https://www.voatiengviet.com/a/ht-thich-khong-tanh-va-ms-nguyen-hong-quang-tu-do-ton-giao/4916632.html
SEATTLE, Washington (NV) – Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại vừa công bố giải Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền 2019. Theo đó, giải thưởng thuộc về Hòa Thượng Thích Không Tánh và Mục Sư Nguyễn Hồng Quang.
Lễ vinh danh và trao giải Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền năm 2019 sẽ được tổ chức tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington, vào ngày 16 Tháng Sáu, 2019, nhân dịp lễ giỗ lần thứ 31 của Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền.
Giải Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền do Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại thiết lập để vinh danh những cá nhân hoặc tập thể ở quốc nội hay hải ngoại đã có những đóng góp quan trọng nhằm bảo vệ và thăng tiến quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Giải được mang tên Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền (1921-1988), nguyên là tổng giám mục của Tổng Giáo Phận Huế và là một tấm gương nổi bật trong việc đấu tranh cho nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo. Tổng giám mục mất vào ngày 8 Tháng Sáu, 1988, do một cái chết đầy khả nghi vì nỗ lực tranh đấu cho tự do tôn giáo và bảo vệ phẩm giá con người.
Từ ngày thành lập, giải Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền đã được trao cho giáo xứ Thái Hà và tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội, Linh Mục Nguyễn Hữu Giải, ông Nguyễn Văn Lía (Phật Giáo Hòa Hảo), tu sĩ Phật Giáo Hòa Hảo Võ Văn Thanh Liêm, giáo điểm Công Giáo Con Cuông (Nghệ An), nhà báo Nguyễn Hữu Vinh, Mục Sư Phạm Ngọc Thạch, Linh Mục Đặng Hữu Nam, Linh Mục Nguyễn Đình Thục, Chánh Trị Sự Hứa Phi, và Linh Mục Phan Văn Lợi.
Giải Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền gồm một số hiện kim là $5,000 và một bằng tưởng lục, sẽ được long trọng trao trong buổi lễ vinh danh.
Hòa Thượng Thích Không Tánh
Hòa Thượng Thích Không Tánh, tục danh Phan Ngọc Ấn, sinh năm 1943, nguyên trụ trì chùa Liên Trì, Lái Thiêu, Sài Gòn, hiện đảm nhiệm chức vụ phó viện trưởng Hội Đồng Điều Hành Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, kiêm tổng ủy viên Từ Thiện-Xã Hội. Hòa thượng là một trong những thành viên sáng lập Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam.
Là một tu sĩ luôn quan tâm đấu tranh cho nhân quyền, và đặc biệt là quyền tự do tôn giáo, Hòa Thượng Thích Không Tánh đã bị chính quyền Hà Nội liên tục đàn áp và trả thù ngay sau 1975. Năm 1976, Hòa Thượng bị bắt đi tù “cải tạo” 10 năm từ 1976 đến 1986 vì đã can đảm gửi thư đến thủ tướng chính phủ CSVN phản đối việc hủy bỏ quyết định miễn nghĩa vụ quân sự cho các tăng sĩ vốn đã có từ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Vào Tháng Mười, 1992, hòa thượng lại bị kết án 5 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc “lưu hành nhiều tài liệu có nội dung chống lại nhà nước” sau khi công an lục soát phòng của hòa thượng trong chùa Liên Trì và tịch thu bản sao nhiều ghi chép của Hòa Thượng Thích Huyền Quang.
Được trả tự do trước thời hạn vào Tháng Mười, 1993, hòa thượng vẫn tiếp tục các hoạt động phục vụ nhân quyền và xã hội. Tháng Mười Một, 1994, công an đã bắt giữ khi hòa thượng đang quyên góp và phân phát đồ cứu trợ cho nạn nhân lũ lụt miền Tây.
Đến Tháng Tám, 1995, hòa thượng và Hòa Thượng Thích Quảng Độ bị tòa án xử phạt mỗi người 5 năm tù với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.”
Sau khi ra khỏi tù, hòa thượng tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, như tặng quà cho thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, cho bệnh nhi ung thư, cứu trợ các gia đình thuyền nhân bị cưỡng bách hồi hương…
Chùa Liên Trì ở Lái Thiêu, nơi hòa thượng trụ trì là một trung tâm cho các tổ chức xã hội dân sự trong nước có nơi sinh hoạt, hội họp để đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền. Những nỗ lực nối kết liên tôn của hòa thượng đã tạo nên một nguồn sinh khí mới trong cuộc đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo. Vì những hoạt động này mà rất nhiều lần hòa thượng bị công an và chính quyền sách nhiễu.
Ngày 8 Tháng Chín, 2016, chính quyền CSVN đã huy động công an và lực lượng cơ giới đến xua đuổi các tăng sĩ và san bằng chùa Liên Trì với chiêu bài xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Mặc dù chùa đã bị cướp, Hòa Thượng Thích Không Tánh vẫn tích cực tranh đấu cho nhân quyền nói chung và quyền tự do tôn giáo nói riêng trong vai trò một tu sĩ lãnh đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và một thành viên sáng lập Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam.
Mục Sư Nguyễn Hồng Quang
Mục Sư Nguyễn Hồng Quang, sinh năm 1958, tại Quảng Ngãi. Năm 1981, ông gia nhập đạo Tin Lành, và hăng say dấn thân trên con đường truyền giáo trong các nhiệm vụ quan trọng như chủ tịch Ban Điều Hành Lâm Thời Hội Thánh Mennonite Việt Nam, phó hội trưởng kiêm tổng thư ký Tổng Giáo Hạt Mennonite Việt Nam, và chủ nhiệm Ủy Ban Pháp Luật của Hiệp Hội Thông Công Tin Lành Việt Nam.
Sau khi tốt nghiệp Đại Học Luật năm 1999, ngoài công việc mục vụ của một mục sư Tin Lành, ông còn dấn thân vào nhiều hoạt động xã hội khác, như thành lập tổ công tác xã hội của Hội Thánh Tin Lành Mennonite để cố vấn pháp lý cho dân chúng về vấn đề đất đai, tổ chức những “lớp học tình thương” để dạy cho các trẻ em nghèo bất hạnh, và thành lập phong trào Hướng Đạo Cơ Đốc để giáo dục và biến đổi cuộc sống của nhiều thanh thiếu niên.
Chính vì những hoạt động cho lý tưởng truyền giáo và xã hội đó mà Mục Sư Nguyễn Hồng Quang đã bị chính quyền CSVN thù ghét và đàn áp một cách rất tàn bạo suốt gần bốn thập niên qua.
Năm 1984, ông bị tập trung cải tạo 3 năm tại Sài Gòn với cáo buộc lợi dụng tôn giáo để “truyền đạo trái phép, chống đối chế độ.” Sau đó bị bắt giam hai lần, mỗi lần sáu tháng tại Lâm Đồng trong những năm 1987 và 1990.
Tháng Mười Một, 2004, trong một phiên xử kín, tòa án CSVN đã tuyên phạt Mục Sư Nguyễn Hồng Quang 3 năm tù giam, với tội danh “chống người thi hành công vụ.” Cùng bị kết án với Mục Sư Quang là bốn đồng đạo khác thuộc Giáo Hội Tin Lành Mennonite Việt Nam. Mục Sư Nguyễn Hồng Quang đã được trả tự do sau hơn một năm bị giam cầm.
Vào năm 2010, cơ sở của Giáo Hội Mennonite tại Thủ Thiêm do Mục Sư Nguyễn Hồng Quang quản nhiệm đã bị cưỡng chế, bị phá thành bình địa và bị nhà cầm quyền Cộng Sản chiếm dụng. Cơ sở Mennonite của ông tại Bình Dương cũng bị công an quấy phá làm hư hại nhiều lần.
Ngoài việc bị cầm tù và quấy nhiễu, Mục Sư Quang còn là mục tiêu cho nhiều hành vi bạo hành gây thương tích trầm trọng của công an chìm-nổi.
Lần mới đây nhất là vào Tháng Mười, 2018, trong buổi buổi gặp gỡ cư dân Thủ Thiêm của chính quyền Cộng Sản dưới sự chủ tọa của ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn, an ninh đã lôi kéo Mục Sư Nguyễn Hồng Quang ra ngoài hội trường hành hung tàn nhẫn sau khi ông đứng lên trình bày những thảm cảnh bị cướp đoạt đất đai của người dân Thủ Thiêm.
Mặc dù bị đàn áp thẳng tay, bị vào tù, bị hành hung đến nỗi sức khỏe bị suy sụp nhiều, nhưng cho tới nay, ý chí đấu tranh để bảo vệ tự do tôn giáo và các nhân quyền khác, để bênh vực những người dân bị nhà cầm quyền đàn áp, cướp đất cướp nhà, vẫn không hề suy giảm. Mục Sư Nguyễn Hồng Quang vẫn tiếp tục lên tiếng một cách can đảm, bất khuất, để bảo vệ công lý và tự do tôn giáo cho mọi người dân bị áp bức. (TS)