Phạm Hồng-Lam
Nhìn về đất nước Việt Nam hôm nay, hẳn không ai trong chúng ta không cảm thấy âu lo và phẫn nộ.
Chúng ta âu lo, vì không biết tương lai của đất nước và dân tộc của chúng ta rồi sẽ ra sao. Đất nước chúng ta đang ở trong một tình trạng bi đát. Dân tộc chúng ta đang phải đối địch lại với cả thù trong lẫn giặc ngoài.
Bên ngoài, suốt dọc dài lịch sử, người Trung Quốc vẫn không ngừng ôm mộng bá quyền. Họ luôn tìm cách thâu hoá các dân tộc chung quanh, để thoả mãn tâm lí tự tôn lẫn tự ti của họ, và vừa để giải quyết nạn nhân mãn càng ngày càng gay gắt trên đất nước này. Cái mộng bá vương nước lớn của các vua chúa trung hoa trước đây nay được tiếp nối bởi ý đồ đen tối của đảng cộng sản trung quốc. Đảng này quá biết rằng, họ chỉ có thể tiếp tục ăn trên ngồi trước, nếu họ khóa được miệng hơn một tỉ người dân trong nước, đồng thời nếu tạo được những thành quả về chính trị và kinh tế ở bên ngoài để tạo bình phong. Vì thế các chính sách hướng ngoại, như một vành đai một con đường, lưỡi bò chín đoạn Biển Đông, vung tiền mua ảnh hưởng và tận thu tài nguyên ở Phi châu và Nam Mĩ… tất cả chỉ là để phục vụ cho cái hậu ý toàn trị đó.
Thật may cho họ, là họ đã có một tay sai đắc lực và gian manh tại Việt Nam. Cái may cho đảng cộng sàn trung quốc cũng là cái hoạ cho dân tộc Việt Nam. Đảng cộng sản việt nam manh tâm phản bội dân tộc mình, chỉ vì để mong cộng đảng trung quốc bảo hộ cho ý đồ bám giữ độc quyền cai trị của họ. Họ triệt tiêu trí tuệ, nội lực và ý chí đề kháng của dân Việt. Họ từng bước chuyển giao từng phần lãnh thổ cho ngoại nhân. Họ phá vỡ môi trường sống, vắt kiệt tiềm năng kinh tế của đất nước, chặt đứt những truyền thống nhân văn cao đẹp vốn là cội nguồn sinh lực đã giúp cho dân tộc này vượt qua những thăng trầm trong lịch sử.
Chúng ta phẫn nộ, vì một dân tộc vốn tinh anh và hào hùng nay trở thành những con người cạn kiệt ý chí, cùn mòn trí tuệ, mờ nhạt tình tự dân tộc, khô kiệt lực đề kháng trước cường quyền và bất công. Một xã hội tứ bề băng hoại văn hóa và đạo đức. Sự đổ vỡ các hệ thống giá trị được phản ảnh qua tan vỡ gia đình, bạo lực học đường, dối trá giáo dục, bất nhân y tế, vong thân tôn giáo.
Chúng ta phẫn nộ, vì một đất nước rừng vàng biển bạc nay rừng đã bị các phe nhóm quyền lợi chia nhau xẻ thịt, biển đang rơi vào vòng kiểm soát của ngoại nhân. Một đất nước đội bảng thế giới về mọi phương diện: Quán quân về tiêu thụ bia rượu, về phá thai, về tỉ lệ tử vong ung thư. Kinh tế lụn bại, chính trị lú lẫn, ngoại giao cùng đường.
Chúng ta phẫn nộ trước một đảng cầm quyền hèn với giặc ác với dân. Họ coi dân là kẻ thù, ra sức trấn áp và trả thù những tiếng nói yêu nước bằng những bản án bất công đằng đẵng nhiều chục năm. Chúng biển thủ hàng ngàn tỉ đồng tài sản quốc gia thì không sao, trong lúc một em bé nhà nghèo ăn cắp một con gà của hàng xóm thì lại bị kết án tù nhiều năm. Họ hãnh diện vì đã gởi được đông đảo thanh niên nam nữ ra nước ngoài làm thuê, làm mướn, để họ kiếm thêm ngoại tệ. Họ câm miệng trước cảnh Tàu cộng đánh đập và bắn giết ngư dân mình.
Chúng ta giận và thất vọng trước sự ích kỉ và vô trách nhiệm của hầu hết thành phần được gọi là có học («trí thức») ở trong nước cũng như thái độ thờ ơ của những người lãnh đạo tôn giáo trước vận mệnh quốc gia và trước những vấn đề sống còn của xã hội. Lẽ ra chức năng của họ là phải lên tiếng cảnh báo, khi đất nước và dân tộc gặp gian nguy, khi xã hội gặp khủng hoảng. Nhưng bốn phương vẫn gần như vẳng lặng.
Ai gây ra nông nỗi đó? Ai can tâm đưa đất nước vào đường cùng? Ai can tâm đẩy dân tộc vào tai họa? Ai manh tâm bắt con người Việt Nam phải vong thân như thế? Dĩ nhiên mọi người chúng ta đều rõ.
Hãy thắp lên một ngọn nến…
Chúng ta âu lo là đúng. Chúng ta có quyền phẫn nộ.
Nhưng âu lo và phẫn nộ không thôi, chẳng giải quyết được gì!
Trước hoàn cảnh đen tối của quê hương như thế, phải làm sao?
Người Scottland có một lời minh triết như sau: «Thà thắp lên một ngọn nến nhỏ, hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối.»
Vâng, thà làm một cái gì đó, tuy nhỏ nhoi trong tầm tay và khả năng của mỗi người, còn hơn là cứ ngồi mà than thở, mà căm giận, mà nguyền rủa bóng tối.
Cái nhỏ nhoi - hay ngọn nến nhỏ - đó là cái gì?
Đó có thể là một đường lối đấu tranh từ phía các chính đảng quốc gia. Một bài giảng gây ý thức từ phía các tôn giáo. Một bài viết vạch trần sự dữ của nhà văn nhà báo. Một chiến dịch gây ý thức từ các tổ chức văn hóa xã hội. Một lời tố cáo sự vi phạm nhân quyền ở Việt Nam ra trước công luận. Một nhắc nhở người thân ở quê hương về nguy cơ của đất nước và dân tộc. Một từ chối bằng cách này hay cách khác của cá nhân như bớt gởi tiền, thôi du lịch, không làm lợi cho chế độ bạo quyền. Một chữ kí ủng hộ những người yêu nước bên nhà đang lâm nan. Một yểm trợ tài chánh cho các nạn nhân của bạo quyền. Hay cũng có thể là những lời cầu nguyện âm thầm đơn thành của những con người không hằng sản, nhưng sẵn hằng tâm. v.v.
Nghĩa là mỗi người trong chúng ta có thể thắp một ngọn nến khác nhau theo hoàn cảnh và khả năng mình. Một ngọn nến nhỏ hẳn không xua tan được bóng tối. Nhưng nhiều ngọn nến sẽ làm sáng rực cả một chân trời.
Ý nghĩa giải Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền
Thắp lên một ngọn nến, đó là điều Phong Trào Giáo Dân Việt Nam vẫn hằng chủ trương, vẫn hằng khuyến khích.
PTGDVNHN là một tổ chức tôn giáo với mục tiêu gây ý thức và đào tạo người tín hữu, để họ trở thành những người công dân thấm nhuần lẽ đạo, đồng thời là những tín hữu Ki-tô sẵn sàng dấn thân cho nhân phẩm, công lí và hòa bình. Vì thế Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại luôn cổ xúy và khuyến khích những nỗ lực, hoặc bằng tiếng nói hay chữ viết hoặc bằng hành động, can đảm đấu tranh đặc biệt trên bình diện tự do tôn giáo và bảo vệ phẩm giá con người.
Mục tiêu này được gói trọn trong câu nói của tổng giám mục Nguyễn Kim Điền (1921-1988) phát biểu trước các giám mục thế giới tại Rôma (1971) và được ngài nhắc lại trong lá thư mục vụ gởi cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong giáo phận ngày19.10.1985:
«Đã có những giám mục chịu chết, để bênh vực quyền lợi của Hội Thánh. Ngày nay có giám mục nào dám chịu chết, để bênh vực quyền lợi con người không?»
Giám mục Nguyễn Kim Điền lúc đó là người lãnh đạo tổng giáo phận Huế. Ngài vốn là một con người tầm thường và có thể nói khá nhút nhát, xuất thân là tu sĩ của Dòng Tiểu Đệ - một Tu Hội với lí tưởng sống nghèo, hòa mình với các thành phần lao động trong các khu gia cư nghèo, chuyên sống bằng nghề đạp xích-lô, khuân vác bến tàu hay lao công trên các công trường xây dựng.
Sau khi cộng sản lên nắm chính quyền tại Huế, sau năm 1975, Nguyễn Kim Điền là giám mục đầu tiên gởi thư luân lưu kêu gọi và khuyến khích giáo dân trong giáo phận mình thành tâm hợp tác với chế độ mới. Thái độ đó nói lên thiện chí của ngài. Nó cũng phần nào nói lên bản tính sợ cường quyền nơi ngài. Nhưng mặt khác ngài cũng rất dứt khoát trước những chính sách diệt phá tôn giáo của chính quyền, cho dù biết rằng, thái độ đó có thể đưa tới nguy hiểm cho bản thân.
Trước những âm mưu phá đạo và áp chế con người của chính quyền, tổng giám mục Điền đã liên tiếp viết nhiều văn thư phản đối gởi tới đảng cộng sản và chính quyền trung ương của họ. Mỗi khi có dịp, ngài đều lên tiếng công khai trước các cơ quan công quyền về những sai phạm đó. Qua các lá thư mục vụ, ngài đều đặn thông báo cho giáo dân, để họ cùng í thức và cùng chia sẻ những ưu tư của ngài.
Cụ thể ngài đã lên tiếng bênh vực cho:
- Quyền tự do tín ngưỡng (qua hai thư ngày 19.4.77 và 24.4.77)
- Quyền tự do đào tạo linh mục (thư 17.5.79 và 15.12.79).
- Quyền tự do đi lại (Thư 10.1981 về việc hành hương La Vang và thư 25.3.88 gởi tổng bí thư Nguyễn Văn Linh về việc ngăn cản không cho đi lại làm mục vụ trong giáo phận và cấm đi viếng mộ thánh tại Roma).
- Cảnh báo về sự nguy cơ của Giáo Hội (Thư 19.10.83 gửi lm. Nguyễn Thế Vịnh)
- Quyền cá nhân phải được hiến pháp bảo vệ (Thư gửi chủ tịch quốc hội, ngày 11.4.86 về việc bị công an thẩm vấn suốt 120 ngày liền).
- Quyền tự do tư tưởng và thông tin (Thư 3.7.86 về việc liên quan tới nữ tu Dòng MTG Thừa Sai Trương Thị Lý).
Từ tháng Tư tới tháng Mười năm 1984 ngài đã bị triệu tập tới sở công an làm việc tổng cọng tới 120 ngày. Họ quyết tâm quật ngã ý chí và con người ngài, vì ngài đã thẳng thắn trả lời họ rằng, dù có thế nào chăng nữa, thì «…tôi vẫn phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm». Đối với một đảng vô thần, thái độ này là một sự miệt thị uy quyền toàn năng của họ. Và họ tìm cách loại ngài. Trước hết: quản thúc tại gia.
Trong suốt 120 ngày căng thẳng với công an đó, mỗi ngày khi ra đi, ngài mang theo một túi nhỏ đựng đồ đạc cần thiết, vì không biết mình có thể được trở về nhà hay không. Và cứ sau mỗi ngày làm việc, ngài lại tạ ơn Thiên Chúa, vì đã qua được một ngày bền tâm, đồng thời cầu xin cho ngày mai cũng được bền tâm sáng suốt như vậy. Bởi ngài không biết được sức chịu đựng của mình có thể bền tới lúc nào.
Trong những lá thư mục vụ sau cùng, trước những vòng vây căng thẳng ngày càng siết chặt, ngài không ngớt mời gọi giáo dân cầu nguyện cho ngài, để ngài được luôn trung thành với trọng trách giám mục, với những thử thách mà Thiên Chúa gởi tới cho ngài.
Và cuối cùng ngài đã chết – một cái chết đầy khả nghi - tại bệnh viện Chợ Rẫy, Sài Gòn ngày 08.06.1988.
Thà thắp lên một ngọn nến nhỏ, còn hơn ngồi đó nguyền rủa bóng tối.
Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền đã thắp lên ngọn nến của ngài, một ngọn nến tương hợp với trách vụ giám mục của ngài: đó là không ngừng lên tiếng để báo động và chống lại sự dữ, dù biết rằng, nến của mình có thể sẽ không có sức mạnh tỏa sáng và có thể bị dập tắt. Nhưng vẫn phải lên tiếng.
Chiều ngày 17.11.2018 vừa qua, tại hội trường của cộng đồng người Việt ở Houston PTGDVNHN đã tổ chức lễ vinh danh thêm hai ngọn nến tại quê hương: Chánh trị sự Hứa Phi và linh mục Phan Văn Lợi. Hai ngọn nến mới này – bên cạnh những ngọn nến khác đã được vinh danh trong gần mười năm qua - đang hòa chung với ánh nến Nguyễn Kim Điền.
Chúng ta cầu mong cho dân tộc Việt Nam ngày càng có thêm nhiều ngọn nến được thắp lên, để rồi một ngày sẽ tới, ánh sáng hội tụ của dân tộc sẽ đánh tan màn đêm tăm tối và sức nóng của hàng triệu ngọn nến sẽ đốt cháy chế độ u minh đang kìm kẹp và phản bội đất nước và dân tộc.
-
PTGDVNHN cần sự hỗ trợ tài chánh của quý vị độc giả, để có thể tiếp tục đều đặn vinh danh những ngọn nến thắp sáng tương lai việt nam, Mọi đóng góp có thể liên lạc trực tiếp với các cơ sở địa phương hoặc qua thuongvu@phongtraogiaodan.org.