Tính chất «mới» trong điều răn của Đức Giêsu là hiệp nhất 2 giới răn của Cựu Ước thành một giới răn duy nhất của Tân Ước

05/11/20188:14 SA(Xem: 7966)
Tính chất «mới» trong điều răn của Đức Giêsu là hiệp nhất 2 giới răn của Cựu Ước thành một giới răn duy nhất của Tân Ước
CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 31 Thường Niên

(4-11-2018)

Bài đào sâu

Tính chất «mới» trong điều răn của Đức Giêsu
là hiệp nhất 2 giới răn của Cựu Ước
thành một giới răn duy nhất của Tân Ước



ĐỌC LỜI CHÚA

  Đnl 6,2-6(2) Anh em cũng như con cháu anh em hãy kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mọi ngày trong suốt cuộc đời, tuân giữ tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Người mà tôi truyền cho anh em, thì anh em sẽ được sống lâu.
  Dt 7,23-28(27) Đức Giêsu không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình, và chỉ dâng một lần là đủ.
•  TIN MỪNG: Mc 12,28b-34
Điều răn đứng hàng đầu

(18) Khi ấy, có một người trong các kinh sư thấy Đức Giêsu đối đáp hay liền đến gần Người và hỏi : «Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?» (29) Đức Giêsu trả lời : «Điều răn đứng đầu là : Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. (30)Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. (31) Điều răn thứ hai là : «Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó». 

(32) Ông kinh sư nói với Đức Giêsu : «Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. (33) Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ». 

(34) Đức Giêsu thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo : «Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!» Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.


CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1.  Tại sao Đức Giêsu lại ghép hai điều răn khác nhau –mến Chúa, và yêu người– thành một điều răn duy nhất? 
2. Có thể mến Chúa mà không yêu người, hay yêu người mà không mến Chúa được chăng? 
3. Theo tinh thần Tin Mừng, thì giữa việc tham dự các nghi thức phụng vụ và việc thi hành giới răn «mến Chúa yêu người», việc nào cao quí và quan trọng hơn? 

Suy tư gợi ý:

1.  Điều răn quan trọng nhất của Kitô giáo

Trong bài Tin Mừng này, ta thấy Đức Giêsu đã ghép hai điều răn được ghi ở hai nơi khác nhau trong Cựu Ước –điều răn đầu trong sách Đệ nhị luật 6,4-5, điều răn sau trong sách Lêvi 19,8– làm thành một điều răn duy nhất, một điều răn «kép», nghĩa là một điều răn nhưng hai đối tượng, hay hai mặt khác nhau. Và điều răn «kép» này là điều răn quan trọng nhất trong Do Thái giáo cũng như Kitô giáo. Tại sao lại ghép hai điều răn ấy thành một điều răn duy nhất? Đó là điều đáng chúng ta suy nghĩ.

Thông thường, chúng ta phân biệt yêu Chúa và yêu người là hai tình yêu khác nhau. Có người cho rằng yêu Chúa quan trọng hơn yêu người rất nhiều, có người lại cho rằng: Chúa thì trừu tượng quá, yêu không nổi, nên yêu người mới là quan trọng. Cũng có người cho rằng có thể yêu Chúa mà không yêu người, và ngược lại, có thể yêu người mà không yêu Chúa. 

Thực ra, giới răn này chỉ có một nội dung duy nhất là «phải yêu thương», nghĩa là phải có tình yêu, tình thương. Và tình yêu này phải hướng cùng một lúc về hai đối tượng: Thiên Chúa và tha nhân. Và hai đối tượng này không thể tách rời nhau, tương tự như hai mặt của một tờ giấy: không thể có mặt này mà không có mặt kia. Nghĩa là không thể yêu Chúa cách đích thực mà không yêu tha nhân, và ngược lại, không thể yêu tha nhân cách đích thực mà không yêu Thiên Chúa.

Tại sao vậy? Vì tha nhân −tức con người− là hình ảnh của Thiên Chúa, không ai lại yêu một người mà không yêu quý hình ảnh của người ấy, cũng không ai yêu hình ảnh của một người mà lại không yêu chính người ở trong ảnh. Nói khác đi, hễ thật sự yêu Thiên Chúa thì tất nhiên sẽ phải yêu cả hình ảnh của Ngài là những người mình gặp, mình biết, như thánh Gioan đã từng nói: «Nếu ai nói : “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy» (1Ga 4,20). Và hễ yêu người thật sự thì cũng chính là đã yêu mến Thiên Chúa. Như vậy, tình yêu đối với tha nhân đã ngầm bao hàm tình yêu đối với Thiên Chúa, và ngược lại: tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa mặc nhiên bao hàm tình yêu đối với tha nhân.

Chính vì yêu thương tha nhân cũng chính là yêu mến Chúa, nên đến thời Đức Giêsu, Ngài đã thu gọn 2 điều răn của Cựu Ước −yêu Chúa và yêu người− thành một giới răn duy nhất: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34). Cái «mới» của điều răn này là Ngài cho thấy sự đồng nhất của hai giới răn có vẻ như tách biệt của Cựu Ước.

Thật vậy, khi nói về ngày phán xét cuối cùng, Đức Giêsu đã xác định rằng: yêu tha nhân là yêu chính Thiên Chúa (xem Mt 25,40.45). Và thánh Phaolô cũng viết: «Tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”» (Gl 5,14); «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật của Đức Kitô» (Gl 6,2).



2.  Nơi Đức Giêsu, yêu thương con người và thờ phượng Thiên Chúa chỉ là một thực tại duy nhất?

Nơi con người Đức Giêsu, hành vi thờ phượng Thiên Chúa và hành vi yêu thương con người, chỉ là một hành vi duy nhất. Thật vậy, Ngài xuống thế làm người, sống cuộc đời trần thế với bao khổ đau, chịu khổ hình và chết nhục nhã trên thập giá chỉ vì yêu thương con người. Ngài lập phép Thánh Thể để ở lại với con người cho đến tận thế cũng chỉ vì yêu thương nhân loại. Tất cả những hành vi yêu thương và sự hy sinh ấy của Ngài cho nhân loại đều là những hành vi được Giáo Hội nhìn nhận là những hành vi thờ phượng Thiên Chúa chính danh nhất, đúng nghĩa nhất

Thật vậy, cuộc tử nạn trên thập giá của Đức Giêsu và Thánh lễ Misa hay phép Thánh Thể đều được Giáo Hội coi là hành vi thờ phượng Thiên Chúa cao cả nhất. Nơi Ngài, yêu thương nhân loại và thờ phượng Thiên Chúa chỉ là một hành vi duy nhất. Nói khác đi, theo Ngài,yêu thương nhân loại cũng chính là thờ phượng Thiên Chúa, và thờ phượng Thiên Chúa thì phải gắn liền với yêu thương nhân loại.

Nơi Ngài, không có sự phân biệt giữa hai việc: yêu mến Thiên Chúa và yêu thương con người. Hễ yêu mến Thiên Chúa thì tất nhiên phải yêu thương con người. Mà yêu thương và hy sinh cho tha nhân cũng chính là yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa cách tuyệt hảo nhất. Hai điều đó, hai giới răn đó tự bản chất chỉ có thể phân biệt chứ không thể tách biệt nhau. Tách rời nhau được thì chúng không còn là yêu mến Thiên Chúa hay yêu thương tha nhân đúng nghĩa nữa.

Không biết vô tình hay hữu ý mà Thập Giá −gồm thanh dọc và thanh ngang− được coi là biểu tượng của Kitô giáo và của tình yêu Kitô giáo. Nếu tách rời hai thanh ấy ra thì hai thanh biệt lập ấy không còn là thập giá nữa. Tình yêu Kitô giáo cũng vậy, nếu tách rời tình yêu Thiên Chúa khỏi tình yêu tha nhân, thì cả hai thứ tình yêu ấy không phải là tình yêu Kitô giáo. 

Người yêu Thiên Chúa đích thực thì sẽ thể hiện tình yêu ấy bằng tình yêu đối với tha nhân, vì tha nhân chính là hình ảnh hay hiện thân của Thiên Chúa bên cạnh chúng ta. Đức Kitô thường tự đồng hóa mình với những người bé mọn, thấp kém, yếu hèn trong xã hội: «Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy» (Mt 25,40.45).



3.  Yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa

Đoạn Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến tầm quan trọng tối thượng của giới răn yêu mến Thiên Chúa. Nếu xét một cách tách biệt hai mặt trong giới răn cao trọng nhất này, thì việc yêu mến Thiên Chúa quan trọng hơn việc yêu mến tha nhân. Và con người phải yêu mến Thiên Chúa «hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực». Nhưng trong thực tế, không thể có sự tách rời giữa hai mặt ấy được, vì hễ đã thật sự yêu mến Thiên Chúa thì tất nhiên phải đồng thời yêu thương tha nhân. Vì thế, nếu thật sự yêu mến Thiên Chúa «hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực», thì cũng sẽ yêu tha nhân «hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực». Đó là điều tất yếu, không thể khác được.

Để tỏ lòng yêu mến, thuận phục và thờ phượng Thiên Chúa, người Do Thái xưa đã sát tế những con chiên, con bò làm của lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa, thay vì sát tế chính mình, để nói lên quyền tối thượng của Ngài trên mọi sự, trên cả mạng sống mình. Nghĩa là phải sẵn sàng hy sinh tất cả mọi sự cho Thiên Chúa, vì Ngài đã ban cho ta tất cả và có quyền lấy lại tất cả bất kỳ lúc nào. 

Ngày nay, chúng ta không còn sát tế chiên bò, cũng không phải sát tế chính mình để nói lên quyền tối thượng của Ngài nữa. Điều chúng ta cần làm, là sẵn sàng hy sinh tất cả mọi sự để làm đẹp lòng Ngài, để tỏ lòng yêu mến Ngài trên hết mọi sự, nhất là hy sinh ý riêng, thì giờ, tiền bạc, công sức… đó chính là một hình thức sát tế và thờ phượng Thiên Chúa cao cả nhất. Tuy nhiên, hy sinh tất cả những thứ bên ngoài mình ấy không bằng hy sinh chính «cái tôi»của mình.

Nhưng, theo tư tưởng của Đức Giêsu và thánh Phaolô, thì chắc chắn Thiên Chúa muốn ta thể hiện tình yêu của ta đối với Ngài bằng tình yêu dành cho tha nhân, một cách cụ thể là sẵn sàng hy sinh ý riêng, thì giờ, tiền bạc, công sức… cho hạnh phúc và sự tốt đẹp của tha nhân.



4.  «Hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực»

Yêu «hết lòng, hết trí khôn» thì quả là một điều khá trừu tượng và xem ra có vẻ dễ thực hiện, vì lòng và trí khôn là thứ không thể đếm được, khó kiểm chứng, và dường như có thể dùng hoài, cho hoài không hết. Nhưng còn việc yêu «hết sức lực» thì quả thật là khó, vì lực là một cái gì mang tính vật chất, rất cụ thể, và rất hạn chế. 

Sức lực ở đây nói một cách cụ thể là thì giờ, tiền bạc, của cải, sức khỏe, công lao. Vì nó giới hạn, nên ta không thể cho một cách thoải mái được. Cho thì hao tổn, thì sẽ hết. Nhưng có yêu «hết sức lực» thì mới chứng tỏ được là đã «yêu hết lòng, hết trí khôn». Ai nói rằng mình mến Chúa yêu người «hết lòng, hết trí khôn» mà lại không yêu «hết sức lực» –cụ thể là sẵn sàng hy sinh thì giờ, tiền bạc, sức khỏe, công lao cho Chúa, cho tha nhân– thì người ấy nếu không nói dối thì cũng là kẻ ảo tưởng về chính mình. Chắc chắn Chúa muốn chúng ta thay vì chỉ hy sinh những thứ ấy cho Chúa, thì hãy hy sinh cho tha nhân, vì hy sinh cho tha nhân chính là cụ thể hóa sự hy sinh cho Chúa.

Để thật sự yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, Đức Giêsu cho chúng ta một bí quyết, đó là «từ bỏ mình» và «vác thập giá» (Mt 16,24). «Từ bỏ mình» là dẹp bỏ «cái tôi» của mình đi, coi «cái tôi» của mình là nhỏ bé. «Vác thập giá» là sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi, mất mát, đau khổ. Có sẵn sàng «từ bỏ mình» và «vác thập giá» thì chúng ta mới có thể yêu mến Thiên Chúa và tha nhân như Thiên Chúa muốn được.



5.  «Điều quí hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ»

Rất nhiều Kitô hữu không hiểu được cốt yếu của việc giữ đạo là gì, họ cho rằng việc đọc kinh, đi lễ, chịu các bí tích là những điều quan trọng nhất. Và họ cố gắng thực hiện những điều ấy một cách toàn hảo. Nhưng thật ra, tất cả những thứ ấy chỉ là phương tiện để giúp người Kitô hữu thực hiện được giới răn quan trọng nhất là «mến Chúa, yêu người». «Mến Chúa, yêu người» mới chính là mục đích của những việc đạo đức trên. Nếu thực hiện những phương tiện ấy mà không đạt được mục đích của chúng thì thử hỏi việc thực hiện ấy ích lợi gì?

Trong bài Tin Mừng, ông kinh sư nói: «Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quí hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ» (Mc 12,33). Lời đó đã được Đức Giêsu xác nhận là khôn ngoan, đúng đắn. Cứ theo tinh thần câu nói ấy thì yêu Chúa và thương người hết sức mình quan trọng và quí giá hơn việc tham dự các nghi thức phụng vụ, các bí tích, các kinh nguyện. 

Chỗ khác, Ngài nói: «Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình» (Mt 5,23-24). Rõ ràng qua 2 câu Kinh thánh ấy, Đức Giêsu đã coi tình yêu hay sự hòa thuận đối với tha nhân quan trọng hơn việc «dâng lễ vật trước bàn thờ».

Chính Đức Giêsu mạc khải cho ta biết điều ấy khi nói về ngày phán xét cuối cùng: Thiên Chúa không hề phán xét về việc ta có tham dự các nghi thức phụng vụ hay không, hay tham dự thế nào, mà chỉ xét về việc ta đã làm gì để tỏ ra mình yêu thương tha nhân mà thôi. Đức Giêsu đã tỏ ra trọng phong cách đối xử với tha nhân, sự hòa thuận với những người chung quanh còn hơn việc dâng lễ vật toàn thiêu cho Thiên Chúa nữa (xem Mt 5,23-25).

Biết bao người chu toàn hết sức tốt đẹp những nghi thức phụng vụ mà lại đối xử với tha nhân chẳng ra làm sao, chẳng có tình có nghĩa gì cả, thì thử hỏi đạo đức kiểu ấy có ích lợi gì cho họ trước mặt Thiên Chúa trong ngày phán xét?




CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu có nói: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa, Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy mới được vào mà thôi. Vì thế, trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, mà trừ quỉ, mà làm nhiều phép lạ sao?” và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: “Ta không hề biết các ngươi, xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác”» (Mt 7,21-23). Xin cho con hiểu được ý nghĩa thâm sâu của lời nói đó. Xin cho con nhận ra điều quan trọng nhất trong đạo của Cha mà con phải tuân giữ là thực hiện thánh ý Cha, mà điều cốt yếu nhất của thánh ý Cha chính là mến Chúa –cũng là yêu người– hết lòng hết sức. Amen.

Nguyễn Chính Kết


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02/06/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Cv 1,1-11: (8) «Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất». • Dt 9,24-28; 10,19-23: (20) Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người. • TIN MỪNG: Lc 24,46-53
29/05/2019
Kính thưa cộng đoàn, hôm nay chúng ta tụ họp trong thánh đường này để tưởng nhớ và cầu nguyện cho các linh hồn, cách riêng là linh hồn Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm, vị Tổng thống (TT) đầu tiên của Việt Nam, người đã giành lại độc lập và tự do cho dân tộc, đã lập nên nền Đệ nhất Cộng Hòa, đã lãnh đạo Miền Nam Việt Nam thành một quốc gia phú cường mà trong đó người dân sống thanh bình và tự do, ấm no và hạnh phúc. Chúng ta biết công đức của TT Ngô Đình Diệm thì nhiều vô kể. Trong thánh lễ này, chúng ta chỉ chiêm ngưỡng xem ngài đã sống đức tin công giáo thế nào, đã theo Chúa và họa lại nơi bản thân mình hình ảnh Chúa Kitô ra sao.
26/05/2019
Đôi dòng tiểu sử: Marcel Văn tên thật là Nguyễn Tân Văn. Sinh ngày 15 tháng 3 năm 1928, tại Ngăm Giáo, thuộc tỉnh Bắc Ninh. Ngăm Giáo là một làng nhỏ nằm giữa Hà Nội và Hải Phòng, thuộc vùng châu thổ sông Hồng.
26/05/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Cv 15,1-2.22-29: (1) Những người Giuđê cho rằng: «Nếu không chịu phép cắt bì theo tục lệ Môsê, thì không thể được cứu độ». (28) (Nhưng) Thánh Thần và chúng tôi (=các tông đồ) đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: (29) là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. • Kh 21,10-14.22-23: (22) Trong thành, tôi không thấy có Đền Thờ, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành. (23) Thành chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa toả rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi. • TIN MỪNG: Ga 14,23-29
19/05/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Cv 14,21b-27: (22) «Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa». • Kh 21,1-5a: (1) Tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển không còn nữa. (2) Tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới. (5) Rồi Đấng ngự trên ngai phán: «Này đây Ta đổi mới mọi sự». • TIN MỪNG: Ga 13,31-33a.34-35
17/05/2019
Cùng bạn đọc: Chúng tôi cần thêm những chi tiết về con người và cuộc đời (ngày sinh, ở đâu, làm gì…) của Ki-tô hữu Lâm Đình Tuý. Ông bị tù vì lí do và trong hoàn cảnh nào? Nếu được, yêu cầu cho biết thân nhân của ông, để chúng tôi liên lạc (thuongvu@phongtraogiaodan.com)
14/05/2019
Anh ta cuộn những bộ áo quần khác thành cái gói vuông vắn, đặt làm gối cho người chết. Nếu người tù không có áo xống gì, anh ta đẽo gọt một khúc cây làm gối. Khi đã hoàn tất những việc trên, anh ta quỳ xuống bên áo quan, cúi hôn lên trán người tù chết, và bật khóc.
29/04/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Cv 5,12-16: (12) Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay các Tông Đồ. (14) Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa: cả đàn ông đàn bà rất đông. • Kh 1,9-11a.12-13.17-19: (17) «Đừng sợ! Ta là Đầu và là Cuối. (18) Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời. • TIN MỪNG: Ga 20,19-31
19/04/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • St 1,1–2,2: (27) Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. • Rm 6,3-11: (8) Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người. • TIN MỪNG: Lc 24,1-12
14/04/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Is 50,4-7: Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. • Pl 2,6-11: Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự. • TIN MỪNG: Lc 19,28-40 (nghi thức rước lá)
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC