Lá Thư Thường Vụ Mùa Chay 2019

08/04/20198:40 SA(Xem: 2054)
Lá Thư Thường Vụ Mùa Chay 2019
image2

Thư Thường Vụ mùa Chay 2019

 

 

Quý Anh Chị thân mến,

 

Còn một tuần nữa chúng ta bước vào Tuần Thánh, những ngày lễ giúp chuẩn bị đón mừng biến cố trọng đại nhất của những người theo Chúa: Đức Ki-tô sống lại, phục sinh.

Tôi viết lá thư này tới quý Anh Chị trong ngày chủ nhật thứ V mùa Chay, sau khi sáng nay trong thánh lễ được nghe lại đoạn Tin Mừng nói về cảnh người ta mang tới trước mặt đức Giê-su một phụ nữ ngoại tình và yêu cầu Người cho phép họ ném đá phụ nữ này, chiếu theo luật hiện hành.

Hãy bỏ qua những yếu tố mà ngày nay chúng ta coi là khó hiểu: Đã ngoại tình thì phải có hai người, thế thì người đàn ông trong vụ này ở đâu? Tại sao lại chỉ có một đám đàn ông lôi người đàn bà này tới trước mặt đức Giê-su? Thế mới biết, luật lệ, dù là của Thiên Chúa, lắm khi cũng cần phải được hiểu đóng khung trong một nền văn hóa, trong một thời gian nhất định. Nhưng đấy chỉ là những chuyện nhỏ, bên lề.

Đức Giê-su bị đặt trước một „nước cờ triệt“: Nếu Người bảo là không được giết người, thì Người là một „tay chống cha (Môi-sen) chống Chúa“, một „tên phản đạo“, vì chống lại luật hiện hành của Thiên Chúa do Môi-sen ghi lại: Người đàn bà nào bỏ chồng phải bị ném đá chết! Và theo luật thời đó, như thế đức Giê-su sẽ bị lên án tử. Trái lại, nếu Người là kẻ trung thành giữ luật và bảo, các ông cứ theo luật mà làm, thì toàn bộ sứ điệp của Người là số không, chẳng có gì đáng để cho con người đi theo!

Và phép lạ vĩ đại đã diễn ra, khi Người nói: Ai trong các ông không có tội, thì hãy cầm đá ném người đàn bà này trước đi!

Tôi tin rằng, đây là phép lạ lớn nhất và „nhân bản“ nhất của đức Giê-su trong cuộc đời dương thế của Người. Những phép lạ như hóa bánh thành rượu, cho người bạn La-da-rô sống lại… đều có một cái gì đó mang tính siêu việt, thần thoại, vượt kkỏi mọi tính năng của con người. Để chấp nhận, chúng đòi hỏi đức tin. Nhưng phép lạ cứu người đàn bà này thì lại rất người, rất gần với đối với chúng ta, hoàn toàn dễ hiểu và dễ tin đối với con người. Nó dễ dàng đi vào lòng người mọi thời đại, mọi nơi chốn.

Và câu truyện trên đây đã mở ra cho tôi cái ý nghĩa tuyệt vời và thẳm sâu nhất về „sống lại“ hay „phục sinh“. Khái niệm „phục sinh“ hay „sống lại“ của người Việt chúng ta thường làm mình nghĩ tới yếu tố ma thuật. Trong khi Tin Mừng dùng một từ vốn được các Giáo Hội ở Âu Mĩ dịch thành: „ĐÁNH THỨC DẬY“. Thiên Chúa Cha đã đánh thức đứa Con của mình dậy, sau ba ngày người Con phải chịu nhục hình kinh hoàng của trần gian.

Hoạt cảnh trên đây nói lên sự đánh thức của đức Giê-su nơi những đàn ông tay cầm đá mặt đằng đằng sát khí và nơi người phụ nữ „vô phúc“.

Ai trong các ông không có tội, thì hãy lấy đá ném người đàn bà này trước đi!“ Lời câu thúc này của Người đã đánh thức lương tâm của những người vốn theo Chúa, cứ nghĩ mình ngoan đạo, giữ trọn luật, nhưng thật ra trong lòng ngập tràn mê lầm. Và họ đã từ từ lẫn đi, bắt đầu từ những người lớn tuổi nhất!

„…Tôi cũng không lên án Chị. Chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!“ hẳn đã đánh động, đánh thức tâm hồn của người đàn bà có lẽ đã một thời đạo hạnh, nhưng rồi đã ngã lòng đi theo lối sống phóng túng của thời đại.

Phục sinh có nghĩa là hãy để Chúa đánh thức, từ bỏ cái cũ để mặc vào mình một con người mới. Tôi tin rằng, những người đàn ông đã hiểu được lời đánh thức nghiêm khắc của Chúa, và người đàn bà cũng đã được đánh thức bởi lòng nhân hậu của Người. Và cả hai từ đó đã bước vào một con đường mới. 

Cầu chúc quý Anh Chị trong thời gian chuẩn bị mừng đón biến cố phục sinh của đức Ki-tô cũng nhận được sự đánh thức của Người, để chúng ta cùng thức tỉnh với người phụ nữ và những người đàn ông trên đây hầu bước vào một con đường sống mới.

Đó là một vài suy nghĩ gợi ý tôi muốn gởi tới các Anh Chị qua lá thư mùa Chay 2019 này.

 

 

Thân ái chào Anh Chị

Phạm Hồng-Lam

Điều Hợp Viên

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC