Tội phạm đến Thánh Thần

14/09/20241:43 CH(Xem: 2370)
Tội phạm đến Thánh Thần
Tội phạm đến Thánh Thần là tội gì?
aaa(Xin bấm vào hình trên để đọc bài Tin Mừng liên quan)

Hiện nay, tội «phạm đến Thánh Thần», thứ tội mà Đức Giêsu nói là «chẳng đời nào được tha» (Mc 3:29), dường như rất ít Kitô hữu hiểu được thứ tội này một cách rõ ràng. Ta thử tìm hiểu tội ấy qua bài chính bài Tin Mừng Mc 3:22-30 mà Đức Giêsu đề cập đến thứ tội ấy.

1. Thái độ thù nghịch của các kinh sư và Pharisêu đối với Đức Giêsu
Trong suốt 3 năm rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Đức Giêsu đã làm biết bao phép lạ để chứng minh nguồn gốc của mình là từ Thiên Chúa mà đến: như hóa bánh ra nhiều, biến nước  thành rượu, trừ quỷ ám, chữa bệnh, làm kẻ chết sống lại, v.v... Nhiều sự kiện hay dấu chỉ cho mọi người thấy Ngài đến từ Thiên Chúa, chẳng hạn: «Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán rằng: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”» (Mt 3:16-17). Rất nhiều người đã tin Ngài là Đấng Mêsia.
Những tư tế, kinh sư và Pharisêu, là những người có địa vị trong tôn giáo Do Thái, họ đều biết rất rõ những phép lạ cũng như những dấu chỉ chứng minh Ngài từ Thiên Chúa đến. Với những dấu chứng ấy, nếu họ cảm thấy cần phải dè dặt trong phán đoán, chưa thể tin chắc hay xác quyết được, thì ít ra họ cũng phải nghi ngờ rằng rất có thể ông Giêsu này là người của Thiên Chúa, hay đến từ Thiên Chúa, và không dám xác quyết gì cả. Nhưng đằng này, họ chẳng những đã cố tình tỏ ra không tin Ngài đến từ Thiên Chúa, mà còn nói ngược lại rằng Ngài đến từ Satan
Thật vậy, Tin Mừng Máccô viết: «Các kinh sư từ Giêrusalem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bêendêbun ám, và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ» (Mc 3:22). Khi nói Ngài đến từ Satan hay từ «quỷ vương Bêendêbun», họ đã không đưa ra được một dấu chứng nào rõ ràng hay thuyết phục chứng tỏ điều ấy, mà hoàn toàn là một sự chụp mũ. Đức Giêsu đã bác bỏ lời kết án của họ: «Satan làm sao trừ Satan được?… Satan mà chống Satan, mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại» (Mc 3:23.26). 
Dẫu vậy, họ vẫn cố tình tỏ ra không tin, vẫn nhất quyết chống lại Ngài tới cùng. Thậm chí họ còn muốn làm hại Ngài (x. Mt 22:18a), tìm cách bắt Ngài (x. Mt 21:46), gài bẫy Ngài (x. Mt 22:15.18; Lc 11:54), họ từng «lôi Ngài lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực» (Lc 4:29), và cuối cùng họ đã thật sự giết Ngài.

2.  Tội phạm đến Thánh Thần là thứ tội gì?
Thấy cách hành xử của họ như vậy, Đức Giêsu liền nói: «Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời» (Mc 3:28-29). Qua câu trên, Đức Giêsu cho thấy mọi tội lỗi, dù nặng hay nhiều đến đâu, đều có thể được tha. Nhưng có một loại tội không thể tha được, đó là tội «phạm đến Thánh Thần».
Như vậy, tội «phạm đến Thánh Thần» là thứ tội gì? Có bao giờ ta phạm thứ tội ấy chăng? Đức Giêsu đã cho biết thứ tội ấy là gì, khi Ngài nói: «Đó là vì họ đã nói: “ông ấy bị thần ô uế ám”» (Mc 3:30). Qua đó, ta biết được chính các kinh sư và người Pharisêu, một khi đã thấy những dấu chứng chứng tỏ Đức Giêsu đến từ Thiên Chúa, nếu họ không tin, và không phản ứng gì, thì chưa phải là «phạm đến Thánh Thần». Nhưng nếu họ đã nhận ra phần nào rằng Đức Giêsu đến từ Thiên Chúa qua những dấu chứng cùng những phép lạ Ngài làm, mà họ vẫn cố tình nói họ không tin, lại còn xác định Ngài từ ma quỷ hay Satan đến, và nói những phép lạ trừ quỷ ám của Ngài là «dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ» (Mc 3:22b), thì đó chính là tội «phạm đến Thánh Thần».
Xét việc các kinh sư và người Pharisêu kết luận những phép lạ trừ quỷ ám của Đức Giêsu là «dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ» (Mc 3:22b), ta không thấy họ đả động gì đến Thánh Thần cả, thế mà Đức Giêsu lại xác định đó là tội «phạm đến Thánh Thần», và thứ tội này là tội không thể tha được. Như vậy, tội «phạm đến Thánh Thần» không nhất thiết là cứ phải nói động chạm tới Thánh Thần mới là phạm thứ tội ấy. Vậy, tội «phạm đến Thánh Thần» là gì? Khi nào thì ta phạm thứ tội ấy?
Để vấn đề được sáng tỏ hơn, ta hãy suy nghĩ xem: Tại sao các Kinh sư và Pharisêu lại hành xử như vậy? − Nhiều nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng sở dĩ họ căm giận, thù ghét Đức Giêsu đến như vậy (x. Lc 11:53; Ga 15:18), mặc dù Ngài chẳng làm hại gì họ, mà chỉ vì họ đố kỵ, ganh tị với Ngài (x. Mt 27:18). Khi thấy Ngài, chỉ là một tín hữu, một thứ «giáo dân» không được đào tạo trường lớp, lại được dân chúng tín nhiệm, tin theo... hơn họ, thậm chí còn so sánh: «Đám đông sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ» (Mt 7:28-29), họ cảm thấy «bị lép vế», bị mất ảnh hưởng, nên mới tìm cách chê bai, hạ thấp Ngài xuống. Và họ cảm thấy vui mừng khi đã giết được Ngài, đã hạ nhục Ngài tới «tận đất đen». 
Tội «phạm đến Thánh Thần» là thứ tội tương tự như vậy. Đức Giêsu cũng mô tả thứ tội này: «Giả như Thầy không làm giữa họ những việc không một ai khác đã làm, họ đã không có tội. Nhưng nay họ thấy rồi mà vẫn ghét cả Thầy lẫn Cha Thầy» (Ga 15:24). Thánh Phaolô cũng viết: «Họ thừa biết phán quyết của Thiên Chúa là: hễ ai làm những điều như vậy thì đáng chết. Thế mà không những họ cứ phạm những tội đó, lại còn tán thành những kẻ làm như vậy» (Rm 1:32); «Những kẻ đã một lần được chiếu sáng, đã được nếm thử ân huệ bởi trời, đã được thông chia Thánh Thần, đã được thưởng thức Lời tốt đẹp của Thiên Chúa và được cảm nghiệm những sức mạnh của thế giới tương lai, những kẻ ấy mà sa ngã, thì không thể được đổi mới một lần nữa để sám hối ăn năn, vì họ đã tự tay đóng đinh Con Thiên Chúa vào thập giá một lần nữa và đã công khai sỉ nhục Người» (Dt 6:4-6); «Thật vậy, nếu chúng ta cố tình phạm tội sau khi đã học biết sự thật, thì không còn hy lễ nào đền tội được nữa» (Dt 10:26).

3. Tội «phạm đến Thánh Thần» trong đời sống thường nhật
Qua bài Tin Mừng trên, ta có thể nhận ra: nhiều khi ta đã hành xử tương tự như các kinh sư và người Pharisêu xưa. Chẳng hạn: khi ta biết một người nào đó nói đúng, nói hay hơn ta, phù hợp với lẽ phải, với Thiên Ý hơn ta, hay làm được những việc tốt đẹp lớn lao hơn ta, thành công hơn ta, nhưng vì một lý do ích kỷ nào đó như ganh tị, đố kỵ, sợ người khác coi người ấy tốt hơn, giỏi hơn ta, cao hơn ta, nên ta tìm cách hạ thấp người ấy xuống một cách gian dối, bất công. Rất có thể người ấy là người đẹp lòng Thiên Chúa, được Thiên Chúa tuyển chọn để làm công việc của Ngài. Nếu ta xúc phạm người ấy, xuyên tạc, vu vạ, hạ nhục người ấy, thì ta đã hành động y hệt những kinh sư và Pharisêu ngày xưa. Như vậy, biết đâu, ta đã mắc tội «phạm đến Thánh Thần» chăng?
Hay khi ta thấy một người kém ta nhiều mặt −học vấn, bằng cấp, uy tín, địa vị trong Giáo Hội hoặc trong xã hội, v.v...− nhưng lại được mọi người thán phục, nể nang, yêu quý hơn ta; ta biết những điều người ấy nói là đúng, là chí lý, nhưng vì ganh ghét, ta đã chê bai, tìm cách chứng tỏ người đó nói sai, thậm chí kết án là rối đạo, phá đạo, tội lỗi, chụp mũ tội này tội khác. Đương nhiên những người bình dân, thiếu thông tin hoặc thiếu hiểu biết, sẽ tin ta hơn, khiến người đó bị tẩy chay, những việc tông đồ hay cứu tế xã hội của người đó bị vô hiệu hóa. Như thế, ta đã hành xử y hệt những kinh sư và Pharisêu xưa. Phải chăng, ta đã mắc tội «phạm đến Thánh Thần»?

4.  Đặc tính của thứ tội «phạm đến Thánh Thần»
Đức Giêsu từng trách những kinh sư và Pharisêu xưa là: «Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công bìnhlòng nhân và thành tín» (Mt 23:23b). Qua đó, ta có thể xác định được 3 điều quan trọng nhất trong luật Chúa, 3 nền tảng của đạo đức hay thánh thiện là: sự công bằngtình thương và sự thành thật. Người nào thiếu một trong 3 điều quan trọng và nền tảng này, không thể là người đạo đức hay thánh thiện được. 
Hành động của những kinh sư và Pharisêu đối với Đức Giêsu, hay những hành động tương tự như họ, đều thiếu cả 3 điều nền tảng ấy:
1) không công bằng, mà bất công;  
2) không tình thương, mà ghen ghét, ganh tị;  
3) thiếu thành thật, vì làm chứng dối, chụp mũ một cách vô căn cứ.
Thiếu cả 3 yếu tố quan trọng của lề luật, đó chính là một trong những đặc tính căn bản của thứ tội «phạm đến Thánh Thần». Và cũng chính vì thế mà tội này trở thành tội khó được tha thứ, hoặc không thể tha thứ được.

Kết luận
Tội «phạm đến Thánh Thần», thứ tội mà Đức Giêsu nói là «chẳng đời nào được tha» (Mc 3,29) đã được nhiều bậc thông thái trong Giáo Hội định nghĩa cách khác suy diễn từ những câu Kinh Thánh khác. Nhưng nếu dựa trên bối cảnh của chính đoạn Tin Mừng mà Đức Giêsu nói câu ấy thì chúng ta dễ xác định chính xác hơn nghĩa của thứ tội ấy. Bối cảnh đoạn Tin Mừng nói trên cho thấy các kinh sư và Pharisêu −vì ganh tị mà nói một cách gian dối rằng những việc trừ quỷ của Ngài đến từ Satan− nên nhân đó mà Ngài nói về tội «phạm đến Thánh Thần, và chẳng đời nào được tha». Hành động ấy của họ rõ ràng là thiếu cả 3 điều quan trọng nhất trong lề luật là công bằng, tình thương và lòng thành thật mà Đức Giêsu xác định trong Mt 23:23b. Qua đó, ta có thể cho rằng tội nào mà phạm đủ cả ba điều quan trọng ấy chính là «tội phạm đến Thánh Thần». Đương nhiên, nếu tội nhân nào biết hối cải và trở về với tình yêu thương của Thiên Chúa, thì sẽ được Ngài tha thứ thôi.

Nguyễn Chính Kết

Một số những giải thích khác về «Tội phạm đến Thánh Thần»:

Tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì không được tha (Đức Giáo Hoàng Phanxicô) https://www.youtube.com/watch?v=l8yEsrLPvKE 

Tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội gì? Tại sao không thể tha thứ? (Gm Phêrô Nguyễn Văn Khảm) https://www.youtube.com/watch?v=EE6WDdM23tA 

Tội phạm đến Chúa Thánh Thần là gì? (Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT) https://www.youtube.com/watch?v=YubWkwfktog

Tại sao phạm đến Chúa Thánh Thần thì không được tha (Lm Nguyễn Khắc Hy) https://www.youtube.com/watch?v=Rmff-M65a5Y

Tội phạm đến Chúa Thánh Thần là sao mà không tha được? (Lm. Vinhsơn Nguyễn Thế Thủ) https://www.youtube.com/watch?v=9o45pFSqSLo

Tội phạm đến Chúa Thánh Thần là gì? (Lm. Vinhsơn Nguyễn Thế Thủ) https://www.youtube.com/watch?v=cTEuXCBgnSY

Tội phạm đến Chúa Thánh Thần (Bài Giảng Cha Phạm Quang Hồng) https://www.youtube.com/watch?v=gsR28EgoEyA

Tội phạm đến Chúa Thánh Thần là gì? (Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT) https://www.youtube.com/watch?v=YubWkwfktog

Tại sao phạm đến Chúa Thánh Thần thì không được tha (Lm Nguyễn Khắc Hy) https://www.youtube.com/watch?v=Rmff-M65a5Y

Có thể bấm vào link này để tham khảo những bài khác.


 



 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02/04/2025(Xem: 347)
Việc quan trọng nhất và chính yếu nhất trong đời sống tâm linh của chúng ta, những kẻ tin vào Đức Giêsu, là thực hiện giới răn yêu thương của Ngài. Hãy hiểu thật đúng giới răn mới của Ngài và thực hiện. Hãy ưu tiên thực hiện cái nhân, tức điều cốt yếu nhất, cần thiết nhất, và sau đó mới thực hiện cái duyên, tức những điều cần thiết khác.
01/04/2025(Xem: 299)
Mỗi người đều có nỗi buồn: Gia đình đang bằng yên, hạnh phúc, bỗng nhiên một tai ương bất ngờ ập đến. Người thân phải tù tội, của cải bị trưng thu, mọi người trong gia đình chới với, hoang mang, con cái mất cả sự học hành, lối xóm chê cười, họ hàng ghét bỏ… Mất mát thật to, nỗi buồn càng lớn... Chúa đâu rồi? Sao để con thế này?
01/04/2025(Xem: 374)
Trong cuộc đời, nhiều lần ta đã phạm tội. Khi ấy ta cảm thấy mình yếu đuối và xấu hổ vì tội của mình. Nhưng lạ thay, khi thấy ai chung quanh ta phạm tội, nhiều khi ta lại mạnh mẽ lên tiếng kết án họ. Khi ta phạm tội, ta xin Chúa và tha nhân thông cảm và tha thứ cho ta. Nhưng khi người khác phạm tội, ta lại không muốn thông cảm và tha thứ cho họ. Tại sao ta lại mâu thuẫn như vậy?
26/03/2025(Xem: 464)
Nếu bạn hỏi mười người xem: ngoài Đức Mẹ ra, vị thánh lớn nhất đối với họ là ai, thì có sáu đến bảy người sẽ nói rằng đó là thánh Giuse. Nhưng nếu đề nghị họ kể bạn nghe những điều thánh Giuse đã làm thì rất ít người có thể nói một cái gì mới lạ. Nhưng nếu ta tìm hiểu sâu xa về cuộc đời của ngài, ta phải cảm phục sự công chính và đức tin của ngài.
24/03/2025(Xem: 641)
Một linh mục nọ, khi một giáo dân hỏi về những tài liệu về linh đạo giáo dân, ngài bảo: «Cho đến bây giờ, các sách linh đạo đều do giáo sĩ viết cả, vì thế, nếp sống tu trì luôn là chuẩn mực cho đời sống tâm linh. Muốn có những tài liệu về linh đạo giáo dân, thì chính các anh phải viết lấy». Vì thế, để có một linh đạo thích hợp cho người giáo dân, thì người giáo dân phải tự viết lấy.
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC