Hạt lúa mì rơi xuống đất: Tri ân cố luật sư, nhà tranh đấu Đoàn Thanh Liêm

17/06/201811:44 SA(Xem: 6763)
Hạt lúa mì rơi xuống đất: Tri ân cố luật sư, nhà tranh đấu Đoàn Thanh Liêm

Trangđài Glassey-Trầnguyễn


Luật sư Đoàn Thanh Liêm (1934-2018)


Lần cuối tôi gặp Luật sư Đoàn Thanh Liêm là tại buổi ra mắt sách “Thung Lũng Tử Thần” của Nhà báo quá cố Vũ Ánh, trong phòng hội Nhật báo Người Việt, Quận Cam, California, Hoa Kỳ, chiều ngày 19 tháng 7, 2014. Bà quả phụ Ngô Yến Tuyết mời Nhà văn Phạm Xuân Đài và tôi phát biểu về quyển sách. Bài phát biểu của tôi có tựa đề “Hít Thở Bóng Tối Hy Vọng với Nhà báo Vũ Ánh.” Tại sao nói về trại tù cải tạo mà lại là ‘hy vọng’? Mà lại còn ‘hít thở bóng tối hy vọng’? Xin thưa, đó là vì:

Hy vọng không chỉ sau khi đã tìm thấy tự do, mà hy vọng ngay giữa lòng chảo tử thần. Hy vọng chính là cứu cánh duy nhất của người tù cải tạo, hay của bất cứ ai sống dưới chế độ Cộng Sản, ở nơi mà tác giả đã chân thành thổ lộ, “Sự chọn lựa giữa cái đói cào cấu và sự giữ thẳng lưng cũng như nhân cách là một chọn lựa khó khăn!” (tr. 97). Đối với một dân tộc chịu nhiều can qua như dân tộc Việt Nam, thì hy vọng trở thành căn tính để tồn tại. Nhạc sĩ Du Ca Nguyễn Đức Quang sáng tác bài hát “Hy Vọng Đã Vươn Lên” năm 1967, giữa lúc quê hương đang ngập tràn trong khói lửa chinh chiến, để thắp lên hy vọng cho thế hệ của ông. Nhà văn Phạm Phú Minh cũng viết trong “Nét Xuân Sơn” về những ngày đông “tê buốt chẳng chút tình,” khi tự nói với mình,  “Miễn là đừng chết, miễn là qua được mùa đông.” Còn Nhà báo Vũ Ánh đã lập đi lập lại trong “Thung Lũng Tử Thần,” hết lần này đến lần khác, dù khi ở trong “chuồng cọp” (tr. 11) trong “khu nhà đỏ” (tr. 28), hay nằm trong “những hồ sơ chết” (tr.19)  dành cho “những người tù cải tạo không thể cải tạo được” (tr. 20), trong cuộc “tắm máu” ở miền Nam Việt Nam như Sir Robert Thompson đã khuyến cáo (tr. 22). Ông viết, “Trong những cuộc tranh luận trong trại giam, nhiều người vẫn tin tưởng rằng những nhà lãnh đạo cũ của VNCH đã quay trở lại Miền Nam ẩn náu trong những khu rừng rậm chiêu mộ nghĩa quân để dựng lại cơ đồ… Trong bối cảnh tuyệt vọng sau ngày thất trận và bị đẩy vào môi trường tù đày, ở vào độ tuổi hừng hực lý tưởng của thanh niên, chúng tôi chỉ còn bám vào những hy vọng đó để mà sống” (tr. 54), “để đốt lên đốm lửa hy vọng cho tương lai phục quốc” (tr. 55). (Trích từ bài phát biểu)

Sau khi tôi phát biểu, Chú Đoàn Thanh Liêm đến và đưa danh thiếp của Chú cho tôi. Chú không cười như bao lần tôi gặp Chú trước đó, nụ cười hiền lành, bao dung, chân chất, và gần gũi. Chú không cười, vì có lẽ tôi đã khóc trong phần phát biểu, như bao nhiêu độc giả ắt đã khóc khi đọc “Thung Lũng Tử Thần,” hay những gì liên quan đến cái trò đốn mạt mang tên ‘trại cải tạo’ và bao thảm nạn khác mà quê hương và dân tộc Việt Nam phải gánh chịu trong bao thập niên qua. Nhưng có lẽ, Chú không cười, vì đề tài của cuốn sách và buổi ra mắt sách làm cho Chú nhớ lại chính những năm tháng tù đày oan ức, những bất công đoạn trường, những trò lừa ngang trái từ một chính quyền độc tài, phi nhân bản, vô lương tâm. Tôi nhìn tấm danh thiếp. “Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam.” Chú đang đảm trách vai trò Phó Chủ Tịch, và cũng là thành viên sáng lập. Chú dặn nhỏ: “Con email cho Chú.” Như những bậc niên trưởng khác vẫn dặn tôi khi tôi gặp họ ở những sinh hoạt tại Little Saigon hai mươi mấy năm qua.

Nhiều năm trước, có một lần, tôi ghé Toà soạn Người Việt lúc Chú đang gõ phím. Chú dừng tay, cười thật tươi, ‘bật mí’ cho tôi biết về những bộ sách nghiên cứu mà Chú đang soạn, và hứa sẽ cho tôi đọc khi ấn hành. Một công trình dang dở. Những công trình dang dở. Như nhiều bậc ở thế hệ của mình, Chú đã không kịp hoàn tất nhiều thao thức cho quê hương. Những giấc mơ còn ươm nụ. Nhưng dọc suốt cuộc đời tận hiến cho người và cho đời của Chú, có biết bao giấc mơ đã trổ sinh hoa trái và tiếp tục mang lợi lạc đến cho đồng bào và tha nhân. Chú chu toàn trọng trách đối với quốc gia trong thời binh khói với những năm tháng làm việc tại Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa trong vai trò Chủ Sự phòng Pháp Chế, đến Bộ Quốc Phòng, rồi cùng bạn bè sáng lập Chương Trình Phát Triển Quận 8 – Kế Hoạch Xây Đời Mới, xây dựng hàng ngàn căn nhà và nhiều trường học cho cư dân nghèo, rồi chiến dịch cứu lụt miền Trung, Chương Trình Công Tác Hè 1965, vv. Chú Liêm luôn thao thức đến những người cùng khổ, và dấn thân phục vụ họ qua nhiều chương trình, như Shoeshine Boys Project, giúp xây nhà và chăm nuôi trẻ mồ côi, bụi đời. Chú cũng là Giám đốc đại diện World Council of Churches tại Việt Nam, góp phần nghiên cứu và tài trợ các chương trình văn hóa, kinh tế, giáo dục trên quê hương. Trong tư cách Luật Sư Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn, Chú biện hộ miễn phí cho người nghèo oan ức.

Vì tình yêu quê hương và đồng bào, Chú đã không di tản khi Sài Gòn thất thủ. Chú ở lại và thấu được những khổ nạn của người dân dưới một chế độ tàn ác, mà chính Chú cũng là một nạn nhân, nhất là trong 12 năm tù cải tạo. Chính những kinh nghiệm trực tiếp đó, cùng với lòng vị tha, tinh thần cương trực luôn đứng lên cho công bằng và lẽ phải, mà từ khi được cùng gia đình tỵ nạn chính trị tại Hoa Kỳ năm 1996, Chú đã không ngừng tranh đấu cho những người tù lương tâm và cho một Việt Nam dân chủ bằng ngòi bút và đi vận động khắp nơi trên thế giới. Ngay cả trên giường bệnh. Không ngơi nghỉ. Những người như Chú Liêm đã đi gieo những hạt giống rất tốt, để hôm nay, công cuộc tranh đấu cho dân chủ, tự do, nhân quyền cho Việt Nam tiếp tục mở ra những sinh lộ mới.

Trong bài “Nhiều Tay Khiến Vỗ Nên Kêu” được viết tại California vào tháng Hai 2009, Ls Đoàn Thanh Liêm nhìn lại gần năm mươi năm tham gia sinh hoạt dân sự, và đưa ra những thí dụ cụ thể trong việc kết hợp giữa nhiều thành phần xã hội khác nhau cho những phúc lợi chung, từ những sinh hoạt thanh niên tại Việt Nam từ thập niên 1960, đến vận động quốc tế tại hải ngoại ở thế kỷ 21.

Xin trích:

Tổng kết lại, thì trong quá trình liên tục họat động trong 6 năm 1965-1971, Chương trình Phát triển các Quận 6,7,8 đã tổ chức cho bà con ở địa phương chỉnh trang được hàng trăm đường hẻm bằng cách đặt đường cống thóat nước,hoặc tráng ximăng, lấp những khúc lầy lội; xây dựng được nhiều cây cầu bắc qua con rạch. Đặc biệt là mở được 2 trường Trung học Cộng đồng tại Quận 6 và Quận 8. Giúp các chùa và nhà thờ mở được nhiều trung tâm huấn nghệ. Công tác lớn nhất là giúp tái thiết được trên 8000 đơn vị gia cư trong 20 khu vực bị tàn phá hồi Tết Mậu Thân như đã ghi chi tiết ở trên.

Chương trình phát triển mà đạt được thành quả như thế, đó chính là do “rất nhiều bàn tay khiến vỗ nên kêu”. Trước hết là do số đông đảo quần chúng nhân dân tại hạ tầng cơ sở địa phương, hàng ngàn hàng vạn người cùng nối vòng tay lớn với nhau để mà thực hiện hàng mấy trăm dự án xây dựng cụ thể ngay trong xóm ngõ của mình. Điều này chỉ có thể được thực hiện do sự chấp thuận cho phép và yểm trợ của chánh quyền cấp trung ương, cũng như cấp địa phương. Rồi đến sự viện trở của USAID cũng như các tổ chức xã hội nhân đạo quốc tế nữa. Dĩ nhiên còn phải ghi ra con số hàng ngàn những thanh niên, sinh viên, học sinh cũng tình nguyện tham gia vào các công tác phát triển đó nữa.

Đây là trường hợp minh họa cho sự “hợp tác của Xã hội Dân sự với cơ quan Nhà nước” để cùng phục vụ đồng bào tại một địa phương đang gặp cảnh chiến tranh tàn phá nặng nề. Rõ ràng Xã hội Dân sự ở đây đã đóng vai trò “làm đối tác” (counterpart) cùng với Nhà nước, trong việc mưu cầu công ích cho tập thể cộng đồng địa phương. Thiết nghĩ lớp người trẻ hiện nay ở trong nước vẫn có thể xoay xở vận dụng tính sáng tạo và lòng nhiệt thành của mình, để mà cùng phát động được cái phong trào “Tuổi trẻ dấn thân nhập cuộc với đồng bào,” trong ý hướng thực hiện công trình “Nâng cao Dân trí, Chấn hưng Dân khí và Cải tiến Dân sinh,” đúng như nhà cách mạng tiền bối Phan Châu Trinh đã kêu gọi ngay từ hồi đầu thế kỷ XX đó.

Trên đây là những chuyện xưa cũ đã trên dưới 40 năm, trước năm 1975 ở Việt nam. Còn hiện nay trên đất Mỹ, thì tôi được biết có rất nhiều nhóm họat động thật hữu hiệu với sự hợp tác rộng rãi của nhiều tổ chức quốc tế khác nữa. Cụ thể như “Cao Trào Nhân Bản do Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, bào huynh của BS Nguyễn Đan Quế điều hành từ miệt thủ đô Washington DC, thì hiện đã mở rộng họat động chung với các phong trào tranh đấu cho Dân chủ, Tự do, Nhân quyền ở Á châu như Miến Điện, Tây Tạng, Trung Quốc v.v… Tổ chức này lại đã thu hút được nhiều người trẻ mà điển hình là Bác sĩ Nguyễn Thể Bình, cháu ngọai của Trung Tướng Linh Quang Viên, Bác sĩ Đỗ Minh Thiệu, con trai của Luật sư Đỗ Ngọc Phú v.v…Các bạn trẻ thuộc thế hệ thứ hai này mới thật sự có khả năng để đi sâu sát với dòng chính của nước Mỹ (American Mainstream) và nâng cao hiệu quả của phong trào tranh đấu cho Dân chủ và Nhân quyền của Việt Nam trong tương lai gần đây.

Cũng vậy, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam với trụ sở chính ở Nam California, thì đã mở rộng sự liên kết với nhiều tổ chức tranh đấu nhân quyền của người Việt cũng như quốc tế, điển hình như Ân xá quốc tế (Amnesty International), Human Rights Watch (Theo Dõi Nhân quyền), Reporters Sans Frontieres (Phóng viên Không Biên giới), v.v…

Cũng nên ghi nhận sự kiện quan trọng khác nữa: Đó là việc Cựu Tổng Thống Tiệp khắc là Vaclac Havel từ năm 2007 đã nhận làm “Cố vấn danh dự” cho Hội Ái Hữu Cựu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo do Thượng Tọa Thích Thiện Minh sáng lập. Đây là một thành công lớn của Hội Ái Hữu trong việc kết hợp được với các nhân vật có tầm vóc quốc tế như vị lành đạo “Phong trào Hiến Chương 77” đã làm nên một “Cuộc Cách Mạng Nhung” góp phần làm xụp đổ chế độ cộng sản ở Đông Âu 20 năm trước đây.

Đấy là những minh họa cụ thể, rất ư lạc quan và phấn khởi của chuyện “Nhiều tay khiến vỗ nên kêu” trên phạm vi quốc tế, giữa thời đại “tòan cầu hóa ngày nay” vậy.

Sau cùng, cũng về chuyện “Vỗ tay,” thì vào thời những năm 60-70 đó, trong các buổi sinh hoạt tập thể thanh niên chúng tôi thường có dịp ca hát chung với nhau theo nhịp điệu rất phấn khởi say sưa, cả một số đông đảo “vừa vỗ tay vừa hát,” khiến tạo được một khí thế sôi nổi, rộn ràng lôi cuốn mọi người tham dự, cùng nhập vào cuộc vui chung, mà có ý nghiã xây dựng rất lành mạnh. Cụ thể là các bài tâm ca của nhạc sĩ Phạm Duy, bài “Gia tài của Mẹ” của Trịnh Công Sơn. Và nhất là các bài hát của nhạc sĩ Du ca Nguyễn Đức Quang, thì rất được giới trẻ khắp nơi ưa chuộng và được cả tập thể nồng nhiệt ca hát.

Như vậy đó: Công tác xã hội cụ thể, thiết thực mà còn gắn liền với sinh họat tập thể như thế đã đánh dấu cả một thời đại say mê lý tưởng phục vụ đồng bào của giới thanh niên, sinh viên học sinh tại miền Nam Việt nam dưới chế độ cộng hòa hồi trước năm 1975 vậy.

Tiếng vỗ tay ngân vang của hàng hàng lớp lớp những người trẻ đó, thì nay vẫn còn dư âm mãnh liệt trong sâu thẳm nội tâm mỗi người chúng tôi, mà phần đông đã bước vào tuổi lục thập, thất thập cả rồi. Thật là cảm động để mà khơi lại cái kỷ niệm của “những ngày xưa đam mê miệt mài và đày tình thân ái như thế ấy.” (Hết trích)

Hôm nay, con dân Việt Nam đang sôi sục khắp nơi trên thế giới và tại quê nhà để đòi tự chủ, tự do, dân chủ, và nhân quyền. Nhiều bàn tay đang vỗ nên kêu để chống độc tài, độc đảng, chống lại Luật Đặc Khu, chống lại cái bình phong “An Ninh Mạng.” Chú đã về nơi vĩnh hằng, hưởng nhan thánh Chúa, nhưng những hy sinh và dấn thân của Chú vẫn là những tiếng vỗ tiếp tục hiệp lòng hiệp lực với công cuộc chung. Cuộc đời của Chú không chỉ là những tiếng vỗ liên lỉ, đều đặn, mà còn là lời mời gọi chân tình, ấm áp, thôi thúc tha nhân đứng lên cho công bằng và dân chủ. Hạt lúa mì liêm chính đã rơi xuống, để sinh trăm ngàn bông hạt mới. Bao nhiêu năm tranh đấu không ngơi nghỉ, hôm nay, Chú đã được về nhà Cha Chung để hưởng phúc muôn đời. Con xin thắp nén hương lòng, tri ân Chú và tất cả những chí sĩ đã một lòng tận tuỵ với quê hương dân tộc. Xin Chú hãy nghỉ yên trong Chúa Từ Ái, và xin hãy tiếp tục vận động cho quê hương và dân tộc Việt Nam ở trên Quê Thật, là Nước Trời. Vì nhắm mắt xuôi tay ở cõi này không là chấm hết. Nó chỉ là khởi đầu của một sự sống mới viên mãn.

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

Nguồn: https://sangtao.org/2018/06/14/hat-lua-mi-roi-xuong-dat-tri-an-co-luat-su-nha-tranh-dau-doan-thanh-liem/

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12/01/2020
The book, entitled From the Depths of Our Heart, addresses the ‘dark time’ the Catholic priesthood is enduring because of Church scandals and ‘the constant questioning of their consecrated celibacy.’
22/04/2019
8 CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ? TRỞ LẠI THƯ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BENEDICTÔ * Bài thuyết trình thứ tám 28 tháng 6 năm 2017
22/04/2019
NỘI DUNG CỦA BỨC THƯ TÌNH HÌNH GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TẠI TRUNG QUỐC Bài thuyết trình thứ sáu 26 tháng 6 năm 2017
04/03/2019
Chúng ta đã thực thi được những gì theo giáo huấn mục vụ của Công Đồng Vatican II về Sách Thánh
14/02/2019
Book publishing is both an act of faith and a throwing of the dice.
11/02/2019
BBT chân thành giới thiệu cùng quý đọc giả tuyển tập các luận văn và các tập sách qua dòng thời gian của GS Nguyễn Đăng Trúc, nguyên Điều Hợp Viên sáng lập PTGDVNHN
27/01/2019
The relationship of China with the greatest secular world power—the United States of America—and the most universal global spiritual power—the Catholic Church—is in a state of flux. President Trump and Pope Francis are major protagonists in this dramatic period. Although what is happening in China has an impact worldwide, it is hard for the non-specialist to grasp what is underway and its significance for the future.
01/01/2019
CWR editors and contributors share their favorite reads from the last year.
25/12/2018
PHONG TRÀO GIÁO DÂN VIỆT NAM HẢI NGOẠI Movement of the Vietnamese Laity in Diaspora Hải ngoại, ngày 08 tháng 08 năm 2018 NHẬN ĐỊNH VÀ ĐỀ NGHỊ TRƯỚC HIỆN TÌNH ĐẤT NƯỚC VÀ GIÁO HỘI VIỆT NAM
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC