Giáo Hội Công Giáo Và Tam Điểm

06/05/20241:38 CH(Xem: 2016)
Giáo Hội Công Giáo Và Tam Điểm

 

Giáo Hội Công Giáo Và Tam Điểm

 

Câu chuyện bắt đầu từ Phi-luật-tân (Phi), với giám mục Julito Cortes. Giám Mục yêu cầu Vatican cho biết cụ thể về việc người công giáo có thể vào Hội Tam Điểm hay không? Số là hiện nay tín hữu công giáo ở Phi tham gia Tam Điểm gia tăng một cách đáng ngại. Không những con số thành viên, mà lượng người có cảm tình cũng cao, là vì Tam Điểm ở Phi hiện là một tổ chức có uy tín, và người đi theo họ cũng được trọng kính. Đây là những người công giáo năng nổ và nhiệt huyết. Trong các cuộc họp cấp giáo phận dịp Tiến Trình Công Nghị vừa qua của Giáo Hội hoàn vũ, có khá nhiều sự hiện diện của những tín hữu Phi là thành viên của Tam Điểm. Hỏi, tại sao họ tham gia Tam Điểm, một số trả lời ,vì tổ chức này tốt, một số khác bảo, quan điểm của Giáo Hội đối với Tam Điểm ngày nay đã thay đổi.

Và tháng Mười Một vừa qua Bộ Đức Tin đã tái khẳng định, người công giáo không được phép trở thành thành viên của Hội Tam Điểm. Và Bộ cũng yêu cầu các giáo phận tại Phi cần tổ chức cho các tín hữu học hỏi về việc bất tương hợp giữa Giáo Hội và Tam Điểm này.

 

Nguồn gốc và chủ trương của Tam Điểm

 

„Tam Điểm“ có nguồn gốc xa, xuất phát từ khái niệm „Freestone-mason“ (Freimaurer, Francmaçon) trong thế kỉ thứ 14 tại Anh. Freestone-mason là những nhà điêu khắc, những nhà tạc tượng từ những phiến đá độc lập, khác với những người thợ đập đá tảng được gọi là Roughstone-mason. Tắt lại, họ là những nghệ nhân trong ngành xây dựng (điêu khắc, thợ nề, thợ mộc, kiến trúc sư…), cùng nhau lập thành một tập thể ưu tú riêng, độc lập, thoát ngoài mọi lệ thuộc xã hội. Sở dĩ tập thể này thành hình, là vì từ giữa thời Trung Cổ (thế kỉ 10., 11.), khi Âu Châu bắt đầu xây dựng những thánh đường (Gô-tích) đồ sộ nguy nga, những nhà xây dựng này được coi là thành phần ưu tú. Họ sống tập trung gần bên một công trình xây dựng có khi kéo dài nhiều chục năm, để cùng nhau làm việc, và từ đó dần có những giao tiếp và sinh hoạt tách biệt với quần chúng.

Do đó biểu tượng của „Tam Điểm“ hiện nay là thước vuông và com-pa. Ở Mĩ người ta thêm chữ G ở giữa. G biểu trưng cho Geometrie, hình học.

Tại sao Free-mason lại được dịch thành „Tam Điểm“ ở Việt Nam?  Có người bảo, Francmaçon được người Pháp đưa vào Việt Nam. Và khi viết thư cho nhau, các thành viên hội này thường kín đáo kí tên với vần tắt F (frère, Huynh / Đệ) hay M (Maître, Sư phụ) và thêm ba dấu chấm (…) ngay sau vần đó. Vì ba chấm này nên có từ „Tam Điểm“.

„Tam Điểm“ như là một hội (kín) hay một tổ chức như hiện nay thực sự bắt đầu hình thành trong thời Khai Sáng vào thế kỉ 18. Tổ chức cơ sở của họ được gọi là Hội Quán (Lodge, Loge). Lodge hay Loge nguyên ban đầu là những „chòi xây dựng“ (Bauhütte), nơi gặp gỡ và sinh hoạt. Mỗi Hội Quán sinh hoạt độc lập. Nhiều Hội Quán trong một vùng hay một quốc gia kết thành Đại Hội Quán (Großloge). Đại Hội Quán đầu tiên hình thành năm 1717 ở London, nước Anh. Ngày nay số hội viên vào khoảng từ 3 tới 5 triệu người, đa số ở Mĩ.

Lí tưởng nên tảng của Tam Điểm là các yêu sách của Cách Mạng Pháp (1789): Tự do, Bình đẳng và Huynh đệ, cũng như Khoan dung và Nhân bản. Cũng nhờ những lí tưởng cao đẹp này, trước đây đã có rất nhiều những khuôn mặt nổi tiếng từ mọi mặt tham gia vào Hội. Hội viên phải cố gắng trau dồi tư cách và đức hạnh của mình, để dần có được một phong thái nhân bản hơn. Con đường tiến bộ nhân đức này được đo bằng nhiều cấp tiệm tiến, gắn liền với việc thông qua những nghi thức và nghi lễ long trọng kín đáo. Hội đặt trí tuệ và kiến thức của con người lên trên hết. Không kết nhận phái nữ, với lí do: ngay từ đầu không có truyền thống nhận phái nữ, thì nay cũng không nhận. Tuy nhiên, bước vào thế kỉ 20, ở Pháp. Đức, Thuỵ-sĩ đã có những Hội Quán nữ hình thành, nhưng vẫn là những tập hợp không độc lập. Trong các cuộc sinh hoạt cơ sở hội viên bị cấm tranh luận về những gì liên quan tới chính trị và tôn giáo.

 

Giáo Hội và Tam Điểm

 

Giáo Hội công giáo chống Tam Điểm ngay từ đầu. Từ thế kỉ 18. tới nay các giáo tông đã ra hơn 20 văn bản mang tính giáo luật, kết án Tam Điểm là một hội kín, dị giáo và kẻ thù của đức tin. Theo đó, người công giáo nào là thành viên của Hội này, họ bị dứt phép thông công.

Nhưng sau công đồng Vaticano II., vào đầu thập niên 1970, đã có nhiều nỗ lực gặp gỡ tìm hiểu nhau ở Âu châu, đặc biệt giữa tổng giám mục König ở Wien với một số chủ tịch các Đại Hội Quán. Phía Công Giáo đi đến kết luận: Tam Điểm không phải là một tôn giáo và hai bên có thể nói chuyện với nhau trong tình thần anh em.

Vì thế, bộ giáo luật năm 1983 không còn nói đến việc kết án Tam Điểm nữa, như trong giáo luật năm 1917, mà chỉ nói: Ai bước vào Tam Điểm, người đó „ở trong tình trạng phạm tội trọng“. Điều 2335  của Luật 1917: Người công giáo nào vào Tam Điểm là đương nhiên bị dứt phép thông công.

Nhưng thời đó, ngay trước ngày bộ luật mới có hiệu lực (27.11.1983), Bộ Đức Tin (giáo trụ Ratzinger) họp báo cho biết, quan điểm của Giáo Hội công giáo đối với Tam Điểm „vẫn không thay đổi“, nghĩa là khả năng bị dứt phép thông công vẫn còn đối với những tín hữu công giáo đi theo Tam Điểm. 

Lí do chống đối có thể nói hệ tại nơi ba điểm chính: khác nhau nơi quan điểm chung về Thiên Chúa, về các nghi thức và về những mâu thuẫn trong lịch sử.

Chủ tịch Viện Giáo Tông Về Thần Học, giám mục Antonio Staglianò, sau khi cùng với cựu giáo trụ bộ trưởng Coccopalmerio và tổng giám mục giáo phận Milano ở Italia, Mario Delpini, tham dự buổi thảo luận về tương quan giữa Tam Điểm và Giáo Hội công giáo dịp tháng Hai (2024) vừa rồi, trong đó cũng có sự hiện diện của chủ tịch Đại Hội Quán (Großorient) ở Italia, Stefano Bisi, vị có thẩm quyền cao nhất tại đây, đã đưa ra nhận định:

Trên căn bản, quan điểm của Tam Điểm giống như quan niệm của nhà thần học rối Arius (giám mục) trong thế kỉ thứ 4. Theo đó, họ coi Thiên Chúa là một „nhà kiến trúc vũ trụ vĩ đại“; từ đó họ cũng chối bỏ thiên tính nơi Chúa Kitô, một tín điều đã được công đồng Nixê năm 325 chuẩn nhận. Theo Staglianò, quan niệm của Tam Điểm về Thiên Chúa khiến cho tín hữu công giáo không thể bước vào tổ chức Tam Điểm. „Tư tưởng đó là hoa trái của đầu óc con người trong nỗ lực hình dung về Thiên Chúa, trong khi Thiên Chúa của Công Giáo là hoa trái của sự mạc khải chính Người qua đức Kitô Giêsu“. Quan điểm của Tam Điểm về tình bạn và tình yêu tha nhân cũng hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Công Giáo. Ngoài ra Staglianò cũng cảnh báo những thực hành bí mật và huyền bí trong các Hội Quán của Tam Điểm, những thực hành chỉ có những ai được phép mới được tham dự mà thôi.

Năm 1980, sau những gặp gỡ với Tam Điểm, Hội Đồng Giám Mục Đức đưa ra một bản nhận định, trong đó có nêu ra 10 điểm khác biệt giữa hai tổ chức. Tạm tóm tắt như sau (J. Holtorf. tr.171tt.):

1. Vũ trụ quan: Vũ trụ hình thành do „big bang“ hay do Thiên Chúa? Tam Điểm không xác định về điểm này. Ai muốn tin như thế nào thì tin, nghĩa là họ chủ trương một chủ nghĩa tương đối trên bình diện này. Họ đề cao khuynh hướng nhân bản và đạo đức nơi con người. Như vậy, họ không tin vào sự mạc khải và vào các giáo huấn về Lời cũng như vào các thực hành bí tích của Giáo Hội công giáo.

2. Khái niệm „Chân lí“: TĐ phủ nhận khả năng nhận biết khách quan về Sự Thật. Họ phủ nhận mọi thứ tín điều và cũng không chấp nhận có bất cứ một tín điều nào trong các Hội Quán. Một con người nhân bản và tự do phải thoát ra ngoài mọi sự trói buộc mang tính tín điều.

3. Khái niệm „Tôn giáo“: TĐ coi tôn giáo chỉ là tương đối: tất cả các tôn giáo chỉ là những nỗ lực cạnh tranh nhau nói về một thứ chân lí thiên linh vốn không thể nào vươn tới được. Thành viên TĐ chỉ buộc phải tin vào quy luật đạo đức mà thôi.

4. Khái niệm „Thiên Chúa“: TĐ chỉ nói tới một vị „Kiến trúc sư vĩ đại của mọi thế giới“. Vị (không có ngôi vị - ngôi vị như Kitô giáo vẫn tin) này được gọi, được tin ra sao tuỳ mỗi tôn giáo. 

5. Khái niệm Thiên Chúa và Mạc khải: Vì quan niệm về Thiên Chúa như trên đây, nên TĐ không tin chuyện mạc khải.

6. Tư tưởng „Bao dung“: Tư tưởng này là hệ quả rút ra từ khái niệm Sự Thật. Người công giáo coi bao dung là thái độ chấp nhận phải có đối với tha nhân. TĐ coi đây là thái độ phải có đối với các tư tưởng, dù chúng có mâu thuẫn với nhau tới đâu mặc lòng. Quan điểm của TĐ, như vậy, không chấp nhận sự gắn bó với đức tin và với giáo huấn của Giáo Hội.

7. Các thực hành nghi thức: Các nghi thức và biểu tượng diễn ra trong các lễ nhận Tập sinh, Học Sinh và lên cấp Tôn Sư của TĐ xem ra mang tính chất thực hành bí tích trong Công Giáo.

8. Sự hoàn thiện cá nhân: TĐ tuyệt đối hoá khả năng và nỗ lực của con người trong việc hoàn thiện mình, không còn chỗ cho ân sủng và sự công chính hoá như trong Công Giáo.

9. Con đường tu đức: TĐ đòi hỏi thành viên phải tuyệt đối gắn bó suốt đời với tổ chức. Mục tiêu hoàn thiện trước hết của ba cấp trong TĐ là huấn luyện tính khí và ý thức. Công Giáo tự hỏi, như vậy còn chỗ nào cho sứ mạng của Giáo Hội nữa không, khi việc làm đó đã được một tổ chức khác làm thế.

10. Có nhiều khuynh hướng trong TĐ: Bên cạnh đa phần Hội Quán với khuynh hướng nhân bản và „tin có Thượng Đế“, cũng có những Hội Quán cực đoan và vô thần (như ở Pháp); ở Đức cũng có một Đại Hội Quán gọi là của „Kitô hữu“, nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ chung của TĐ. Đây cũng chỉ là một cố gắng dung hoà Kitô giáo với TĐ có tính cách bề mặt, chứ về mặt thần học thì không thể có được sự dung hoà.

 

Giáo hội Tin Lành có quan điểm khác với Công Giáo. Họ coi Tam Điểm chỉ là một Huynh Đoàn nhắm tới việc hoàn thiện đạo đức. nên không mâu thuẫn nhiều với nhau. Vì thế tín đồ tin lành có thể sinh hoạt trong Tam Điểm.

Còn Islam, nhìn chung, không chấp nhận Tam Điểm, vì cho rằng, tổ chức này có liên hệ với chủ nghĩa phục quốc của Do-thái. Tuy nhiên, hiện nay ở Thổ-nhĩ-kì, Ma-rốc, Li-băng và Mã-lai cũng đã có những Đại Hội Quán sinh hoạt với ít nhiều độc lập.

 

Phạm Hồng-Lam

Augsburg, 01.03.2024.

 

Tham khảo

www.katholisch.de/artikel/24551-warum-katholische-freimaurer-sicher-nicht-exkommuniziert-sind

www.katholisch.de/artikel/48704-vatikan-bestaetigt-katholiken-duerfen-keine-freimaurer-sein

www.katholisch.de/artikel/51418-paepstliche-theologen-akademie-kirche-und-freimaurerei-unvereinbar

Jürgen Holtorf, Die Logen der Freimaurer. Geschichte, Bedeutung, Einfluss. W. H. Verlag, München, 1994.

https://de.wikipedia.org/wiki/Freimaurerei#:~:text=Die%20f%C3%BCnf%20Grundideale%20der%20Freimaurerei,Ein%C3%BCbung%20im%20Alltag%20gelebt%20werden.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22/07/2024
Một số hình ảnh về việc Thành hình và Sinh hoạt của Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại
22/07/2024
Đạo Chúa, với tinh thần tự chế, vị tha, hướng thượng, là đạo làm người. Làm người quả là khó. Làm người tử tế lại càng khó hơn. Nhưng muốn làm người thì phải thế thôi.
11/05/2024
Phong Trào Giáo Dân Hải Ngoại trân trọng kính mời quý anh chị đoàn viên Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại đến tham dự Thánh Lễ Giỗ lần thứ 36 Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền và Lễ trao Giải Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền 2024 cho Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Giáo Phận Orange, 1538 Century Blvd Santa Ana, CA 92703 vào chiều ngày Thứ Bảy, 8 tháng 6 năm 2024.
09/05/2024
Sau khi xem xét, tìm hiểu và so sánh các hồ sơ đề cử, Ban Thường Vụ PTGDVNHN đã quyết định chọn Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam (HĐLTVN) để vinh danh và trao Giải Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền Năm 2024.
06/05/2024
Nhân loại thời Cựu Ước giống như một trẻ em. Luật Môsê được áp dụng cho nhân loại thời ấy… Nhưng đến thời Đức Giêsu, nhân loại đã trưởng thành hơn thành một thiếu niên… Đức Giêsu đến để nâng cấp đời sống tâm linh của con người lên với tinh thần mới, lề luật mới…. Chắc chắn về mặt tâm linh, con người cũng phải tiến bộ và cũng phải có những luật lệ thích hợp cho sự tiến bộ ấy.
03/05/2024
Thư Hiệp Thông với Dòng Chúa Cứu Thế & Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội của Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền, HTCGVN ngày 28.4.2024, qua Thông báo Khẩn Cấp ngày 27.4.2024 của LM Giuse Nguyễn Văn Hội, Bề trên Tu Viện DCCT Hà Nội, Chánh xứ Giáo xứ Thái Hà, TGP Hà Nội & LM Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong DCCT Hà Nội.
18/08/2017
HIẾN CHƯƠNG THÀNH LẬP PHONG TRÀO GIÁO DÂN VIỆT NAM HẢI NGOẠI DANH HIỆU, MỤC ĐÍCH VÀ TRỤ SỞ Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại là một tổ chức tự nguyện, quy tụ những giáo dân
01/06/2017
01-08-2012 Ban Thường Vụ Phong Trào kính gửi: Quí anh chị đoàn viên Thưa quí anh chị, Tháng 10 năm 2012 đánh dấu 20 năm Phong Trào Giáo Dân VNHN ra đời, đây là cơ hội tốt để chúng ta
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC