Chỉ Cần Một Tấm Lòng

18/09/201612:03 SA(Xem: 10559)
Chỉ Cần Một Tấm Lòng
Tiễn Một Người Bạn
 
phongtraogiaodan-thong-pt-2

Đầu tháng 8, anh Thông gọi tôi nơi chỗ làm. Anh bảo: Tôi mệt lắm; chắc là đang bước vào giai đoạn cuối. Rồi Anh xúc động, chẳng nói được thêm gì.

Hôm sau, tôi tới thăm. Anh đang nằm, gượng ngồi dậy, nói: Tôi mệt quá; ngồi hay đứng khó lắm, vì cái đầu nặng cứ chúi xuống. Rồi tiếp trong nghẹn ngào: Có lẽ tôi đã vào giai đoạn cuối; giữa anh và tôi, nếu có gì không phải, xin anh bỏ qua; nếu tôi có đi, thì nhờ anh giúp; mình chẳng còn ai.

Tôi linh cảm có một cái gì không hay trong buổi gặp gỡ này, nên đã thông tin cho các anh chị em trong PTGDVNHN biết để chung lời cầu nguyện cho Anh.

Những tuần sau đó, tôi vẫn tới thăm. Xem ra sức khỏe Anh càng ngày càng khá hơn. Chúng tôi trao đổi với nhau những tin tức về quê nhà và của Giáo Hội, về lễ phong thánh cho Mẹ Tê-rê-xa vừa rồi. Anh nhờ tôi tạm thời làm thay Anh một số việc, để bữa khỏe lại Anh sẽ đảm nhận lại.

Chiều thứ tư, hôm trước ngày mất (08.09.2016), tôi có chuyện gọi cho Anh. Tôi ngỡ ngàng khi nghe giọng nói trong sắc và sự minh mẫn của Anh; tôi nghĩ tình trạng sức khỏe của Anh đã vượt qua hồi nguy kịch rồi và nay đang trên đà ổn định.

Tối hôm đó lúc 9 giờ tối, cha Minh từ Pháp sang thăm anh. Ngồi ở bàn ăn với khách, anh vẫn vui vẻ chuyện vãn cho tới 11 giờ đêm. Sau đó Anh đi nghỉ. Nhưng đêm hôm nay, không hiểu sao, Anh bảo con gái mình cùng nằm gần bên mình. Mãi tới hai giờ sáng, Anh cứ trằn trọc, vật mình than: sao ba mệt đầu quá! Sau đó nằm yên. Cứ nghĩ là Ba đã tìm lại được giấc ngủ, con cũng yên chí thiếp đi.

Sáng ra, khi con thức giấc, vào khoảng hơn 6 giờ, thì ba không còn nữa.

Anh ra đi trong êm thắm, nhẹ nhàng. Nhiều lần Anh nói với tôi: Nếu phải ra đi, cầu mong sao được ra đi trong êm thắm, nhất là đừng rơi vào vào hoàn cảnh phế nhân để phiền cho kẻ khác.

Như vậy Anh đã được toại nguyện. Chúa đã nhậm sự cầu mong của Anh.

***

Gia đình Anh được các con bảo lãnh sang Đức năm 1986 và tạm cư trong trại chuyển tiếp Allach. Khoảng một năm sau, trại có lệnh đóng cửa. Vì Anh không tìm được nhà riêng ở München, chúng tôi đã mời Anh Chị về Augsburg ở tạm tại nhà chúng tôi, cho dù lúc đó chúng tôi chưa quen nhau, chỉ biết nhau qua tình đồng hương „dân choa“. Chẳng bao lâu sau, nhờ sự can thiệp của cha xứ nơi chúng tôi ở, Anh Chị đã có được một căn hộ riêng.

Tôi thân giao với Anh từ dạo đó.

Tiếp đó, Anh đi làm được nhiều năm thì gặp một tai nạn lao động nặng, khiến Anh phải thôi việc. Sau đó lại gặp một cơn bệnh ngặt nghèo. Nhưng Anh đã chống chọi vượt qua. Sau 10 năm, tưởng rằng mối nguy đã qua hẳn. Không ngờ, cách đây gần hai năm, căn bệnh cũ lại di căn tái phát. Lần này thì Anh hoảng sợ, vì nghĩ đến những đợt trị liệu khổ sở của ngày trước. Nhưng dần dà, Anh í thức và chấp nhận thực tại: Vâng, Chúa cho đến đâu thì hay đến đó.

Suốt 28 năm có dịp cùng nhau tham gia và hoạt động trong nhiều công tác và tổ chức, tôi nhận ra nhiều mặt tương phản nơi con người Anh.

Có những điểm chúng tôi không ưa nhau, thậm chí đối lập nhau. Nhưng chúng tôi có thể bổ túc cho nhau. Tôi quý Anh đặc biệt vì tình cảm chân thành và sự thẳng thắn của Anh, nhưng ngại lối phản ứng thẳng đuột cán dao của Anh. Khi đã yên trí ai, Anh không để người đó yên. Mến ai, phục ai, Anh mến đến mù quáng. Anh chỉ có hoặc trắng hoặc đen, không thể vừa trắng vừa đen. Không có đường cong trong suy nghĩ của Anh. Anh là một tiếng đàn không âm vang, mà chỉ là một âm thanh chát, làm đinh tai nhức óc nhiều người. Anh không là một viên bi tròn trịa để uyển chuyển lăn chiều nào cũng được, mà là một viên sỏi sắc cạnh, nên dễ đụng chạm, tổn thương.

Sự thật đối với Anh không quan trọng bằng sự thẳng thắn. Nghĩa là có gì thì cứ nói thẳng ra. Anh không chấp nhận nói một đường làm một nẻo. Đặc biệt nơi các đấng bậc trong Giáo Hội, là những kẻ có trách nhiệm đặc biệt về mặt tinh thần, Anh dị ứng với những ai tri – hành bất nhất. Nghe chỗ nào có sự bất công, nghe ở đâu giáo dân ca thán hay phàn nàn về cha xứ mình, Anh cất công tìm hiểu sự việc và, nếu cần, gọi điện thoại thông tri cho vị trách nhiệm – kể cả vị giám mục sở tại – bất luận quen hay không – và yêu cầu cứu xét giải quyết.  Anh bực bội về lối cư xử thiếu tình nghĩa giữa các giáo sĩ. Đứng bên giường bệnh của cố hồng y Nguyễn Văn Thuận – người rất thương Anh mà Anh cũng rất mực kính mến – chứng kiến cảnh cô đơn não lòng của một người khi còn khỏe mạnh quyền uy thì tấp nập kẻ lui người tới. Nay nằm liệt chờ chết một chỗ thì chẳng thấy ai lai vãng, Anh nổi giận chửi, sát phạt từ trên xuống dưới, khiến Hồng Y cũng phải ứa nước mắt can ngăn: „Mi thì cứ nói dại nói dột!“

Vâng, đó là con người về mặt công chúng của Anh. Nhiều người nhìn Anh và thấy Anh qua bộ mặt này.
Và nhiều người sợ Anh, ngại Anh, hoặc đồn đãi Anh là người chỉ biết „chống cha chống Chúa“!

Nhưng như tôi đã nói, Anh còn những bộ mặt khác hoàn toàn trái ngược, mà có lẽ ít người biết.

Anh là một con người rất tình cảm. Có thể nói quá tình cảm.
Chính tình cảm này đưa Anh tới nhiệt tình dấn thân phục vụ vô vị lợi.
Đã có tình nghĩa với ai, Anh quyết giữ bền chặt mối dây đó, cho dù mọi tiếng thị phi. Đã mến ai hoặc đã tin ai, Anh tận tuỵ hi sinh hết mình, tận tuỵ đặc biệt cho Giáo Hội quê nhà. Anh biến nhà mình thành nơi cư trú vãng lai cho rất nhiều giám mục và linh mục. Khi còn lái xe được, Anh tự chở họ, hết vị này tới vị khác, đi tới gặp các cơ quan giáo hội đức: Missio, Misereor ở Aachen, Caritas trung ương ở Freiburg, tới thăm giám mục giáo phận này, tới gặp quỹ trợ giúp của giáo phận kia. Khi không tự lái được, Anh nhờ cậy con cái; Anh cũng có lần nhờ tôi trong những việc chuyên chở như thế.
Anh không biết một câu tiếng Đức, nhưng hàng chục năm dài, nhờ sự môi giới của một vài linh mục, Anh không ngừng liên lạc với các giáo xứ, các giáo phận và dòng tu bản xứ, để quyên góp bổng lễ về cho các linh mục nghèo ở Việt Nam.
Về sau, khi việc quyên góp càng ngày càng khó và bổng lễ ở VN được nâng lên cao, Anh bảo với tôi, chẳng bõ công cho chuyện này nữa và quay ra chủ yếu quyên góp tài chánh giúp các trại phong ở hai giáo phận Hải Phòng và Thanh Hoá. Hàng chục năm nay mỗi năm đều đặn có những món tiền gởi về góp thêm niềm vui dịp Giáng Sinh cho những đồng bào bất hạnh trong các trại đó.
Tôi không biết Anh quyên như thế nào, được bao nhiêu, chỉ biết thỉnh thoảng phải dịch cho Anh những lá thư cám ơn của các đấng bậc việt nam, lúc thì gởi cho giáo xứ này, linh mục kia tại Đức, dòng nữ tu nọ tại Thuỵ Sĩ…

Hàng chục, hàng trăm ngàn đức mã hoặc âu kim do Anh trung gian đứng ra nhận và tự trách nhiệm chuyển về. Mà cũng may, chưa bao giờ tiền bị thất thoát hoặc bị giật. Điều này Anh cho tôi hay trước khi ra đi có mấy ngày, và nói: Giờ nghĩ lại mới thấy mình liều lĩnh và đáng sợ thật; lỡ mà bị mất thì không biết phải ăn nói ra sao!

Bên cạnh quyên góp bỗng lễ và quà trại phong, Anh cũng là người được nhiều dòng tu và giáo xứ tại VN biết đến qua việc trung gian gởi dự án xin các cơ quan giáo hội đức trợ giúp tài chánh. Thật ra Anh chẳng có thẩm quyền gì trong việc này, nhưng nhờ quen đường biết lối, Anh chỉ cho họ cách làm cách gởi và làm lobby cho họ.

Ngoài việc nhiệt tình phục vụ cho Giáo Hội bên nhà, Anh dấn thân hết mình trong các sinh hoạt tại hải ngoại. Anh tham gia Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại ngay từ những ngày đầu. Từ đó nhận luôn lấy công việc của Trung Tâm Văn Hoá Nguyễn Trường Tộ. Rất nhiều đầu sách và tài liệu của Phong Trào và của Trung Tâm đều có sự đóng góp quan trọng của Anh, vừa đánh máy, vừa trình bày xếp trang, vừa liên lạc in ấn. Về việc làm sách, thật tình Anh chẳng biết gì nhiều, song vì nhiệt tình, Anh cũng hay nhận bừa giúp làm sách cho những người khác. Nhận rồi, cái gì Anh làm được thì làm, bằng không lại đẩy cho tôi; tôi không làm được, Anh lại nhờ người khác. Cứ thế, Anh tự mua lấy công việc, lấy niềm vui của người làm niềm vui của mình.

Ngoài ra, gần 15 năm nay, Anh một mình đảm nhận việc phổ biến nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân tại Âu châu; đây là tờ báo duy nhất của người giáo dân, phát hành tại Hoa-kì. Anh cổ động độc giả, điện thoại thăm hỏi, tháng tháng đều đặn gởi báo cho họ và đều đặn liên lạc viễn liên trao đổi với toà soạn.
Anh Anh miệt mài làm việc, như để qua đó khẳng định là mình còn sống, mình còn có một chút ích gì cho anh em.

Nơi Anh còn một nét nữa là chữ Tín. Điều này những anh chị trong Cơ Sở PTGD chúng tôi, những người đã cùng Anh chung vai sát cánh lâu năm, đều có thể xác nhận. Đã không nhận thì thôi, chứ một khi Anh nhận một công tác gì hay hứa làm một điều gì thì chúng tôi an tâm, vì Anh sẽ chu toàn nhiệm vụ tới nơi tới chốn.

Đó là một vài nét về bộ mặt âm thầm của Anh.

Một con người ngoại ngữ không biết, kĩ thuật không hay, ngôn ngữ ngoại giao không có. Thế mà Anh đã khuấy được biết bao nồi bột trở nên hồ.
Tôi vẫn tự hỏi, một con người hạn chế như thế, mà sao Anh đã có thể làm được nhiều chuyện quá sức?
Phải chăng chỉ cần một tấm lòng là đủ?

 

Anh Thông

Hôm nay chúng tôi tới đây để dâng thánh lễ cầu nguyện cho Anh và gia đình Anh.

Lát nữa đây, chúng tôi sẽ tiễn đưa thân xác Anh đi vào lòng đất.

Cầu xin Thiên Chúa hãy vì lòng thương xót và lượng hồng ân của Ngài mà tha thứ cho những lỗi lầm và thiếu sót của Anh; Xin Ngài hãy đoái tới những công nghiệp của Anh mà phán xử Anh, cho linh hồn Anh được sớm thanh tẩy, để Anh sớm được về an nghỉ đời đời bên Ngài.

 

Phạm Hồng-Lam
Augsburg, 16.09.2016
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04/04/2025
Mời bạn đọc 3 câu chuyện khiến bạn có thể suy nghĩ và rút ra được những bài học rất quan trọng cho việc đối nhân xử thế trong cuộc đời mình. Trong việc đối nhân xử thế, chúng ta hãy cố gắng học cách lắng nghe, nên cho người khác có cơ hội để giải thích. Có như vậy, mới giúp chúng ta tránh được nhiều điều khiến ta phải hối tiếc sau này.
26/03/2025
Chúng ta đối xử với cha mẹ của chúng ta thế nào? và cha mẹ của chúng ta đã đối xử với chúng ta thế nào? Câu chuyện «Cây Táo và đời một người» mô tả một cách tượng trưng cách ứng xử của chúng ta với cha mẹ, và của cha mẹ đối với chúng ta, dù đó là cha mẹ ở trần thế, hay Cha Mẹ ở trên Trời.
14/03/2025
Magiê là một trong những khoáng chất mà chúng ta không phải lúc nào cũng nghĩ đến, nhưng nó đóng vai trò rất lớn trong việc duy trì hoạt động trơn tru của cơ thể. Có chín dấu hiệu tinh tế báo cho ta biết cơ thể ta bị thiếu chất magnesium.
13/03/2025
Hạnh phúc, bình thường, rất đơn sơ, thế mà vô số người không đạt được. Có những siêu minh tinh màn bạc, như Marilyn Monroe, Robin Williams, v.v... rất giàu có, danh tiếng, được mọi người yêu quý, và nhiều thứ khác nữa. Nhưng họ đã chán đời, không hạnh phúc, thậm chí đau khổ, và đã tìm giải thoát bằng tự tử. Tại sao vậy? -- Vì không biết đủ!
09/03/2025
Chuyện kể về một cô giáo trẻ thời VNCH trước 1975, nhưng tiếp tục dạy Pháp văn tại một trường học ở Đà Nẵng sau năm 1975 dưới chế độ CSVN. Trước 1975, cô có người yêu đã đính hôn là một phi công VNCH. Nhưng sau 1975, cô không còn gặp người yêu lần nào nữa. Và câu chuyện kể về lớp học của cô sau 1975 và những chuyện xảy ra sau đó.
08/03/2025
Ngày 20 tháng 10 – Ngày Phụ nữ Việt Nam – là một dịp để mỗi chúng ta nhìn lại vai trò và vẻ đẹp của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội, đặc biệt là trong lòng đức tin Công giáo. Họ là những người không chỉ là cột trụ của gia đình mà còn là hiện thân của sự khéo léo, dịu dàng và lòng kiên nhẫn theo phong cách truyền thống Á đông.
27/02/2025
Thánh Kinh có nói: “Mọi việc dưới gầm trời đều có thời của nó. Có thời sinh ra thì cũng có thời chết đi. Có thời trồng thì cũng có thời phải nhổ (nhổ vật đã trồng). Có thời giết thì cũng có thời cứu sống. Có thời phá đổ thì cũng có thời xây dựng, v.v... ” (Gv 3:1-8). Theo tinh thần đó, có thời làm việc thì phải có thời nghỉ ngơi và vui chơi. Tuân theo luật tự nhiên ấy thì mọi sự đều tốt đẹp, trái với luật đó thì không tốt: “Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”.
12/02/2025
Người ta chỉ hạnh phúc khi ý thức được những điều quý giá mình đang có. Biết bao nhiêu kẻ giàu sang phú quý, hoặc đạt đến tuyệt đỉnh danh vọng hay quyền lực, mà đâu cảm thấy mình hạnh phúc. Biết bao người mong ước có được phần nào những gì họ có mà không được. Thế mà những người đang có những thứ ấy lại chẳng thấy mình hạnh phúc. Tại sao vậy? Chỉ vì họ không ý thức những thứ quý giá họ đang có.
12/02/2025
Trong cuộc đời, nhiều khi ta cảm thấy mình chẳng hạnh phúc, chính vì thế mình khao khát hạnh phúc mà chẳng được. Cho tới khi mình mất tất cả những gì mình đang có, mình thấy khổ hơn bao giờ hết. Lúc ấy mình mới mong có được sống trong cảnh mình đã có trước đây, mình mới thấy thời ấy mình hạnh phúc biết bao. Vậy, hãy ý thức cái hạnh phúc mình đang có, đừng để khi mất rồi mình mới biết cái mình đã có là hạnh phúc.
06/02/2025
Rất nhiều đôi nam nữ yêu nhau tha thiết đến nỗi, như họ nói, nếu không lấy được nhau thì họ sẽ tự tử, hay dù có khó khăn đến đâu họ cũng quyết sống với nhau. Ngày đám cưới, họ thề thốt sẽ trung thành yêu thương nhau đến trọn đời. Nhưng sau đám cưới chỉ một vài năm, họ không thể chịu đựng nổi nhau nữa, và quyết ly dị hoặc ly hôn. Tại sao vậy? Vì họ có những hành vi như mô tả trong bài này đối với nhau.
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC