LỊCH LÀM VIỆC 2019 CỦA ĐGH PHANXICÔ - DẦY ĐẶC, CĂNG THẲNG VÀ ĐẦY THỬ THÁCH -

08/01/20197:54 SA(Xem: 2117)
LỊCH LÀM VIỆC 2019 CỦA ĐGH PHANXICÔ - DẦY ĐẶC, CĂNG THẲNG VÀ ĐẦY THỬ THÁCH -
LỊCH LÀM VIỆC 2019 CỦA ĐGH PHANXICÔ
- DẦY ĐẶC, CĂNG THẲNG VÀ ĐẦY THỬ THÁCH -

Bùi Đức Thái tổng hợp

07 / 01 / 2019

Đức Giáo hoàng Phanxicô có một lịch làm việc dầy đặc và quan trọng trong năm 2019. Nhưng điều người ta ngóng chờ là ngài sẽ giải quyết các thách thức hiện nay với Giáo hội và với riêng ngài ra sao. Sẽ đầy bất ngờ. Giáo hội sẽ qua khúc quanh mới. Danh mục vấn đề nổi bật là cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của các giáo sĩ, chương trình cải cách giáo triều, những cuộc bổ nhiệm mới có nhiều khả năng xảy ra cho các chức vụ trong Tòa thánh, thăng hồng y và bổ nhiệm giám mục cho các giáo phận quan trọng và các chuyến tông du.

 

Các chuyến tông du

Ngay trong mùa xuân này Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ bắt đầu lịch tông du bằng chuyến thăm Panama từ 23 đến 27 tháng giêng để dự Ngày Giới trẻ thế giới lần thứ 34.

Cuộc tông du đến các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) từ ngày 3-5 tháng 2 với chủ đề đối thoại và liên kết với các tôn giáo khác;

Với cùng một mục đích, ngài sẽ đến Ma-rốc ngày 30-31 tháng 3 tiếp nối con đường trước đây 33 năm Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II;

Ngài sẽ đến Bulgaria và Macedonia vào ngày 5 tháng 5. Sẽ đến thành phố Skopje của Macedonia, nơi sinh của mẹ Teresa Calcutta. Phần đông dân ở Bulgaria và Macedonia theo Chính Thống giáo, trong khi người Công giáo chỉ chiếm thiểu số. Đại kết là nội dung chính của các cuộc viếng thăm này.

Đức Giáo hoàng cũng có thể (tuy chưa được xác nhận) sẽ tới Nhật Bản vào mùa thu, thực hiện giấc mơ lâu đời của mình là công du đến đất nước này với tư cách là một nhà truyền giáo.

 

Cải cách Giáo triều

Được mong đợi trên mặt trận cải cách cho năm 2019 là việc công bố Hiến pháp tông tòa mới của giáo hoàng, dự trù vào lễ Phục sinh 2019, để minh định lại vai trò và cấu trúc của Giáo triều Rôma, bộ máy hành chính của Vatican, được gọi là Praedicate Evangelium (Rao giảng Tin Mừng).

Cuộc cải cách này là một đòi hỏi của mật nghị hồng y khi bầu ngài làm giám mục Roma năm 2013. Hội đồng Hồng y -được gọi là C9- được thành lập trước hết vì mục tiêu này. Một bản dự thảo đang được Đức Giáo hoàng xem xét sau khi C9 đã chuẩn bị và trình bày cho ngài vào tháng 6 năm ngoái. C9 (hiện nay là C6) sẽ họp từ 18 đến 20/2 để bàn thêm về dự thảo này.

Khi được công bố, tài liệu này sẽ thay thế Tông hiến (Pastor Bonus) của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II năm 1988, nó sẽ liên kết với những thay đổi đã được Đức Phanxicô tiến hành trong 5 năm vừa qua, nhưng chỉ mới tập trung vào việc đơn giản hóa và phân cấp trong giáo triều mà thôi.

Ngày 26 tháng 6 năm 2018 Tổng giám mục Nunzio Galantino, 70 tuổi, Tổng thư ký của HĐGM Ý được Đức Thánh cha cử làm Chủ tịch quản trị Cơ quan Hàng chính Tòa thánh (APSA). Các quan sát viên cho rằng còn phải chờ xem sự bổ nhiệm này có mang lại kết quả tích cực trong việc quản trị không, nhất là về vấn đề tài chính. Ký giả kỳ cựu Elise Haris của báo Crux viết rằng còn phải chờ “xem đồng tiền được tung ra sẽ rơi sấp ngửa ra sao”.

Về mặt trận tài chính, vào thời kỳ cuối của giáo triều của Đức Giáo hoàng Benedictô XVI, ngân hàng Vatican đã bị mất uy tín đến mức bị loại khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng của châu Âu. Từ 2013 đến 2018 Vatican đã có những bước tiến lớn, đạt được sự tín nhiệm và minh bạch và đã nhận được sự chấp thuận để nhập lại vào hệ thống ngân hàng châu Âu vào năm ngoái.

Trong lĩnh vực truyền thông, mới đây Greg Burke và Paloma Garcia Ovejero, giám đốc và phó giám đốc Văn phòng Báo chí Vatican đã từ chức cùng lúc. Sắp tới, Đức Giáo hoàng sẽ bổ nhiệm chính thức những người thay vào vị trí của họ. Nhưng theo nhà phân tích kỳ cựu của Vatican Andrea Tornielli và giáo sư người Ý Andrea Monda cho văn phòng truyền thông của Vatican, phần lớn kết quả cuối cùng của cải cách vẫn chưa được nhìn thấy cho lãnh vực này.

 

Bổ nhiệm nhân sự

Người ta chờ đợi trong năm 2019 Đức Giáo hoàng sẽ bổ nhiệm mới một loạt nhân sự quan trọng, nhất là những vị năm nay đã đạt 75, độ tuổi mà các vị giám mục bắt buộc phải nộp thư xin nghỉ hưu cho giáo hoàng.

Các giám chức quan trọng có thể được thay thế trong năm nay là Hồng y Nigeria John Onaiyekan, người đã làm tổng giám mục Abuja từ năm 1994 và sẽ tròn 75 tuổi vào ngày 29 tháng 1; Hồng y Luis Francisco Ladaria Ferrer S.J, Bộ trưởng thánh bộ Giáo lý Đức tin, người sẽ tròn 75 tuổi vào tháng Tư; Hồng y Marc Ouellet, Bộ trưởng thánh bộ Giám mục, người sẽ tròn 75 tuổi vào tháng Sáu; Hồng y Séan O’Malley của Boston, người cũng sẽ tròn 75 tuổi vào tháng Sáu; Hồng y Luis Cipriani, tổng giám mục Lima, người đã bước sang ngày 75 tháng 12 năm 2018; Hồng y Gualtiero Bassetti, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, người sẽ 77 tuổi trong năm nay, và Hồng y Wilfred Napier ở Durban, Nam Phi, sẽ là 78.

Cùng với những thay đổi trên đây, người ta cũng chờ đợi Đức Giáo hoàng sẽ bổ nhiệm một tổng giám mục mới của Washington sau khi Đức Hồng y Donald Wuerl từ chức ngày 12 tháng 10 năm 2018, chủ yếu do áp lực, sau khi bản báo cáo của Hội đồng thẩm phán Pennsylvania được công bố, về các cáo buộc ngài đã lạm dụng trong khi phục vụ với tư cách là tổng giám mục của vùng Pittsburg. Hồng y Wuerl đã từ chức và được bổ nhiệm tạm thời làm quản trị tông tòa, cho đến khi người thay thế được bổ nhiệm.

Cũng có khả năng là Đức Phanxicô sẽ tổ chức lễ phong chức cho các hồng y mới, như ngài đã thực hiện mỗi năm, trừ 2013 là năm ngài được bầu làm Giám mục của Roma.

 

Thượng Hội đồng Giám mục về vùng Amazon

Thượng hội đồng Giám mục về vùng Amazon đang rất được mong đợi, sẽ được nhóm họp vào cuối tháng 10/2019 với 7 Hội đồng Giám mục và 9 quốc gia. Hội nghị sẽ tập trung chủ yếu vào hoàn cảnh của người dân bản địa ở khu vực Pan-Amazonia - bao gồm các phần của Bôlivia, Brazil, Colombia, Ecuador, Guyana thuộc Pháp, Guyana, Peru, Venezuela và Suriname - cũng như môi trường và hoạt động truyền giáo trong khu vực.

Tuy nhiên, từ lúc công bố tài liệu sửa soạn cho Thượng Hội đồng với tên gọi là “Amazonia: Những con đường mới cho Giáo hội và nền sinh thái tích hợp”, vào tháng 6 năm 2018 thì nhiều đồn thổi đã truyền ra, vì sự thiếu hụt trầm trọng linh mục ở khu vực này, Đức Phanxicô có thể sẽ chấp thuận phong chức linh mục cho viri probati - một thuật ngữ đề cập đến những người đàn ông trưởng thành, đã từng kết hôn - Theo tài liệu này, các chủ đề chính của cuộc họp sẽ bao gồm vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, quyền và truyền thống của người bản địa và khám phá những cách thức mới để cung cấp quyền tiếp cận nhiều hơn vào Bí tích Thánh Thể trong một khu vực có số lượng giáo sĩ mỏng. Nhiều ngưới đoán rằng vấn đề phong chức tư tế cho viri probati sẽ không chỉ được đưa ra bởi các giám mục từ Amazon, mà còn được Đức Giáo hoàng hoan nghênh.

 

 

Amazzonia là vùng rừng rộng hơn 7 triệu cây số vuông, trong đó có 5,5 triệu cây số vuông là rừng già với 65% diện tích vùng Amazzonia thuộc nước Brasil.

Trong Ngày quốc tế giới trẻ tại Rio de Jamerio hồi năm 2013 trong diễn văn nói với các giám mục Brasil, Đức Thánh cha Phanxicô đã khẳng định rằng Giáo Hội trong vùng Amazzonia cần có một “bộ mặt Amazzonia” và “một hàng giáo sĩ bản địa”.

Ngài cũng nhấn mạnh đến nguy cơ của sự suy đồi và tàn phá thiên nhiên của vùng Amazzonia. Đức Giáo hoàng nói Thiên Chúa tín thác nó cho con người không phải để khai thác nó một cách tàn bạo, nhưng để biến đổi nó thành một ngôi vườn”. Đó là những vấn đề gây âu lo nhất đối với vùng Amazzonia. Khai thác quặng mỏ, khai thác gỗ, khai thác thủy điện trên bình diện đại quy mô vv.. là các sinh hoạt chống lại kiểu sống của các thổ dân.

Lo âu lớn nhất trong lãnh vực truyền giáo là sự kiện thiếu các thừa sai nam nữ, khiến cho sự hiện diện thể lý và gần gũi thường xuyên của Giáo Hội đối với  dân nghèo trong vùng trở thành khó khăn hơn. Ngoài ra, việc thiếu các linh mục khiến cho các anh chị em thổ dân sống trong rừng không được lãnh nhận các bí tích Thánh Thể, bí tích hoà giải và xức dầu bệnh nhân. Sự kiện này khiến cho họ càng cảm thấy mình giòn mỏng hơn và  cảm thấy bị bỏ rơi.

 

Hội nghị thượng đỉnh về lạm dụng tình dục của các giáo sĩ

Nhưng trong tất cả các hoạt động của Đức Phanxicô trong năm 2019 thì việc giải quyết vấn nạn lạm dụng tình dục của giáo sĩ là căng thẳng nhất. Theo khuyến nghị của C9, Đức Thánh Cha đã triệu tập một hội nghị từ ngày 21 đến ngày 24 tháng 2 gồm những người đứng đầu tất cả các Hội đồng Giám mục trên thế giới để giải quyết cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của giáo sĩ. Những vụ bê bối của giáo sĩ, bao gồm cả các giám mục, hồng y được tung ra trong thời gian gần đây đã gây ra sự hoang mang trong tâm trí người Công giáo, đặc biệt tại châu Âu và châu Mỹ về Đức Phanxicô và sự tín nhiệm vào chính ngài. Nhưng quan trọng hơn hết là vai trò tiên phong về đạo đức của Giáo hội Công giáo bị lung lay thực sự. Nhiều nhà quan sát cho rằng cuộc họp này có tính đặt cược cao nhất từ trước đến nay trong giáo triều Phanxicô .

Đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng là bức thư tố cáo của Tổng giám mục Carlo Maria Viganò, cựu Sứ thần Tòa thánh tại Washington D.C. từ 2001 đến 2006. Nó như một quả bom tấn, gây bàng hoàng, hoang mang trong đông đảo giáo dân, và cả hàng giáo sĩ. Vào ngày 26 tháng 8, ngày cuối cùng của chuyến viếng thăm qua đêm của Đức Phanxicô tới Ai-len trong Đại hội gia đình thế giới ở Dublin, TGM Viganò đã đưa ra một tuyên bố khẳng định rằng ông đã thông báo cho Đức Phanxicô về những hành vi sai trái về tình dục của hồng y McCarrick vào năm 2013, nhưng Đức Giáo hoàng đã không hành động gì. Ông kêu gọi Đức Phanxicô từ chức và đưa ra các cáo buộc chống lại một loạt các hồng y, giám mục khác trong Giáo triều La Mã, những người mà ông nói là đã bảo vệ McCarrick vì cùng là cánh đồng tính với nhau.

Trước náo động do tuyên bố của Viganò gây ra, Vatican đã ủy thác nghiên cứu các tài liệu lưu trữ của Tòa thánh để xác định làm thế nào mà McCarrick có thể vươn lên quyền lực, mặc dù tin đồn về hành vi sai trái tình dục của ông ta với các linh mục và chủng sinh đã có trong nhiều năm. Vatican hứa rằng kết quả của nghiên cứu sẽ được đưa ra đúng hạn, và sẽ được công bố.

Đức Thánh cha đã tuyên bố rằng đây là kết quả của tình trạng lạm dụng quyền lực trong hàng giáo sĩ. Người ta chờ đợi thái độ cứng rắn của ngài đối với các giáo sĩ gây ra những vụ lạm dụng tình dục. Các tuyên bố mới đây của ngài chỉ rõ xu hướng đó. Tiếp chuyện với Giáo triều La Mã vào tháng 12 năm 2018, Đức Thánh cha cho biết không có lý do gì mà Giáo hội lại không hành xử theo con đường của chân lý và công lý.

Vấn đề biện phân các trường hợp ly dị tái hôn

Không nằm trong lịch trình làm việc 2019 của Đức Giáo hoàng, nhưng quả bom nổ chậm về vấn đề biện phân đối với những người ly dị tái hôn được rước lễ hay không đang thật sự là vấn đề gay go trong Giáo hội hiện nay. Nó nghiêm trọng vì liên quan đến tín lý, gây phân ly trong quan điểm của người công giáo và cả hàng giáo sĩ cao cấp của giáo hội hiện nay.

 

Với tất cả những điều trên đây, năm 2019 có thể trở thành một năm quyết định cho cả Giáo hoàng Phanxicô và Giáo hội Công giáo toàn cầu. Chúng đang đè nặng trên vai người chủ chăn của Giáo hội. Đức Thánh cha ở tuổi 82, người vì lý do sức khỏe đã từng bị ngã xuống vào mùa hè vừa qua, hiện đang ăn uống kiêng khem mong có đủ sức lực tinh thần và thể chất để vật lộn với các công việc mà Chúa trao phó cho ngài trong năm 2019 và về sau.

 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC