TÔNG HUẤN AMORIS LAETITIA (Niềm Vui Tình Yêu Gia Đình) Chương Tám: Đồng Hành, Biệt Phân Và Tái Hội Nhập Sự Yếu Đuối

24/11/201712:51 SA(Xem: 8050)
TÔNG HUẤN AMORIS LAETITIA (Niềm Vui Tình Yêu Gia Đình) Chương Tám: Đồng Hành, Biệt Phân Và Tái Hội Nhập Sự Yếu Đuối

TÔNG HUẤN AMORIS LAETITIA (Niềm Vui Tình Yêu Gia Đình)

 

Chương Tám
Đồng Hành, Biệt Phân Và Tái Hội Nhập Sự Yếu Đuối


 6VrCI4j3wx26Ga5EMSBvrbLaJa_TJ-7UA6fXZAKqyeydGDW48kVnv3pEzu41T5baUKm_HMQ3eNRwfFS97UUSN8nuh_MsXw87RpgWRjxCkyo7IeDq1YQDUvCoDDMOfcDI2_WjXCcR

 

 

 

(Bản dịch của Phạm Hồng-Lam. Dịch theo bản tiếng Đức có đối chiếu với bản tiếng Pháp)

 

 

291. Các nghị phụ thượng hội đồng cho hay, mặc dù Giáo Hội xác tín rằng, bất cứ sự phá vỡ mối dây hôn phối nào cũng „đi ngược lại mong muốn của Thiên Chúa, nhưng Giáo Hội cũng í thức được sự yếu đuối nơi nhiều con cái mình”. (311) Được soi sáng bởi ánh mắt của đức Giê-su Ki-tô, „Giáo Hội trìu mến hướng về những người chỉ tham dự vào đời sống của Giáo Hội một cách bất toàn. Giáo Hội nhìn nhận ơn Chúa cũng hoạt động trong đời sống của họ và ban cho họ lòng can đảm thực thi điều tốt, để họ yêu thương chăm sóc lẫn nhau và chu toàn công việc phục vụ cộng đồng nơi họ sống và làm việc” (312). Ngoài ra, lối tiếp cận trên đây còn được tăng cường thêm trong khung cảnh Năm Thánh của lòng thương xót này. Dù luôn đòi hỏi sự hoàn thiện và không ngừng mời gọi việc đáp trả Thiên Chúa cách trọn vẹn hơn nữa, „Giáo Hội vẫn phải quan tâm ân cần đồng hành với những đứa con yếu đuối nhất của mình vốn đang bị thương tích và mất mát trong tình yêu, bằng cách trao cho họ hi vọng và tin tưởng, cũng giống như ngọn hải đăng ở bến cảng hay ngọn đuốc giữa đám đông soi dẫn cho những ai lạc đường hay đang gặp giông bão” (313). Chúng ta đừng quên, trách vụ của Giáo Hội nhiều khi giống như trách vụ của một bệnh viện dã chiến.


292. Hôn nhân ki-tô giáo là một phản ảnh của sự kết hợp giữa đức Ki-tô với Giáo Hội của Người. Hôn nhân này thể hiện trọn vẹn qua sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ; họ hiến thân cho nhau trong một tình yêu độc chiếm và một lòng trung thành tự do; họ thuộc về nhau cho tới chết, sẵn sàng lưu truyền sự sống mới và được thánh hiến bởi bí tích. Bí tích này ban cho họ ân sủng, để họ trở nên một Giáo Hội tại gia và trở thành chất men gây mầm sống mới cho xã hội. Các hình thức thức kết hợp khác đều mâu thuẫn tự căn bản với lí tưởng này; dù vậy một vài hình thức trong đó cũng thể hiện được một phần nào và một cách tương tự lí tưởng đó. Các nghị phụ thượng hội đồng nhấn mạnh, Giáo Hội luôn luôn tôn trọng những yếu tố xây dựng trong các hoàn cảnh chưa hoặc không còn tương hợp với giáo huấn về hôn nhân của Giáo Hội. (314)


Tính tiệm tiến trong việc chăm sóc mục vụ

 

293. Các nghị phụ cũng quan tâm tới hoàn cảnh đặc biệt của một cuộc hôn nhân thuần tuý dân sự hoặc ngay cả - với những cân nhắc thật kĩ - của một sự sống chung không cưới: „Nếu cuộc hôn nhân dân sự tạo được một sự ổn định rõ ràng, nếu nó được ấn dấu bởi tình yêu sâu đậm, bởi trách nhiệm đối với con cái và chứng tỏ có khả năng vượt qua thử thách, thì đó có thể là một cơ hội, để đồng hành đưa họ tới bí tích hôn phối.” (315) Mặt khác, có điều đáng lo, là nhiều người trẻ ngày nay ngờ vực hôn nhân; họ sống chung với nhau mà chẳng tính gì tới việc hôn thú, trong khi đó nhiều người khác vừa bỏ cam kết này thì ngay sau đó lại bước vào một cam kết mới. Cần „phải có một sự chăm sóc mục vụ đầy thương xót và khích lệ cho những ai ở trong Giáo Hội“. (316) Là vì các mục tử không những có trách nhiệm phải hỗ trợ hôn nhân ki-tô giáo mà còn phải biết „biệt phân các hoàn cảnh sống của nhiều người không còn sống thực tại này nữa“. Các mục tử cần „bước vào một cuộc đối thoại mục vụ với những người này, để nêu bật lên những yếu tố nơi cuộc sống họ, những yếu tố vốn có thể giúp họ mở rộng lòng ra hơn trước Tin Mừng của cuộc hôn nhân trọn vẹn”. (317) Trong việc biệt phân mục vụ này, „cần phải nhận ra được những yếu tố nào có thể hỗ trợ cho việc phúc âm hoá và cho việc tăng trưởng nhân bản và tâm linh”. (318)

 

294. „Việc chọn kết hôn dân sự hay, trong nhiều trường hợp, việc đơn giản sống chung với nhau, thường không do bởi tiên kiến hay vì muốn chống lại bí tích hôn nhân, mà xuất phát từ các yếu tố văn hóa hoặc các hoàn cảnh thực tế.” (319) Ở các trường hợp này, ta có thể nhấn mạnh tới những dấu chỉ yêu thương vốn phản ảnh phần nào lòng yêu thương của chính Thiên Chúa (320). Chúng ta biết, hiện „càng ngày càng gia tăng con số những người xin được nhận bí tích hôn nhân, sau khi sống với nhau trong một thời gian dài. Người ta đơn giản chọn sống chung với nhau, thường là vì khuynh hướng chung muốn chống lại các định chế và những trói buộc dứt khoát, nhưng cũng vì muốn đợi có được một nến móng an toàn cho cuộc sống đã (việc làm ổn định và thu nhập đều đặn). Cuối cùng nơi một số quốc gia có rất nhiều trường hợp chung sống không cưới, không hẳn là vì ở đó các giá trị gia đình và hôn nhân bị phủ nhận, mà chủ yếu là vì việc cử hành hôn nhân do nhiều lí do xã hội được coi là chuyện xa xỉ tốn kém; vì thế hoàn cảnh túng thiếu vật chất đã đẩy người ta vào những kết hợp chung sống như thế”. (321) Dù vậy, „tất cả mọi hoàn cảnh đó đều phải được quan tâm một cách xây dựng, bằng cách cố gắng giúp họ có được những cơ hội đi tới một cuộc sống hôn nhân và gia đình trọn vẹn phù hợp với Tin Mừng. Vấn đề là cần phải đón nhận và đồng hành với họ trong kiên nhẫn và tế nhị”. (322) Đấy là cách đức Giê-su cư xử với người đàn bà xứ Samaria (xem Ga 4:1-26). Người đề cập tới khát vọng tình yêu đích thực của chị, để rồi đưa chị ra khỏi hoàn cảnh ngang trái cuộc đời và dẫn chị tới niềm vui trọn vẹn của Tin Mừng.

 

295. Dựa theo lối đó, thánh Gio-an Phao-lô II đã đề ra điều gọi là „luật tiệm tiến”, bởi ngài biết: Con người „nhận biết, yêu mến và thực thi […] điều tốt về mặt luân lí […] dựa theo nhiều cấp độ tăng trưởng khác nhau” (323). Đây không phải là „tính tiệm tiến của lề luật”, nhưng là sự tiệm tiến trong việc thi hành một cách tương xứng các hành vi tự do của những con người vốn chưa có khả năng hiểu, đánh giá và thực hiện được những đòi hỏi khách quan của lề luật. Là bởi lề luật cũng là một quà tặng của Thiên Chúa trao ban cho tất cả mọi người không trừ ai để soi đường chỉ lối cho họ; và với sự trợ giúp của ơn thánh, con người có thể tuân giữ được lề luật, cho dù mỗi người chỉ có khả năng „hội nhập tiệm tiến từng bước một các ơn phúc Chúa ban cũng như các đòi hỏi của tình yêu dứt khoát và tuyệt đối của Người trong suốt cuộc sống bản thân và xã hội của họ”. (324)

 

Biệt phân những hoàn cảnh được gọi là „bất thường“ (325)

 

296. Thượng Hội Đồng đã bàn tới nhiều hoàn cảnh yếu đuối hay bất toàn khác nhau. Ở đây, tôi muốn nhắc lại đôi chút về điều mà tôi muốn trình bày thật rõ ràng cho toàn Giáo Hội, kẻo chúng ta đi lầm đường: „Hai lốii lập luận […] vẫn diễn ra trong suốt lịch sử giáo hội: loại trừ và tái hội nhập […] Từ thời Công Đồng Giê-ru-sa-lem, đường lối của Giáo Hội vẫn luôn là đường lối của đức Giê-su, đó là con đường thương xót và hội nhập [...] Đường lối của Giáo Hội là không kết án ai mãi mãi, luôn tuôn đổ tình thương xót trên tất cả những ai thành tâm kêu xin […] Là vì tình yêu đích thực luôn là thứ nhưng không, vô điều kiện và không đòi hỏi công trạng” (326). Vì thế […] cần tránh đi những sự phán xét không tính đến sự phức tạp của những hoàn cảnh khác nhau. Cần phải lưu í tới cách sống của người ta và hoàn cảnh đau khổ của họ.” (327)

 

297. Vấn đề là cần phải hội nhập mọi người vào Giáo Hội; phải giúp từng người tìm được cách riêng của họ để tham dự vào cộng đoàn giáo hội, để họ cảm nhận được rằng, mình là kẻ nhận lãnh một lòng thương xót „không cần công trạng, vô điều kiện và nhưng không”. Không ai có thể bị kết án mãi mãi, vì điều này không phải là lập luận của Tin Mừng! Ở đây, tôi không chỉ nói tới những người li dị tái hôn, mà tới hết mọi người hiện sống trong bất cứ hoàn cảnh nào. Dĩ nhiên, nếu ai đó trưng ra một tội khách quan và bảo đó là một phần của lí tưởng ki-tô giáo, hay muốn áp đặt một điều gì đó ngược lại giáo huấn của Giáo Hội, thì người đó không thể bảo rằng, mình đang dạy giáo lí hoặc rao giảng, và trong í nghĩa đó có một sự cách ngăn giữa họ và cộng đoàn (xem Mt 18,17). Người đó cần lắng nghe lại sứ điệp và lời kêu gọi hối cải của Tin Mừng. Dù vậy, ngay cả người này cũng vẫn có cách nào đó tham dự vào đời sống cộng đoàn, hoặc qua những công tác xã hội, qua các buổi tụ tập cầu nguyện hay một cách khác do sáng kiến riêng của họ cùng với khả năng rà xét của linh mục quản xứ. Về cách xử lí với các hoàn cảnh „bất thường”, các nghị phụ thượng hội đồng đã đạt được một thoả thuận tổng quát và được tôi ủng hộ như sau: „Giáo Hội có nhiệm vụ tìm ra một lối tiếp cận mục vụ phù hợp đối với những người đã kết hôn dân sự và những người li dị tái hôn hay chỉ sống chung với nhau, để giúp họ hiểu ra đường lối sư phạm của ơn lành thiên chúa trong đời sống họ và giúp họ đạt tới sự viên mãn của kế hoạch của Thiên Chúa.” (328); với trợ lực của Chúa Thánh Thần, điều này luôn luôn có thể thực hiện được.

 

298. Những người li dị tái hôn, chẳng hạn, có thể rơi vào nhiều hoàn cảnh khác nhau, và ta không được phép xếp tất cả vào những loại hình hay những phát biểu quá cứng ngắc, không chừa chỗ cho một biệt phân cá nhân hay mục vụ phù hợp nào. Có những trường hợp li dị tái hôn, với thời gian, mối dây ràng buộc giữa họ được củng cố, họ có thêm con cái, gắn bó trung thành, hiến thân quảng đại, dấn thân sống đạo; họ í thức được sự bất thường của cuộc sống chung, nhưng lại gặp khó khăn lớn lao này, là nếu quay về lối cũ thì lương tâm cắn rứt, vì cho rằng mình lại rơi vào một tội mới. Giáo Hội biết có những hoàn cảnh „trong đó, vì các lí do quan trọng, như việc dưỡng dục con cái chẳng hạn, người đàn ông và người đàn bà không thể chấp hành luật phải li thân”. (329) Cũng có trường hợp nhiều người đã cố gắng hết sức để cứu vãn cuộc hôn nhân đầu của họ, nhưng đã rơi vào đau khổ vì bị bỏ rơi một cách bất công; hay trường hợp những người „tái hôn vì muốn con cái được dưỡng dục đầy đủ, và […] đôi khi họ chủ quan tin chắc rằng, cuộc hôn nhân đổ vỡ và không thể hàn gắn trước đây vốn chưa bao giờ thành sự cả”. (330) Cũng có những trường hợp khác: có người tái hôn ngay sau khi vừa mới li dị, kéo theo bao nhiêu hậu quả đau khổ và rối rắm cho con cái và các gia đình liên quan; hay trường hợp của một người chẳng bao giờ chu toàn được các nghĩa vụ của mình đối với gia đình. Rõ ràng đấy là những trường hợp đi ngược lại lí tưởng của Tin Mừng về hôn nhân và gia đình. Các nghị phụ minh định rõ, người mục tử cần phải „sáng suốt biệt phân“ (331) trong phán đoán của mình, cần phải có „cái nhìn riêng biệt“ tuỳ vào „mỗi trường hợp khác nhau” (332). Chúng ta hẳn biết, chẳng có „liều thuốc toàn hảo“ (333) nào cho các hoàn cảnh đó cả.

 

299. Tôi tán đồng sự đắn đo của nhiều nghị phụ, khi các ngài muốn nhắc nhở rằng, „cần (phải) hội nhập bằng nhiều cách những tín hữu li dị tái hôn dân sự mạnh hơn vào cộng đoàn, nhưng ở đây phải tránh tạo ra mọi thứ gương xấu. Lô-gích của hội nhập là chìa khóa cho việc đồng hành mục vụ với họ, để họ không những hiểu rằng, mình thuộc về nhiệm thể đức Ki-tô cũng là Giáo Hội, mà còn để họ cảm nghiệm được niềm vui và sự sinh lợi trong nhiệm thể ấy. Họ là người đã nhận phép rửa, là anh chị em, Chúa Thánh Linh tuôn đổ các ơn lành và đặc sủng tạo phúc lộc cho mọi người. Sự tham dự của họ có thể thể hiện qua nhiều công tác phục vụ khác nhau trong Giáo Hội: Do đó cần phải xét xem, có thể hủy bỏ những hình thức nào trong số các biện pháp loại trừ đang được áp dụng trong sinh hoạt phụng vụ, mục vụ, giáo dục và định chế. Để họ không những không coi mình là kẻ bị tuyệt thông, mà còn cảm thấy mình được sống và trưởng thành như là những chi thể sống động của Giáo Hội, khi họ cảm nhận Giáo Hội là người mẹ hiền luôn giang tay đón họ, âu yếm lo lắng cho họ và khích lệ họ trên đường đời và đường sống tin mừng. Việc hội nhập này cũng cần thiết đối với việc săn sóc và giáo dục con cái họ, vốn là điều phải được coi là quan trọng nhất.” (334)

 

300. Khi quan tâm tới bao nhiêu là khác biệt của những hoàn cảnh cụ thể - như đã được trình bày trên đây, ta có thể hiểu, là mình không thể chờ đợi Thượng Hội Đồng hoặc tông huấn này sẽ đưa ra một quy định mới mang tính giáo luật để áp dụng chung cho mọi trường hợp. Chúng ta chỉ có thể tăng cường khuyến khích các mục tử hãy có những biệt phân cá nhân và mục vụ đầy trách nhiệm cho từng trường hợp riêng rẽ. Và vì „mức độ trách nhiệm […] trong mọi trường hợp không giống nhau“ (335), nên ta phải chấp nhận sự khác biệt này, là những hệ quả hay tác động của một qui chuẩn không luôn nhất thiết phải là một (336). Các linh mục có bổn phận phải „đồng hành với những người trong cuộc trên tiến trình nhận định những yếu tố hoàn cảnh cá biệt của họ, và tiến trình này được thực hiện phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội và với những quy định của giám mục. Trong tiến trình nhận định này cần  suy xét lương tâm qua những giờ phút suy tư và thống hối. Những người li dị tái hôn nên tự vấn: họ đã hành xử với con cái ra sao khi cuộc sống vợ chồng rơi vào khủng hoảng; họ có cố gắng hoà giải với nhau không; tình trạng của người bạn đời bị bỏ rơi ra sao; cuộc hôn nhân mới tạo ra những hậu quả nào cho những người khác trong gia đình và cho cộng đoàn tín hữu; họ đã làm gương ra sao đối với những người trẻ đang chuẩn bị hôn nhân. Một sự suy tư nghiêm túc có thể làm tăng thêm niềm tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa, một lòng thương xót ai ai cũng có thể nhận được”. (337) Đây là con đường đồng hành và biệt phân, „nhằm giúp những tín hữu này í thức được hoàn cảnh của họ trước mặt Thiên Chúa. Những trao đổi riêng với linh mục ở toà trong (forum internum) sẽ góp phần vào việc đào tạo phán đoán đúng về những gì đang gây trở ngại cho một sự tham dự trọn vẹn hơn vào đời sống giáo hội, và từ đó có thể giúp tìm ra những biện pháp tạo thuận lợi cho sự tham dự này và làm nó lớn mạnh lên. Vì chính giáo luật không dự trù yếu tố tiệm tiến (so sánh Familiaris Consortio, 34), nên việc biệt phân này phải luôn đối chiếu với các đòi hỏi của chân lí và của tình yêu tin mừng, như Giáo Hội vẫn dạy. Để có thể thực hiện được điều này, phải có các điều kiện cần thiết sau đây trong việc thành tâm tìm hiểu thánh í thiên chúa và trong việc đòi hỏi đáp ứng thánh í đó cách trọn hảo: khiêm tốn, tế nhị, yêu mến Giáo Hội và giáo huấn của Giáo Hội”. (338) Phải nhất mực giữ những thái độ nền tảng này, để tránh nguy cơ gia trọng về sự hiểu lầm, chẳng hạn như việc cho rằng, bất cứ linh mục nào cũng có thể nhanh chóng ban cấp „các luật trừ”, hoặc có những người có thể nhận được các đặc ân bí tích nhờ đổi chác ân huệ với linh mục. Khi một người có tinh thần trách nhiệm và biết điều, vốn không cố í đặt ước muốn của mình lên trên lợi ích chung của Giáo Hội, gặp được một mục tử í thức được sự nghiêm túc của vấn đề đang giải quyết, thì sự biệt phân kia sẽ tránh được nguy cơ khiến cho người ta nghĩ rằng, Giáo Hội nuôi dưỡng thói đạo đức giả.

 

Các yếu tố giảm khinh trong việc biện phân mục vụ

 

301. Để hiểu đúng đắn, tại sao lại có thể làm và cần phải có những biệt phân trong một số trường hợp gọi là „bất thường“, cần phải luôn lưu í điểm sau đây, để không một ai có thể cho rằng, các đòi hỏi của Tin Mừng đã bị bóp méo. Giáo Hội đã có những suy nghĩ chín chắn về các điều kiện và hoàn cảnh giảm khinh. Do đó, không còn có thể quả quyết rằng, tất cả những ai sống trong một hoàn cảnh „bất thường” nào đó đều đang ở trong tình trạng tội trọng và không còn nhận được ơn thánh hóa. Những hạn chế không phải chỉ vì do không biết quy chuẩn. Một người có thể nắm vững qui chuẩn, nhưng lại gặp khó khăn lớn trong việc „hiểu các giá trị của quy chuẩn (norm) đạo đức đó” (339), hoặc người đó có thể đang ở trong một hoàn cảnh cụ thể không cho phép họ hành động khác hơn và có những quyết định khác hơn, mà không mang thêm tội vào mình. Các nghị phụ thượng hội đồng đã nói đúng, „có thể có những yếu tố hạn chế khả năng chọn quyết định.“ (340). Ngay thánh Tô-ma A-qui-nô cũng nhìn nhận, một người nào đó có thể có ơn thánh và đức ái, nhưng lại không có khả năng thi hành bất cứ nhân đức nào một cách tốt đẹp (341), đến nỗi người đó, dù chính mình có mọi nhân đức luân lí thiên phú, vẫn không biểu lộ được một cách rõ ràng sự hiện hữu của một trong các nhân đức này, vì họ gặp trở ngại trong việc thực hành nhân đức này ra bên ngoài: „Người ta kể, một vài vị thánh chẳng có nhân đức nào, là vì các ngài cảm thấy khó khăn trong việc thực hiện chúng, cho dù các ngài có thói quen của mọi nhân đức.” (342)

 

302. Sách Giáo Lí của Giáo Hội Công Giáo có một phát biểu thuyết phục về những hạn chế đó: „Việc quy tội và việc chịu trách nhiệm đối với một hành động có thể được giảm thiểu hay thậm chí triệt tiêu, vì do không biết, vô í, bị cưỡng bức, sợ hãi, thói quen, quyến luyến quá mức cũng như do các yếu tố tinh thần hay xã hội khác.” (343). Trong một đoạn khác, Sách lại nói tới những hoàn cảnh làm giảm thiểu trách nhiệm đạo đức, và kể ra rất rõ ràng, đó là „sự thiếu trưởng thành tình cảm, trì lực của những thói quen xác thịt, các tình trạng sợ hãi và những yếu tố tinh thần hoặc xã hội khác“. (344). Vì lí do đó, một xét đoán tiêu cực về một hoàn cảnh khách quan không bao hàm nghĩa một phán đoán về việc quy trách nhiệm hay qui tội cho người liên hệ. (345) Dựa trên các xác tín này, tôi coi là rất thích đáng điều mà nhiều nghị phụ thượng hội đồng đã muốn xác nhận: „Trong một số hoàn cảnh nhất định, người ta rất khó có thể hành động khác đi […] Nỗ lực mục vụ trong việc biệt phân tinh thần phải chấp nhận những hoàn cảnh đó, kể cả việc lưu tâm tới lương tâm ngay chính của con người. Cả hậu quả của những hành vi đã làm cũng không nhất thiết phải như nhau trong mọi trường hợp.“ (346).

 

303. Khi nhận ra tầm quan trọng của các yếu tố hạn chế cụ thể trên đây, ta có thể nói thêm rằng, Giáo Hội cần phải lắng nghe nhiều hơn tiếng lương tâm của con người, khi giải quyết một số trường hợp vốn không phù hợp một cách khách quan với cái hiểu của Giáo Hội về hôn nhân. Dĩ nhiên, qua sự biệt phân nghiêm túc và có trách nhiệm, người mục tử luôn phải khích lệ lương tâm của người được đồng hành, để họ lớn lên trong hiểu biết và chín chắn cũng như càng ngày càng thêm tin tưởng vào lượng hồng ân của Thiên Chúa. Nhưng lương tâm này không những có thể nhận ra được một hoàn cảnh nào đó không phù hợp một cách khách quan với các đòi hỏi chung của Tin Mừng mà thôi. Nó còn có thể nhận biết một cách thành tâm và trung thực rằng đây là sự đáp trả quảng đại nhất mà họ có thể trao cho Thiên Chúa lúc này, và họ khám phá ra với một sự chắc chắn đạo đức nào đó rằng, đây là hi sinh mà chính Chúa đòi hỏi mình trong hoàn cảnh còn quá nhiều giới hạn, cho dù hi sinh đó chưa phù hợp hoàn toàn với lí tưởng khách quan. Dù sao chúng ta cũng cần nhớ, việc biệt phân này có tính năng động và luôn phải mở ra cho những giai đoạn tăng trưởng mới và cho những quyết định mới nhằm giúp thực hiện lí tưởng đó cách hoàn hảo hơn.

 

Các qui chuẩn và sự phân biệt

 

304. Quả là nhỏ nhặt, nếu ta dừng lại nơi việc xét xem liệu hành vi của một cá nhân có hợp với luật lệ hay có đúng với quy chuẩn không mà thôi, bởi vì điều này không đủ để nhận biết và xác định sự tận trung đối với Thiên Chúa của một con người sống trong một hoàn cảnh cụ thể. Tôi thiết tha kêu gọi chúng ta hãy nhớ tới lời dạy của thánh Tô-ma A-qui-nô và hãy học cách áp dụng nó vào việc biệt phân mục vụ: „Mặc dù trong bình diện tổng quát vốn có một sự tất yếu nào đó, nhưng càng đi vào lãnh vực đặc thù ta lại dễ rơi vào lầm lẫn […] Trong lãnh vực hành động, chẳng có một chân lí hoặc một sự đúng đắn thực tế nào cho mọi trường hợp đặc thù, mà chỉ có cho những trường hợp tổng quát mà thôi; và nếu có một sự đúng đắn chung cho những trường hợp đặc thù, thì sự đúng đắn đó lại không được mọi người nhận ra cách như nhau [...] Như thế, càng đi vào chi tiết, luật trừ càng gia tăng.“ (347) Những quy chuẩn tổng quát đúng là một gia sản mà ta phải luôn quan tâm và không được bỏ qua, nhưng các công thức phát biểu của chúng không thể nào bao gồm được mọi hoàn cảnh cá biệt. Đồng thời cũng phải nói rằng, chính vì lí do này, ta không thể nâng điều vốn chỉ là một phần của sự biệt phân cụ thể cho một hoàn cảnh đặc thù lên hàng một qui chuẩn. Điều này có thể không những sẽ dẫn đến một thứ tổng quát hoá (Kasuistik) không thể chấp nhận được, mà còn có thể tạo nguy cơ cho những giá trị mà ta cần phải đặc biệt thận trọng bảo tồn (348).

 

305. Do đó người mục tử không được phép hài lòng, khi chỉ biếp áp dụng các lề luật luân lí đối với những những người đang sống trong các hoàn cảnh „bất thường”, dùng chúng như thể là những tảng tá ném lên đời họ. Đó là tình trạng của con tim đóng kín, ngay cả còn ra điều nấp đàng sau giáo huấn của Giáo Hội nữa, „để bước lên tòa Mô-sê và – đôi khi từ trên cao kênh kiệu - phán xuống quy kết một cách hời hợt những trường hợp khó khăn và các gia đình bị thương tích“. (349) Cũng trong đường hướng này Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đã nhận định: „Như vậy luật (luân lí) tự nhiên không nên được trình bầy như một tập hợp các qui luật đã có sẵn, để tiên thiên (a priori) áp đặt trên chủ thể luân lí; mà trái lại nó là một nguồn gợi hứng khách quan cho tiến trình lấy quyết định hoàn toàn có tính cách cá nhân của người mục tử.“ (350) Vì do những giới hạn của các yếu tố giảm khinh nên dù đang ở trong một hoàn cảnh khách quan tội lỗi – hoàn cảnh này không do chủ quan gây ra hoặc không hoàn toàn do chủ quan gây ra - người ta có thể vẫn sống trong hồng ân của Chúa, vẫn có thể yêu thương và lớn lên trong đời sống ơn thánh và đức ái, nếu như họ nhận được sự trợ giúp của Giáo Hội để đi lên. (351). Việc biệt phân phải là phương tiện nhằm giúp họ tìm ra những cách thế vốn có để đáp trả Thiên Chúa và lớn lên giữa các giới hạn của họ. Khi nghĩ rằng, mọi chuyện là trắng hoặc đen, chúng ta đôi khi chặn mất con đường ân sủng và bước tăng trưởng và làm họ nản chí trên con đường nên thánh nhằm vinh danh Thiên Chúa. Chúng ta cần nhớ, „một bước tiến nhỏ giữa những giới hạn to lớn của con người […] [có thể] làm Thiên Chúa hài lòng hơn là cuộc sống bề ngoài xem ra đàng hoàng của những người ngày ngày chẳng gặp một khó khăn nào đáng kể”. (352) Việc chăm sóc mục vụ thực tiễn của các mục tử và của cộng đoàn phải lưu í tới thực tại này.

 

306. Trong mọi hoàn cảnh, đối với những người gặp khó khăn trong việc sống luật Chúa cách trọn vẹn, phải mời gọi họ tiến bước trên con đường yêu thương (via caritatis). Đức ái huynh đệ là luật đầu tiên của Ki-tô hữu (xem Ga 15,12; Gl 5,14). Chúng ta đừng quên lời hứa của Kinh Thánh: „Trước hết hãy cùng nhau giữ vững tình yêu, vì tình yêu khoả lấp nhiều tội lỗi” (1Pr 4:8); „Hãy đoái tội lập công bằng cách làm việc nghĩa, bằng cách tỏ lòng từ bi đối với người nghèo.“ (Đn 4,24) „Nước dập tắt lửa hồng, bố thí đền bù tội lỗi”. (Hc 3,30) Đấy cũng là điều thánh An-tịnh (Augustinus) dạy: „Lúc bị lửa đe dọa, ta chạy đi tìm nước để dập tắt nó [...], thì cũng thế lúc ngọn lửa tội lỗi nổi lên trong đống rơm lòng ta và ta bối rối: Nếu lúc đó có cơ hội thực hiện một việc thương xót, hãy hân hoan về nó, như thể ta tìm được nguồn nước để dập tắt ngọn lửa”. (353)


Luận lí của lòng thương xót mục vụ

 

307. Để tránh mọi diễn giải sai, tôi nhắc lại, Giáo Hội không bao giờ từ bỏ việc đề xướng mẫu hôn nhân lí tưởng, vốn là kế hoạch của Thiên Chúa, với tất cả nét cao đẹp của nó: „Những tín hữu trẻ cần được khuyến khích, để họ đừng ngần ngại trước kho báu dồi dào do bí tích hôn nhân trao tặng cho ước vọng yêu đương của họ, để họ được nâng đỡ bởi ơn thánh của đức Ki-tô và bởi cơ hội được tham dự trọn vẹn vào đời sống giáo hội.“ (354). Lãnh đạm, tìm mọi cách tương đối hóa hay nể vì quá lẽ khi trình bày sự việc có thể là những thái độ thiếu trung thành với Tin Mừng và thiếu tình thương của Giáo Hội đối với chính những người trẻ. Thông cảm với những trường hợp ngoại lệ không bao giờ có nghĩa là muốn làm lu mờ đi ánh sáng của khuôn mẫu lí tưởng kia, và cũng không có nghĩa là đưa ra ít đòi hỏi hơn điều mà đức Giê-su đã đòi hỏi con người. Ngày nay, việc nỗ lực mục vụ nhằm củng cố và ngăn cản hôn nhân đổ vỡ quan trọng hơn là việc mục vụ đối với nhưng trường hợp đã thất bại.

 

308. Nhưng việc í thức được tầm quan trọng của các hoàn cảnh giảm khinh – hoàn cảnh tâm lí, lịch sử và ngay cả sinh lí – đưa ta tới thái độ này: „dù không làm giảm giá trị của Tin Mừng về lí tưởng hôn nhân trên đây, ta cần phải dùng tình thương và nhẫn nại để đồng hành với các giai đoạn lớn lên có thể có của con người được vun đắp thêm từng ngày“ và như vậy phải tạo ra một cơ hội „cho lòng thương xót của Chúa, một lòng thương xót thúc đẩy ta làm những gì tốt có thể”. (355). Tôi hiểu, có những người muốn chọn lối mục vụ khắt khe hơn, vốn không chừa chỗ cho bất cứ một rắc rối nào. Nhưng tôi thực tình tin rằng, đức Giê-su Ki-tô muốn có một Giáo Hội biết lưu tâm tới điều tốt mà Chúa Thánh Linh vốn gieo trong sự yếu đuối và dễ sa ngã của con người. Người muốn Giáo Hội là một người mẹ luôn vẫn nêu lên giáo huấn khách quan của mình, nhưng đồng thời „vẫn không từ chối cơ hội làm điều tốt, dù khi làm thế, giầy dép của mình bị vấy bẩn bùn đường”. (356). Những mục tử vốn đòi hỏi lí tưởng tin mừng và giáo huấn giáo hội nơi tín hữu mình cũng phải giúp họ, cũng phải chấp nhận nguyên tắc đồng cảm với kẻ yếu đuối và tránh đàn hạch hoặc đưa ra những phán xét quá khắc nghiệt và hấp tấp. Chính Tin Mừng đòi hỏi chúng ta không được xét đoán hay kết án (xem Mt 7,1; Lc 6,37). Đức Giê-su mong „ta đừng trốn nấp đàng sau bức tường bản thân hoặc cộng đoàn để tránh tiếp xúc với trái tim bi thảm của con người, để ta nhờ đó biết tha thiết chấp nhận đụng chạm với cuộc sống thực tế của kẻ khác và học biết được sức mạnh của sự dịu dàng. Khi làm được như thế, ta sẽ thấy cuộc sống quả là phức tạp cách kì diệu“. (357)

 

309. Quả thật phù hợp, khi những suy tư trên đây được khai triển trong Năm Thánh dành cho lòng thương xót. Là vì đứng trước những hoàn cảnh khác nhau đang đổ xuống trên gia đình, „Giáo Hội có bổn phận phải loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, vốn là trái tim sống động của Tin Mừng và là phương tiện đi vào tân can và trí tuệ của con người. Hiền thê của đức Ki-tô mặc lấy tác phong của Con Thiên Chúa, Đấng đi tới mọi người, không loại trừ ai”. (358) Giáo Hội biết, chính đức Giê-su là mục tử của một trăm con chiên, chứ không phải chỉ của chín mươi chín con. Người muốn hết tất cả mọi con chiên. Với í thức đó, „mọi tín hữu, dù đang đứng xa hay gần gũi với Giáo Hội, […]“ đều có thể „cảm nghiệm được dầu thơm lòng thương xót như là dấu chỉ của Nước Trời, vốn đã và đang hiện diện giữa chúng ta”. (359).

 

310. Chúng ta không thể quên rằng, „lòng thương xót không phải chỉ là một phẩm chất của hành động thiên chúa. Đúng hơn nó cũng là một tiêu chuẩn để nhận ra ai mới thật là con cái của Người. Vì thế chúng ta được mời gọi thể hiện lòng thương xót, bởi vì nó đã được biểu lộ chính nơi chúng ta rồi”. (360) Đây không phải là một đề nghị lãng mạn hoặc một đáp trả yếu ớt trước tình yêu của Chúa, một tình yêu luôn muốn hỗ trợ và nâng đỡ con người. Là vì lòng thương xót là „đà đỡ đời sống của Giáo Hội […] Toàn bộ hành động mục vụ của Giáo Hội cần phải được bao bọc bởi sự dịu dàng, mà Giáo Hội dành cho các tín hữu mình; không thể thiếu được lòng thương xót trong việc rao giảng và làm chứng của Giáo Hội cho thế giới”. (361) Đúng là thỉnh thoảng chúng ta (hành xử) „như là những kiểm soát viên, chứ không phải là hỗ trợ viên ơn thánh. Nhưng Giáo Hội không phải là một trạm thuế; Giáo Hội là Nhà Cha, nơi có chỗ cho mọi người có cuộc sống vất vả”. (362)


311. Việc giảng dạy thẩn học luân lí phải tiếp nhận vào mình những lối tiếp cận đó, vì mặc dầu đúng là phải tôn trọng tính toàn vẹn trong giáo huấn luân lí của Giáo Hội, ta cũng phải luôn đặc biệt coi trọng việc nhấn mạnh những giá trị cao cả và cơ bản nhất của Tin Mừng và khuyến khích người ta sống những giá trị đó, (363) nhất là khuyến khích họ ưu tiên lấy tình yêu để đáp trả lại sáng kiến nhưng không của tình yêu thiên chúa. Đôi lúc chúng ta phải trả giá đắt trong việc dành chỗ cho tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa trong hoạt động mục vụ. (364) Chúng ta đặt ra cho lòng thương xót quá nhiều điều kiện, khiến nó trở nên trống rỗng mất đi í cụ thể và nghĩa thực tế, và đấy là cách tệ hại nhất để làm tan loãng Tin Mừng. Chẳng hạn, đúng là lòng thương xót không loại trừ công lí và chân lí, nhưng trước hết và trên hết, ta phải khẳng định rằng, lòng thương xót chính là sự viên mãn của công lí và là biểu hiện ngời sáng nhất của chân lí thiên chúa. Vì thế phải luôn tâm niệm rằng, „mọi khái niệm thần học đều là thứ không thích hợp, nếu chúng kì cùng ra tạo nghi ngờ về chính quyền năng vô biên của Thiên Chúa và nhất là về lòng thương xót của Người”. (365)

 

312. Điều trên đây mở ra cho chúng ta một khuôn khổ và một khung cảnh, giúp ta tránh được thứ luân lí bàn giấy lạnh lùng trong việc xử lí các vấn đề nhậy cảm nhất, để ta từ đó có một lối biệt phân mục vụ đầy yêu thương, luôn sẵn sàng tìm hiểu, tha thứ, đồng hành, hi vọng và nhất là đưa con người trở về lại với Giáo Hội. Đây là tư duy cần được đưa lên hàng đầu trong Giáo Hội, để „học hỏi kinh nghiệm, mở rộng lòng ra cho tất cả những ai đang sống trong những vùng ngoại biên hết sức khác nhau”. (366). Tôi mời gọi các tín hữu đang sống trong những hoàn cảnh phức tạp hãy tin tưởng tìm tới trao đổi với các mục tử của mình hoặc với các tín hữu khác vốn đang dâng mình cho Chúa. Có thể không phải lúc nào những người này cũng tán đồng với những í nghĩ hay ước vọng của mình, nhưng chắc chắn họ sẽ cho ta một tia sáng giúp ta hiểu rõ hơn hoàn cảnh hiện tại và giúp ta khám phá ra con đường trưởng thành cho bản thân. Và tôi mời gọi các mục tử, hãy ân cần và thanh thản lắng nghe với ước muốn thành tâm đối diện với thảm kịch của con người, hầu hiểu được cảnh ngộ mà giúp họ sống tốt hơn và giúp họ tìm được chỗ của mình trong Giáo Hội.


[311]  Relatio Synodi 2014, 24.

[312]  Như trên (Nt)., 25.

[313]  Nt., 28.

[314]  So sánh (Ss). nt, 41. 43; Relatio finalis 2015, 70.

[315]  Relatio Synodi 2014, 27.

[316]  Nt, 26.

[317]  Nt ., 41.

[318]  Nt.

[319]  Relatio finalis 2015, 71.

[320] Ss. Nt.

[321]  Relatio Synodi 2014, 42.

[322]  Nt., 43.

[323] Tông huấn (Th) Familiaris consortio (22. November 1981), 34: AAS 74 (1982), S. 123.

[324] Johannes Paul II., Th. Familiaris consortio (22. November 1981), 9: AAS 74 (1982), S. 90.

[325] Ss. Generalaudienz (24. Juni 2015): L‘Osservatore Romano (dt.) Jg. 45, Nr. 27 (3. Juli 2015), S. 2.

[326]  Bài giảng trong thánh lễ với các tân hồng i (15. Februar 2015): L’Osservatore Romano (dt.) Jg. 45, Nr. 8 (20. Februar 2015), S. 8.

[327]  Relatio finalis 2015, 51.

[328]  Relatio Synodi 2014, 25.

[329] Johannes Paul II., Th. Familiaris consortio (22. November 1981), 84: AAS 74 (1982), S. 186. Nhiều người vốn chấp nhận sống theo lời khuyên của Giáo Hội: quen nhau và chung sống với nhau như „anh em“, đã cho hay, khi sống như vậy, vì thiếu những cách thức bày tỏ sự thân mật, nên »sự trung thành vợ chồng lắm khi đã gặp nguy cơ  và con cái cũng (có thể) bị đau khổ lây.« (CĐ Vatikan II., Hiến chế Gaudium et spes , 51).

[330] Johannes Paul II., Th. Familiaris consortio (22. November 1981), 84: AAS 74 (1982), S. 186.

[331]  Relatio Synodi 2014, 26.

[332]  Ebd., 45.

[333] Benedikt XVI., Nói chuyện với Giáo Tông tại cuộc gặp gỡ quốc tế gia đình lần VII.  (Mailand, 2. Juni 2012), Trả lời 5: L’Osservatore Romano(dt.) Jg. 42, Nr. 24 (15. Juni 2012), S. 12.

[334]  Relatio finalis 2015, 84.

[335]  Nt., 51.

[336] Cũng không trong lãnh vực các bí tích, bởi sự biệt phân có thể biết được, là không có tội nặng trong một hoàn cảnh đặc biệt. Ở đó được áp dụng điều đã nói trong một tài liệu khác: Ss. Th Evangelii gaudium (24. November 2013), 44. 47: AAS 105 (2013), S. 1038-1040.

[337]  Relatio finalis 2015, 85.

[338]  Nt., 86.

[339] Johnannes Paul II., Th. Familiaris consortio (22. November 1981), 33: AAS 74 (1982), S. 121.

[340] Relatio finalis 2015, 51.

[341] Ss. Summa Theologiae I-II ae, q. 65, art. 3, ad 2; De malo, q. 2, art. 2.

[342] Summa Theologiae I-II ae, q. 65, art. 3, ad 3.

[343] Nr. 1735.

[344]  Nt.., 2352; ss. Bộ Giáo Lí Đức Tin, Tuyên bố Iura et bona  về trợ tử (5. Mai 1980), II: AAS 72 (1980), S. 546. Johannes Paul II. phê bình phạm trù »optio fundamentalis «, và xác nhận: »Ở khía cạnh tâm lí hẳn có thể có nhiều hoàn cảnh phức tạp và đen tối vốn có í nghĩa cho tội chủ quan của những kẻ phạm tội « (Th Reconciliato et Paenitentia [2. Dezember 1984], 17: AAS 77 [1985], S. 223).

[345] Ss. Hội Đồng Giáo Tông Về Giải Thích Luật, Tuyên bố về việc rước lễ đối với những người li dị tái hôn (24. Juni 2000), 2.

[346]  Relatio finalis 2015, 85.

[347]  Summa Theologiae I-IIae, q. 94, art. 4.

[348] Trong một tài liệu khác, trong đó ngài nói tới sự hiểu biết chung về quy chuẩn và tới sự hiểu biết đặc biệt về việc biệt phân thực tế, thánh Tô-ma đã có thể nói như vầy: » Nếu ta chỉ có được một [trong hai nhận thức], thì ta nên có nhận thức này, nghĩa là nhận thức về những chi tiết chuyên biệt vốn gần gũi nhất với hành động. « ( Sententia libri Ethicorum, VI, 6 [ed. Leonina, Band XLVII, 354]).

[349]  Diễn văn kết thúc đại hội các giám mục thường niên lần thứ XIV: L’Osservatore Romano (dt.) Jg. 45, Nr. 44 (30. Oktober 2015), S. 1.

[350]  Auf der Suche nach einer universalen Ethik. Ein neuer Blick auf das natürliche Sittengesetz (2009), 59.

[351] Trong những trường hợp nhất định có thể đó cũng là sự trợ giúp của các bí tích. Vì thế »tôi nhắc nhở [các linh mục], không được biến toà giải tội thành phòng tra tấn, song dùng nó như là chỗ cho lòng thương xót của Chúa« (Th. Evangelii gaudium [14. November 2013], 44: AAS 105 [2013], S. 1038). Tôi cũng đồng thời nhấn mạnh, là phép Thánh Thể „không phải là quà tặng cho những kẻ toàn hảo, mà là một phương tiện chữa lành rộng rãi và một của ăn cho những người yếu đuối ( nt, 47: AAS 105 [2013], S. 1039).

[352]  Nt., 44: AAS 105 (2013), S. 1038-1039.

[353]  De catechizandis rudibus, I, 14, 22: PL 40, Sp. 327; ss. Th. Evangelii gaudium (24. November 2013), 193:AAS 105 (2013), S. 1101.

[354]  Relatio Synodi 2014, 26.

[355]  Th. Evangelii gaudium (24. November 2013), 44: AAS 105 (2013), S. 1038.

[356]  Nt.., 45: AAS 105 (2013). S. 1039.

[357]  Nt.., 270: AAS 105 (2013), S. 1128.

[358]  Sắc lệng rao truyền  Misericordiae Vultus (11. April 2015), 12: AAS 107 (2015), 407.

[359]  Nt., 5: 402.

[360]  Nt., 9: 405.

[361]  Ebd., 10: 406.

[362] Th. Evangelii gaudium (24. November 2013), 47: AAS 105 (2013), S. 1040.

[363] Ss.. Nt., 36-37: AAS 105 (2013), S. 1035.

[364] Có lẽ vì sự áy náy, vốn tiềm ẩn đàng sau thôi thúc phải trung thành với chân lí, nên một số linh mục đã ra cho các hối nhân những biện pháp đền tội quá khắt khe. Như vậy, vì muốn có được một sự công bằng tưởng là tốt đẹp, họ đã làm biến mất lòng thương xót. Vì thế cần nhắc lại ở đây lời dây của thánh Gio-an Phao-lô II., ngài nói, khả năng nhận diện trước được một trường hợp mới „không phá vỡ sự xác thực của dự tính“ ( Thư cho hồng i William W. Baum nhân dịp Toà Hoá Giải Giáo Tông tổ chức các khoá huấn luyện cho các linh mục trẻ và các ứng viên nhận chức thánh [22. März 1996], 5: Insegnamenti XIX, 1 [1996], S. 589).

[365]  Uỷ Ban Thần Học Quốc Tế, Die Hoffnung auf Rettung für ungetauft gestorbene Kinder (19. April 2007), 2.

[366]  Sắc lệnh rao truyền Misericordiae Vultus (11. April 2015), 15: AAS 107 (2015), 409.




Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27/10/2016
Giới thiệu sách Đức tin kitô giáo. Hôm qua và hôm nay Tác giả: Joseph Ratzinger – Biển-đức XVI. Người dịch: Lm. Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng-Lam Đầu năm 2006, đức thánh cha Biển-đức XVI phổ biến tông thư „Thiên Chúa là tình yêu“. Một giáo huấn về đức Mến kitô giáo.
30/05/2016
MARCEL VĂN TU SĨ DÒNG CHÚA CỨU THẾ VIỆT NAM (15/3/1928 – 10/7/1959) Đôi dòng tiểu sử: Marcel Văn tên thật là Nguyễn Tân Văn. Sinh ngày 15 tháng 3 năm 1928, tại Ngăm Giáo, thuộc tỉnh Bắc Ninh. Ngăm Giáo là một làng nhỏ nằm giữa Hà Nội và Hải Phòng, thuộc vùng châu thổ sông Hồng. Rửa tội ngày 16 tháng 3 năm 1928.
30/03/2016
Kính gởi tất cả những người thiện chí Thưa quý vị và thân hữu, Chúng ta đang sống trong một thời điểm đầy khó khăn, trong đó mọi giá trị bị đảo lộn. Nói như giáo tông Biển-đức XVI, nhân loại hôm nay đang ở trong một vũng nước xoáy của hai giòng nước.
16/04/2015
Cuộc trở lại của kí-giả Peter Seewald, người phỏng-vấn hồng-i Joseph Ratzinger trong sách “Muối Cho Đời” và “Thiên Chúa và Trần Thế”. Trước câu hỏi của Seewald, có bao nhiêu con đường dẫn tới Thiên Chúa, hồng-i Ratzinger, nay là giáo-chủ Biển-đức XVI, đáp: Có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu con đường…
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC