Giới thiệu tác phẩm kinh điển của Joseph Höffner
Bản dịch Việt ngữ hiện đang được Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại thực hiện.
Dẫn Nhập Cho Lần Tái Bản Thứ Ba Của Ấn Bản Mới
Có lẽ chẳng có cuốn sách giáo khoa nào về học thuyết xã hội công giáo thành công hơn tác phẩm „Học Thuyết Xã Hội Ki-tô Giáo“ của Joseph Höffner. Tác phẩm được xuất bản lần đầu vào năm 1962, cho tới năm 1983 đã được tái bản – có bổ sung – tám lần và được dịch ra sáu ngoại ngữ (1964 tiếng Anh và Tây-ban-nha; 1967 tiếng Nhật; 1970 tiếng Bồ-đào-nha / Ba-tây; 1979 tiếng Í-đại-lợi và Đại-hàn). Có lẽ cũng vì thế nó được coi là một cuốn giáo khoa có một không hai của Giáo Hội hoàn vũ. „Bí mật thành công“ của cuốn sách hẳn nằm nơi sự kết hợp kiến thức hiếm có của tác giả. Joseph Höffner là một sử gia và nhà thần học hệ thống, một thần học gia và kinh tế gia, nhà nghiên cứu và nhà „khoa học đại chúng“, giáo sư và giám mục.
Joseph Höffner sinh năm 1906 ở Hornhausen, nước Đức, trong một gia đình nông dân đông con (có bảy người em). Năm 1929 ông tốt nghiệp Tiến Sĩ Triết Học ở Đại Học Gregoriana tại Roma; sau khi nhận sứ vụ linh mục năm 1932 ông lấy bằng Tiến Sĩ Thần Học cũng tại Đại Học này với luận án „Công Lí Xã Hội Và Tình Yêu Xã Hội“. Năm 1938 ông lấy thêm một bằng Tiến Sĩ Thần Học của Đức tại Đại Học Freiburg với đề tài „Nông Dân Và Giáo Hội Trong Thời Trung Cổ Ở Đức“. Cũng tại đây, dưới sự phụ đạo của giáo sư Walter Eucken, năm 1940 ông lấy bằng Tiến Sĩ Kinh Tế với đề tài „Đạo Đức Kinh Tế Và Độc Quyền (Kinh Tế) Trong Thế Kỉ Thứ 15 Và 16“. Cuối cùng ông làm luận văn vào ngạch giảng huấn (Habilitation) tại Đại Học Freiburg về môn Thần Học Đạo Đức với luận án „Ki-tô Giáo Và Nhân Phẩm. Ý Hướng Luân Lí Của Thực Dân Tây-ban-nha Trong Thời Hoàng Kim“ (ấn hành năm 1947).
Năm 1945 ông trở thành giáo sư môn Thần Học Mục Vụ và Học Thuyết Xã Hội Ki-tô Giáo tại Chủng Viện Trier, năm 1951 nhận ghế giáo sư về Các Khoa Học Xã Hội Ki-tô Giáo tại Đại Học Münster. Ở đây ông khai sinh ra „Niên Giám Các Khoa Học Xã Hội Ki-tô Giáo“ năm 1960. Bên cạnh công tác giảng dạy và nghiên cứu ông còn tham gia vào việc tái xây dựng Đức quốc thời hậu chiến với nhiều chức vụ, trong đó có: thành viên Hội Đồng Khoa Học của các Bộ Gia Đình và Thanh Thiếu Niên, Bộ Xây Cất Nhà Ở, Bộ Lao Động Và Xã Hội, chủ tịch Ban Xã Hội thuộc Ủy Ban Trung Ương Liên Đoàn Công Giáo Đức và cố vấn tinh thần cho Hiệp Hội Các Chủ Công Ti Công Giáo.
Cuốn Học Thuyết Xã Hội Ki-tô Giáo xuất hiện năm 1962, là lúc tác giả được cất nhắc làm Giám Muc giáo phận Münster; nó là hoa trái chín mùi sau nhiều năm dạy học. Ảnh hưởng của nó về phương diện hàn lâm cũng như trong Giáo Hội như vậy chỉ mở ra sau khi tác giả từ giã ghế giáo sư để khoác vào mình bộ áo Giám Mục giáo phận Münster rồi Tổng Giám Mục giáo phận Köln (từ 1969) và Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Đức (từ 1976). Dù ở vai trò giám mục, ông vẫn không ngừng tắm mát trong dòng sông học thuyết xã hội. Điều này phản ánh qua nhiều tác phẩm liên tiếp, đặc biệt qua các bài thuyết trình nổi tiếng trong kì họp mùa thu của Hội Đồng Giám Mục Đức. Một số đề tài thuyết trình sau cùng: „Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội hay Thần Học Giải Phóng?“ (1984), „ Kinh Tế và Đạo Đức Kinh Tế“ (1985) và „Nhà Nước. Kẻ Phục Vụ Sự Ổn Định“ (1986). Bài thuyết trình năm 1985 được phổ biến trong gần 30 quốc gia. Sở dĩ có tiếng vang như thế một phần là vì tầm ảnh hưởng của tổng giáo phận Köln đối với Giáo Hội hoàn vũ và một phần là do tác giả của nó, qua nhiều cuộc thăm viếng mục vụ trong tư cách Chủ Tịch HĐGM Đức tại các nước đệ tam thế giới, đã trở thành vị đại sứ càng ngày càng được quý trọng của học thuyết xã hội công giáo. Ngay trong tháng chạp 1986 (Höffner mất ngày 16.10.1987) ông còn du hành khắp nơi, trong đó có Nicaragua, Mễ-tây-cơ, Phi-luật-tân và Hồng-công. Ở Nicaragua ông có một sứ mạng chính trị khó khăn trong việc môi giới hoà giải với tổng thống tả phái Ortega, phân khoa kinh tế các đại học ở Mexiko-City và Manila trao tặng ông bằng tiến sĩ danh dự.
Với một hậu cảnh tiểu sử như thế, không lạ gì tầm ảnh hưởng hoàn vũ của cuốn sách. Höffner xác tín rằng, sự đồng trách nhiệm xã hội của Giáo Hội chỉ có thể được nhận biết trên nền tảng học thuyết xã hội vốn do giám mục Ketteler và giáo tông Lê-ô XIII khởi xướng và được tiếp tục phát triển. Höffner trình bày học thuyết của Giáo Hội bằng những nét tinh tế, hài hước, thỉnh thoảng đôi chút châm biếm, nhưng luôn hoà hợp một cách khéo léo các yếu tố lịch sử, kinh nghiệm và đạo đức thần học, đồng thời bảo vệ nó trước những tấn công ý hệ từ bên ngoài và những đòi hỏi thay đổi theo thời thượng từ bên trong. Nhờ đó ta có một cuốn giáo khoa kinh điển; nó vừa cho thấy học thuyết xã hội của Giáo Hội theo truyền thống trung cổ, vốn được Tô-ma ở Aquino hay các nhà hậu kinh viện người tây-ban-nha lần đầu tiên làm sáng tỏ, vừa cho thấy truyền thống học thuyết xã hội tân tiến bắt nguồn từ thông điệp Rerum Novarum (1891) hoặc từ các nguồn nghiên cứu riêng của ông. Công Đồng Vaticano II nói về học thuyết xã hội công giáo như sau: „bất cứ ở đâu và bất cứ thời gian nào Giáo Hội cũng phải được tự do rao giảng đức tin, truyền bá học thuyết xã hội của mình… Giáo Hội cũng phải được quyền nói lên nhận định luân lí của mình về cả những vấn đề liên quan đến lãnh vực chính trị, khi quyền lợi căn bản của con người hay phần rỗi các linh hồn đòi hỏi“ (GS). Trong lời dẫn nhập của ấn bản cuối cùng do ông phụ trách, Höffner muốn Học Thuyết Xã Hội Ki-tô Giáo của mình phục vụ điều mà Công Đồng không ngừng nói ra: Các tín hữu „phải lãnh hội những nguyên tắc và những áp dụng của học thuyết xã hội này, để có khả năng không những góp phần vào việc phát triển học thuyết đó, mà còn áp dụng đúng đắn nó vào từng trường hợp cá biệt“ (AA 31), đúng theo lời cảnh báo của giáo tông Gio-an XXIII: „Đặc biệt chúng tôi mong muốn nó (Học Thuyết Xã Hội) trở thành môn học bắt buộc trong các trường công giáo ở mọi cấp, nhất là trong các chủng viện… Ngoài ra học thuyết xã hội cũng cần được đưa vào công tác đào tạo tôn giáo trong các giáo xứ và trong các phong trào tông đồ giáo dân“ (MM 223).
Sách của Höffner cung cấp một nền tảng vững chắc cho những ai muốn biết, đâu là quan điểm và giáo huấn của Giáo Hội trong lãnh vực này. Đồng thời sách ông cũng mang nét hết sức riêng tư. Ở nhiều chỗ ta nhận ra sự móc nối giữa việc nghiên cứu hàn lâm và giảng dạy với việc tư vấn đạo đức – xã hội cho các nhà chính trị và với việc hướng dẫn mục vụ. Những yếu tố này quyện vào nhau một cách đặc thù, khiến cho ta không thể bắt chước được lối kết cấu và văn phong của cuốn sách. Do đó việc san định lại cuốn sách là điều rất khó khăn. Từ lần phổ biến ấn bản cuối cùng với đôi chút sửa đổi bởi chính tác giả vào năm 1983 đã có một cuộc luận bàn lí thuyết khá kĩ về nền tảng Đạo Đức Học nói chung và về sự tất yếu của Học Thuyết Xã Hội Công Giáo nói riêng. Và, nếu ngày nay phải soạn lại một cuốn giáo khoa mới về học thuyết xã hội, thì hẳn một số đề tài cần phải được đào sâu hơn, chẳng hạn như về đạo đức chính trị trong thể chế dân chủ, về tương quan giữa Giáo Hội và xã hội dân chủ hoặc về các vấn nạn môi sinh và kinh tế thế giới hiện tại. Nhưng tất cả mọi nền tảng và lời giải đều không thể đi ra ngoài khuôn khổ những giáo huấn xã hội của Giáo Hội kết tinh trong các thông điệp về xã hội của giáo tông Lê-ô XIII và của các giáo tông sau này tiếp tục đóng góp. Sách của Höffner cung cấp cho ta cái nền chắc chắn và mãi mãi quan trọng này. Ai muốn tìm hiểu và muốn có một cái nhìn đúng về các nền tảng phương pháp, về các lập trường nguyên tắc và về những hệ quả luân lí xã hội của giáo huấn xã hội của Giáo Hội, người đó cần đọc sách của Höffner, vì nó trước sau vẫn là một tác phẩm nền tảng quan trọng và vẫn luôn mang tính hiện đại.
Tuy nhiên cũng có thể và cần những bổ khuyết ở khía cạnh này: Sau đợt sách tái bản lần cuối vào năm 1983 đã có thêm hai thông điệp xã hội không kém quan trọng „Sollicitudo rei socialis“ (1987) và „Centesimus annus“ (1991). Thông điệp xã hội đầu tiên của giáo tông Gio-an Phao-lô II „Laborem exercens“ (1981) đã được hồng y Höffner bàn tới phần nào trong lần tái bản sau cùng. Như vậy cần phải bổ túc thêm những giáo huấn quan trọng của các thông điệp về sau. Điều này được cẩn thận thực hiện trong lần tái bản này. Ngoài ra những ghi chú và trưng dẫn tài liệu tham khảo được thống nhất hoá, một vài ghi chú nguồn tài liệu được đưa hoặc thêm vào trong bảng chú thích và một bảng viết tắt cũng được thêm vào. Các sửa đổi văn bản do người xuất bản thực hiện đều được đóng trong ngoặc vuông. Đây chủ yếu là một vài sửa đổi về số liệu thống kê đã cũ và về những bổ túc đã được nhắc tới.
Ấn bản mới không những đã giúp cho cuốn giáo khoa „kinh điển“ về học thuyết xã hội có dịp tái xuất hiện trong các vùng nói tiếng Đức, mà còn – qua sáng kiến của „Hội Khoa Học Hỗ Trợ Giáo Huấn Xã Hội Ki-tô Giáo. Ordo Sozialis“ – được dịch ra thêm 11 ngoại ngữ: Tiếng Hoa, Anh, Pháp, Đại-hàn, Krô-át, Li-thau, Ba-lan, Nga, Slô-vắc, Tây-ban-nha và Hung. Một bản dịch tiếng Ru-ma-ni đang được chuẩn bị. Như vậy, độc giả có được một cuốn giáo khoa trình bày học thuyết xã hội của Giáo Hội suốt từ những giai đoạn ban đầu cho đến hiện nay, đồng thời được cập nhật với những lời dạy quan trọng mới nhất của các giáo tông.
Nhận định của giáo tông Biển-đức XVI sau đây cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của ngài về học thuyết nền tảng này và về ước mong làm sao cho nó được phát triển tiếp: „Không phải có hai loại học thuyết xã hội, một của thời tiền công đồng và một của thời hậu công đồng, mà chỉ có một học thuyết xuyên suốt duy nhất và đồng thời luôn luôn mới“ („Caritas in veritate“ 12).
Với sự đáp ứng mạnh mẽ của độc giả sách đã được tái bản lần thứ hai (2000) và hiện nhà xuất bản Altius đang tái bản lần thứ ba (2011), ấn bản này cũng có thể đọc dưới dạng E-book.
Lothar Roos
Giáo sư về Học Thuyết Xã Hội Ki-tô Giáo và Xã Hội Học Mục Vụ
Đại Học Bonn và Krattowitz
Gửi ý kiến của bạn