Đức Giêsu thờ phượng Thiên Chúa bằng cách chịu «sát tế» để cứu chuộc nhân loại

21/01/20209:39 SA(Xem: 7286)
Đức Giêsu thờ phượng Thiên Chúa bằng cách chịu «sát tế» để cứu chuộc nhân loại
CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Nhật thứ 2 Thường Niên

(19-01-2020)


Đức Giêsu thờ phượng Thiên Chúa 
bằng cách chịu «sát tế» 
để cứu chuộc nhân loại



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 49,3.5-7(6) Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta, (7) để ngươi mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.
  1 Cr 1,1-3(3) Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an.
•  TIN MỪNG: Ga 1,29-34
Lời chứng của Gioan

(29) Hôm sau, ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: «Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. (30) Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.

(31) Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Ítraen, tôi đến làm phép rửa trong nước». (32) Ông Gioan còn làm chứng: «Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. (33) Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần”. (34) Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn».
«Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian»


CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1.   Việc sát tế chiên trong đạo Do Thái bắt nguồn từ đâu, có ý nghĩa gì? Sự việc ấy có liên quan gì đến danh xưng «Chiên Thiên Chúa» mà Gioan Tẩy Giả dùng để giới thiệu Đức Giêsu? 
2.   Việc Đức Giêsu làm «chiên bị sát tế» trên thập giá cho ta bài học gì? Trong lễ toàn thiêu thập giá này, có sự liên hệ gì giữa việc thờ phượng Thiên Chúa và việc yêu thương nhân loại không? Phải chăng Ngài thờ phượng Thiên Chúa bằng cách chết cho nhân loại?
Suy tư gợi ý:

1.  Chiên bị sát tế để hy sinh đền tội thay cho con người

Người Do Thái có tục sát tế chiên trên bàn thờ để thờ phượng, cảm tạ Thiên Chúa, để xin ơn và để đền tội. Tục lệ này bắt nguồn từ thời Abel, con trai thứ của Ađam: «Aben làm nghề chăn chiên» (St 4,2), nên để thờ phượng và tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa, «Aben dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng» lên Ngài (St 4,4). 
Cảnh chiên bị sát tế làm của lễ toàn thiêu trong đạo Do Thái

Đến thời dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ, Môsê ra lệnh cho mỗi nhà người Do Thái phải sát tế một con chiên, bôi máu lên khung cửa (x. Xh 12,2-7). Đêm ấy, tất cả những nhà trên đất nước Ai cập không có máu chiên trên khung cửa, đều bị chết đứa con trai đầu lòng (x. Xh 12,29-30). Chỉ có người Do Thái nhờ máu chiên trên khung cửa mà không bị như thế. Từ đó việc sát tế chiên mang thêm ý nghĩa: chiên chết thay người

Về sau, theo sách Xuất hành (Xh 29,38-46) thì tại đền thờ, các tư tế Do Thái đều sát tế mỗi ngày hai con chiên làm của lễ toàn thiêu: sáng sớm một con, chập tối một con, để dâng lên Thiên Chúa làm của lễ đền tội cho dân. Đúng ra ai phạm tội thì chính người ấy bị phạt, mà phạm đến Thiên Chúa thì chỉ có hình phạt chết mới xứng đáng. Nhưng Thiên Chúa nhân lành không muốn con người phải chết, như Ngài nói qua ngôn sứ Êdêkiel: «Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống» (Ed 18,23). 

Luật công bằng đòi hỏi tội phải đền; nên để con người còn được sống mà ăn năn hối cải, Ngài chấp nhận cho con người lấy chiên đền mạng. Như vậy chiên bị sát tế là để hy sinh chết thay cho con người lẽ ra phải chết vì tội lỗi mình.



2.  Đức Giêsu là «Chiên Thiên Chúa» bị sát tế để cứu nhân loại

Theo lẽ thường, gọi Đức Giêsu là chiên thì quả là xúc phạm. Nhưng để cứu chuộc nhân loại, theo kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa, Đức Giêsu phải bị giết chết để đền tội thay cho con người, tương tự như những con chiên bị sát tế trong đền thờ để chết thay cho người tội lỗi. Gioan đã thấy trước số phận tương lai của Đức Giêsu như thế, nên ông giới thiệu Đức Giêsu cho mọi người: «Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian». Sách Khải Huyền cũng dùng rất nhiều lần từ «Con Chiên» để chỉ về Đức Giêsu.


Đức Giêsu đã trở thành của lễ toàn thiêu trên thập giá

Thánh Phaolô viết: «Nếu máu các con dê, con bò còn thánh hóa được con người, làm cho họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy» (Dt 9,13-14). Hiệu lực đến nỗi Ngài chỉ cần chết một lần là đủ xóa được tội lỗi toàn nhân loại: «Chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ» (Dt 10,10), vì Ngài là «Con Chiên vẹn toàn, không tỳ vết» (1Pr 1,19), nhất là vì Ngài cũng chính là Thiên Chúa, nên giá trị cứu chuộc của Ngài là vô cùng. «Máu của Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Aben» (Dt 12,24). «Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời» (Cl 1,20).



3.  Cách thờ phượng mới của Đức Giêsu đối với Thiên Chúa

Lễ toàn thiêu – mà chính Đức Giêsu là của lễ, là chiên bị sát tế, đồng thời cũng chính là chủ tế, lấy thập giá làm bàn thờ – được thực hiện để thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa. Trong lễ toàn thiêu này, Ngài đã chịu đau khổ tột cùng và bị giết để cứu chuộc nhân loại, để nhân loại «được sống và sống dồi dào» (Ga 10,10). Tất cả chỉ vì yêu thương con người đến tận cùng của tình yêu (x. Ga 13,1). Trong lễ toàn thiêu này, Đức Giêsu đã thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa bằng chính tình yêu hoàn toàn vị tha và vô bờ bến của Ngài đối với nhân loại, được thể hiện cụ thể bằng cái chết thê thảm của Ngài. Đó chính là cách thờ phượng mới của Ngài.

Ngài không thờ phượng Thiên Chúa bằng những lễ toàn thiêu, trong đó chỉ có chiên bị giết chứ chủ tế hay người dâng lễ chẳng bị thiệt hại mảy may. Ngài không tôn vinh Thiên Chúa bằng những lời ca tụng, đề cao Thiên Chúa đến tận mây xanh, mà người tôn vinh chẳng phải mất mát điều gì. Ngài không thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa bằng những thể thức vắng bóng tình yêu đối với tha nhân. Trái lại, Ngài đã bầy tỏ lòng yêu mến của Ngài đối với Thiên Chúa bằng chính tình yêu của Ngài đối với tha nhânYêu Thiên Chúa được thể hiện thành yêu tha nhânNơi Ngài, yêu Thiên Chúa và thương tha nhân chỉ là một tình yêu duy nhất, không độc lập hay tách biệt nhau. Ngài thờ phượng Thiên Chúa bằng cách phục vụ và chết cho tha nhân. Đó là cách yêu mến, thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa của Ngài.

Còn cách yêu mến, thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa của chúng ta dường như độc lập và tách biệt hẳn với việc yêu mến, hy sinh và phục vụ tha nhân. Chúng ta có thể yêu mến, thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa một cách hết sức nhiệt tình, sốt sắng mà không hề nghĩ gì đến những những người chung quanh chúng ta đang cần đến tình yêu, sự quan tâm, giúp đỡ, hy sinh của chúng ta. Ai động chạm đến quyền lợi hay tự ái của ta là ta nổi xung lên và quyết chí ăn thua đủ. Ai vượt trội hơn ta, nổi tiếng hơn ta, được mọi người đề cao hơn ta thì ta bực bội và muốn tìm cách chê bai, hạ nhục người ấy. Ai túng nghèo, khổ cực, bệnh tật, bị áp bức bất công thì ta coi chuyện ấy như không liên can gì đến ta cả. Liệu yêu mến, thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa như thế có giá trị gì trước mặt Ngài không?

Thiên Chúa đã trả lời cho chúng ta qua ngôn sứ Isaia: «Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta, nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã ngấy. Máu bò, máu chiên dê, Ta chẳng thèm! (…) Thôi, đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa. Ta ghê tởm khói hương; Ta không chịu nổi ngày đầu tháng, ngày sabát, ngày đại hội, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạc linh đình. Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm ngheVì tay các ngươi đầy những máu. Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ» (Is 1,11-17).

Chính Đức Giêsu cũng nói: «Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế» (Mt 9,13; 12,7). Ngài đặt nặng tình yêu và sự hòa thuận đối với tha nhân hơn cả việc dâng của lễ toàn thiêu lên Thiên Chúa: «Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình» (Mt 5,23-24).

Cách đây 2700 năm, ngôn sứ Isaia đã cảnh báo về kiểu thờ phượng Thiên Chúa độc lập với tình yêu tha nhân; và cách đây 2000 năm, chính Đức Giêsu cũng lập lại tinh thần ấy của Isaia. Nhưng tiếc thay, cho đến nay, sau mấy ngàn năm, rất nhiều người trong chúng ta vẫn chưa học được bài học của các ngài. Thật đáng tiếc! Trách nhiệm này thuộc về ai?



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu đã trở nên «con chiên bị sát tế», đã chết cách thê thảm để cứu chuộc nhân loại cũng vì tha thiết yêu thương nhân loại. Và sự hy sinh ấy chính là cách Ngài thờ phượng và bày tỏ tình yêu đối với Cha. Xin cho con cũng biết thờ phượng và yêu mến Cha theo cách thức ấy. Nếu không thể hy sinh một cách lớn lao cho tha nhân chung quanh con thì hãy giúp con quảng đại hy sinh cho tha nhân trong những chuyện nhỏ nhặt và cụ thể của đời sống, đó là cách biểu lộ tình yêu đối với Cha mà Cha yêu thích nhất.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18/08/2019
Chấp nhận những khốn nạn bất công xẩy tới cho mình như là số phần Thiên Chúa an bài cho mình, mà không chút hận thù, như trường hợp ông Vũ Duy Thái dưới đây, phải chăng là dấu chỉ vong thân và tiêu cực của người theo Chúa? Hay đó là dấu chỉ của một tâm hồn đã đạt tới chiều sâu của Tin Mừng? Bài sau đây của tác giả nạn nhân đọc tại nhà thờ trại tỵ nạn Songkhla Thái Lan ngày 14-4-1980, vào buổi lễ giỗ 100 ngày vợ và 4 đứa con của ông bị chết vì hải tặc.
18/08/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Gr 38,4-6.8-10: (4) Các thủ lãnh thưa với vua Xítkigiahu: «Xin ngài cho giết Giêrêmia đi, vì những luận điệu của ông ta đã làm nản lòng các binh sĩ còn lại trong thành này, cũng như toàn dân. Thật vậy, con người ấy chẳng mưu hoà bình cho dân này, mà chỉ gây tai hoạ». • Dt 12,1-4: (3) Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí. • TIN MỪNG: Lc 12,49-53
11/08/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Kn 18,6-9: (9) Con lành cháu thánh của những người lương thiện (…) đồng tâm nhất trí về luật sau đây của Thiên Chúa, là trong dân thánh, có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng chia. • Dt 11,1-2.8-19: (13) Tất cả các tổ phụ (…) đều xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất. (14) Như vậy cho thấy là họ đang đi tìm một quê hương. (15) Và nếu quả thật họ còn nhớ tới quê hương mình đã bỏ ra đi, thì họ vẫn có cơ hội trở về. (16) Thực ra các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời. • TIN MỪNG: Lc 12,32-48
05/08/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Gv 1,2; 2,21-23: (2) Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. • Cl 3,1-5.9-11: (1) Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. (2) Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. • TIN MỪNG: Lc 12,13-21
28/07/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • St 18,20-32: (Khi cầu nguyện, Ápraham mặc cả với Chúa nhiều lần để xin Chúa tha phạt cho thành Xơđôm tội lỗi). • Cl 2,12-14: (13) Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta. (14) Người đã xoá sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã huỷ bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá. • TIN MỪNG: Lc 11,1-13
21/07/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • St 18,1-10a: (1) Đức Chúa hiện ra với ông Ápraham tại cụm sồi Mamrê (…). (2) Ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông (…) (6) Ông Ápraham vội vã vào lều tìm bà Xara mà bảo : «Bà mau mau lấy ba thúng tinh bột mà nhồi, rồi làm bánh». (7) Ông chạy lại đàn vật, bắt một con bê mềm và ngon, giao cho người đầy tớ, và anh này vội vã làm thịt. (8) Ông lấy sữa chua, sữa tươi và thịt bê đã làm, mà đãi khách; rồi ông đứng hầu dưới gốc cây, đang khi khách dùng bữa. • Cl 1,24-28: (24) Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh. • TIN MỪNG: Lc 10,38-42
15/07/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Đnl 30,10-14: (10) Miễn là anh em nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ. • Cl 1,15-20: (20) Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời. • TIN MỪNG: Lc 10,25-37
01/07/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Is 66,10-14c: (14) Đức Chúa sẽ biểu dương quyền lực của Người cho các tôi tớ biết, và nổi cơn thịnh nộ với các kẻ thù • Gl 6,14-18: (15) Quả thật, cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên một thụ tạo mới. • TIN MỪNG: Lc 10,1-12.17-20
10/06/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Cv 2,1-11: (4) Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. • 1Cr 12,3b-7.12-13: (6) Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. (13) Tất cả chúng ta đều được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. • TIN MỪNG: Ga 20,19-23
02/06/2019
ĐỌC LỜI CHÚA • Cv 1,1-11: (8) «Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất». • Dt 9,24-28; 10,19-23: (20) Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người. • TIN MỪNG: Lc 24,46-53
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC