Hãy đặt Thánh Ý Thiên Chúa lên trên tất cả
Sự kiện trong Thánh Kinh
a) Trước khi Đức Giêsu về Nazarét
Đức Giêsu đã đi khắp nơi trên đất nước Do Thái. Ngài đã thuyết giảng và làm nhiều điều kỳ diệu. Chắc chắn một số người làng Nazarét, quê hương của Ngài, cũng nghe được danh tiếng của Ngài từ những nơi khác vọng về. Bài Tin Mừng Máccô 6:1-6a cho biết: Ngài về thăm quê hương của Ngài. Tin Mừng Máccô đoạn 5 trước đó cho biết Ngài trở về từ vùng Ghêrasa, cách Nazarét khoảng 60 cây số. Tại Ghêrasa, Ngài đã từng làm nhiều phép lạ: Ngài từng trục xuất cả một đạo binh quỷ khỏi một người bị quỷ ám và cho phép chúng nhập vào bầy heo (Mc 5:1-17), làm con gái ông Giaia, trưởng Hội đường, chết sống lại, và chữa cho một bà bị băng huyết 12 năm chỉ sờ vào gấu áo của Ngài mà được chữa khỏi bệnh. Những việc kỳ diệu Ngài làm ở Ghêrasa chắc chắc đã được đồn thổi ít nhiều về làng Nazarét, quê hương của Ngài.
b) Tại Nazarét
Khi về tới Nazarét, Ngài được mời vào hội đường Do Thái để giảng dạy. Lời Ngài giảng đầy khôn ngoan khiến dân làng, những người từng quen biết Ngài trước đó, ngạc nhiên. Thay vì tin Ngài, quý mến, cảm phục Ngài, thì họ đặt vấn đề: «Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?» (Mc 6:2b). Họ ganh tị vì Ngài cũng xuất thân tầm thường như họ, mà sao bây giờ Ngài lại làm được những việc phi thường như vậy. Họ tự hỏi: «Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?» (Mc 6:3). Nếu Ngài là người họ chưa từng quen biết, mà làm được những điều phi thường như vậy thì họ sẽ cảm phục, quý mến. Nhưng vì Ngài đã từng sống với họ, giữa họ, làm anh thợ mộc bình thường giữa họ bao năm, gia đình Ngài cũng chẳng có gì cao sang hơn họ, mà bây giờ, sau một thời gian xa nhà, Ngài trở về với một phong thái hoàn toàn khác, khiến họ ganh tị. Vì thế, họ xúc phạm Ngài, và Máccô đã viết: «họ vấp ngã vì Người» (Mc 6:3b). Do lòng ganh tị đó, họ coi thường Ngài đến nỗi Ngài phải thốt lên: «Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi» (Mc 6:4). Ở nơi khác, người ta tin Ngài, còn tại Nazarét, quê hương của Ngài, thì họ không tin. Chính vì họ không tin, nên «Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó» (Mc 6:5).
Bài học từ sự kiện
a) Sự liên hệ giữa niềm tin và phép lạ
Qua đoạn Tin Mừng trên, ta thấy có sự liên hệ giữa niềm tin và phép lạ. Khi về Nazarét, quê hương của mình, Ngài muốn làm nhiều phép lạ tại đó để người ta tin Ngài, nhưng Ngài không làm được một phép lạ nào, chỉ vì họ không có được một niềm tin tối thiểu. Thật vậy, trong các phép lạ mà Đức Giêsu đã làm tại đất nước Do Thái, ta thấy phép lạ nào cũng bao gồm hai yếu tố quan trọng không thể thiếu: quyền năng của Thiên Chúa và niềm tin của con người. Quyền năng của Thiên Chúa là yếu tố sẵn có trong bất kỳ lúc nào, thời nào, hoàn cảnh nào, còn niểm tin của con người thì… có hay không còn tùy người tùy lúc. Chính vì thế, rất nhiều trường hợp Thiên Chúa muốn thực hiện một phép lạ, nhưng không thực hiện được vì thiếu yếu tố của con người, đó là niềm tin của họ.
b) Quyết định nằm về phía con người
Khi tạo dựng nên cả vũ trụ, Thiên Chúa dùng quyền năng vô biên của Ngài để tạo dựng, không cần nhờ ai khác. Nhưng sau khi tạo dựng con người và ban cho con người quyền TỰ DO, thì khi Ngài muốn làm gì cho con người, nếu không có phần cộng tác của con người, thì sự việc không thành tựu được. Chính vì thế, thánh Augustinô đã phải viết: «Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người.» . Nhà truyền giáo tại Phi châu người Mỹ gốc Đức Reinhard Bonnke cũng viết tương tự: «Con người cần Thiên Chúa và Thiên Chúa cần con người. Khi cả hai kết hiệp với nhau để thực hiện mục đích của Thiên Chúa, thì mọi sự đều trở nên có thể.»
Áp dụng cụ thể trong đời sống
Trong cuộc đời, rất nhiều trường hợp ta muốn đạt được những ý nguyện hết sức chính đáng, như khỏi một bệnh nan y cho chính mình hay cho một người thân yêu của mình, đạt được thành quả mà mình đã bỏ sức ra cho nó nhiều năm trời, mong thoát khỏi một thế kẹt hay một khó khăn lớn trong cuộc đời, v.v... Đạt được những ý nguyện ấy hay không, không chỉ tùy thuộc vào nỗ lực của ta, mà còn vào nhiều yếu tố khác ngoài ta. Lúc đó, ta chỉ còn biết cầu nguyện và cậy trông vào quyền năng của Thiên Chúa. Đôi khi ta mong một phép lạ.
Trong trường hợp đó, ta nên có thái độ nào?
a) Thái độ đầu tiên: Sẵn sàng tuân theo thánh ý Thiên Chúa
Tất cả mọi sự xảy đến trong cuộc đời ta, dù là may mắn hay rủi ro, hạnh phúc hay đau khổ, ta hãy tin chắc chắn rằng: không một việc nào xảy đến cho ta mà nằm ngoài thánh ý Thiên Chúa. Đức Giêsu từng nói: «Năm con chim sẻ chỉ bán được hai xu phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ» (Lc 12:6-7). Vấn đề là ta có thật sự tin điều đó hay không, và có sẵn sàng tuân phục thánh ý Ngài không. Thánh Phaolô từng viết: «Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người» (Rôma 8:28). «Những ai yêu mến Người», một cách cụ thể là những người luôn luôn muốn làm theo thánh ý Ngài, coi thánh ý Ngài quan trọng hơn ý muốn của chính mình. Và điều chắc chắn là điều Ngài muốn thì luôn luôn lợi ích cho ta hơn điều ta muốn rất nhiều.
b) Đặt thánh ý Thiên Chúa lên trên mọi ý ta muốn
Trong cuộc đời, rất nhiều điều xảy ra hoàn toàn ngược ý ta, ta tưởng là hoàn toàn bất lợi cho mình, nhưng chỉ sau một thời gian, ta mới thấy điều ấy xảy ra thì có lợi cho ta hơn là nó không xảy ra. Thật vậy, người ta có thể biến một điều bất lợi thành có lợi, còn Thiên Chúa, Ngài có thể biến điều bất lợi nhất thành có lợi nhất. Trước một điều hoàn toàn ngược ý ta, ta nên có thái độ giống như Đức Giêsu khi Ngài cầu nguyện với Chúa Cha trong vườn Giệt-sê: «Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha» (Mt 26:39; Lc 22:42). Hãy luôn luôn đặt ý muốn của Thiên Chúa trên ý muốn của mình, như ta thường tuyên xưng trong Kinh Lạy Cha: «ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời» (Mt 6:10), và «ý Cha» phải được thể hiện trước nhất trong chính bản thân ta. Một khi đã có tâm tình hoàn toàn tuân phục ý muốn của Thiên Chúa, thì ta hãy để Ngài quyết định mọi sự theo ý Ngài, chứ không phải theo ý mình.
c) Kinh nghiệm bản thân
Kinh nghiệm cuộc đời cho tôi thấy: mặc dù tôi không xin Ngài thực hiện cho tôi điều gì, mà chỉ quan tâm thực hiện điều Ngài muốn tôi làm, thì tất cả những gì tôi cần, dù tôi không cầu xin, Ngài đều ban cho dư dật, đúng như Ngài đã từng hứa: «Hãy lo tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người trước đã, còn mọi sự khác Người sẽ ban cho sau» (Mt 6:33). Thực hành như thế, ta sẽ chứng kiến nhiều việc lạ lùng Ngài làm cho ta.
Nguyễn Chính Kết
Gửi ý kiến của bạn