Hậu Cảnh Lịch Sử Về Giáng Sinh

23/12/20198:49 SA(Xem: 2417)
Hậu Cảnh Lịch Sử Về Giáng Sinh

Hậu Cảnh Lịch Sử Về Giáng Sinh.

https://cf.katholisch.de/kna_161228-93-000118_greccio_krippenfresco.jpg?quality=75

Hình: © KNA/Stefano Dal Pozzolo/Romano Siciliani

Hình vẽ trên tường trong hang ở Greccio nơi hang đá đầu tiên được dựng: Theo tục truyền đây là nơi thánh Phan-sinh ở Assisi lập hang đá đầu tiên trong lịch sử vào năm 1223.Hình vẽ cho thấy Thánh Nhân đang cầu nguyện với Hài Nhi.



 

Christoph Brüwer. www.katholisch.de, 23.12.2019

 

Đức Giê-su sinh vào năm nào?

 

Niên lịch của chúng ta bắt đầu từ năm Đức Giê-su sinh ra. Như vậy là Người hẳn được sinh ra vào năm 0. Nhưng về mặt lịch sử, điều này không đơn giản. Cả Mát-thêu lẫn Lu-ca không nói rõ vào năm nào trong trình thuật về Giáng Sinh của mình. Và chính giáo tông Gio-an Phao-lô viết năm 1994, ta không thể xác định „cách chắc chắn về thời điểm sinh ra“ của đức Giê-su. Hans-Georg Gradl, giáo sư về Tân Ước tại phân khoa Thần Học Đại Học Trier, cho hay: „Năm 0 là một thời điểm thần học, chứ không phải thời điểm lịch sử“. Ông thêm, niên lịch này do tu sĩ Dionysius Exiguus đặt ra trong thế kỉ thứ sáu, và vị này cũng tính hơi sai một chút.

Nói chung, ta chỉ có hai mốc điểm lịch sử rõ ràng về Giáng Sinh được nói tới trong Tin Mừng: đó là thời cai trị của vua Hê-rô-đê và của hoàng đế Augustus. Hê-rô-đê mất năm - 4 trước công niên; Augustus cai trị tới năm + 14 sau công niên. Gradl nói, các nhà khảo cứu cho rằng, đức Giê-su sinh ra vào khoảng cuối thời Hê-rô-đê, tức vào khoảng năm - 6. Lu-ca còn nói tới lệnh kiểm tra dân số trên khắp vương quốc, theo đó mọi người phải về quê mình ghi danh vào sổ khai thuế. Nhưng, theo Gradl, sự kiện này không được các nhà viết sử lớn thời đó nhắc tới. „Có thể người viết Tin Mừng Lu-ca đã ghi sai thời điểm hoặc đã ghi lại một cuộc kiểm tra có diễn ra thật trong một địa phương hay một vùng.“ Gradl còn thêm: Một cách tổng quát, người viết Tin Mừng đã cố công tìm cách nối sự sinh ra của Đức Giê-su với những sự kiện lịch sử cụ thể, „cả để nhấn mạnh í nghĩa của biến cố mang tầm vóc hoàn vũ này“.

 

Đức Giê-su sinh ngày 25 tháng 12?

 

Các Tin Mừng cũng không nói rõ ngày sinh của Chúa. Tại sao ngày nay ta mừng sinh nhật của Người vào ngày 15 tháng 12, điều này cũng không có câu trả lời rõ ràng. Có ba thuyết về thời điểm này. Thuyết thứ nhất cho biết, ngày sinh của Chúa được tính ngược từ ngày Người mất. Trong thời cổ người tat in rằng, những nhân vật lớn và thế giá có cùng một ngày sinh và ngày tử như nhau. Gradl nói, ngày mất của Chúa thì tương đối rõ. Người bị đóng đinh ngay trước ngày lễ Vượt Qua (Pascha), một vài hôm trước ngày xuân chí (ngày và đêm dài như nhau). Vì thế trong thế kỉ thứ 4 người ta vẫn còn coi ngày 25 tháng 3 là ngày mất của đức Giê-su. „Nhưng vì thai nhi Giê-su hình thành do Thánh Linh và được sinh ra `bởi Thiên Chúa´, nên người ta không coi ngày 25 tháng 3 là ngày tử, mà là ngày sinh của Chúa.“ Tính từ đó ngược lại chín tháng cưu mang thì ta có ngày 25 tháng 12. Nhưng thuyết này không thuyết phục Gradl: „Nó mang tính cách giả tạo và có lẽ là lối tính thiếu chắc chắn nhất về ngày sinh của Chúa.

Thuyết thứ hai về ngày sinh trong tháng 12 xuất phát từ lòng đạo của tín hữu cổ thời. Gradl cho hay, mỗi dịp phục sinh họ hành hương về Giê-ru-sa-lem để mừng biến cố sống lại của Người. Sau đó lần lần hình thành nên tục hành hương vào tháng 12 về Bê-lem để mừng ngày Người sinh ra. Thuyết thứ ba cho rằng, ngày sinh xuất phát từ thế kỉ thứ 4 hoặc 5, nghĩa là từ một thời điểm mà Ki-tô Giáo đã trở thành quốc giáo trong Đế Quốc Roma. Thời đó, theo Gradl, dân ngoại có tục mừng lễ đông chí chung quanh thời điểm 25 tháng 12; và Ki-tô hữu đã cố tình lấy ngày đó để mừng sinh nhật Đấng Cứu Thế của mình. Với sinh nhật của Người, họ mừng biến cố sang trang của thời gian, thời điểm ánh sáng trở lại với địa cầu: Không phải Thần Mặt Trời của Roma, mà là Chúa Ki-tô đã mang lại ánh sáng cho nhân loại. „Không có thời điểm nào trong năm có thể nói lên niềm hi vọng đó tốt hơn ngày đông chí 25 tháng 12“, Gradl nói.

 

Đức Giê-su sinh ra trong một chuồng súc vật ở Bê-lem?

 

Chuồng súc vật nơi đức Giê-su sinh ra như thế nào? Các loại hang đá như kiểu chúng ta hiện thấy không có căn bản từ các Tin Mừng. Từ hi-lạp „nhà trọ“, mà Lu-ca dùng, có nghĩa rất rộng. Nó khác với thứ nhà trọ trong dụ ngôn người Samarita thương người (Lc 10,25-37); đúng hơn, theo thói quen của dân Do-thái thời đó, nó nói tới một căn nhà tư. „Có lẽ đúng hơn cả đó là một phòng ở trong một căn nhà tư – mà vào thời đó và trong vùng đó – thường được xây trên một hang đá tự nhiên,“  Gradl giải thích. Maria sinh con ở khoang nhà dưới, vì nhà trên đã chật người. Khoang nhà dưới này thường cũng là chỗ dành cho súc vật ở và là nơi chất chứa lương thực để dành. Cái máng cỏ mà Maria đặt hài nhi trong đó rất hợp với thực tế phong cảnh của khoang nhà dưới thời đó.

Và cả nơi sinh Bê-lem cũng có vấn đề. Lu-ca và Mát-thêu ghi rõ, đức Giê-su sinh ra ở Bê-lem – có lẽ vì đó, về mặt thần học, là chỗ người ta chờ mong Đấng Cứu Thế sinh ra. Mác-cô và Gio-an trái lại cho rằng, Người sinh ra ở Na-da-rét, chứ không phải ở Bê-lem. Như vậy đối với hai nhà trình thuật này, Bê-lem không nhất thiết phải là nơi Chúa xuống thế. Do đó các nhà nghiên cứu chưa thống nhất về địa điểm giáng sinh.

 

Hình: © KNA/Stefano Dal Pozzolo/Romano Siciliani

Hình vẽ trên tường trong hang ở Greccio nơi hang đá đầu tiên được dựng: Theo tục truyền đây là nơi thánh Phan-sinh ở Assisi lập hang đá đầu tiên trong lịch sử vào năm 1223.Hình vẽ cho thấy Thánh Nhân đang cầu nguyện với Hài Nhi.

 

Bò và lừa đứng bên cạnh Hài Nhi?

 

Đó là những thú vật có mặt trong hầu hết các hang đá cổ điển ngày nay. Các tường thuật kinh thánh không nói tới chúng. Sở dĩ các súc vật có mặt bên máng có là do những trình thuật trong các ẩn thư được viết ra nhiều thế kỉ sau này; các ẩn thư này đã không được Giáo Hội chính thức đưa vào nội dung của Tân Ước. „Tin mừng Mát-thêu giả, hình thành vào khoảng năm 600 sau công nguyên, kể: Maria vừa rời chuồng thú thì bò và lừa tới chăm sóc và cầu nguyện với Hài Nhi“ Gradl cho biết. Ngoài ra, hai loài vật này còn làm ta nhớ tới một đoạn khác trong Cựu Ước: „Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ của chủ mình, còn Israel thì chẳng biết, dân ta chẳng hiểu gì“ (Is 1,3). Gradl cho hay, hai con vật từ máng cỏ đầu tiên ở Greccio của thánh Phan-sinh đã đi vào trong các hang đá về sau của tín hữu hoàn vũ.

 

Caspar, Melchior và Balthasar – ba vua thánh từ phương đông?

 

Theo Tin Mừng Mát-thêu, ba vị này chẳng phải là vua hay thánh hay chỉ có ba người. Mà họ chỉ là „những nhà chiêm tinh từ phương đông“, không rõ số lượng. Trong các tường thuật lịch sử ta biết, đó là một nhóm từ hai cho tới bảy người. Con số ba được suy diễn từ ba loại tặng phẩm mà người ta đã dâng tặng Hài Nhi: vàng, nhũ hương và mộc dược. Còn các tên gọi Caspar, Mechior và Balthasar cũng được thêm vào sau này, có lẽ trong thế kỉ thứ 9. Chúng là biểu tượng cho ba tộc dân, ba châu lục và ba lứa tuổi mà người thời đó biết tới.

 

Vậy đâu là í nghĩa của lễ Giáng Sinh đối với chúng ta?

 

Nếu lấy lịch sử để soi dọi các tường thuật giáng sinh, ta thấy nhiều điều khả nghi và rõ sai. Như vậy, chúng làm hư lễ Giáng Sinh của chúng ta? Không, Hans-Georg Gradl nói. „Các tường thuật giáng sinh của Tân Ước không quan tâm tới lịch sử và dữ kiện; chúng chỉ muốn nhấn mạnh tới tầm í nghĩa quan trọng của đấng được sinh ra, qua các hình ảnh, động cơ, danh gọi và biến cố.“ Cho tới năm 1905 Ủy Ban Thần Học Giáo Tông còn bảo, Kinh Thánh nói chung và các tường thuật giáng sinh của Tân Ước đề cập tới những sự kiện lịch sử. Từ đó các nhà diễn giải Kinh Thánh đã cố gắng giải thích. Nhưng, cũng theo Gradl, „ngày nay chẳng có nhà diễn giải đứng đắn nào hiểu các trình thuật giáng sinh mang tính thuần túy lịch sử và tiểu sử. Các tường thuật đó là những tác phẩm nghệ thuật thần học; chúng rõ ràng dựa vào một mốc điểm lịch sử, nhưng chủ yếu là để làm nổi bật tầm quan trọng của đức Giê-su và dùng các hình ảnh để đưa chúng ta tin vào Người“.  Cũng theo ông, dù một số điểm trong các trình thuật thuộc vào lãnh vực truyền thuyết, chúng vẫn không phá vỡ nội dung điều được nói ra. Đức Giê-su sinh ra là một dữ kiện lịch sử đã được minh chứng. Còn Người là ai thì mỗi nhà tường thuật tin mừng có một lối diễn tả đầy hình ảnh thần học riêng của mình. Theo Gradl, „ta chẳng nên phiền hà gì cả về một số điểm mơ hồ về mặt lịch sử, mà cần để cho các hình ảnh, màu sắc, không khí câu truyện và các biến cố của các tường thuật đó đánh động mình. Không phải cái thắc mắc về lịch sử hay về những cái gọi là dữ kiện lịch sử, mà chỉ bằng một đức tin mới có thể nắm bắt được nội dung lễ Giáng Sinh mà ta mừng qua những trình thuật sống động này“.

 

Phạm Hồng-Lam chuyển ngữ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC