Tại sao Đức Giêsu lại dùng dụ ngôn?

11/06/20249:13 CH(Xem: 3435)
Tại sao Đức Giêsu lại dùng dụ ngôn?

Tại sao Đức Giêsu lại dùng dụ ngôn?
aaaa


Đặt vấn đề

          Tại sao Đức Giêsu lại dùng dụ ngôn? Đó là điều các môn đệ Đức Giêsu đã thắc mắc và đã hỏi Ngài sau khi Ngài nói với dân chúng dụ ngôn «Người Gieo Giống» (Mt 13:3-9). Đoạn Kinh Thánh nói về sự việc này như sau: «Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giêsu rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu» (Mt 13:10-13).

So sánh nỗ lực khám phá thế giới vật chất và nỗ lực tìm hiểu về Thiên Chúa

          Thế giới vật chất tuy hữu hạn, nhưng càng khám phá, con người càng thấy nó bao la, và việc khám phá vẫn còn tiếp tục, không biết đến bao giờ mới hết. Thiên Chúa và thế giới tâm linh thì vô hình và vĩ đại bao la hơn rất nhiều, nhưng con người lại không có khả năng thí nghiệm, khám phá, mà chỉ có thể biết được nhờ mặc khải từ Thiên Chúa, qua Đức Giêsu và nhiều ngôn sứ khác của Ngài. Việc mặc khải ấy cũng rất giới hạn, như Đức Giêsu từng xác định với các môn đệ Ngài trước khi từ giã họ để chịu khổ hình: «Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi» (Ga 16:12). Với thế giới vũ trụ vật chất, con người càng khám phá thì càng nhận ra điều mình chưa biết thì quá nhiều, gấp bội phần, so với điều mình đã biết, huống gì những gì con người biết về Thiên Chúa và thế giới tâm linh vô hình. Những hiểu biết mà con người có được về mầu nhiệm Thiên Chúa và thế giới tâm linh thì quá giới hạn so với sự bao la của những gì con người chưa biết về mầu nhiệm ấy. Nhưng con người cần biết về Thiên Chúa và thế giới tâm linh, vì những hiểu biết ấy rất cần thiết cho sự phát triển tâm linh và cho hạnh phúc vĩnh cửu của họ. Nhưng muốn hiểu biết thêm về Ngài thì phải làm sao?

Mọi giá trị cao quý đều phải trả giá cao

          Người Mỹ có câu: «Freedom is not free», với ý nghĩa tự do không phải là một giá trị tự trời tự nhiên rơi xuống khiến người ta có thể dễ dàng nhận được một cách nhưng không. Chân lý, sự thật, dù chỉ liên quan đến thế giới vật chất, đừng nói gì tới chân lý hay sự thật liên quan đến thế giới tâm linh, cũng tương tự như vậy, không phải là thứ có thể nhận được mà không cần nỗ lực hay một sự hy sinh nào. Chẳng hạn những chân lý khoa học, các nhà bác học đã phải trả giá rất đắt mới có được: họ phải quan sát, đặt giả thuyết, thí nghiệm theo quá trình «test and error» (thử và sai) không biết bao nhiêu lần mới có được kết luận cho cái giả thuyết đã đặt ra. Cụ thể như bà Marie Curie (1867-1934), người đã dành ra khoảng ba chục năm nghiên cứu mới có được kết luận về tính chất của uranium và tính phóng xạ của nó, v.v... Ngày nay, sống trong thời đại tân tiến, chúng ta sử dụng điện thoại thông minh để nói chuyện trực tiếp với những người ở xa tới nửa vòng trái đất, và còn sử dụng biết bao vật dụng tối tân khác, tất cả đều là kết quả tìm tòi, nghiên cứu của hàng ngàn nhà khoa học suốt mấy chục thế kỷ qua.

Sự hiểu biết cần được áp dụng vào đời sống mới thật sự có giá trị 

          Trong cuộc đời, khi còn nhỏ, tất cả những gì cần thiết nhất cho sự sống, cho sự phát triển, ta đều được cha mẹ ban cho nhưng không, như sự chăm sóc yêu thương vô vị lợi, thức ăn, việc học hành, v.v... Một số nhu cầu căn bản khác cũng được xã hội ban cho nhưng không, nhưng rất nhiều nhu cầu cao cấp hơn ta phải trả giá. Đời sống tâm linh cũng vậy. Rất nhiều ơn thiêng liêng chúng ta được ban cho nhưng không, qua các bí tích, hoặc các kiến thức cần thiết cho đời sống tâm linh qua Kinh Thánh, qua giáo lý của Giáo Hội, qua những bài giảng của các linh mục tại các cơ sở hoặc qua mạng Internet, v.v... Nhưng muốn phát triển đời sống tâm linh, những thứ được ban nhưng không ấy không đủ, chúng ta phải sử dụng ơn Chúa và những kiến thức được ban nhưng không ấy để áp dụng trong đời sống. Điều này Đức Giêsu đã nói rất rõ: «Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bảo táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành» (Mt 7:24-27).
          Chỉ những người thật sự áp dụng những chân lý mình nhận được vào cuộc sống mới chứng tỏ họ là người thật sự yêu mến chân lý, và chỉ những người ấy mới được Thánh Linh mặc khải cho những điều bí nhiệm. Họ đã có và được cho thêm, đúng như sự việc trong dụ ngôn «Những Yến Bạc» (Mt 25:14-30), trong đó người có một nén, tuy đã có nhưng không làm gì cả, nên đã bị lấy đi. Còn người có năm nén và hai nén đã làm việc với những nén ấy để sinh lợi nên đã được cho thêm. Tương tự như thế, những kẻ lãnh hội được phần nào chân lý cách nhưng không, nhưng đã không áp dụng nó vào đời sống, thì phần chân lý ấy cũng trở thành vô ích cho họ, và sự hiểu biết chân lý ấy cũng bị mất đi, đúng như Đức Giêsu đã nói: «ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất» (Mt 13:12).

Sự phát triển tâm linh cũng có nhiều cấp bậc khác nhau

          Đời sống tâm linh cũng có nhiều cấp bậc phát triển, tương tự như những cấp bậc trong các trường học ngoài đời: từ lớp một đến lớp năm bậc Tiểu học, rồi lớp sáu đến lớp 12 bậc Trung học, rồi lên Đại học còn biết bao nhiêu lớp khác nữa. Thánh Phaolô đã nói về những trình độ phát triển tâm linh ấy như sau: «Với thời gian, đáng lẽ anh em đã phải là những bậc thầy, thế mà anh em lại cần phải để cho người ta dạy anh em những điều sơ đẳng về các sấm ngôn của Thiên Chúa: thay vì thức ăn đặc, anh em lại phải cần dùng sữa. Thật vậy, phàm ai còn phải dùng đến sữa, thì không hiểu gì về đạo lý liên quan đến sự công chính, vì người ấy vẫn là trẻ con. Thức ăn đặc thì dành cho những người đã trưởng thành, những người nhờ thực hành mà rèn luyện được khả năng phân biệt điều lành điều dữ» (Dt 5:12-14). Như vậy, theo Phaolô, về sự phát triển tâm linh, có người còn ở trình độ sơ cấp, tương tự như trẻ sơ sinh cần phải ăn sữa. Còn người ở trình độ tâm linh cao hơn, trưởng thành hơn, thì tương tự như người ăn đồ cứng. Ăn đồ cứng đương nhiên là khỏe hơn, làm được những việc nặng nhọc và hữu ích hơn. Đương nhiên sự trưởng thành cũng có nhiều mức độ khác nhau, mà mức độ càng cao càng đòi hỏi sự hiểu biết và sự thực hành những hiểu biết ấy cao hơn.

Hai hạng người khác nhau với hai thái độ khác nhau

          Trong bài Tin Mừng về những dụ ngôn, chúng ta thấy rõ ràng Đức Giêsu phân biệt hai hạng người: dân thường và các môn đệ Ngài. Đoạn Kinh Thánh ấy viết: «Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết» (Mc 4:33-34). Dân thường tượng trưng cho những người hài lòng với trình độ tâm linh ở mức tương đối thấp, không có tâm khao khát chân lý, nên họ không muốn cố gắng tìm hiểu những lý lẽ sâu xa của đời sống tâm linh. Thậm chí họ còn muốn kết án hoặc làm hại những ai nói những điều không phù hợp với trình độ thấp thỏm của họ [*]. Còn các môn đệ là những người theo Ngài, tượng trưng cho những người yêu mến chân lý.

[*] Chúng ta thấy: những giáo huấn Đức Giêsu rao giảng không phù hợp với quan điểm về tôn giáo của các tư tế, những người Pharisêu và những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái, vì thế họ đã quyết tâm giết Ngài. Cho nên Ngài từng dặn các môn đệ: «Của thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em» (Mt 7:6). Vì sách Châm Ngôn viết: «Ai sửa dạy đứa ngoan cố là chuốc lấy khinh dể vào thân. Ai khiển trách tên gian ác sẽ bị nó chửi rủa» (Cn 9:7), «Kẻ nhạo báng không thích bị khiển trách, cũng chẳng chịu đến với người khôn» (Cn 15:12).


Những người được mặc khải và những người bị che giấu

          Về mặc khải của Thiên Chúa, Đức Giêsu cũng từng nói trong lời tạ ơn Chúa Cha: «Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha» (Lc 10:21). Những người bé mọn ở đây là những người ý thức được sự hiểu biết của mình về mầu nhiệm Thiên Chúa và thế giới tâm linh còn vô cùng nhỏ bé và thiếu sót, nên khao khát biết thêm. Chỉ những người khiêm nhượng ấy mới được Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ mà Đức Giêsu đã hứa, sẽ mặc khải cho những người xứng đáng về những điều bí nhiệm của Thiên Chúa, của Nước Trời. Còn những kẻ tự mãn về những điều mình biết về Thiên Chúa, cho rằng mình đã biết hết cả rồi, thì Thiên Chúa sẽ không cho họ biết thêm gì nữa, thậm chí ngay cả những kiến thức họ đang có về Thiên Chúa, cũng sẽ trở thành lỗi thời (out of date), khi Thánh Linh, Đấng có vai trò «đổi mới sinh khí mặt đất» (x. Tv 104:30) đã đổi mới mọi sự. Ngài là Đấng đã từng «làm cho giao ước thứ nhất hoá ra giao ước cũ; và cái gì cũ kỹ, lỗi thời thì tan biến đi» (Dt 8:13), Đấng đã làm cho «quy luật cũ bị bãi bỏ» (Dt 7:18). Những kẻ tự mãn về những điều mình biết tương tự như những khoa học gia nào cho rằng mình đã biết hết tất cả mọi sự rồi, sẽ không còn tìm tòi, nghiên cứu, thí nghiệm… thì họ sẽ không còn biết thêm điều gì mới lạ nữa, trong khi những gì họ chưa biết thì nhiều gấp bội những gì họ đã biết, và những gì họ đã biết theo thời gian sẽ trở nên lỗi thời, không còn phù hợp với thời đại đã thay đổi.

Nỗ lực của những người thao thức với chân lý

          Những ai yêu mến chân lý, có tâm tìm kiếm chân lý, thì họ sẽ đi tìm chân lý và sẵn sàng trả giá rất đắt cho việc tìm kiếm ấy. Đức Giêsu đã nói về những người này qua dụ ngôn «kho báu và ngọc quý» (x. 13:44-45), khi biết chân lý được chứa đựng ở đâu, thì họ sẵn sàng hy sinh hết tất cả để tìm cho được chân lý ấy. Chẳng hạn, khi nghe nói một bài viết, một bài giảng hay một cuốn sách có giá trị về chân lý, thì họ tìm cho bằng được và đọc hoặc nghe không ngại mất thì giờ hay tiền bạc để nghe hay đọc được nó. Lòng khao khát chân lý khiến họ luôn luôn thao thức với Lời Chúa, luôn suy nghĩ để tìm ra ý nghĩa thâm sâu được dấu ẩn trong những lời ấy. Vì Lời Chúa cũng như những dụ ngôn có nhiều ý nghĩa cạn sâu khác nhau, càng ra công suy gẫm càng nhận ra ý nghĩa thâm sâu trong đó. Những người có tâm tìm kiếm chân lý thì Đức Giêsu đã hứa hẹn: «Hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho» (Mt 11:10). Câu đó có thể hiểu theo cách khác là: ai không tìm sẽ không thấy, ai không gõ cửa sẽ không mở.

          Ở ngoài đời, để có được mảnh bằng tú tài, cử nhân hay tiến sĩ, người ta phải cố gắng học hành chăm chỉ lắm mới đạt được. Chân lý về Nước Trời, quý hơn những mảnh bằng ấy rất nhiều, chẳng lẽ muốn đạt được, ta lại không muốn chịu khó, không muốn mất mát hay hy sinh sao? Đức Giêsu từng nói về điều ấy: «Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì mới chiếm được» (Mt 11:12); Ngài cũng nói: «Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được» (Lc 13:24). Thật vậy, nhiều người muốn đạt được chân lý, nhưng lại không muốn trả giá cao, nên dĩ nhiên họ không đạt được. Họ chẳng khác gì những người muốn thi đậu nhưng lại chẳng muốn chăm chỉ học hành.

Kết luận

          Tóm lại, để trả lời cho thắc mắc: Tại sao Đức Giêsu lại dùng dụ ngôn? Ta có thể tóm tắt như sau. Chân lý hay sự thật về Nước Trời, là một giá trị cao quý vô cùng, chỉ được ban cho những người xứng đáng, là những người sẵn sàng trả giá cao cho giá trị ấy. Còn những người không tha thiết gì với giá trị ấy, hoặc không đánh giá cao đủ để sẵn sàng hy sinh mọi thứ hầu có được nó, thì chân lý ấy sẽ bị dấu đi khỏi họ. Đúng như lời Đức Giêsu nói: «Với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn, để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại và được ơn tha thứ» (Mc 4:12). Thật vậy, những kẻ không có tâm thao thức với chân lý, thì họ có nghe hay đọc Lời Chúa thì họ đâu thèm quan tâm suy nghĩ, áp dụng vào đời sống, nên chỉ hiểu được nghĩa hời hợt nông cạn nhất của nó, chứ không thể hiểu được ý sâu xa chứa đựng bên trong. Mà dẫu có hiểu được thì họ cũng chẳng muốn đem ra thực hành. Thực hành những chân lý cao quý ấy mới là điều quan trọng nhất để được ơn tha thứ cuối cùng. «Ơn tha thứ» trong câu Kinh Thánh trên chính là giá trị cao nhất, là phần thưởng mà Thiên Chúa ban cho những người xứng đáng, những người đã sẵn sàng trả giá cho nó với giá cao nhất, thậm chí bằng cả mạng sống.

Nguyễn Chính Kết

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21/04/2025(Xem: 16)
Trong cuộc đời, niềm tin của chúng ta nhiều khi cũng bị thử thách nặng nề như các tông đồ xưa. Chúng ta cũng bị nao núng tinh thần, bị chán nản thất vọng, thấy niềm tin của mình tưởng rằng vững chắc bỗng hóa thành như chuyện không tưởng. Nhưng quả thật đối với Thiên Chúa, nhiều chuyện không thể tin được lại là sự thật.
20/04/2025(Xem: 95)
Trước khi sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu đã trải qua những đau khổ cùng cực của con người. Trong cuộc đời Ngài, Ngài cũng trải qua biết bao đau khổ của kiếp người. Chính vì thế, không ai có thể nói Thiên Chúa quá hạnh phúc đâu biết gì đến thân phận đau khổ của con người. Vì: Thiên Chúa đã nhập thể làm người, để chia sẻ một cách thực tế và tích cực những đau khổ của con người. Ngài đã biến đau khổ của con người thành giá trị, thành phương tiện cứu rỗi, thành điều kiện để được hạnh phúc.
20/04/2025(Xem: 137)
Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, đã yêu thương ta bằng một tình yêu chân thật và đã hy sinh mạng sống vì ta. Ta đã đáp lại tình yêu của Ngài thế nào? Tình yêu chân thật phải xuất phát từ trong tâm, chứ không phải chỉ bằng những lời thật đẹp, nghe thật cảm động, xuất phát từ môi miệng. Dù ta bị câm, ta vẫn có thể tỏ tình với Ngài bằng tâm tình, bằng hành động, bằng hy sinh. Dù tai ta điếc, ta vẫn nghe được tiếng Ngài từ trong tâm.
17/04/2025(Xem: 364)
Thiên Chúa không để những người làm việc cho Ngài phải lâm tình trạng thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, miễn là họ biết toàn tâm làm theo thánh ý Ngài, và lo cho những công việc của Ngài, đồng thời chấp nhận sống tinh thần thanh bần, một thứ thanh bần tự nguyện, không chủ trương phải thỏa mãn đầy đủ những nhu cầu giả tạo.
17/04/2025(Xem: 381)
Đức Giêsu đã chết và phục sinh là biểu tượng cho việc biến đổi từ «con người cũ» sang «con người mới». «Con người cũ» lấy những thực tại trần gian (danh, lợi, thú, địa vị, quyền lực, của cải…) làm mục đích. «Con người mới» lấy tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân làm động lực, lấy lợi ích của Thiên Chúa và tha nhân làm mục đích.
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC