Càng yêu thương ai, Thiên Chúa càng gửi nhiều đau khổ cho người ấy!

22/12/201710:58 SA(Xem: 19405)
Càng yêu thương ai, Thiên Chúa càng gửi nhiều đau khổ cho người ấy!
CHIA SẺ TIN MỪNG
Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh

(25-12-2017)

christmas-birth-of-jesus

Càng yêu thương ai, Thiên Chúa càng gửi nhiều đau khổ cho người ấy!



ĐỌC LỜI CHÚA

  Is 9,1-6(5) Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hòa bình. (6) Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hòa bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đavít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời.
  Tt 2,11-14(12) Ân sủng cứu độ mời gọi ta từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức.
•  TIN MỪNG: Lc 2,1-14
Đức Giêsu ra đời

(1) Thời ấy, hoàng đế Augustô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. (2) Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Quiriniô làm tổng trấn xứ Xyri. (3) Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. (4) Bởi thế, ông Giuse từ thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Bêlem, miền Giuđê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít. (5) Ơng lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. (6) Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. (7) Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. 

 (8) Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật.(9) Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. (10) Nhưng sứ thần bảo họ: «Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: (11) Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. (12) Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ». (13) Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: (14) «Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương».

CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1.  Nếu bạn khám phá ra cha bạn – một người rất giàu có – đã xếp đặt để mẹ bạn sinh bạn ra trong một chuồng bò hay chuồng heo của nhà ai đó, bạn sẽ nghĩ thế nào về cha của bạn? Bạn lý giải thế nào về việc Thiên Chúa đã quan phòng để Đức Giêsu, Con Ngài, ra chào đời trong một chuồng bò? 
2.  Đặt mình vào địa vị của Đức Maria và thánh Giuse, bạn sẽ nghĩ và nói thế nào về Thiên Chúa khi hai Ngài phải rời Nadarét vào Bêlem, không tìm được chỗ trọ, và phải sinh con trong chuồng bò? 
3. Tại sao Thiên Chúa lại để cho Đức Giêsu phải chịu đau khổ, nhục nhã từ khi sinh ra đến lúc chết? Thiên Chúa ghét và muốn hành hạ Con của Ngài chăng? Nếu không, phải lý giải thế nào về sự kiện ấy?

Suy tư gợi ý:

1.  Con Thiên Chúa cao sang lại sinh ra trong cảnh tột hèn kém

Chúng ta thử tưởng tượng xem một vị hoàng đế trần gian nếu biết trước đứa con mình sinh ra sẽ là vị cứu tinh của trần gian, thì hoàng đế ấy sẽ chuẩn bị cho người con ấy chào đời như thế nào? Chắc chắn ông sẽ chuẩn bị cho con mình một nơi thật xứng đáng, với quần áo, tã lót, chăn mền… thật sang trọng. Và cũng tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho người mẹ sẽ sinh ra con mình. 

Chính vì tưởng rằng Thiên Chúa trên trời cũng suy nghĩ như mình, nên người Do Thái thời Đức Giêsu đã tưởng Đấng Cứu Thế sẽ phải sinh ra trong cung vàng điện ngọc. Nhưng họ không ngờ Thiên Chúa suy nghĩ khác hẳn với cách nghĩ của họ!

Theo Tin Mừng, Đức Giêsu đã sinh ra trong hang bò lừa (Lc 2,7.12.16). Đã là chỗ nuôi và chứa sức vật đương nhiên phải hôi tanh và bẩn thỉu. Chắc chắn Giuse và Maria phải hết sức ngỡ ngàng khi thấy Thiên Chúa đối xử với mình, nhất là với Đấng Cứu Thế hài nhi như vậy! Nhục nhã thay cho Đấng Cứu Thế! 

Bất kỳ ai biết mình đã chào đời trong một chỗ tối tăm và nhục nhã tận cùng như thế đều không tránh được mặc cảm cho rằng cuộc đời mình cũng sẽ tối tăm và nhục nhã như thế!? Trước sự thật phũ phàng trước mắt, chắc hẳn phải có lúc hai ông bà nghi ngờ rằng: liệu lời thiên sứ nói với mình về đứa trẻ mình sinh ra có thật hay không? Nghi ngờ để rồi lại tự nhủ, tự an ủi, tự tìm lấy lý do để cố mà tin cho vững hơn! 

Thực tế thật phũ phàng, nhưng đó lại chính là thánh ý của Thiên Chúa. Muốn cứu thế giới khỏi những nhơ nhớp của tội lỗi, Con của Ngài cũng phải nhập thể từ chốn nhơ nhớp nhất của trần thế! Muốn đưa con người lên thật cao, Thiên Chúa nhập thể phải xuống cho thật thấp, thấp đến tận cùng! (x. Pl 2,6-8)



2. Cách xếp đặt của Thiên Chúa… thật hết sức nghịch lý!

Thật là nghịch lý và không thể hiểu nổi cách Thiên Chúa đối xử với người Con độc nhất và hết sức yêu quí của Ngài, và với hai người đặc biệt mà Ngài chọn để hạ sinh, bảo vệ và nuôi dưỡng người Con ấy! 

Giuse và Maria đang sống yên lành tại Nadarét, những tưởng đứa con trong bụng nàng sẽ ra đời tại nhà mình ở làng ấy. Chắc hẳn chàng và nàng đã mua sắm đồ này vật nọ để chuẩn bị cho xứng đáng với chức vị cao cả của đứa bé sắp chào đời! Nào ngờ chiếu chỉ kiểm tra dân số của Hoàng Đế Rôma đã đảo lộn tất cả (x. Lc 2,1-4), đã đẩy đôi trai gái đức hạnh – chỉ biết nghĩ đến thánh ý Thiên Chúa – vào một cuộc phiêu lưu bất ngờ đầy gian khổ!

Từ làng Nadarét vùng Galilê thuộc miền Bắc Do Thái, chàng và nàng phải vượt qua vùng Samari đầy đồi núi của miền Trung để về tận làng Bêlem vùng Giuđê thuộc miền Nam Do Thái (x. Lc 2,4). Đường chim bay đo theo tỷ lệ xích trên bản đồ cũng phải là 120 cây số, đường ngòng ngoèo trong thực tế hẳn phải trên 150 cây. Thời ấy có lẽ hai người phải dùng một con la để di chuyển. Hành trình chắc chắn là rất vất vả! 

Điều nghịch lý nhất nằm ở chỗ Thiên Chúa lại quan phòng cho ngày phải di chuyển ấy xảy ra khi Maria mang thai đến thời kỳ sinh nở (x. Lc 2,6). Sau một hành trình vất vả như thế, khi tới nơi những tưởng Thiên Chúa sẽ dành cho Con của Ngài một chỗ để sinh nở tương đối xứng đáng, nhưng khốn thay… tất cả mọi người mọi nơi đều từ chối! Nếu hai ông bà có tiền, chắc hẳn không đến nỗi! 

Chưa sinh ra, Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể đã phải đối diện với sự ích kỷ và tính coi trọng tiền bạc hơn tình nghĩa của con người! Không kiếm được chỗ để trọ và sinh con, hai ông bà đành trọ và sinh con trong chuồng súc vật! (x. Lc 2,7)

Kết quả của những nghịch lý ấy là gì? ai phải khổ đây? − Cả gia đình gồm 3 người Giuse, Maria và Giêsu là khổ nhất. Phải chăng Thiên Chúa ghét và muốn đày đọa gia đình này? Chắc chắn không phải! – Có thể nói đây là gia đình quan trọng nhất, được Thiên Chúa quan tâm, ưu ái đặc biệt nhất! Vì thế, nếu đã xảy ra như vậy – đương nhiên là do sự quan phòng vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa – thì ắt hẳn đây phải là cách có lợi nhất cho đại cuộc cứu chuộc nhân loại.

Như vậy, vì đại cuộc, Thiên Chúa buộc những «người của Ngài» phải hy sinh, phải chấp nhận nhục nhã, đau khổ hơn những người khác. Nhưng bù lại, Ngài sẽ ân thưởng cho «người của Ngài» vinh quang, hạnh phúc cao quí nhất! (x. Rm 8,17-18; 1Cr 15,43; 2Cr 4,17)



3. Nghịch lý… nhưng lại rất hợp lý và khôn ngoan

Như vậy, ta thấy Thiên Chúa coi hạnh phúc hay đau khổ, vinh quang hay nhục nhã chóng qua trong hiện tại không quan trọng bằng hạnh phúc hay đau khổ, vinh quang hay nhục nhã lâu dài trong tương lai. Nếu phải chịu khổ hay chịu nhục một chút trong hiện tại để rồi được hạnh phúc hay vinh quang lâu dài trong tương lai, thì ai khôn ngoan cũng đều sẵn sàng chấp nhận (x/ Rm 8,18; 2Cr 4,17). Còn nếu được hưởng hạnh phúc hay vinh quang thật ngắn ngủi trong hiện tại để rồi phải chịu đau khổ và nhục nhã lâu dài trong tương lai, thì chỉ có người ngu mới chấp nhận! 

Những cha mẹ thật sự yêu thương con cái sẵn sàng chọn lựa để con cái mình phải đau khổ hay chịu nhục nhã một chút hầu về sau chúng được hạnh phúc và vinh quang lâu dài. Bạn chưa tin ư? Này nhé, giả như bạn phải chọn lựa cho bạn hoặc cho con cái bạn giữa ba khả thể sau đây, thì bạn chọn khả thể nào: 

● một là đau khổ hiện tại 1 mà hạnh phúc tương lai 10, 
● hai là đau khổ hiện tại 2 mà hạnh phúc tương lai 100, 
● và ba là đau khổ hiện tại 3 mà hạnh phúc tương lai 1.000? 

Chắc chắn bạn sẽ chọn khả thể thứ ba. Thiên Chúa cũng chọn lựa cho những người Ngài đặc biệt yêu thương tương tự như vậy. Chính vì thế, Ngài sẵn sàng để Đức Giêsu, Người Con độc nhất mà Ngài yêu quý nhất phải chịu đau khổ và nhục nhã ngay từ khi chào đời đến giây phút cuối cùng của cuộc đời để cứu chuộc nhân loại, hầu cuối cùng, trong vĩnh cửu, Đức Giêsu trở thành người hạnh phúc và vinh quang nhất không ai sánh bằng!

Thánh Têrêxa Avila − người sáng lập dòng kín Cát-Minh − khi gặp quá nhiều đau khổ trong cuộc đời mình, đã phải than với Chúa: «Chúa đối xử với những người bạn thân yêu nhất của Chúa như thế này, thì Chúa ít bạn là phải rồi!» Thật thế, càng yêu ai, thì Chúa càng gửi nhiều đau khổ thử thách đến cho người ấy, vì đó là cách yêu thương vô cùng khôn ngoan của Ngài!

Nếu ta biết nhìn bằng con mắt đức tin và khôn ngoan như thế, thì việc Đức Giêsu phải chịu đau khổ và nhục nhã từ khi sinh ra cho đến hết cuộc đời sẽ trở thành một sự kiện bảo đảm, một căn cứ để hy vọng, và một niềm an ủi lớn lao cho ta khi ta gặp phải những đau khổ lớn lao trong cuộc đời. 

Khi Thiên Chúa dành cho chúng ta đau khổ hay nhục nhã trong hiện tại, thì điều đó không có nghĩa là Ngài ghét bỏ ta. Trái lại có thể là Ngài đang dành cho ta một ưu đãi, một sự yêu thương đặc biệt mà ta có quyền chấp nhận hay từ chối. Nếu tự nguyện chấp nhận thì hạnh phúc và vinh quang của ta sẽ rất lớn, và lớn thế nào tùy thuộc vào chất lượng sự tự nguyện của ta và mức độ đau khổ ta sẵn sàng đón nhận. Nếu từ chối, ta sẽ bỏ lỡ một cơ hội quí báu mà Thiên Chúa vì yêu thương đã dành cho ta, vì «những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta!» (Rm 8,18).

Vậy, người thường hay kẻ không tin kêu ca về nghịch cảnh, về đau khổ mình phải chịu thì không có gì là lạ. Nhưng người Kitô hữu, người mang danh theo Chúa, người có lý tưởng tông đồ, người được Chúa chọn, được mang danh là «người của Ngài», mà lại than vãn khi gặp nghịch cảnh thì quả là… vẫn còn sống theo tính xác thịt, như thánh Phaolô đã phiền trách: «Tôi không thể nói với anh em như với những con người sống theo Thần Khí, nhưng như với những con người sống theo tính xác thịt, như với những trẻ nhỏ trong Đức Kitô. Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi. Nhưng bây giờ anh em cũng vẫn còn không chịu nổi, vì anh em còn là những con người sống theo tính xác thịt» (1Cr 3,1-3).



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu sinh ra thật nhục nhã và sống một cuộc đời đầy đau khổ, nhưng đã sống lại trong vinh quang và trở thành Chúa Tể trời đất. Qua sự việc ấy con mới hiểu được giá trị của đau khổ. Đúng lý ra khi gặp đau khổ, nhục nhã, trái ý… con phải vui mừng vì biết khi cho phép xảy ra như vậy là Cha thương con cùng một cách như Cha đã từng thương Đức Giêsu và bao vị thánh của Cha. Đúng ra con nên nói «con được đau khổ» chứ không phải «con bị đau khổ»!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC