, tôi với tư cách là gốc giáo dân giáo phận Huế đã được BTC giao nhiêm vụ trình bày về cái chết đột ngột của Ngài dưới tiêu đề “Một thoáng suy nghĩ về Đức cố GM Nguyễn Kim Điền”. Bài viết khá dài chỉ xin tóm gọn một số chi tiết như sau:

1.   Với tư cách là một công dân đồng thời vừa là một giám mục Công Giáo, Ngài đã viết thư gửi các cấp lãnh đạo CSVN cũng như ban tôn giáo của chính quyền để minh xác về quyền làm người dưới bất cứ chính thể nào, cụ thể là quyền được gửi phúc trình hằng năm cũng như quyền được  viết thư về Toà Thánh Vatican để nơi đây biết được mọi sinh hoạt tôn giáo thuộc phạm vi trách nhiệm của một người đứng đầu một giáo phận. Ngài tuyên bố : “nhà nưóc bắt giam các nữ tu do tôi nhờ gửi  thư từ đến các nơi cần thiết là bắt chính tôi mà bắt tôi là bắt đạo. Tôi lấy làm vinh dự nhận lãnh tất cả các biện pháp xử lý vì tôn giáo và nhân quyền.”

2.    Một Thánh Tử Đạo hôm nay. Tấm gương “uy vũ bất năng khuất” đã được thể hiện nơi Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền khi Ngài bị chính quyền cộng sản cấm cách đủ điều và bị hành hạ tinh thần hết sức thô bạo qua những ngày phải đi “làm việc” liên tục. Ngài đã ra lệnh cấm các linh mục trong giáo phận không đưọc tham gia vào cái tổ chức gọi là “ủy ban đoàn kết người Công Giáo yêu nước”. Để trả thù, cộng sản đã không cho ngài tham dự các cuộc họp của Hội Đồng Giám mục Việt Nam, cấm luôn cả việc ban bí tích thêm sức cho giáo dân trong giáo phận. Trước những việc làm nêu trên của chế độ cộng sản Viêt Nam, Ngài  hiên ngang trả lời rằng : “ Việc trung thành với sứ mạng được Thiên Chúa giao phó nhiều khi phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình. Nếu các ông coi đó là lập trường của các ông, thì tôi sẵn sàng lãnh nhận mọi hậu qủa để được trung thành với Giáo Hội của tôi..”( Eglises D’Asie ngày 15/2/1988)

3.   Giám mục Philiphê, một tiểu đệ khó nghèo . Ngài xuất thân từ đại chủng viện Thánh Giuse Saigon, chịu chức linh mục năm 1947, nhưng sau đó Ngài xin nhập dòng Tiểu Đệ của Cha thánh Charles de Foucauld để chuyên phục vụ người nghèo. Ngài được tập huấn theo luật dòng tại vùng sa mạc Sahara bên Phi Châu. Năm 1957 Ngài về lại Việt Nam sống ẩn dật theo quy luật của dòng và làm đủ mọi nghề như phu khuân vác tại bến tàu, đạp cyclo hay sống với đồng bào Thượng giữa thung lũng Di Linh.

4.   Người Chiến sĩ Chúa Kitô. Như trên đã nói, sau chính biến tháng 11 năm 1963, ĐC Ngô Đình Thục Tổng Giám mục Huế phải sống lưu vong nên Tòa Thánh đã chọn Đức Cha Nguyễn Kim Điền đương nhiệm giám mục giáo phận Cần Thơ làm Giám Quản rồi bốn năm sau chính thức làm Tổng Giám Mục Huế. Từ sau ngày Cộng sản xâm chiếm miền Nam, với tư cách là giám mục đứng đầu một giáo phận vùng giới tuyền, Ngài đã thể hiện đúng vai trò  một chiến sĩ   Chúa Kitô khi đoàn chiên bị kẻ thù đánh phá. Bước đầu Ngài chủ trương đối thoại và hợp tác, nhưng khi thấy Cộng sản để lộ chân tướng gian manh và ác qủi, Ngài đã can đảm nói lên lập trường không khoan nhượng  của một chủ chăn trung thành với Đức Giêsu Kitô. Thái độ can đảm của Ngài đã nâng cao tinh thần của toàn thể Giáo Hội Việt Nam vào thời điểm đó, nhưng đồng thời cũng làm cho tập đoàn Cộng Sản vô cùng tức tối nên họ tìm đủ mọi cách để triệt hạ Ngài như quản thúc tại tòa giám mục, bắt đi “làm việc” kéo dài đến 120 ngày, không được tiếp xúc với bất cứ ai kể cả các linh mục dưới quyền…

5.    Những ngày cuối đời. Khi ông Nguyễn Văn Linh lên làm TBT đảng CSVN, và với chính sách “sửa sai” do ông đề ra khiến nhiều người hy vọng hoàn cảnh của ĐTGM Huế sẽ thay đổi. Cũng từ mong ước đó, ĐC Điền vào cuối tháng ba năm 1988 đã gửi cho ông Linh một bức thư với nội dung như sau:”….Với tư cách TGM Huế, tôi có phận sự thăm viếng các giám mục thuộc giáo khu của tôi, cũng như có trách nhiệm với các linh mục và giáo dân từ Lăng Cô đến Đồng Hới. Thế nhưng từ 1984 đến nay, tôi không được ra khỏi chu vi thành phố Huế để thăm viếng con chiên theo bổn phận của một Giám Mục… Tôi hy vọng với chính sách thay đổi của ông sẽ làm cho trường hợp của tôi đuợc chóng giải quyết…” Thư gửi đi nhưng không có hồi âm.

Do bị trấn áp và bức bách lâu ngày, sức khỏe của Ngài mỗi ngày một xấu đi nên Ngài được đưa về Saigon điều trị. Vào ngày 8/8/1988  điện văn từ Thánh Bộ Truyền Giáo đồng ý cho Ngài ra ngoại quốc chữ bệnh theo như thỉnh cầu của Ngài. Về phía chính quyền Cộng Sản khi được biết Ngài có ý định ra nước ngoài điều trị, họ đồng ý nhưng buộc Ngài phải nhập bệnh viện công để được bác sĩ khám nghiệm tổng quát. Đức Cha đồng ý yêu cầu này. Thế nhưng than ôi, chỉ một giờ sau khi nhập viện, Ngài đã đột ngột qua đời mà không có lấy một lời giải thích nào từ phía những người có thẩm quyền. Như vậy kẻ sát nhân không ai khác hơn là những người đã bị bắt buộc phải thi hành lệnh của chính quyền Cộng Sản.

Khi sống Ngài luôn bên cạnh đoàn chiên, thì khi chết Ngài cũng không bỏ đoàn chiên ra đi một mình. Phải chăng đó cũng là ý định cao cả của Đấng Tối cao dành cho vị tôi tớ  một đời tận tụy trung kiên? Đám tang của Ngài được hằng vạn người tham dự cả lương lẫn giáo. Là người tín hữu Công giáo, chúng ta tin tưởng vào hạt giống Đức Tin được tưới bằng máu của trên 130,000 các Thánh tử Đạo, đã hun đúc nên những mẫu gương của rất nhiều Thánh Tử Đạo về sau mà Đức TGM Nguyễn Kim Điền là một trường hợp điển hình.

Cao Viết Lợi

Nhân ngày kính nhớ các Thánh Tử Đạo Việt Nam vào tháng 11/2017.  

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC