Bản dịch tiếng Việt sách "For Love of My People I will not Remain Silent" của HY Trần Nhật Quân - Phần 1/5

29/03/20192:50 SA(Xem: 2332)
Bản dịch tiếng Việt sách "For Love of My People I will not Remain Silent" của HY Trần Nhật Quân - Phần 1/5
HỒNG Y TRẦN NHẬT QUÂN [1] [2]
Vì tình yêu dân tôi
Tôi sẽ không giữ im lặng

lprsp-r


Một loạt tám bài thuyết trình về bảo vệ và làm rõ
Thư của Đức Giáo hoàng Benedictô XVI năm 2007 [3]
Gửi Giáo hội tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
 

Bùi Tâm dịch

Từ bản tiếng Anh của Pierre G. Rossi

Trừ khi có ghi chú khác, tất cả các tài liệu giáo hoàng đã được lấy từ bản tiếng Anh trên trang mạng của Vatican.


            NỘI DUNG
 

Phần giới thiệu của nhà xuất bản Aurelio Porfiri

1 Những sự kiện trước và sau nỗ lực tấn phong bất hợp pháp và cuộc phản kháng việc

Phong thánh năm 2000


2 Những sự kiện cận trước và sau bức Thư

3 Bản thảo, các đề xuất, bản văn cuối cùng, và các chỉnh sửa đối với bản dịch tiếng Trung

4 Ủy ban về Giáo hội ở Trung Quốc: Một “Bản Tóm lược” và một “Bản Trợ giúp”

5 Nội dung của bức Thư: Giáo hội Công giáo

6 Nội dung của bức Thư: Tình hình của Giáo hội tại Trung Quốc

7 Nội dung của bức Thư: Quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước

8 Chúng ta phải làm gì ? Trở về bức Thư của Đức Giáo hoàng Benedictô

Chú thích

    PHẦN GIỚI THIỆU
Của Aurelio Porfiri

     Văn bản này chứa một loạt các bài thuyết tình mà Hồng y Giuse Zen đã đưa ra tại Hồng Kông để kỷ niệm 10 năm bức Thư của Đức Giáo hoàng Benedictô XVI gửi cho Giáo hội tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 2007. Các bài viết bằng tiếng Trung và sau đó được chính Đức Hồng Y dịch sang tiếng Ý, với sự hỗ trợ của một số người bản ngữ. Giọng văn là của một bài thuyết trình, nó không theo cách chính thức, làm cho việc đọc trở nên thú vị và nhiều thông tin hơn.

    Tôi đã gặp Hồng y Giuse Zen nhiều năm trước. Vì lý do gia đình, tôi đã phát triển mối quan hệ gắn bó với người dân Hồng Kông vào năm 2000, gần hai mươi năm trước. Vào thời điểm đó, Giám mục Hồng Kông là Đức Hồng y Gioan Baotixita Wu Cheng-chung, và Giám mục phó của ông là Giuse Zen. Đức cha Zen đã thay thế Hồng y Wu vào năm 2002 (và đã vẫn ở vị trí này cho đến năm 2009). Khi đọc báo và nói chuyện với mọi người vào thời điểm đó, tôi đã biết về quan điểm của Đức Hồng Y Zen phản đối mạnh mẽ chính phủ Trung Quốc và các chính sách của họ. Tôi đã gặp ông ấy ở Rôma, khi ông ấy đã là Giám mục Hồng Kông. Tôi nhớ đã gặp ông ấy và trải nghiệm sự tức giận của ông ấy vì hành vi của chính phủ Trung Quốc chống lại tôn giáo, đặc biệt là những sự đàn áp và bức hại.

    Từ 2008 đến 2015 tôi có dịp sống ở Ma Cao và làm việc ở đó. Tôi phải nói rằng tôi bị ảnh hưởng tiêu cực về Hồng Y Zen, người được người ta miêu tả với tôi như một trở ngại giữa Trung Quốc và Tòa Thánh. Rất may, sau đó tôi đã biết rằng tôi đã sai và ăn năn kịp thời, hiểu rằng trở ngại thực sự cho sự hòa giải giữa Tòa Thánh và chính phủ Trung Quốc là hệ tư tưởng đằng sau chính phủ: Chủ nghĩa cộng sản, mà bất cứ nơi nào áp dụng luôn luôn đàn áp các tôn giáo.

    Nhưng chúng ta hãy quay trở lại vài tháng, khoảng tháng 6 năm 2018. Trong những năm gần đây, tôi trở thành một người bạn tốt với Đức Hồng Y, vì vậy mỗi lần tôi đến thăm Hồng Kông, tôi đã ăn tối với ông ấy hoặc gặp ông ấy để trò chuyện. Chúng tôi cũng đã viết một cuốn sách nhỏ cùng nhau bằng tiếng Ý, L'agnello e il dragone: Dialoghi su Cina e Cristianesimo (Con cừu và con rồng: Những cuộc đối thoại về Trung Quốc và Kitô giáo; Chorabooks, 2016), nơi Đức Hồng y cũng nói về cuộc đời và ý tưởng của mình . Tại một trong những lần gặp gỡ của chúng tôi vào tháng 6, nếu tôi nhớ chính xác, Đức Hồng Y đã đề cập với tôi rằng ông đang sửa đổi một loạt các hội thảo được đưa ra ở Hồng Kông về bức Thư của Giáo hoàng gửi người Công giáo Trung Quốc. Các cuộc hội thảo, được đưa ra bằng tiếng Trung, đã trình bày lịch sử và sự phát triển của tài liệu này bởi Đức Benedictô XVI. Vì vậy, các cuộc hội thảo này được viết bởi một nhân chứng chính, Đức Hồng Y Zen, người đã tham gia vào việc chuẩn bị Thư. Ông đã nghĩ đến việc thu thập tất cả các cuộc hội thảo trong một cuốn sách. Tình cờ tôi có một công ty xuất bản nhỏ, đã xuất bản sách của các nhà văn xuất sắc, nên dĩ nhiên tôi đề nghị xuất bản cuốn sách bằng tiếng Ý. Chúng tôi đã có thể xuất bản cuốn sách, một hoặc hai ngày trước ngày ký thỏa thuận (việc xuất bản sách không được tiết lộ cho đến ngay thời điểm ký kết, vì vậy chúng tôi thực sự may mắn khi có thể đạt được điều đó). Vì vậy, cuốn sách đã được viết trước khi có thỏa thuận tạm thời; nhưng điều rất quan trọng là phải hiểu tại sao thỏa thuận tạm thời đó không phải là một động thái tốt. Điều quan trọng là phải hiểu hậu cảnh của mối quan hệ giữa Trung Quốc và Vatican trong những thập kỷ vừa qua, và những kỳ vọng của hai bên là gì; đặc biệt quan trọng là tại sao Thư của Đức Benedictô XVI cuối cùng không được đứng vững và thực hiện. Cuốn sách đã có nhiều đánh giá trên báo chí Ý và từ các blog quan trọng của Công giáo, như La Nuova Bussola Quotidiana, Duc in Altum, và Stilum Curiae. Vì vậy, chúng tôi mong muốn có một phiên bản tiếng Anh vì tầm quan trọng của các chủ đề được thảo luận. Hãy đọc cuốn sách, đưa ra đánh giá của bạn về các vấn đề được mô tả ở đây và hãy xem bạn có chia sẻ đánh giá của Đức Hồng Y Zen, cũng là của tôi hay không.


1
    NHỮNG SỰ KIỆN TRƯỚC VÀ
                                         SAU NỖ LỰC PHONG CHỨC BẤT HỢP PHÁP
     VÀ CUỘC PHẢN KHÁNG VIỆC PHONG THÁNH NĂM 2000

Bài thuyết trình thứ nhất
ngày 19 tháng 6  năm 2017


Đây là kỷ niệm năm thứ mười bức Thư của Đức Giáo hoàng Benedictô XVI gửi cho Giáo hội tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1) [3]. Bức Thư là một món quà quý giá mà chúng ta phải trân trọng và ghi nhớ. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho Đức Giáo hoàng, rằng Chúa có thể ban cho ngài một cuộc sống lâu dài.

Đây là bài đầu tiên trong số tám bài thuyết trình sẽ trình bày các tiền đề và các vấn đề liên quan đến bức Thư, để nó có thể được hiểu rõ hơn và được đánh giá cao hơn.

Đức Giáo hoàng Benedictô XVI

    Đức Giáo hoàng Benedictô XVI, cựu Hồng y Ratzinger, chắc chắn đủ khả năng để viết một bức thư như thế, do kinh nghiệm của ông về chế độ toàn trị, đầu tiên là chủ nghĩa phát xít và sau đó là Chủ nghĩa Cộng sản. Do đó, ông có thể hiểu được tình hình của một Giáo hội dưới một chế độ như Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. (Giáo hoàng Benedictô sinh năm 1927. Khi chủ nghĩa phát xít tiếp quản vào năm 1933, ông sáu tuổi và sống dưới sự kiểm soát của Đức quốc xã cho đến khi ông mười tám tuổi. Sau đó, nước Đức bị chia đôi thành Tây và Đông Đức, với phần phía đông nằm dưới sự kiểm soát của Cộng sản cho đến năm 1990.)

Các quan chức cấp cao Vatican của chúng ta, hầu hết là người Ý, đã không sống dưới chế độ toàn trị như vậy. Tuy nhiên, loại phúc lành này có nghĩa là họ chưa có bất kỳ kinh nghiệm trực tiếp nào dưới chế độ toàn trị, và vì vậy quan niệm của họ về chế độ này có phần ngây thơ và lạc quan.

Ngoài kinh nghiệm thời thơ ấu của Đức Giáo hoàng Benedictô liên quan đến chế độ như vậy, ông còn có cơ hội tìm hiểu về Giáo hội tại Trung Quốc khi ông là Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin (CDF). Ông tham gia vào các cuộc họp được triệu tập bởi Bộ Truyến giảng Phúc âm cho các Dân tộc (CEP), với Bộ trưởng Hồng Y Tomko, đặc biệt là một "cuộc họp bí mật" cuối cùng vào ngày 4 tháng 10 năm 2000 (2).

Hồng y Tomko

Hồng y Tomko là ai ? Ông ta đã làm gì ? Những cuộc họp này đã diễn ra thế nào ?

Kiến thức phổ biến là Đảng Cộng sản nắm quyền ở Trung Quốc vào năm 1949 và đã thành lập Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (CPCA) vào năm 1957. Năm sau, nó bắt đầu phong giám mục mà không có sự ủy nhiệm từ Tòa Thánh. Những năm của Cách mạng Văn hóa (1966-1976) là thời điểm mọi tôn giáo biến mất. Sau này, khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình bắt đầu một chính sách cởi mở, một kịch bản mới đã mở ra. Trước đó chúng ta có cái gọi là "bức màn tre", niêm phong kín Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Hầu như không có gì được biết về Trung Quốc. Với chính sách cởi mở, nhiều thứ đã thay đổi. Vào thời điểm đó, Hồng Y Tomko, người Tiệp Khắc và do đó là người rất hiểu những người Cộng sản, đã từng triệu tập các cuộc họp được gọi là bí mật để đối mặt với tình huống mới này và ông đã áp dụng tất cả kinh nghiệm và sự khôn ngoan của mình.

“Các cuộc họp bí mật”

    Khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa, Hồng Y bắt đầu nhận được rất nhiều tin tức. Để sử dụng những thứ này tốt hơn, ông bắt đầu tổ chức mỗi một, hai năm một lần để nghiên cứu cách sử dụng thông tin quý giá này. Hai thánh bộ phụ trách các vấn đề của Giáo hội tại Trung Quốc, cụ thể là Phủ Quốc vụ khanh và CEP [Bộ Truyến giảng Phúc âm cho các Dân tộc, gọi tắt là Bộ truyền giáo], đã tham gia vào các sự kiện đó, thông qua Quốc vụ khanh, Tổng thư ký Vụ Quốc vụ khanh - là một Tổng giám mục trong vai trò Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Tòa thánh - và Phó Tổng thư ký Vụ Quốc vụ khanh, một Đức ông [4] trong vai trò Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách các cuộc đàm phán khi có thể. CEP được đại diện bởi Bộ trưởng, Tổng thư ký và phó Tổng thư ký. Các chuyên gia đã được mời từ các thánh bộ như Bộ trưởng của CDF [Bộ Giáo lý Đức tin], Đức Hồng Y Ratzinger, vì thường các vấn đề cần giải quyết thì liên quan đến quan điểm học tuyết về Đức tin, chẳng hạn, tính hợp lệ của các cuộc phong chức Giám mục. Cuối cùng, một số Giám mục và chuyên gia từ Hồng Kông, Đài Loan và Ma Cao đã được mời. Nhưng họ không nhiều như vậy. Ủy ban về Giáo hội ở Trung Quốc chưa tồn tại. Chỉ có những "cuộc họp bí mật" được tổ chức.

Tôi cũng đã có cơ hội tham gia. Đầu tiên, tôi là chủ tịch Hiệp hội các Thượng cấp tôn giáo lớn của Hồng Kông. Sau đó tôi đến thăm Trung Quốc, nơi một số anh em đồng dòng của tôi sống. Năm 1989, tôi bắt đầu giảng dạy trong các chủng viên khác nhau ở Trung Quốc (không xin Tòa thánh cho phép, nhưng khi nghe biết về điều đó, họ đã khuyến khích tôi).

Giảng dạy trong các chủng viện, tất nhiên là của Giáo hội chính thức, đã cho tôi cơ hội học hỏi về nhiều điều mà trước đây tôi không thể tưởng tượng được, những điều tốt và những điều kém tốt hơn. Những điều “kém tốt hơn” bao gồm sự kiểm soát khủng khiếp của chính phủ cộng sản. Những “điều tốt đẹp”, bao gồm thực tế là có sự trung thành không chỉ trong Giáo hội ngầm, mà còn giữa hầu hết mọi người trong Giáo hội chính thức. Chúng tôi nhận ra rằng các loại mà chúng tôi phân chia quá rạch ròi, trong khi thực tế có rất nhiều lực lượng lành mạnh.

Mỗi lần trở về sau nhiều tháng giảng dạy ở Trung Quốc, tôi đã báo cáo với thượng cấp của mình. Những báo cáo này cũng đã được chuyển đến Tòa thánh, tức là cho Hồng y Tomko (thông tin đã rất hữu ích cho Tòa thánh). Do kết quả của những cuộc gặp gỡ thường xuyên của chúng tôi trong các cuộc họp này, Đức Hồng Y Tomko đã hiểu tôi hơn và cuối cùng đề bạt tôi làm Giám mục phó của Hồng Kông, và vì thế tôi tiếp tục tham dự các cuộc họp này.

Một số người nói rằng có một số xích mích giữa Phủ Quốc vụ khanh và CEP [Bộ truyền giáo] vì Phủ Quốc vụ khanh có xu hướng thân thiện với các chính phủ, trong khi CEP thận trọng hơn trong việc bảo vệ Giáo hội. Tuy nhiên, trong những năm của Hồng y Tomko, hai bên đã gần gũi với nhau và hiểu rõ nhau về cách giúp đỡ cả cộng đồng chính thức và cộng đồng ngầm ở Trung Quốc.

Không có cuộc đàm phán chính thức nào được tiến hành giữa Tòa thánh và chính phủ Trung Quốc, nhưng vị Phó Tổng thư ký Vụ quốc vụ khanh [có vai trò là thứ trưởng ngoại giao] đôi khi cố gắng tổ chức một số cuộc mạn đàm không chính thức, như khi trên đường tới Bắc Triều Tiên, ông đã dừng lại ở Bắc Kinh để gặp, khi đối tác có thể đồng ý cho một cuộc trò chuyện. Các cuộc nói chuyện này cũng có thể khá chi tiết, và Đức ông Phó Tổng thư ký này đã giới thiệu mọi thứ với chúng tôi trong các cuộc họp bí mật đó.

Cái gọi là tám điểm

    Năm 1988, với kiến thức mới về tình hình này, CEP đã thấy phù hợp để ban hành một số hướng dẫn về cách ứng xử trong Giáo hội tại Trung Quốc: cái gọi là tám điểm. Điểm đầu tiên xác nhận rõ ràng nguyên tắc rằng Giáo hội Công giáo phải luôn được kết hợp với Giáo hoàng. Điểm thứ hai lưu ý rằng, kể từ năm 1957, chính phủ sử dụng CPCA [Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung quốc, còn được gọi tắt là Hiệp hội yêu nước] để kiểm soát Giáo hội: hiệp hội này không được chúng ta chấp nhận.

Điểm thứ ba liên quan đến việc phong chức các Giám mục bất hợp pháp, bắt đầu vào năm 1958. Làm thế nào để giải quyết vấn đề này? Trước hết, những cuộc tấn phong này có hợp lệ không? Sau một nghiên cứu nghiêm túc của CDF [Bộ Giáo lý Đức tin], rõ ràng là theo Hồng y Ratzinger, đã kết luận rằng không có lý do nào để nói rằng chúng không hợp lệ; đó là, mặc dù bất hợp pháp, chúng có giá trị. Do đó, các linh mục được tấn phong bởi các Giám mục này cũng được phong chức hợp lệ và Thánh lễ của họ cũng là Thánh lễ thực sự. Vậy các tín hữu nên làm gì? Theo điểm thứ tư, trước hết, các tín hữu phải tìm kiếm những linh mục tốt lành, đó là những người không ủng hộ CPCA [Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung quốc]; tuy nhiên, nếu trong trường hợp khó khăn, như nguy cơ bị bắt và người ta có khát khao được nhận các phép bí tích, anh ta cũng có thể chuyển sang các linh mục khác. Nguyên tắc truyền thống của Giáo hội là tín hữu có quyền nhận các phép bí tích hợp lệ, nhưng đồng thời họ phải tránh gương xấu và nguy hiểm, như bị buộc phải tham gia CPCA. Nói tóm lại, tín hữu phải thực hiện quyền của mình cách hết sức thận trọng. Điểm thứ năm liên quan đến communication in sacris [giao tiếp trong thánh lễ], đó là sự đồng tế. Về điểm này, Tòa Thánh rất thận trọng. Khi các linh mục từ cộng đồng chính thức đi du lịch bên ngoài Trung Quốc, họ sẽ không được mời đến đồng tế. Họ có thể cử hành thánh lễ một cách riêng tư. Khi các linh mục nước ngoài đến Trung Quốc, họ cũng không được đồng tế với các linh mục là thành viên của CPCA.

Điểm thứ sáu làm chúng tôi ngạc nhiên. Giáo hội cần đào tạo các chủng sinh. Năm 1988, một số chủng viện thuộc cộng đồng chính thức đã được mở. Cộng đồng ngầm cũng đã cố gắng mở các chủng viện, nhưng đó là một điều rất khó thực hiện. Điểm thứ sáu nói rằng khi cộng đoàn ngầm có chủng sinh và không thể đào tạo họ, họ có thể gửi đến các chủng viện của cộng đồng chính thức. Chúng tôi tự hỏi làm thế nào chúng ta có thể chắc chắn rằng các chủng viện của cộng đồng chính thức là đủ tốt. Rõ ràng, trong các trường hợp riêng lẻ, chúng ta phải đảm bảo rằng điều kiện này tồn tại. Nhận được chỉ thị này từ Tòa Thánh, nhiều người trong chúng tôi ở Hồng Kông và Đài Loan đã quyết định đi giảng dạy trong các chủng viện của cộng đồng chính thức. Chúng tôi có một chút do dự, nhưng cuối cùng sự thật đã an ủi chúng tôi. Nhân dịp này, tôi đã hỏi Đức Hồng Y Tomko rằng làm thế nào ông ta có thể đưa ra một quyết định táo bạo như vậy và đưa ra điểm thứ sáu này. Ông trả lời rằng đó là kinh nghiệm của ông rằng các linh mục được đào tạo trong các chủng viện dưới sự kiểm soát của Cộng sản là những người nổi loạn nhất chống lại chính quyền Cộng sản. Nó có nghĩa là Chúa đang soi sáng cho họ.

Hai điểm cuối cùng, thứ bảy và thứ tám, liên quan đến việc tặng sách và các hạng mục khác. Trong lĩnh vực này, cần phải thận trọng để tránh phạm sai lầm, mặc dù có một ý chí tốt.

Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng tám điểm thể hiện thái độ thận trọng có phần nghiêm ngặt, điều mà trong tình huống thực tế, có thể được thực hành trong phạm vi thông hiểu rộng rãi.

Chiến lược khoan dung rộng rãi về phía Tòa thánh

    Vì nhiều người đang đi đến Trung Quốc, chẳng hạn, những tu sĩ dòng Phanxicô đã đến thăm những anh em cùng dòng của mình, họ đã đưa ra những thông điệp. Phanxicô Dong Guang-qing, một Giám mục bất hợp pháp, đã cầu xin sự tha thứ của Tòa Thánh vì ông đã chấp nhận sự phong chức bất hợp pháp dưới áp lực nghiêm trọng. Bây giờ, ông hy vọng rằng Đức Thánh Cha có thể tha thứ cho ông, và ông hứa rằng ông sẽ là một Giám mục tốt. Vì vậy, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ra lệnh cho Hồng y Tomko điều tra vụ án, để chắc chắn rằng ông là một người xứng đáng và sốt sắng. Có thể hiểu rằng khi các Giám mục này được hợp pháp hóa, họ và người dân của họ rất hạnh phúc. Điều hơn nữa, các Giám mục trẻ được chính phủ lựa chọn đã đủ can đảm để xin phép Giáo hoàng, hứa rằng nếu không có sự cho phép của Giáo hoàng, họ sẽ không chấp nhận sự tấn phong. Cũng trong những trường hợp như vậy, Giáo hoàng sẽ ra lệnh điều tra và sau khi xác minh, sẽ phê chuẩn các cuộc phong chức. Tất cả những điều này đã diễn ra, đưa đến cho nhiều người một cảm giác an ủi tuyệt vời.

Chính phủ có biết gì về điều này không? Tất nhiên là họ đã biết, ngay cả khi người của chúng ta cố gắng làm mọi thứ trong bí mật. Vậy tại sao chính phủ không phản ứng mạnh mẽ? Vì mọi thứ được thực hiện lặng lẽ, nó không khiến chính phủ mất mặt, và vì vậy chính phủ đã dung túng cho việc đó. Nhưng khi chính phủ nhận ra rằng rất nhiều Giám mục đã theo Giáo hoàng, họ đã chuyển sang sử dụng vũ lực. Do đó, hai điều đã xảy ra vào năm 2000.

Năm 2000: Một nỗ lực phong chức bất hợp pháp và một cuộc phản kháng việc phong thánh.

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2000, trong khi Giáo hoàng Gioan Phaolô II tấn phong 12 Giám mục tại Rôma, Bắc Kinh đã lên kế hoạch thực hiện việc phong chức bất hợp pháp cho mười hai Giám mục. Tuy nhiên, điều này đã không hoàn toàn thành công.

Chỉ có năm xuất hiện, trong khi bảy người khác không thấy đâu. Ngay cả các chủng sinh tại chủng viện quốc gia, những người được dự định để phục vụ trong buổi lễ, đã tẩy chay nó. Rõ ràng, họ đã bị trừng phạt vì điều này; đó là họ đã bị trục xuất khỏi chủng viện. Giám mục Tây An [Xi’an], Đức ông Li Du’an, là một trong những người thể hiện lòng can đảm và từ chối tham gia vào lễ tấn phong bất hợp pháp.

Vào tháng 3 năm đó, Giáo hoàng đã phê chuẩn việc phong thánh cho các Thánh tử đạo ở Trung Quốc. Điều này xuất phát từ kết quả của những nỗ lực của Đức Hồng Y Shan của Đài Loan, người đã nêu lên với Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II rằng các vị tử đạo của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam đã được phong thánh, nhưng của Trung Quốc thì chưa. Giáo hoàng đã ra lệnh bắt đầu các thủ tục, nhưng hết sức thận trọng. Do đó, danh sách phong thánh kết thúc vào năm 1930, để không khơi dậy sự nghi ngờ trong những người Cộng sản Trung Quốc rằng bất kỳ liệt sĩ nào bị họ đàn áp cũng sẽ được phong thánh. Khi quyết định phong thánh được công khai, không có phản ứng mạnh mẽ nào về phía chính phủ ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, khi ngày 1 tháng 10 đến gần, một chiến dịch lớn chống lại việc phong thánh đã được phát động với việc tất cả các Giám mục được kêu gọi đến Bắc Kinh để phản đối, bằng một lá thư gửi Đức Giáo hoàng, chống lại sự tôn vinh những người được coi là “bọn đế quốc”. Dưới áp lực lớn, nhiều Giám mục đã ký bức thư. Một lần nữa, Đức ông Li Du’an  đã mất tích vào thời điểm đó. Trong khi ông ta luôn khiêm tốn và tuân thủ, đặc biệt là với các quan chức chính quyền địa phương, ông ta trở nên rất can đảm khi đụng chạm đến các nguyên tắc cơ bản. Lần này, chính phủ quyết định trừng phạt ông ta. Không ai được phép dạy trong chủng viện của ông nữa, một hình phạt gây tổn thương đặc biệt nặng nề vì chủng viện là điều ông ấy ấp ủ nhất. Nhưng lương tâm của ông ta sẽ không cho phép ông có bất kỳ một đường hướng nào khác. Ông thực sự là một Giám mục tuyệt vời!

Rõ ràng là điều này dẫn đến một tình huống xung đột. Lễ phong thánh được tổ chức vào ngày 1 tháng mười. Một “cuộc họp bí mật” đã được tổ chức vào ngày 04 tháng 10, cuộc họp cuối cùng dưới sự chủ trì của Đức Hồng Y Tomko. Đức Hồng Y Ratzinger đã có mặt; với trí nhớ đặc biệt của mình, ông chắc chắn ghi nhớ tình hình của Giáo hội tại Trung Quốc.

Theo quy định của Giáo hội, các quan chức Giáo hội nghỉ hưu ở tuổi bảy mươi lăm. Do đó, Đức Hồng Y Tomko đã nghỉ hưu vào năm 2002. Thật không may, người kế vị trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm của ông đã làm rất ít cho Giáo hội tại Trung Quốc trong nhiệm kỳ năm năm của mình: không có cuộc họp nào. Hai quan chức trong CEP [Bộ Truyền giáo] với kinh nghiệm về Giáo hội tại Trung Quốc đã bị sa thải: một người từ Hiệp hội Lời Chúa đã sống ở Bắc Kinh trong nhiều năm, và một giáo sĩ PIME (Học viện Giáo hoàng về Truyền giáo nước ngoài) đã trải qua nhiều năm ở Hongkong.

Đức Hồng Y Tomko đã thúc đẩy một chính sách khoan dung rộng rãi. Người kế vị của ông tiếp tục theo con đường tương tự, nhưng với một sự khác biệt. Đức Hồng Y Tomko di chuyển thận trọng và tiến hành các yêu cầu kiểm tra cần thiết; khi cũng có một Giám mục ngầm, thì người trong cộng đoàn chính thức đã được hợp pháp hóa thành một Giám mục phụ tá, ngay cả đối với chính phủ, ông là Giám mục duy nhất. Dưới thời của người kế vị Tomko, một số Giám mục được tấn phong vào ngày 6 tháng 1 năm 2000, được hợp pháp hóa quá dễ dàng. Sự phong chức đó không giống như những lần trước. Đó là một thách thức rõ ràng đối với quyền uy của Giáo hoàng. Cũng không còn nhiều áp lực như trước. Chúng tôi biết rằng bảy người không tham gia đã không bị trừng phạt nghiêm khắc. Nói tóm lại, năm năm đó khá trống rỗng; trong thực tế, mọi thứ đã đi giật lùi.

Năm 2005: Cái chết của Đức Giáo hoàng năm 2005

    Sau một triều đại dài, Giáo hoàng Gioan Phaolô II rời khỏi thế giới này vào ngày 2 tháng 4 năm 2005. Các nguyên thủ quốc gia được mời đến dự lễ tang của ngài. Vì Đài Loan có quan hệ ngoại giao với Vatican, Tổng thống Đài Loan Trần Thủy Biển [Chen Shuibian] đã đến. Sau nhiều năm bế tắc, chính phủ Trung Quốc đại lục cũng đã nghĩ đến việc gửi một phái đoàn, coi đó là cơ hội cho một cuộc dạo đầu. Nhưng khi biết sự hiện diện của Tổng thống Đài Loan, họ đã quyết định không tham gia. Tòa Thánh (hơi vô lý thế nào đó) yêu cầu Trần Thủy Biển không tham gia vào lễ nhậm chức của Giáo hoàng Benedictô. Không có phái đoàn Trung Quốc xuất hiện vào dịp đó. Tuy nhiên, vì họ vẫn còn ở Roma, Tòa Thánh đã cố gắng đối xử tốt với họ, chẳng hạn bằng cách đưa họ đến bảo tàng Vatican vào một ngày mà bảo tàng đóng cửa. Rõ ràng, đây là sự khởi đầu một cuộc đối thoại của các loại.

Nhận ra sự bắt đầu của cuộc đối thoại, tôi đã rất lo lắng. Quốc vụ khanh đã nói:”Tòa Sứ thần của chúng ta tại Đài Loan là sứ thần cho Trung Quốc; nếu Bắc Kinh đồng ý, chúng ta có thể chuyển nó đến Bắc Kinh. Tôi không muốn nói là ngày mai; Ý tôi là ngay cả tối nay”. Bộ trưởng của CEP [Bộ truyền giáo] vẫn là Hồng y trẻ tuổi đó. Liệu họ có thể tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán tốt nào không ?

Vào tháng 11 năm 2005, tôi đã ở Rôma trong các cuộc họp của hậu công đồng (3). Tôi đã viết một lá thư cho Đức Giáo hoàng Benedictô, bày tỏ mối quan tâm của tôi: hai quan chức Tòa Thánh phụ trách, đối với tôi, dường như không phù hợp với nhiệm vụ khó khăn. Tôi chờ đợi một câu trả lời, lo ngại rằng bức thư có thể đã nằm trong tay một trong hai người. Sau lá thư bảy trang vào tháng 11, tôi nhận được một tấm thiệp Giáng sinh, một trong những tấm thiệp được gấp lại với hình ảnh bên ngoài, một vài từ bằng tiếng Latinh, với chữ ký (nhỏ) của Giáo hoàng Benedictô ở bên trong. Ngoài ra còn có một số dòng (dường như được in) trong các ký tự nhỏ mà tôi nghĩ có thể là một trích dẫn từ Kinh Thánh. Tôi thậm chí đã không cố gắng đọc nó; Suy nghĩ duy nhất của tôi là, tại sao Đức Giáo hoàng lại không viết thư cho tôi, thậm chí một vài từ, nói rằng ông đã nhận được bức thư?

Năm 2006: Được nâng lên Hồng y đoàn

    Vào cuối tháng 1 năm 2006, trước khi quay trở lại Rôma để dự một số cuộc họp, tôi dọn dẹp bàn làm việc và bắt gặp tấm thiệp Giáng sinh. Tôi đã cố đọc bản in nhỏ. Chúng không được in, nhưng được Giáo hoàng viết tay, cảm ơn tôi vì lá thư dài của tôi. Ông viết rằng ông đánh giá cao sự nhiệt thành của tôi đối với Giáo hội ở Trung Quốc. Vào tháng hai cùng năm, có tin Đức Giáo hoàng sẽ tặng tôi mũ Hồng y.

Ở Trung Quốc, một thông báo xuất hiện trên tờ Fides rằng Giáo hoàng sẽ bổ nhiệm mười hai Hồng y. Ngừng hẳn. Không có quốc tịch nào được đề cập, hơn nữa rằng một trong số họ sẽ là người Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc rõ ràng không hài lòng trước tin tức này và cấm các linh mục và nữ tu gửi lời chúc mừng đến tôi. Trong đó, ông Liu Bainian (phó chủ tịch CPCA) nói rằng nếu tất cả các Giám mục đều giống tôi, thì Trung Quốc sẽ trở thành như Ba Lan.

Một nhóm lớn đi cùng tôi đến Roma. Do đó, lá cờ với năm ngôi sao bay trên Quảng trường Thánh Peter. Trái tim tôi rõ ràng là tất cả cho Giáo hội ở Trung Quốc. Hôm đó tôi đến Đài phát thanh Vatican để cử hành thánh lễ cho anh em tôi ở Trung Quốc. Khi đang đi, tôi gặp Đức Giáo hoàng Benedictô, người đã giao cho tôi nhiệm vụ ban phước lành đặc biệt cho những người giáo hữu đó. Trong thánh lễ, tôi đã nói với các anh chị em của mình ở Trung Quốc rằng tôi đã nhận được phẩm phục hồng y nhân danh họ vì nó đại diện cho màu đỏ của máu các thánh tử đạo.

Vào ngày hôm đó, tôi đã gửi một ghi chú đến đại sứ quán Trung Quốc ở Ý, hỏi họ rằng tôi có thể gặp đại sứ không. Họ nói với tôi rằng ông ấy ở Bắc Kinh. Ít nhất tôi đã thể hiện ít nhiều phép lịch sự với họ.

Sự khởi đầu khó khăn cho nhiệm kỳ giáo hoàng của Đức Benedictô

    Mặc dù Đức Giáo hoàng Benedictô đã làm việc nhiều năm tại Tòa thánh để giúp Giáo hoàng Gioan Phaolô II với tư cách là Bộ trưởng CDF [Bộ Giáo lý Đức tin], ông đã gặp nhiều khó khăn khi bắt đầu ngôi tòa thánh Phêrô của mình. Trong số các quan chức giáo triều, ông không được coi là “một trong số họ” (trong thực tế, tòa nhà của Phủ Quốc vụ khanh và tòa nhà của CDF nằm ở hai đầu đối diện của Đại giáo đường Thánh Phêrô). Đặc biệt, trong Phủ Quốc vụ khanh, nhiều người là người Ý, trong khi Giáo hoàng Benedictô là người nước ngoài. Ngay cả Quốc vụ khanh mới, được chỉ định bởi Giáo hoàng Benedictô, mặc dù là người Ý, cũng được coi là “người nước ngoài”, và đã phải đợi một năm trước khi người tiền nhiệm rời khỏi văn phòng và căn hộ. Tất cả điều này tôi đang nói có vẻ như là tin đồn, nhưng nếu tôi đề cập đến nó, đó là vì tôi muốn mọi người hiểu rằng Giáo hội cũng được tạo thành từ những con người và Giáo hoàng Benedictô gặp khó khăn.

Đức Giáo Hoàng đã gửi Bộ trưởng của CEP đến Napoli với tư cách là Tổng Giám mục. Ngài đã cử một Hồng y người Ấn Độ làm người kế vị, một người đã làm việc nhiều năm trong bộ phận đối ngoại, đã từng là Sứ thần Tòa thánh vài ba lần, và sau đó làm Tổng giám mục Mumbai.

Khi Đức Giáo hoàng Benedictô biến tôi thành Hồng y, tôi nhận ra rằng ngài muốn tôi giúp về Giáo hội ở Trung Quốc, nhưng để được xác nhận, tôi đã xin một cuộc tiếp kiến ngắn vào tháng chín. Khi tôi đã có sự xác nhận đó, tôi nghĩ cần phải thông báo cho Bộ trưởng mới của CEP [Bộ Truyền giáo]. Ngay khi nhìn thấy tôi, ngài nói: “Đừng băn khoăn quá nhiều; Chúa có thời gian”. Tôi đã trả lời ông ấy rằng:”Phải, Chúa có thời gian, nhưng chúng tôi cũng có thể thiếu kiên nhẫn; Đã rất nhiều năm trôi qua”. Tôi đã nói với ông ấy rằng tôi thích Thánh vịnh 44, mà các linh mục chúng tôi đọc hai tuần một lần trong Kinh cầu, một Thánh vịnh kết thúc bằng: “Dám xin Ngài đứng lên phù giúp, lấy tình thương cứu chuộc dân Ngài !” (câu 26). Ông nói với tôi: “Hồng y Zen, đừng quên rằng Cộng sản cũng là anh em của chúng ta; Chúa chúng ta đã chết trên Thập giá vì họ”. Và tôi đã trả lời, “Nhưng, thưa ngài, ngài nghĩ rằng tôi không tin vào những gì ngài đang nói sao ? Tuy nhiên, nếu Cộng sản là anh em của tôi, thì các Giám mục phải ngồi tù cũng là anh em của tôi. Tôi nên đứng về phía nào?” Ông ấy kết thúc cuộc trò chuyện rằng: “Có rất nhiều việc chúng tôi có thể làm nhưng ngài không thể”. Nói tóm lại, ông ấy muốn tôi đứng ngoài cuộc. Câu trả lời của tôi là: “Vâng, ngài có thể phạm nhiều sai lầm hơn; chúng tôi không thể”.

Điều mà cuộc họp này chứng minh là không có khả năng hợp tác. Ông ấy chắc chắn xứng đáng nhận được rất nhiều sự tin tưởng cho những gì ông ấy đã làm trong sự nghiệp của mình, nhưng ông ấy cũng có những giới hạn của mình. Ông ta có quá nhiều ảo tưởng về Ostpolitik [xem thêm về Ostpolitik ở phần 8] của người cố vấn của mình, Hồng y Casaroli.

Nhiều điều đã xảy ra vào năm 2006. Vào cuối tháng tư và đầu tháng năm, hai cuộc tấn phong  bất hợp pháp đã diễn ra. Vì các quan chức mới chưa nhận công việc của họ, tôi nghĩ rằng chính Giáo hoàng đứng đằng sau tuyên bố nghiêm ngặt đá đã cập đến nguyên tắc tuyệt thông như được dự kiến bởi giáo luật trong những trường hợp như vậy. Ban đầu, có vẻ như tuyên bố đã có một số hiệu lực, nhưng vào tháng 11, một cuộc tấn phong bất hợp pháp khác đã diễn ra. Tôi nghĩ rằng chúng tôi phải kiểm tra xem làm thế nào để ngăn chặn những cuộc tấn phong như vậy.

Tôi đã thông báo cho Quốc vụ khanh và Bộ trưởng CEP: “Đến cuối tháng 12, tôi sẽ đến Rôma và tôi hy vọng sẽ gặp các ngài”. Họ đã trả lời rằng: “Chúng tôi rất bận”. Tôi viết lại rằng “Nó không thành vấn đề. Tôi sẽ ở Rôma trong ba ngày. Các ngài có thể gọi cho tôi bất cứ lúc nào, ngày hay đêm”. Khi tôi ở Rôma, họ không gọi cho tôi. Tôi có thể làm gì? Hỏi để gặp Giáo hoàng? Tôi quyết định viết cho ông ấy một lá thư với các bản sao cho hai Hồng y, và sau đó rời đi Hồng Kông vào Giáng sinh. Trong thư, tôi đã viết, trong số những điều khác: “Cộng đoàn ngầm rất lo lắng và nản lòng. Tôi hy vọng Đức Giáo hoàng có thể nói một vài lời khích lệ, ví dụ, trong lễ Giáng sinh”. Sau ngày Giáng sinh, tôi muốn xem Giáo hoàng có nói gì không. Tôi không tìm thấy gì. Sau ngày thứ hai, ngày lễ thánh Stephanô, tôi đã thử lại và không thấy gì. Tuy nhiên, có người nói với tôi: “Có một tường trình trên tờ South China Morning Post về việc Đức Thánh Cha nói điều gì đó trong Buổi Kinh truyền tin vào Ngày kính Thánh Stephanô”. Tôi đã kiểm tra nó và, niềm an ủi lớn lao cho tôi, tôi thấy rằng Đức Thánh Cha đã sử dụng những lời trong thư của tôi để khích lệ các tín hữu ở Trung Quốc: “Chúng ta không được nản lòng ngay cả khi mọi thứ hiện tại dường như là một thất bại bởi vì đau khổ cho Chúa luôn là một chiến thắng”. Hãy để tôi nói ra rằng hai vị hồng y cũng đã thấy rằng Đức Thánh Cha đã ủng hộ quan điểm của tôi. Vâng, sau Giáng sinh của Chúa, có Giáng sinh của Thánh Stephanô vì cái chết của vị tử đạo là sự ra đời của ông trên Thiên đàng.

Trong bài thuyết trình đầu tiên này, tôi đã tiết lộ một số hậu cảnh và trình bày một số nhân vật quan trọng. Khi làm như vậy, tôi muốn giúp mọi người hiểu về hoàn cảnh mà Giáo hoàng Benedictô đã viết Thư gửi Giáo hội tại Trung Quốc. Chính trong hoàn cảnh khó khăn này, ngài đã tìm cách giúp đỡ Giáo hội ở đó.

Tôi không thể tránh nói một chút về bản thân mình, đó là về mối quan hệ của tôi với Đức Giáo hoàng Benedictô. Tôi thực sự có thể làm chứng rằng ông là một Giáo hoàng yêu Trung Quốc. Từ mối quan hệ của chúng tôi cũng xuất hiện một nghĩa vụ đặc biệt nhất định đối với tôi để giải thích bức Thư của ngài.

Chú thích cho chương 1:

(1) Thư của Đức Thánh cha Benedictô XVI gửi các giám mục, linh mục, những người được thánh hiến và các giáo hữu trung thành của Giáo hội Công giáo tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ngày 27 tháng 5 năm 2007)

(2) Các sự kiện dẫn đến cuộc họp này được thảo luận dưới đây, trong phần về nỗ lực phong chức bất hợp pháp và cuộc phản đối phong thánh vào năm 2000

(3) Thượng Hội đồng Giám mục, Đại hội đồng chính qui lần thứ XI, “Bí tích Thánh thể: Nguồn và Hội nghị Thượng đỉnh về “Cuộc đời và Sứ mệnh của Giáo hội”.


Chú thích của người dịch bản tiếng Việt:

Tên của cuốn sách giống với một câu của tiên tri I-sai-a: “Vì lòng mến Xi-on, tôi sẽ không nín lặng" (Is 62,1)

[1] Những chỗ trong ngoặc [  ] là của người dịch bản tiếng Việt

[2] Hồng y Giuse Trần Nhật Quân: Tiếng Anh: Joseph Zen Ze-kiun. Bản dịch tiếng Việt này giữ nguyên tên tiếng Anh “Hồng y Zen”.

Hồng y Trần Nhật Quân sinh ngày 13 tháng 1 năm 1932 tại Thượng Hải. Sau cuộc nội chiến chấm dứt, ông đã chạy sang Hồng Kông để tị nạn. Ông chịu chức linh mục ngày 11 tháng 2 năm 1961, lấy bằng tiến sĩ triết học năm 1964 tại Rôma. Sau đó ông dạy triết học và thần học.

Ông là bề trên dòng Don Bosco cho địa phận bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan và từ chức năm 1983. Sau đó, từ 1986 đến 1996 ông dạy học ở lục địa Trung Quốc, tại những nơi có sự cho phép của chính quyền.

Năm 1996, ông được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm giám mục phó Hong Kong. Đến năm 2006, ông là người Trung Quốc thứ 6 và giám mục thứ hai của Hồng Kông được phong chức Hồng y, bởi Đức Giáo hoàng Beenedictô XVI.

[3] Những chữ “bức Thư”, hoặc “Thư” trong sách này là nói về thư này

[4] Những chỗ trong sách này viết là Đức ông (Monsignor) đều được chỉ các giám chức, chứ không phải là

     tước vị Đức ông

 



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC