Những việc mà các bạn trẻ Công giáo
muốn đi đến hôn nhân nên chuẩn bị
I. Nhà thờ
Chỗ cử hành lễ cưới theo «truyền thống» là nhà thờ thuộc xứ đạo mà cô dâu cũng như gia đình sinh hoạt ở đây. Trong xã hội ngày nay người ta thay đổi chỗ ở nhiều nên truyền thống này cũng thay đổi. Nhiều giáo xứ cũng uyển chuyển cho đôi tân hôn cử hành lễ cưới ở nhà thờ họ, dù rằng đôi này không đi lễ thường xuyên ở đây. Một cách lý tưởng, bạn nên chọn nhà thờ mà cả hai người đều hoạt động tích cực cho giáo xứ. Những giáo xứ lớn thường có nhiều lễ cưới nên họ dành ưu tiên cho những giáo dân thuộc về giáo xứ. Nếu bạn muốn cử hành lễ cưới ở một nhà thờ đặc biệt nào đó, một cách khôn ngoan bạn phải tiếp xúc với chỗ đó trước để biết những điều kiện của họ.
II. Liên Lạc Với «Cha Xứ» (*) và Chứng Minh Tình Trạng Tự Do Kết Hôn
(*) «Cha xứ» (trong ngoặc kép) xin được hiểu theo nghĩa rộng, danh từ này có thể hiểu là cha phó, thầy sáu hay một giáo dân có trách vụ trong lễ cưới. Nó cũng có thể là một linh mục thân quen mà bạn yêu cầu họ cử hành lễ cưới cho bạn.
Nếu bạn dự định cử hành lễ cưới theo nghi thức Công Giáo, điều đầu tiên phải làm là liên lạc với giáo xứ, nơi bạn sẽ làm đám cưới, và với «cha xứ» là người sẽ chứng hôn cho bạn. Trước khi bạn đặt tiền cọc để giữ chỗ, thuê ca đoàn, điều quan trọng nhất là phải nói chuyện với «cha xứ». Tại sao? Vì «cha xứ» là người có trách nhiệm phải biết chắc bạn không bị ngăn trở gì để kết hôn theo luật của Giáo Hội Công Giáo. Điều này có thể phức tạp hơn nhiều người nghĩ. Bất cứ ai đã từng kết hôn, dù đó chỉ là «hôn nhân đời», thì rất có thể họ không được «tự do kết hôn» trong Giáo Hội Công Giáo.
Lấy một thí dụ: Giang là người Công Giáo và chưa bao giờ lập gia đình. Sáu tháng trước đây, cô có hẹn hò với người bạn trai, Minh, là người theo đạo Tin Lành mà 5 năm trước Minh đã lập gia đình theo luật đời. Minh và vợ chưa có mặt con nào, và cô vợ đã ly dị Minh sau 18 tháng thành hôn. Giang biết rõ những điều này, nhưng cô rất tự tin vì Minh «chưa bao giờ kết hôn trong Giáo Hội» và nghĩ rằng hôn nhân đầu của Minh sẽ không là vấn đề đối với Giáo Hội.
Tám tháng trước ngày dự định thành hôn, Giang gọi điện thoại cho một người bạn thân, Cha Dũng, để xin ngài làm chứng cho lời thề hôn nhân của họ. Khi Cha Dũng biết Minh đã từng lập gia đình, ngài hỏi:
«Minh có phải là người Công Giáo không?»
Giang trả lời, «Không.»
«Vợ trước của Minh có phải là người Công Giáo không?»
«Không.»
Đến đây thì Giang nghĩ là mọi việc sẽ êm xuôi, tuy nhiên, vì Minh không phải là người Công Giáo, Cha Dũng biết giáo luật không đòi buộc anh phải kết hôn trong Giáo Hội Công Giáo, và Giáo Hội công nhận hôn nhân đời của anh có tình trạng tương đương (equal status) với một hôn nhân giữa hai người Công Giáo đã kết hôn trong Giáo Hội!
Nói cách khác, theo giáo luật, hôn nhân đầu của Minh được coi là «có giá trị» đối với Giáo Hội, và cũng theo giáo luật thì án ly dị ngoài đời không thể xoá đi giá trị này. Trong khi Minh có «tự do để kết hôn» theo luật dân sự, thì theo quy tắc của giáo luật, anh vẫn được coi là còn trong hôn nhân cũ.
Giang sửng sốt! Cô là một người Công Giáo tốt lành thực sự nghĩ những gì cô biết là đúng và không ngờ đó lại là vấn đề. Câu chuyện này đã kết thúc một cách vui vẻ. Cha Dũng đã giúp Minh qua những tiến trình chính thức của việc xin vô hiệu hoá annulment hôn nhân đầu và sau đó Giang và Minh đã tự do kết hôn trong Giáo Hội. Nhưng hôn nhân của họ đã phải đình hoãn đến hơn 1 năm. Bài học của câu chuyện này là đừng cho rằng bạn hiểu biết đầy đủ về giáo luật để nghĩ bạn có tự do để kết hôn trong Giáo Hội Công Giáo. Hãy nói với «cha xứ» tình trạng của bạn càng sớm càng tốt.
III. Gặp «cha xứ» và bàn về cách thức chuẩn bị hôn nhân
Nếu bạn đã có tự do để kết hôn trong Giáo Hội Công Giáo mà hai người chưa thực sự gặp mặt «cha xứ», thì đây là bước kế tiếp. Nếu người bạn đời tương lai không thể cùng bạn gặp «cha xứ», vì phục vụ trong quân đội, ở xa, v.v…, thì có thể hiểu được, tuy nhiên đó không phải là điều lý tưởng.
Cuộc gặp gỡ với «cha xứ» nhằm thực hiện một số điều. Trước hết, để ba người quen biết nhau và để biết cách làm việc với nhau. Giáo Lý Công Giáo dạy chính cô dâu và chú rể là những «thừa tác viên» thành Hôn Nhân Công Giáo, và «cha xứ» chỉ là «người chứng chính thức.» Những cách thức chuẩn bị hôn nhân nhằm giúp bạn và người phối ngẫu tương lai hiểu rõ vai trò của mình trong lễ cưới và trong sự chung sống như một đôi vợ chồng. Cuộc gặp gỡ này giúp hai bạn biết có thể làm việc với «cha xứ» một cách tốt đẹp hay không. Cũng giống như chọn lựa bác sĩ hay luật sư, tốt nhất là hãy chọn «cha xứ» mà bạn cảm thấy thoải mái vì bạn sẽ phải bàn hỏi những vấn đề rất riêng tư với người này. Thứ hai, cuộc gặp gỡ này giúp bạn có cơ hội để thảo luận và hoạch định tiến trình chuẩn bị hôn nhân mà cả hai bạn phải trải qua. Một số «cha xứ» có sẵn những chương trình mà họ muốn hai bạn phải theo; một số khác thì rộng rãi hơn, sẵn sàng hoạch định một chương trình phù hợp với tình trạng của bạn. Thường thì phải mất từ ba đến sáu tháng để chuẩn bị, và đa số các giáo xứ muốn bạn bắt đầu tiến trình này tối thiểu từ 6 đến 12 tháng trước khi đám cưới. Như thế bạn không phải dồn đủ mọi thứ trong một vài tuần lễ. Càng khởi sự sớm càng tốt.
Thứ ba, cuộc gặp gỡ này đem cho bạn cơ hội để đối phó với mọi vấn đề nếu có, thí dụ, ngày giờ đám cưới có được không, loại âm nhạc nào thì được phép dùng trong nhà thờ, và những quy tắc của giáo xứ về trang trí, chụp hình ảnh, v.v…
IV. Các giấy tờ cần thiết phải trình
Thật hữu ích để thu góp các giấy tờ cần thiết trước khi gặp «cha xứ». Tuy nhiên, đôi khi bạn không biết phải có những giấy tờ gì. Sau đây là những giấy tờ tiêu biểu mà khi bạn gặp «cha xứ» ngài sẽ giúp bạn hiểu rõ thêm.
- Nếu bạn là người Công Giáo, bạn phải có một bản sao chứng nhận rửa tội (không phải là bản chính). Có thể bạn phải liên lạc với giáo xứ cũ nơi bạn rửa tội để xin họ gửi cho một phó bản mới nhất. Tại sao? Khi bạn kết hôn trong Giáo Hội Công Giáo, chứng nhận hôn nhân sẽ được gửi về nơi bạn rửa tội và được lưu vào hồ sơ cùng với chứng nhận rửa tội. Và trong tương lai, chứng nhận rửa tội sẽ gồm cả chi tiết về hôn nhân của bạn. Nếu trong chứng nhận rửa tội không ghi chép gì về vấn đề hôn phối, thì đó là một bằng cớ chứng tỏ bạn được tự do kết hôn trong Giáo Hội.
- Nếu bạn không phải là người Công Giáo, bạn có thể bị đòi hỏi phải trưng ra một loại bằng chứng nào đó về việc rửa tội của bạn (theo các giáo phái Tin Lành), nhưng không buộc phải là một phó bản mới nhất, mà có thể là bản chính hoặc giấy viết tay xác nhận của cha mẹ bạn.
- Nếu bạn là người Công Giáo, bạn có thể buộc phải cho biết về ngày tháng, nơi chốn bạn đã Xưng Tội Lần Đầu và chịu Phép Thêm Sức. Chỉ cần cho biết chi tiết, nếu không có giấy tờ.
- Nếu cả hai người đã từng kết hôn lúc trước, bạn phải trưng ra giấy tờ riêng biệt về mỗi một hôn nhân và án ly dị.
- Nếu một trong hai đã được Giáo Hội cho vô hiệu hoá hôn nhân cũ thì phải trưng ra giấy tờ này.
- Dĩ nhiên, bạn phải xin một chứng nhận hôn nhân dân sự. Bạn có thể tìm thêm chi tiết trong các cuốn điện thoại niên giám. Tiến trình và phí tổn thay đổi tùy nơi. Nhớ đem chứng nhận này cho «cha xứ» trước khi cử hành hôn lễ. Không có giấy chứng nhận này sẽ không có đám cưới.
V. Ngày giờ tập lễ cưới và đám cưới
Bạn sẽ không có nhiều lựa chọn vì rất dễ trùng hợp với đám cưới của người khác. Đây lại là một lý do nữa để bạn phải chuẩn bị đám cưới càng sớm càng tốt.
VI. Những Khách Được Mời
Thật không dễ để quyết định phải mời những ai. Càng khó khăn hơn nữa khi cha mẹ bạn ly hôn hay tái hôn, hoặc một trong hai bạn đã có con của hôn nhân đầu. Thật quan trọng để lắng nghe người khác. Bạn có thể đồng ý hay không với những đề nghị của gia đình và bạn hữu, nhưng khôn ngoan hơn thì hãy để ý đến những lời khuyên bảo của họ. Đa số những người được mời đều cảm thấy vinh dự, và ít có ai muốn đến đám cưới để làm bạn phiền lòng.
VII. Tiệc Cưới
Mời những ai? Đây cũng là điều khó khăn, nhưng sau đây là vài gợi ý. Nếu có thể, bạn cẩn thận mời rất ít người thì những người không được mời sẽ không cảm thấy bị «bỏ rơi.» Hoặc bạn có thể giải thích cho người bạn thân rằng bạn rất muốn cô ta làm phù dâu, nhưng ông xã tương lai của bạn chỉ muốn có «ba» người mà thôi, nên có thể nhờ cô ta đọc sách (nếu có khả năng) hoặc dâng lễ vật trong Thánh Lễ. Có nhiều cách để nhận ra những người «đặc biệt» này.
Việc chọn các em mang nhẫn hay mang hoa cũng cần được lưu ý. Nếu các em quá nhỏ, và hay quên thì có thể các em sẽ làm chia trí cả nhà thờ. Tốt hơn hãy chọn các em khôn lớn một chút, và nếu bạn gặp khó khăn để thuyết phục gia đình về vấn đề này thì «cha xứ» sẽ áp dụng «chính sách» của ngài vì lợi ích cho bạn.
VIII. Trang Hoàng Nhà Thờ
Một số giáo xứ có quy tắc rõ rệt về những gì được phép hay không. Tuy nhiên, một cách tổng quát, bạn có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền và khỏi nhức đầu nếu bạn ít chú ý đến việc trang hoàng nhà thờ. Có những người sẵn sàng cung cấp cho bạn hoa và trang hoàng, nhưng hãy nhớ là họ chỉ muốn lợi dụng đám cưới của bạn mà thôi. Tâm điểm của một hôn nhân Công Giáo là cô dâu, chú rể và lời thề hôn nhân. Nếu bạn có nhiều tiền và muốn chi tiêu, hãy dùng tiền ấy cho vấn đề thực phẩm cho khách hay cho người nghèo hơn là trang hoàng nhà thờ quá mức.
IX. Âm Nhạc
Một số giáo xứ có những quy tắc nhất định; những giáo xứ khác lại rộng rãi hơn. Tuy nhiên, ngay cả trong một giáo xứ dễ dãi, bạn cũng phải khôn ngoan để lựa chọn bài nào để khách tham dự có cảm tưởng đó thực sự là những bài «thánh ca.»Rất có thể là cả hai bạn đều thích một bài nhạc «pop» nào đó vì là kỷ niệm của hai người, nhưng tốt hơn hãy dành bài ấy trong tiệc cưới, để mở đầu phần khiêu vũ của bạn hơn là dùng trong thánh đường, là nơi mà nhiều người sẽ cảm thấy bài ấy không thích hợp.
X. Chụp Hình và Quay Phim
Một số giáo xứ có quy tắc nhất định cho vấn đề này. Nhưng cũng giống như việc trang hoàng nhà thờ, bạn phải khôn ngoan lựa chọn những gì bạn thực sự cần, chứ đừng để chuyên viên nhiếp ảnh thúc đẩy bạn. Sau đây là vài gợi ý:
- Với tình trạng kỹ thuật phim ảnh hiện nay, một nhiếp ảnh viên giỏi có thể chụp đẹp dưới điều kiện ánh sáng hiện tại của nhà thờ mà không cần dùng đến đèn «flash». Họ cũng có thể chụp được những tấm ảnh đẹp mà không phải đi lên đi xuống cung thánh. Như thế, sự hoạt động của họ không làm mất đi tính cách linh thiêng của buổi lễ, hay làm người tham dự chia trí.
- Dùng thời giờ quá lâu để chụp hình sau lễ cưới thì không phải là điều hay ho để tiếp đãi khách được mời. Cách hay nhất là chụp hình trước khi cử hành lễ cưới, và sau lễ chỉ dành tối đa là 20 phút để chụp hình. Có thể đây là sự khôn ngoan khi bạn thương lượng với nhiếp ảnh viên về điều kiện này.
- Bạn cũng cần nghĩ đến vấn đề chụp hình trong tiệc cưới. Bạn muốn mất thì giờ để chụp những tấm ảnh kiểu cọ hay bạn muốn gặp mặt và chuyện trò với khách? Điều này cũng nên nói trước với nhiếp ảnh viên. Có một đôi tân hôn, thay vì thuê nhiếp ảnh viên, họ đã mua những máy chụp hình loại «không thể xài lại» (disposable) và để ở các bàn tiệc để khách có thể dùng đó mà chụp hình cô dâu, chú rể và chụp hình lẫn nhau. Sau đó, họ đi thu các máy hình này vào lúc kết tiệc. Đôi tân hôn này đã có rất nhiều hình bất ngờ mà khách lại thích thú.
XI. Y Phục
Chắc chắn bạn phải chọn những y phục đẹp nhất, tuy nhiên, với cô dâu, hãy thận trọng chọn loại áo hở cổ nào thích hợp với một lễ cưới trong nhà thờ.
XII. Hãy Tùy Túi Tiền Và Biết Chừng Mực
Nếu bạn không nghĩ rằng một đám cưới có thể khiến bạn chi tiêu quá mức, hãy hỏi những người vừa mới đám cưới xong.
Dự định việc chi tiêu và theo dõi những chi phí là cơ hội tốt để cả hai học biết cách cùng nhau hoạch định. Hai bạn có thể nhận ra những khác biệt mà mỗi người muốn chi tiêu hay tiết kiệm ở lãnh vực nào đó. Có thể bạn muốn tốn nhiều tiền về hoa, trong khi người phối ngẫu lại muốn tiêu tiền về thực phẩm. Điều này đem lại cơ hội để hai người đối thoại với nhau và đạt đến kết quả mà cả hai đều hài lòng. Một danh sách chi tiết những gì phải chi tiêu trong đám cưới phù hợp với tình trạng tài chánh của hai người nói lên rằng hai bạn đang làm chủ vấn đề chi tiêu.
Suy tư và đối thoại: Danh Sách Những Gì Phải Làm
I. Chọn nhà thờ và «cha xứ». Nếu bạn dự định lễ cưới trong nhà thờ Công Giáo, bạn đã giữ chỗ nơi nhà thờ ấy chưa? Bạn có chọn «cha xứ» nào để chứng hôn cho bạn chưa? Bạn đã bàn hỏi với người phối ngẫu tương lai về những quyết định này chưa? Nếu một trong hai bạn không phải là người Công Giáo, hãy dành thời giờ đọc chương 14: Một Hôn Nhân Khác Tôn Giáo, vì có thêm những lựa chọn khác về việc chọn nhà thờ và «cha xứ.»
II. Tình Trạng Tự Do Kết Hôn. Thật quan trọng để biết chắc là hai bạn được «tự do để kết hôn» theo các quy tắc của giáo luật. Nếu một trong hai người đã lập gia đình trước, hãy suy xét lương tâm xem bạn có «tự do để kết hôn» trong Giáo Hội Công Giáo không. Bạn đã kiểm lại vấn đề này chưa?
III. Giữ Chỗ Trong Nhà Thờ. Tuỳ theo thời điểm trong năm và kích thước của nhà thờ, có thể bạn phải giữ chỗ trong nhà thờ trước một năm để có được ngày giờ bạn muốn. Dù rằng nhà thờ còn nhiều chỗ trống, đa số giáo xứ muốn bạn chuẩn bị hôn nhân tối thiểu từ 6 tháng đến 1 năm trước ngày cưới. Bạn đã định ngày làm đám cưới chưa?
IV. Giấy Tờ. Bạn có biết những giấy tờ gì cần thiết để đưa cho «cha xứ» không? Có thể phải mất nhiều thời gian để có được những giấy tờ này, vì bạn phải liên lạc với những người ở xa, ngoài tiểu bang hay ngoài nước. Sau đây là danh sách tiêu biểu cho hai người Công Giáo, nếu bạn đã từng kết hôn hoặc một trong hai không phải là người Công Giáo, có thể bạn phải cần thêm giấy tờ khác.
- Chứng nhận rửa tội (mới cấp)
- Ngày và nơi Xưng Tội Lần Đầu, Thêm Sức
- Giấy tờ chứng minh tình trạng tự do kết hôn (thường do cha mẹ/ anh chị em ký nhận)
V. Gặp Cha Xứ. Cả hai bạn đã hẹn ngày gặp cha xứ chưa? Nếu bạn quyết định kết hôn trong Giáo Hội bạn phải gặp cha xứ càng sớm càng tốt. Ngoài vấn đề «tự do kết hôn» của bạn và việc chọn ngày giờ làm đám cưới, còn nhiều vấn đề cần phải thảo luận sớm. Chương trình chuẩn bị hôn nhân cũng phải được quyết định. Trong cuộc thăm dò ý kiến mới đây, những người có tham dự chương trình chuẩn bị hôn nhân đều quả quyết là chương trình này có ích lợi hơn họ lầm tưởng. Hai bạn có hoạch định chương trình chuẩn bị hôn nhân với cha xứ chưa?
VI. Có nhiều điều bạn phải liệt kê thêm vào danh sách dưới đây, nhưng hãy cố dành chút thì giờ để lướt qua những điều sau:
1. Gom góp giấy tờ chứng minh tình trạng «tự do kết hôn.» 2. Ngày giờ tập dợt lễ cưới 3. Danh sách những người khách 4. Mời người Đọc Sách 5. Mời người Dâng Của Lễ 6. Hoàn tất việc chuẩn bị hôn nhân 7. Hoạch định ngày cưới 8. Chọn thợ chụp ảnh, quay video, ca đoàn 9. Giữ chỗ tổ chức tiệc cưới 10. Vấn đề thực phẩm, rượu, trang hoàng trong tiệc cưới 11. Vấn đề âm nhạc trong tiệc cưới 12. Vấn đề thiệp cưới, thiệp cám ơn, thực đơn 13. Quà cho khách tham dự 14. Lấy hôn thú (toà dân sự) 15. Tặng cha xứ 16. Quà cho ca đoàn, các em giúp lễ 17. Quà cho «người nghèo, người vô gia cư» 18. Y phục ngày cưới 19. Vấn đề trang hoàng nhà thờ 20. Tuần trăng mật và chi phí