Linh Đạo Giáo Dân
Trần Duy Nhiên
Một thực tế phũ phàng…
Trong quá trình tìm kiếm chất liệu giúp mình sống cuộc sống tâm linh của một Kitô hữu, tôi ngỡ ngàng nhận thấy số lượng tài liệu về tu đức hay linh đạo dành cho giáo dân, nghĩa là 98% dân Chúa, thì vô cùng ít ỏi so với kho tàng thật phong phú các sách vở linh đạo dành cho 2% còn lại, nghĩa là cho giáo sĩ và tu sĩ. Quả là một thực tế phũ phàng. Từ đấy, giáo dân nào muốn lớn lên trong đời sống tâm linh thì buộc phải «bắt chước» các bậc tu trì được phần nào hay phần ấy; họ phải dành một phần thời gian trong cuộc sống mình để trở thành «nhà tu», rồi từ đó tìm một sức mạnh mà đối diện với cuộc sống xã hội, nghĩa là một cuộc đời không dính dấp gì đến tâm linh cả. Tệ hơn nữa, những gì không thuộc về đời sống «nhà tu» thì bị xem là «tục» (ít ra là «trần tục» nếu không phải là «tục tằn»), nghĩa là đi ngược và gây trở ngại cho nếp sống «thiêng liêng». Dần dần, giáo dân mang cái não trạng của những người Con Chúa sống đời sống tâm linh như bóng đèn Nôen, chớp chớp tắt tắt, mà thời gian tắt luôn dài gấp trăm ngàn lần so với thời gian chớp.
Tôi băn khoăn tự hỏi có đường lối nào để cho người giáo dân sống 100% thời gian của mình với tư cách là một người «ở giữa thế gian mà không thuộc về thế gian» không? Hay nói cách khác: có một linh đạo nào dành cho giáo dân chăng?
Cách đây vài tháng, tôi hỏi một linh mục về những tài liệu về linh đạo giáo dân, ngài bảo: «Cho đến bây giờ, các sách linh đạo đều do giáo sĩ viết cả, vì thế, nếp sống tu trì luôn là chuẩn mực cho đời sống tâm linh. Muốn có những tài liệu về linh đạo giáo dân, thì chính các anh phải viết lấy».
Linh đạo giáo dân là gì?
«Các anh phải viết lấy!» Không biết linh mục nói trên (một bậc thầy về vấn đề tu đức cho các tu sinh dòng Đa Minh Việt Nam) có nghĩ rằng lời đề nghị của mình là một thách thức rất lớn hay không? Làm thế nào viết về linh đạo khi mà chưa thông qua tối thiểu là 3 năm triết học và 4 năm thần học? Làm thế nào mà giáo dân biết viết về một lãnh vực linh thiêng như thế? Xét cho cùng, việc giáo dân viết nên một nền linh đạo cho mình là một điều không thể nào làm được; thế nhưng không làm thì cũng không được, cho nên phải làm được. Muốn như thế, linh đạo giáo dân không thể xuất phát từ những suy tư thần học mà phải bắt nguồn từ cuộc sống hằng ngày.
Theo cái nhìn đó, ta thử trả lời câu hỏi: linh đạo là gì? Để đáp ứng với thực tiễn, ta chấp nhận định nghĩa sau đây: Linh đạo là một mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa để nên thánh trong và qua mọi công việc, cho dù là tầm thường nhất, trong đời thường của mỗi người»
Từ đó Linh Đạo Giáo Dân là cách thức mà giáo dân đáp trả một cách thực tiễn lời Thiên Chúa kêu gọi Kitô hữu thuộc mọi bậc sống tham gia vào sự sống dồi dào và trọn lành của Ngài:
Lời kêu gọi ấy thật rõ ràng và dứt khoát:
«Thiên Chúa sai Môsê nói với cộng đồng Israen như sau: Hãy nên thánh, vì Ta, Thiên Chủa của các ngươi, là Đấng Thánh» (Lv 19,1-2).
Một vài khía cạnh của Linh Đạo Giáo Dân
Nếp sống kết hiệp với Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho giáo sĩ và tu sĩ. Tuy nhiên sống thân mật với Thiên Chúa không có nghĩa là xem những hoạt động trần thế là vô ích đối với việc nên thánh và chỉ có những hoạt động liên quan đến bí tích, cầu nguyện, tĩnh tâm mới mang chiều kích thánh thiện. Công việc xây dựng, hàn gắn, chữa lành, sáng tạo và phục vụ – công việc của người mẹ, người y tá, người công chức – cũng là chia sẻ công việc tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa. Nếu các công việc ấy được thực hiện một cách hoàn chỉnh thì chúng trở nên những hoạt động thánh thiện. Chính qua những công việc ấy mà người giáo dân sống chiều kích ngôn sứ của mình. Môi trường xã hội chính là bàn thờ mà người giáo dân thực thi chức vụ tư tế phổ quát bằng cách hiến tế chính mình cùng với Chúa Giêsu giữa cuộc đời. Vì thế, linh đạo giáo dân phải gắn liền với cuộc sống trần thế.
Đời sống đạo của giáo dân không phải là một cuộc sống «thoát tục», thoát khỏi những thực tại thế gian như các vấn đề xã hội, chính trị, gia đình, nghề nghiệp…
Đời sống đạo của giáo dân phải gắn liền với công việc hàng ngày, có liên quan trực tiếp đến nghề nghiệp và gia đình, đến những giờ giải trí, những cuộc họp hành, đến cơm áo gạo tiền, đến việc giáo dục con cái và thậm chí đến việc gối chăn… Đời sống đạo của giáo dân được kết thành bởi một mạng lưới dày đặc những tương quan giữa người và người, cùng với các vấn đề dính liền với con người; và những vấn đề ấy nhiều khi hoàn toàn nằm ở ngoài kinh nghiệm linh đạo của các bậc tu trì.
Làm thế nào chờ đợi các linh mục giải quyết vấn đề gia đình của mình trước những tình huống đặc biệt, ví dụ như khi trong gia đình mình có một thành viên bị nghiện ma túy, bị bệnh AIDS/SIDA, bị tâm thần; khi cha mẹ có một người con bị hãm hiếp rồi mang thai; khi một người trong gia đình phải thất nghiệp từ năm này qua năm nọ, khi người vợ hay người chồng biết rằng người kia đang phản bội mình, v.v...
Không có một lý thuyết nào có thể đáp ứng cho tất cả mọi người trong những tình huống này, vì thế, muốn tìm ra một linh đạo thì giáo dân phải khởi sự kể cho nhau nghe những mẩu chuyện đời mình, qua đó mình sống chiều kích của Kitô Hữu trong các biến cố hằng ngày.
Linh đạo giáo dân phải do người giáo dân viết. Linh đạo giáo dân phải là sự tích lũy của những kinh nghiệm thực tế mà chúng ta chia sẻ cho nhau. Linh đạo giáo dân là con đường gặp gỡ Thiên Chúa và nên thánh ngay tại đây và bây giờ.
Tại Đây và Bây Giờ
Trong tác phẩm The Song of The Bird (bản dịch: Như tiếng chim ca), của Linh mục Anthony De Mello, có thuật lại câu chuyện sau:
Một người lối xóm thấy thầy Nasruddin bò bốn chân tìm kiếm vật gì.
+ «Thưa thầy, thầy đang kiếm gì đó?»
- «Kiếm chìa khóa của tôi».
Cả hai người cùng bò bốn chân tìm kiếm.
Sau một hồi lâu, người lối xóm hỏi:
+ «Thầy đã mất chìa khóa ở đâu?»
- «ở trong nhà tôi».
+ «Trời đất! Vậy tại sao thầy lại tìm kiếm ở đây?»
- «Bởi vì ở đây sáng sủa hơn».
(trích Như Tiếng Chim Ca, bản dịch của Đỗ Tân Hưng và Trần Duy Nhiên)

Trần Duy Nhiên
- Từ khóa :
- linh đạo
- ,
- nên thánh
- ,
- sống đạo giữa đời
Gửi ý kiến của bạn