Làm người quả là khó. Làm người tử tế lại càng khó hơn.
Chẳng khó gì cả! Muốn làm người thì phải thế thôi.
Tùy bạn chọn: hoặc bạn hí hửng phản bội bạn bè hôm nay, để rồi ngày mai ôm chén đắng, bị đá ngược dòng, không ai thương tiếc; hoặc bạn nghiện ngập, buông thả phóng túng hôm nay để ngày mai thân xác bệnh hoạn, ốm đau yểu thọ, mọi người ngán ngẩm.
Bạn muốn làm người biết tự chế, kiểm soát mình, có tư cách người hoặc làm động vật linh trưởng sống theo bản năng và thú tính, nói như Cao Bá Quát: «nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi».
Chúa dạy ta tìm đường hẹp mà đi: «Hãy qua cửa hẹp mà vào, cửa hẹp đường chật thì đưa đến sự sống» (Matthêu 7:13-14).
Vị tha:
Bạn không thể sống một mình, «sống là sống với». Thượng Đế an bài ta sống trong một xã hội. Bản chất con người có xã hội tính: bạn tồn tại và phát triển nhờ có cha, có mẹ, vợ chồng, gia tộc, quốc gia…
Những gì bạn có hôm nay: thân xác, sức khỏe, tri thức, tinh thần đều do tổ tiên, xã hội đưa đến cho bạn. Bạn có bổn phận «trung với nước, hiếu với dân». Đóng góp ngược lại cho xã hội, cho tập thể con người. Không thể chỉ ích kỷ cho riêng mình.
Chúa dạy ta sống tích cực: «Những gì các con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con hãy làm cho người ta như thế» (Matthêu 7:12).
Hướng thượng:
Con người luôn tiến hóa đi lên: hôm nay hơn hôm qua, ngày mai hiểu biết nhiều hơn hôm nay. Mọi thứ hoàn thiện dần. Bạn không thể tưởng tượng nổi sao thế hệ cha ông lại ngu dốt đến vậy. Cũng thế, con cái bạn cũng đang tặc lưỡi chê trách bạn: có thế mà cũng không biết.
Đời sống tâm linh cũng phải tiến triển như vậy. Chúa dạy ta luôn tiến bước đi lên: «Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là đấng hoàn thiện» (Matthêu 5:48).
Nói tóm lại:
Làm người phải «sao được cho ra cái giống người» (Tú Xương). Làm người phải có căn tính người trước tiên. Blaise Pascal nói đúng «Qui fait l’ange fait la bête» (= ai muốn làm thiên thần lại trở nên loài thú).
Chúa xuống thế làm người như ta, «Giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi» (Thư Do Thái 4:15).
Con người có 3 chiều kích: sinh lý, tâm lý và tâm linh. Trong đó phần tâm linh rất quan trọng, làm con người khác với súc vật. Vì thế mới gọi «nhân linh ư vạn vật». Cả đông và tây, từ cổ chí kim, từ thực tiễn, lý luận, cảm xúc đều công nhận đó như một lẽ đương nhiên.
Đạo Chúa, với tinh thần tự chế, vị tha, hướng thượng, là đạo làm người.
Đạo Chúa, với tinh thần tự chế, vị tha, hướng thượng, là đạo làm người.
Lê Cường
Gửi ý kiến của bạn