"Ít Khả Năng Có Được Một Thỏa Thuận Tốt“

10/04/20185:46 CH(Xem: 4934)
"Ít Khả Năng Có Được Một Thỏa Thuận Tốt“

"Ít Khả Năng Có Được Một Thỏa Thuận Tốt“

 

www.katholisch.de. Ngày 09.04.2018

Alexander Brüggermann (KNA). Phạm Hồng-Lam dịch.

 

 

Hỏi: Thưa Hồng I, Ông còn nói. Nghĩa là còn hi vọng có được một thỏa ước tốt giữa Vatican và Trung-quốc?

Trần Nhật Quân (TNQ): Chẳng còn nhiều hi vọng. Quả thật càng ngày càng ít hi vọng về một tiến triển khả quan. Ông biết đấy, tôi vẫn luôn là một người chủ trương đối thoại. Từ 1989 tới 1996 tôi dạy trong các chủng viện bên lục địa. Trong thời gian đó tôi đã nói chuyện nhiều với đảng cộng sản, với các cơ quan chính quyền. với các cán bộ tôn giáo. Nhưng hôm nay tôi thấy chỉ còn rất ít khả năng có được một thỏa thuận tốt. Và rồi đành phải nói: Thôi tạm biệt – chúng ta sẽ trở lại, khi nào có được điều gì mới. Mình không được phép tự bán đứng mình.

 

Hỏi: Hồng I cho hay, là sẽ không còn nói nữa. Tại sao?

TNQ: Những nhà thương thảo ở Vatican còn bảo với chúng tôi, một thỏa thuận tồi còn hơn là không có được thỏa thuận nào. Quả không thể tin nổi. Tôi nói: Không có thỏa thuận nào còn tốt hơn là kí một thỏa thuận tồi. Ta có thể không có được một thỏa thuận trọn hảo – chứ không thể làm ra một thỏa thuận tồi.

 

Hỏi: Một thỏa thuận tồi là như thế nào?

TNQ: Trao quyền chọn giám mục vào tay những người cộng sản. Họ nói với chúng tôi: Không, không, giáo tông vẫn là ngưới có quyền quyết định tối hậu. Nhưng đấy là những lời nói dối. Nếu việc chỉ định giám mục nằm trong tay những người cộng sản, thì giáo tông còn nói năng gì được nữa? Vâng, ngài có thể phủ quyết – nhưng có thể phủ quyết được mấy lần? Nếu quả thật một thỏa thuận như thế được kí kết, thì tôi sẽ im tiếng. Trong lúc này, tôi xác quyết rằng, chỉ những người xung quanh ngài, như hồng i Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin, mới muốn có thỏa thuận bằng mọi giá. Lỗi lầm là ở đó, chứ không phải do Giáo Tông. Nhưng một khi thỏa thuận đó thật sự được kí kết, thì tôi hết nói. Tôi không chống lại đức Thánh Cha. Tôi sẽ không còn nói gì nữa và rút vào cuộc sống ẩn dật.

 

Hỏi: Nhưng Hông I tin chắc rằng, Giáo Tông đã không được thông tin chính xác?

TNQ: Lúc này thì ngài đã có thông tin đầy đủ. Hiện ngài đang tỏ ra lo lắng cho vụ việc này. Lúc đầu chỉ có những người muốn có thỏa ước cất tiếng mà thôi. Nhưng càng lúc Giáo Tông càng nhận được cảnh báo của những người lớn tuổi chín chắn. Tôi nghĩ, ngài đang cẩn trọng hơn.

 

Hỏi: Luật tôn giáo ngày 1 tháng 2 ở Trung-quốc ảnh hưởng ra sao?

TNQ: Kể từ lần họp quốc hội kì vừa qua chính quyền và các cơ quan đã cho áp dụng những điều khoản mới. Trước đây rõ ràng có nhiều bao dung hơn đối với những chuyện tôn giáo – kể cả cho Giáo Hội hầm trú. Hiện nay tôi vô cùng lo ngại các nhà thờ của Giáo Hội hầm trú có thể bị tịch thu. Ngay trong một thành phố lớn như Thượng-hải cũng có một Giáo Hội hầm trú. Ai ai cũng biết, kể cả những người hàng xóm, vì họ vẫn thấy rất nhiều người ra vô. Ở đó có dâng thánh lễ, có hát ca, có rửa tội, rước lễ lần đầu. Đôi khi cửa nhà thờ vẫn được để mở. Nhưng những chuyện đó nay không còn nữa. Ngày nay có bảng: „Cấm người dưới 18 tuổi bước vào“. Chưa phải đâu đâu đều thế, nhưng lệnh cấm lan rộng từ từ.

 

Hỏi: Và việc cấm bán Kinh Thánh? Và chuyện loan tin về những bản dịch Kinh Thánh mới phù hợp với chính quyền, thì thế nào?

TNQ: Mới hôm qua đây – quả là một cú xốc. Những bản dịch Kinh Thánh „hợp với truyền thống trung-quốc“, nghĩa là hợp với í thức hệ cộng sản. Không thể tưởng tượng được. Trước một chính quyền như thế làm sao Vatican còn mang hi vọng?

 

Hỏi: Hồng I hãy giải thích sự chồng chéo giữa Giáo Hội thầm lặng và cái gọi là Hội Yêu Nước?

TNQ: Những người cộng sản ở Peking đòi buộc một sự phục tùng hoàn toàn vào đường lối của đảng. Ai chống lại và nói: „Không, chúng tôi là người công giáo – chúng tôi chỉ tuân lời giáo tông mà thôi“, người đó sẽ bị tống vào tù. Chỉ sau đợt Cách Mạng Văn Hóa cánh cửa nhà thờ mới được mở ra lại – các nhà thờ của Hội Yêu Nước trung thành với nhà nước. Còn những người ra khỏi tù, họ về nhà: tham gia Giáo Hội hầm trú của họ. Hai thành phần này không phải là kẻ thù của nhau. Nhưng xem ra Vatican giờ đây nói với những tín đồ vốn trung thành với mình: Các bạn cũng có thể vâng lời chính quyền ở Peking. Sau bao nhiêu năm cam chịu bao nhiêu là khốn đốn. Roma đã luôn nói với họ: Hãy giữ vững tinh thần. Và giờ đây bỗng dưng lại nói: Đầu hàng đi. Quả là một thảm kịch.

 

Hỏi: Tất cả mọi tín hũu thuộc Giáo Hội hầm trú rồi sẽ đi theo con đường của thỏa thuận mới? Hay Hồng I sợ sẽ có những phân rẽ mới?

TNQ: Nhiều tín hữu thuộc GH hầm trú có thể sẽ đi theo những người yêu nước. Vì đó là con đường bảo đảm hơn. Lúc này chưa có nhiều người bị bắt – nhưng có lẽ rồi đây sẽ nhiều. Tại sao lại đẩy Giáo Tông vào thêm một nguy cơ, khi Roma nói: Mọi chuyện đều ổn thỏa. Có thể sẽ có nhiều giận dữ và thất vọng dậy lên, khi sự trung thành của họ từ bao nhiêu năm nay trở thành con số không.

 

Hỏi: Như thế mọi trung thành đối với Roma rồi sẽ đi đong?

TNQ: Tôi sợ điều đó. Tôi nói với các tín hữu: Đừng làm cách mạng – chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho giáo tông. Bởi vì giáo tông không hẳn phải là Tòa Thánh. Trước đây người ta (Roma) đã chẳng nghe theo giáo tông Biển-đức XVI. rồi. Nay đối với giáo tông Phan-sinh họ cũng chẳng nói cho ngài biết sự thật.

 

Hỏi: Hồng I có dự tính sẽ đích thân gặp Giáo Tông một lần nữa trong những tuần hoặc tháng tới?

TNQ: Không, ngài đã dành cho tôi đủ thời gian cần thiết rồi. Ngài đã rất lắng nghe tôi và rất hiều những gì tôi muốn thưa với ngài. Tôi đã viết cho ngài rất nhiều thư, và tôi cũng có thể tiếp tục viết cho ngài, nhưng một cuộc gặp thêm sẽ chẳng cần thiết.

 

Hỏi: Người kế vị Ông, hồng i John Tong, xem ra ít bi quan như Hồng I. Hồng i Tong coi việc chống lại thỏa thuận là „bất hợp lí“.

TNQ: Tôi gọi hồng i Tong là người lạc quan – nhưng tôi sẽ chẳng bao giờ gọi ông là người thiếu lí trí. Nếu ông gọi tôi là người thiếu lí trí….

 

Hỏi: Hai vị hồng i có nói chuyện với nhau không?

TNQ: Dĩ nhiên có. Năm vừa rồi hồng i Tong có phổ biến hai bài viết dài. Trong bài thứ nhất ông bảo có người tấn công ngay cả Giáo Tông – và một tờ báo tại Hồng-công sau đó viết: Hông i Tong muốn nói rằng, hồng i Quân đã tấn công Giáo Tông. Và hồng i Tong đã không cải chính tin đó. Điều đó quả thật khó xử. Tờ báo sau đó đã cải chính lại, thể theo yêu cầu của tôi. Và tôi có yêu cầu hồng i Tong nên giữ gìn tình huynh đệ trước công luận. Hồng i Tong là người lạc quan, tôi là người bi quan – như thế không có gì phải trách ai cả.

 

Hỏi: Trong các thành phố trung-quốc hiện đang được dựng lên một hệ thống canh chừng toàn bộ xã hội. Những hành vi hợp với chính quyền – trên mạng, trong giao thông, nơi các thùng phiếu – sẽ được thưởng, các hành vi ngược lại sẽ bị phạt. Điều đó làm người ta liên tưởng nhiều tới những gì được viết trong cuốn tiểu thuyết „1984“.

TNQ: Ngay cả trong nhà thờ người ta cũng gắn máy hình. Ông có thể gọi đó là tự do tôn giáo? Tôi thấy chẳng có chi lạc quan cả. Nói ra thì như là chuyện đùa – nhưng quả thật chẳng đùa tí nào: Thánh Giu-se có thể đàm phán với vua Hê-rô-đê được chăng?

 

Hỏi: Giám mục người Á-căn-đình ở Roma Marcelo Sanchez Sorondo vừa gây ngạc nhiên lớn cho dư luận, khi ông ấy ca ngợi Trung-quốc trong một cuộc phỏng vấn: „(Ở đó) „chẳng có một khu cư dân đói rách nào cả, chẳng có thanh niên nào nghiện ngập“. Trái lại ở đó có một „í thức quốc gia lành mạnh“.

TNQ: Tôi cầu chúc cho ông ấy tiếp tục có được một cuộc sống tốt đẹp. Ngoài ra chẳng biết nói gì hơn.

 

Tin thêm:

Hồng i Quân, 86 tuổi, giám mục Hồng-công từ 2002 tới 2009, chiều tối thứ bảy vừa qua (07.04.18) đã nhận giải thưởng của Quỹ Stephanus ở Bonn, thủ đô trước đây của Cộng Hoà Liên Bang Đức, một giải thưởng dành cho những Ki-tô hữu bị bách hại. Quỹ Stephanus cho hay, với giải thưởng này hồng i Quân được vinh danh về sự can đảm và quyết tâm dấn thân từ nhiều chục năm nay cho các quyền tự do. Bài diễn văn chính do giám mục Thomas Schirrmacher, Phó Tổng Thư Kí Liên Hiệp Tin Lành thế giới trình bày. Lễ phát giải vinh danh diễn ra trong khuôn khổ đại hội thường niên của Hội Nhân Quyền Quốc Tế (IGFM). Quỹ Stephanus mang tên vị phó tế của Giáo Hội ki-tô giáo thời sơ khai, vị tử đạo đầu tiên đã bị ném đá chết bởi xác tín của ngài vào đức Ki-tô. Theo nội quy, giải giúp cho những Ki-tô hữu đang gặp hoạn nạn, chẳng hạn như trợ cấp tài chánh để sống hoặc để chi trả phí luật sư; ngoài ra giải cũng nhắm đưa ra ánh sáng những vi phạm tự do tôn giáo và các lí do ẩn tàng đàng sau của chúng. (KNA)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC