Đức Giêsu đến để thực hiện một cuộc cách mạng tôn giáo

03/04/20244:03 CH(Xem: 2287)
Đức Giêsu đến để thực hiện một cuộc cách mạng tôn giáo

Đức Giêsu đến để thực hiện

một cuộc cách mạng tôn giáo
aaaaa

1.  Thắc mắc của Gioan Tẩy Giả
               Gioan Tẩy Giả là người được Thiên Chúa kêu gọi làm một ngôn sứ, đồng thời làm vị Tiền Hô để dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Ông rất ý thức điều ấy, và đã hoàn thành nhiệm vụ ấy một cách hoàn hảo. Chính vì thế, ông đã bị ngồi tù do dám tố cáo những sai trái của chính quyền đương thời là vua Hêrốt. Tình trạng khó khăn và tuyệt vọng trong tù dễ làm người ta xuống tinh thần, vì thế, đức tin của Gioan vào Đức Giêsu phần nào bị thử thách, cụ thể như đoạn Tin Mừng Mt 11:2-6.
               Có thể lúc đó ông tự hỏi: Nếu Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế mà ông có sứ mạng tiền hô cho Ngài, thì tại sao ông lại phải ngồi tù thế này? Nếu Ngài là Đấng Cứu Thế, thì ắt hẳn Thiên Chúa phải để ông ở ngoài hầu hợp tác với Ngài thiết lập triều đại mới chứ! Ông sẽ phải là cánh tay mặt của Ngài chứ! Chắc chắn Gioan cũng quan niệm như mọi người Do Thái khác rằng Đấng Cứu Thế sẽ giải phóng dân Do Thái và sẽ trở thành một vị Hoàng Đế cai trị toàn cầu. Vì thế, khi Ngài đã bắt đầu ra mặt mà ông vẫn còn phải ngồi tù thế này thì quả là khó hiểu? Do đó, ông đã sai môn đệ của ông đến gặp Đức Giêsu để hỏi cho rõ. Và họ đã đến gặp Ngài.

● Mt 11:2-6 => «Ông Gioan lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Kitô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Đức Giêsu trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”.»


2.  Những điều ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế
               Đức Giêsu đã không trả lời trực tiếp bằng cách xác định mình chính là Đấng Cứu Thế, nhưng trả lời gián tiếp bằng những dấu hiệu mà trước đó khoảng 700 năm ngôn sứ Isaia đã tiên báo về thời đại của Đấng Cứu Thế: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng (xem Is 26,19; 29,18-19; 35,5-6a; 61,1*). Đó là những điều mà Đức Giêsu đã dùng quyền năng của mình thực hiện trước mắt mọi người.

● Is 26,19 => «Các vong nhân của Ngài sẽ sống lại, xác họ sẽ đứng lên. Này những kẻ nằm trong bụi đất, hãy trỗi dậy, hãy reo mừng! Vì lạy Chúa, sương Ngài ban là sương ánh sáng, và đất sẽ cho các âm hồn được hồi sinh».

● Is 29,18-19 => «Ngày ấy, kẻ điếc sẽ được nghe những lời trong sách, mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm và sẽ được nhìn thấy. Nhờ Đức Chúa, những kẻ hèn mọn sẽ ngày thêm phấn khởi, và vì Đức Thánh của Ítraen, những người nghèo túng sẽ nhảy múa tưng bừng».

● Is 35,5-6a => «Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò».

● Is 61,1 => «Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân».

               Thử đặt mình vào địa vị Gioan Tẩy giả và người Do Thái thời ấy xem, ta có thể tin được Ngài là Đấng Cứu Thế không, khi mà đầu óc ta cứ nghĩ rằng Ngài sẽ giải phóng đất nước Do Thái bằng binh hùng tướng mạnh, bằng chính trị và quân sự? Thế mà hiện tại trước mắt, Ngài chỉ là một thầy giảng đạo không một tấc sắt trong tay! Làm sao tin được Ngài là Đấng ấy, nhất là khi thấy Ngài bị nộp và bị đem đi giết như một tội nhân? Vì nghĩ như thế nên Giuđa ─ một môn đệ của Ngài có khuynh hướng yêu nước và mong chờ Ngài trở thành một lãnh tụ chính trị giải phóng dân tộc Do Thái khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma ─ đã phản bội Ngài.
               Chính vì thế, khi trả lời cho môn đệ của Gioan Tẩy giả, Ngài đã nói: «Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi» (Mt 11,6). Liệu câu nói ấy có ứng cho chính chúng ta khi Ngài trở lại không? Nếu Ngài trở lại theo một cách thức thật bất ngờ, không đúng như cách ta vẫn thường nghĩ, liệu ta có vấp ngã vì Ngài không? Vì nếu Ngài trở lại đúng theo cách ta thường nghĩ, thì lời Ngài tiên báo là sẽ đến như kẻ trộm đâu còn đúng nữa? Vậy, ta cần phải tỉnh táo khi Ngài đến để khỏi vấp ngã vì Ngài.

3.  Đức Giêsu đến để thực hiện một cuộc cách mạng tôn giáo
               Tôi e rằng khi Ngài đến lần thứ hai, rất nhiều người sẽ vấp ngã và xúc phạm đến Ngài như lần Ngài đến trước, vì Ngài sẽ không đến theo như quan niệm của họ, nhất là về mặt tư tưởng và giáo thuyết. Lý do:
               Nhân loại luôn luôn tiến hóa và đổi mới. Vì thế, các tôn giáo - vốn là phương tiện phục vụ con người, dẫn con người đến với Thiên Chúa - cũng phải thay đổi theo để phục vụ con người một cách phù hợp và hữu hiệu hơn. Hiện nay, nhân loại đã bước sang thời đại internet, toàn cầu hóa, với tinh thần khoa học thực nghiệm, kỹ thuật hết sức tân tiến. Về mặt chính trị, nhân loại không còn chấp nhận được những chế độ độc tài, bưng bít thông tin, tự do hà hiếp bóc lột dân chúng. Những quan niệm tôn giáo cũ có thể thích hợp với nhân loại cũ, thời đại cũ, với những quan niệm khoa học cũ. Nay nhân loại đã đổi mới, những quan niệm và thể chế tôn giáo không thay đổi để phù hợp sẽ bị đào thải. «Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư» (Lc 5,37). Đương nhiên trong tôn giáo có những điều cốt tủy không bao giờ thay đổi được, nhưng có biết bao điều có thể thay đổi và phải thay đổi. Vấn đề quan trọng là phân biệt cái nào có thể thay đổi và cái nào là cốt lõi không thể thay đổi được.
               Tôn giáo và luật lệ của tôn giáo là một cái gì linh thiêng, thần thánh, được hiểu là do Thiên Chúa thiết lập, được vĩnh cửu hóa và tuyệt đối hóa bằng những lời chắc nịch trong Kinh Thánh (*chẳng hạn: St 9,12; Xh 12,14; 32,13b; Đnl 29,28; 1 V 8,13 và vô số câu khác).

St 9,12 => «Thiên Chúa phán: “Đây là dấu hiệu giao ước Ta đặt giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật ở với các ngươi, cho đến muôn thế hệ mai sau”».

● Xh 12,14 => «Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời».

● Xh 32,13b => «Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời».

● Đnl 29,28 => «Có những điều Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, giữ kín cho mình; nhưng những điều này được mặc khải cho chúng ta và con cháu chúng ta đến muôn đời, để chúng ta đem ra thực hành những lời của Luật này».

● 1 V 8,13 => «Con đã xây cho Ngài một ngôi nhà cao sang. Một nơi để Ngài ngự muôn đời».

               Vậy thì con người nào ai dám thay đổi? Chỉ có những Đấng Thiên Sai như Đức Giêsu mới có thể làm chuyện ấy. Chính Đức Giêsu đã thực hiện một cuộc cách mạng vĩ đại về tôn giáo. Và cũng chính vì làm cuộc cách mạng ấy Ngài mới bị giết bởi tay các nhà lãnh đạo tôn giáo cũ. Thế là, như ta đã biết, vô số người đã vì Ngài mà vấp ngã!

4.  Cuộc cách mạng tôn giáo của Đức Giêsu
               Tôn giáo Do Thái do Thiên Chúa thiết lập nhưng do Môsê hình thành. Những luật lệ do Môsê ban hành đã được người Do Thái thời ấy coi là linh thánh và vĩnh cửu, vì được hiểu là luật của Thiên Chúa. Nhưng thật ra luật ấy chỉ phù hợp với trình độ văn hóa và tâm linh của dân Do Thái thời thượng cổ. Luật ấy được xây dựng trên sự sợ hãi của dân chúng. Tương tự như khi con người còn là một đứa trẻ, muốn nó sống tốt thì không thể chỉ dùng lời khuyên và trông chờ vào sự hiểu biết của nó mà được. Lời khuyên hay mệnh lệnh phải đi đôi với hình phạt. Đối với một đứa trẻ, chỉ cần nó sợ hình phạt để làm theo những mệnh lệnh của người lớn là đã đạt yêu cầu, và chỉ cần như thế nó đã được coi là một đứa trẻ ngoan. Tôn giáo thời Cựu Ước ứng với phương pháp giáo dục dành cho trẻ con, không thể trông mong vào sự ý thức, hiểu biết, hay tình yêu của con người được. Tiêu chuẩn của sự công chính vào thời này là chỉ cần giữ luật cho đúng là được. Và người Pharisiêu thời Đức Giêsu −nếu không có tính giả hình để được mọi người ca tụng và kính trọng− thì họ chính là mẫu người được coi là trọn hảo của thời Cựu Ước. Không ai còn có thể giữ luật trọn vẹn hơn họ!
               Nhưng từ Môsê đến Đức Giêsu, dân Do Thái đã trải qua khoảng 1250 năm, trình độ văn hóa và tâm linh của họ đã thay đổi. Họ đã thoát khỏi giai đoạn tạm gọi là trẻ con của họ để bước sang một giai đoạn trưởng thành hơn. Do đó, tôn giáo cũng phải thay đổi để thích hợp với trình độ mới của họ, và chính Đức Giêsu là người có sứ mạng thực hiện sự thay đổi ấy. Tôn giáo mới không còn được xây dựng trên sự sợ hãi nữa, mà xây dựng trên nền tảng tình yêu. Dân Do Thái hay nhân loại lúc này được so sánh với một con người đã bước vào tuổi thanh niên. Cha mẹ không còn giáo dục anh chàng theo kiểu roi vọt nữa, mà mong đợi nơi anh sự ý thức tự giác và tình yêu. Lúc này, nếu anh học hành hay làm việc chỉ vì sợ cha mẹ phạt, thì anh không còn được coi là tốt, là trưởng thành, mà phải do một động lực khác thúc đẩy: chẳng hạn do biết tự lo lắng cho tương lai của mình, do biết yêu thương và làm hài lòng cha mẹ, muốn làm nở mày nở mặt cho gia tộc, biết hy sinh cho quê hương tổ quốc. Vì thế, cách sống hay giữ đạo vị luật thiếu tình yêu bên trong của người Pharisiêu không còn được Đức Giêsu coi là công chính nữa: «Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời» (Mt 5,20).
               Những cuộc cách mạng vĩ đại về tôn giáo như Đức Giêsu đã từng thực hiện chắc chắn thời nào cũng bị những người đương thời chống đối vì chưa nhận ra sự hợp lý của nó. Họ còn chấp vào những hiểu biết cũ, quan niệm cũ, nguyên tắc cũ đã được nhập tâm từ nhỏ, và được coi là những chân lý bất di bất dịch. Họ cảm thấy cần bảo vệ những chân lý ấy. Chính vì thế rất nhiều người vấp phạm khi Đức Giêsu đưa ra những quan niệm mới, nguyên tắc mới.
               Để nói lên sự ưu việt của thời hậu cách mạng do Đức Giêsu, Ngài đã đưa ra một thí dụ điển hình: «Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông» (Mt 11,11). Gioan Tẩy Giả là mẫu người công chính của Cựu Ước, sự công chính của ông không thể sánh ngang với sự công chính của thời Tân Ước được. Thật vậy, về tinh thần và phong cách sống đạo, giữa Gioan Tẩy giả và Đức Giêsu, giữa các môn đệ của hai vị có sự khác biệt rõ rệt. Điển hình như: «Các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Đức Giêsu rằng: “Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”» (Mt 9,14; Mc 2,18). Khi Đức Giêsu đến lần thứ hai, liệu chúng ta có hỏi Ngài và các môn đệ Ngài «Tại sao chúng tôi làm điều này điều nọ, mà ông và các môn đệ của ông lại không làm?» chăng?
               Vậy, chúng ta hãy tỉnh táo để khi Đức Giêsu đến lần thứ hai, với những bất ngờ không dè trước được, chúng ta không vấp phạm vì Ngài: «Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi» (Mt 11,6).
Nguyễn Chính Kết
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
04/12/2024(Xem: 30)
Vào tháng 12 hàng năm, chúng ta sống trong mùa Vọng. Vọng có nghĩa là hướng về, là chờ đợi. Mùa Vọng là thời gian để chúng ta hướng lòng về ngày Chúa đến, đồng thời chờ đợi Chúa đến. Chúa đến để khai mạc một thời đại mới, thời đại hết sức tốt đẹp hơn, tràn đầy hạnh phúc.
25/11/2024(Xem: 224)
Những điềm lạ trên mặt trời mặt trăng, cũng như những thiên tai và nhân tai dồn dập xảy đến như động đất, giông bão, lụt lội, dịch tễ, chiến tranh, v.v... là những dấu chỉ báo hiệu Đức Giêsu sắp trở lại trần gian. Những biến cố kinh hoàng ấy sẽ làm mọi người lo lắng, sợ hãi… Nhưng những ai tin vào Thiên Chúa và sống tỉnh thức là sống tinh thần công bằng, yêu thương và chân tình với mọi người như Đức Giêsu dạy thì hãy an tâm, vì sẽ được bảo vệ và sẽ được vui mừng...
10/11/2024(Xem: 404)
Đây là câu chuyện không có thật, nhưng nó diễn tả kinh nghiệm về sự quan phòng bảo vệ của Thiên Chúa dành cho những người dám tin tưởng và thật sự phó thác cho tình yêu và sự khôn ngoan quan phòng của Ngài. Ba lời khuyên trong câu chuyện tương tự như những lời của Thiên Chúa trong Thánh Kinh hay trong tiếng lương tâm của ta. Trung thành tuân theo những lời khôn ngoan ấy, kể cả những lúc bị thử thách, ta sẽ thấy Lời Chúa ứng nghiệm một cách kỳ diệu. Điều quan trọng là ta có thật sự DÁM phó thác cho Ngài hay không. Không DÁM, là dấu chứng tỏ ta chưa thật sự tin vào sự quan phòng của Ngài như ta tưởng.
09/11/2024(Xem: 461)
Theo Thánh Phaolô, bản thân ta chính là đền thờ của Thiên Chúa và có Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong đó (x. 1Cr 3,16-17; 1Cr 6:15.19; 2Cr 6:16b). Nhưng chúng ta thường không ý thức được điều đó khiến chúng ta làm ô uế đền thờ ấy bằng những tư tưởng xấu, những tâm tình ích kỷ, kiêu căng, những hành động tội lỗi. Điều đó khiến chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa mà nhiều khi chúng ta vô tình hay cố tình không biết.
31/10/2024(Xem: 534)
Trong tất cả mọi việc, muốn thành công, ta phải phân biệt điều nào là chính yếu, điều nào là phụ thuộc, điều nào là cần thiết nhất và điều nào ít cần hơn. Trong việc sống đạo, ta cũng phải biết và thực hiện điều nào là chính yếu và cần thiết nhất. Đức Giêsu nói: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa!" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi» (Mt 7:21)
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC