Vấn đề nợ nần của Trung Quốc sẽ còn kéo dài sau triều đại Tập Cẩn Bình
Cần để cho các lực lượng thị trường có một vai trò lớn hơn hầu thực sự giảm tỷ phần vốn vay.
Trung Quốc không còn có thể trông cậy vào sự tăng vuột về kinh tế như 20 năm trước đây để hỗ trợ cho việc nợ nần chồng chất hiện tại nữa. © Reuters
Sau Đại hội Đảng tháng này, chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cẩn Bình có nhiều khả năng trở thành người lãnh đạo vững mạnh hơn bao giờ hết, với tất cả thẩm quyền cần thiết để kiềm chế việc nợ nần đang tăng vọt và để cải tổ các công ty nhà nước.
Sự công nhận muộn màng của ông Tập về việc gia tăng nợ nần một cách nguy hiểm này đáng được hoan nghênh, nhưng chính quyền của ông phần lớn vẫn đang dấu diếm che đậy tình trạng ấy. Hành động này đang liên tục làm tăng nguy cơ mất ổn định về tài chính và khiến Trung Quốc mất nhiều cơ hội bắt đầu một con đường tăng trưởng bền vững .
Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã xác định việc nợ nần tăng vọt của Trung Quốc là một trong những mối đe dọa chính cho nền kinh tế toàn cầu. Cụ thể là, trong quý I năm nay, món nợ công phi tài chính đã tăng lên 165% tổng sản phẩm quốc nội so với 96% vào năm 2008. Dựa vào lời cảnh báo này, vào tháng 7, ông Tập đã phát biểu rằng việc hạn chế nợ nần của các công ty nhà nước sẽ là "ưu tiên hàng đầu."
Những nỗ lực ban sơ đang mang lại một số kết quả. Nhưng để giảm được nợ một cách đáng kể, Trung Quốc phải giải quyết các yếu tố cơ bản đã khiến tạo ra các khoản nợ này. Đây là điểm thiếu sót nghiêm trọng trong cách tiếp cận của Bắc Kinh, cũng giống như trong lần cuối cùng khi thanh toán một món nợ lớn vào cuối thập niên 1990.
Vì vậy, mặc dù thừa nhận rằng một số công ty nhà nước phải bị thua lỗ, Đảng Cộng Sản cũng chẳng khao khát áp đặt những ràng buộc ngân sách khắt khe cho những công ty sống sót. Cuối cùng thì một số nợ cũng đã được thanh toán, nhưng phần lớn thì được chuyển hoán từ vùng này sang vùng khác.
Điều đáng lo ngại nhất là thay vì để các thế lực thị trường đóng vai trò quyết định trong việc xác định các kết quả kinh tế và tài chính, đảng đang sử dụng chiến dịch giảm tỷ phần vốn vay để thắt chặt sự kìm kẹp về kinh tế, có nghĩa là ép buộc bộ phận tư nhân làm dịch vụ quốc gia bằng cách đòi hỏi tăng vốn và đồng thời cho sát nhập các doanh nghiệp quốc doanh khổng lồ với nhau.
Để khắc phục món nợ của doanh nghiệp nhà nước, giới lãnh đạo đang lục lọi trong mớ chính sách của họ, giống như họ đã làm trong hai năm qua khi tháo gỡ một trái bom nợ của chính quyền địa phương. Bây giờ, cũng vậy, nhà nước đã mua thành công ban đầu bằng cách chơi theo thời gian. Các khoản nợ đắt giá đã được hoán đổi cho các khoản vay rẻ hơn từ các ngân hàng quốc doanh; thị trường trái phiếu thành phố đã được thành lập; và một số dự án cơ sở hạ tầng đang được tài trợ thông qua các hợp đồng tương tác giữa nhà nước và tư nhân.
Chuyển hoán nợ nần
Công cụ chính được sử dụng để giảm số nợ của các doanh nghiệp nhà nước là việc hoán đổi giữa tiền nợ và vốn chủ sở hữu. Đã có hơn một nghìn tỷ nhân dân tệ (152 tỷ USD) tiền nợ được thỏa thuận hoán đổi, nhưng con số này chẳng thấm thía gì so với tổng số khoản vay ngân hàng. Tính đến giữa năm, mới chỉ hoàn tất được 10% khoản nợ cần hoán đổi.
Trên giấy tờ, thị trường sẽ được xem là có quyết định về giá cả các hợp đồng hoán đổi. Nhưng trên thực tế, giá cả sẽ được các ban ngành nhà nước ấn định và thỏa thuận giữa các ngân hàng chủ nợ, các doanh nghiệp mắc nợ và các bên trung gian, được biết như là các cơ quan thi hành, và hầu hết là thuộc nhà nước.
Tương tự như vậy, các ngân hàng sẽ phân biệt giữa các công ty khả thi có đủ điều kiện cho các giao dịch hoán đổi, và các doanh nghiệp “lờ đờ” không có tương lai. Do lo sợ thất nghiệp và bất ổn xã hội, Trung Quốc vẫn không muốn đưa các công ty này ra khỏi tình trạng khốn khổ của họ, và vì thế, các món nợ cứ tiếp tục tồn tại. Số lần vỡ nợ trái phiếu thực sự có giảm trong năm nay trong khi các tuyên bố phá sản, mặc dù đang tăng lên từ năm 2015, vẫn được coi như là phương án sau cùng.
Các nhà đầu tư tư nhân đang được khuyến dụ tham gia vào chiến dịch giảm nợ, dưới chiêu bài cải cách quyền sở hữu hỗn hợp. Để giảm việc vay nợ, một số các công ty nhà nước chọn lọc đang rao bán cổ phần thiểu số cho các công ty tư nhân có tính cách "chiến lược". Những tư nhân này sẽ không được tham gia vào cách quản lý công ty, nhưng nếu họ muốn duy trì quan hệ tốt với Đảng Cộng sản thì họ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc ký chi phiếu xuất tiền.
Trung Quốc đang cần phải có sáng tạo trong kỹ thuật tài chính hơn so với 20 năm trước bởi vì nó không còn có thể dựa vào sự tăng vuột phát triển kinh tế để mong phá dần mòn núi nợ. Trung Quốc đang suy thoái về cơ cấu. Bắc Kinh không còn có thể coi các ngân hàng như là các máy rút tiền ATM. Đó là lý do tại sao nó đang khai thác tài sản quốc gia và lôi kéo các nhà đầu tư tư nhân, kể cả người nước ngoài, để chia sẻ gánh nặng nợ nần.
Ngoài mặt thì kế hoạch mới nhất của chính quyền dường như dựa vào thế lực thị trường nhiều hơn so với trong quá khứ. Nhưng đó là một sự phỉnh gạt. Chiến dịch giảm nợ của Trung Quốc thật ra dựa nhiều hơn, không kém đi, vào sự kiểm soát của đảng từ trên xuống dưới, giống y như trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống người dân Trung Quốc.
Chừng nào mà nhà nước, thay vì thị trường, còn nắm quyền quyết định, thì các nguồn vốn và các nguồn lực khác sẽ tiếp tục bị phân bổ một cách sai lầm. Nợ nần sẽ được đưa vào các dự án vô hiệu và sẽ không tạo ra lợi nhuận cần thiết để thanh toán cho các khoản vay. Và cứ thế, những ngọn núi nợ mới sẽ hình thành.
Việc đảo ngược nợ nần là một thách thức lớn đối với Trung Quốc, nhưng điều đó không phải là không thể vượt qua nếu giới lãnh đạo nhận ra được lợi ích của việc tự do hóa kinh tế.
Diana Choyleva là chuyên gia kinh tế trưởng của Enodo Economics, một công ty dự báo kinh tế vĩ mô ở London -
Nikkei Asian Review
Phạm Thiên Phước diễn dịch
- Từ khóa :
- Trung quốc Mộng