Tại sao các ngôn sứ của Thiên Chúa thường bị bạc đãi?

28/01/20184:24 CH(Xem: 12456)
Tại sao các ngôn sứ của Thiên Chúa thường bị bạc đãi?
Tại sao các ngôn sứ của Thiên Chúa 
thường bị bạc đãi?

bai_bien_nha_trang


Chúng ta đã vui mừng kỷ niệm lần thứ 2017 ngày Đức Giêsu Kitô sinh xuống thế làm người. Ngài thường được quan niệm như là Đấng Cứu Thế của nhân loại, vì chủ yếu là như vậy. Tuy nhiên, Ngài còn là một vị ngôn sứ vĩ đại nhất trong lịch sử con người, và Ngài đã bị đồng hương bạc đãi, lên án và đã chết một cách đau thương và nhục nhã cũng chính vì thực hiện vai trò ngôn sứ ấy.

Chính Ngài cũng nói về số phận vốn bị bạc đãi của các ngôn sứ thật, trái với số phận được ưu đãi của các ngôn sứ giả [*1]. Sự nghịch lý và khó hiểu này gây thắc mắc cho rất nhiều người: Những ngôn sứ thật của Thiên Chúa đáng lẽ phải được mọi người tôn trọng và ưu đãi mới đúng. Nếu có bạc đãi thì điều ấy phải dành cho các ngôn sứ giả chứ!  
[*1] Trong Tin Mừng, nhiều lần Đức Giêsu nói về số phận nghịch lý của các ngôn sứ, chẳng hạn như:  
● «Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế» (Mt 5,12);
● «Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị nguời ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên hư đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế» (Lc 6,22-23).
● «Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế» (Lc 6,26)
Chúng ta thử tìm hiểu xem tại sao lại có sự nghịch lý ấy.


Các ngôn sứ được Thiên Chúa gửi đến

Thời đại nào Thiên Chúa cũng đều gửi đến với nhân loại những ngôn sứ để nói lên tiếng nói của Ngài, cho nhân loại biết ý muốn, chương trình và kế hoạch mới của Ngài cho thời đại mới. Vì Thánh Thần của Thiên Chúa luôn luôn đổi mới mọi sự, để thích ứng đường lối của Ngài cho hoàn cảnh, tâm thức, não trạng mỗi thời đại mỗi thay đổi của con người.

Chính những lúc lịch sử dân Do Thái cũng như Giáo Hội bước vào những khúc ngoặt quan trọng, là lúc các ngôn sứ của Thiên Chúa xuất hiện nhiều nhất. Các ngôn sứ có thể thuộc bất kỳ thành phần nào trong Dân Chúa cũng như Giáo Hội, được Thiên Chúa đặc biệt tuyển chọn, kêu gọi, và mạc khải cho biết đường lối của Ngài trong tương lai. Và Thiên Chúa sai họ nói cho Dân Ngài biết chương trình và kế hoạch mới của Ngài, sửa sai những gì sai trệch trong Dân Ngài.

Thời xưa, các ngôn sứ phải đi khắp nơi để gặp mọi hạng người, từ vua quan cho đến hàng thứ dân, nói trực tiếp với mọi đối tượng. Ngày nay, khoa học tân tiến, các ngôn sứ phải sử dụng tất cả những phương tiện sẵn có của thời đại – từ báo chí, sách vở, đến truyền thanh, truyền hình, internet, v.v… – để nói với mọi người về Thiên Chúa, về kế hoạch của Ngài. Người ngôn sứ phải lên tiếng làm cho mọi người tỉnh ngộ, quay trở về với đường lối của Ngài. Mục đích của người ngôn sứ là xây dựng, đổi mới Giáo Hội và xã hội, biến Giáo Hội trở thành một Giáo Hội thánh thiện hơn, nhiều tình thương hơn, biến xã hội thành một xã hội nhân bản hơn, công bằng hơn, yên vui hơn.

Số phận của các ngôn sứ

Sứ mạng này không phải lúc nào cũng thuận lợi, dễ dàng, mà có nhiều lúc rất bất lợi cho người ngôn sứ. Đã nhận sứ mạng này thì phải sẵn sàng chấp nhận gian khổ, nguy hiểm. Vì người ngôn sứ thời nào cũng bị người đồng thời – có thể là chính quyền, giáo quyền, người đồng đạo, người khác đạo – bách hại, ném đá, chụp mũ, đưa ra tòa, truy nã từ thành này sang thành khác, đánh đòn ngay trong hội đường, đưa lên giàn hỏa, đóng đinh thập giá, v.v… Số phận của các ngôn sứ là như thế, như lời Đức Giêsu đã nói cách đây 2000 năm (xem Mt 5,12b; 23,34-35), vì nhân loại không thích đón nhận điều hay lẽ phải từ Thiên Chúa.

Tuy nhiên, nhờ có những ngôn sứ mà xã hội cũng như Giáo Hội mới thăng tiến, mới thấy được con đường phải đi. Chính nhờ thấy được sự thăng tiến đó mà người thế hệ sau mới biết họ là những ngôn sứ và phục hồi lại danh dự cho họ.

Những điều mà người ngôn sứ thấy và nói ra thường phải chờ một thời gian sau, thậm chí qua những thế hệ sau, xã hội hay Giáo Hội mới cảm nhận được, mới hiểu được [*2]. Lúc đó, người ngôn sứ đã thành người thiên cổ, và đã bị kết án, bạc đãi. Chính Chúa Giêsu, người ngôn sứ lớn nhất, đã bị người đồng thời, đồng đạo kết án là phá hoại tôn giáo, bị tra tấn và bị giết, và phải qua nhiều thế hệ sau, đại chúng mới nhận ra những điều Ngài nói, Ngài làm là tuyệt vời, là chân lý. Các ngôn sứ đích thực khác cũng phải chịu số phận tương tự như vậy.
[*2] Trong tiếng Việt, ngôn sứ còn được gọi là «tiên tri», là người biết trước, thấy trước, trước khi những người đồng thời với mình biết hay thấy được.
Chúng ta đừng tưởng mình sống vào thời Chúa Giêsu hay thời các ngôn sứ, chúng ta sẽ nhận biết các ngài và sẽ không ra tay ném đá các ngài. Chính những người Pharisiêu thời Chúa Giêsu đã từng tự hào như thế: «Nếu chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ» (Mt 23,30). Thực ra, chính lúc họ đặt vấn đề như vậy thì họ đã biết các ngôn sứ mà cha ông họ ném đá thời trước là những ngôn sứ của Thiên Chúa, và thấy những điều các ngài dạy thật chí lý. Nhưng tổ tiên của họ, những người sống đồng thời với các ngôn sứ ấy, đâu có thấy được điều các ngôn sứ ấy nói là đúng, là hợp lý như họ ngày nay, và đâu có biết được những vị ấy là ngôn sứ. Sở dĩ họ ném đá các ngôn sứ chính vì các ngài đã nói những điều chói tai họ, trái với quan niệm của họ, hay ngược lại những điều mà họ cho là chân lý bất di dịch, và cũng vì họ cho rằng bổn phận của họ là phải bảo vệ chân lý, nên phải chống lại và trừ khử những người xuyên tạc hay bóp méo chân lý.

Do đó, vấn đề mà chúng ta phải đặt ra hôm nay là một vấn đề hiện sinh, cho chính chúng ta và thời đại chúng ta đang sống, chứ không phải là vấn đề thuộc quá khứ đã qua từ lâu: thời nào cũng có ngôn sứ của thời đó, vì thời nào Thiên Chúa cũng kêu gọi − âm thầm hoặc công khai − một số người làm ngôn sứ cho Ngài. Như thế liệu ta có nhận ra được ngôn sứ của thời đại mình, đang sống đồng thời với mình không?

Hãy rút kinh nghiệm từ những người Pharisiêu thời Chúa Giêsu. Họ nghĩ rằng nếu họ sống vào thời các ngôn sứ đồng thời với tổ tiên họ, thì họ sẽ không ném đá các ngôn sứ. Chữ «nếu» của họ quả là cái nếu không thể xảy ra (irréel). Nhưng kìa, chính họ lại là những người ném đá những vị ngôn sứ đang sống đồng thời với họ, là Đức Giêsu-Kitô, Stêphanô, các tông đồ. Lý do? Cũng cùng một lý do như tổ tiên họ. Trường hợp Chúa Giêsu, họ nhân danh chân lý, nhân danh tôn giáo mà kết án và đóng đinh Chúa Giêsu. Đúng như lời Chúa Giêsu đã tiên báo trước: «Sẽ đến giờ mà kẻ giết anh em cũng tưởng rằng họ làm điều đó là phụng thờ Thiên Chúa» (Ga 16,2). Thật vậy, những người kết án và ra tay giết các ngôn sứ thường là vì lòng thành, vì quan niệm hẹp hòi của mình mà giết, tưởng rằng làm như thế là đẹp lòng Chúa, phù hợp với ý Chúa. Tương tự như những người kết án tử hình cho linh mục Brunô và án chung thân cho thầy dòng Galilê đều rất chân thành khi nhân danh Thiên Chúa hay chân lý mà làm như vậy. Vậy, nếu có những ngôn sứ đồng thời với ta, liệu chính ta có nhận ra họ không, hay ta sẽ nhân danh Thiên Chúa, nhân danh trách nhiệm bảo vệ chân lý mà tra tay ném đá họ, chỉ vì những lời họ nói làm chói tai ta?

Số phận của các ngôn sứ đích thực đã được Chúa Giêsu nói đến trong Tin Mừng: «Các ngôn sứ đã từng bị cha ông họ [*3] đối xử như thế» (Lc 6,23b), nghĩa là «bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa» (Lc 6,22). Số phận của các ngôn sứ và những người công chính thường là bị những người đồng thời với mình bạc đãi, nhưng lại được người thế hệ sau «xây mồ tô mả» [*4] phục hồi danh dự, tôn vinh. Chắc hẳn có nhiều người sẽ ngạc nhiên tự hỏi: ai cũng quí chân lý, quí sự thật, nhất là những người có nhiệm vụ bảo vệ chân lý, tại sao chính những người có thiện chí đối với chân lý lại bạc đãi hay giết các ngôn sứ là những người đến để làm chứng cho chân lý? 
[*3] «Họ» ở đây là những người Pharisiêu. 
[*4] Xem Mt 23,29: «Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisiêu giả hình! Các ngươi xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính. Các ngươi nói: "Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ"Như vậy các ngươi tự làm chứng rằng các ngươi đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ. Thì các ngươi cứ đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các ngươi đi!».

Tại sao các ngôn sứ bị bạc đãi?

Chân lý chỉ có một và bất biến. Nhưng cái nhìn về chân lý, cách giải thích chân lý, thì mỗi người mỗi khác, mỗi thời mỗi khác. Cách nhìn, cách giải thích đó thay đổi tùy theo trình độ hiểu biết, điều kiện giáo dục của mỗi người mỗi thời. Nhưng người ta thường lầm lẫn những cách phát biểu, diễn tả hay trình bày chân lý, những hình thức biểu hiện của chân lý với chính chân lý. Vì thế, người ta quyết tâm bảo vệ tới cùng những thể hiện ấy của chân lý, những cách diễn tả, giải thích của họ về chân lý, và họ tưởng rằng họ đang bảo vệ chính chân lý.

Thực ra cái mà người ta tưởng là chân lý, quyết tâm bảo vệ và quan niệm là bất di dịch ấy chỉ là những cách biểu hiện hay diễn tả cá biệt và nhất thời của chân lý duy nhất và bất biến, để phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của xã hội mỗi thời, và với quan niệm hay trình độ của con người vào thời điểm ấy. Khi hoàn cảnh lịch sử của xã hội đã thay đổi, và trình độ của nhân loại đã lên một nấc cao hơn, thì cách diễn tả hay cách biểu hiện cũ của chân lý không còn thích hợp nữa. Lúc ấy, Thiên Chúa sẽ gửi những ngôn sứ đến để trình bày chân lý một cách mới mẻ, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử xã hội đã thay đổi, với trình độ của người thời đại vốn đã cao hơn trước [*5].
[*5] Khi trình độ người nghe đã lên cao hơn mà ta vẫn cứ diễn tả và giải thích chân lý bằng những phương cách cũ thì e rằng người nghe khó chấp nhận và sẽ từ chối chân lý. Chẳng hạn, tuổi trẻ thời nay chịu ảnh hưởng tinh thần khoa học thực nghiệm, kỹ nghệ tiên tiến, mà ta lại trình bày chân lý theo kiểu giáo điều, kiểu «Magister dixit», kiểu «Tử viết», như thường được làm trong các thế hệ trước, thì quả là khó mà lọt được lỗ tai họ!
Chẳng hạn, Thiên Chúa là Đấng duy nhất và bất biến, nhưng cái nhìn của con người về Thiên Chúa thì thay đổi theo không gian và thời gian, tùy theo nền văn hóa và trình độ tâm linh của họ ở mỗi nơi mỗi thời [*6]. Cũng như chỉ có một người cha, nhưng quan niệm của mỗi đứa con về người cha thì khác nhau: đứa đã trưởng thành nhìn người cha khác với đứa còn nhỏ, đứa sống ở xa khác với đứa thường xuyên ở gần, đứa sinh trưởng ở ngoại quốc khác với đứa ở bản xứ… Có những khía cạnh của người cha mà đứa này thấy nhưng đứa kia không thấy, và ngược lại. Có những khía cạnh của người cha mà chỉ khi đứa con lớn lên, lấy vợ, có con rồi mới hiểu được, v.v… Mỗi đứa con đều có một cách nhìn, một cách diễn tả ít nhiều khác nhau, đôi khi ngược nhau về người cha. 
[*6] Chẳng hạn, về cái tôi hay bản ngã, người chịu ảnh hưởng triết lý Hy Lạp thường quan niệm ngôi vị (personne) là cái có trước ý thức và không thể phân chia khỏi ý thức, nghĩa là từ ngôi vị mới phát sinh ra ý thức, hiểu biết, và tất cả mọi năng lực khác. Vì thế, đối với họ, ngôi vị hay bản ngã là ưu phẩm hết sức quan trọng của một hữu thể cao cấp. Do đó, Thiên Chúa hay Thực Tại Tối Thượng phải có ngôi vị như thuộc tính căn bản nhất.
● Còn người chịu ảnh hưởng triết lý Đông Phương hay Ấn Độ thường quan niệm ý thức có trước, rồi sau đó ý thức ấy tự ý thức về chính mình mới phát sinh ra bản ngã. Vì thế, đối với họ, bản ngã không quan trọng và thường bị coi là huyễn, giả, nhất thời và có thể phân chia... Với họ, ý thức hay khả năng biết mới là căn bản. Do đó, thuộc tính căn bản nhất của Thực Tại Tối Thượng là biết. Còn hữu ngã hay vô ngã không phải là chuyện quan trọng.  
Nhưng rõ ràng không phải vì sự khác nhau hay ngược nhau trong cách nhìn về một vật duy nhất mà luôn luôn ta có thể bảo cách nhìn này đúng cách nhìn kia sai [*7]. Cách nhìn của một bác sĩ không thể giống cách nhìn của một nông dân, cách nhìn của người Đông Phương không thể giống cách nhìn của người Tây Phương, cách nhìn của một người lớn khó mà giống như cách nhìn của một đứa trẻ. 
[*7] Xin đan cử một minh họa: khi còn nhỏ, tôi uống bia thấy đắng nghét, thế mà bây giờ tôi uống bia lại thấy nó ngọt ngào làm sao! Vậy thì bây giờ tôi đúng hay lúc nhỏ tôi đúng? Tương tự như vậy đối với mùi vị của trái sầu riêng, rau giấp cá...: khi chưa biết ăn thì thấy hôi, tanh, khi biết ăn rồi lại thấy thơm, ngon. Sự vật thì chỉ là một, nhưng nó phản ảnh cách khác nhau nơi mỗi người, mỗi dân tộc, thậm chí mỗi giai đoạn trong cùng một con người.
Nhân loại cũng như một con người, cũng có thời là trẻ con, có thời lớn lên, và có thời làm người lớn. Thánh Phaolô nói về cách suy nghĩ khác nhau của cùng một con người: «Khi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, tôi hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con» (1Cr 13,11). Về chân lý, khi nhân loại còn là «trẻ con», Thiên Chúa phải nói với họ như nói với «trẻ con», theo cách đơn sơ và dễ hiểu của «trẻ con». Nhưng khi nhân loại lớn hơn một chút, Thiên Chúa lại phải nói với họ theo cách «lớn hơn một chút». Và khi nhân loại đã thành «người lớn», Thiên Chúa lại phải dạy họ theo cách phù hợp với trình độ «người lớn» của họ. Đó là phương pháp sư phạm của Thiên Chúa. Thiên Chúa không thể nói cho nhân loại còn trẻ con những điều mà Ngài có thể nói cho nhân loại người lớn được. Chính Chúa Giêsu có nói: «Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi» (Ga 16,12) [*8].
[*8] Khả năng hiểu biết của con người phát triển một cách hết sức tiệm tiến, do đó, họ không thể thấy ngay sự hợp lý của vấn đề. Ta thấy: có rất nhiều điều hiện nay ta chấp nhận dễ dàng và thấy được lý đương nhiên của chúng, nhưng những điều ấy quả là khó hiểu và rất khó chấp nhận đối với não trạng của những người sống cách đây 2, 3 trăm năm. Phải mất hàng thế kỷ người xưa mới nhận ra những điều mà sau này người ta tưởng chừng rất đơn giản và dễ hiểu.
Thiên Chúa ít khi trực tiếp dạy dỗ chỉ bảo con người, mà thường chỉ gián tiếp dạy dỗ, chỉ bảo họ qua các ngôn sứ của mỗi thời đại. Thời đại nào cũng có những người được kêu gọi làm ngôn sứ, hoặc hữu danh hoặc vô danh. Chân lý chỉ có một, không thay đổi, nhưng cách giải thích thì phải tùy theo trình độ của người nghe mà thay đổi. Cũng như môn toán chỉ có một, nhưng dạy toán cho các em cấp hai cấp ba thì phải khác với dạy cho các bé cấp một, và đương nhiên dạy cho sinh viên đại học và cao học thì nội dung và phương cách dạy càng phải khác nữa. Phương cách và nội dung cho hai trình độ khác nhau rất có thểxem ra mâu thuẫn nhau, khiến cho những người chấp cứng vào những điều đã học cũ không thể chấp nhận được những điều mới học. Nếu đã chấp nhận cái cũ là đúng thì dường như phải phủ nhận cái mới, và ngược lại.

Thật vậy, một khi nhận điều đã học cũ là đúng, là không thể thay đổi, thì nếu ta thấy ai dạy một điều mới dường như ngược với điều cũ, ắt nhiên ta sẽ cho họ là sai lầm, xuyên tạc, phản chân lý. Chẳng hạn, một em cấp một học toán, thì thầy giáo dạy em rằng không được lấy số nhỏ trừ số lớn, em nào làm như vậy là phi lý và sẽ bị phạt. Nhưng khi lên cấp hai, em bắt đầu phân biệt số âm và số dương, em sẽ thấy thầy giáo lại cho phép em lấy số nhỏ trừ số lớn mà vẫn coi là hợp lý. Nếu em không hiểu số âm là gì và cứ cố chấp vào điều thầy giáo cấp một đã dạy, thì em sẽ cho rằng thầy giáo cấp hai dạy sai [*9].
[*9] Em học cấp hai mà hiểu biết, sẽ thấy thầy dạy cấp một cũng đúng, và thầy dạy cấp hai cũng đúng. Nhưng thầy cấp hai đúng ở trình độ cao hơn, hoàn chỉnh hơn.
Cũng vậy, thời Cựu Ước, trình độ tâm linh và nhận thức của nhân loại còn kém, mọi lề luật tôn giáo đều xây dựng trên sự sợ hãi, lấy sự thưởng phạt làm động lực hành động, và chỉ cần áp dụng đúng y như lề luật dạy thì được coi là công chính, vì người thời ấy chưa đủ trình độ để nhận định cao hơn. Nhưng tới thời Chúa Giêsu, thời Tân Ước, sau mười mấy thế kỷ tập sống công chính theo động lực thấp thỏi ấy, nhân loại dần dần có khả năng tiến lên một mức độ cao hơn về tâm linh và tri thức. Vì thế, đến lúc thích hợp để đưa Dân Chúa lên trình độ tâm linh cao hơn, thì Chúa Giêsu đã trình bày cho họ một luật mới xây trên nền tảng cao hơn là tình yêu.

Luật mới, luật yêu thương, đã hoàn chỉnh và thay thế luật cũ. Lúc đó, ai còn sống theo tinh thần cũ − tinh thần sợ hãi − thì kể là sai, không được coi là công chính [*10]. Cũng như một người cha khi đứa con còn nhỏ, thì chỉ giáo dục con bằng sự thưởng phạt: hễ vâng lời hay làm đúng y như cha mẹ nói thì được thưởng và được coi là ngoan, nếu không vâng lời hay làm sai lời của cha mẹ thì bị phạt và bị coi là xấu. Đứa trẻ hành động (học hành, giúp đỡ cha mẹ…) vì ham thưởng sợ phạt chứ không vì nhận thức được sự cần thiết của công việc. Nhờ đó, trong khi chưa đủ lý trí để tự nhận định điều tốt điều xấu, đứa trẻ vẫn phát triển tốt đẹp vì nó vẫn làm điều tốt và tránh điều xấu. Nhưng khi đứa trẻ đã lớn, đã có ý thức và hiểu biết, thì chúng hành động theo sự thúc đẩy của hiểu biết, của lý tưởng, của tình yêu, chứ không vì sự thưởng phạt của người cha nữa. Chẳng hạn nó tự động học hành không cần sự kiểm soát của cha mẹ vì nó thấy việc học rất cần thiết và ích lợi cho tương lai của nó, chứ không học vì điểm hay vì sợ bị la rầy. Nếu đã lớn mà nó vẫn hành động vì ham thưởng sợ phạt, thì việc giáo dục kể như không thành công.
[*10] Xem 1Cr 13,6: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì chẳng ích lợi gì cho tôi».
Cuộc cách mạng táo bạo của Chúa Giêsu đã làm cho những người trung thành một cách hẹp hòi và cố chấp với truyền thống tôn giáo cũ hiểu lầm và coi Ngài là người phá hoại tôn giáo, đồng thời lên án giết chết Ngài. Thật ra, Ngài không hề phá hoại, mà trái lại chỉ làm cho lề luật trở nên hoàn chỉnh hơn [*11]. Nhưng phải nhiều thế hệ sau người ta mới nhận ra điều ấy, mới thấy Chúa Giêsu là chân lý mà tôn vinh Ngài. Bây giờ, trong số những người tôn vinh Ngài và kết án những kẻ đã giết Ngài ngày xưa, chắc chắn có những người sẵn sàng «ném đá» những ngôn sứ đang sống đồng thời với mình đây. Dòng đời cứ xảy ra như thế mãi! [*12]
[*11] Ngài tuyên bố: «Thầy đến không phải để bãi bỏ mà để kiện toàn» (Mt 5,17). Vào thời mới, trình độ tâm linh của con người phải lên cao hơn một bậc, cho nên: «nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisiêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời» (Mt 5,20). Và trong đoạn Tin Mừng tiếp theo (Mt 5,21-47), Chúa Giêsu đã làm làm sáng tỏ vấn đề bằng những so sánh giữa tinh thần luật cũ và luật mới. 

[*12] Chúng ta có thể tự hỏi: nếu Chúa Giêsu lại nhập thể lần nữa vào trong thế giới hiện nay, cụ thể là tại Việt Nam, để nâng trình độ tâm linh và nhận thức của con người lên một mức cao hơn, thì người ta có nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa không? những ai sẽ nhận ra và theo Ngài? phần đông thuộc giới nào? lời nói của Ngài có dễ chấp nhận không? Ngài có bị thù ghét, bị kết án là phá hoại và bị giết không? Nếu có thì bởi tay ai? thuộc giới nào? Tại sao? ... Dostoievsky đã đề cập đến vấn đề này trong cuốn Anh em nhà Karamazov trong câu chuyện nói về vị phán quan.
Số phận của những ngôn sứ đích thực là như thế! Thường bị hiểu lầm và bạc đãi! Thời Chúa Giêsu, chỉ có các tư tế, các rabbi, những người Pharisiêu, là những người có trách nhiệm bảo vệ chân lý, cũng là những người được thế gian ưu đãi. Họ có một sứ mạng mà ai cũng phải nhận là cao quí: bảo vệ tôn giáo và chân lý! Từ sứ mạng đó, họ mặc nhiên nhận được địa vị, cùng với quyền, lợi, danh để có đủ điều kiện thi hành sứ mạng họ đã lãnh nhận. Tiếc thay, vì cứ khư khư ôm lấy những hình thức diễn tả chân lý mình đã học được, nhận lãnh được từ người xưa, nên họ đã giết Chúa Giêsu. Một lý do quan trọng khác: nếu Ngài tồn tại, gây ảnh hưởng trên dân chúng, thì quyền lợi của họ bị tổn thương?

Những người có nhiệm vụ bảo vệ chân lý này rất cần thiết cho tôn giáo hay xã hội, vì nhờ họ mà giềng mối, xã tắc mới được bảo vệ, truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa mới được duy trì. Nhưng nếu không khéo, nếu họ quá bảo thủ, thì chính họ sẽ là người hạn chế hay giết chết đà phát triển của chân lý, bóp nghẹt sự hoạt động của Thánh Thần. Thực ra, bảo vệ và phát triển di sản chân lý là hai chức năng rất cần thiết cho xã hội và Giáo Hội. Hai chức năng này − thường dễ xung khắc nhau − cần phải hỗ trợ nhau, cộng tác với nhau hơn là triệt tiêu lẫn nhau. Để được như thế, cả hai bên cần phải tìm hiểu nhau, thông cảm nhau, khoan nhượng lẫn nhau, và luôn luôn coi sự đoàn kết hay hiệp nhất là quan trọng hơn hết.


Thái độ nên có

Đã là ngôn sứ hay tiên tri thì ít ra là phải thấy trước, biết trước, và đi trước thời đại. Đang khi mọi người chưa thấy thì mình đã thấy vấn đề. Có thể do trực giác hay một tài năng đặc biệt nào đó Thiên Chúa ban cho. Và người ngôn sứ cảm thấy có bổn phận phải giúp ích cho xã hội hoặc tôn giáo hay Giáo Hội của mình theo sự nhận định, hiểu biết của mình. Nhưng không phải lúc nào mình chia sẻ điều mình thấy, điều mình biết cho người khác thì cũng được mọi người hưởng ứng, vì những người khác chưa thể thấy được như mình. Và điều mình thấy không hẳn lúc nào cũng dễ dàng truyền đạt [*13]. Có những điều nói ra thì bất kỳ người đương thời nào cũng cho là phi lý, không thể chấp nhận, phải chờ nhiều thế hệ sau mới thấy, hiểu được. Do đó, người ngôn sứ rất dễ bị người đồng thời hiểu lầm, kết án, nhất là bởi những giới có thẩm quyền, nên người ngôn sứ thường cảm thấy mình cô độc [*14].
[*13] Nếu dễ dàng truyền đạt thì Chúa Giêsu và các ngôn sứ đã không bị giết, Brunô và Galilê đã không bị kết án oan ức... 

[*14] Chẳng hạn, nếu vào thời của Công Đồng Trente, Vatican I, có ai tuyên bố trước những luận điểm của Công Đồng Vatican II, chắc chắn người ấy sẽ bị kết án rối đạo, bị vạ tuyệt thông vì giới có thẩm quyền thời ấy không thể chấp nhận được. Và chắc hẳn có nhiều điều hiện nay nếu tuyên bố thì sẽ bị kết án, nhưng vài chục năm sau lại được coi là hiển nhiên.
Người ngôn sứ càng nhiệt thành xây dựng xã hội và Giáo Hội thì càng nôn nóng muốn thay đổi, cải cách xã hội và Giáo Hội theo đường lối mà mình nhận ra là thích hợp nhất, có lợi nhất. Nhưng người ngôn sứ thường không phải là người có thẩm quyền để có thể tự ý thay đổi. Muốn thay đổi, người ngôn sứ phải làm sao để những người có thẩm quyền thấy được sự cần thiết phải thay đổi và thay đổi thế nào. Nhưng những người này nếu chưa nhìn ra, chưa nắm vững hay xác tín vào đường hướng người ngôn sứ đề ra thì làm sao họ dám thay đổi. Họ không dám thay đổi là điều hợp lý, vì họ mang trọng trách lớn lao. Vấn đề của người ngôn sứ là phải làm thế nào để mọi người cũng nhìn ra được vấn đề như mình. Do đó, người ngôn sứ phải nói, viết, rao giảng. Nhưng phải nói, viết, rao giảng làm sao để có nhiều hiệu quả nhất. Và nếu không có hiệu quả thì cũng không nên tỏ ra bất mãn để rồi trở thành một nhân tố phá hoại bằng cách tố cáo, nói xấu, làm mất uy tín những người lãnh đạo, hay tạo ra một giáo phái mới, làm mất sự hiệp thông một cách nặng nề cho Giáo Hội.

Chúng ta thấy trong xã hội cũng như Giáo Hội, có những người thấy trước thời đại. Chẳng hạn trong lãnh vực khoa học, có Copernic, Galilê, Darwin, Mendel…, trong lãnh vực tôn giáo, có Chúa Giêsu, các tông đồ, các ngôn sứ trong Cựu Ước, các nhà thần học hay các nhà tư tưởng như Luther, Teilhard de Chardin, Karl Rahner, Yves Congar, Roberto de Nobili… Phải qua các thế hệ sau, tư tưởng hay chủ trương của các vị này mới được nhìn nhận là đúng đắn. Nhưng thái độ của các vị này đối với những người có thẩm quyền thì khác nhau, dẫn đến những hậu quả lợi hại khác nhau. Chúng ta thử đưa ra hai thái độ điển hình:

Thái độ của Luther [*15] : Rất nhiều điều Luther suy nghĩ và chủ trương, hiện nay ai cũng cho là đúng, và Giáo Hội sau Công Đồng Vatican II cũng đã thực hiện nhiều điều mà Luther đã đề nghị từ mấy thế kỷ trước: như phổ biến Kinh Thánh cho mọi Kitô hữu, dịch Kinh Thánh ra mọi thứ tiếng để mọi người trên thế giới có thể đọc và hiểu được [*16], cho cử hành các lễ nghi phụng vụ bằng tiếng bản xứ [*17], và một số những đề nghị hợp lý khác… Nhưng thời ấy những đề nghị cải cách của Luther chẳng những không được giới thẩm quyền chấp nhận, mà còn kết án ông, nên ông đã tách rời khỏi Giáo Hội, lập nên một giáo phái mới, đạo Tin Lành. Đạo này được rất đông đảo người theo, khiến cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội bị sứt mẻ trầm trọng chưa biết đến bao giờ mới sửa chữa lại được. Bây giờ nhìn lại quá khứ, chúng ta nhận thấy những vị lãnh đạo Giáo Hội thời ấy đã quá cứng rắn và có phần nào cố chấp, còn Luther thì quá nóng ruột và tích cực trong việc cải cách Giáo Hội, nhưng không được chấp nhận nên sinh ra bất mãn. Thế là hai cái sai của cả đôi bên đã gộp thành một cái sai hết sức lớn và nghiêm trọng.
[*15] Martin LUTHER (1483-1546), tu sĩ dòng Augustin, làm linh mục năm 1507, đậu tiến sĩ thần học, giáo sư Đại học Wittenberg (Đức), bản chất rất nhiệt thành, đạo đức, sống cuộc đời khổ hạnh. Trong chuyến công tác ở Rôma năm 1510, ông thấy chướng mắt vì nếp sống trong triều đình Giáo Hoàng và ông tham gia cuộc bút chiến về vấn đề ân xá, chống lại thẩm phán tòa án tôn giáo Tetzel (ông này bán «ân xá» cho những kẻ ngây thơ tưởng rằng nhờ thế mà họ được tha tội). Chẳng bao lâu sau, Luther công khai chống lại Giáo Hoàng. Ông đề nghị một cuộc tranh luận về chín mươi lăm điểm, được ông niêm yết ở cửa nhà thờ Wittenberg (1517). Sau ba năm tranh cãi, Giáo Hoàng Lêô X ra sắc lệnh rút phép thông công ông, Luther long trọng đốt sắc lệnh giáo hoàng trên công trường Wittenberg. Cuộc đổ vỡ vô phương cứu chữa. Ông bắt đầu dịch Thánh Kinh sang tiếng Đức (lúc đó Giáo Hội cấm dịch Thánh Kinh). Năm 1525, ông cưới một nữ tu trẻ tên Catherine de Bora, và dành những năm còn lại để viết sách xây dựng và bênh vực các luận cứ của đạo Tin Lành, xác định các giáo luật của ông. Ông đã lập nên Giáo hội Tin Lành tách rời khỏi Giáo Hội Công giáo Rôma.  
[*16] Thời Luther, chỉ giới linh mục tu sĩ mới được đọc Kinh Thánh, giáo dân không được phép vì có nguy cơ họ hiểu Kinh Thánh một cách sai lạc. Và chỉ có bản dịch Kinh Thánh Vulgata bằng tiếng Latinh là được coi như có linh hứng và trung thực với bản gốc bằng tiếng Do Thái hay Hy Lạp. Giáo Hội e rằng các bản dịch khác không đúng, có nguy cơ làm người ta sai lạc. Giáo Hội đề phòng như thế là hợp lý, vì lúc đó trình độ nhận thức của người Kitô hữu không cao như hiện nay. Nhưng nếu cứ đề phòng mãi như thế, kể cả khi trình độ người tín hữu đã lên cao, thì sẽ không hợp lý.  
[*17] Phụng vụ trước Công Đồng Vatican II đều phải làm bằng tiếng Latinh, là ngôn ngữ chính thức duy nhất của Giáo Hội, để giữ tính hiệp nhất và bảo đảm không sai lạc.
Nhưng thái độ của cha Roberto de Nobili và cha Mateo Ricci lại khác [*18]. Các ngài là những nhà truyền giáo chủ trương hội nhập văn hóa một cách triệt để. Nhưng thời đó, đường lối của các ngài còn rất mới, rất lạ lẫm đối với giới lãnh đạo Giáo Hội. Vì thế, các ngài cũng bị kết án, bị hiểu lầm, hàm oan, nhưng các ngài vẫn luôn luôn trung thành với Giáo Hội, vâng phục quyền bính của cấp lãnh đạo. Bây giờ, ai cũng nhận ra chủ trương, đường lối của các ngài là đúng đắn, cần thiết. Chính các giáo hoàng sau này đã phục hồi danh dự cho các ngài và đi theo đường lối của các ngài. Cái hại do giới lãnh đạo Giáo Hội gây ra thời đó do không theo đường lối của các ngài tuy rất lớn, nhưng chắc chắn sẽ nhỏ hơn cái hại gây ra nếu các ngài bất mãn với giới lãnh đạo và tách rời cộng đoàn của mình ra khỏi Giáo Hội. Các ngài đã chấp nhận cái thiệt hại nhỏ để tránh cho Giáo Hội cái thiệt hại lớn hơn.
[*18] Roberto de NOBILI và Mateo RICCI, là hai thừa sai dòng Tên người Ý chủ trương hội nhập văn hóa rất mạnh. Nobili truyền giáo ở Ấn độ, còn Ricci tại Trung Hoa. Năm 1744, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIV kết án phương pháp truyền giáo của Nobili. Việc truyền giáo của Ricci tại Trung Hoa cũng bị thất bại vì chẳng những không được giới lãnh đạo Giáo Hội ủng hộ, mà còn bị kết án và phá đổ nữa. Nhưng Đức Giáo Hoàng Piô XII (1939-1958) khi lên ngôi vào năm 1939, đã xét lại những quyết định của các Giáo Hoàng trước, và đã công nhận lập trường của hai linh mục Ricci và Nobili là đúng đắn và nên theo.
Người có trách nhiệm làm ngôn sứ cũng như những người có trách nhiệm lãnh đạo xã hội và Giáo Hội, cần phải rút kinh nghiệm từ lịch sử, từ những người đi trước. Không thể lấy cái sai đáp lại một cái sai mà thành một cái đúng được. Hai cái sai cộng lại sẽ có sức phá hoại bằng trăm cái sai riêng lẻ khác. Để đáp lại một cái sai, − dù là người trên đáp lại cái sai của người dưới hay người dưới đáp lại cái sai của người trên, − phải dùng một cái đúng, thậm chí đúng gấp nhiều lần những cái đúng khác mới có thể hóa giải được cái sai nguyên thủy. Không gì đúng bằng khiêm nhường, ôn hòa, dịu hiền, mềm dẻo, kiên nhẫn, lắng nghe, phục thiện, và chờ đợi, nhưng đồng thời vẫn phải trung thành với sứ mạng của mình.

Còn đối với giới lãnh đạo, trước một ý kiến khác lạ của những người tương đối có trí tuệ và đạo đức, tuy mình chưa thể chấp nhận được, thậm chí còn nghĩ đó là rối đạo, sai lầm, có hại, thì cũng nên thận trọng, đừng vội kết án, đừng làm mất danh dự của họ. Nếu cần thì bảo họ cứ nghiên cứu đào sâu thêm vấn đề, chứ đừng vội tuyên bố những vấn đề ấy với công chúng, e có hại. Vì rất có thể mình chưa thấy ngay sự hợp lý của họ, mà đôi khi phải qua thế hệ sau những người có trách nhiệm như ta mới hiểu và chấp nhận được, như kinh nghiệm lịch sử từng cho thấy. Vả lại, kết án có thể chỉ là cách dở nhất để sửa chữa một cái sai [*19], nó có nguy cơ dồn người dưới vào thế tách rời khỏi Giáo Hội vì bất mãn. Không nên dùng quyền bính để áp đặt. Dùng tình thương để cải hóa thì tốt hơn dùng quyền bính rất nhiều. Trong mọi trường hợp, phải coi việc bảo vệ sự hiệp thông, hiệp nhất và tình yêu thương là quan trọng hơn việc thống nhất đức tin hoặc luân lý trong những chuyện tiểu tiết [*30]. Việc kết án vội vàng rất có thể sai lầm như đã từng thấy nhiều lần trong lịch sử Giáo Hội khiến cho các vị có thẩm quyền thuộc những thế hệ sau phải xét lại, sửa chữa lại. Nếu sự kết án ấy là sai lầm thì uy tín của người lãnh đạo sẽ bị sứt mẻ và có thể gây thiệt hại cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội, đồng thời khiến cho lời tiên báo của Chúa Giêsu về số phận của người ngôn sứ lại thêm một lần ứng nghiệm.
[*19] Theo DALE CARNEGIE trong cuốn Đắc Nhân Tâm của ông thì không ai tự nghĩ xấu về mình. Ai cũng tự nghĩ tốt cho mình dù là kẻ xấu nhất trong nhân loại. Ai cũng nghĩ rằng mình đúng cho dù là kẻ sai nhất trong nhân loại. Ai cũng có nhiều lý lẽ để cho rằng mình là người tốt, người đúng. Vì thế, những lời chỉ trích hay kết án chỉ gây nên thù hận và làm cho nạn nhân tìm cách chỉ trích hay kết án lại ta, và họ sẽ có những lý chứng để làm điều đó. Tốt nhất nên dùng tình cảm, lời khuyến khích và khen ngợi để chinh phục. 
[*20] Thiết tưởng có nhiều vấn đề cứ để tự do suy nghĩ thì cũng chẳng hại chi. Chẳng hạn tin rằng Chúa Thánh Thần nhiệm xuất bởi Chúa Cha và Chúa Con, hay bởi Chúa Cha qua Chúa Con thì trong thực tế chẳng có gì khác biệt lắm. Chắc chắn không vì chuyện tin thế này hay thế kia mà người tin sẽ nhận hay không lãnh nhận được ơn của Chúa Thánh Thần. Trong lịch sử, nhiều tín điều được xác định một cách kiên quyết cho thấy: cái hại do việc tin khác nhau trong tiểu tiết thì chưa thấy, nhưng cái hại do sự mất hiệp nhất thì thật là rõ ràng và lớn lao. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy: dường như càng cố thống nhất đức tin trong tiểu tiết thì càng làm mất đi sự hiệp nhất. Cũng nên nghiêm túc tự hỏi: có bao nhiêu tín điều thật sự gây ảnh hưởng và hậu quả khác biệt trong đời sống thiêng liêng giữa việc tin và không tin? và có bao nhiêu tín điều không gây ảnh hưởng gì đáng kể? Hãy so sánh về con số giữa hai loại tín điều ấy, và so sánh giữa cái lợi và cái hại khi tuyên bố những tín điều «vô tội vạ» ấy?
Còn người ngôn sứ khi đề nghị điều gì với giới có thẩm quyền, cần kiên nhẫn chờ đợi. Cứ làm việc hết sức mình, phần còn lại để Thánh Thần Chúa làm. Sự thật bao giờ cũng cần được thời gian thử thách, vì biết đâu rằng đề nghị của mình là sai lầm và có hại! Trong mọi trường hợp, nên tránh tất cả những gì làm sứt mẻ sự hiệp nhất, hoặc làm cho quan hệ giữa mình và Giáo Hội trở nên xấu. Hãy ý thức Giáo Hội là Mẹ mình, là người đã sinh thành nên mình về mặt thiêng liêng. Dù Mẹ mình có thế nào thì cũng là Mẹ mình, là người mà mình có bổn phận phải yêu thương, kính trọng. Vì thế, trong bất cứ tình huống nào, người ngôn sứ không bao giờ nên có thái độ vô lễ, xấc xược, bất mãn hay bất cần đối với Mẹ Giáo Hội… mà luôn luôn nên tìm những lời lẽ dịu dàng nhất, tình cảm nhất, khéo léo nhất để nói lên lòng hiếu thảo của mình. Chắc chắn làm như thế thì công việc làm ngôn sứ sẽ hữu hiệu hơn là một thái độ cứng rắn, thuần lý luận, thiếu tình cảm. Dù cha mẹ ta có sai hay tệ đến mức nào, thì không ai có thể chấp nhận việc ta tỏ ra vô lễ xấc xược với các ngài dù trong cảnh ngộ nào đi nữa. Tuyệt đối không nên thóa mạ, nói xấu, hay làm giảm uy tín của cha mẹ mình.

Nên nhớ: sứ mạng ngôn sứ của ta không quan trọng bằng sứ mạng xây dựng sự hiệp nhất, tình huynh đệ yêu thương trong xã hội hay Giáo Hội. Người ngôn sứ chỉ là ngôn sứ đích thực đến từ Thiên Chúa khi luôn luôn đặt nặng sự hiệp nhất và quan hệ yêu thương với mọi người hơn cả chính sứ điệp của mình. Và chỉ với cách đó, sứ điệp của mình mới được mọi người chấp nhận một cách nhẹ nhàng và tốt đẹp.

Đó là những thái độ cần thiết mà người làm ngôn sứ cần có khi xây dựng xã hội và Giáo Hội.


Nguyễn Chính Kết
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18/08/2019
Tòa soạn: Giám mục Phao-lô Kim là một thừa sai người Pháp, nhưng đã cống hiến cả cuộc đời cho Việt Nam và đã mặc lấy một tâm hồn người Việt. Nếu không được thấm nhuần bởi Tin Mừng của đức Ki-tô, liệu ông có được một tấm lòng nhân ái vượt biên giới thể hiện qua trường hợp sau đây không?
18/08/2019
Chấp nhận những khốn nạn bất công xẩy tới cho mình như là số phần Thiên Chúa an bài cho mình, mà không chút hận thù, như trường hợp ông Vũ Duy Thái dưới đây, phải chăng là dấu chỉ vong thân và tiêu cực của người theo Chúa? Hay đó là dấu chỉ của một tâm hồn đã đạt tới chiều sâu của Tin Mừng? Bài sau đây của tác giả nạn nhân đọc tại nhà thờ trại tỵ nạn Songkhla Thái Lan ngày 14-4-1980, vào buổi lễ giỗ 100 ngày vợ và 4 đứa con của ông bị chết vì hải tặc.
18/08/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Gr 38,4-6.8-10: (4) Các thủ lãnh thưa với vua Xítkigiahu: «Xin ngài cho giết Giêrêmia đi, vì những luận điệu của ông ta đã làm nản lòng các binh sĩ còn lại trong thành này, cũng như toàn dân. Thật vậy, con người ấy chẳng mưu hoà bình cho dân này, mà chỉ gây tai hoạ». • Dt 12,1-4: (3) Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí. • TIN MỪNG: Lc 12,49-53
11/08/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Kn 18,6-9: (9) Con lành cháu thánh của những người lương thiện (…) đồng tâm nhất trí về luật sau đây của Thiên Chúa, là trong dân thánh, có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chia. • Dt 11,1-2.8-19: (13) Tất cả các tổ phụ (…) đều xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất. (14) Như vậy cho thấy là họ đang đi tìm một quê hương. (15) Và nếu quả thật họ còn nhớ tới quê hương mình đã bỏ ra đi, thì họ vẫn có cơ hội trở về. (16) Thực ra các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời. • TIN MỪNG: Lc 12,32-48
05/08/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Gv 1,2; 2,21-23: (2) Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. • Cl 3,1-5.9-11: (1) Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. (2) Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. • TIN MỪNG: Lc 12,13-21
28/07/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • St 18,20-32: (Khi cầu nguyện, Ápraham mặc cả với Chúa nhiều lần để xin Chúa tha phạt cho thành Xơđôm tội lỗi). • Cl 2,12-14: (13) Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta. (14) Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá. • TIN MỪNG: Lc 11,1-13
21/07/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • St 18,1-10a: (1) Đức Chúa hiện ra với ông Ápraham tại cụm sồi Mamrê (…). (2) Ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông (…) (6) Ông Ápraham vội vã vào lều tìm bà Xara mà bảo : «Bà mau mau lấy ba thúng tinh bột mà nhồi, rồi làm bánh». (7) Ông chạy lại đàn vật, bắt một con bê mềm và ngon, giao cho người đầy tớ, và anh này vội vã làm thịt. (8) Ông lấy sữa chua, sữa tươi và thịt bê đã làm, mà đãi khách; rồi ông đứng hầu dưới gốc cây, đang khi khách dùng bữa. • Cl 1,24-28: (24) Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh. • TIN MỪNG: Lc 10,38-42
15/07/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Đnl 30,10-14: (10) Miễn là anh em nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ. • Cl 1,15-20: (20) Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời. • TIN MỪNG: Lc 10,25-37
01/07/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Is 66,10-14c: (14) Đức Chúa sẽ biểu dương quyền lực của Người cho các tôi tớ biết, và nổi cơn thịnh nộ với các kẻ thù • Gl 6,14-18: (15) Quả thật, cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới. • TIN MỪNG: Lc 10,1-12.17-20
10/06/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Cv 2,1-11: (4) Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. • 1Cr 12,3b-7.12-13: (6) Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. (13) Tất cả chúng ta đều được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. • TIN MỪNG: Ga 20,19-23
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC