Giáo Trụ Là Ai, Là Gì?

05/07/20189:41 CH(Xem: 2812)
Giáo Trụ Là Ai, Là Gì?
Giáo Trụ Là Ai, Là Gì?
 

Tobias Glenz. Phạm Hồng-Lam dịch

(Katholisch.de, ngày 29.06.18)


[Chú của người dịch: Giáo Trụ là danh xưng đề nghị để thay thế chữ „Hồng Y“. Giáo Trụ được dịch từ chữ „Cardinal“ (chính yếu, trụ cột, quan trọng): có nghĩa là „người phụ tá trụ cột bên cạnh giáo tông.“]


Ngày 28.6.2018 giáo tông Phan-sinh vừa nhận thêm 14 vị mới vào Đoàn Giáo Trụ. Như vậy Đoàn này hiện có tất cả 226 vị. Nhưng số vị có quyền tham dự mật nghị bầu giáo tông, nghĩa là những vị dưới 80 tuổi, chỉ có 125 người. Giáo trụ là những người được quyền bầu giáo tông, điều này nhiều người đã biết, ngay cả những tín hữu ít gần gũi với Giáo Hội. Nhưng ngoài cái quyền này ra, chẳng mấy ai biết rõ thêm về họ.

Điểm quan trọng nhất phải nói ngay: „Giáo trụ“ chỉ là một tước, chứ không phải là một chức trong Giáo Hội, như các chức „phó tế“, „linh mục“ hay „giám mục“. Khái niệm này xuất phát từ chữ La-tinh „Cardinalis“ (người quan trọng, ưu tú) và nó là tước cao trọng đứng hàng thứ hai trong Giáo Hội, sau tước „Pontifex Maximus“ của giáo tông. Mặc dù đây chỉ là một tước danh dự mang tính cách suốt đời do giáo tông cấp, nhưng những người mang tước này được đưa vào hàng những người mang trách nhiệm cho toàn Giáo Hội, vì họ là thành viên trong Đoàn Giáo Trụ (Thượng Nghị Viện của giáo tông) hoặc qua việc họ đảm nhận vai trò trong các ban bộ ở Vatican. Thêm vào đó là quyền bầu giáo tông.


Để trở thành Giáo Trụ


Làm sao có được tước cao trọng này? Trên nguyên tắc giáo tông có toàn quyền tự do trong việc ban cấp tước này. Nhưng nó thường được trao cho các giám mục có công lao xứng đáng. Tuy nhiên, bảo rằng chỉ có giám mục mới được trao tước, thì đấy là một nhầm lẫn khá phổ biến. Theo giáo luật giáo trụ phải „ít nhất là người đã được phong chức linh mục, vượt trội về đức tin, đức hạnh, đạo đức cũng như về thông minh trong những việc hành chánh“ (Can. 351 §1 CIC). Như vậy, trên nguyên tắc mọi linh mục đều có thể được trao tước. Chẳng hạn như Walter Brandmüller người Đức, khi được nhận vào Đoàn Giáo Trụ thì ông chỉ là một linh mục; nhưng ngay sau khi nhận tước, ông được phong chức giám mục. Là vì, cũng theo giáo luật, „ai chưa là giám mục, phải được phong giám mục sau khi nhận tước“. Tuy nhiên giáo tông có thể uyển chuyển về điểm này, thành ra không nhất thiết mọi giáo trụ đều phải là giám mục.

Mà cho dù mọi linh mục và giám mục một lúc nào đó đều có thể trở thành giáo trụ, thì trong một số trường hợp ta cũng có thể dễ đoán trước được khả năng có thể được trao tước: Trưởng các bộ ở Vatican thường là những người mang tước giáo trụ; nếu khi nhận chức vụ mà chưa có tước giáo trụ, thì tước này trước sau cũng sẽ được cấp. Chẳng hạn như trường hợp của tổng giám mục Luis Ladaria; vị này được giao vai trò trưởng Bộ Giáo Lí Đức Tin vào tháng Bảy năm ngoái, vừa rồi cũng được nhận áo mũ đỏ. Trường hợp Quốc Vụ Khanh Pietro Paronin cũng vậy, người đứng „hàng thứ hai“ sau giáo tông, cũng chỉ được đội mũ giáo trụ sau một thời gian nắm giữ văn phòng Quốc Vụ Khanh. Bên cạnh những vị đứng đầu các bộ ở Vatican, các chủ chăn ở một số giáo phận lớn cũng thường được cấp tước giáo trụ: Chẳng hạn ở Đức các tổng giám mục  của München-Freising hay Köln trước sau cũng được nhận tước.

Giáo trụ chẳng phải là người được „cất nhắc“ (ernannt) cũng chẳng được „sắc phong“ (orfiniert), mà nói cho đúng, là người được „tạo ra“ (kreiert) qua một quyết định của giáo tông được công bố trong một cuộc họp của Đoàn Giáo Trụ (Kardinalkonsistorium). Các cuộc họp của Đoàn Giáo Trụ có mục đích là để cố vấn cho giáo tông; và không nhất thiết cứ mỗi lần họp là giáo tông lại tạo thêm thêm những giáo trụ mới. Cần phân biệt hai loại họp của Đoàn Giáo Trụ: thông thường và bất thường. Họp thông thường là những buổi họp của các giáo trụ làm việc tại Vatican; họp bất thường là những cuộc họp có mặt của toàn thể các giáo trụ trên khắp thế giới. Chỉ sau khi được giáo tông công bố sắc lệnh trong cuộc họp giáo trụ, việc chỉ định tân giáo trụ mới trở thành hiệu lực.


Màu áo mũ và cách xưng hô


Giáo trụ có mũ áo với màu riêng. Họ nhận được nhẫn và mũ vuông (birett) trực tiếp từ tay giáo tông trước sự chứng kiến của các giáo trụ khác. Tất cả, từ mũ vuông cho tới áo choàng (Talar), khăn vai (Mozetta) và mũ chóp (Pileolus: có người gọi là mũ du-dêu) đều màu đỏ. Nguồn gốc màu đỏ này xuất phát từ lịch sử: Trước đây, sau khi giáo tông chết cho tới khi họp mật nghị bầu tân giáo tông, các giáo trụ bận áo choàng màu đỏ sẫm gần như tím. Ngày nay, ngoài các buổi lễ phụng vụ, các giáo trụ bận áo choàng đen thường nhưng có viền và cúc màu đỏ. Màu đỏ nói lên vị trí cao trọng của phẩm tước và cũng mang í nghĩa là người mang nó sẵn sàng chấp nhận tử vì đạo, nếu cần. Trước đây giáo trụ đội mũ xếp có hai giải dài phía sau; mũ này đã bị giáo tông Phao-lô VI. bãi bỏ vào năm 1969; ngày nay nó chỉ còn được in trên huy hiệu giám mục của đương sự mà thôi.

Tên gọi đầy đủ của tước giáo trụ là „Sanctae Romanae Ecclesiae Cardinalis“ (Giáo Tụ Của Giáo Hội Roma Thánh). Đối với người Âu Mĩ tước „giáo trụ“ được viết chêm vào giữa tên gọi và tên họ. Chẳng hạn „Karl Kardinal Lemann“, „Joseph Kardinal Ratzinger“, và trong xưng hô thư từ tên họ thường được đi kèm với chữ „Eminenz“. Tước „Giáo Trụ“ nuốt hết các tước vị khác; nghĩa là một khi đã có tước „giáo trụ“ thì các tước vị khác không cần phải trưng ra nữa, chẳng hạn không bao giờ có lối xưng như thế này: „Joseph Kardinal Professor Dr. Ratzinger“. Tước đi liền với một số quyền và bổn phận. Một giáo trụ có quyền giải tội trên khắp thế giới, quyền được chôn cất trong nhà thờ của mình, nếu làm gì sai họ chỉ bị luận tội bởi toà án của Vatican mà thôi, và có quyền tự do chọn lựa nơi thẩm vấn người chứng. Các giáo trụ làm việc ở trung ương buộc phải cư trú trong Vatican và phải „báo vắng“ với giáo tông, khi họ xa rời giáo đô. Ngoài ra tất cả các giáo trụ buộc phải về Roma, khi có lệnh triệu tập của giáo tông.


Giáo trụ có nhiều loại


Có ba loại giáo trụ từ thấp tới cao: Giáo Trụ Phó Tế, Giáo Trụ Linh Mục và Giáo Trụ Giám Mục. Để mối liên hệ chặt chẽ với giáo tông được rõ nét hơn, mỗi giáo trụ đều được cấp một „địa sở“ ở Roma hoặc gần quanh Roma; như vậy, mọi giáo trụ cũng đều là thành viên của tập thể giáo sĩ tại Roma. Địa sở của các Giáo Trụ Phó Tế - đa phần các giáo trụ làm việc tại Toà Thánh đều thuộc vào loại này – thường là một toà nhà trong Roma vốn xưa kia có liên hệ với việc chăm sóc giúp đỡ người nghèo. Sau ít nhất 10 năm họ có quyền yêu cầu giáo tông cho nâng lên cấp Giáo Trụ Linh Mục (xem Can. 350 §5 CIC). Vị lớn tuổi nhất trong nhóm này gọi là Niên Trưởng Giáo Trụ Phó Tế (Kardinalprotodiakon). Ông là người xuất hiện trên bao lơn nhà thờ thánh Phê-rô, để công bố tên tuổi của vị giáo tông vừa mới được bầu. Vị Niên Trưởng nhóm này hiện nay là Renato Raffaele Martino.

Nhóm thứ hai – Giáo Trụ Linh Mục – mỗi người được „cấp“ một nhà thờ. Đây thường là những nhà thờ có hạng của một giáo xứ ở Roma, mà tổng số hiện có vào khoảng 150 nhà tại Roma. Đa số các giáo trụ của Giáo Hội hoàn vũ đều thuộc nhóm này.

Và nhóm cao nhất là Giáo Trụ Giám Mục. Mỗi vị trong họ được „cấp“ một giáo phận; đây là những giáo phận cổ xưa nhất của Giáo Hội nằm chung quanh Roma: Tên của các giáo phận này là Ostia, Albano, Frascati, Palestrina, Porto-Santa Rufina, Sabina-Poggio Mirteto và Velletri-Segni. Xưa kia các giám mục cai quản các giáo phận này giữ một vai trò đặc biệt: họ phụ tá cho giáo tông trong việc cai quản Giáo Hội hoàn vũ. Danh gọi „Giáo Trụ Giám Mục“ xuất phát từ đó. Mà dù có „làm chủ“ một nhà thờ hay một giáo phận, các giáo trụ liên hệ cũng chỉ là người bảo trợ cho các nhà thờ hay giáo phận đó mà thôi, chứ họ không trực tiếp giữ vai trò lãnh đạo.

Vị cao nhất trong các giáo trụ gọi là Niên Trưởng (Kardinaldekan) đồng thời là Chủ Tịch của Đoàn Giáo Trụ. Hiện nay là giáo trụ Angelo Sodano. Vị này được bầu lên bởi các giáo trụ và luôn có thêm tước Giáo Trụ Giám Mục của giáo phận Ostia. Chức Niên Trưởng gắn liền với những nhiệm vụ chủ yếu mang tính biểu kiến. Ông chỉ là „người đứng đầu giữa các anh em đồng cân“ (primus inter pares), nên chẳng có quyền hạn gì về lãnh đạo và pháp lí đối với các giáo trụ khác. Chỉ trong thời gian trống toà tại Vatican vai trò của ông mới trở nên nổi bật: Ông triệu tập các giáo trụ hoàn vũ về Roma, chủ toạ các phiên họp mật nghị, tạm thời lãnh đạo Giáo Hội qua Đoàn Giáo Trụ và thường là người chủ tế tang lễ cho vị giáo tông vừa mất.


Vắn gọn về một lịch sử dài


Lịch sử giáo trụ khá dài: Đây là một nhiệm vụ danh dự cổ xưa nhất của Giáo Hội, ngay trong cổ thời đã có những linh mục giữ vai trò cố vấn cho Giám Mục giáo phận Roma. Giáo tông Sylverster I. (314-335) đã nói đến „presbyteri et diaconi cardinales“ (giáo trụ linh mục và phó tế). Việc phân cấp ba loại giáo trụ hoàn tất vào khoảng năm 1100, tới năm 1130 lần đầu tiên các giáo trụ bầu giáo tông. Luật dành độc quyền cho các giáo trụ trong việc bầu giáo tông được hoàn chỉnh năm 1179 dưới thời giáo tông Alexander III. Suốt Thời Trung Cổ và đầu Thời Mới các giáo tông thường sử dụng quyền tự do chỉ định giáo trụ, để gia tăng quyền lực của mình hầu bảo vệ các quyền lợi chính trị (của Giáo Hội). Chẳng hạn giáo tông Alexander VI. (1492-1503) thuộc nhà Borgia, ngay sau khi vừa mới được bầu lên, đã trao mũ giáo trụ cho đứa con trai 17 tuổi của mình.

Ban đầu Đoàn Giáo Trụ hầu hết là người Ý, về sau đa số là người Âu châu. Kể từ sau công đồng Vaticano II. (1962-65) Đoàn này từ từ đã được quốc tế hoá; dù vậy tới nay người Âu vẫn còn chiếm đa số. Cả nhân số trong Đoàn cũng tăng lên nhiều trong thế kỉ 20. Trong 26 năm tại chức giáo tông Gio-an Phao-lô II. đã tạo ra tất cả 231 giáo trụ. […]

 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC