Con Người và Định Mệnh – Tự do hay Tiền định

26/08/20244:24 CH(Xem: 273)
Con Người và Định Mệnh – Tự do hay Tiền định

Con Người và Định Mệnh

– Tự do hay Tiền định

aaaTiếng Sa Mạc

Thi hào Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều:

 «Ngẫm hay muôn sự tại trời

  Trời kia đã bắt làm người có thân,

  Bắt phong trần phải phong trần,

  Cho thanh cao mới được phần thanh cao.»

Nguyễn Du là một nhà nho theo thuyết thiên mệnh, trong đó mọi xoay vần sống chết của vũ trụ muôn loài đều do trời định đoạt.

Ông cũng đề cập đến quyền tự do con người «đức năng thắng số», khi kết thúc câu truyện:

«Thiện căn ở tại lòng ta,

 Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.»

Ý nói con người có thể thay đổi mệnh trời bằng thiện tâm của mình.

Tự do và tiền định là hai nan đề xem ra khó mà dung hợp.

1) Thế nào là Tự do? và Tiền định là gì?

●  Tự do:

Không ít người quan niệm hàm hồ rằng: tự do là muốn làm gì thì làm. Điều này không đúng với thực tiễn cuộc sống. Người ta không thể tồn tại nếu có sự bát nháo, hỗn loạn, khi ai làm gì cũng được. Không có luật pháp, không có trật tự. Loài vật, dù sống theo bản năng cũng phải tuân theo những quy tắc bầy đàn.

Tự do, thật ra, chỉ rất tương đối và nhiều giới hạn. Những giới hạn này không làm triệt tiêu tự do mà trái lại giúp tự do của ta phát triển. Luật đi đường chẳng hạn, nó hạn chế tự do cá nhân của ta, bắt ta phải tuân theo những gò bó luật lệ. Nhưng nó lại giúp ta an toàn trên xa lộ và tới đích nhanh nhất, an toàn nhất.

Nói tóm lại:

Tự do là ý chí chọn lựa của ta tuân theo cái lợi ích, cái thiện, là cái đưa ta đến sự sống và tăng trưởng. Ta có quyền chọn cái xấu, cái ác, nhưng trước sau nó cũng đưa ra đến suy thoái, hủy diệt. Càng làm điều thiện con người càng tự do.

Tự do thì đi liền với trách nhiệm. Luật nhân quả đáp ứng khách quan cho mọi hành vi. Làm gì thì làm với ý thức tự do, ta sẽ lãnh hậu quả và tự chịu trách nhiệm việc mình làm.

●  Tiền định:

Tiền định là xếp đặt trước một công việc, dù muốn dù không thì nó cũng xảy đến như vậy, kết quả không tùy thuộc ý chí tự do của ta. Tiền định đương nhiên bao hàm yếu tố thời gian trước và sau.

Tiền định, nói cách khác là định mệnh của ta, đã được ai đó xếp đặt để có một kết quả đã được biết trước là như vậy. Chẳng hạn: số giàu nghèo. Dù ta có cố gắng làm ăn quần quật, chi tiêu dè xẻn, số nghèo vẫn nghèo. Dù có xoay xở cách nào thì cũng không khá lên được.

Thúy Kiều tài hoa, sắc nước hương trời, cũng vì «Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen», cô vùng vẫy tìm đường thoát cảnh long đong mà đâu có được. Rồi thì «Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi». Mèo vẫn hoàn mèo, thoát ra lầu xanh rồi lại vào lầu xanh «Người dù muốn quyết trời nào đã cho» (Truyện Kiều).

Phật giáo cho là do nguyên nhân phức tạp của nhân duyên mà thành. Còn thánh kinh Cựu và Tân Ước giải thích thế nào?

2) Tự do và Tiền định trong Thánh Kinh

Thánh kinh nói rất nhiều về quyền tự do của con người và cũng nhiều lần đề cập sự tiền định của Thiên Chúa trên đời sống nhân sinh.

●  Tự do:

Thiên Chúa cho con người sự tự do và Ngài luôn tôn trọng quyền tự do ấy. Chúa Giêsu nói với môn đệ «Thầy không còn gọi các con là tôi tớ vì tôi tớ không biết việc chủ làm, Thầy gọi các con là bạn hữu» (Ga 15, 15). Bạn bè thì được tự do và được tôn trọng.

Sách Sáng Thế: «Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: “Hết mọi trái cây trong vườn ngươi cứ ăn, nhưng trái cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết”» (St 2, 16-17). Chúa cho con người quyền tự do được chọn lựa trái cây này cây khác, kể cả quyền tự do không vâng phục Ngài mà ăn trái cấm. Ngài cũng cảnh báo trước cho con người điều xấu chớ có làm kẻo phải chết.

Sách Đệ Nhị Luật: «Coi đây, tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai họa. Hôm nay tôi truyền cho anh em phải yêu mến Đức Chúa. Thiên Chúa của anh em, đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh em được sống» (Đnl 30, 15).

Sách tiên tri Êdêkien «Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống» (Ed 33, 11).

Trong Tân Ước, thư của thánh Phaolô gởi tín hữu Galát viết: «Anh em đã được gọi để hưởng tự do» (Gal 5, 13).

Giuđa Iscariôt đã được Chúa Giêsu cảnh báo nhiều lần về sự phản bội đáng xấu hổ để ông ta thành tâm mà bỏ ý định bán Chúa. Ông ta không thèm nghe. Rốt cuộc Ngài để mặc ông ta muốn làm gì làm và Ngài than «thà nó đừng sinh ra thì hơn» (Mt 26, 24).

Câu truyện thiên thần Gabriel đến truyền tin cho mẹ Maria mang thai Chúa Cứu Thế. Sau khi đã hỏi sứ thần «Việc đó xảy ra thế nào được» và nghe sứ thần thuyết minh mọi chuyện. Mẹ đã thưa «Xin vâng.»

Ta thấy việc hệ trọng cứu chuộc loài người mà Thiên Chúa vẫn tôn trọng để con người cộng tác tự do chứ không ép buộc.

Còn tiền định thì sao?

●  Tiền định:

Thánh kinh cũng nói nhiều về việc tiền định, điển hình là câu nói «thế là ứng nghiệm lời kinh thánh», được lặp đi lặp lại rất nhiều lần.

–  Mt 26, 24: «Đã hẳn Con người ra đi theo như lời đã chép về Người»
–  Lc 4, 21: «Hôm nay đã ứng nghiệm lời kinh thánh quý vị vừa nghe»
–  Ga 19, 36: «Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời kinh thánh»

Chúa Giêsu nói rõ về sự tiền định: «Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi» (Lc 12, 7).

Thánh vịnh 139 thì minh định:

«Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ.

 Biết cả khi con đứng con ngồi.

 Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,

 Đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,

 Mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.

 Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,

Thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết

Vậy có gì mà không nằm ngoài thiên ý: «Được thua phú quý đều thiên mệnh» (Nguyễn Trãi, Mạn Thuật).

Nhưng làm sao biết được thiên mệnh?

Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều trăn trở trong Cung Oán Ngâm Khúc: «Vắt tay nằm nghĩ cơ trời.» Cơ trời vi diệu quá mở đóng khôn lường, và ông đồng ý như Nguyễn Hữu Chỉnh trong Ngôn ẩn thi tập: «Phải cơ, mới biết cơ trời nhiệm».

3) Thiên cơ bất khả lộ

Cơ trời xưa nay không ai có thể biết. Theo người xưa, có ai biết thiên cơ thì cũng phải giữ kín, nếu tỏ lộ ra ngoài thì chắc chắn phải chết. Cho nên chẳng ai biết đúng sai thế nào.

Các nhà tiên tri nổi danh như sấm Trạng Trình (1491), Nostradamus (1503) và mới đây bà Vanga (1911-1996) đã tiên đoán sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết, thảm họa Chernobyl, tàu ngầm Kursk, thảm họa tòa tháp đôi Nữu Ước… đều dùng lối nói mơ hồ. Chỉ khi sự kiện xảy ra thì người ta mới gán cho lời tiên tri trên là đúng.

Nhưng Chúa Giêsu là Chúa thì khác, mọi sự do Ngài mà có: «Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền» (Lc 4, 32).

Chúa không như các tiên tri khác. Ngài chính là sự thật, là chân lý. «Ta là đường, là sự thật và là sự sống» (Ga 4, 6), «Và sự thật sẽ giải phóng các ông …Vậy nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do» (Ga 8, 32…36).

Thật vậy, như thánh Phaolô viết trong thơ gởi tín hữu Côrintô: «Chúa là thần khí, và ở đâu có thần khí của Chúa thì ở đó có tự do» (2 Cor 3, 17).

Chúa đến để giải thoát chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi, đem lại tự do đích thực. Nói như thánh Phaolô trong thơ gởi tín hữu Galát: «Chính để chúng ta được tự do mà Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta» (Gal 5, 1).

Như đã phân tích ở trên, tự do đích thực là chọn việc thiện vì nó đem lại sự sống và tăng trưởng.

Tự do chính là biết chọn lựa nương theo quy luật tất yếu của thiên nhiên mà sống, «thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong» (Sống thuận cùng quy luật tự nhiên thì tồn tại, nghịch lại sẽ bị diệt vong).

Tự do không đối nghịch với tiền định vì Thiên Chúa đã an bài (tiền định) cho ta được tham gia vào đời sống thần linh của Ngài, nếu ta không bị hư mất bởi lạm dụng tự do mà làm điều ác.

Có điều, do trí khôn ta hạn hẹp, không thấu hiểu hết ngành ngọn, nên phán đoán có đúng có sai. Chẳng hạn, khi mời một người bạn đến nhà ăn cơm. Ta chọn ngày bạn nghỉ, giờ giấc thích hợp, vì tình thân thiết, bạn biết chắc là người bạn ấy sẽ đến.

Chúa, không như ta, Ngài biết rõ mọi sự, cả quy luật tâm lý của ta. Ngài có thể dự đoán chính xác 100% là ta sẽ đi đường nào. Số phận của ta Ngài đã am tường như thánh vịnh 139 mà ta mới đọc ở trên.

Chúa dự đoán chứ không định đoạt. Lại nữa, ta thì sống trong không gian 4 chiều. Thiên Chúa là thần trí. Ngài là chủ của thời không. Ta không thể phán đoán việc làm của Ngài dựa vào không thời gian hạn hẹp của thế giới ta sống.

Kết luận:

Bạn muốn làm người có tự do đích thực và bạn có muốn được tham phần với Thượng Đế vào đời sống vĩnh cửu của Ngài. Quyền tự do của bạn.
Vậy ngay từ bây giờ bạn nên gieo nhân để có quả tốt. Chúa Giêsu nói: «Ai tin vào ta thì có sự sống đời đời» (Ga 3, 15). «Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát» (Rm 10, 13).

Tiếng Sa Mạc

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC