Thiên Chúa luôn hiện diện trong ta, mà dường như ta không hề biết!

17/06/202410:00 SA(Xem: 1592)
Thiên Chúa luôn hiện diện trong ta, mà dường như ta không hề biết!

Thiên Chúa luôn hiện diện trong ta,

mà dường như ta không hề biết!

bbbb


Đức Giêsu vẫn ngủ say trên thuyền khi cuồng phong nổi dậy
              Trong cuộc đời, ai cũng có lúc phải đối phó với «phong ba bão tố cuộc đời», những lúc dường như thất vọng vì biết bao khó khăn ập tới mà không biết đường nào giải quyết, thậm chí có lúc nguy hiểm đến cả mạng sống. Những lúc ấy, nhiều khi không biết cậy nhờ vào ai, không biết nhờ ai giúp đỡ.
             Trong Tin Mừng, cũng có lúc các môn đệ Đức Giêsu cũng gặp một trường hợp tương tự được thánh sử Máccô tường thuật trong Mc 4,35-41: Các môn đệ Đức Giêsu đang cùng với Ngài trên thuyền giữa biển hồ, thì bỗng «một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước». Giữa lúc nguy hiểm chết người như vậy, thì «Đức Giêsu đang ở đàng lái, Ngài dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ», chẳng biết gì đến các môn đệ đang cuống cuồng lên vì thấy quá nguy hiểm. Thế là bất chấp thầy mình đang ngủ, «các môn đệ đánh thức Ngài dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”». Và «Ngài thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ».

Khi ta gặp bão tố cuộc đời, lúc ấy Thiên Chúa ở đâu?
             Còn chúng ta, khi gặp bão tố của cuộc đời, thì lúc đó Thiên Chúa ở đâu để ta có thể kêu cầu Ngài cứu giúp? Kinh Thánh đã trả lời rất rõ ràng cho chúng ta:
             ● Sách Công Vụ cho chúng ta biết:

«Thiên Chúa không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện diện» (Cv 17:27b-28).

             ● Thánh Phaolô đã từng tiết lộ sự thật quan trọng ấy, chúng ta cũng từng nghe nhiều lần nhưng chẳng mấy lưu tâm:

─ «Anh em chẳng nhận thấy là có Đức Giêsu Kitô ở trong anh em sao?» (2Cr 13:5b);

─ «Chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người» (Cl 3:11b);

─ «Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?» (1Cr 3,16);
─ «Chính chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống» (2Cr 6:16b);

─ «Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em» (1Cr 3,17b);

─ «Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần mà chính Thiên Chúa đã ban cho anh em» (1Cr 6,19).

            Kinh Thánh cho biết Thiên Chúa luôn ở trong chúng ta, nhưng chúng ta dường như rất ít khi ý thức điều đó. Sự không ý thức ấy đã làm cho sự hiện diện của Ngài trong bản thân ta ở dạng tĩnh, bất động, y hệt như tình trạng Đức Giêsu ngủ say trên thuyền khi các môn đệ Ngài đang phải chống chọi với sóng gió hoành hành.

Cần ý thức sự hiện diện thường hằng của Thiên Chúa
trong bản thân chúng ta
            Do đó, có sự khác biệt rất quan trọng về tâm linh giữa ý thức và không ý thức về sự hiện diện thường hằng của Thiên Chúa trong bản thân mỗi người chúng ta. Khi Ngài ngủ trong thuyền thì Ngài vẫn hiện diện bên các môn đệ, nhưng lúc ấy Ngài hiện diện mà như không hiện diện. Ngài chẳng giúp ích gì cho các ông giữa cơn phong ba bão táp đầy nguy hiểm trên biển. Các ông đã đối phó với phong ba như thể không có Ngài. Nhưng khi các môn đệ đánh thức Ngài dậy, thì Ngài làm cho sóng gió lặng yên. Chỉ lúc đó Ngài mới hiện diện đúng với bản chất một Thiên Chúa đầy quyền năng của Ngài. 
            Như thánh Phaolô đã khẳng định, bản thân ta là Đền Thờ của Thiên Chúa, và có Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong đền thờ ấy (x. 1Cr 3:16). Đền thờ ấy là bản thân ta, gồm linh hồn và thể xác, do chính Thiên Chúa tạo dựng nên, chắc chắn đối với Thiên Chúa, nó giá trị hơn những đền thờ do con người tạo dựng. Thật vậy, Kinh Thánh có viết: «Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên» (Cv 17:24; x. 7:48). Mặc dù Thiên Chúa hiện diện khắp nơi, nhưng theo những gì Kinh Thánh xác định, có thể nói theo một nghĩa nào đó, sự hiện diện của Thiên Chúa trong bản thân ta có mật độ cao hơn, «đặc sệt» hơn những nơi khác. 
            Không ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong bản thân ta sẽ khiến cho sự hiện diện ấy trở nên thụ động, nghĩa là hiện diện mà như không hiện diện, tương tự như sự hiện diện của Đức Giêsu đang ngủ trong thuyền của các môn đệ giữa phong ba. Ý thức thường xuyên về sự hiện diện và quyền năng vô biên của Thiên Chúa trong ta, chính là làm cho sự hiện diện của Ngài trong ta trở thành năng động. Chỉ lúc ấy ta mới thấy quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa trở thành cụ thể và thực tế nơi ta, có thể biến đổi ta nên một con người mới mạnh mẽ, có thể vượt qua dễ dàng mọi sóng gió cuộc đời. Ý thức thường xuyên như vậy, sức mạnh của Thiên Chúa sẽ dần dần trở thành sức mạnh của chính bản thân ta.

Một vài minh họa
            Sự không ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong bản thân ta, tương tự như câu chuyện sau đây. Một người nọ có một hũ vàng lớn được chôn dưới nền nhà hoặc dấu kín trong một bức tượng nào đó – mà cha ông để lại, nhưng lại không biết gì về hũ vàng đó ở ngay dưới nền nhà mình. Vì không biết hay ý thức được nhà mình có hũ vàng đó, nên hũ vàng đó trở nên hoàn toàn vô ích. Vì thế, đời sống thực tế của người ấy rất nghèo, thậm chí thiếu thốn cùng cực, phải xin xỏ hay năn nỉ sự giúp đỡ của người khác. Khi biết được mình có kho tàng ấy, lập tức người ấy đào lên và trở nên giàu có. Chỉ lúc ấy hũ vàng kia mới bắt đầu trở nên hữu ích và làm cho đời sống của người ấy hoàn toàn thay đổi.
            Một minh họa khác: có thời tôi rất khốn khổ vì máy vi tính của tôi bị nhiễm virus khiến máy chạy rất chậm. Tôi muốn diệt virus và đề phòng virus nhưng không biết làm sao. Một hôm, anh bạn của tôi đến chơi, nghe tôi than phiền, anh vào máy của tôi và khám phá ra trong máy của tôi đã cài sẵn một chương trình diệt và phòng chống virus tối tân nhất. Nhưng vì tôi không biết «chạy» (run) hay «kích hoạt» (activate) chương trình này, nên dù nó có sẵn trong máy nhưng chẳng hề hoạt động chút nào. Từ khi anh bạn làm cho chương trình ấy tự động chạy ngay khi khởi động máy, thì máy vi tính của tôi lại hoạt động rất nhanh, hữu hiệu và không còn một con virus nào tồn tại được trong máy nữa. Hóa ra máy của tôi đã có sẵn một chương trình phòng và diệt virus rất tuyệt vời mà tôi không biết, không ý thức rằng mình có để kích hoạt nó. Chính vì vậy mà tôi phải khốn khổ trong thời gian chưa ý thức ấy.

Thiên Chúa hiện diện trong ta
là một kho tàng quý báu mà ta có thể không màng tới
            Cũng vậy, chúng ta có Thiên Chúa – một kho tàng sức mạnh, trí tuệ, tình yêu, sự sống – ở ngay trong bản thân mình, thậm chí ngay trong bản thể mình, trong chính sự hiện diện của mình, thế mà ta chẳng biết, chẳng ý thức điều đó. Vì thế, Thiên Chúa ấy đã chẳng đem lại sức mạnh, sự khôn ngoan, tình yêu, sức sống và bình an hạnh phúc cho ta bao nhiêu. Ta luôn luôn cảm thấy mình yếu đuối, hèn hạ, ích kỷ, vụ lợi, bất an, và cứ phải tìm cách bù đắp sự hèn kém ấy bằng cách chiếm hữu cho bằng được những thứ ngoài mình – như của cải, danh vọng, quyền lực, lạc thú, tiện nghi – để có cảm tưởng mình có sức mạnh, có phẩm giá, được bình an. Sức mạnh, phẩm giá, bình an ấy là thứ gì ở ngoài mình, do người khác ban cho mình, và có thể mất bất cứ lúc nào. Còn sức mạnh, phẩm giá và sự bình an hạnh phúc của một người ý thức được Thiên Chúa ở với mình, ở ngay trong bản thể mình, là những thứ nội tại trong bản thân mình, do chính Thiên Chúa ban. Thứ bình an hạnh phúc này không ai có thể ban cho ta hay lấy mất của ta được (x. Ga 16,22): «Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian» (Ga 14,27). Chúng ta thường xin xỏ Thiên Chúa và người khác ban cho mình những thứ bên ngoài ấy đang khi bên trong chúng ta đã có sẵn tất cả những thứ quý giá ấy – quý giá nhất là chính Thiên Chúa – mà chúng ta không hề biết, nên những thứ quý giá có sẵn ấy chẳng đem lại ích lợi gì cho ta.
            Rất có thể trong tâm hồn ta, Đức Kitô đang bị chôn vùi trong ngôi mộ của sự quên lãng, như thể Ngài chẳng là gì và chẳng ảnh hưởng gì trên đời sống thường ngày của ta, như thể Ngài đang ngủ yên trong tâm hồn ta, không tác động gì ích lợi cho ta, giúp ta chống lại với những giông tố cuộc đời. Ngài dường như đang ngủ thật say trong tâm hồn ta như xưa đã ngủ say trên thuyền bỏ mặc cho các tông đồ phải lo lắng chèo chống, chiến đấu vất vả với giông tố sóng nước, tưởng chừng như chết đến nơi. Điều sáng suốt mà các tông đồ lúc đó đã làm, là đánh thức Thầy mình dậy. Và một khi Ngài thức dậy, Ngài ra lệnh cho sóng và gió phải im, và tất cả đều tuân lệnh Ngài.

Ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa trong ta
khiến thần lực của Ngài trong ta trở nên sống động
            Hình ảnh Đức Kitô ngủ thật say trong thuyền, hay hình ảnh Ngài nằm trong mộ đá có thể là hình ảnh trung thực diễn tả tình trạng của Ngài đối với tâm hồn ta lúc này. Nếu để Ngài ngủ hay chết, thì Ngài chẳng làm gì được cho ta. Phải đánh thức Ngài dậy, phải làm cho Ngài phục sinh trong tâm hồn ta. Nói cách khác, là phải làm cho Ngài luôn luôn sống động trong ý thức của ta. Chỉ như thế, chúng ta mới thấy được cánh tay uy dũng vạn năng của Ngài ảnh hưởng thật sự trên cuộc đời ta, giúp ta biến đổi tất cả những nghịch cảnh thành thuận cảnh, bất lợi thành thuận lợi, và biến đổi chính bản thân ta một cách hữu hiệu và nhanh chóng.  
            Vấn đề là ta có thật sự tin vào quyền năng của Ngài hay không. Đức tin vào quyền năng của Ngài là yếu tố cần thiết không thể thiếu để quyền năng của Ngài thể hiện nơi chúng ta. Thật vậy, khi Đức Giêsu về Nazarét, «Ngài không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin» (Mt 13:58). Biết bao phép lạ Ngài đã làm được khiến rất nhiều người bệnh được chữa lành, thậm chí cả người chết cũng sống lại vì họ có niềm tin. Phép lạ xảy ra tùy thuộc vào hai yếu tố: quyền năng của Thiên Chúa và lòng tin của con người vào quyền năng ấy. Thiếu yếu tố con người, phép lạ không xảy ra. Xin kể ra một số trường hợp:

─ Đức Giêsu còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: «Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?» Nhưng Đức Giêsu nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: «Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi» (Mc 5:35-36) và cô bé đã được Ngài cho sống lại.
─ Đức Giêsu nói với viên đại đội trưởng rằng: «Ông cứ đi về đi! Ông tin thế nào thì được như vậy!» (Mt 8:13) Ngay giờ ấy, người đầy tớ được khỏi bệnh.

─ Đức Giêsu quay lại thấy bà (bị bang huyết) thì nói: «Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con». Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa (Mt 9:22).
─ Người nói với họ (hai người mù): «Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?» Họ đáp: «Thưa Ngài, chúng tôi tin». Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: «Các anh tin thế nào thì được như vậy”. Mắt họ liền mở ra» (Mt 9:28-30). 
─ Còn rất nhiều trường hợp khác như Mt 15:28; Mt 17:19-20; Mt 21:21; Mt 10:51-52; Mc 11:22-24; Lc 1:45; Lc 5:20; Lc 7:50; Lc 8:50; Lc 17:6; Lc 17:19; Lc 18:42-43; Ga 14:12; v.v... 
            Chúng ta phải đánh thức hay làm cho Ngài sống lại bằng cách thường xuyên ý thức sự hiện diện của Ngài trong ta. Nghĩa là phải luôn luôn ý thức rằng Chúa là nguồn sức mạnh, nguồn tình yêu, nguồn trí tuệ của ta. Nếu ta tin tưởng rằng nguồn thần lực đó đang ở trong ta và sẵn sàng hoạt động, thì lập tức nguồn sức mạnh ấy sẽ hành động thật sự. Điều quan trọng là ta có dám tin như thế hay không. Niềm tin như thế cần phải được tập luyện và củng cố hằng ngày. Nếu chúng ta thường xuyên tự nhủ: «Ngài là sức mạnh của tôi», thì sức mạnh ấy sẽ thành hiện thực nơi bản thân ta, lúc đầu chưa rõ ràng, và có thể yếu ớt, nhưng sẽ càng ngày càng rõ rệt và mạnh mẽ lên theo thời gian.
            Làm cho Ngài sống lại trong ta, là để Ngài chiếm trọn bầu ý thức tâm linh của ta, để Ngài hoàn toàn làm chủ đời ta, để Ngài hoàn toàn tự do hoạt động trong ta, không bị cản trở bởi ý riêng của ta. Ngài chỉ có thể lớn lên khi «cái tôi» của ta nhỏ đi, Ngài chỉ sống khi «cái tôi» ích kỷ của ta chết đi, và thánh ý của Ngài chỉ được thực hiện khi ta tự ý coi nhẹ ý riêng mình.
            Làm cho Ngài sống lại trong ta, chính là gặp gỡ Ngài ngay trong chính bản thân ta, đó chính là bản chất của cầu nguyện, là lương thực nuôi dưỡng tâm linh ta. Cầu nguyện hay gặp gỡ Thiên Chúa trong bản thân ta chính là điều quan trọng nhất trong đời sống nội tâm của người Kitô hữu.

Nguyễn Chính Kết

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09/11/2024(Xem: 45)
Theo Thánh Phaolô, bản thân ta chính là đền thờ của Thiên Chúa và có Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong đó (x. 1Cr 3,16-17; 1Cr 6:15.19; 2Cr 6:16b). Nhưng chúng ta thường không ý thức được điều đó khiến chúng ta làm ô uế đền thờ ấy bằng những tư tưởng xấu, những tâm tình ích kỷ, kiêu căng, những hành động tội lỗi. Điều đó khiến chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa mà nhiều khi chúng ta vô tình hay cố tình không biết.
31/10/2024(Xem: 268)
Trong tất cả mọi việc, muốn thành công, ta phải phân biệt điều nào là chính yếu, điều nào là phụ thuộc, điều nào là cần thiết nhất và điều nào ít cần hơn. Trong việc sống đạo, ta cũng phải biết và thực hiện điều nào là chính yếu và cần thiết nhất. Đức Giêsu nói: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi» (Mt 7:21)
23/10/2024(Xem: 264)
Cảnh người mù kêu cứu bị quát nạt như trong bài Tin Mừng Mc 10:46-52 vẫn hằng xảy ra tương tự trong thế giới hôm nay. Là những người theo Đức Giêsu, chúng ta có thái độ nào đối với những người khốn khổ như thế? Thái độ của chúng ta đối với họ nói lên đức tin và đức ái của chúng ta mạnh hay yếu, nhiều hay ít. Đôi khi chúng ta tưởng rằng đức tin mình mạnh, đức ái mình lớn, nhưng thái độ của ta đối với những người khốn khổ cho biết đức tin và đức ái của ta thế nào.
22/10/2024(Xem: 246)
Có những người tàn tật tới 50 hay 60% tưởng chừng bất hạnh hơn những người bình thường như chúng ta rất nhiều, nhưng họ vẫn hạnh phúc vì đức tin của họ vào Thiên Chúa rất mạnh mẽ, và nhất là họ thật sự sống với niềm tin ấy. Đức tin chỉ là đức tin thật sự khi ta thật sự sống với niềm tin ấy.
15/10/2024(Xem: 361)
Xã hội cũng như Giáo Hội là một cơ cấu, một tổ chức đương nhiên phải có quyền bính để duy trì sự tồn tại và phát triển. Vì thế, bất cứ quyền lực nào nhắm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ sự thật, sự thiện, thì mọi người có nhiệm vụ tuân phục. Ngược lại, quyền lực nào phục vụ sự giả dối, sự ác, ngược lại thánh ý Thiên Chúa, con người không nên vâng lời, vì «Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người ta» (Cv 5:29).
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC