Dân ngoại đón tiếp ơn cứu độ của Đức Kitô, còn Dân Chúa thì sao?

05/01/202010:45 SA(Xem: 6699)
Dân ngoại đón tiếp ơn cứu độ của Đức Kitô, còn Dân Chúa thì sao?
CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật Lễ Hiển Linh

(05-01-2020)


Dân ngoại đón tiếp ơn cứu độ của Đức Kitô, còn Dân Chúa thì sao?


Hien%2BLinh%2B%25281%2529


ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 60,1-6(2) Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Đức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. (3) Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.
  Ep 3,2-3a.5-6(6) Mầu nhiệm Đức Kitô là: trong Đức Kitô, nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Dothái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.
•  TIN MỪNG: Mt 2,1-12
Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giêsu Hài Nhi

(1) Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, (2) và hỏi: «Đức Vua dân Dothái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người». (3) Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. (4) Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. (5) Họ trả lời: «Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: (6) 'Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen dân Ta sẽ ra đời». (7) Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. (8) Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: «Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người. » (9) Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. (10) Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. (11) Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. (12) Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.




CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Các kinh sư Do Thái có tôn giáo chân chính do chính Thiên Chúa thiết lập, còn các nhà chiêm tinh là dân ngoại, bị dân Do Thái coi là theo tà giáo. Nhưng trong bài Tin Mừng này, ai là người gặp được Đấng Cứu Thế Hài Nhi? Tại sao lại như vậy? Có phi lý không? 
2. Có tôn giáo chân chính có phải là điều bảo đảm sẽ gặp Thiên Chúa, sẽ được vào Nước Trời không? Không có tôn giáo chân chính có phải là không thể gặp Thiên Chúa hay không thể vào Nước Trời không? Vấn đề chính yếu hệ tại điều gì?

Suy tư gợi ý:

1.  Một sự kiện xảy ra một cách oái oăm, nghịch lý

Điều đáng lưu ý trong bài Tin Mừng lễ Hiển Linh chính là việc Thiên Chúa mặc khải chân lý –ở đây là việc giáng sinh của Đấng Cứu Thế– một cách không chính thức cho dân ngoại, là những người không thuộc tôn giáo chính thống của Ngài, và họ đã đạt được chân lý hay đã gặp được Đấng Cứu Thế.

Trong bài Tin Mừng này, ta thấy có hai hạng người:

a) Dân Do Thái, cụ thể là giới lãnh đạo xã hội và tôn giáo, là dân được Thiên Chúa tuyển chọn và có tôn giáo chính thống của Thiên Chúa. Dân Do Thái đã được Thiên Chúa chính thức mặc khải việc Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra qua các ngôn sứ trước đó hàng mấy trăm năm, mặc khải này đã được ghi lại trong Kinh Thánh, và toàn dân đều mong đợi Đấng Cứu Thế đến. Có Thánh Kinh trong tay, giới lãnh đạo xã hội và tôn giáo của Do Thái biết Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra tại Bêlem.

b) Dân ngoại, mà đại diện là «mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông» (Mt 2,1). Họ không có tôn giáo chính thống của Thiên Chúa, cũng không có Kinh Thánh trong tay, vì thế họ không biết chính xác Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra và sinh ra ở đâu. Nhưng Thiên Chúa cho họ biết Đấng Cứu Thế đã sinh ra nhờ một phương tiện khác, có thể là kiến thức khoa học hay tôn giáo riêng của họ.

Kết quả là những người có tôn giáo chính thống, có Kinh Thánh trong tay, biết được chính xác nơi sinh ra của Đấng Cứu Thế lại không gặp được Ngài vì họ không thèm đi tìm. Còn những người không có tôn giáo chính thống, chỉ biết được Ngài sinh ra một cách rất mơ hồ, lại gặp được Đấng Cứu Thế, vì họ đã quyết tâm tìm kiếm Ngài. Sự kiện này phải làm chúng ta suy nghĩ và rút ra bài học.



2.  Biết xuông không đủ, phải biến cái biết thành cuộc sống

Sự kiện trên cho chúng ta thấy: việc có tôn giáo chính thống hay biết được những mặc khải chính thức của Thiên Chúa là một điều rất thuận lợi để đạt được chân lý hay để gặp được Thiên Chúa. Nhưng có đạt được chân lý hay có gặp được Thiên Chúa hay không còn tùy thuộc vào thiện chí và nỗ lực tìm kiếm của con người. Những người Do Thái –cụ thể nhất là giới lãnh đạo Do Thái giáo– tuy biết được chính xác Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra tại Bêlem, nhưng họ chỉ biết để mà biết, để rao truyền, để thông tin cho người khác, chứ không phải để sống hay để thực hiện điều mình biết. Nên cuối cùng những thuận lợi hay kiến thức ấy trở thành vô ích cho họ. 

Còn dân ngoại –mà các nhà chiêm tinh là một điển hình– tuy được Thiên Chúa mặc khải chân lý một cách mù mờ không chính xác, nhưng nếu họ có thiện chí, và nỗ lực tìm kiếm để đạt đến chân lý, để gặp Thiên Chúa, thì cuối cùng Ngài cũng giúp họ đạt được điều họ tìm kiếm. Đúng như lời của Đức Giêsu: «Ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì cửa sẽ mở cho họ» (Mt 7,8). Vậy vấn đề quan trọng là ta có nỗ lực đi tìm hay thực hiện điều mình biết hay không.

Nếu các nhà chiêm tinh cũng có não trạng như giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái, thì khi «thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông» (Mt 2,2), họ cũng sẽ chỉ coi đó như một kiến thức như bao kiến thức khác chẳng ảnh hưởng gì đến họ, và họ sẽ chẳng gặp được Đấng Cứu Thế. Nhưng trong thực tế họ đã quyết tâm lên đường tìm kiếm Ngài. Và Thiên Chúa đã giúp họ bằng cách cho ngôi sao dẫn đường đến nơi Đấng Cứu Thế sinh ra. Điều khiến họ hơn hẳn những người được chính thức mặc khải là việc dấn thân tìm kiếm. Kết quả cho thấy nỗ lực tìm kiếm chân lý hay Thiên Chúa có giá trị hơn việc biết được những mặc khải chính thức rất nhiều.



3.  Đừng vội tự mãn về việc mình có tôn giáo chân chính

Vì thế, chúng ta đừng vội tự hào rằng tôn giáo của chúng ta là tôn giáo chân chính, và cứ thế mà an tâm vì chúng ta đã được Thiên Chúa mặc khải cho những chân lý bảo đảm nhất. Nếu chúng ta quyết tâm lợi dụng tôn giáo chính thống hay những mặc khải chính thức để tìm gặp Thiên Chúa, thì chúng ta có lợi thế hơn người ngoại giáo rất nhiều. Nhưng nếu chúng ta ỷ lại vào lợi thế đó để khỏi phải cố gắng sống đúng theo những mặc khải đó thì coi chừng chúng ta sẽ chẳng đạt được gì cả. 

Chuyện ngụ ngôn thỏ và rùa chạy đua là một bài học rất đích đáng cho những người có tôn giáo chính thống như chúng ta. Thỏ có nhiều thuận lợi để thắng cuộc hơn rùa rất nhiều, nhưng chính vì ỷ lại vào những thuận lợi đó mà thỏ đã thua cuộc. Cũng vậy, người đi bộ hay đi chiếc xe đạp cọc cạch mà quyết tâm tới đích thì vẫn bảo đảm sẽ tới đích hơn là người có chiếc xe hơi thật tốt thật nhanh nhưng lại không quyết tâm đi tới đích ấy.

Qua bài Tin Mừng về lễ Hiển Linh, ta thấy để gặp được Thiên Chúa, cần có hai yếu tố

− Về phía Thiên Chúa, ta cần phải được Thiên Chúa soi sáng, chỉ dẫn, mời gọi và giúp sức; 

− Về phía ta, chính ta phải đáp lại lời mời gọi và nỗ lực tìm kiếm Ngài. 

Thiếu một trong hai yếu tố đó, việc gặp Thiên Chúa không thể thành tựu được. 

Yếu tố về phía Thiên Chúa luôn là yếu tố khởi động: Ngài mời gọi ta trước, và Ngài để ta được hoàn toàn tự do trong việc đáp lại hay từ chối lời mời gọi của Ngài. 

Yếu tố về phía ta vẫn là yếu tố chủ động mang tính quyết định. Đối với các kinh sư Do Thái, qua Kinh Thánh, Thiên Chúa đã cho họ biết Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra. Họ được mặc khải rõ ràng, được mời gọi một cách ưu tiên hơn và trân trọng hơn các nhà chiêm tinh rất nhiều, nhưng họ lại không chủ động đáp lại lời mời gọi ấy. Còn đối với các nhà chiêm tinh, Thiên Chúa đã cho họ thấy vì sao của Đấng Cứu Thế. Họ tuy được mặc khải rất ít, và không được ưu tiên mời gọi, nhưng lại chủ động đáp lại lời mời gọi và lên đường tìm kiếm. Thiên Chúa đã giúp họ tìm kiếm bằng ngôi sao dẫn đường, và họ đã tìm được Đấng Cứu Thế.

Từ đó, ta có thể kết luận: yếu tố quan trọng để gặp Chúa không nằm ở việc có tôn giáo chính thống cho bằng ở chính nỗ lực của con người có quyết tâm đáp lại lời mời gọi của Ngài và có tìm Ngài hay không. 

Người không có tôn giáo chân chính vẫn có thể gặp được Ngài nếu quyết tâm và nỗ lực tìm kiếm Ngài. Ngược lại, người có tôn giáo chân chính mà thiếu nỗ lực đó thì tôn giáo chân chính trở nên vô ích đối với họ. Chính vì thế, Đức Giêsu mới nói: «Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng» (Mt 8,11-12).

Thánh Phaolô quảng diễn ý tưởng ấy rõ ràng hơn: «Phép cắt bì hẳn là có ích nếu bạn thi hành Lề Luật. Nhưng nếu bạn vi phạm Lề Luật, thì bạn có được cắt bì cũng kể như không cắt bì» (Rm 2,25). Câu này cho thấy phép cắt bì hay rửa tội, dấu chứng của người có tôn giáo chân chính, sẽ trở nên vô ích nếu ta không tuân giữ luật của Thiên Chúa. Thánh Phaolô viết tiếp: «Trái lại, nếu người không được cắt bì mà giữ những điều Luật dạy, thì tuy họ không được cắt bì, Thiên Chúa lại chẳng coi họ như đã được cắt bì sao? Người không được cắt bì trong thân xác mà vẫn chu toàn Lề Luật, người ấy sẽ lên án bạn, vì bạn có Lề Luật ghi chép hẳn hoi và bạn đã được cắt bì, mà vẫn vi phạm Lề Luật» (Rm 2,26-27). 

Lời này cho thấy người không được cắt bì hay rửa tội, nếu sống đúng thánh ý Thiên Chúa, tuân giữ luật Chúa được ghi khắc trong lương tâm họ (x. Rm 2,15) –nghĩa là yêu mến Thiên Chúa bằng đời sống yêu thương tha nhân, sống trọn tình trọn nghĩa– thì họ cũng được Thiên Chúa coi như đã được cắt bì hay rửa tội. Vì thế, điều quan trọng đối với chúng ta, người Kitô hữu, là phải làm theo thánh ý Thiên Chúa, giữ đúng luật mới và cũng là duy nhất của Đức Kitô là «Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34). Không giữ luật yêu thương của Ngài thì việc theo Chúa hay có tôn giáo chân chính của ta chẳng những trở nên vô ích, mà còn là lý do để Thiên Chúa kết án ta nữa.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Cha đã mặc khải chân lý cho con qua Đức Giêsu. Đó là một thuận lợi đặc biệt cho con hơn những người ngoài Kitô giáo để sống đúng là con cái Cha và đáng được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu mà Cha dành cho con cái mình. Xin giúp con ý thức hồng ân cao cả ấy để con sống đúng là con cái hiếu thảo của Cha, sống đúng thánh ý Cha là sống có tình có nghĩa với Cha và với tất cả mọi người chung quanh con. Nếu không, tất cả những chân lý mà Cha mặc khải cho con đều trở nên vô ích và còn nên cớ cho con bị lên án trong ngày phán xét cuối cùng nữa.

Nguyễn Chính Kết

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18/08/2019
Chấp nhận những khốn nạn bất công xẩy tới cho mình như là số phần Thiên Chúa an bài cho mình, mà không chút hận thù, như trường hợp ông Vũ Duy Thái dưới đây, phải chăng là dấu chỉ vong thân và tiêu cực của người theo Chúa? Hay đó là dấu chỉ của một tâm hồn đã đạt tới chiều sâu của Tin Mừng? Bài sau đây của tác giả nạn nhân đọc tại nhà thờ trại tỵ nạn Songkhla Thái Lan ngày 14-4-1980, vào buổi lễ giỗ 100 ngày vợ và 4 đứa con của ông bị chết vì hải tặc.
18/08/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Gr 38,4-6.8-10: (4) Các thủ lãnh thưa với vua Xítkigiahu: «Xin ngài cho giết Giêrêmia đi, vì những luận điệu của ông ta đã làm nản lòng các binh sĩ còn lại trong thành này, cũng như toàn dân. Thật vậy, con người ấy chẳng mưu hoà bình cho dân này, mà chỉ gây tai hoạ». • Dt 12,1-4: (3) Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí. • TIN MỪNG: Lc 12,49-53
11/08/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Kn 18,6-9: (9) Con lành cháu thánh của những người lương thiện (…) đồng tâm nhất trí về luật sau đây của Thiên Chúa, là trong dân thánh, có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chia. • Dt 11,1-2.8-19: (13) Tất cả các tổ phụ (…) đều xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất. (14) Như vậy cho thấy là họ đang đi tìm một quê hương. (15) Và nếu quả thật họ còn nhớ tới quê hương mình đã bỏ ra đi, thì họ vẫn có cơ hội trở về. (16) Thực ra các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời. • TIN MỪNG: Lc 12,32-48
05/08/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Gv 1,2; 2,21-23: (2) Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. • Cl 3,1-5.9-11: (1) Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. (2) Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. • TIN MỪNG: Lc 12,13-21
28/07/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • St 18,20-32: (Khi cầu nguyện, Ápraham mặc cả với Chúa nhiều lần để xin Chúa tha phạt cho thành Xơđôm tội lỗi). • Cl 2,12-14: (13) Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta. (14) Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá. • TIN MỪNG: Lc 11,1-13
21/07/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • St 18,1-10a: (1) Đức Chúa hiện ra với ông Ápraham tại cụm sồi Mamrê (…). (2) Ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông (…) (6) Ông Ápraham vội vã vào lều tìm bà Xara mà bảo : «Bà mau mau lấy ba thúng tinh bột mà nhồi, rồi làm bánh». (7) Ông chạy lại đàn vật, bắt một con bê mềm và ngon, giao cho người đầy tớ, và anh này vội vã làm thịt. (8) Ông lấy sữa chua, sữa tươi và thịt bê đã làm, mà đãi khách; rồi ông đứng hầu dưới gốc cây, đang khi khách dùng bữa. • Cl 1,24-28: (24) Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh. • TIN MỪNG: Lc 10,38-42
15/07/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Đnl 30,10-14: (10) Miễn là anh em nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ. • Cl 1,15-20: (20) Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời. • TIN MỪNG: Lc 10,25-37
01/07/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Is 66,10-14c: (14) Đức Chúa sẽ biểu dương quyền lực của Người cho các tôi tớ biết, và nổi cơn thịnh nộ với các kẻ thù • Gl 6,14-18: (15) Quả thật, cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới. • TIN MỪNG: Lc 10,1-12.17-20
10/06/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Cv 2,1-11: (4) Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. • 1Cr 12,3b-7.12-13: (6) Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. (13) Tất cả chúng ta đều được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. • TIN MỪNG: Ga 20,19-23
02/06/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Cv 1,1-11: (8) «Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất». • Dt 9,24-28; 10,19-23: (20) Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người. • TIN MỪNG: Lc 24,46-53
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC