Thư của giáo tông Phan-sinh gởi dân Chúa*
„Khi một chi thể đau, mọi chi thể cùng đau“ (1 Cr 12,26). Lời của thánh Phao-lô vang dội mạnh trong tim tôi, mỗi lần tôi nghĩ tới cảnh nhiều trẻ em đã bị một số không ít linh mục và tu sĩ lạm dụng (về) tình dục, quyền lực và lương tâm. Đây là một tội ác, nó tạo nên những vết thương đau đớn và dẫn tới cảm giác bất lực, đặc biệt nơi các nạn nhân cũng như nơi các thân nhân gia đình họ và nơi toàn thể cộng đoàn cả của những kẻ tin và những kẻ không tin vào Chúa. Ngoảnh về quá khứ, chúng ta nhận ra, tất cả những gì mình làm để xin lỗi và để cố gắng đền bù những thiệt hại đã gây ra, đã chẳng bao giờ đủ. Ngước về tương lai, ta thấy vẫn còn vô số những gì có thể làm, để hình thành nên một văn hóa có khả năng không những ngăn cản những tội ác như thế, mà còn không để chỗ cho chúng dai dẳng ẩn nấp. Đau khổ của các nạn nhân và của gia đình họ cũng là đau khổ của chúng ta. Vì thế một lần nữa chúng ta phải khẩn cấp tăng cường nỗ lực bảo vệ các em vị thành niên và thành niên, giúp họ tránh rơi vào những hoàn cảnh lệ thuộc.
1. Khi một chi thể đau…
Cách đây mấy hôm có một bản tường trình được phổ biến, trong đó để cập tới ít nhất một ngàn nạn nhân đã bị lạm dụng tình dục, quyền lực và lương tâm do các linh mục gây ra trong suốt bảy mươi năm qua. Mặc dù có thể nói rằng, đa phần các trường hợp đó đã thuộc về quá khứ, nhưng với thời gian chúng ta đã ý thức được nỗi đau của nhiều nạn nhân, và ta phải nhận chân rằng, những vềt thuơng của họ vẫn còn đó; chúng đòi hỏi chúng ta phải có bổn phận lên án những hành vi kinh tởm kia cũng như phải nỗ lực nhiều hơn nữa, để loại trừ cái văn hóa sự chết đó. Các vết thương „chẳng bao giờ mất hiệu lực vì hết thời hiệu“ cả. Đau khổ của những nạn nhân này là tiếng than thấu trời và đánh động lòng người, nhưng nó đã bị bịt miệng, dấu diếm và không được quan tâm trong một thời gian dài. Nhưng tiếng la của họ còn mạnh hơn tất cả các biện pháp nhằm bịt miệng hoặc các quyết định nhắm trấn an họ; tuy nhiên những biện pháp và quyết định này lại khiến cho nỗi đau của họ gia tăng, vì chúng bao hàm một sự đồng lõa. Thiên Chúa đã nghe được tiếng la của họ. Một lần nữa Người lại cho thấy, là Người đứng về phía nào. Bài ngợi ca của đức Maria vẫn đúng, và nó hiện diện xuyên suốt lịch sử như một cung nhạc nền; bởi vì Thiên Chúa nghĩ tới lời hứa mà Người đã trao cho cha ông chúng ta: „Người giải tán phường kiêu căng, đánh đổ những kẻ quyền thế khỏi ngai và đưa lên cao những ai thấp cổ bé miệng. Người ban của ăn của Người cho những ai đói khát và để những kẻ giàu sang trở về tay không“ (Lc 1,51-53). Và chúng ta xấu hổ, khi biết được rằng, lối sống của chúng ta đã phủ nhận điều đó và phủ nhận điều mà chúng ta vẫn môi miệng nói ra.
Cả tập thể Giáo Hội chúng ta phải xấu hổ và thống hối thừa nhận rằng, chúng ta đã không đứng về phía mà lẽ ra chúng ta phải đứng, và đã không hành động kịp thời, khi nhận ra tầm vóc và mức độ của sự thiệt hại đã tác động lên cuộc sống của không biết bao nhiêu người. Chúng ta đã bỏ mặc những người thấp cổ bé miệng. Tôi muốn nhấn mạnh nhắc lại lời suy gẫm đàng Thánh Giá ngày thứ sáu tuần thánh năm 2005 của giáo trụ (hồng y) Ratzinger trước đây, một lời đã gói trọn trong đó tiếng kêu đau đớn của bao nhiêu nạn nhân: „Có biết bao là dơ bẩn trong Giáo Hội và ngay cả nơi những kẻ trong hàng linh mục, những người mà lẽ ra họ phải hoàn toàn thuộc về Chúa! Có bao nhiêu là kiêu căng và tự mãn! Chúng con đã quá ít coi trọng bí tích hòa giải, qua đó Chúa chờ đợi nơi mỗi chúng con sự cải tà quy chánh! Tất cả những điều đó chúng con đều nhận ra trong cuộc khổ nạn của Chúa. Sự phản bội của các môn đồ, việc nhận lãnh Mình và Máu Chúa cách bất xứng, tất cả hẳn là nỗi đau thẳm sâu nhất của Đấng Cứu Độ, nỗi đau xuyên thấu trái tim Chúa. Chúng con chỉ biết van xin từ đáy lòng mình: Kyrie, eleison – Xin Chúa hãy cứu con (xem Mt 8,25)“ (Suy gẫm chặng thứ chín)
2. … mọi chi thể đều cùng đau
Tầm vóc và mức độ của những gì xẩy ra đòi buộc chúng ta phải chung sức nhìn nhận sự kiện cách toàn diện. Trong mọi tiến trình thống hối việc ý thức những gì xẩy ra là điều quan trọng và cần thiết, nhưng chỉ có thế thôi thì không đủ. Ngày nay, với tư cách là dân Chúa, chúng ta cần phải đón nhận nỗi đau khổ đã làm thương tổn tinh thần và thể xác của những anh chị em mình. Nếu như trong quá khứ việc nhắm mắt làm ngơ đã có thể là một phương cách giải quyết, thì ngày nay sự đoàn kết, với ý nghĩa cầu toàn và sâu xa nhất của nó, sẽ là cách thức để chúng ta mô tả những hoàn cảnh lịch sử hôm nay và tương lai, trong đó các xung đột, các căng thẳng và nhất là các nạn nhân bị lạm dụng dưới mọi hình thức có thể gặp được một bàn tay sẵn sàng đưa ra để bảo vệ và giải thoát họ ra khỏi đau khổ (xem Tông Thư Evangelii gaudium, 228). Chính sự đoàn kết này đòi buộc chúng ta phải đả phá tất cả những gì có thể gây nguy hại tới sự lành lặn thân xác và tinh thần của bất cứ một con người nào. Đó là một sự đoàn kết kêu gọi chúng ta chống lại bất cứ mọi hình thức tha hóa, nhất là tha hóa tinh thần, „vì đây là một sự đui mù dễ chịu và tự mãn, nó rốt cuộc xem ra cho phép làm mọi thứ: Dối trá, nói xấu, ích kỉ và nhiều hình thức quy ngã khéo léo – là vì „Satan đội lốt thiên thần của sự sáng“ (2 Cr 11,14)“ (Tông Thư Gaudete et exsultate, 165). Lời mời gọi của thánh Phao-lô, hãy đau với người đau khổ, là phương tiện chữa lành tốt nhất cho mọi áp lực trong chúng ta muốn tiếp tục lặp lại ngôn từ của Ca-in: „Phải chăng tôi là người canh giữ em tôi?“ (St. 4,9).
Tôi biết đây đó trên thế giới đang có nhiều nỗ lực và hành động, nhằm bảo đảm và thực hiện những công tác môi giới cần thiết giúp bảo vệ và giữ an ninh tinh thần - thể xác cho những thành phần vị thành niên và người lớn đang trong tình trạng dễ bị nguy hiểm. Trong số những việc làm đó có việc quảng bá „thái độ tuyệt đối bất khoa dung“ và việc yêu cầu phải ra những hình phạt đối với tất cả những ai sai phạm hoặc bao che cho tội ác đó. Chúng ta đã trễ nãi trong việc áp dụng những biện pháp và hình phạt này, nhưng tôi tin rằng, chúng sẽ góp phần bảo đảm cho một văn hóa phòng ngừa tốt đẹp hơn cho hiện tại và tương lai.
Cùng với những nỗ lực đó, điều quan trọng là tất cả mọi người đã nhận phép rửa cần phải ý thức để cùng tham gia vào cuộc tái tạo xã hội và Giáo Hội rất cần thiết này. Một cuộc tái tạo như thế đòi hỏi sự hoán cải của cá nhân và cộng đoàn. Nó hướng chúng ta cùng nhìn về một hướng với Thầy chúng ta. Như thánh Gio-an Phao-lô II. đã nói: „Nếu chúng ta thật sự cùng nhìn theo cái nhìn của Chúa, chúng ta sẽ có khả năng nhận ra Người đặc biệt qua hình ảnh của những kẻ mà Chúa muốn tự đồng hóa chính Người với họ“ (Tông Thư Novo millennio ineunte, 49). Hãy học cách nhìn như Chúa nhìn. Hãy học tìm chỗ đứng mà Chúa muốn cho mình đứng, để hoán cải con tim mình trước sự hiện diện của Chúa. Cầu nguyện và thống hối sẽ giúp chúng ta đạt được mục đích này. Tôi mời gọi toàn thể dân thánh của Chúa hãy ăn năn sám hối bằng cầu nguyện và ăn chay hãm mình theo như đòi hỏi của Chúa [1]. Người đánh thức lương tâm, sự đoàn kết và việc dấn thân của chúng ta trong công cuộc hình thành nên nếp văn hóa sẵn sàng chở che và dứt khoát nói không với mọi hình thái lạm dụng.
Nếu không có sự tham dự tích cực của mọi thành phần dân Chúa, thì không thể nào có được sự hối cải hành động của Giáo Hội. Hơn nữa: Hễ mỗi lần chúng ta tìm cách tránh né, im tiếng, nhắm mắt bỏ qua hoặc giản lược dân Chúa vào trong một nhóm nhỏ ưu tuyển, là mỗi lần chúng ta tạo ra những cộng đoàn, những chương trình, những quyết định thần học, những linh đạo và những cấu trúc không gốc rễ, thiếu kí ức, vô diện mạo, vô hình tượng và rốt cuộc là thiếu sự sống [2]. Điều này phản ánh rõ qua lối hiểu dị thường về uy quyền trong Giáo Hội – vốn rất phổ biến nơi nhiều cộng đoàn, trong đó đã xẩy ra những lạm dụng về tình dục, quyền lực và lương tâm -, cụ thể qua chủ trương giáo sĩ trị, một thái độ „không những [làm] hư hỏng nhân cách của Ki-tô hữu, mà còn [có chiều hướng] giảm nhẹ và đánh giá thấp ân sủng phép rửa, vốn được Chúa Thánh Thần tuôn đổ trong tâm của dân Chúa“ [3]. Chủ trương giáo sĩ trị, cho dù được khuyến khích do chính các linh mục hay do giáo dân, tạo nên sự chia rẽ trong lòng Giáo Hội; chia rẽ này lại thúc đẩy và góp phần giúp cho nhiều chuyện xấu xa tiếp tục hoành hành, những xấu xa mà chúng ta nay đang phải than trách. Nói Không với lạm dụng có nghĩa là mạnh mẽ nói không với bất cứ mọi hình thức giáo sĩ trị.
Điều cần nhớ luôn luôn, là Thiên Chúa „trong lịch sử cứu rỗi đã cứu [cả] một dân tộc. Sẽ không có một căn cước toàn vẹn, nếu không thuộc vào một dân tộc. Do đó không một ai sẽ được cứu với tính cách cá nhân riêng lẻ, nhưng khi Thiên Chúa kéo chúng ta tới với Người, Người quan tâm tới những liên hệ phức tạp giữa người với người vốn hiện hữu trong một cộng đoàn: Thiên Chúa đã muốn đi vào trong một động năng xã hội, đi vào động năng của một dân tộc“ (Tông Thư Gaudete et exultate, 6). Vì thế chúng ta chỉ có mỗi một cách chống trả lại cái xấu đó, một cái xấu đã cướp mất cuộc sống của biết bao con người, là ý thức cùng nhau chung sống trong một cộng đoàn dân Chúa. Với ý thức mình là thành phần của một dân và có cùng chung một lịch sử chúng ta mới có thể ăn năn thú nhận công khai những tội lỗi và thiếu sót của mình trong quá khứ, để từ đó mới sẵn sàng đổi mới từ nội tâm. Tất cả những gì ta làm, để tống khứ cái văn hoá lạm dụng ra khỏi cộng đoàn chúng ta, sẽ không có được những sức bật cần thiết cho một cuộc chuyển hoá lành mạnh và hữu hiệu, nếu không có sự tham dự tích cực của tất cả mọi thành phần của Giáo Hội. Chiều kích thống hối của cầu nguyện và ăn chay hãm mình sẽ giúp dân Chúa chúng ta thành tâm bước ra trước Thiên Chúa và trước những anh chị em bị tổn thương của chúng ta - như những kẻ tội lỗi van xin sự tha thứ, van xin ân sủng của sự xấu hổ và của lòng ước muốn trở về đường ngay, và như thế là chúng ta đang thực hiện những hành động tạo ra động năng đưa tới hòa hợp với Phúc Âm. Là vì „Mỗi khi chúng ta nỗ lực trở về nguồn và đi tìm lại sự tươi mát ban đầu của Phúc Âm, lúc đó chúng ta sẽ nhận ra nhiều con đường mới, nhiều phương cách sáng tạo, nhiều lối diễn tả khác, nhiều dấu hiệu và ngôn từ có sức biểu cảm và giàu ý nghĩa cho thế giới ngày nay“ (Tông Thư Evangelii gaudium, 11).
Tất nhiên, với tư cách Giáo Hội, chúng ta phải nhìn nhận những hành động tội ác gây ra bởi các tu sĩ và linh mục cũng như bởi những kẻ đã được trao phó trọng trách trông coi và bảo vệ những thành phần dễ bị tổn thương nhất, và chúng ta phải đau buồn xấu hổ kết án những hành động đó. Chúng ta cầu xin sự tha thứ cho những lầm lỗi của chính mình và của người khác. Ý thức tội lỗi giúp chúng ta nhìn nhận những lỗi lầm, những hành vi phạm pháp và những vết thương do mình gây ra trong quá khứ; nó giúp ta mở lòng ra và từ nay mạnh dạn dấn thân cho con đường đổi mới cuộc sống.
Đồng thời sự hối cải và cầu nguyện giúp đôi mắt và con tim chúng ta trở nên nhạy bén trước nỗi đau của tha nhân và giúp ta vượt thắng đam mê của cải và quyền lực vốn thường là căn nguyên của những hành vi xấu xa đó. Ước gì ăn chay hãm mình và cầu nguyện mở tai chúng ta ra trước nỗi đau âm thầm của các trẻ nhỏ, của các trẻ vị thành niên và những người tàn tật. Ăn chay hãm mình khiến chúng ta đói khát công lí và thúc đẩy chúng ta vừa bước đi trên con đường sự thật vừa hỗ trợ mọi phương tiện pháp lí cần thiết. Ăn chay hãm mình giúp ta cởi bỏ con người mình, để chúng ta cùng với tất cả những người thiện chí và toàn thể xã hội dấn thân cho tình yêu và sự thật, để chống trả lại mọi thứ lạm dụng tình dục, quyền lực và lương tâm.
Bằng cách đó chúng ta có thể tạo trong sáng cho sứ mạng được trao phó, đó là trở thành „dấu chỉ và công cụ cho sự kết hợp sâu xa với Thiên Chúa cũng như với toàn thể nhân loại“ (Công Đồng Vaticano II., Hiến Chế Tín Lí Lumen gentium, 1).
Thánh Phao-lô nói: „Khi một chi thể đau, mọi chi thể khác cùng đau.“ Bằng thái độ cầu nguyện và ăn chay hãm mình, chúng ta có thể tạo được sự hài hoà cá nhân và cộng đoàn trước yêu sách phải làm sao cho ân sủng của lòng thương xót, của công lí, của sự phòng ngừa và của sự đền bù lớn lên giữa chúng ta. Mẹ Maria đã có thể đứng dưới chân thập giá của con mình. Mẹ đã không làm gì khác ngoài việc đứng thẳng và trực tiếp ngay bên. Với thái độ đó Mẹ cho ta thấy cách thức sống của Mẹ. Khi gặp thất vọng trước những vết thương của Giáo Hội, Mẹ Maria là điểm tốt cho chúng ta chạy đến, „cùng Mẹ bám sâu hơn vào lời cầu nguyện“ (I-nhã ở Loyola, Những Bài Linh Thao, 319), bằng cách cố gắng lớn lên trong tình yêu và lòng trung thành đối với Giáo Hội. Là người môn đệ đầu tiên, Mẹ dạy cho tất cả môn đệ chúng ta cách cư xử không cần phải tránh né và ngã lòng trước nỗi đau của những kẻ vô tội. Nhìn về Mẹ có nghĩa là học khám phá ra cách thức hành động và chỗ đứng của những môn đệ Chúa Ki-tô.
Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn hối cải và tăng cường sức mạnh nội tâm, để chúng ta có thể nói lên được sự thống hối của mình trước tội ác lạm dụng này và giúp chúng ta can đảm quyết tâm chống trả lại nó.
Từ Vatikan, ngày 20 tháng Tám 2018
Phan-sinh
[1] »Loại này chỉ có cách cầu nguyện và ăn chay mới có thể tống nó ra được« (Mt 17,21).
[2] Xem Thư gởi Dân Chúa lữ hành ở Chí-lợi, 31. tháng Năm 2018.
[3] Thư gởi giáo trụ Marc Ouellet, Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Tông đặc trách Châu Mĩ La-tinh. 31. tháng Ba 2016.
© Libreria Editrice Vaticana
* Nhân biến cố lạm dụng tình dục ở Pensylvania, Hoa-kì.
Bản dịch của Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại.
Dịch theo bản tiếng Đức và tiếng Pháp.