Phát huy tinh thần làm chủ của người giáo dân

21/12/20248:47 CH(Xem: 628)
Phát huy tinh thần làm chủ của người giáo dân

Phát huy tinh thần làm chủ của người giáo dân

 aaa

Ba chức năng căn bản của người Kitô hữu

Điều quan trọng nhất và trước tiên của người Kitô hữu là mỗi người phải sống đúng tinh thần của người Kitô hữu. Sống tinh thần Kitô hữu là thực hiện ba chức năng mà người Kitô hữu đã lãnh nhận từ Đức Kitô ngày chịu phép rửa tội. Ba chức năng đó thường được gọi là vương đế, tư tế, ngôn sứ, hay nói cách khác là làm chủ, làm lễ và làm chứng.

1. Chức năng «làm chủ» (vương đế)

1. Làm vương đế, nói một cách bình dân và dễ hiểu là làm chủ. Làm chủ cái gì? Người Kitô hữu cần phải làm chủ trước hết là bản thân và dần dần làm chủ ngoại giới. Làm chủ bản thân là điều quan trọng nhất của chức năng này. Có làm chủ được bản thân thì mới có hy vọng thật sự làm chủ được ngoại giới. Làm chủ ngoại giới là làm chủ tập thể trong đó mình đang sống và hoạt động: gồm gia đình, xã hội và Giáo Hội; kế đến là làm chủ ngoại cảnh như thiên nhiên, môi trường, thế giới, vũ trụ…
Chức năng làm chủ này Thiên Chúa đã trao cho con người ngay từ khi Ngài tạo dựng nên họ: «Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất» (St 1:28). Và cũng ngay từ đầu, con người đã thực hiện quyền làm chủ ấy qua việc «đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú» (St 2:20). Thánh Phaolô cũng nói đến quyền làm chủ ấy: «Thiên Chúa đã đặt muôn loài, muôn sự dưới chân con người, bắt chúng phải phục quyền con người. Khi bắt muôn loài muôn sự phải phục quyền con người, Thiên Chúa không để cho một sự gì không phục quyền con người» (Dt 2:8).
Khi lãnh bí tích rửa tội, con người được tham dự và chia sẻ quyền làm chủ và thủ lãnh của Đức Giêsu (x. Ep 1:10). Tuy nhiên, để thực hiện được quyền làm chủ ấy, người Kitô hữu phải bắt đầu bằng việc làm chủ chính bản thân mình. Khi làm chủ được chính bản thân mình, con người sẽ tự nhiên làm chủ được tập thể và ngoại cảnh. Làm chủ là một yếu tố quan trọng cấu thành sự thánh thiện của con người.
Khổng Tử cũng nói tới việc tu thân để trở nên người hoàn hảo trong câu: «Tiên tu kỳ thân, hậu tề kỳ gia, nhi trị kỳ quốc, nhi bình thiên hạ» (trước tiên là phải tu thân, kế đến là quản trị gia đình, rồi mới có thể giúp ích cho đất nước, và sau mới phục vụ nhân loại). Một người thánh thiện theo Kitô giáo không thể chỉ nghĩ đến bản thân mình, mà phải trải rộng lòng mình đến với tất cả mọi người trên thế giới.
 
2.  Chức năng «làm lễ» (tư tế):
Chức năng «làm lễ» hay chức vụ «tư tế» là việc thờ phượng Thiên Chúa. Thờ phượng Thiên Chúa thời Cựu ước thường được hiểu là cử hành việc dâng những của lễ toàn thiêu gồm chiên bò, súc vật lên Thiên Chúa. Đến thời Đức Giêsu, Ngài muốn con người thờ phượng Thiên Chúa «trong thần khí và sự thật» (Ga 4:23-24) nghĩa là việc thờ phượng không còn mang tính vật chất và lệ thuộc vào không gian, thời gian, mà chủ yếu xảy ra trong nội tâm con người; đồng thời phải mang tính chân thật, không giả dối, có tính hình thức, bề ngoài.
Chức năng «làm lễ» hay chức vụ «tư tế» hệ tại việc dâng bản thân, dâng ý riêng, dâng mọi công việc của đời thường lên Thiên Chúa như một lễ vật, cùng với Chúa Giêsu, để thờ phượng Thiên Chúa và để thánh hóa bản thân và mọi công việc của mình. Chức năng làm lễ, tế lễ hay chức vụ tư tế đã có từ thời Cựu Ước, nhưng Đức Giêsu chính là vị tư tế đúng nghĩa nhất, cao cả nhất và mang tính đời đời (x. Dt 4:14; 5:6.10; 6:24; 7:17.24). Chức tư tế cộng đồng [1*] của mọi Kitô hữu là tiếp nối chức tư tế của Đức Giêsu (x. 1Pr 2:5.9; Kh 1:6; 5:10).
 [*1] Trong Giáo Hội, mọi Kitô hữu đều có chức tư tế cộng đồng, còn chức tư tế của các linh mục là tư tế thừa tác. Cả hai đều tiếp nối chức tư tế của Đức Giêsu.
Ngày xưa, thời Cựu Ước, dân Chúa phải dâng lên Chúa các con vật, sát tế chúng để làm của lễ thờ phượng Thiên Chúa. Ngày nay, với trình độ tâm linh cao hơn, người Kitô hữu phải sát tế một cách thiêng liêng chính bản thân mình làm lễ vật thờ phượng Ngài. Sát tế một cách thiêng liêng chính bản thân mình là sát tế «cái tôi» mà ta thường coi là «cái rốn của vũ trụ», để ta không còn sống cho chính mình, sống vị kỷ, mà sống cho Thiên Chúa và tha nhân. Đó là «coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su» (Rm 6:11; 2Cr 5:15). Ta làm điều này theo mẫu gương của Đức Giêsu, Ngài đã sát tế chính bản thân mình, không chỉ một cách thiêng liêng, mà một cách rất cụ thể là chết trên thập giá: «Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự» (Pl 2:6-8). Một cách cụ thể, sát tế một cách thiêng liêng chính bản thân mình là sát tế mọi ý riêng của mình, để ta không còn sống theo ý riêng mình nữa, mà hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa như Đức Giêsu đã sống: «Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi» (Ga 6:38; x. Ga 5:30; Mt 26:39; Lc 22:42; 1Pr 4:2).
Lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa nhất mà ta có thể thực hiện được chính là hiệp với lễ vật của Đức Giêsu trong hy tế đồi Can-vê xưa, và trong hy tế Thánh Thể ngày nay, để sát tế thiêng liêng chính «cái tôi» của mình, cùng với ý riêng của mình, để hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Sống theo thánh ý Thiên Chúa là một điểm cốt yếu của sự thánh thiện Kitô hữu.
Mà thánh ý của Thiên Chúa thời Cựu Ước là luật Môsê được tóm gọn trong hai điều: «Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Và phải yêu người thân cận như chính mình» (Mt 22:37-40; x. Mc 12:30-31; Lc 10:27). Đến thời Tân Ước, Đức Giêsu đưa ra một luật mới tóm gọn hơn, chỉ còn một điều duy nhất: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm nà: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13:34-35; x.15:12.17). Thánh Phaolô cũng tóm lại toàn bộ luật mới của Đức Giêsu vào một điều duy nhất: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13:8.10); «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô» (Gl 6:2). Như vậy, trong Tân Ước, điều răn thứ nhất của Cựu Ước được hàm ẩn trong điều răn thứ hai: yêu tha nhân chính là yêu Thiên Chúa, không yêu tha nhân chính là không yêu Thiên Chúa: «Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy» (1Ga 4:20).
Ngoài ra thánh ý Thiên Chúa còn được biểu lộ ra trong luật Giáo Hội, trong các bổn phận thường ngày của đời sống ta, đặc biệt trong những biến cố xảy ra trong cuộc đời ta, dù là thuận cảnh hay nghịch cảnh, và qua các dấu chỉ của thời đại (signum temporum).

3.  Làm chứng (ngôn sứ):
Chức năng «làm chứng» hay chức vụ «ngôn sứ» của người Kitô hữu tiếp nối chức vụ ngôn sứ của Đức Giêsu, Ngài chính là ngôn sứ đúng nghĩa nhất của Thiên Chúa (x. Mt 21:11; Lc 24:29; Ga 6:14). Chức năng này hệ tại việc làm chứng cho Thiên Chúa, cho Chúa Giêsu-Kitô, cho chân lý (luôn luôn thành thật, nói sự thật), cho công lý (sống công bình và đòi hỏi công bình trong xã hội, chống bất công áp bức), giúp mọi người nên tốt lành thánh thiện hơn, để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.
 Làm chứng cho Thiên Chúa, cho Đức Giêsu: Mọi người Kitô hữu đều lãnh nhận đức tin Kitô giáo qua bí tích rửa tội, và lãnh nhận sức mạnh của Thánh Thần qua bí tích thêm sức để làm chiến sĩ cho Thiên Chúa và cho Đức Giêsu. Vì thế, họ có nhiệm vụ tiếp tục sứ mạng của Đức Giêsu và các tông đồ là loan báo Tin Mừng đến với mọi người chung quanh. Đức Giêsu đã truyền lệnh này cho các tông đồ và các Kitô hữu: «Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em» (Mt 28:19-20). Mục đích của việc loan báo Tin Mừng là để mọi người đều tin vào Đức Giêsu và sống tinh thần yêu thương của Ngài, hầu biến thế giới này thành Nước Trời. Chúng ta thường biểu lộ niềm mong ước này trong kinh Lạy Cha: «Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến» (Mt 6:9-10).
=> Nhiệm vụ xây dựng Nước Trời: Mọi Kitô hữu đều có nhiệm vụ xây dựng Nước Trời, là một xã hội hay thế giới lý tưởng, trong đó Thiên Chúa là Tình Thương ngự trị, và mọi người đều đối xử với nhau bằng tình thương, nhờ đó mọi người đều hạnh phúc. Nước Trời trước hết phải được các Kitô hữu cố gắng thể hiện
– ngay tại trần gian này trước khi họ có thể hưởng Nước Trời trên thiên quốc ở đời sau.
– ngay trong bản thân trước khi thể hiện trong gia đình mình, và ngay trong gia đình mình trước khi thể hiện ra ngoài xã hội, đất nước và thế giới.
Không nỗ lực xây dựng Nước Trời ở đời này, người ta khó có thể hưởng được Nước Trời ở đời sau.
=> Làm chứng bằng lời nói và nhất là bằng đời sống thực tế: Việc làm chứng cho Thiên Chúa và Đức Giêsu không chỉ được thực hiện bằng lời nói qua việc rao giảng, mà chủ yếu phải bằng chính đời sống thực tế của mình. Chính khi ta sống đức tin, đức cậy và nhất là đức ái trong môi trường ta sống và làm việc (gia đình, xã hội, làng xóm, xưởng thợ, trường học…) là ta đã làm chứng cách tốt đẹp nhất cho Thiên Chúa và Đức Giêsu. Thời nay, thời của khoa học thực nghiệm, làm chứng bằng lời nói không quan trọng bằng làm chứng bằng chính thái độ sống, bằng việc làm, bằng những hành động cụ thể, vì «lời nói (chỉ) lung lay, gương bày (mới) lôi cuốn».
 Làm chứng cho chân lý và công lý: Nước Trời là nước của tình thương, nhưng tình thương phải được xây dựng trên nền tảng chân lý và công lý, tức trên sự thật và lẽ công bằng. Tình thương không được xây dựng trên nền tảng này là tình thương giả tạo, mầu mè bên ngoài. Vì thế, để xây dựng Nước Trời, người Kitô hữu phải sống chân thật, ngay thẳng, đồng thời tôn trọng và xây dựng sự công bằng trong gia đình và xã hội, không hành động thiên lệch, tây vị.
Sống chân thật, ngay thẳng là luôn luôn nói sự thật, không giả dối, giả hình, sẵn sàng làm chứng cho sự thật, bênh vực sự thật dù phải chấp nhận thiệt thòi, đau khổ.
Tôn trọng và xây dựng sự công bằng: Tôn trọng công bằng là không bao giờ vô cớ làm thiệt hại ai; luôn tôn trọng quyền lợi của mọi người, quyền lợi tự nhiên cũng như quyền lợi do tôn giáo hay pháp luật qui định; sẵn sàng thực hiện cho bất kỳ ai những gì mà trên nguyên tắc họ có quyền đòi hỏi ta thực hiện [2*]. Xây dựng công bằng là đòi hỏi mọi người phải thực hiện sự công bằng đối với mình và đối với nhau, hoặc tranh đấu cho công bằng xã hội [3*], chống bất công xã hội [4*]. Tất cả những vấn đề này đã được Giáo Hội qui định trong «Giáo huấn của Giáo Hội về những vấn đề xã hội».
 [*2] Chẳng hạn: con cái có quyền đòi hỏi cha mẹ phải nuôi nấng, giáo dục chúng cho đàng hoàng, cha mẹ có quyền đòi hỏi con cái phải vâng lời mình trong những điều hợp lý, người dân có quyền đòi hỏi nhà nước phải tôn trọng và bảo vệ những quyền mà luật pháp đã qui định cho họ, nhà nước có quyền đòi hỏi người dân phải tôn trọng luật pháp, v.v…
[*3] Chẳng hạn đòi hỏi người chủ phải trả công xứng đáng cho công nhân, đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng các quyền căn bản của người dân như tự do bản thân, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do đi lại… đúng như hiến pháp và luật pháp qui định.
[*4] Chẳng hạn: chống nạn quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, chủ bóc lột thợ…; đòi hỏi chủ phải tôn trọng luật bảo hộ lao động (bồi thường khi công nhân làm việc cho mình mà bị tai nạn), v.v… 
Linh đạo Kitô giáo truyền thống có khuynh hướng nhấn mạnh nhiều đến chức năng làm lễ (= chức vụ tư tế), đòi hỏi người Kitô hữu phải có đức tin và tình yêu. Mà ít nhấn mạnh đến chức năng làm chủ (= vương đế) và làm chứng (= ngôn sứ), đòi hỏi người Kitô hữu phải có trí tuệ và dũng khí, hay khôn ngoan và can đảm. Thiết tưởng sự thánh thiện hay toàn hảo đòi hỏi người Kitô hữu phải thực hiện và phát triển đầy đủ cả ba chức năng ấy. Phát triển đến tột đỉnh một chức năng nào đó mà hai chức năng kia bị lãng quên và không phát triển, thì đó chỉ là một sự thánh thiện què quặt, tức chưa toàn hảo. Mà Thiên Chúa muốn chúng ta trở nên hoàn hảo như Đức Giêsu từng nói: «Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện» (Mt 5:48).
 Nguyễn Chính Kết
 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13/01/2025(Xem: 70)
Đối với Giáo Hội, việc thích ứng rất quan trọng trong đời sống nội bộ của Giáo Hội, trong tương quan giữa Giáo Hội và thế giới, trong việc hướng dẫn và Phúc âm hóa thế giới. Tinh thần thích ứng là điều kiện sống còn và phát triển của Giáo Hội. Trước tình trạng số người Kitô hữu ngày càng suy giảm tại châu Âu, và trong tương lai có thể tại châu Á và các châu khác, chúng ta nên đặt lại vấn đề thích ứng. Phải chăng vì thiếu thích ứng mà Giáo Hội hiện nay chậm phát triển hay ngưng phát triển?
13/01/2025(Xem: 74)
Ý nghĩa thâm sâu trong sự kiện tiệc cưới Cana: Sự trục trặc vì hết rượu được Đức Giêsu cứu chữa khiến tiệc cưới trở nên vui hơn sau khi có sự trục trặc ấy xảy ra. Cũng vậy, công trình sáng tạo của Thiên Chúa hết sức tốt đẹp. Nhưng rồi có sự trục trặc xảy ra do tội lỗi con người. Nhưng sự cứu chuộc của Chúa Giêsu không phải chỉ là chữa cho tình trạng đó đỡ xấu đi, mà còn làm cho kết quả cuối cùng còn tốt đẹp hơn là khi không xảy ra sự trục trặc ấy.
07/01/2025(Xem: 205)
Đức Giêsu hoàn toàn vô tội, tại sao Ngài lại chịu để Gioan làm phép rửa như thể Ngài là người tội lỗi? Thưa: Đúng là Ngài hoàn toàn vô tội, nhưng sứ mạng của Ngài là xuống thế để đại diện cho cả loài người tội lỗi. Một khi đã đại diện cho nhân loại tộilỗi, thì Ngài phải mặc lấy tâm tình của kẻ có tội, và hành xử như người có tội trước mặt Thiên Chúa. Chính Gioan cũng từng giới thiệu Đức Giêsu là «Đấng gánh tội trần gian» (x. Ga 1:29).
05/01/2025(Xem: 326)
Trang này gồm nhiều video được lấy từ kênh youtube https://www.youtube.com/c/AudioCôngGiáo/videos.
03/01/2025(Xem: 367)
Hiện nay, tại Việt Nam cũng như trên thế giới, nói chung, ít nhất có tới 50% các cuộc hộn nhân đi đến đổ vỡ, ly dị hoặc cuộc sống chung của họ đã trở nên không khác gì hỏa ngục. Chính vì thế, những bạn trẻ trước khi lập gia đình, cần được chỉ dẫn để có thể tạo lập được một gia đình hạnh phúc. Ngoài ra, các Kitô hữu cũng rất cần tìm hiểu Kinh Thánh, để đọc và để hiểu biết Kinh Thánh hầu có được sự khôn ngoan của Thiên Chúa để sống hạnh phúc cả cuộc đời này lẫn cuộc sống mai hâu.
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC