Kính thưa quý lãnh đạo tinh thần các tôn giáo,
Khi trình bày vấn đề tự do tôn giáo tại VN chúng ta có thể đứng ở các góc độ nhìn khác nhau. Một nạn nhân trực tiếp của đàn áp và bách hại vì lý do tôn giáo sẽ diễn tả một cách sống thực và cụ thể những điều họ đã kinh qua. Ở đây, từ vị trí của một người có nhiệm vụ theo dõi tình hình nhân quyền trong nhiều năm, tôi xin tóm lược những lý do, động lực và phương thức mà nhà cầm quyền CSVN xử dụng trong việc vi phạm quyền tự do tôn giáo của người dân Việt Nam.
Nhân quyền nói chung, và quyền tự do tôn giáo nói riêng là những điều tự nhiên do bản tính con người, tuy nhiên không phải tự nhiên mà có. Đó là một thành quả có được của quá trình đấu tranh lâu dài.
Cho đến thế kỹ 18, quyền tự do tôn giáo mới được ghi vào hai văn kiện lịch sử quan trọng: Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Cách Mạng Pháp 1789, và hai năm sau đó, vào năm 1791 Tu Chính Án Thứ Nhất của Hoa kỳ cũng đã minh định chính quyền không can thiệp vào tôn giáo và không ngăn cấm tự do tín ngưỡng của người dân.
Đây là một bước tiến vô cùng quan trọng, nhưng cũng chỉ giới hạn trong một không gian nhất định của các quốc gia Âu-Mỹ. Gần hai thế kỷ sau, Quyền tự do tôn giáo mới được công nhận như là một trong những quyền căn bản và phổ quát khi 48 thành viên thuộc Đại Hội Đồng LHQ ký vào Bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền vào năm 1948.
Tuy đã được thừa nhận và cam kết tôn trọng bởi hầu hết các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, quyền tự do tôn giáo trên thế giới ngày nay vẫn bị xâm phạm ở nhiều nơi, đặc biệt là các quốc gia bị cai trị bởi nhà nước cộng sản. Báo cáo mới nhất của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế tháng 4/2018 liệt kê danh sách 28 quốc gia vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng nhất, trong đó họ đề nghị 16 quốc gia cần được đưa vào danh sách các quốc gia đáng quan tâm đặc biệt vì vi phạm quyền tự do tôn giáo. Một trong 16 quốc gia đó là Việt Nam cọng sản.
Bản báo cáo cũng cho thấy tất cả 5 quốc gia trên thế giới hiện còn bị cai trị bởi đảng cộng sản gồm Trung quốc, Bắc Hàn, Cu Ba, Lào, và Việt Nam đều có tên trong danh sách nầy.
Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên bởi các lý do chính sau đây:
- Thứ nhất, vì xây dựng trên căn bản chủ nghĩa duy vật vô thần, vốn coi tôn giáo là thuốc phiện do giai cấp tư sản dựng nên để mê hoạc gia cấp bị trị, cho nên tương quan giữa cộng sản và tôn giáo nói chung là tương quan loại trừ nhau.
- Thứ đến, với chủ trương chuyên chính người cộng sản muốn thống lãnh xã hội một cách toàn diện, kể cả những giá trị có chiều kích tâm linh như tôn giáo.
- Và sau nữa là vì CS luôn coi tôn giáo là một vấn đề chính trị, các tôn giáo là các nhóm chính trị. Việc chính trị hóa tôn giáo khiến cho người cộng sản xử dụng những thủ đoạn chính trị khác nhau tùy hoàn cảnh, khi đàn áp khi hòa hoản; tất cả đều được phép, miễn là quyền độc tôn chính trị của đảng CS không bị thách đố.
Với căn bản lý thuyết đó, cộng sản Việt Nam đã và đang dùng các công cụ sau để khống chế các tôn giáo:
- Bạo lực
- Pháp chế
- Và tổ chức.
Khi nói đến bạo lực chúng ta phải nói đến tất cả các hình thứcxử dụng sức mạnh thể chất nhằm trấn áp các sinh hoạt tôn giáo từ quấy nhiểu, cản trở đi lại, phá hoại tài sản, hành hung, bỏ tù, và ám hại. Ngoài ra còn phải kể đến bạo lực tâm lý như những buổi làm việc với công an và các thủ đoạn đe dọa và ép buộc.
Trong năm 2017, theo ghi nhận của của chúng tôi, đã có ít nhất 49 vụ xử dụng bạo lực thể chất trầm trọng nhằm đến tín đồ các tôn giáo. Ngoài những xâm phạm nhằm vào các đối tượng cá thể còn có những vụ đàn áp nhằm vào tập thể đông người như tính đồ Phật giáo Hòa Hảo ở Miền Tây, các tính hữu Tin Lành ở Tây Nguyên và Thượng Du Bắc Việt, các giáo xứ thuộc Giáo Phận Vinh, và nhất là việc xử dụng công an giả dạng côn đồ và Hội Cờ Đõ theo mô hình Hồng Vệ Binh của Trung Quốc, v.v.
Công cụ thứ hai để ngăn chặn hoạt động của các tôn giáo là luật lệ.
Từ khi cướp được chính quyền, để ổn định an ninh chính trị, Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều sắc lệnh và nghị định quy định sinh hoạt các tôn giáo. Công cụ pháp luật mới nhất để xử lý vấn đề tôn giáo là Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016. So với những quy định trước đó, Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo năm 2016 có một số thay đổi nhỏ; tuy nhiên trong đại thể vẫn như trước đây trong mối tương quan nhà nước với tôn giáo, nghĩa là :
- Thứ nhất, mọi tôn giáo phải có sự công nhận của chính quyền mới có quyền hoạt động.
- Thứ đến mọi sinh hoạt tôn giáo phải được đăng ký - nói một cách rõ ràng hơn là cần phải xin phép, và phải xin phép tức là có thể bị từ chối.
- Và thứ ba nữa là chính quyền vẫn tiếp tục có quyền can thiệp vào sinh hoạt nội bộ của các tôn giáo, đặc biệt là trong việc tuyển chọn, phong chức, và bổ nhiệm tu sĩ.
Những quy định của luật Tôn giáo-Tín Ngưỡng ở trên hoàn toàn đi ngược lại những nguyên tắc căn bản về quyền tự do tôn giáo được vạch rõ trong Điều 18 của Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền và Điều 18 của Công ước Quốc tế về Những Quyền dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã cam kết tôn trọng như là một thành viên của LHQ.
Một điểm đáng ghi nhận khác nữa trong việc khống chế tôn giáo bằng pháp luật là việc chính quyền CSVN đã dùng luật về đất đai để cưỡng đoạt đất đai và các cơ sở tôn giáo. Những vụ mới và đang xảy ra trong nhựng năm gần đây như vụ nhà dòng Thiên An ở Huế, Chùa Liên Trì, và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.
Công cụ thứ ba thứ ba để kiểm soát các tôn giáo là công tác tổ chức, gồm hai động thái, động thái thứ nhất là tổ chức bộ máy kiểm soát từ bên ngoài, và động thái thứ hai là xâm nhập tổ chức các tôn giáo. Để khai triển công tác đó CSVN đã thiết lập hai cơ quan chuyên biệt ở cấp trung ương là Ban Tôn giáo Chính phủ và Vụ Tôn giáo thuộc Ban Dân vận Trung ương thuộc hệ thống Đảng. Cả hai cơ quan nầy đều có những tổ chức lệ thuộc ở cấp tỉnh và cấp huyện, nghĩa là bao trùm lãnh thổ VN.
Việc xâm nhập các tổ chức tôn giáo được ĐCSVN thực hiện qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà thành viên bao gồm một số tổ chức ngoại vi của ĐCS VN. và một số tổ chức tôn giáo được nhà nước thừa nhận. Các tổ chức nầy xâm nhập vào bên trong nội bộ các tôn giáo để lũng đoạn và phân hóa các tôn giáo mà hậu quả là Đảng CS đã nắm trọn Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Trung ương Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài quốc doanh theo bản Hiến Chương năm 2007, và Ủy ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam.
Thưa quý vị, Đó là sơ lược những nét chính về mặt chính sách cũng như thực hành mà chính quyền CSVN đã và đang áp dụng trong việc thực thi quyền tự do tôn giáo của người dân.
Vì CSVN luôn quan niệm tôn giáo trong phạm trù chính trị, cho nên một số nới lỏng gần đây như việc cho tổ chức những lễ hội tôn giáo lớn chẳng hạn Lễ Phật Đản LHQ 2014, và nghe nói lại sẽ tổ chức vào năm tới, hay việc nhà thờ và chùa chiền được xây cất đồ sộ ở nhiều nơi, nhiều giới chức tôn giáo được xuất ngoại, v.v chỉ có tính cách chiến thuật chính trị trước áp lực từ bên ngài cũng như nhu cầu sống còn của chế độ.
Quyền tự do tôn giáo ở VN chỉ có thể được tôn trọng khi chính quyền nhận rõ chiều kích tâm linh của tôn giáo và từ bỏ tham vọng thống lãnh toàn bộ sinh hoạt xã hội. Cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo vẫn tiếp tục với nhiều gian truân và hiểm nguy.
Và thưa toàn thể quý vị, hôm nay chúng ta lại có dịp họp nhau đây để bày tõ sự hỗ trợ của chúng ta đối với những người và những đoàn thể ngày đêm đang dấn thân hy sinh cho quyền tự do tôn giáo của người dân VN mà Chánh Trị Sự Hứa Phi và LM Phan Văn Lợi là những tấm gương tiêu biểu.
TS Nguyễn Bá Tùng