Con Người và Đau Khổ

18/09/20248:54 CH(Xem: 351)
Con Người và Đau Khổ

Con Người và Đau Khổ
aaaaa

Tiếng Sa Mạc

Nếu khóc là biểu hiện của khổ đau, thì quả thật từ lúc chào đời, con người đã nhuốm mùi tục lụy. Khổ đau đeo đẳng ta mãi cho đến kết thúc cuộc sống bằng cái chết, cũng khổ đau không kém.
Phật nói: «đời là bể khổ». Bài hát Salve Regina của Công Giáo thì coi cuộc đời là «thung lũng nước mắt», «chốn lưu đày». Nhà thơ Nguyễn Công Trứ cũng thở dài «trần có vui sao chẳng cười khì».
Vậy đâu là bản chẩt và nguồn gốc đau khổ? Đau khổ có ý nghĩa gì? Làm sao để giải thoát khỏi khổ đau?
 
1) Đau khổ là gì ?
 ● Đau thể lý:
Ta không biết thực vật có biết đau đớn không: nó cũng có cơ chế tự chữa lành và tự miễn. ở đây chúng ta chỉ nói về đau đớn, mà ta thấy rõ ở sinh vật có hệ thần kinh. Từ sự phản ứng của hệ thần kinh, xuất hiện một cảm giác khó chịu liên quan đến các mô bị tổn thương của cơ thể, gọi là đau thể lý.
 
● Đau tinh thần:
Ngoài ra ở con người: có nhận thức, có sự phản tỉnh, có dự phóng, nghĩa là có đời sống tinh thần, thì đau đớn tinh thần mới đáng sợ và phức tạp hơn nhiều. Nó dai dẳng, gậm nhấm với cường độ cao hoặc thấp, tùy vào quan hệ hỗ tương giữa đời sống tinh thần và thân xác đối tượng.
Một cái tát nhục mạ, dù nhẹ cũng khác hẳn với sự va chạm vô tình cơ học, dù nặng hơn nhiều. Một con trâu bị quát nạt, bị roi đánh khác với sự đau khổ của con người với ý thức thân phận làm nô lệ. Ta gọi đau đớn này là nỗi đau tinh thần.
Vì thể xác và tinh thần ảnh hưởng hữu cơ lên nhau không thể tách rời, cơ chế này phát sinh nhiều đau khổ, nên con người là sinh vật, trong muôn loài, phải chịu đau khổ nhiều nhất.
 
2) Nguyên nhân và ý nghĩa của đau khổ
● Đau khổ là tự nhiên:
Đau khổ là phản đề của biện chứng. Với hạnh phúc là tiền đề thì đau khổ như mặt trái của tờ giấy vậy. Đau khổ không có thì hạnh phúc chẳng có ý nghĩa gì. Lão Tử có câu: «Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của họa». Chúng chuyển hóa lẫn nhau.
Đau là một phản ứng của cơ thể nhằm cảnh báo một cái gì không ổn, có tác hại cho sự sống còn. Khi đau, thần kinh phản xạ tức thời nhằm chấm dứt nguyên nhân làm tổn thương. Sau đó não bộ sẽ phân tích và đưa ra những quyết định để phòng tránh, bảo tồn sự sống.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói: «Đau khổ là một phần của cuộc sống». Nghĩa là nó tự nhiên, không thể tránh khỏi.
Khi vũ trụ được tạo dựng: hoạt động điều hòa, «Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp» (St 1:10), Ngài dựng nên con người, cho nó trí thông minh «để con người làm bá chủ» (St 1:26). Vũ trụ vận hành theo quy luật sinh diệt. Hạnh phúc khổ đau đấu tranh biện chứng, cứ thế mà tiến hóa.
Lịch sử loài người tiến bộ quá nhanh chóng. Nguyên nhân khổ đau dần được khám phá và khắc phục. Chẳng hạn trong y học, khoa học đã thiết lập bản đồ gene người, tìm ra những khiếm khuyết của nó để sửa sai, khắc phục nguyên nhân gây đau khổ. Cái gì chưa khắc phục được thì cảnh báo sớm, để biết đường mà tránh. Con người đã làm xuất sắc vai trò cộng tác vào sự sáng tạo.
 
● Đau khổ là thử thách để trưởng thành:
Đau khổ là một môi trường cần thiết để tôi luyện con người trưởng thành, «Lửa thử vàng, gian nan thử sức». Nếu không có thất bại, đau khổ, con người mãi mãi nhu nhược; mãi mãi là cọng giá nghiêng ngả, không có sức sống rắn rỏi của người trưởng thành có nhân cách. Chẳng làm được trò trống gì.
Thánh Phêrô viết: «Anh em đang bị lửa thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh em. Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu» (1 Pr 4:12-13).
Sách Gióp: «Người đem tôi thử trong lò, tôi sẽ nên như vàng tinh luyện» (G 23:10).
Quả thật Gióp đã đau khổ cả vật chất đến tinh thần: từ thân xác lành lặn nay thì ung nhọt đầy mình, ngồi giữa đống tro «lấy mảnh sành mà gãi» (G 2:8). Quá đau khổ, ông than: «Sao tôi không chết đi lúc vừa mới chào đời, không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ» (G 3:11).
Về phương diện tâm linh, trong sách Gióp, Thiên Chúa để cho sự dữ hoành hành trên thế gian, Thiên Chúa có quyền trên mọi sự.
Satan nói với Chúa: «Ngài cứ thử giơ tay đánh vào mọi tài sản của nó (ông Gióp) xem, chắc chắn là nó nguyền rủa Ngài thẳng mặt!». Đức Chúa phán với satan: «Được, mọi tài sản của nó thuộc quyền ngươi, duy chỉ có con người của nó là ngươi không được đưa tay đụng tới» (G 1:11-12).
Sách Gióp cũng nói: «Không đời nào Thiên Chúa làm sự dữ, Đấng Toàn Năng chẳng làm chuyện bất công bao giờ» (G 34:10).
Từ đó ta cũng được biết: đằng sau thế lực sự dữ, sự đau khổ, là do quỷ satan mà ra. Ma quỷ được quyền tạo ra đau khổ làm cho chúng ta khốn khó. Tuy nhiên, quyền lực của nó bị giới hạn. Chúa Giêsu cũng nói: «Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục» (Mt 10:28).
Thánh Gioan viết: «Tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của ác thần» (1 Ga 5:19). Như thế, ta giải thích tại sao sự dữ và đau khổ lại lan tràn khắp mọi nơi. Chẳng phải Chúa làm, mà chính là do ma quỷ. Sách Khải Huyền cũng nói: «Đó là con rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay satan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ» (Kh 12:9).
Con người có bản lĩnh, là người chủ, đúng thật! Nhưng chính nó cũng tạo ra nhiều đau khổ không kém.
 
● Đau khổ do hậu quả của tự do và quyết định sai lầm của ta:
 Con người có tự do, chính sự tự do này làm phát sinh nhiều đau khổ. Nhiều người tin rằng tà kiến, vọng tưởng đã làm nẩy sinh đau khổ. Nhưng tà kiến của người này lại là chính kiến của người khác.
Không biết bao nhiêu cuộc chiến tàn khốc đau thương từ trước tới nay, trong lịch sử con người đều như thế cả. Ai cũng giành chính nghĩa cho mình. Chiến tranh Nga-Ukraine vô cùng đau thương hiện nay. Đa số dân mỗi nước đều cho mình đúng, là cần thiết phải hy sinh dù có chịu đau đớn tột cùng.
Ai chuốc khổ cho ai? Chính con người đã tạo nên tai ương cho nó, bằng phép thử và sai.
 
3) Làm sao giải thoát khỏi khổ đau
● Khoa học với nỗi đau sinh lý, tâm lý:
Phân tích như trên, ta thấy nỗi đau thể lý là tự nhiên và cần thiết để sinh tồn và phát triển. Diệt khổ là đi ngược lại với tự nhiên và là điều không thể.
Ta có thể diệt một nỗi khổ hoặc làm giảm bớt cường độ trong một số trường hợp. Khoa học đã làm được điều đó. Ta không có quyền tuyệt đối trên sự sống của ta và thiên nhiên chung quanh.
 
● Phật Giáo với Tứ Diệu Đế:
Khổ và phương pháp diệt khổ đau là tất cả những điều căn bản của giáo lý Phật Giáo. Đức Phật chỉ ra tình trạng và nguyên nhân đau khổ của đời người và đề ra phương pháp để thoát khổ.
Như thế đối với Phật Giáo, do duyên tiền kiếp, đã sinh làm người thì chắc chắn phải khổ đau và chỉ có tu thân tích đức thì mới chuyển hóa được khổ đau kiếp này và cho kiếp sau.
 
● Kitô Giáo với vấn đề đau khổ, thánh ý của Chúa:
Từ hư vô Thiên Chúa dựng nên vạn vật. Không có gì nằm ngoài quyền năng của Ngài: «Ta là Đức Chúa, không có Chúa nào khác. Ta tạo nên ánh sáng và dựng nên tối tăm, làm ra bình an và dựng nên tai họa» (Is 45:6-7).
Đau khổ nhất thiết phải có vì nó là phản đề, là mặt trái của hiện tượng hạnh phúc.
Như trên ta đã phân tích về ý nghĩa của đau khổ trong đời sống. Ta không chấp nhận khổ đau như một tất yếu không thể biến đổi, vì con người có tự do và sáng tạo, có «quyền làm chủ» như Thiên Chúa ban tặng, để thay đổi vận mệnh mình và thiên nhiên «Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất» (St 1:28).
Khi hiểu tường tận nguổn cơn sự đau khổ, người tín hữu biết cách hành xử thích hợp.
Ngoài sự cần thiết để tôi luyện thử thách, đau khổ còn mang ý nghĩa chấp nhận và vâng phục ý Chúa, là con đường cứu rỗi, con đường tất yếu để đến vinh quang của kẻ trưởng thành và chiến thắng. Chúa Giêsu đã nêu gương sinh động cho ta về vấn đề này. Thánh Phaolô viết:
Chúa Kitô «đã vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên thập giá» (Pl 2:8).
Vâng phục là từ bỏ tự do của mình, từ bỏ bản ngã, tư lợi, vâng phục quả là cái rất khó chịu nhưng là một nhân đức cao trọng.
Nếu con người là loài bị đau khổ nhất, thì Chúa Giêsu hẳn phải là người đau khổ hơn cả. Vì Ngài biết rõ trước Ngài phải chết đau đớn như thế nào.
Trong vườn cây dầu: «mồ hôi của Người như những giọt máu rơi xuống đất» (Lc 22:44). Khoa học ngày nay gọi hiện tượng này là «hematidrosis», thường xảy ra ở những người biết rõ cảnh đau đớn mà chắc chắn mình sắp phải trải qua.
Ngoài đau đớn thể xác cùng cực, Chúa Giêsu còn chịu nỗi đau tinh thần là sự phản bội, sự cô đơn, ghẻ lạnh của mọi người. Dân chúng thì coi Ngài xấu xa hơn cả tội đồ Baraba. Bị đau khổ hành hạ từ thể xác đến tinh thần, Ngài phải thốt lên: «Linh hồn Thầy buồn đến chết» (Mt 26:38).
Chúa Giêsu đã thấy trước khổ nạn kinh hoàng mà Ngài phải chịu. Có lúc, với bản tính con người, Ngài ái ngại và xin với Chúa Cha đừng bắt Ngài uống chén đắng: «Nhưng đừng theo ý con, mà theo ý Cha» (Mc 14:36) và Ngài chấp nhận tự nguyện đau khổ vì vâng phục thánh ý Chúa Cha.
Thánh Phaolô cũng viết: «Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục» (Dt 5:8). Thời nay, người ta hay tự tôn và quên giá trị của sự vâng phục.
Nói cách khác, theo Kitô Giáo thì đau khổ chính là ý định của Thiên Chúa, như lời thánh vịnh 119: «Đau khổ quả là điều hữu ích, để con học biết thánh chỉ Ngài» (Tv 119:71).
 
Kết luận:
Qua phân tích ở trên: đau khổ cả thể lý và tinh thần là không thể tránh khỏi. Ta chỉ có thể giảm bớt tác hại của nó một cách khoa học, cũng như tận dụng nó cho mục đích hướng thiện, có lợi ích. Nói một cách nào đó, đau khổ hiện tại sẽ biến thành hạnh phúc, vinh quang của ta, nếu ta ý thức tự nguyện như một thiên ý.
Thiên Chúa tốt lành dựng nên ta, để ta hưởng phúc chứ không để đày đọa ta. Cái khổ đau là để bảo tồn sự sống và là thử thách để ta trưởng thành. Phần nhiều, đau khổ chính là do ta và xã hội đã dùng sự tự do Chúa ban một cách không thích đáng.
Ngoài ra đau khổ còn là cơ hội hiếm hoi để ta vươn tới cái thiện hảo. Giá trị to lớn của sự vâng phục tự nguyện. Điều này xem ra trái nghịch với thời đại, chủ nghĩa cá nhân. Thật ra, giá trị của vâng phục là rất to lớn, trong một cơ chế mà phục vụ là chính, mà mục đích là sự thiện tối hậu, lợi ích lâu dài.
Đau khổ không thể thiếu và là đương nhiên, đôi lúc rõ ràng, là điều hữu ích.

 

Tiếng Sa Mạc

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09/10/2024(Xem: 70)
Theo bài Tin Mừng Mc 10:17-20, thì điều hết sức quan trọng trong việc theo Chúa, mà ngay cả những người đang tưởng mình theo Chúa không biết hoặc không quan tâm, đó là ngoài việc tuân giữ giới luật của Chúa, còn phải đặc biệt yêu thương những người khốn khổ, những người đang rất cần đến sự cứu giúp của ta.
08/10/2024(Xem: 74)
Tháng Mười là Tháng Mân Côi trong Giáo Hội công giáo. Phong Trào Giáo Dân Hải Ngoại được thành lập vào dịp lễ kính Mẹ Mân Côi (02.10.1992) và đã nhận Mẹ Mân Côi làm quan thầy. Chúng ta hãy tìm hiểu về lịch sử và sự phát triển của Kinh Mân Côi, một lời kinh, một hình thái cầu nguyện phổ biến nhất trong Giáo Hội công giáo.
01/10/2024(Xem: 207)
Lề luật được lập nên vì con người, nên lề luật chỉ là phương tiện, con người mới là mục đích. Đức Giêsu từng nói: «Ngày sabát được lập nên vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát» (Mc 2:27). Thánh Phaolô cũng viết: «Chúng ta biết rằng Lề Luật là tốt, nếu người ta sử dụng cho đúng cách» (1Tm 1:8). Sử dụng lề luật cho đúng cách là coi lề luật được lập nên vì con người, chứ không ngược lại.
01/10/2024(Xem: 220)
Điều Thiên Chúa mong muốn nhất nơi ta là gì? Đức Giêsu từng nói: «Anh em hãy nên toàn thiện, như Cha của anh em ở trên trời là Đấng Toàn Thiện» (Mt 5:48). Thánh Phêrô cũng viết: «Kinh Thánh ghi: "Hãy nên Thánh vì Ta là Thánh"» (1Pr 1:16). Vấn đề là: Phải làm gì để nên thánh? Bài này đề nghị cách nên thánh theo quan điểm của Công đồng Vatican II.
26/09/2024(Xem: 230)
Thánh Kinh được ví như bức thư Thiên Chúa gửi cho con người để tỏ cho con người biết tình yêu, quyền năng, ý muốn và chương trình của Ngài cho con người. Một người yêu Thiên Chúa thì phải năng đọc Thánh Kinh tương tự như một cô gái đang yêu một chàng trai ở xa, cô sẽ thường xuyên đọc những bức thư tình của chàng mà cô nhận được, đồng thời cảm thấy hạnh phúc vì thấy được tình yêu dạt dào và chân thật của chàng trai mà mình hết lòng yêu thương.
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC