Christoph Hartmann
www.Katholisch.de ngày 12.03.2019
Để hiểu Kinh Thánh (KT) thật sự muốn nói gì với chúng ta là chuyện quả không dễ. Điều này chính Kinh Thánh cũng đã cho chúng ta biết: Tác giả Thư Phê-rô thứ hai, có lẽ của một người khác trùng tên, chứ không phải của chính vị Tông Đồ, đã nói về thư của Phao-lô: „Có nhiều điều trong các lá thư đó rất khó hiểu.“ (2. Pr 3,16). Như vậy, việc tìm kiếm từ ngữ thích hợp cho đức tin là chuyện chẳng có gì mới. Một trong những cái khó đặc biệt là sao diễn dịch được các văn bản đã có từ nhiều trăm năm nay bằng thứ ngôn từ thích hợp cho ngày nay.
Theo thống kê chính thức hiện có 692 bản dịch Kinh Thánh qua các ngôn ngữ khác nhau. Nhưng lịch sử phiên dịch KT cũng là lịch sử của những nỗ lực dịch đi dịch lại của nó. Phải luôn làm cho KT thích ứng với ngôn ngữ thời đại và phù hợp với những khám phá văn bản mới. Ngay ở Đức trong những năm qua đã có hai cuộc hiệu đính lớn: đó là bản dịch thống nhất của Công Giáo năm 2016 (Einheitsübersetzung: Bản dịch mang tên „thồng nhất“ có nghĩa là bản dịch này được phép dùng chung cho cá nhân và phụng vụ, chứ không phải là bản dịch chung cho Công Giáo và Tin Lành. Chú của người dịch) và bản hiệu đính của Tin Lành năm 2017, đúng vào thời điểm năm kỉ niệm cuộc đại cải cách do Martin Luther chủ xướng. Cách đây 20 năm đã có một bản dịch đại kết chung cho Tin Lành và Công Giáo, nhưng Giáo Hội công giáo chỉ sử dụng bản dịch này trong việc nghiên cứu cá nhân mà thôi. Cho tới nay vẫn chưa có được một bản văn để dùng chung trong phụng vụ cho cả hai giáo hội. Các nhà diễn giải công giáo và tin lành xưa nay vẫn cố gắng đi tới mục tiêu này trong các bản dịch hiệu đính của họ.
Cả hai bản hiệu đính của Tin Lành và Công Giáo đã cũ mấy chục năm rồi. Thời gian qua có nhiều tài liệu viết tay mới được khám phá, cần phải điều chỉnh cho phù hợp. Mỗi đợt hiệu đính, cả Tin Lành lẫn Công Giáo lại cố gắng làm sao để trở về sát với bản văn gốc hơn – và họ đã lược bỏ đi những lối nói trước đây đã được họ được sử dụng, để làm sáng tỏ các lối nói của người xưa. Là vì một bản dịch hay chưa hẳn là một bản dịch tốt. Chẳng hạn câu Mat. 5,3 là một thí dụ: Bản dịch KT của Tin Lành ở Zürich, Thụy-sĩ là bản văn nổi tiếng dịch sát với tài liệu gốc, dịch: „Phúc cho ai nghèo trong tinh thần – nước trời là của họ.“ Nhưng đối với tín hữu ngày nay, câu dịch này tối nghĩa, thậm chí còn gây hiểu lầm, vì có người nghĩ rằng, đây là lời chúc phúc cho những ai yếu kém về trí tuệ. Do đó, nhà xuất bản đã thêm một ghi chú rằng: „Nghèo trong tinh thần có nghĩa là nghèo về tinh thần của Thiên Chúa và họ chẳng có gì trong tay khi phải ra đứng trước mặt Người.“ Để tránh phải thêm ghi chú, bản dịch thống nhất của Công Giáo đã dịch: „Phúc cho ai nghèo khó trước mặt Thiên Chúa; vì nước trời là của họ.“ Bản hiệu đính tin lành lấy lại câu của Luther trước đây: „Phúc cho ai nghèo tâm linh; vì nước trời là của họ.“ Như vậy, trong khi bản thống nhất bỏ chữ „tinh thần“ trong chính bản để cho nghĩa được tỏ hơn, thì bản của Luther đã tìm cách bắc một nhịp cầu.
Trung thành với văn bản và trung thành với hiệu quả là hai yếu tố thường ngược nhau khi dịch thuật. Một đàng cần phải làm sao thật sát với nguyên bản. Một đàng cần làm sao cho người đọc hiểu được ý nghĩa. Yếu tố thứ hai có thể có nhiều lợi thế hơn. Chính Luther đã dịch câu Thánh Vịnh 22,22: „Hãy cứu con khỏi họng sư tử, và cứu thoát con khỏi tê giác.“ Đối với người thời khai sinh KT, tê giác là một tạo vật khủng khiếp. Nhưng thời nay người ta lại cho đó là một con vật thần thoại đáng yêu. Để giữ hiệu quả của câu văn, bản thống nhất đã dịch là „cứu thoát con khỏi (nanh vuốt) sừng trâu“; còn bản tin lành dịch: „cứu thoát con khỏi sừng mãnh thú“.
Tân Ước có hơn 5000 tài liệu chép tay
Nhưng dịch chỉ mới là một vấn đề. Trước đó một câu hỏi được đặt ra: Đâu là „nguyên bản“ phải theo? Là vì KT không có nguyên bản chính thức nào theo nghĩa ngày nay. Từ Cổ Thời đã có nhiều văn bản rời và có nhiều bản dịch, rồi càng ngày càng tìm ra những văn bản mới. Các kiến thức đó được gói vào trong hai tập in mang tính lịch sử có phê phán, được cả thế giới công nhận, bất luận tôn giáo nào: Cựu Ước với tập Biblia Hebraica; Tân Ước với tập Novum Testamentum Graece, là bản ngày nay đặc biệt được biết dưới cái tên nhà xuất bản đầu tiên của nó „Nestle-Aland“ dựa trên nền tảng 5500 tài liệu chép tay. Hai tập trên có nhiều câu đoạn khác nhau, được các nhà chuyên môn quốc tế và liên tôn chấp nhận với nhau, đâu là câu đoạn có khả năng chính xác nhất.
Dù có sự đồng ý của các chuyên gia về sự chính xác, vẫn không có được sự cộng tác chung chính thức giữa Công Giáo và Tin Lành trong hai lần hiệu đính KT mới nhất. Trong lần hiệu đính của bản thống nhất sử dụng từ năm 1962 tới 1980 đã có sự chung tay ít nhiều của chuyên gia tin lành, nhưng cuối cùng đã có một sự hiểu lầm. Phía Công Giáo tin rằng, giờ đây sẽ có được một bản dịch không chỉ cho Công Giáo, mà cho chung mọi tôn giáo tại Đức dùng trong phụng vụ. Nhưng phía Tin Lành đã không bao giờ nghĩ tới chuyện đó. Rồi Tin Lành lại có vấn đề với Roma trong việc dịch. Theo huấn thị „Liturgiam authenticam“ của Roma, mọi bản dịch công giáo phải đồng thời quy chiếu với bản Nova Vulgata *, là bản chính thức của Giáo Hội viết bằng La-tinh. Ngoài ra bản dịch hiệu đính của Đức phải được Roma chuẩn nhận.
Anh đi đường Anh…
"Chẳng có gì có thể nối kết chúng ta", Christoph Kähler, cựu giám mục tin lành bang Thüringen và là người đứng đầu Ủy Ban hiệu đính KT tin lành, đã thốt lên như thế. Hai bên đã phải xa nhau và không thể làm việc trực tiếp với nhau - ít là trên bình diện chính thức. Hai Ủy Ban trao cho nhau bản dịch hiệu đính của mình và đã lấy lại một số câu chữ trong bản dịch của nhau. Vì hai bản văn kết thúc cùng một thời điểm, hai giáo hội đã đề nghị nên sử dụng các bản dịch này trong các buổi phụng vụ đại kết. „Đó là một lối giải quyết đại kết tốt“, giám mục hưu trí của giáo phận Erfurt, Joachim Wanke, đã cho biết như vậy. Giám mục Wanke cũng là người đứng đầu Ủy ban hiệu đính KT công giáo. Ông cũng thú nhận, khó có thể sử dụng được bản dịch của Tin Lành. Không phải chỉ vì loại ngôn từ sử dụng trong đó mà thôi. „Đó là cách thể hiện căn cước của những tín hữu cải cách của Luther. Ta không thể mong tín hữu tin lành phủ nhận tính cách chính thức của bản dịch của Luther được.“
Cả hai phía đều ít hi vọng vào một sự làm việc chung trong cùng một ủy ban đại kết hỗn hợp cho lần hiệu đính trong vài chục năm tới. Giám mục Wanke không tin là sẽ có. Còn giám mục Kähler bảo, trước hết cần phải đồng ý với nhau về một mục tiêu chung đã, rồi mới hi vọng có sự làm việc chung: „Chỉ có mặt đại kết không mà thôi thì không đủ.“ Là vì ở Đức đã có hơn 40 lần dịch KT rồi, lúc thì cả hai bên nhắm làm cho một nhóm nhỏ nhất định nào đó, chẳng hạn như cho thanh thiếu niên, lúc thì vì nhu cầu phải cập nhật với biến chuyển ngôn ngữ. Ông cho hay thêm: một bản dịch chung cho cả hai giáo hội là điều hiện khó thực hiện. Và vì đề nghị dùng bản dịch của nhau cho các buổi lễ đại kết cũng không cụ thể, nên trong tương lai những người thích đọc KT hãy còn có nhiều bản dịch KT để chọn lựa.
www.Katholisch,de ngày 12.03.2019
* Phần ghi thêm của người dịch (Phạm Hồng-Lam):
Bản Vulgata (phổ thông) là bản Kinh Thánh viết bằng tiếng La-tinh do Giáo Tông lúc đó ủy cho thánh Hieronymus soạn năm +382. Phần Cựu Ước được ngài chủ yếu dịch thẳng từ bản văn tiếng Do-thái. Phần Tân Ước dựa trên một bản bằng tiếng La-tinh cổ. Năm 1546 công đồng Trento chấp nhận Vulgata là bản KT chính thức của Giáo Hội công giáo.
Sau công đồng Vaticano II. có thêm Nova Vulgata (tân phổ thông). Bản này được dịch dựa trên các bản nền tiếng Do-thái và Hi-lạp. Năm 1979 được Giáo Hội chính thức áp dụng.
Trước hai bản KT trên đây còn có Septuaginta (bản 70) là bản KT dịch xưa nhất từ các nguyên bản tiếng Do-thái và Aramê sang tiếng Hi-lạp cổ. Bản dịch bắt đầu khoảng năm -250 (trước công nguyên). Đa số các sách trong bản này được dịch cho tới khoảng năm -100; số còn lại được dịch cho tới khoảng năm +100. Đây là bản KT được Giáo Hội chính thống đông phương coi là bản nền tảng của mình.
Như vậy bản Tân Ước chúng ta sử dụng hiện là văn bản được dịch thông qua nhiều đợt với nhiều thứ ngôn ngữ, khởi đi từ tiếng Aramê. Một số nhà chuyên môn cho hay, phải trở lại với các bản gốc tiếng Aramê, là thứ ngôn ngữ thời của đức Giê-su dùng. Ở Đức có nhà thần học Günther Schwarz (1928-2009), một mục sư tin lành chuyên gia về đức Giê-su qua các bản văn Aramê. Suốt 50 năm làm việc với các tài liệu Aramê ông đã để lại 20 đầu sách và hơn 100 bài nghiên cứu. Ông đã gởi các kết quả nghiên cứu của mình cho các giám mục tin lành và công giáo. Theo ông, có tới 50% nội dung trong các bản KT ngày nay khác với nội dung trong các bản Aramê. Chẳng hạn như câu Mat. 10,30 hiện nay: „Tôi không đến, để mang mang hòa bình, nhưng mang gươm giáo“ thật ra trong bản Aramê có nội dung như vầy: „Tôi không đến, để tạo thỏa hiệp, nhưng để gây tranh cãi.“ Câu sau xem ra hợp với con người và những lời giảng dạy của đức Giê-su hơn. Hay như câu trong Kinh Lạy Cha: „Xin đừng dẫn chúng con vào chước cám dỗ“. Câu này dịch đúng theo bản quy chiếu tiếng Hi-lạp là như thế. Bắt đầu từ mùa Vọng năm 2018, các Giáo Hội công giáo tại các nước Âu châu đã sửa câu này thành: „Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ“, theo lời yêu cầu của giáo tông Phan-sinh. (Người Việt mình không biết do đâu đã may mắn dịch ngay từ đầu là „Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ“). Phần vì muốn giữ đúng nguyên bản, phần vì quý trọng kết quả làm việc chung với Tin Lành, Giáo Hội công giáo Đức đã xin phép Giáo Tông miễn sửa.
Nhưng bản tiếng Hi-lạp nghe nói là được dịch từ bản Aramê. Và nội dung câu này trong bản Aramê, theo Günther Schwarz, như sau: „Xin cứu chúng con khỏi cám dỗ“. Có một câu rất quan trọng làm nền tảng cho sự hiện diện của Giáo Hội, câu Mt (16, 18-19) cho biết đức Giê-su nói với Phê-rô: Anh là đá, trên đá này Ta sẽ xây giáo hội của Ta… Theo Schwarz, trong bản Aramê, Mat-thêu trình thuật đoạn này là câu của Thiên Chúa trực tiếp nói với đức Giêsu: „Đây là con Ta, đứa con duy nhất. Đứa con mà chính Ta hài lòng. Hãy nghe lời Người! Vì Người là đá, trên đá này Ta sẽ xây đền thờ của Ta…“.
Độc giả biết tiếng Đức muốn biết thêm về những kết quả của Schwarz, hãy đọc nhà thần học công giáo Franz Alt, một nhà báo và người viết sách nổi tiếng ở Đức, hiện đã 80 tuổi. Ông tóm tắt những khám phá của Schwarz trong hai cuốn sách mỏng dính của mình: „Was Jesus wirklich gesagt hat?“ (Đức Giê-su đã thật sự nói gì?) và „Die 100 wichtigsten Worte Jesu“ (100 câu nói quan trọng nhất của đức Giê-su).
Nói chuyện Kinh Thánh tôi cũng sực nhớ tới hai chuyện vui. Có thật Thiên Chúa đã khuyên người ta nên ham muốn vợ chồng người, nghĩa là nên ngoại tình (điều răn thứ 6) hay không?
Có! Trong bản KT gọi là bản Wicked Bible in năm 1631 tại Anh do xưởng in của nhà vua dưới sự điều hành của Robert Barker & Martin Lucas in, trong đó có tới hàng ngàn câu “Thou shalt commit adultery” (Ngươi nên ngoại tình). Gần một năm sau người ta mới khám phá ra sự „sai sót“(?!) này. Barker và Lucas phải ra tòa, bị phạt 300 bảng Anh (tương đương với sức mua ngày nay khoảng 55 ngàn US$), bị truất bằng in. Người ta tìm mọi cách thu hồi lại toàn bộ số sách, nhưng ngày nay vẫn còn sót lại mười cuốn, được chào với giá nhiều chục ngàn đô mỗi cuốn.
Đúng 100 năm sau, câu chuyện lại xẩy ra ở Halle tại Đức. Trong ấn bản KT năm 1731 gọi là Canstein-Bibel với số in hàng loạt dùng cho đại chúng quả thật cũng có câu “Du sollst ehebrechen” (Ngươi nên rẫy vợ bỏ chồng). Người ta cũng đã hốt hoảng thu hồi, nhưng hãy còn sót lại một vài cuốn. Thư viện Herzog August ở Wolfenbüttel còn giữ một cuốn, và trang sách có câu đó đã mòn tới độ như mấy ngón chân của tượng thánh Phê-rô trong thánh đường Phê-rô tại thủ đô Vatican.
Công trình của ma quỷ hay là hậu ý của mấy tay thợ xép chữ? Cho tới nay vẫn không biết được.
Augsburg, 13.03.2019.