THÁNH GIÊ-RÔ-NI-MÔ

22/04/20197:45 CH(Xem: 2226)
THÁNH GIÊ-RÔ-NI-MÔ

THÁNH GIÊ-RÔ-NI-MÔ

------------------------------

Đức giáo hoàng Biển Đức XVI

(Tại buổi tiếp kiến chung thứ Tư 07-11-2007)

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, chúng ta hướng về thánh Giê-rô-ni-mô. Người là vị Giáo phụ đã đặt Kinh Thánh vào trọng tâm cuộc sống : đã phiên dịch Kinh Thánh sang tiếng La-tinh, chú giải Kinh Thánh trong các tác phẩm của mình, nhất là ra sức sống Kinh Thánh một cách cụ thể suốt cuộc đời dài trần thế, dù nổi tiếng là tính khí tự nhiên đã khó lại hung hăng !

Giê-rô-ni-mô sinh khoảng năm 347 tại Stridon (nay là Croatie), trong một gia đình Ki-tô giáo. Gia đình tạo mọi điều kiện cho người được giáo dục đến nơi đến chốn, rồi còn gửi người sang Rô-ma đào sâu học thuật. Ngay từ thời trai trẻ, người đã bị lôi cuốn bởi lối sống trần tục (1), nhưng bên trong, niềm khao khát và mối quan tâm về Ki-tô giáo vẫn trổi lên mạnh mẽ hơn. Khoảng năm 366, người chịu Phép Rửa, hướng theo nếp sống khổ hạnh, rồi đi Aquilée, gia nhập nhóm các Ki-tô hữu sùng đạo mà người gọi là “nhóm những người may phước” (2) vẫn quy tụ quanh đức giám mục Va-lê-ri-ô.

Thời gian sau, người sang Đông phương, sống ẩn dật trong sa mạc Calcide ở nam Alep (3), miệt mài dốc sức vào nghiên cứu học hỏi. Người hoàn thiện khả năng tiếng Hy-lạp, bắt đầu học tiếng Híp-ri (4), sao chép các thủ bản Kinh Thánh và các tác phẩm Giáo phụ (5). Nhờ suy niệm, sống cô tịch và tiếp cận Lời Chúa, người cảm thụ đạo lý Ki-tô giáo sâu xa hơn.

Người cảm thấy nhức buốt hơn về những vướng mắc nặng nề thời trai trẻ (6) và nhận thức rõ ràng sức đối kháng giữa lối suy nghĩ và hành động ngoại giáo với nếp sống Ki-tô giáo : sức đối kháng này nhiều người đã biết tới khi người kể lại một “thị kiến” thảm thương và sống động, trong đó, người như bị đánh đòn trước mặt Chúa vì tội “chạy theo Cicero chứ không chịu thuộc về Đức Ki-tô” (7).

Năm 382, người sang sống tại Rô-ma : nơi đây, đức giáo hoàng Đa-ma-xô biết người nức tiếng khổ hạnh và tinh thông uyên bác nên chọn người làm thư ký và cố vấn, khuyến khích người bắt tay vào công trình phiên dịch các bản văn Kinh Thánh sang một bản La-tinh mới để dùng trong mục vụ và phục vụ những mục đích văn hóa.

Một số người thuộc giới tinh hoa của Rô-ma, đặc biệt là những bà quý tộc như Paola, Marcella, Asella, Lea và mấy người khác nữa, vốn ao ước dấn thân theo con đường hoàn thiện Ki-tô giáo và đào sâu hiểu biết về Lời Chúa, nên chọn người làm vị dẫn đàng thiêng liêng và làm tôn sư giúp họ tiếp cận các bản văn thánh một cách có phương pháp. Các bà quý tộc này cũng học tiếng Hy-lạp và Híp-ri nữa.

Đức giáo hoàng Đa-ma-xô qua đời. Giê-rô-ni-mô rời Rô-ma năm 385, khởi sự một chuyến hành hương. Trước hết, người sang Đất Thánh, âm thầm làm chứng cho cuộc đời trần thế của Đức Ki-tô ; rồi sang Ai-cập, vùng đất tuyển của đông đảo các đan sĩ (8).

Năm 386, người dừng lại ở Bê-lem ; tại đây, nhờ lòng quảng đại của bà quý tộc Paola, một nam và một nữ đan viện đã được xây lên, rồi thêm một ngôi nhà đón khách hành hương đến Đất Thánh “tưởng nhớ Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se xưa không tìm được chốn dừng chân” (9). Cho đến khi qua đời, người ở lại Bê-lem luôn, tiếp tục hăng say hoạt động : chú giải Lời Chúa, mạnh mẽ chống chọi với các thứ lạc giáo để bảo vệ đức tin, khích lệ các đan sĩ tiến tới trọn lành, giảng dạy về văn hóa cổ điển và văn hóa Ki-tô giáo cho các môn sinh trẻ, rộng lòng mục tử đón tiếp khách hành hương đến viếng Đất Thánh. Người tắt nghỉ trong căn phòng nhỏ tại đan viện, gần hang Giáng Sinh, ngày 30 tháng 9 năm 419/420.

Kiến thức văn chương sâu rộng và học thuật uyên thâm, Giê-rô-ni-mô đã có thể hiệu chính và phiên dịch nhiều bản văn Kinh Thánh. Công việc này thật đáng quý đối với Giáo Hội La-tinh và nền văn hóa Tây phương. Căn cứ trên các bản văn gốc Hy-lạp hay Híp-ri và đối chiếu với những bản dịch đã có trước, người thực hiện việc hiệu đính bốn sách Tin Mừng tiếng La-tinh, sách Thánh vịnh và phần lớn bộ Cựu Ước.

Rồi nhờ dựa vào bản gốc Híp-ri và Hy-lạp, đồng thời dựa vào bản Bảy Mươi – tức là bản dịch bộ Cựu Ước sang tiếng Hy-lạp, một bản dịch cổ điển có từ thời tiền Ki-tô giáo –, và cũng dựa vào cả các bản dịch La-tinh đã có trước, Giê-rô-ni-mô – về sau có những người khác cộng tác – đã đưa ra được một lối dịch hoàn hảo hơn, hoàn thành bản được gọi là “Vulgata” (Phổ Thông), bản văn “chính thức” của Giáo Hội La-tinh như Công Đồng Tren-tô đã công nhận, rồi sau lần hiệu đính mới đây, nó vẫn tiếp tục là bản văn La-tinh “chính thức” của Giáo Hội.

Sẽ thật thú vị nếu để ý đến một số tiêu chuẩn mà nhà Kinh Thánh vĩ đại luôn tuân theo trong suốt công trình dịch thuật. Chính người cho biết như thế khi khẳng định rằng người tôn trọng cả đến thứ tự các từ trong Kinh Thánh, vì, người nói, trong Kinh Thánh, “thứ tự các từ cũng là một mầu nhiệm” (10), tức cũng là một mặc khải. Ngoài ra, người còn mạnh mẽ xác định là cần về với các bản văn gốc : “Nếu phải có tranh luận giữa những người dịch Tân Ước sang tiếng La-tinh do mỗi người giải thích một khác trong bản thảo của mình, thì hãy chạy đến bản gốc, nghĩa là bản Hy-lạp, vì Giao Ước Mới đã được ghi lại bằng ngôn ngữ này. Đối với bộ Cựu Ước cũng thế, nếu có những khác biệt giữa các bản văn Hy-lạp hay La-tinh thì phải nhờ đến bản gốc, tức là bản Híp-ri, để trong các con mương, chúng ta có thể tìm lại được hết những gì phát sinh từ nguồn” (11).

Thêm vào đó, thánh Giê-rô-ni-mô còn chú giải nhiều đoạn Kinh Thánh. Người cho rằng các bài chú giải phải đưa ra nhiều ý kiến, “để sau khi đọc những lối giải thích khác nhau và biết được nhiều ý kiến – sẵn sàng mọi người chọn hay bỏ –, độc giả sẽ khôn ngoan thẩm định ý kiến nào đáng tin nhất, rồi như một người rành nhận mặt đồng tiền, họ sẽ từ khước những đồng bạc giả” (12).

Người cương quyết và mạnh mẽ phản bác những kẻ theo lạc giáo thường đặt vấn đề nghi ngờ truyền thống và đức tin của Giáo Hội. Người cũng chứng minh cho tầm quan trọng và hiệu lực của văn chương Ki-tô giáo, loại văn chương đã trở thành một nền văn hóa đích thực từ nay xứng đáng sánh vai với văn chương cổ điển : để chứng minh điều này, người biên soạn bộ De viris illustribus, một tác phẩm trong đó Giê-rô-ni-mô trình bày tiểu sử của hơn một trăm tác giả Ki-tô giáo.

Người cũng viết tiểu sử các đan sĩ, minh họa cho thấy bên cạnh các linh đạo khác còn có lý tưởng đan tu nữa. Ngoài ra, người còn chuyển dịch một số tác phẩm của các tác giả Hy-lạp. Sau cùng, trong cuốn Epistolario, một kiệt tác văn chương La-tinh nổi tiếng, Giê-rô-ni-mô sáng rỡ nơi những đặc nét của một con người học thức, một nhà tu khổ hạnh và một vị hướng dẫn các linh hồn.

Chúng ta có thể học được những gì nơi thánh Giê-rô-ni-mô ? Tôi đặc biệt nghĩ tới điều này : Yêu mến Lời Chúa trong Sách Thánh. Thánh Giê-rô-ni-mô nói : “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Ki-tô”. Vì thế, điều quan trọng là trong cuộc sống, mỗi Ki-tô hữu phải luôn tiếp cận và cá nhân mình đối thoại với Lời Chúa, Lời đã được ban cho chúng ta trong Kinh Thánh. Cuộc đối thoại này bao giờ cũng phải mang hai chiều kích :

Một đàng nó phải là một cuộc đối thoại thực sự của bản thân mình, vì Thiên Chúa nói với mỗi chúng ta qua Sách Thánh và Người có một thông điệp riêng cho mỗi người. Chúng ta phải đọc Sách Thánh không như một lời dành cho quá khứ, nhưng như một Lời Thiên Chúa cũng đang ngỏ với chúng ta và chúng ta phải cố gắng hiểu Chúa muốn nói với chúng ta điều gì.

Đàng khác, để khỏi rơi vào khuynh hướng duy cá nhân, chúng ta cũng phải lưu tâm điều này : Lời Chúa được ban cho chúng ta rõ ràng là để xây dựng hiệp thông, để gắn kết chúng ta lại với nhau trong sự thật về con đường dẫn chúng ta tới Thiên Chúa. Chính vì thế, Lời Chúa vẫn là một Lời dành cho mỗi cá nhân, nhưng đồng thời lại cũng là một Lời xây dựng cộng đoàn, xây dựng Hội Thánh.

Chúng ta phải đọc Lời ấy trong mối hiệp thông với Hội Thánh sống động. Tốt hơn hết là đọc và nghe Lời Chúa trong phụng vụ. Tại đây, cử hành Lời và làm cho Mình Thánh Đức Ki-tô hiện diện trong Bí Tích là chúng ta cũng làm cho Lời trở thành hiện thực trong cuộc sống chúng ta và làm cho Lời hiện diện giữa chúng ta.

Không bao giờ chúng ta được quên rằng Lời Chúa vượt thời gian. Người ta thì lúc ý kiến này, lúc ý kiến khác. Điều nay thật tối tân, mai đã quá cổ hủ. Trái lại, Lời Chúa là Lời có sức sống vĩnh cửu, tự thân chất chứa vĩnh cửu, chất chứa những giá trị tồn tại mãi. Vậy mang Lời Chúa nơi mình, chúng ta cũng mang lấy vĩnh cửu cho mình, mang sự sống trường sinh.

Thế nên để kết luận, tôi xin nhắc lại một câu thánh Giê-rô-ni-mô đã nói với thánh Pau-li-nô thành Nô-la. Trong câu này, nhà chú giải vĩ đại đã diễn tả chính xác một thực tại, đó là nơi Lời Chúa, chúng ta đón nhận được vĩnh cửu, được sự sống trường sinh. Câu nói của thánh Giê-rô-ni-mô là : “Hãy tìm học dưới đất những sự thật sẽ bền vững mãi trên trời.” (13)


Đức giáo hoàng Biển Đức XVI

(Tại buổi tiếp kiến chung thứ Tư 14-11-2007)

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, chúng tôi xin tiếp tục trình bày về dung mạo của thánh Giê-rô-ni-mô. Như đã nói thứ Tư tuần trước, thánh nhân dành trọn đời mình cho việc nghiên cứu Kinh Thánh, và đã thành công tới độ một trong các vị tiền nhiệm của tôi, đức giáo hoàng Biển Đức XV, phải công nhận người là “nhà thông thái lỗi lạc” trong lãnh vực giải thích Kinh Thánh. Giê-rô-ni-mô từng nhấn mạnh về niềm vui được làm quen với các bản văn Kinh Thánh và về tầm quan trọng của việc này : “Bạn lại chẳng thấy như mình ở trên Nước Trời rồi đó sao ngay lúc còn ở đây, dưới thế này, khi được sống giữa những bản văn đó, được suy niệm nó và không còn biết đến chi khác nữa, mà cũng chẳng tìm kiếm gì khác nữa ?” (14)

Sự thực, theo một nghĩa nào đó thì đối thoại với Thiên Chúa, với Lời của Người là đã có Thiên đàng, tức là đã có Thiên Chúa hiện diện với mình rồi. Tiếp cận với các bản văn Kinh Thánh, nhất là với Tân Ước, là điều cốt yếu đối với người tín hữu, vì “không biết Kinh Thánh là không biết Đức Ki-tô”. Câu nổi tiếng này, chính thánh nhân nói ra đấy, rồi Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã trích dẫn lại trong Hiến chế Dei Verbum (số 25).

Thánh nhân thực sự say mê Lời Chúa nên mới từng tự hỏi : “Làm sao sống nổi đây nếu không hiểu biết Kinh Thánh, vì qua Kinh Thánh ta mới được học biết chính Đức Ki-tô, Đấng là sự sống cho những kẻ tin ?” (15) Kinh Thánh là dụng cụ “Thiên Chúa dùng để ngày ngày Người nói với các tín hữu” (16) nên đã trở thành sự khích lệ, thành nguồn tuôn đổ sức sống Đức Ki-tô cho mọi tình huống và cho mỗi con người.

Đọc Sách Thánh chính là chuyện vãn với Thiên Chúa. Thánh nhân viết cho một người trẻ thuộc hàng nữ lưu Rô-ma : “Khi con cầu nguyện là con thân thưa với Đấng Phu Quân ; còn khi con đọc thì chính Người trò chuyện với con” (17). Học hỏi và suy niệm Sách Thánh khiến con người nên khôn ngoan và bình an thanh thản (18). Hẳn rằng muốn thấm nhuần Lời Chúa thêm mãi thì phải chuyên cần bền bỉ và cứ mỗi ngày phải mỗi chuyên cần hơn. Giê-rô-ni-mô từng khuyên linh mục Nê-pô-xi-a-nô : “Cha hãy thường xuyên đọc Kinh Thánh ; hoặc tốt hơn là Sách Thánh lúc nào cũng phải ở trên tay. Hãy học hỏi trong đó xem cha phải dạy dỗ những gì” (19).

Những lời sau đây, người khuyên bà Lê-ta, một mệnh phụ Rô-ma, để bà biết cách giáo dục con gái bà theo đường lối Ki-tô giáo : “Bà hãy bảo “đảm là ngày nào cháu cũng phải học một đoạn Sách Thánh… Cháu phải biết cách làm sao cho cầu nguyện đi liền với đọc và đọc đi liền với cầu nguyện… Ước chi thay vì những món trang sức, thay vì quần là áo lụa, cháu lại ưa thích Sách Thánh” (20). Suy niệm và hiểu biết Sách Thánh sẽ “giữ cho tâm hồn được quân bình” (21). Nhưng chỉ khi nào vào sâu trong tinh thần cầu nguyện và được Thánh Thần trợ giúp, chúng ta mới có thể hiểu Kinh Thánh : “Trong việc giải thích Sách Thánh, chúng ta luôn luôn cần đến sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần” (22).

Vậy cho nên Giê-rô-ni-mô yêu mến Sách Thánh, yêu đến say mê, tình yêu thấm nhập trọn cuộc sống người. Tình yêu này, người cũng luôn tìm cách khơi dậy trong lòng các tín hữu. Người từng khuyên một trong những người con thiêng liêng của người rằng : “Hãy yêu mến Kinh Thánh, sự khôn ngoan sẽ yêu mến con ; hãy thiết tha yêu mến Kinh Thánh, Kinh Thánh sẽ giữ gìn con ; hãy tôn kính Kinh Thánh, con sẽ được Kinh Thánh âu yếm vỗ về. Ước gì đối với con, Kinh Thánh cũng như những vòng kiềng quanh cổ, những cặp bông trên đôi tai” (23). Người còn khuyên : “Hãy thích tìm hiểu Kinh Thánh, rồi con sẽ không thích những tính mê tật xấu xác thịt nữa” (24).

Theo thánh Giê-rô-ni-mô, phương pháp giải thích Kinh Thánh có tiêu chuẩn nền tảng là phải phù hợp với huấn quyền của Hội Thánh. Không bao giờ chúng ta đọc Kinh Thánh một mình được vì sẽ gặp quá nhiều cánh cửa đóng kín và sẽ dễ dàng trượt chân lạc bước. Kinh Thánh được viết bởi Dân Thiên Chúa và viết cho Dân Thiên Chúa dưới sự linh hứng của Thánh Thần. Có hiệp thông với Dân Thiên Chúa thì mới có thể cùng cả khối “chúng ta” đó thực sự vào được tới cốt lõi của sự thật chính Thiên Chúa muốn nói cho chúng ta biết. Theo thánh nhân, lời giải thích Sách Thánh xác thực thì luôn luôn phải ăn khớp, phải hòa hợp với đức tin của Giáo Hội Công giáo.

Không có chuyện đứng bên ngoài mà đòi áp đặt một yêu sách nào đó lên loại Sách này ; Sách này đích thị là tiếng nói của Dân Thiên Chúa đang trên đường lữ hành, nên chỉ trong đức tin của Dân ấy, chúng ta mới bắt được đúng cung đúng giọng đúng âm sắc – có thể nói như thế – để hiểu đúng Sách Thánh. Vậy cho nên thánh nhân cảnh báo : “Hãy bám chắc vào giáo lý chân truyền anh đã được dạy để có thể giảng khuyên đúng theo giáo lý lành mạnh và có thể phản bác những ai đi ngược lại giáo lý ấy” (25). Đặc biệt, Đức Giê-su Ki-tô đã xây dựng Hội Thánh Người trên nền tảng Phê-rô, nên – thánh nhân kết luận – mỗi Ki-tô hữu phải hiệp thông “với Ngai tòa thánh Phê-rô. Tôi biết Hội Thánh đã được xây trên tảng đá này” (26). Do đó, không úp mở, thánh nhân tuyên bố : “Tôi đứng chung với bất cứ ai gắn kết với Ngai tòa của thánh Phê-rô” (27).

Giê-rô-ni-mô không lơ là khía cạnh đạo đức, hẳn rồi. Trái lại, người hay nhắc đến bổn phận phải làm sao cho cuộc sống của mình đi đôi với Lời Chúa, và chỉ khi sống Lời, chúng ta mới có khả năng hiểu Lời. Không thể nào không có sự nhất quán này nơi mỗi Ki-tô hữu và đặc biệt là nơi người rao giảng, để việc họ làm không đẩy họ vào thế phải lúng túng vì nó không đi đôi với lời họ nói.

Thế nên thánh nhân khuyên linh mục Nê-pô-xi-a-nô : “Việc cha làm chớ có nghịch với lời cha nói, để cha giảng ở nhà thờ thì khỏi có chuyện bị ai bình phẩm trong lòng rằng : “Vậy sao cha không làm đúng như thế ?”. Cũng hay đáo để, ông thầy bụng no căng lại đi luận thuyết về chay tịnh ! Tên trộm cắp chuyên nghề vẫn có thể dè bỉu thói ham tiền hám lợi, chứ linh mục của Đức Ki-tô thì tinh thần và lời nói phải đi đôi” (28).

Trong một lá thư khác, Giê-rô-ni-mô tái khẳng định : “Một người đã cảm thấy bị chính lương tâm mình kết án thì dù có nắm vững giáo thuyết sáng ngời đi chăng nữa, cũng vẫn tự hổ thẹn” (29). Về chủ đề nhất quán này, thánh nhân còn nhận định : Tin Mừng phải được chuyển thể thành những cung cách bác ái đích thực, vì nơi mỗi hữu thể nhân linh, chính Con người Đức Ki-tô hiện diện. Một thí dụ : Khi nói chuyện với linh mục Pau-li-nô (sau trở thành giám mục thành Nô-la, rồi thành một vị thánh), Giê-rô-ni-mô khuyên thế này : “Đền thờ đích thực kính Đức Ki-tô là tâm hồn người tín hữu : hãy trang hoàng ngôi thánh điện này, tô điểm thật đẹp, dâng vào đó những của lễ, rồi rước Đức Ki-tô ngự đến. Dát lên tường toàn ngọc quý làm gì vậy đang khi Đức Ki-tô thì chết đói nơi con người kẻ nghèo khổ ?” (30).

Giê-rô-ni-mô nói cụ thể : Phải “mặc đồ cho Đức Ki-tô nơi những người nghèo, thăm viếng Người nơi những kẻ khổ đau, cho Người ăn nơi những ai đang đói, cho Người chốn trú thân nơi những ai không nhà không cửa” (31). Nếu siêng năng học hỏi và suy niệm để nuôi giữ tình yêu Đức Ki-tô, thì tình yêu này sẽ giúp chúng ta thắng vượt mọi gian khó : “Chúng ta cũng thế, hãy yêu mến Đức Ki-tô, cứ tìm cách kết hợp với Người, rồi sẽ thấy khó cũng thành dễ” (32).

Giê-rô-ni-mô được Prospère d”Aquitaine xác nhận “là mẫu mực về tư cách, là bậc thầy của nhân loại” (33), và người cũng đã để lại cho chúng ta những lời giáo huấn phong phú và đa diện về lối sống khổ hạnh Ki-tô giáo. Người nhắc nhở rằng muốn can đảm dấn thân nhằm tiến tới trọn lành thì cần phải kiên trì tỉnh thức, thường xuyên khổ chế − tuy cũng phải chừng mực và khôn ngoan −, chăm chỉ làm việc trí óc hoặc chân tay để khỏi ăn không ngồi rồi (34), và nhất là cần phải vâng phục Thiên Chúa : “Không gì đẹp lòng Thiên Chúa bằng vâng phục… Vâng phục là nhân đức tuyệt hảo nhất và là nhân đức độc nhất” (35).

Hành hương cũng có thể nằm trong con đường khổ hạnh. Đặc biệt, Giê-rô-ni-mô đẩy mạnh những cuộc hành hương Đất Thánh, trong đó, khách hành hương được đón tiếp và nghỉ ngơi tại những tòa nhà cạnh đan viện Bê-lem. Những tòa nhà này xây được là nhờ lòng quảng đại của bà Paola, nhà quý tộc con thiêng liêng của thánh Giê-rô-ni-mô (36).

Cuối cùng, không thể không nói tới đóng góp của Giê-rô-ni-mô vào lãnh vực sư phạm Ki-tô giáo (37). Người đặt mục tiêu cho việc đào luyện “một linh hồn là phải trở thành ngôi đền thờ Chúa ngự” (38), “thành viên ngọc trác tuyệt” dưới mắt Chúa (39). Trực giác sâu xa, người khuyên hãy gìn giữ linh hồn khỏi cái xấu và khỏi các dịp tội, loại bỏ những thứ tình bạn đáng ngờ hay phóng đãng (40). Nhất là người khuyến khích các bậc cha mẹ : tạo bầu khí thanh bình và vui tươi quanh con cái ; vừa khen ngợi, vừa cổ vũ thi đua để thúc đẩy các cháu học hành và làm việc (41) ; khích lệ các cháu vượt khó ; hỗ trợ các cháu duy trì những thói quen tốt và giữ cho các cháu đừng mắc những thói quen xấu, vì – tiện đây, thánh nhân kể lại câu nói của Publilius Syrus mà người được nghe từ hồi còn đi học – “mai sau sẽ khó lòng sửa được những việc mà nay bạn cứ điềm nhiên tạo thành thói quen cho mình” (42).

Cha mẹ là những nhà giáo dục chính yếu của con cái, là những bậc thầy đầu tiên dạy về cuộc sống. Một cách rất rõ ràng, ngỏ lời với mẹ của một bé gái và rồi cũng nhắc đến cả cha nó nữa, Giê-rô-ni-mô đã đưa ra lời cảnh báo sau đây như để nói lên điều căn bản mà mỗi thụ tạo nhân linh đều có quyền đòi hỏi ngay từ khi mới khởi sự hiện hữu : “Cháu phải gặp được nơi chị một bà thầy dạy dỗ cháu, tuổi thơ non nớt chưa một chút kinh nghiệm của cháu phải được nhìn vào chị mà cứ ngỡ ngàng thán phục. Ước chi cháu đừng bao giờ thấy nơi chị, cũng đừng bao giờ thấy nơi ba cháu những thái độ cử chỉ đưa cháu đến tội lỗi, vì rất có thể cháu bắt chước làm theo. Hãy nhớ rằng… anh chị sẽ giáo dục được cháu bằng gương hơn là bằng lời” (43).

Trong số những khám phá chính yếu mà Giê-rô-ni-mô, xét như một nhà sư phạm, đã thực hiện được nhờ trực quan, phải nhấn mạnh những điều sau đây : giáo dục trẻ một cách lành mạnh và toàn diện ngay từ tuổi thơ ấu đầu đời là điều quan trọng ; phải nhìn nhận cha mẹ là những người có trách nhiệm đặc biệt ; phải khẩn trương đào luyện nghiêm túc về luân lý và tôn giáo ; nghiên cứu về việc huấn luyện nhân bản đầy đủ hơn là một yêu sách cần đáp ứng. Ngoài ra, một khía cạnh không mấy được quan tâm vào cổ thời hồi đó mà lại được cây bút lớn của chúng ta coi như cốt tử, đó là vấn đề thăng tiến phụ nữ ; người nhìn nhận phụ nữ có quyền được hưởng một sự đào tạo đầy đủ về nhân bản, học vấn, tôn giáo, nghề nghiệp. Và ngày nay, chúng ta thấy rõ ràng rằng giáo dục nhân cách về mọi mặt của nó, giáo dục về trách nhiệm trước Thiên Chúa và trước con người, là điều kiện thực sự phải có nếu muốn đạt tới bất cứ một bước tiến bộ nào, bất cứ một nền hòa bình nào, bất cứ một cuộc hòa giải nào, hay nếu muốn loại trừ bạo lực. Giáo dục về trách nhiệm trước Thiên Chúa và trước con người : chính Kinh Thánh chỉ cho chúng ta biết công cuộc giáo dục đó phải đi theo hướng nào, và như thế, một nền nhân văn đích thực phải đi theo hướng nào.

Chúng ta không thể kết thúc những dòng ghi chú nhanh này về vị Giáo phụ lỗi lạc nếu chưa nhắc tới phần đóng góp hữu hiệu của người vào việc giữ lại cho nền văn minh Ki-tô giáo sơ khai những yếu tố tích cực và rất có giá trị của các nền văn hóa Do Thái, Hy-lạp và Rô-ma cổ thời. Giê-rô-ni-mô đã công nhận và hội nhập vào văn minh Ki-tô giáo những nghệ thuật giá trị, những tâm tình phong phú và những hình ảnh hài hòa gặp được nơi các nhà nghệ sĩ cổ điển, những người đã nắn nót con tim và óc tưởng tượng của mình để có được những tình cảm thật đáng tôn quý. Nhất là thánh nhân đã đặt Lời Chúa vào trọng tâm cuộc sống và các hoạt động của mình ; chính Lời Chúa chỉ cho con người biết những con đường phải theo trong đời và cho con người thấy được những bí quyết để nên thánh. Chúng ta biết làm gì hơn là dâng lên vị thánh niềm tri ân sâu xa về tất cả những điều đó, ngay giữa thế giới hôm nay.

Tôi vui mừng chào thăm quý anh chị em nói tiếng Pháp, nhất là các linh mục trẻ giáo phận Belley-Ars và đức cha Bagnard, giám mục của những người anh em ấy.

Tôi đặc biệt chào thăm quý khách hành hương đến từ Pháp quốc, đem theo thánh tích của thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su và Nhan thánh Chúa, có đức cha Pica là giám mục Bayeux và Lisieux đi cùng.

Chúng ta nhớ là cách đây 120 năm, Tê-rê-xa nhỏ đã đến đây yết kiến đức giáo hoàng Lê-ô XIII, xin phép được vào dòng Cát Minh khi còn non tuổi.

Cách đây 80 năm, đức giáo hoàng Pi-ô XI đặt thánh nữ làm Bổn mạng các Xứ truyền giáo, rồi năm 1997 (cách đây 20 năm), đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II tuyên phong thánh nữ lên hàng Tiến sĩ Hội Thánh.

Sau buổi tiếp kiến này, tôi sẽ vui mừng đến cầu nguyện trước các thánh tích của thánh nữ. Đông đảo các tín hữu cũng có thể cầu nguyện như thế suốt tuần trong nhiều nhà thờ khác nhau ở Rô-ma.

Thánh Tê-rê-xa đã muốn học các ngôn ngữ Kinh Thánh để có thể đọc Kinh Thánh tốt hơn. Ước gì anh chị em cũng theo bước thánh nữ và noi gương thánh Giê-rô-ni-mô mà đều đặn dành thì giờ đọc Kinh Thánh. Thân thiết với Lời Chúa, anh chị em sẽ được gặp Đức Ki-tô trong đó và được sống mật thiết với Người.

Tôi xin ban phép lành Tòa Thánh cho anh chị em.

 

(1) X. Ep 22,7.

(2) Chron. Ad ann. 374.

(3) X. Ep 14,10.

(4) X. Ep 125,12.

(5) X. Ep 5,2.

(6) X. Ep 22,7.

(7) X. Ep 22,30.

(8) X. Contra Rufinum 3,22 ; Ep 108,6-14.

(9) X. Ep 108,14.

(10) Ep 57,5.

(11) Ep 106,2.

(12) Contra Rufinum 1,16.

(13) Ep 53,10.

(14) Ep 53,10.

(15) Ep 30,7.

(16) Ep 133,13.

(17) Ep 22,25.

(18) X. In Eph., prol.

(19) Ep 52,7.

(20) Ep 107,9.12.

(21) Ad Eph., prol.

(22) In Mich. 1, 1, 10, 15

(23) Ep 130,20.

(24) Ep 125,11.

(25) Ep 52,7.

(26) Ep 15,2.

(27) Ep 16.

(28) Ep 52,7.

(29) Ep 127,4.

(30) Ep 58,7.

(31) Ep 130,14.

(32) Ep 22,40.

(33) Carmen de ingratis, 57.

(34) X. Ep 125,11 và 130,15.

(35) Hom. De obedientia : CCL 78,552.

(36) X. Ep 108,14.

(37) X. Ep 107 và 128.

(38) Ep 107,4.

(39) Ep 107,13.

(40) Ep 117,4 và 8-9 ; x. Ep 128,3-4.

(41) X. Ep 107,4 và 128,1.

(42) Ep 107,8.

(43) Ep 107,9.

Đa-minh Nguyễn Đạt Tam S.S.S.

phiên dịch

Nguồn: Nhóm Phiên Dịch Các Lời Kinh Phụng Vụ
https://ktcgkpv.org/articles/get-article?id=234

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC