Con Người và Thánh Kinh

03/08/20249:46 SA(Xem: 400)
Con Người và Thánh Kinh

Con Người và Thánh Kinh

aaa
Thượng Đế là một thực tại siêu việt. Con người chỉ biết sự hiện diện của Ngài qua công trình vũ trụ tuyệt diệu mà Ngài tạo dựng, như thánh vịnh 8 và 18 diễn tả :
«Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,  Muôn trăng sao Chúa đã an bài» (Tv 8)
«Trời xanh tường thuật vinh quang Chúa, Không trung kể ra sự nghiệp của Ngài» (Tv 18)
Trí óc con người rất hạn hẹp, không thể hình dung Thượng Đế thế nào. Vì thế, Ngài đã dùng Thánh Kinh để mạc khải cho con người biết Ngài là ai, ý muốn và luật pháp của Ngài.

1) THÁNH KINH LÀ GÌ ?
Hiến chế về Mặc Khải (Dei Verbum) công đồng Vaticanô ll: «Thánh Kinh là lời Thiên Chúa nói với loài người để mặc khải cho họ về chính Thiên Chúa, về tình thương, ý định và chương trình cứu độ của Người, nhờ đó con người có thể nhận biết Thiên Chúa và thông phần bản tính của người» (DV 25).

Thánh Kinh là lời Chúa:
Tự sức ta không thể biết Thượng Đế như thế nào, nếu Ngài không tự tỏ lộ ra cho ta. May mắn thay, chúng ta hiểu biết Thượng Đế nhiều hơn, nhờ được mặc khải qua thánh kinh.
Thánh kinh là những vén màn cho loài người được biết phần nào đời sống linh giới. Khi sự nhận thức và tiến hóa ngôn ngữ loài người khả dĩ lĩnh hội được, thì thánh kinh ra đời.
Thánh kinh bộc lộ tình yêu Thiên Chúa với con người thụ tạo, qua chương trình của Ngài là sai một đấng cứu độ, được loan báo rất nhiều lần từ khởi thủy của cuốn thánh kinh (St 3, 15), để tái lập sự giao hòa đã đổ vỡ giữa Thiên Chúa và con người. Đấng Thiên Chúa hứa đề cập trong sách Cựu Ước gọi là Đấng Messiah, chính là Chúa Giêsu, với sứ mạng cứu chuộc nhân loại.
Những lời giảng và đời sống của Ngài, cũng như Giáo Hội sơ khai Ngài lập, được ghi chép lại trong sách mà ta gọi là Tân Ước. Trên thánh giá, trước khi tắt thở, Chúa Giêsu nói: «Mọi sự đã hoàn tất» (Ga 19, 30). Cái chết đau thương và sự sống lại của Chúa Giêsu là đỉnh điểm và cũng là kết thúc cuốn thánh kinh, lời Chúa nói với ta.
Thánh Phaolô viết trong thơ gởi tín hữu Do Thái: «Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ» (Dt 1, 1-2).
Vậy, thánh kinh mà ta đọc hằng ngày có thật là lời Chúa không?

Thánh Kinh là ngôn ngữ con người được linh hứng:
 Lịch sử:
Thánh kinh, trải dài qua lịch sử hơn 1.500 năm, với khoảng 40 tác giả. Thể văn đa dạng, từ văn xuôi đến thơ ca, lịch sử, ngôn sứ, thư tín…
Ngôn ngữ dùng trong Cựu Ước hầu hết viết bằng tiếng Do Thái. Còn Tân Ước thì bằng tiếng Hy Lạp.
Dù bằng tiếng nước nào, thì ngôn ngữ loài người nói lên những hạn chế của nó: tự bản thân ngôn ngữ diễn tả, truyền khẩu và ghi chép, cho đến những hạn chế về lịch sử, thời đại, cá nhân tác giả… Chưa kể đến những hạn chế khác khi dịch ra tiếng nước này, nước nọ.
Tuy bị giới hạn rất nhiều, nhưng thánh kinh, qua văn phong của con người, được Chúa linh hứng để nói lên lời của Chúa, ý định của Ngài với con người, như thánh Phaolô viết: «Tất cả những gì viết trong kinh thánh đều do Thiên Chúa linh hứng» (2 Tm 3, 16).
Làm sao ta biết đó là lời Chúa nói với nhân loại?

Tính chân thật của Thánh Kinh:
Người ta săm soi, tìm đủ mọi mâu thuẫn, luận cứ phản bác, để coi thánh kinh như một tập hợp những cuốn sách lỗi thời, vô bổ, phản khoa học, phản tiến hóa. Nhưng cho đến ngày nay, thánh kinh là sách gây ảnh hưởng nhiều nhất trong nền văn minh nhân loại, được dịch ra hơn 2.400 ngôn ngữ với hơn 7 tỉ ấn bản. Nhưng đó không phải là luận cứ để coi thánh kinh là lời Chúa nói với nhân loại.
Ta tin thánh kinh là lời Chúa vì lý do nội tại của nó: đó là tính nhất quán và hệ thống, phù hợp với chiều sâu thẳm của lương tâm nhân loại, mà thiên nhiên đã phú bẩm trong ta, từ khi sinh ra làm người. Thánh kinh Do Thái, dân tộc Chúa chọn để thực hiện chương trình của Ngài, nói về lịch sử nước này thì ít và là bộ sách thông truyền về đạo lý thì nhiều.
Thật vậy, từ xưa đến nay và mãi sau này, một khuôn phép đạo đức bất di bất dịch, vượt không gian và thời gian, được tất cả các tôn giáo, cả những người vô thần đều đồng ý, lại rất cần thiết cho sự tồn tại của loài người. Đó cũng là điều làm xã hội con người khác với loài vật là: thương yêu đồng loại, thờ cha kính mẹ, sống công chính, chăm sóc người yếu thế, làm lành lánh dữ… Tất cả đều là lời dạy dỗ của thánh kinh.

2)  SỐNG THÁNH KINH
Thánh Kinh lời hằng sống:
Chúa nói: «Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra» (Mt 4, 4). Thân xác ta cần cơm gạo nuôi sống thế nào, thì đời sống đạo đức cũng cần được nuôi dưỡng như vậy, bằng lời của Chúa.
Trong cuộc sống hằng ngày, nhiều điều thánh kinh dạy không theo lẽ khôn ngoan đời thường, nghe thật chói tai. Như khi xưa, nhiều môn đệ đã có lúc bỏ Ngài mà đi.
Chúa Giêsu nói: «Lời ta nói với các con là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các con có một số không tin» (Ga 6, 63) còn Phêrô thì thưa: «Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời» (Ga 6, 68).
Không phải ai cũng nghe được tiếng Chúa. Không hiếm người thời nay không thèm đếm xỉa gì đến lời của Ngài, vì mải lo cơm áo gạo tiền, như dụ ngôn người gieo giống, mà Chúa đã giải thích trong phúc âm thánh Luca (Lc 8, 4-8).
Chúng ta có tự do và Chúa tôn trọng tự do ấy. Thánh Gioan viết trong sách Khải Huyền: «Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng ta và mở cửa, thì ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và nguời ấy sẽ dùng bữa với Ta» (Kh 3, 20).
Vậy ai có thể nghe được lời Chúa?

Lời Chúa cho những kẻ đơn sơ, lương tâm ngay thẳng:
Cũng như dân gian chất phác của ta, tin rằng trên cao có một Ông Trời toàn tri (trời có mắt, nghĩa là biết hết mọi sự), toàn năng có quyền thưởng phạt công minh (trời phạt, có trời mà cứu, trời thương…). Trong khi đó những người có chút học vấn lại cho rằng: ông trời chẳng có, lấy gì mà biết, mà phạt.
Lời Chúa rất đơn sơ cho mọi người, bất cứ ai cũng có thể lĩnh hội. Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha: «Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mặc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy» (Mt 11, 25-26).
Tuy nhiên, sự hiểu biết đơn sơ này, tuy đúng đắn chân thành nhưng rất mộc mạc, dễ dẫn đến suy diễn sai lạc, như từng thấy dưới thời các thánh tông đồ. Để tránh điều này và cũng để thực thi thẩm quyền Chúa trao, thánh Phêrô viết: «Không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong sách thánh» (2 Pr 1, 20).

Thẩm quyền giải thích Thánh Kinh:
Trước khi về trời, Chúa Giêsu lập hội thánh của Ngài và truyền: «Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em» (Mt 28, 19).
Một Giáo Hội có thực quyền và thẩm quyền: «Phêrô con là đá, trên tảng đá này, thầy sẽ xây hội thánh Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ giao cho con chìa khóa nước trời. Dưới đất, con cầm buộc điều gì trên trời cũng cầm buộc như vậy, dưới đất, con tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy» (Mt 16, 18-19).
Giáo Hội không sáng tạo những chân lý mới, nhưng giải thích lời Chúa theo thẩm quyền được trao.
Thực vậy, thánh kinh như trình bày ở trên rất phong phú đa dạng. Từ ngôn ngữ cho đến hoàn cảnh lịch sử, từ văn phong cho đến bối cảnh cá nhân tác giả, đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến ý nghĩa lời văn. Muốn hiểu đúng ý nguyên tác, phải có chuyên môn rất cao để chú giải, không tùy tiện được.
Giáo Hội là người cuối cùng có thẩm quyền để phân định sự việc. Giáo Hội luôn nhắc nhở các nhà chuyên môn câu nói cảnh báo này của Chúa Giêsu với những người giải thích luật: «Các người đã cất giấu chìa khóa của sự hiểu biết, các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản» (Lc 11, 52).
Như vậy, thánh kinh là lời Chúa, rất đơn sơ mộc mạc, ai cũng có thể lĩnh hội. Tuy nhiên, ta không được vận dụng, hiểu sai ý nghĩa gốc mà Chúa muốn nói cho ta.

Kết luận:
Thánh kinh là để hiểu biết, tiên tri Giêrêmia: «Gặp được lời Chúa con đã nuốt vào. Lời Chúa trở thành hoan lạc cho con, thành niềm vui của lòng con» (Gr 15, 16).
Thánh kinh là bất biến và có giá trị vĩnh cửu: «Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời ta nói sẽ không bao giờ qua đi» (Mt 24, 35).
Thánh kinh là lương thực hằng ngày và là lời hằng sống: «Lời Chúa là lời hằng sống» (Hr 4, 12).
Thánh kinh là để thực hành, Chúa Giêsu nói: «Mẹ và anh em ta là những người nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành» (Lc 8, 21).
Người Kitô hữu phải biết thánh kinh: «Ai không biết kinh thánh thì cũng không biết Đức Kitô» (Thánh Hêrônimô).
 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05/09/2024(Xem: 161)
Những người điếc, ngọng, câm thể chất, họ chiếm một tỉ lệ thấp trong xã hội, nhưng tỉ lệ những người điếc, ngọng, câm về tinh thần và tâm linh trong xã hội và Giáo Hội có lẽ không nhỏ. Điếc, ngọng, câm về tinh thần và tâm linh nghĩa là gì? Đó là bệnh cá nhân hay xã hội? một xã hội hay giáo hội có thể bị điếc và ngọng không?
28/08/2024(Xem: 347)
Chúng ta thường đánh giá sự thánh thiện hay đạo đức của chính mình hay của người khác dựa vào những gì thấy được bên ngoài, như việc làm, thái độ, sự nghiêm trang, v.v... Nhưng Thiên Chúa đánh già theo cái TÂM YÊU THƯƠNG ở bên trong mỗi người. Đương nhiên, cái TÂM YÊU THƯƠNG đích thực sẽ tự nhiên thể hiện ra bên ngoài thành những hành động cụ thể.
26/08/2024(Xem: 272)
Biết bao người trên đời thắc mắc về số phận hay cuộc đời mình: liệu mình có tự do để định đoạt hay định hướng cuộc đời mình không? Hay số phận của mình đã được ai đó định sẵn rồi? Tại sao có thể có những lời tiên tri báo trước những chuyện xảy ra cho cuộc đời tôi, hay cho cả dân tộc tôi, hay cho cả thế giới? Như vậy thì con người có thật sự tự do không?
26/08/2024(Xem: 218)
Sống mà không biết tại sao mình sống! Sống mà không biết mình sẽ đi về đâu là điều làm cho con người chán chường, khổ đau và thất vọng nhất. Mọi người, bạn cũng như tôi, cần phải có một niềm tin vào một lý tưởng hay một lẽ sống nào đó để mà sống.
24/08/2024(Xem: 249)
Sau bữa tiệc ly, trước khi ra đi chịu khổ hình, Đức Giêsu đã tha thiết cầu nguyện với Chúa Cha: «Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta» (Mt 17:11b; 22-23). Nhưng Đức Gioan-Phaolô II, trong Tông thư «Tiến tới thiên niên kỷ thứ ba» (Tertio Milliennio Adveniente) đã phải than phiền và thấy cần phải sám hối về sự «phá hỏng sự hiệp nhất trong Giáo Hội» (số 34). Tại sao vậy? Có phải vì những phần tử trong Giáo Hội chưa ý thức và tôn trọng tính đa dạng mà Thiên Chúa muốn trong vũ trụ vạn vật?
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC