Đường trường chông gai Ga 15,1–16,33

19/02/20197:40 SA(Xem: 8858)
Đường trường chông gai Ga 15,1–16,33
pretty-landscape-sunset-1

Đường trường chông gai
Ga 15,1–16,33
(Tìm hiểu Tin Mừng theo thánh Gio-an) – Bài 14

Tác giả: Linh mục Giu-se Nguyễn Công Đoan, S.J., ngày 20 tháng 1 năm 2019

------------------------------

Có người thắc mắc, sao Chúa Giê-su đã hô “nào đứng dậy ! chúng ta đi khỏi đây”, rồi lại nói tiếp… Ai muốn xem những câu trả lời “trăm hoa đua nở” có thể đi tìm đọc trong sách của các nhà nghiên cứu. Câu hỏi ấy dựa trên giả thiết bản văn đi theo trình tự các sự việc diễn ra, nếu vậy thì dễ trả lời, vì con đường từ nhà Tiệc Ly tới thửa Vườn bên kia thung lũng Kít-rôn khá xa, Chúa còn nhiều thời gian để tiếp tục nói với các môn đệ. Nhưng có thể đây là do công trình biên soạn, qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn thêm một chút theo nhu cầu quảng diễn cho cộng đoàn tín hữu. Chuyện có thể đơn giản hơn nếu, như đã nói ở trên, ở đây người biên soạn đang theo mô hình diễn từ giã biệt của sách Đệ Nhị Luật, nó cũng gồm ít là ba diễn từ của ông Mô-sê, trước khi kết thúc với bài ca và lời chúc phúc. Diễn từ thứ nhất (Đnl 1,1–4,43) ôn lại lịch sử từ khi được giải thoát khỏi Ai-cập cho tới Giao Ước Xi-nai ; diễn từ thứ hai (Đnl 4,44 –28,68) quảng diễn Luật Giao Ước ; diễn từ thứ ba (Đnl 26,16–31,30) dặn dò cuối cùng và chuyển giao quyền lãnh đạo cho ông Gio-su-ê. Câu kết như gợi lên một bầu trời giăng kín mây đen :

26 “Hãy đem sách luật này đặt bên Hòm Bia Giao Ước của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em ; ở đó sách ấy sẽ làm chứng cáo tội anh (em). 27 Vì tôi biết anh (em) hay phản nghịch và cứng cổ : hôm nay tôi còn sống với anh em, mà anh em đã phản nghịch chống lại ĐỨC CHÚA, huống chi là sau khi tôi chết !

28 Hãy tập hợp lại chung quanh tôi hết mọi kỳ mục của các chi tộc anh em và các ký lục của anh em ; tôi sẽ nói cho họ nghe những lời này, và lấy trời đất làm chứng cáo tội họ. 29 Vì tôi biết rằng, sau khi tôi chết, chắc chắn anh em sẽ ra hư hỏng, và sẽ đi ra ngoài con đường tôi đã truyền cho anh em ; và tai hoạ sẽ xảy đến cho anh em sau này, vì anh em sẽ làm điều dữ trái mắt ĐỨC CHÚA, để trêu giận Người bằng những việc tay anh em làm.”

Với bài ca và lời chúc phúc (32,1–33,29), ông Mô-sê cuộn lại cuốn cuối của bộ Ngũ Thư, gọi là “Luật” (Tô-ra), trao cho các Lê-vi đặt bên Hòm Bia, rồi lẳng lặng chống gậy, một mình lên núi Ne-bô. Ông mở to đôi mắt để nhìn Đất Hứa một lần, rồi từ từ nhắm lại vĩnh viễn. Hình dung mình đang chứng kiến cảnh này, tôi bỗng nhớ câu hát tôi hay nghe các bạn trẻ nghêu ngao, khi sống với họ đàng sau chấn song sắt ở khám Chí Hoà : “nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt”.

Đối chiếu với sách Đnl, chúng ta có thể nhận ra trong Tin Mừng Gio-an, chương 13 tương ứng với phần ôn lại lịch sử trong bối cảnh chia tay, Chúa Giê-su làm một cử chỉ thâu tóm ý nghĩa cuộc sống trần gian và sự ra đi của Chúa, và đặt làm gương mẫu để truyền ban “Điều răn mới” của Giao Ước Mới.

Chương 14, tương ứng với diễn từ thứ hai, quảng diễn Luật của Giao Ước Mới. Diễn từ thứ ba, từ sau “lệnh lên đường” cho tới hết chương 16, Chúa Giê-su dạy cho các môn đệ về con đường sứ mạng của họ trên trần gian. Khi phát “lệnh lên đường”, Chúa nói “nào đứng dậy, chúng ta đi khỏi đây”, Chúa đi vào cuộc chiến tay đôi quyết liệt với thủ lãnh thế gian, còn môn đệ bước vào “đường trường chông gai”, tiếp tục sứ mạng của Chúa trên trần gian.

Diễn từ ở chương 14 vận dụng cách thức “hỏi – đáp”, nhưng lại nối với nhau như những mắt xích : lời mở đầu của Chúa gợi thắc mắc, câu trả lời thắc mắc lại gợi thêm thắc mắc khác ; cứ như thế mà chủ đề được khai triển, đào sâu. Kết thúc cuộc hỏi đáp này thì Chúa hứa sẽ có Đấng Bảo Trợ khác đến dạy dỗ họ từ bên trong ; đối lại với ông Mô-sê chỉ nhận ra thực tế là “Thiên Chúa chưa ban cho dân lòng để biết, tai để nghe, mắt để thấy” rồi chịu bó tay. Diễn từ giã biệt của ông Mô-sêchuẩn bị cho dân vào chiếm lãnh và sống trên Đất Hứa như là kết thúc cuộc hành trình, không có tính cách sứ mạng. Dân của Giao Ước Xi-nai trong thành tựu cuối cùng, được trưng bày như “hàng mẫu” hay mô hình trong tủ kính về tình thương và quyền năng của Thiên Chúa, để cho muôn dân thấy mà thán phục và thèm thôi, chưa đến phiên họ được hưởng (x. tiêu biểu Đnl 4,1-8).

Diễn từ của Ga 15–16 không dùng cách hỏi đáp, nhưng là độc thoại. Chúa Giê-su dạy các môn đệ nhiều điều, nối kết theo kiểu mắt xích, lời giáo huấn trước mở sang lời giáo huấn sau, lời giáo huấn sau móc vào lời giáo huấn trước, khiến ta không thể tách ra theo kiểu phân tích của phương Tây.

Cây nho trong Cựu Ước

Mở đầu diễn từ “sai đi” này, Chúa Giê-su đặt nền tảng và nội dung cho sứ mạng của môn đệ, với hình ảnh CÂY NHO.

Để hiểu phần này, cần xem kỹ hình ảnh “Cây Nho” : các sách Ngôn Sứ và Thánh vịnh đã dùng để nói về dân của Giao Ước Xi-nai, ở đây Chúa Giê-su dùng nói về cộng đoàn Môn đệ của Chúa, dân của Giao Ước Mới. Ý nghĩa giống nhau và khác nhau thế nào. Sự so sánh này là chìa khóa giúp ta hiểu sâu hơn ý nghĩa của chương này.

Câu đầu tiên “Thầy là cây nho thật”, đã ngầm gợi lên sự so sánh. Tại sao phải nói “cây nho thật” ? Ta hãy lấy thí dụ trong đời sống hàng ngày : tại sao người bán hàng phải rao : “đây là hàng xịn đấy” ? Dĩ nhiên vì có hàng dổm trên thị trường. Người lương thiện thì công khai giới thiệu “đồng hồ Rolex - nhái hiệu” đây, để bán cho những kẻ thích lòe thiên hạ như con nít thích chơi súng nhựa. Cây nho thật thì sinh trái nho thật. Xem quả biết cây.

Kiểu nói này trực tiếp gợi lại bài ca của I-sai-a 5,1-7

Tôi xin hát tặng bạn thân tôi bài ca của bạn về vườn nho của mình.

Bạn thân tôi có một vườn nho trên sườn đồi mầu mỡ.

Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng,

giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho.

Anh những mong nó sinh trái tốt, nó lại sinh nho dại.

Vậy bây giờ, dân Giê-ru-sa-lem và người Giu-đa hỡi,

xin phân xử đôi đàng giữa tôi với vườn nho.

Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm ?

Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại ?

Vậy bây giờ tôi cho các người biết tôi đối xử thế nào với vườn nho của tôi :

hàng giậu thì chặt phá cho vườn bị tan hoang,

bờ tường thì đập đổ cho vườn bị giày xéo.

Tôi sẽ biến thửa vườn thành mảnh đất hoang vu,

không tỉa cành nhổ cỏ, gai góc mọc um tùm ;

sẽ truyền lệnh cho mây đừng đổ mưa tưới xuống.

Vườn nho của ĐỨC CHÚA các đạo binh chính là nhà Ít-ra-en đó ;

cây nho Chúa mến yêu quý chuộng, ấy chính là người xứ Giu-đa.

Người những mong họ sống công bằng, mà chỉ thấy toàn là đổ máu ;

đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than.

I-sai-a dùng cả hai hình ảnh cây nho và vườn nho để nói về dân của Giao Ước Xi-nai. Họ là cây nho Thiên Chúa đã tuyển chọn và tạo mọi điều kiện để nó sinh trái nho tốt, ngon ngọt. Nhưng cây nho đã không đáp lại mong ước và công khó của người trồng nho. Nó sinh trái nho dại, không ăn được. Ngôn sứ giải thích trái nho tốt là gì, trái nho dại là gì.

Cây nho thật và người trồng nho (Ga 15,1-4)

Chúa Giê-su vận dụng hình ảnh cây nho này để áp dụng cho Chúa và các môn đệ, cộng đoàn của Giao Ước Mới.

Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.

Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi ; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.

3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.

Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

Chúa Giê-su là Giao Ước Mới được ví như “cây nho thật”, người trồng nho vẫn là Chúa Cha. “Cậy nho thật” ở đây không hàm nghĩa cây nho trong Cựu Ước không phải là cây nho do Thiên Chúa trồng, nhưng là so sánh giữa cây nho giữ đúng bản chất của mình, sinh trái ngon, với cây nho bị thoái hóa, sinh trái nho dại. Chúa Giê-su đã thi hành mọi điều Chúa Cha truyền và sắp làm việc cuối cùng để tỏ lòng yêu mến Cha ; đã chứng tỏ cây nho này là cây nho thật nên không có thể bị bỏ rơi nữa. “Giao Ước Mới và Vĩnh Cửu” đây rồi. Chúa Giê-su đến không phải để hủy bỏ Giao Ước Xi-nai, nhưng để kiện toàn (x. Mt 5,17). Chúa Giê-su không loại bỏ cây nho của Giao Ước Xi-nai, nhưng biến đổi nó trở thành cây nho thật, như Chúa đã biến đổi “nước dùng để thanh tẩy theo tục lệ của người Do Thái” thành “rượu ngon” ở Tiệc Cưới Ca-na (x. Ga 2,1-11), bằng cách đem tới điều mà ông Mô-sê đã nhận xét là Thiên Chúa chưa ban cho dân : “lòng để biết, tai để nghe, mắt để thấy” (Đnl 29,3). Chúa Giê-su là Con Một Yêu Dấu đẹp lòng Cha, đã nhập vào cây nho kia để biến nó trở lại thành cây nho thật. Các môn đệ là những cành từ cây nho của Giao Ước Xi-nai, đã tiếp nhận sự sống từ cây nho thật, được “sạch” nhờ đón nhận Lời Chúa Giê-su, chỉ cần ở lại trong cây nho này để sinh trái ngon. Chúng ta, vốn là “dân ngoại”, được tháp vào cây nho thật. Thánh Phao-lô dùng hình ảnh cành ô-liu dại được tháp vào cây ô-liu thật :

Một số cành cây ô-liu đã bị chặt đi, còn bạn là ô-liu dại đã được tháp vào đó, và cũng được hưởng sự sống dồi dào từ rễ cây ô-liu chính. Vì thế bạn đừng có lên mặt khinh dể các cành khác… Đâu phải bạn mang rễ mà rễ mang bạn… Nếu những cành tự nhiên, mà Thiên Chúa đã không tha, thì Người cũng sẽ chẳng tha bạn đâu” (Rm 11,17-21). Chúa Giê-su đã nói với người phụ nữ Sa-ma-ri : « Ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái” (Ga4,22). Chúa Giê-su sinh ra trong dòng dõi Ap-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, dòng dõi vua Đa-vít, “từ cội rễ Giét-sê” (Is 11,1 ; Mt1,1).

Người trồng nho săn sóc cây nho bằng cách cắt tỉa : “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi ; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn”. Việc cắt tỉa được diễn tả bằng một động từ trong tiếng Hy-lạp (ka-tha-ro), có nghĩa là “làm cho sạch”, vì thế Chúa nói về các môn đệ : “3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.” “Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.”

Muốn hiểu “ở lại trong Thầy” nghĩa là gì và bằng cách nào, xin cứ đọc tiếp, Chúa Giê-su sẽ giải thích. Nhưng Chúa lại không giải thích “cắt tỉa” là gì, bằng cách nào. Nghe “cắt, tỉa” là chúng ta rùng mình, như nghe tiếng kéo “xóc xóc” bên tai, thấy lưỡi dao lóe trước mặt ! Nhưng dao, kéo của Chúa Cha cũng là lời Chúa Giê-su nói nhân danh Cha : “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em” ; “Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy” (Ga 14,23). Cắt tỉa là uốn nắn cho chúng ta sống đúng Lời Chúa. “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn dao hai lưỡi : xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Hr 4,12). Nhưng Thiên Chúa cũng có cách khác để cắt tỉa, như thư Híp-ri diễn tả rất thật : “Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy ?... Ngay lúc được sửa dạy thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn phiền. Nhưng sau đó, những người chịu rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính” (Hr 12,7.11).

Cây nho và cành nho (Ga 15,5-11)

“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. 6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là : Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

9 “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. 10Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. 11 Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

Cành nho chỉ có thể sinh trái nếu ở lại trong cây nho, đó là điều hiển nhiên. Áp dụng vào tương quan giữa Chúa Giê-su và môn đệ : “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”. Số phận của cành nho không ở lại trong cây nho cũng hiển nhiên. Vấn đề là “ở lại trong Chúa” bằng cách nào và sinh trái bằng cách nào. Ở lại trong Chúa bằng cách để cho Lời Chúa ở lại trong ta, vì “Thần khí mới làm cho sống… Lời Thầy là thần khí và là sự sống” (Ga 6,63). Chúa Giê-su là LỜI của Thiên Chúa đã thành người phàm để nói với chúng ta, nên Lời Chúa Giê-su là Lời Thiên Chúa, “lời ban sự sống đời đời”, như thánh Phê-rô tuyên xưng (Ga 6,68). Lời Chúa Giê-su ở lại trong chúng ta thì thần khí và sự sống từ Chúa Cha lưu chuyển qua Chúa Giê-su sang chúng ta, chúng ta sống bằng sự sống của Thiên Chúa và sinh hoa trái như Thiên Chúa muốn. Thánh Phao-lô nói : “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Khi ấy cùng với Chúa Giê-su, chúng ta chỉ muốn điều Thiên Chúa muốn, “xin cho Ý Cha thể hiện”, nên “muốn gì anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý”. Chúng ta chỉ muốn điều Chúa Cha muốn. Điều Chúa Cha muốn là “Danh Cha cả sáng”. “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là : Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy”. Trở thành môn đệ của Chúa là một tiến trình liên lỉ, khởi đầu từ phép rửa tội. Trở thành môn đệ theo hình ảnh cành nho ở trong cây nho, nghĩa là sinh hoa trái theo bản chất của cây nho, vì “xem quả biết cây” (x. Mt 7,16-20). Hoa trái là do tác động của Thiên Chúa chứ không phải do sức của chúng ta. Chính Chúa Giê-su cũng nhìn nhận : “Chúa Cha ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình” (Ga 14,10).

Ở lại trong Thầy” còn đồng nghĩa với “ở lại trong tình yêu của Thầy”. “Thiên Chúa là Tình Yêu” nên sự sống của Thiên Chúa lưu chuyển qua Chúa Giê-su sang chúng ta cũng là Tình Yêu : “Chúa Cha đã yêu mến Thầy như thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. Bằng cách nào ? “Nếu anh em giữ các điều Thầy truyền, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều Cha Thầy truyền, và ở lại trong tình thương của Người.” (1) Có niềm vui nào lớn hơn là niềm vui sống trong tình yêu, biết rằng mình được yêu và chính mình cũng yêu. Đó là niềm vui Chúa Giê-su sống và đem cho chúng ta. Thánh Lu-ca kể rằng khi Chúa Giê-su sinh ra ở Be-lem thì thiên sứ đến báo tin cho những người chăn chiên : “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân” (Lc 2,10). “Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.”

Trái nho thật (Ga 15,12-15)

12 “Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13 Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15  Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. 

Chúa Giê-su nhắc lại “điều răn mới” (Ga 13,34), với tên gọi “điều răn của Thầy”, và Chúa cho thước đo : “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của Người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Chúa Giê-su đã yêu chúng ta bằng mức độ ấy, như thánh Phao-lô nói : “Người đã yêu thương tôi và đã thí mạng vì tôi” (Gl 2,20). Và khi ấy chúng ta chưa phải là bạn hữu của Người, chính Người thí mạng vì chúng ta để làm cho chúng ta thành bạn hữu của Người. “Tình yêu cốt ở điều này, không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau.” (1 Ga 4,10-11). Chúa Giê-su đặt mức ấy làm thước đo khi truyền “hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Thư 1Gio-an sẽ nói rõ : “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì, đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1 Ga 3,16).

Thánh Phao-lô coi điều này là cơ sở cho chúng ta được vững lòng cậy trông :

Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta .9 Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Ki-tô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. 10 Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy. (Rm 5,8-10).

Làm sao sống xứng đáng với tình bạn ấy ? “14 Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.” Dựa vào đâu mà biết chúng ta là bạn hữu của Chúa Giê-su ? 15 Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết”.

Chung sứ mạng với Chúa (Ga 15,16-17)

Chúa Giê-su chọn các môn đệ để làm gì ? Không phải để cùng nhau vui chơi, nhưng để cùng nhau thi hành sứ mạng. Sứ mạng của Chúa Giê-su là “Kể cho chúng ta biết về Chúa Cha” (Ga 1,18). Chúa Giê-su Con Thiên Chúa đã đem cả cuộc sống làm người và cái chết mà kể cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Tình Yêu. Được trở thành bạn hữu của Người, được Người cho biết tất cả những gì Người đã nghe từ Chúa Cha, là để cùng với Người tiếp tục sứ mạng, kể ra cho mọi người biết Thiên Chúa là Tình Yêu bằng cách sinh hoa trái của cây nho thật : 16 “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. 17Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau.

Chung thân phận với Chúa (Ga 15,18-25)

Là bạn hữu của Chúa, cùng dấn thân vào sứ mạng với Chúa thì cũng phải chung thân phận với Chúa : đem tình yêu đi làm chứng cho Tình Yêu, nhưng lại bị thế gian ghét. Vì thủ lãnh của thế gian “là kẻ sát nhân ngay từ đầu” (x. Ga 8,44).

18 Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. 19 Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. 20 Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em : tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. 21 Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.

22 “Giả như Thầy không đến và không nói với họ, họ đã chẳng có tội. Nhưng bây giờ, họ không thể chữa tội được. 23 Ai ghét Thầy, thì cũng ghét Cha Thầy. 24 Giả như Thầy không làm giữa họ những việc không một ai khác đã làm, họ đã không có tội. Nhưng nay họ thấy rồi mà vẫn ghét cả Thầy lẫn Cha Thầy. 25 Như thế là ứng nghiệm lời đã viết trong Sách Luật của họ : Chúng ghét con vô cớ.”

“Thế gian” hiểu về cả nhân loại, là thế gian mà “Thiên Chúa yêu thương đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16) ; còn “thế gian” dưới quyền của “thủ lãnh thế gian” (Ga 14,30), là kẻ thù truyền kiếp không đội trời chung. Nó ghét Chúa Giê-su như bóng tối ghét ánh sáng, thì cũng ghét Cha của Người và càng ghét cả bạn hữu của Người. “Ghét nhau, ghét cả tông ti họ hàng”. Thực tế này bạn hữu của Chúa phải chấp nhận trước nếu muốn là bạn đường cùng đi với Chúa (2).

Đấng Bảo Trợ đến (Ga 15,26-27)

Chung thân phận với Chúa không phải là chịu trận, nhưng để làm chứng cho Chúa. Làm sao được ? Nhờ Đấng Bảo Trợ xuất phát từ Chúa Cha, Chúa Giê-su sẽ gởi đến cho môn đệ, Đấng ấy làm chứng về Người và cho các môn đệ có khả năng cùng làm chứng về Người, với tư cách là những người đã ở với Chúa Giê-su từ đầu : 26 “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. 27Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu.

Ông Mô-sê được Thiên Chúa truyền trao gậy chỉ huy lại cho ông Giô-su-ê, người đã ở với ông Mô-sê từ đầu, để tiếp tục đưa dân vào Đất Hứa. Chúa Giê-su thì gởi Đấng Bảo Trợ xuất phát từ Chúa Cha để đồng hành với các môn đệ trên đường sứ mạng.

Để anh em khỏi vấp ngã (Ga 16,1-4)

“Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. 2 Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. 3 Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. 4Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi.

Thủ Lãnh tuyệt vời, Chúa Giê-su không muốn cho môn đệ bị bất ngờ khi đi vào sứ mạng. Chúa biết trước mà vẫn cứ sai đi, lại còn cho môn đệ biết trước, nghĩa là Chúa đã nắm chắc phần thắng rồi. Vậy thì còn sợ gì nữa !

Vai trò của Đấng Bảo Trợ (Ga 16,4-11)

Chúa cho biết trước chông gai trên đường để các môn đệ khỏi vấp ngã, nhưng môn đệ có thể thắc mắc : sao bây giờ Thây mới nói ? Chúa trả lời trước khi họ đặt câu hỏi. “Vì bấy lâu nay Thầy còn ở với anh em.” Tình thế đã thay đổi : Thầy đi thì Đấng Bảo Trợ mới đến :

“Những điều ấy, Thầy đã không nói với anh em ngay từ đầu, vì lúc ấy Thầy còn ở với anh em. 5 Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy, và không ai trong anh em hỏi : ‘Thầy đi đâu ?’ 6 Nhưng vì Thầy nói ra các điều ấy, nên lòng anh em tràn ngập ưu phiền. 7Song, Thầy nói thật với anh em : Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em ; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. 8 Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử : 9 về tội lỗi : vì chúng không tin vào Thầy ; 10 về sự công chính : vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa ; 11 về việc xét xử : vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi.

Đấng Bảo Trợ đến để chứng minh thế gian ghét Chúa “vô cớ”. Chính thế gian mới là kẻ có tội vì không tin vào Chúa, Chúa Giê-su là Đấng Công Chính vì Chúa đã lên cùng Chúa Cha để có thể gởi Đấng Bảo Trợ đến. Sự hiện diện của Người là lời kết án thủ lãnh thế gian. Người sẽ vạch mặt chỉ tên nó là cha sự dối trá và là kẻ sát nhân. Nó giết được Chúa Giê-su như đã giết A-đam và con cái A-đam, nhưng Chúa Giê-su vào tận sào huyệt của nó mà đạp dập đầu nó để giải thoát A-đam và con cái.

Ngoài việc chứng minh cho Chúa Giê-su và kết án thủ lãnh thế gian, Đấng Bảo Trợ là Thần Khí Sự Thật sẽ hoàn tất việc dạy dỗ các môn đệ :

12 “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. 13 Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. 14 Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. 15 Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói : Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.

Nỗi đau sinh con (Ga 16,16-23)

Nghe Thầy nói, các môn đệ có một thắc mắc, thì thầm với nhau mà không dám hỏi Thầy. Chúa Giê-su biết thế nên trả lời ngay :

16 “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.”

17 Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giê-su hỏi nhau : “Người muốn nói gì khi bảo chúng ta : ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’ và ‘Thầy đến cùng Chúa Cha’ ?” 18 Vậy các ông nói : “‘Ít lâu nữa’ nghĩa là gì ? Chúng ta không hiểu Người nói gì !” 19 Đức Giê-su biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông : “Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói : ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.’ 20 Thật, Thầy bảo thật anh em : anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. 21 Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình ; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. 22 Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng ; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. 23 Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa.

Đang nói chuyện tương lai về con đường chông gai, Chúa Giê-su chuyển về chuyện sắp xảy ra bây giờ, khiến môn đệ thắc mắc. Chuyện sắp tới bây giờ là thế gian vui mừng vì giết được Chúa Giê-su, còn môn đệ sẽ khóc lóc, than van, lo buồn. Nhưng nỗi lo buồn của họ cũng như nỗi đau của Chúa đều ví như nỗi đau sinh con, nó sẽ được tiếp nối bởi vui mừng, và “niềm vui ấy sẽ không ai lấy mất được”, bởi vì Chúa sẽ chiến thắng sự chết, nó không làm gì được người nữa. Các môn đệ cũng sẽ chung phần chiến thắng với Chúa. Khi Chúa Giê-su đã chiến thắng thì Người gởi Đấng Bảo Trợ là Thần Khí sự thật đến, môn đệ sẽ được dạy dỗ từ bên trong nên không còn phải hỏi Chúa nữa,

Để niềm vui được trọn vẹn (Ga 16,23-28)

Chúa Giê-su giải thích thêm tương quan mới giữa môn đệ với Chúa và với Chúa Cha :

Thật, Thầy bảo thật anh em : Anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. 24 Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.

25 “Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở. 26 Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. 27 Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. 28 Thầy từ Chúa Cha mà đến, và Thầy đã đến thế gian. Nay Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha.”

Chính môn đệ là con người mới đã được sinh ra nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su, và được đến với Chúa Cha trong Chúa Giê-su, nên nhân danh Chúa Giê-su mà xin gì với Chúa Cha cũng sẽ được. Chúa Giê-su vốn “từ trong lòng Cha mà đã đến thế gian, nay bỏ thế gian mà về cùng Cha”, nhưng không về một mình, “Chúa kéo mọi người lên với Chúa” (x. Ga12,32 ; 13,1 ; 14,2-3 ; 16,28). Chúa Giê-su đưa các môn đệ vào trong lòng Cha, cho họ tham dự đời sống thân mật với Chúa Cha : “Cha của Thầy cũng là Cha của anh em” (Ga 20,17), đế nỗi Chúa không cần xin giùm với Chúa Cha nữa, “vì Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến.

Thầy đã thắng thế gian (Ga 16,29-33)

29 Các môn đệ Người thưa : “Đấy, bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa. 30 Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến.” 31 Đức Giê-su đáp : “Bây giờ anh em tin à ? 32 Này đến giờ –và giờ ấy đã đến rồi– anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy. 33 Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian.”

Ông Mô-sê giã từ dân của ông rồi lủi thủi một mình chống gậy lên núi, lãnh “lô an ủi” và “nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt”. Chúa Giê-su cũng phải một mình xông vào cuộc chiến, vì các môn đệ tứ tán mỗi người mỗi ngả, bỏ Chúa một mình, nhưng Chúa không cô độc, vì Chúa Cha ở với Chúa. Chúa có một an ủi nhỏ là sau khi Chúa nói, các môn đệ thưa : “Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến”. Và niềm vui lớn là Chúa cầm chắc chiến thắng. Chúa báo trước cho môn đệ biết họ sẽ bỏ Chúa, nhưng có “Chúa Cha ở với ThầyThầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an”. Chúa nhắc lại rằng Chúa đi vào cuộc chiến tay đôi còn họ phải đi vào con đường sứ mạng đầy chông gai, nhưng Chúa nắm chắc phần thắng cho Chúa và cho cả môn đệ rồi, nên có thể khích lệ họ : “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian”. Vậy là trái với ông Mô-sê, Chúa Giê-su kết thúc diễn từ giã biệt với một chân trời của bình minh rực ánh hồng trước mắt.

Giê-ru-sa-lem, Chúa nhật Tiệc Cưới Ca-na, 20/1/ 2019

Linh mục Giu-se Nguyễn Công Đoan, S.J.

(1) Bản văn dùng cùng một từ Hy-lạp (entolê), vẫn dịch là “điều răn” ; ở đây Chúa Giê-su dùng cùng một từ Hy-lạp để nói về “các điều Thầy truyền cho anh em” và “các điều Cha Thầy truyền cho Thầy”, như cách dịch ở câu 14, có vẻ dễ nghe hơn.

(2) Cái “thế gian dưới quyền Xa-tan” đã chen chân vào Hội Thánh từ khi có nhóm Mười Hai cùng đi với Chúa Giê-su. Những “chuyện thế gian” xảy ra trong Hội Thánh thời nay (ấu dâm, tiền bạc, quyền lực) đang được khai thác triệt để, với các phương tiện pháp lý và truyền thông hiện nay, để đánh phá Hội Thánh một cách hợp pháp, chứ không phải “vô cớ” – chỉ có Chúa Giê-su có thể nói về chính mình : “Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội” (Ga 8,46) – Người ta có cớ để đánh cả về vật chất (bao nhiêu vụ phá sản của giáo phận, dòng tu) lẫn tinh thần (nó làm cho người ngoài và cả nhiều tín hữu nhìn giám mục, linh mục, tu sĩ và cả Hội Thánh với con mắt khinh bỉ). Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đang chiến đấu để loại cái tinh thần thế gian ấy ra khỏi Tòa Thánh Va-ti-can. Ngài bị những người vẫn tự cho là mình trung thành với Hội Thánh, ngay trong Va-ti-can, có cả những vị chức cao quyền trọng với nhiệm vụ giúp Ngài phục vụ Hội Thánh, chống đối công khai và ngấm ngầm. Từ phút đầu tiên ra mắt trước những người tụ họp chào mừng Tân Giáo Hoàng, Ngài đã ý thức về cuộc chiến không cân sức này, nên đã khiêm tốn cúi đầu xin mọi người cầu nguyện cho Ngài trước khi ban phép lành cho họ. Và mỗi khi có dịp, Ngài lại nhắc mọi người : “Xin đừng quên cầu cho tôi”. Thánh Phao-lô cũng vẫn xin như vậy trong các thư. Thấy tình trạng này, có người hoảng hốt, có người thở dài, có người lo sợ, có người oán trách… Nhưng có lẽ thái độ hợp Tin Mừng hơn cả là xét mình, đấm ngực mình, vì những vấp ngã của mình hàng ngày, tuy chưa thành cớ cho người ta tấn công Hội Thánh, nhưng cũng góp phần làm suy yếu, giảm sức sống của Hội Thánh là một thân thể : “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau” (1 Cr 12,26). Mỗi người, nhất là giám mục, linh mục, tu sĩ, mỗi cộng đoàn tín hữu, cộng đoàn tu sĩ phải thức tỉnh như thánh Phao-lô nhắc : “Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1 Cr 10,12). Tinh thần thế gian xâm nhập Hội Thánh qua mỗi người chúng ta. Đọc Tin Mừng Gio-an, nhiều người thắc mắc : ngay từ đầu Chúa đã biết Giu-đa là kẻ sẽ phản nộp (Ga 6,64.70-71), thế sao Chúa không loại ngay đi ? ! Tôi nghĩ nếu “Chúa ra tay trước” kiểu đó, thì tôi đã ở trong hỏa ngục lâu rồi… Không biết có ai nghĩ mình không đáng bị loại không ?

Nguồn:
https://ktcgkpv.org/articles/get-article?id=224

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18/08/2019
Tòa soạn: Giám mục Phao-lô Kim là một thừa sai người Pháp, nhưng đã cống hiến cả cuộc đời cho Việt Nam và đã mặc lấy một tâm hồn người Việt. Nếu không được thấm nhuần bởi Tin Mừng của đức Ki-tô, liệu ông có được một tấm lòng nhân ái vượt biên giới thể hiện qua trường hợp sau đây không?
18/08/2019
Chấp nhận những khốn nạn bất công xẩy tới cho mình như là số phần Thiên Chúa an bài cho mình, mà không chút hận thù, như trường hợp ông Vũ Duy Thái dưới đây, phải chăng là dấu chỉ vong thân và tiêu cực của người theo Chúa? Hay đó là dấu chỉ của một tâm hồn đã đạt tới chiều sâu của Tin Mừng? Bài sau đây của tác giả nạn nhân đọc tại nhà thờ trại tỵ nạn Songkhla Thái Lan ngày 14-4-1980, vào buổi lễ giỗ 100 ngày vợ và 4 đứa con của ông bị chết vì hải tặc.
18/08/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Gr 38,4-6.8-10: (4) Các thủ lãnh thưa với vua Xítkigiahu: «Xin ngài cho giết Giêrêmia đi, vì những luận điệu của ông ta đã làm nản lòng các binh sĩ còn lại trong thành này, cũng như toàn dân. Thật vậy, con người ấy chẳng mưu hoà bình cho dân này, mà chỉ gây tai hoạ». • Dt 12,1-4: (3) Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí. • TIN MỪNG: Lc 12,49-53
11/08/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Kn 18,6-9: (9) Con lành cháu thánh của những người lương thiện (…) đồng tâm nhất trí về luật sau đây của Thiên Chúa, là trong dân thánh, có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chia. • Dt 11,1-2.8-19: (13) Tất cả các tổ phụ (…) đều xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất. (14) Như vậy cho thấy là họ đang đi tìm một quê hương. (15) Và nếu quả thật họ còn nhớ tới quê hương mình đã bỏ ra đi, thì họ vẫn có cơ hội trở về. (16) Thực ra các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời. • TIN MỪNG: Lc 12,32-48
05/08/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Gv 1,2; 2,21-23: (2) Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. • Cl 3,1-5.9-11: (1) Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. (2) Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. • TIN MỪNG: Lc 12,13-21
28/07/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • St 18,20-32: (Khi cầu nguyện, Ápraham mặc cả với Chúa nhiều lần để xin Chúa tha phạt cho thành Xơđôm tội lỗi). • Cl 2,12-14: (13) Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta. (14) Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá. • TIN MỪNG: Lc 11,1-13
21/07/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • St 18,1-10a: (1) Đức Chúa hiện ra với ông Ápraham tại cụm sồi Mamrê (…). (2) Ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông (…) (6) Ông Ápraham vội vã vào lều tìm bà Xara mà bảo : «Bà mau mau lấy ba thúng tinh bột mà nhồi, rồi làm bánh». (7) Ông chạy lại đàn vật, bắt một con bê mềm và ngon, giao cho người đầy tớ, và anh này vội vã làm thịt. (8) Ông lấy sữa chua, sữa tươi và thịt bê đã làm, mà đãi khách; rồi ông đứng hầu dưới gốc cây, đang khi khách dùng bữa. • Cl 1,24-28: (24) Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh. • TIN MỪNG: Lc 10,38-42
15/07/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Đnl 30,10-14: (10) Miễn là anh em nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ. • Cl 1,15-20: (20) Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời. • TIN MỪNG: Lc 10,25-37
01/07/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Is 66,10-14c: (14) Đức Chúa sẽ biểu dương quyền lực của Người cho các tôi tớ biết, và nổi cơn thịnh nộ với các kẻ thù • Gl 6,14-18: (15) Quả thật, cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới. • TIN MỪNG: Lc 10,1-12.17-20
10/06/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Cv 2,1-11: (4) Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. • 1Cr 12,3b-7.12-13: (6) Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. (13) Tất cả chúng ta đều được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. • TIN MỪNG: Ga 20,19-23
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC