Con Người và Khát Vọng Tuyệt Đối
Con người không bằng lòng với những gì mình có mà luôn luôn mơ tưởng khát vọng đi tìm cái gì hoàn hảo nhất. Thánh Augustinô từ thế kỷ thứ 4 viết: «Tâm hồn con còn mãi băn khoăn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa» (Confessions 1,1,1).
Thiên Chúa là tuyệt đối, con người có khả năng tìm gặp Ngài không?
Trong sách Sáng Thế: «Đức Chúa thấy rằng sự gian ác của con người quả là nhiều trên mặt đất, và lòng nó chỉ những toan tính, những ý định xấu suốt ngày. Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng» (St 6:5).
Qua ngôn ngữ quá hạn hẹp, bất túc của con người, thánh kinh diễn tả tâm trạng thất vọng của Chúa Trời với thụ tạo Ngài dựng nên. Với bản chất chí thánh của Đức Chúa, chắc hẳn là Ngài phải tru diệt chúng cho khuất mắt.
Nhưng Thiên Chúa đã làm gì?
1) Đi tìm
Thật ra, Thiên Chúa đi tìm ta. Ngay từ đầu, Ngài đã chủ động trong việc tìm kiếm này.
Thánh kinh kể lại, sau khi Adam và Eva phạm tội: «Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: ngươi ở đâu? Con người thưa: con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi nên con lẩn trốn» (St 3:9-10).
Thiên Chúa gọi tổ phụ Abraham để thiết lập dân riêng của Ngài: «Đức Chúa phán cùng ông Abraham: Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi» (St 12:1).
Chúa gọi Môisê và sai ông đến với vua Pharaon để cứu dân ra khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập. Chúa gọi ông lên núi Sinai và ban mười điều luật.
Thiên Chúa luôn đồng hành với dân Ngài tuyển chọn và ban những huấn thị qua các tiên tri.
Với Tân Ước, tìm kiếm thể hiện thái độ quan tâm tha thiết của Thiên Chúa đối với con người: «Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận» (Ga 1: 11).
Trong 3 năm, Chúa Giêsu đã rảo chân qua các làng mạc giảng dạy và tìm kiếm, mời gọi, quy tụ họ về đồng cỏ xanh «Vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt» (Mt 9:36).
Chúa đi tìm ta, như tìm đồng bạc đã bị đánh mất và khi tìm được thì mở tiệc ăn mừng: «Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối» (Lc 15:10).
Và mục đích kiếm tìm là để cứu thoát ta: «Con người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất » (Lc 19:10).
2) Cứu Độ
Khi nguyên tổ phạm tội vì bất phục tùng, Thiên Chúa đã không để con người hư mất nhưng muốn tái lập sự giao hòa bằng chương trình cứu độ: «Cha của anh em, Đấng ngự ở trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất » (Mt 18:14).
Từ đầu (St 3:15), Thiên Chúa đã cho con người niềm hy vọng vào một cuộc giao hòa và tái lập sự sống như trước khi nó sa ngã. Cứu độ là một ân huệ nhưng không, Thiên Chúa muốn con người tham dự vào đời sống thần linh của Ngài.
«Con người là gì mà Chúa phải bận tâm» (Tv 8). Ta chỉ có thể giải thích vì tình yêu. Tình yêu với tạo vật mà Ngài rất ưng ý, «Thiên Chúa thấy mọi sự người làm ra quả là rất tốt đẹp» (St 1:31), một tình yêu vô vị lợi.
Thiên Chúa thì siêu việt, cao vời. Muốn giao hòa thì phải có một sự trao đổi tương xứng. Vì thế chính Đức Chúa phải đích thân xuống làm con người cứu chuộc ta:« Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời… và Ngôi Lời là Thiên Chúa» (Ga 1:1) và «Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta» (Ga 1:14). Đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Messiah, đã được kinh thánh loan báo và chuẩn bị, qua lịch sử dân Do Thái.
«Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử» (Dt 1:1-2).
Chúa Giêsu xuống thế gian hoàn tất những điều mà Cựu Ước chưa nói hết, giảng dạy cho ta giáo lý tình yêu, hòa giải Thiên Chúa với con người và minh chứng tình thương của Thiên Chúa đối với con người, bằng cái chết trên thánh giá.
Con người được ân sủng trở lại, làm tạo vật đáng yêu của Thiên Chúa.
3) Ban phúc trường sinh
«Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô» (Ep 1:5). Chúa coi ta như con cưng của Ngài sau khi được cứu. Ban phúc trường sinh và cho ta được tham dự vào đời sống thần linh của Ngài.
Chúa Giêsu đã phán: «Ta là bánh trường sinh» (Ga 6:35).
Tần Thủy Hoàng đã cho người lặn lội, lên non xuống bể, tìm thuốc trường sinh mà có tìm được đâu. Mà có tìm được thì thích thú cái nỗi gì ở cuộc đời ô trọc này. Vật chất, theo khoa học lượng tử, chỉ là một ảo ảnh, rỗng không, nó chỉ là những tần số rung động, như Max Planck, thầy dạy của Albert Einstein, đạt giải Nobel vật lý năm 1918, đã phát biểu.
Còn đời sống thần linh tuy ta không thấy, nhưng nó rất thật. Kinh nghiệm hằng ngày và khoa học cũng cho ta thấy, những cái không thấy mới thật là có.
Hạnh phúc biết bao cho những ai tin vào Chúa. Đấng Tạo Hóa làm ra mọi thứ, vật chất hữu hình phong phú cũng như thế giới vô hình ta không thấy được, mà biết là có. Ngài lại hứa cho ta tham dự vào đời sống thần linh của Ngài «Mọi sự của Cha đều là của con» (Dụ ngôn Đứa Con Hoang Đàng).
Kết luận:
Thiên Chúa không dựng nên ta để rồi chơi trò trốn bắt. Tuy con người đã phạm tội phản nghịch xa lánh Ngài. Ngài vẫn chủ động đi tìm ta, giao hòa và ban ơn cứu độ để ta thành nghĩa tử của Ngài và cùng hưởng phúc trường sinh.
Thánh Augustinô cũng nói: «Thiên Chúa dựng nên con không cần có con, nhưng muốn cứu độ con thì cần có con». Chúa cần ta hợp tác với Ngài trong việc cứu độ. Ta phải đáp lại tình yêu Ngài và đi tìm gặp Ngài.
Tìm Chúa ở đâu?
Không phải trong các lầu son gác tía, trong các dinh thự đồ sộ, những công trình nguy nga hoành tráng, những bậc quan quyền áo mũ xênh xang, nhưng trong những người nghèo đói rách nát, tồi tàn, trong các trại tù hôi hám: «Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp Chúa đâu» (Mt 25, 44).
Chúa Phán: «Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé mọn nhất của ta đây, là các ngươi đã làm cho ta vậy» (Mt 25, 40).
Ta có thấy Chúa không? Nơi những người nghèo khổ.
Tiếng Sa Mạc
Gửi ý kiến của bạn