Phải vượt qua trở ngại để tìm gặp Chúa và đem Chúa đến với mọi người

03/11/20197:38 SA(Xem: 6650)
Phải vượt qua trở ngại để tìm gặp Chúa và đem Chúa đến với mọi người
CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 31 Thường Niên

(3-11-2019)


Phải vượt qua trở ngại để tìm gặp Chúa
và đem Chúa đến với mọi người




ĐỌC LỜI CHÚA

  Kn 11,22-12,2(23) Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải. (24) Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên.
  2Tx 1,11-2,2(11) Xin Thiên Chúa giúp chúng ta làm cho anh em mình xứng đáng với ơn gọi; xin Người dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm vì lòng tin.
•  TIN MỪNG: Lc 19,1-10
Ông Dakêu

(1) Sau khi vào Giêrikhô, Đức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. (2) Ở đó có một người tên là Dakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. (3) Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. (4) Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó.

(5) Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: «Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!» (6) Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. (7) Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: «Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!» (8) Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: «Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn». (9) Đức Giêsu mới nói về ông ta rằng: «Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. (10) Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất».


CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Để nhìn thấy và gặp được Đức Giêsu, Dakêu có phải vượt qua trở ngại nào không? Trở ngại nào khó vượt nhất? Từ đó, ta rút ra bài học gì? 
2. Xét trên bình diện tự nhiên, động lực nào khiến Dakêu quyết định trở về con đường ngay chính? Ông hoán cải là do những bài giảng tuyệt vời của Chúa, hay do cách đối xử đầy tình người của Ngài? 
3. Những người hoạt động tông đồ có thể rút ra bài học nào cho hoạt động của mình?

Suy tư gợi ý:

1.  Dakêu, một viên quan thuế vụ của đế quốc

Dakêu là một viên chức nhà nước giàu có, là người có địa vị trong xã hội dân sự. Bài Tin Mừng cho biết: «Ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có» (Lc 19,2), nhưng không cho biết thêm là ông «đứng đầu» ở cấp nào: xã? huyện? hay tỉnh? Thu thuế mà có nhiều nhân viên cấp dưới như ông thì ít gì cũng phải là cấp xã trở lên. Thời nay người làm công việc như ông thường được gọi là «trưởng ban thuế vụ». 

Trưởng ban thuế vụ ở phường, xã hiện nay chẳng phải là một chức vụ lớn, nhưng ngày xưa, thời Đức Giêsu, người có chức vụ như thế trong xã cũng là một quan chức mà dân chúng phải trọng vọng, nể vì. Hơn nữa, ông lại là một người giàu có. Lêvi, tức tông đồ Matthêu, cũng là một người thu thuế nhưng chắc chắn không cao cấp bằng Dakêu.

Thời đó, đế quốc Rôma đánh thuế rất nặng trên tất cả các nước họ đô hộ. Vì thế, những người Do Thái yêu nước hoặc sùng đạo như người Pharisêu, chủ trương không nộp thuế. Dakêu là quan thuế vụ của đế quốc, nghĩa là ông cộng tác với một dân tộc ngoại giáo đang đô hộ dân tộc mình cách khắc nghiệt. Là người Do Thái chính gốc nhưng ông lại làm tay sai cho kẻ thù của dân tộc và tôn giáo mình. Thêm vào đó, những người thu thuế như ông thường hay lạm quyền, bóc lột dân chúng: thay vì thu thuế đúng như luật định, thì bắt dân đóng nhiều hơn để đút túi riêng (x. Lc 3,12-13). Chắc chắn sự giàu có của ông –nếu không phải chủ yếu thì cũng là phần nào– đến từ sự bóc lột này. Ngoài ra, để thích nghi với địa vị xã hội, chắc hẳn ông cũng đã sống như một người ngoại đạo. Vì thế, tuy có địa vị xã hội, nhưng về mặt tôn giáo, ông vẫn bị dân chúng khinh bỉ, xa lánh như hạng người ô uế, phản quốc, bội đạo, tội lỗi.



2.  Dakêu đã vượt qua những khó khăn để gặp Đức Giêsu

Đọc bài Tin Mừng này, ta thấy Dakêu gặp Đức Giêsu một cách thật dễ dàng. Ông chỉ việc trèo lên cây, Đức Giêsu đi ngang qua và gọi ông xuống. Nhưng về mặt tâm lý và xã hội, sự việc không đơn sơ như vậy. Để gặp được Đức Giêsu, ông cũng phải vượt qua nhiều trở ngại từ bên trong bản thân ông.

Ông đã được nghe nói về Đức Giêsu là một «thầy đạo» có những bài giảng chí lý, thấm thía, lại còn có những khả năng lạ lùng như chữa bệnh, đuổi quỉ, làm kẻ chết sống lại nữa. Sự tò mò khiến ông muốn được ít nhất là nhìn thấy Ngài, biết mặt Ngài. Nhưng gặp tận mặt Ngài thì khó, vì ông rất ngại đi vào trong đám đông, vì dân chúng sẽ nhận ra ông rồi tỏ thái độ khinh ghét hay nói xúc phạm ông thì phiền lắm. Còn đứng xa mà nhìn thì cũng khó, vì ông là một người lùn, thấp bé, làm sao thấy được Đức Giêsu giữa đám đông? Không chịu bó tay, ông nhất định phải làm sao nhìn thấy cho bằng được con người đặc biệt này. Bài Tin Mừng viết: «Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó» (Lc 19,4). Đoán trước Đức Giêsu sắp đi ngang qua chỗ nào, ông bèn tới đó trước, rồi leo tuốt lên một cây cao và chờ Ngài đi tới. Như thế ông có thể nhìn rõ Đức Giêsu.

Để thực hiện việc ấy, Tin Mừng nói «ông liền chạy tới phía trước». Ông chạy chứ không đi, điều này nói lên lòng ham muốn gặp Đức Giêsu lên đến cao độ. Một người có chức vụ cao trong xã hội, một viên chức chính phủ, hẳn phải là người rất ý thức về «cái tôi» và địa vị của mình. Họ không khi nào lại chịu chạy ở ngoài đường, lại càng không chịu leo lên một ngọn cây ở ngoài đường như trẻ nhỏ hay như hạng người bình dân. Họ phải giữ tư cách hay thế giá, nghĩa là phải bảo vệ «cái tôi» của mình, nhất là khi mà đám đông kia đang coi thường mình! Thế mà Dakêu không ngại những chuyện ấy, ông đã từ bỏ «cái tôi» của mình để được thấy và biết mặt Đức Giêsu.



3.  Muốn gặp Chúa, phải vượt qua «cái tôi» của mình

Mặc dù là Kitô hữu, nhưng có thể chúng ta chưa hiểu biết nhiều về Thiên Chúa, về Đức Giêsu. Và cũng rất có thể chúng ta chưa hề gặp gỡ Ngài một cách thật sự, mặc dù chúng ta vẫn cầu nguyện, dự thánh lễ và rước lễ hằng ngày. Vì nếu chúng ta thật sự gặp gỡ Ngài, chắc chắn chúng ta phải được biến đổi một cách sâu xa như Dakêu đã từng được Chúa biến đổi. Nếu chúng ta vẫn sống một cách tầm thường, thiếu niềm vui, sức mạnh, tình thương, thì chứng tỏ chúng ta chưa thật sự gặp gỡ Thiên Chúa hay Đức Giêsu. 

Muốn gặp được Đức Giêsu, chúng ta phải có một quyết tâm, và phải sẵn sàng vượt khó khăn trở ngại để đến với Ngài. Trở ngại lớn lao nhất vẫn là «cái tôi» của chúng ta. Muốn gặp gỡ ai một cách thâm sâu và thật sự, chúng ta phải dẹp bỏ «cái tôi» ích kỷ và đáng ghét của mình đi. Cũng vậy, muốn gặp gỡ Thiên Chúa, muốn theo Đức Giêsu, điều kiện quan trọng là chúng ta phải «từ bỏ chính mình» (Mt 16,24; Mc 8,34; Lc 9,23), nghĩa là phải vượt khỏi hay coi nhẹ «cái tôi» của mình cùng với những quyền lợi của nó.



4.  Thái độ yêu thương của Đức Giêsu khiến Dakêu hoán cải

Nếu Dakêu chỉ nhìn thấy Đức Giêsu thì ông cũng đã toại nguyện rồi, vì mục đích của ông chỉ có thế. Và sau đó đời ông không chắc có chuyện gì thay đổi. Nhưng sở dĩ ông thay đổi một cách sâu xa là vì thái độ của Đức Giêsu đối với ông. Đang khi mọi người Do Thái khác –nhất là người Pharisêu– tỏ ra khinh bỉ và xa lánh ông, thì Đức Giêsu quan tâm tới ông, trân trọng và yêu thương ông. Ngài yêu thương và trân trọng ông đến nỗi đã để ý đến ông dù ông ở tuốt trên cây, rồi Ngài kêu ông xuống và ngỏ ý muốn ở lại nhà ông, không chờ ông lên tiếng mờiĐể tỏ ra trân trọng và yêu thương ông như thế, Ngài cũng phải vượt qua trở ngại là những lời dị nghị, khó chịu của đám đông đang đi theo Ngài: «Mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”» (Lc 19,7). 

Chính thái độ yêu thương của Đức Giêsu đã làm ông cảm động và quyết tâm trở về con đường ngay chính, trước tiên bằng việc thực thi bác ái và công bằng: «Thưa Ngài, tôi sẽ chia phân nửa tài sản của tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn» (Lc19,8). Đức Giêsu chưa hề lên tiếng khuyên hay giảng cho Dakêu một lời nào, mà ông đã hoán cải. 

Ta thử đặt vấn đề ngược lại: giả như Ngài giảng cho Dakêu một bài thật hay và xúc tích về Nước Trời, nhưng cách đối xử của Ngài với ông không có gì khác những người Do Thái khác, thì thử hỏi ông có hoán cải nhanh chóng như vậy không?



5.  Người tông đồ phải trân trọng và yêu thương mọi người

Cũng như biết bao người bình thường khác, Dakêu rất cảm động trước sự trân trọng và yêu thương của Đức Giêsu, người muốn loan báo Tin Mừng cho ông. Ngoài ơn Chúa tác động trên bình diện siêu nhiên, thì trên bình diện tự nhiên, việc trở lại của Dakêu cũng như những người tội lỗi khác phần lớn đến từ cách xử sự đầy tình nghĩa của người làm tông đồ. Thống kê cho thấy đa số những trường hợp trở lại Kitô giáo hay con đường ngay chính là do họ cảm kích thái độ yêu thương và cách sống gương mẫu của người tông đồ. Ngược lại, nhiều Kitô hữu đã bỏ đạo chỉ vì cách xử sự bất công, khinh người, ích kỷ, «ngôn hành bất nhất» của người làm tông đồ.

Vì thế, muốn hoạt động tông đồ hữu hiệu, thiết tưởng thái độ quên mình và yêu thương chân thành –như thái độ của Đức Giêsu đối với Dakêu– còn quan trọng và đem lại nhiều kết quả hơn những bài giảng hay, những kiến thức thần học uyên bác. Rất tiếc nhiều trường đào tạo tông đồ hiện nay chỉ quan tâm đào tạo cho những người tông đồ tương lai những kiến thức Kinh Thánh và thần học, mà không quan tâm lắm tới việc tăng trưởng tình yêu đích thực của họ, để họ có thể đối xử một cách chan chứa tình người với những người mà họ có nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng. Cách đối xử chan chứa tình người này mới là yếu tố chính yếu đem lại thành công trong công việc tông đồ.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, khi làm tông đồ, con cứ ngỡ điều quan trọng là phải nói hay viết về Chúa cho hay, cho thuyết phục mới đem lại kết quả. Nhưng câu chuyện của Dakêu cho con thấy không phải như vậy. Chính thái độ ân cần, yêu thương và đầy tôn trọng của Đức Giêsu đối với Dakêu đã đánh động lòng ông hùng hồn và hữu hiệu gấp hàng trăm lần những bài giảng hay, những lời khuyên chân tình. Vậy, xin Cha hãy giúp con ý thức được tầm quan trọng của tình yêu đích thực trong công việc tông đồ của con và có được tình yêu đó.

Nguyễn Chính Kết


Bấm vào đây để đọc bài chia sẻ Lễ Cầu Hồn:
Những suy nghĩ về luyện ngục và đau khổ.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07/10/2017
Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại - Đạo Hội VII Boston, Massachusetts
19/09/2017
THÔNG BÁO Liên quan tới Đại Hội PTGDVNHN Kỳ 7
17/09/2017
Lectio Divina là một lối đọc và suy niệm Lời Chúa đã có lâu đời nơi các giáo phụ. Từ thế kỉ 12, nó trở thành phương pháp phổ cập trong các tu viện. Lectio Divina gồm ba bước lớn: Gặp gỡ Trao đổi Lên đường
24/08/2017
VATICAN. ĐTC kêu gọi tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân và tị nạn. Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp công bố sáng 21-8-2017, nhân ngày Thế Giới di dân và tị nạn sẽ được cử hành vào ngày 14-1 năm tới, 2018.
18/08/2017
GM Nguyễn Thái Hợp. Trích vnqvn.blogspot.de Trong bối cảnh toàn cầu hoá và kinh tế tự do hiện nay, nguyên tắc bổ trợ đang trở thành một quan niệm thời thượng và thực sự đã đóng góp
16/06/2017
Quý Vị có thể vào mỗi thứ năm để đọc bài mới cho Chúa nhật kế tiếp, do Nguyễn Chính Kết biên soạn.
14/04/2017
Sau đây là bài thuyết trình, tóm tắt chương 9 cuốn sách Joseph Ratzinger/Biển-đức XVI: “Đức Giêsu ở Nadarét”. Tập II. Ai muốn đầy đủ chi tiết hơn, đọc phần trích toàn chương. Tại sao Phục Sinh là trọng điểm
05/01/2017
Dân Chủ cho Việt Nam trong khung cảnh văn hoá hôm nay Nguyễn Đăng Trúc. Trong bối cảnh xã hội của Việt Nam hôm nay chúng ta chứng kiến một số hiện tượng nghịch thường: Các định chế
05/01/2017
Được phép hay không được phép rước lễ? Giáo Hội vẫn loay hoay với chuyện làm sao hiểu đúng đắn „Amoris Laetitia“, đặc biệt sau khi lá thư của bốn hồng i (Burke, Brandmüller, Cafarra và Meisner)
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC