Giáo Hội Và Tai Tiếng Lạm Dụng Tình Dục

14/04/20199:43 SA(Xem: 2506)
Giáo Hội Và Tai Tiếng Lạm Dụng Tình Dục
Ben16CNA



Giáo Hội Và Tai Tiếng Lạm Dụng Tình Dục
 

 

Lời người dịch: Bái báo của cựu giáo tông Biển-đức XVI. sau đây liên quan tới việc lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo Hội đang gây nhiều tranh luận. Đối với Biển-đức, nguyên nhân của sự suy đồi hôm nay có liên quan mật thiết với sự thoái trào đạo đức trong thập niên 1960 và nhất là có liên quan trực tiếp với khủng khoảng đức tin. Suy đồi nơi hàng giáo sĩ hôm nay đúng là do thoái hóa đạo đức (Biển-đức XVI.) hay do cơ cấu của Giáo Hội mà giáo sĩ trị là một biểu hiện quan trọng (Phan-sinh)? Lời giải vốn không đơn giản và rõ ràng như đen với trắng. Phạm Hồng-Lam, 18.04.2019.

 

 

Từ ngày 21 tới 24 tháng Hai 2019 giáo tông Phan-sinh mời chủ tịch tất cả các Hội Đồng Giám Mục trên thế giới về họp, để bàn về khủng hoảng của đức tin và của Giáo Hội hoàn vũ trước những thông tin về sự lạm dụng tình dục do các giáo sĩ gây ra nơi trẻ vị thành niên. Mức độ và trọng lượng của các thông tin về chuyện như thế đã đánh động rất mạnh các linh mục và giáo dân và đã làm cho không ít người đặt vấn đề về chính niềm tin của Giáo Hội. Chúng ta phải có một thái độ mạnh về chuyện này và phải tìm kiếm một cuộc lên đường mới, để làm sao cho Giáo Hội thật sự trở lại thành ánh sáng cho muôn dân và thành sức mạnh chữa lành trước những thế lực phá hoại.

Vì là một chủ chăn trong Giáo Hội và là người nắm vai trò trách nhiệm khi khủng hoảng nổ ra và trong suốt thời gian nó phát triển, tôi đã phải tự hỏi – dù lúc này đã nghỉ hưu và không còn trách nhiệm trực tiếp nữa – mình có thể đóng góp được gì vào trong cuộc lên đường mới này không qua những kinh nghiệm đã có. […] Bài viết này đã hình thành và được đăng trên tờ „Klerusblatt“ [tập san giáo sĩ ở Bayern], sau khi tham khảo với giáo trụ quốc vụ khanh Parolin và giáo tông Phan-sinh.

Bài của tôi gồm ba phần. Phần đầu tôi cố gắng trình bày tóm tắt bối cảnh xã hội chung của vấn đề, vì nếu không thì sẽ không hiểu được câu truyện. Trong những năm 1960´ đã xẩy ra một diễn tiến kinh khủng, mà mức độ lớn rộng của nó có lẽ có một không hai trong lịch sử. Có thể nói, trong 20 năm từ 1960 tới 1980 các khuôn thước giá trị cho tới lúc đó về các vấn đề tình dục đã hoàn toàn bị phá vỡ và một tình trạng vô luật lệ đã hình thành, mà người ta sau đó đã gặp khó khăn trong việc tìm cách tái kiểm soát nó.

Trong phần thứ hai tôi cố gắng trình bày những hậu quả của tình trạng đó trong việc đào tạo linh mục và trong đời sống của linh mục.

Cuối cùng, trong phần thứ ba, tôi muốn đưa ra một vài viễn ảnh cho một câu trả lời đúng đắn về phía Giáo Hội.

 

I. Bối cảnh chung

 

1. Khởi đầu sự việc là chuyện nhà nước ra lệnh và nhận trách nhiệm trong việc hướng dẫn tính dục cho trẻ em và thiếu niên. Ở Đức bà Strobel trưởng Bộ Y Tế cho quây và phổ biến một cuốn phim với mục đích làm sáng tỏ tất cả những gì cho tới lúc đó không được phép phổ biến công khai, kể cả hành vi tình dục. Những gì lúc đầu chỉ mang tính cách giải thích cho tuổi trẻ, sau đó đã được đón nhận bởi đám đông như là những điều đương nhiên có thể làm.

Bên Áo cũng có những tác động như thế, khi chính quyền nước này cho phổ biến một „Túi tình dục“. Từ đây những cuốn phim về tình dục và khiêu dâm trở thành một thực tế, đến nỗi chúng cũng được chiếu ngay trong các rạp xi-nê ở nhà ga xe lửa. Tôi còn nhớ, một hôm đang đi trong thành phố Regensburg, thấy một đoàn người đứng chờ trước rạp xi-nê, một cảnh tượng mà chúng tôi chỉ thấy trong các thời chiến tranh trước đó nơi các tụ điểm phân phối lương thực đặc biệt. Một hình ảnh vẫn còn đọng lại trong trí nhớ của tôi: Tôi đi vào thành phố trong một ngày thứ bảy tuần thánh, thấy trên tất cả các cột quảng cáo đều dán bức hình lớn một đôi nam nữ hoàn toàn khỏa thân đang ôm nhau.

Trong các tự do, mà cuộc cách mạng 1968 tranh đấu, có cả tự do được sinh hoạt tình dục thả cửa, không phải bị cấm cản bởi quy điều nào nữa. Mức độ sẵn sàng bạo động nổi bật trong những năm này có liên hệ trực tiếp với sự đổ vỡ tinh thần. Đúng là trong các chuyến bay các phim tình dục không còn được chiếu nữa, vì bạo động đã nổ ra trong các nhóm hành khách nhỏ bé đó. Vì trong lãnh vực quần áo ăn mặc cũng gây ra ẩu đả, nên các hiệu trưởng đã cố gắng đưa vào chế độ đồng phục, để hi vọng tạo thuận lợi cho không khí học tập.

Một đặc trưng nữa của cách mạng 1968 là cho phép tình dục với trẻ em và coi đó là chuyện bình thường về mặt chẩn đoán y khoa. Ít nhất đối với giới trẻ trong Giáo Hội, mà không chỉ cho tầng lớp này mà thôi, thì đấy là một thời gian rất khó khăn trên nhiều phương diện. Tôi đã luôn tự hỏi, làm sao tuổi trẻ đi tới được chức linh mục và có thể chấp nhận nó với mọi hệ quả của nó, trong hoàn cảnh như thế. Lượng chủng sinh suy sụp mạnh và con số các linh mục hồi tục quá lớn trong những năm này là hậu quả của những biến cố trên.

 

2. Độc lập với diễn tiến này, cùng lúc trong Giáo Hội diễn ra cuộc sụp đổ về Thần Học Đạo Đức, khiến cho Giáo Hội bất lực trước các diễn tiến của xã hội. Tôi cố gắng tóm tắt ngắn gọn bước khởi đầu của diễn tiến này. Cho tới công đồng Vaticanno II. Thần Học Đạo Đức công giáo đặt nền chủ yếu trên luật tự nhiên, trong khi Kinh Thánh được trưng dẫn như là hậu cảnh hoặc để yểm trợ mà thôi. Để có được một cách hiểu mới về mạc khải, Công Đồng đã gạt bỏ hầu hết nền tảng luật tự nhiên và đòi hỏi một Thần Học Đạo Đức hoàn toàn dựa trên Kinh Thánh. Tôi còn nhớ, khoa thần học của dòng Tên ở Frankfurt đã ủy cho một tu sĩ trẻ rất có khả năng (Schüller) chuẩn bị xây dựng một nền đạo đức hoàn toàn dựa trên Kinh Thánh như thế nào. Luận văn sáng giá của linh mục Schüller cho thấy bước đầu của việc xây dựng này. Sau đó ông được gởi sang Hoa-kì học tiếp và đã trở về với nhận định rằng, chỉ có Kinh Thánh không thôi thì không thể trình bày Đạo Đức Học được một cách có hệ thống. Rồi ông cố gắng xây dựng một Thần Học Đạo Đức mang tính thực tế nhiều hơn, Thần Học này không thể có câu trả lời được cho khủng hoảng đạo đức.

Cuối cùng luận điểm sau đây được đa số chấp nhận: Đạo đức chỉ được xác định do mục đích của hành vi con người mà thôi. Người ta không chấp nhận câu vẫn nói „Mục đích biện minh cho phương tiện“ trong hình thái thô kệch của nó, nhưng lối suy nghĩ của nó đã trở thành chuẩn mực cho hành động. Do đó giờ đây chẳng có gì thuần túy tốt hay thuần túy xấu nữa, mà chỉ có những giá trị tương đối. Chẳng còn cái tốt, mà chỉ còn cái tương đối tốt hơn tùy vào lúc này và hoàn cảnh này.

Vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 khủng hoảng về nền tảng và cách trình bày đạo đức công giáo mặc vào những bộ áo bi thảm. Ngày 5 tháng Năm 1989 xuất hiện „Tuyên Ngôn Köln“ (Kölner Erklärung) do 15 giáo sư thần học kí; tuyên ngôn cho thấy nhiều điểm khủng hoảng khác nhau trong tương quan giữa vai trò giáo huấn của giám mục và sự đầu hàng của các nhà thần học. Thoạt tiên bản văn này cũng chỉ là một sự chống đối bình thường, nhưng rồi rất nhanh nó trở thành một tiếng thét chống lại huấn quyền của Giáo Hội và tập trung được lực chống đối mạnh mẽ, khiến khắp nơi lên tiếng chống lại các văn bản giáo huấn của giáo tông Gio-an Phao-lô II. sắp ra (so sánh Mieth, Kölner Erklärung, LThK, VI3, 196).

Giáo tông Gio-an Phao-lô II., vốn là người hiểu rất rõ hoàn cảnh của Thần Học Đạo Đức và vẫn quan tâm theo dõi nó, liền cho bắt đầu soạn tông huấn „Veritas splendor“ (Chân lí sáng ngời), để cảnh báo những chuyện đó. Tông huấn phổ biến ngày 6 tháng Tám 1993 và đã tạo ra những chống đối dữ dằn về phía các nhà thần học đạo đức. Trước đó đã có cuốn „Giáo Lí Của Giáo Hội Công Giáo“, qua đó Giáo Hội trình bày một cách thuyết phục và có hệ thống nền đạo đức công giáo.

Tôi không thể quên, nhà thần học hàng đầu người Đức Franz Böckle, lúc đó đã trở về sống tại quê hương Thụy-sĩ của ông sau khi nghỉ hưu, đã tuyên bố là sẽ kịch liệt lên tiếng chống lại, nếu như trong Tông Huấn có những xác quyết như: có những hành vi tự nó luôn luôn xấu trong mọi trường hợp. Nhưng Thiên Chúa nhân lành đã thương không để ông thực hiện tuyên bố đó; Blöckle mất ngày 8 tháng Bảy 1991. Tông Huấn ra ngày 6 tháng Tám 1993 và quả thật có xác quyết đó: có những hành vi không bao giờ có thể tốt được. Giáo Tông ý thức rất rõ về sức nặng của quyết định này trong giờ phút đó, nên đã cho tham khảo một lần nữa các chuyên gia hàng đầu vốn không thuộc trong ban soạn thảo bản văn. Ngài không thể và không được phép để có sự nghi ngờ, là đạo đức phải chấp nhận một giới hạn cuối cùng trong việc cân nhắc sự thiện. Có những sự thiện ta không bao giờ được phép cân nhắc. Có những giá trị không bao giờ được phép bỏ qua vì một giá trị nào đó cao hơn và cao hơn cả mạng sống thể lí. Có tử vì đạo. Thiên Chúa còn hơn cả mạng sống thể xác. Một sự sống được mua bằng việc chối Chúa, một sự sống đặt nền trên một dối trá tối hậu, là một sự sống đã chết. Tử vì đạo là một phạm trù nền tảng của cuộc sống ki-tô giáo. Lập luận của Böckle và nhiều nhà thần học khác thật ra chẳng cần thiết nữa về mặt đạo đức, vì nó làm lung lay chính bản chất của Ki-tô Giáo.

Trong khoa Thần Học Đạo Đức lúc này có một vấn đề khác cấp thiết hơn. Luận đề sau đây đã tạo được một chỗ đứng, đó là: Huấn quyền của Giáo Hội chỉ „bất khả ngộ“ trong những đề tài liên quan trực tiếp với đức tin, còn những đề tài thuộc đạo đức có lẽ không phải là đối tượng của những quyết định không sai lầm của huấn giáo. Hẳn có điểm đúng nơi luận đề này, nó đáng được luận bàn tiếp. Nhưng cũng có một đạo đức tối thiểu gắn liền với nền tảng căn bản của đức tin; và nó phải được bảo vệ, nếu ta không muốn giản lược đức tin thành một lí thuyết; mà trái lại chấp nhận nó có quyền quyết định trong cuộc sống thực tế. Từ những điểm trên, ta nhìn ra rõ huấn quyền cần thiết của Giáo Hội trong vấn đề đạo đức. Ai phủ nhận huấn quyền sau cùng của Giáo Hội trong lĩnh vực này, người đó bắt Giáo Hội phải im tiếng trước những vấn đề nằm giữa biên giới của chân lí và giả dối.

Không liên quan gì với vấn đề trên, có một số đông nhà thần học đạo đức đưa ra luận đề này: Giáo Hội không có và không thể có một nền đạo đức riêng. Ở đây cần nhắc, là các tôn giáo khác cũng biết mọi luận đề đạo đức hoặc những vấn nạn tương tự, nên đây không thể là một cái gì đặc trưng riêng của Ki-tô Giáo. Nhưng vấn đề có hay không một nền đạo đức riêng của Ki-tô Giáo không thể trả lời được bằng cách phải chứng minh, rằng trong các tôn giáo khác cũng có những câu những đoạn tương tự về đạo đức như ở Ki-tô Giáo. Đúng hơn đây là toàn bộ đạo đức của Kinh Thánh, một toàn bộ mang tính cách mới và khác đối với từng thành phần riêng biệt. Giáo huấn đạo đức của Kinh Thánh có nét rốt ráo đặc biệt, là nó thả neo nơi hình ảnh Thiên Chúa, nơi niềm tin vào một Thiên Chúa độc nhất, Người tỏ mình ra nơi đức Giê-su Ki-tô, là đấng đã sống như một người phàm. Bảng thập giới là việc áp dụng đức tin vào một Thiên Chúa trong Kinh Thánh cho cuộc sống con người. Hình ảnh Thiên Chúa và đạo đức bện vào nhau, qua đó nẩy sinh ra cái quan niệm đặc trưng rất mới của Ki-tô Giáo về thế giới và về con người. Ngoài ra ngay từ đầu Ki-tô Giáo được mô tả bởi từ hodós. Đức tin là một con đường, một cách sống. Trong Giáo Hội thời cổ giáo lí trở thành như một không gian sống trước một nền văn hóa càng ngày càng suy đồi, trong đó lối sống đặc trưng và mới của Ki-tô Giáo được thể hiện và đồng thời được bảo vệ trước lối sống chung đương thời. Tôi nghĩ, ngày nay cũng cần có những thứ cộng đoàn giáo lí đó, để cuộc sống ki-tô giáo có thể giữ được tính cách riêng của nó.

 

II. Những phản ứng đầu tiên của Giáo Hội

 

1. Tiến trình giải thể quan điểm của Giáo Hội về đạo đức, vốn đã được chuẩn bị và tiến hành từ lâu như tôi đã cố gắng trình bày trên đây, đã đạt tới trong thập niên 1960 một sự cực đoan chưa bao giờ có trước đó. Sự giải thể huấn quyền đạo đức của Giáo Hội này dĩ nhiên cũng có những tác động khác nhau nơi nhiều nơi. Trong cuộc gặp gỡ giữa các chủ tịch Hội Đồng Giám Mục với giáo tông Phan-sinh có một trọng điểm bàn thảo, đó là vấn đề liên quan tới đời sống của các linh mục và cuộc sống của các chủng viện. Cuộc gặp gỡ cũng cho thấy, có một sự gẫy đổ trong việc chuẩn bị và đào tạo linh mục theo hình thức như hiện nay.

Đây đó tại nhiều chủng viện có những nhóm đồng tính; họ nhiều ít sinh hoạt công khai và làm thay đổi rõ rệt không khí trong chủng viện. Trong một chủng viện ở miền nam Đức các tu sinh sống chung với các ứng viên trợ tá mục vụ trong các giáo xứ. Trong các bữa ăn, họ ăn chung với các trợ tá đã lập gia đình cùng với vợ con của họ và đôi khi cả với bạn gái của những ứng viên trợ tá khác. Không khí đó không có lợi cho việc đào tạo linh mục. Tòa Thánh có biết những chuyện trên, nhưng không được thông tin rõ ràng. Bước đầu tiên của Tòa Thánh là cử đại diện tới thanh tra các chủng viện tại Hoa-kì.

Sau công đồng Vaticano II., các tiêu chuẩn chọn và cử giám mục cũng đổi khác, cũng như tương quan giữa các giám mục với các chủng viện cũng rất khác nhau. Tiêu chuẩn chọn giám mục mới giờ đây chủ yếu dựa trên „tính công đồng“ (Konziliarität), mà tính đó ra sao thì có nhiều cách hiểu khác nhau. Quả thật nhiều nơi trong Giáo Hội người có „đầu óc công đồng“ được hiểu như là người có thái độ phê phán hay phủ nhận truyền thống hiện tại; họ đòi phải có một thái độ mới, triệt để phóng khoáng đối với thế giới. Một giám mục, trước đó là bề trên chủng viện, đã cho chủng sinh coi phim khiên dâm, nói là để tập cho họ có đủ bản lĩnh chống lại thái độ không phù hợp với đức tin. Không chỉ có ở Hòa-kì mà thôi, vài giám mục ở các nơi khác cũng phủ nhận toàn bộ truyền thống công giáo và muốn đào tạo cho giáo phận mình một thứ „tinh thần công giáo“ tân tiến. Có lẽ cũng nên nhắc lại, tại nhiều chủng viện tu sinh nào bị bắt đang đọc sách của tôi, đều bị quy kết là không xứng hợp cho chức linh mục. Sách của tôi được coi là của cấm và chỉ được đọc cách lén lút mà thôi.

Việc thanh tra không cho biết điều gì mới, vì nhiều thế lực cố tình hợp nhau che đậy tình hình thực tế. Cuộc thanh tra thứ hai có được nhiều hiểu biết hơn, nhưng rồi cũng chẳng có biện pháp nào cả. Từ những năm 1970 tình hình trong các chủng viện nói chung vững hơn. Dù vậy nghề linh mục cũng chỉ bền vững ở một vài nơi mà thôi, vì tình hình chung đã đổi khác.

 

2. Vấn đề tình dục với trẻ em, theo tôi nhớ, chỉ trở nên nóng bỏng trong nửa sau thập niên 1980. Ở Hoa-kì lúc này nó đã trở thành một vấn đề công khai, khiến các giám mục phải tìm sự trợ giúp của Roma, vì giáo luật hiện hành xem ra không đủ để đối phó. Roma và các luật gia ở đây thoạt tiên không biết phải làm sao trước yêu cầu của các giám mục; theo ý của họ, việc treo chén có thời hạn là biện pháp khả dĩ đủ, để tiến hành điều tra và giúp đương sự thanh tẩy. Các giám mục Hoa-kì không chấp nhận đề nghị này, vì như thế các linh mục vẫn là người thuộc quyền giám mục và vì vậy họ bị kết án như là một khuôn mặt trực tiếp liên hệ với giám mục. Từ đó từ từ bắt đầu mở đường cho việc đổi mới bộ luật đương thời vốn được cố tình soạn lỏng lẻo, để tiến hành xây dựng một bộ luật mới đi vào chiều sâu.

Nhưng ở đây có một vấn đề cơ bản về khái niệm luật hình sự. Khái niệm „konziliar“ (tính công đồng) giờ đây chỉ còn có nghĩa như là sự bảo đảm. Nghĩa là, trước hết phải bảo đảm quyền của bị cáo, và quyền này cuối cùng dẫn tới chỗ, là chẳng có cách nào để kết án đương sự nữa. Để đối lại việc thường hay xẩy ra, là các bị cáo linh mục ít có đủ cơ hội tự bào chữa, người ta coi quyền bào chữa của họ là một thứ bảo đảm, và bảo đảm này được diễn dịch rộng tới mức, là rốt cuộc khó có thể có được một kết án nào.

Ở điềm này cho phép tôi có một giải thích ngắn. Về mức độ nặng nề của các sai phạm tình dục trẻ em, tôi nhớ tới một câu nói của đức Giê-su: „Ai dẫn dụ các em nhỏ đang tin vào tôi này vào đường xấu, thì tốt hơn, nên buộc cối đá vào cổ người đó và thảy xuống biển“ (Mc 9, 42). Nghĩa nguyên thủy của câu này không có liên hệ gì tới chuyện lạm dụng tình dục trẻ em. „Những trẻ nhỏ“ ở đây đức Giê-su muốn nói tới những người đơn sơ tin vào Chúa, nhưng họ có thể bị sập bẩy do những trí thức kiêu căng lạc lối trong đức tin. Như vậy đức Giê-su bảo vệ gia sản đức tin bằng một dọa phạt cụ thể đối với những ai làm hại tới nó. Trong đó ta thấy rõ ràng, không chỉ có sự bảo đảm cho quyền của bị cáo là quan trọng và cần phải được bảo vệ mà thôi. Gia sản quý báu như đức tin cũng quan trọng không kém. Một giáo luật cân bằng phù hợp với toàn bộ thông điệp của đức Giê-su, như vậy, không chỉ tôn trọng và bảo đảm cho quyền của bị cáo mà thôi. Luật cũng phải bảo vệ đức tin, vốn cũng là một gia sản quan trọng. Như vậy một bộ luật đúng đắn cần phải có sự bảo đảm hai mặt – quyền bảo vệ của bị cáo và quyền bảo vệ gia sản liên quan. Ngày nay, nhìn rõ vào vấn đề, ta thấy nói chung chẳng có ai quan tâm chút nào tới việc bảo vệ gia sản đức tin. Trong ý thức chung về luật pháp, xem ra đức tin chẳng còn ở vị trí là một gia sản đáng quan tâm. Đây là một tình trạng phải suy nghĩ, mà các chủ chăn trong Giáo Hội phải quan tâm và coi trọng.

Sau các ghi chú ngắn gọn về tình hình huấn luyện linh mục vào thời điểm nổ ra khủng hoảng công khai, tôi muốn giờ đây nói thêm một vài điều về sự phát triển giáo luật liên quan tới vấn đề này. Đúng ra các lỗi phạm của linh mục là trách nhiệm của Bộ Giáo Sĩ. Nhưng thời đó khái niệm „bảo đảm“ còn ảnh hưởng mạnh nơi Bộ này, nên giáo tông Gio-an Phao-lô II. và tôi đã đồng ý với nhau chuyển giao trách nhiệm giải quyết các sai phạm đó cho Bộ Giáo Lí Đức Tin, với một đề mục mới „Delicta maiora contra fidem“ (Những lỗi gia trọng chống lại đức tin). Việc chuyển giao trách nhiệm cũng có nghĩa là có thể phạt với mức án cao nhất: loại ra khỏi hàng ngũ giáo sĩ, một án phạt mà không điều khoản luật nào khác lúc đó có thể ra. Đây không phải là một âm mưu che đậy mức án tối đa, nhưng là hệ quả từ tầm quan trọng của đức tin đối với Giáo Hội. Quả thật đấy là điểm quan trọng, vì những hành vi lỗi phạm này rốt cuộc tác hại tới đức tin: Ở đâu đức tin không còn làm chủ trên hành động của con người, ở đó người ta có thể phạm những tội lỗi như thế. Nhưng mức án nặng đòi buộc trước đó phải chứng minh được rõ ràng về hành vi phạm tội – dĩ nhiên nội dung chủ trương „bảo đảm“ vẫn được giữ. Nói khác đi: Để có thể ra án cao nhất cách đúng đắn, cần phải có một vụ xử thật sự. Nhưng điều này vượt khả năng của các giáo phận lẫn Tòa Thánh. Do đó chúng tôi đã ấn định một dạng phiên tòa tối thiểu và đã để mở ngõ vấn đề: Khi cấp giáo phận không đảm nhận xử được, thì chính Tòa Thánh sẽ đảm nhận. Trong mọi trường hợp bản án đó sẽ được kiểm tra lại bởi Bộ Giáo Lí Đức Tin, để bảo đảm quyền của bị cáo. Nhưng cuối cùng trong phiên họp Feria IV (phiên họp của các thành viên của Bộ) chúng tôi đã lập ra một cấp khiếu nại, để bị cáo có cơ hội chống lại phiên tòa. Quả thật Bộ Giáo Lí Đức Tin đã không đủ sức làm những chuyện này và vì thế vấn đề và ngay chính sự việc cứ kéo dài ra, nên giáo tông Phan-sinh đã làm những cải tổ tiếp tục.

 

III. Phải làm gì?

 

1. Chúng ta phải làm gì bây giờ? Làm lại một Giáo Hội khác, để mọi sự việc có thể trôi chảy? Thí nghiệm này đã được làm và đã thất bại. Chỉ có sự vâng lời và lòng yêu mến đối với Chúa chúng ta là đức Giê-su Ki-tô mới chỉ cho ta con đường đúng phải theo. Vậy trước hết chúng ta hãy thử một cách mới và khởi đi từ nội tâm tìm hiểu xem, Chúa đã và đang muốn gì nơi chúng ta.

Trước hết tôi muốn nói: Nếu muốn tóm gọn thật ngắn đức tin như được diễn tả trong Kinh Thánh, thì chúng ta được phép nói rằng, Thiên Chúa muốn khởi đầu với chung ta một câu chuyện tình yêu và muốn tóm gọn toàn thể tạo dựng vào trong tình yêu đó. Đối lực chống lại sự dữ đang đe dọa chúng ta và thế giới rốt cuộc có chỉ thể là điều này: chúng ta có muốn bước vào tình yêu đó không. Tình yêu này là đối lực thực sự chống lại sự dữ. Quyền lực sự dữ nẩy sinh là vì chúng ta phủ nhận tình yêu Chúa. Ai phó thác vào tình yêu này, người đó được cứu độ. Sở dĩ ta không được cứu thoát, vì chúng ta không có khả năng yêu Người. Học yêu Chúa như vậy là con đường cứu độ của con người.

Chúng ta giờ đây thử mở rộng ra thêm một chút nội dung căn bản mạc khải của Thiên Chúa. Và rồi chúng ta có thể nói được rằng, món quà căn bản đầu tiên, mà đức tin trao cho chúng ta, là sự chắc chắn có Thiên Chúa hiện hữu. Không có Thiên Chúa, thế giới sẽ vô nghĩa. Vì tất cả những gì đang có xuất phát từ đâu? Chắc chắn là sẽ không có một nền tảng tinh thần. Tất cả tự dưng có một cách nào đó và chúng chẳng có một tiêu đích và một ý nghĩa nào cả. Và rồi sẽ chẳng có một khuôn thước nào cho việc lành hay việc dữ. Và rồi ai mạnh, kẻ ấy thắng. Còn lại quyền lực là nguyên lí duy nhất. Chân lí chẳng có ý nghĩa gì, vì thật ra nó không có. Chỉ khi các sự vật có một nền tảng tinh thần, được muốn có và được nghĩ ra – chỉ khi có một Đấng Tạo Hóa, Người vốn tốt lành và muốn sự tốt lành – thì sự sống con người mới có ý nghĩa.

Có Thiên Chúa như là Đấng Tạo Dựng và là khuôn thước của của mọi sự, điều này trước hết là một sự đòi hỏi cội nguồn đương nhiên. Nhưng một thiên chúa hoàn toàn không nói năng gì và không tự tỏ mình ra cho người ta nhận biết, thì thiên chúa đó cũng chỉ là một phỏng đoán và vị này có lẽ không tạo ra được hình hài cho chúng ta. Để thiên chúa là thiên chúa thật sự trong tạo dựng có ý thức, thì thiên chúa này cần phải mặc lấy một dạng nào đó và có nói năng. Thiên Chúa này đã làm nhiều cách, nhưng quyết định nhất là Người đã gọi Áp-ra-ham và đã chỉ hướng cho những ai tìm kiếm Người, đưa họ vượt lên trên mọi chờ đợi: Chính Thiên Chúa trở thành một tạo vật, nói với chúng ta như giữa người với người.

Như vậy câu „Có Thiên Chúa“ kì cùng ra là một thông điệp vui thật sự, vì nó còn hơn là một nhận thức, vì nó là tình yêu và tạo ra tình yêu. Làm cho con người có lại được ý thức về điểm này, đó là nhiệm vụ đầu tiên và căn bản, mà Chúa đã ủy thác cho chúng ta.

Một xã hội vắng bóng Thiên Chúa – một xã hội không nhận biết Người và coi như Người không có, là một xã hội mất khuôn thước. „Thiên Chúa đã chết“ là một sản phẩm trong thời đại chúng ta. Chúng ta được bảo đảm rằng, nếu loại Thiên Chúa ra khỏi xã hội, thì xã hội sẽ có được tự do. Thật ra loại Thiên Chúa ra khỏi xã hội cũng có nghĩa là mất hết tự do, bởi vì cái ý nghĩa soi đường chỉ lối cũng mất. Và cái khuôn thước hướng dẫn giúp ta phân biệt lành dữ cũng mất. Xã hội phương tây là một xã hội vắng bóng Thiên Chúa nơi công luận và Người chẳng có gì để nói cho họ. Và vì thế đó là một xã hội càng ngày càng mất kích thước nhân bản. Và rồi ta đã nhận ra nơi một số điểm: sự dữ đã trở thành hiển nhiên và nó hủy hoại con người. Đó là nạn tình dục với trẻ con. Không lâu mới đây nó còn được thuyết giáo như là một thứ hoàn toàn được phép, nay càng ngày càng bành trướng. Và giờ đây chúng ta rúng động nhận ra, nó là cái đang đe dọa hủy hoại con cái và thiếu niên nam nữ của chúng ta. Chúng ta phải đặc biệt rúng động, vì điều này cũng đã có thể lan rộng trong Giáo Hội và trong các linh mục.

 Tại sao nạn tình dục với trẻ em lại có thể phát triển tới mức độ như thế? Lí do kì cùng ra là vì vằng bóng Thiên Chúa. Cả tín hữu chúng ta và các linh mục cũng chẳng muốn nói về Thiên Chúa, vì điều này xem ra không thực tế. Sau cơn rúng động của thế chiến thứ hai, nước Đức chúng ta còn đưa Thiên Chúa vào hiến pháp để làm mẫu mực cho trách nhiệm hành động. Nửa thế kỉ sau, trách nhiệm trước Thiên Chúa như là mẫu mực không còn có thể áp dụng cho hiến pháp Âu châu được nữa. Thiên Chúa được coi là chuyện đảng phái của một nhóm nhỏ và không thể là mẫu mực cho toàn thể xã hội. Tình trạng của phương tây được phản ánh qua quyết định này, qua đó Thiên Chúa chỉ còn là chuyện riêng tư của một thiểu số.

Một công tác đầu tiên phải làm tiếp sau những rúng động đạo đức của thời đại chúng ta, là chính chúng ta phải bắt đầu lại tập sống vì Chúa và hướng về Chúa. Trước hết chúng ta phải học, để tái nhận ra Thiên Chúa là nền tảng cuộc sống của mình và đừng coi Người như một thứ gì trống rỗng vô thực mà gạt sang một bên. Tôi không thể quên lời cảnh tỉnh của nhà thần học lớn Hans Urs ở Balthasar đã một lần viết cho tôi trên một tấm thiệp nhỏ của ông: „Đừng đặt điều kiện có hay không về Thiên Chúa ba ngôi, Cha, Con và Thánh Thần, mà hãy đặt Người lên hàng đầu!“ Quả thật Thần Học vẫn coi Thiên Chúa là đấng đương nhiên có, nhưng người ta chẳng quan tâm gì cụ thể về Người. Đề tài Thiên Chúa xem ra không thiết thực, nó quá xa những gì chúng ta đang quan tâm. Nhưng mọi sự rồi sẽ khác, khi chúng ta không đặt điểu kiện về Thiên Chúa, mà đặt Người vào vị trí ưu tiên cho mình. Không đẩy Người một cách nào đó vào hậu trường, mà đưa Người vào tâm điểm suy nghĩ, nói năng và hành động.

 

2. Thiên Chúa đã làm người cho chúng ta. Người hết mực thương yêu tạo vật của Người, đến nỗi đã cùng kết hợp với tạo vật và thực sự bước vào lịch sử con người. Người nói với ta, sống với ta, đau khổ với ta và đã chấp nhận chết cho ta. Chúng ta nói điều đó rất trôi chảy trong Thần Học, với những từ ngữ và tư tưởng thông thái. Nhưng chính vì vậy mà chúng ta có nguy cơ trở thành các vị thầy của đức tin, thay vì để cho đức tin đổi mới và chiếm ngự mình.  

 Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này thông qua điểm nền tảng: thánh lễ. Cách thức chúng ta đối với thánh lễ thật đáng ngại. Công đồng Vaticano II. quả thật đã đưa mầu nhiệm thịt máu Chúa Ki-tô, con người, sự đau khổ, cái chết và sống lại của Người trở lại tâm điểm cuộc sống của người ki-tô giáo và của sự tồn tại của Giáo Hội. Một phần ý nghĩa đó quả thật đã được thể hiện, chúng ta hết lòng đội ơn Chúa.

Nhưng có một thái độ khác lấn át không khí thánh lễ. Không phải là thái độ kính sợ trước sự hiện diện của cái chết và sống lại của Chúa Ki-tô, nhưng là một cách tránh né phá vỡ chiều kích trọng đại của mầu nhiệm này. Con số ít ỏi người dự thánh lễ chủ nhật cho thấy, Ki-tô hữu chúng ta ngày nay chẳng còn trọng quà tặng cao quý Thánh Thể là chừng nào. Thánh lễ chỉ còn là một nghi thức, khi vì phép lịch sự đương nhiên phải mời bà con họ hàng tới dự trong những dịp lễ gia đình, cưới hỏi hay tang chế. Ở một vài nơi, dịp đó những người tham dự cũng đương nhiên rước lễ, điều này cho thấy rước lễ cũng chỉ là một nghi thức mà thôi. Như vậy, nếu nghĩ phải làm gì bây giờ, thì hẳn ta chẳng phải cần tạo ra một Giáo Hội mới, mà chỉ cần làm sao làm mới lại đức tin đối với quà tặng bí tích Thánh Thể.

Qua trao đổi với các nạn nhân trẻ tuổi bị lạm dụng tôi thấy nhu cầu làm mới này càng ngày càng trở nên khẩn thiết. Một chị trẻ từng ở trong đội giúp lễ đã kể cho tôi, ông cha phó, vốn là người phụ trách nhóm giúp lễ, đã lạm dụng tình dục chị, và những lúc lạm dụng đó ông luôn khởi sự với câu: „Đây là mình ta, đã phải hiến thân cho em.“ Quả thật, chị đã không còn có thể lắng nghe câu truyền phép hóa bánh rượu được nữa, vì nó làm chị kinh hoàng liên tưởng tới cái bất hạnh của mình. Vâng, chúng ta phải khẩn thiết van xin Chúa tha thứ và nhất là quyết tâm xin Người dạy cho chúng ta hiểu biết trở lại sự cao cả của những đau khổ và hi sinh của Người. Và chúng ta phải làm mọi cách, để bảo vệ bí tích Thánh Thể khỏi bị xâm phạm.

 

3. Và cuối cùng là mầu nhiệm của Giáo Hội. Không thể quên được câu nói của Romano Guardini trước đây gần 100 năm về niềm hi vọng tươi sáng đã dấy lên nơi ông và nhiều người thời đó: „Một biến cố có tầm xa diệu vợi đã bắt đầu; Giáo Hội đã thức dậy trong hồn người.“ Ông muốn nói, chúng ta không còn thấy và cảm nhận Giáo Hội chỉ như một cỗ máy từ ngoài, như một thứ cơ quan công quyền như trước đây nữa; mà nó giờ đây bắt đầu được chính lòng người cảm nhận như đang hiện diện, như một cái gì không chỉ bề ngoài, mà còn đánh động chúng ta từ bên trong. Khoảng nửa thế kỉ sau, khi nghĩ lại về diễn tiến đó trước những gì mình vừa thấy xẩy ra, tôi đã phải đảo ngược câu đó: „Giáo Hội đang chết trong hồn người.“ Quả thật Giáo Hội ngày nay chỉ được nhìn như một thứ bộ máy chính trị. Người ta nói về nó gần như toàn bằng những phạm trù chính trị, kể cả các giám mục, vốn suy nghĩ và trình bày về Giáo Hội tương lai gần như toàn bằng giọng điệu chính trị. Khủng hoảng tạo ra bởi nhiều vụ lạm dụng của các linh mục buộc ta phải coi Giáo Hội đã thất bại, và chính chúng ta giờ đây phải xăn tay áo tái tạo lại tận căn. Nhưng một Giáo Hội tự tạo bởi chính tay chúng ta không thể mang lại một triển vọng nào cả.  

Chính đức Giê-su đã sánh Giáo Hội với một lưới cá, trong đó có cả cá tốt lẫn cá xấu, mà rốt cuộc chính Chúa sẽ phải quyết định. Bên cạnh đó cũng có dụ ngôn Giáo Hội là thửa rộng, trên đó mọc lúa tốt, mà Thiên Chúa sẽ gặt hái, nhưng trên đó cũng có cỏ lùng, mà „kẻ thù“ đã kín đáo gieo vãi. Quả thật ta thấy cỏ lùng xuất hiện nhiều hơn trong ruộng của Chúa là Giáo Hội, và lưới cũng chứa nhiều cá xấu hơn. Nhưng ruộng đó vẫn là ruộng của Chúa và lưới vẫn là lưới của Chúa. Và trong mọi thời không chỉ có cỏ lùng và cá xấu, mà còn có cả hạt giống và cá tốt của Chúa. Đấy chẳng phải là một lối biện giải sai, khi ta nhấn mạnh cả hai điểm cùng một lúc, nhưng đó là một việc làm cần thiết để phục vụ sự thật.

Trong tương quan này cần nhắc lại đoạn quan trọng trong sách Khải Huyền của thánh Gio-an. Quỷ Xa-tan được mô tả như là bên đơn, ngày đêm tố cáo những người anh em của chúng ta trước mặt Thiên Chúa (Kh 12,10). Nội dung này Khải Huyền lấy lại từ trọng điểm câu truyện trong sách Gióp (G 1 và 2,10; 42, 7-16). Sách Gióp kể, trước mặt Thiên Chúa Xa-tan cố hạ thấp sự công chính của Gióp xuống thành một thứ hời hợt bên ngoài. Đấy chính là điều Khải Huyền nói: Xa-tan muốn chứng minh rằng, không có người công chính; mọi công chính của con người chỉ là bề ngoài mà thôi. Nếu có thể o ép thêm, thì hào quang công chính sẽ rơi rụng ngay. Câu truyện mở đầu với cuộc tranh luận giữa Thiên Chúa và Xa-tan, trong đó Thiên Chúa cho biết Gióp đúng là một người công chính. Như một điển hình, qua thử thách của Gióp, thiên hạ sẽ nhận ra ai là người công chính. Xa-tan lí luận, cứ lấy hết tài sản của Gióp đi, thì sẽ thấy, lòng đạo của ông ấy chẳng còn lại gì. Thiên Chúa cho phép Xa-tan làm thử, nhưng Gióp đã thắng. Nhưng Xa-tan lại nói tiếp: „Da đổi da! Tất cả những gì người ta có, người ta sẵn sàng cho đi để cứu mạng sống mình. Ngài cứ thử dơ tay đánh vào xương vào thịt nó xem, chắc chắn là nó sẽ mắng ngài thẳng mặt“ (G 2,4t). Chúa cho phép quỷ thử một lần nữa. Nó được phép sờ vào da của Gióp, nhưng không được giết ông. Đối với Ki-tô hữu, Gióp là một nhân vật điển hình cho toàn thể nhân loại đứng trước mặt Thiên Chúa là đức Giê-su Ki-tô. Sách Khải Huyền nói lên bi kịch của con người trong toàn bộ chiều kích của nó. Thiên Chúa tạo dựng đối diện với Xa-tan là kẻ nói xấu toàn nhân loại và toàn tạo dựng. Xa-tăn nói không những với Thiên Chúa, mà nhất là với con người: Các ngươi thấy chưa những gì Thiên Chúa này đã làm. Xem ra là một tạo dựng tốt đẹp. Song thật ra là toàn khốn khổ và kinh tởm. Nói xấu tạo dựng thật ra là nói xấu Thiên Chúa. Quỷ muốn minh chứng chính Thiên Chúa chẳng tốt đẹp gì và muốn chúng ta tránh xa Người.

Câu truyện của Khải Huyền rõ ràng mang tính thời sự. Lời kết án Thiên Chúa của con người ngày nay trước hết là việc đánh giá toàn thể Giáo Hội là xấu và khuyên ta nên tránh xa. Tư tưởng về việc con người nên tự mình làm một Giáo Hội mới tốt hơn thật ra là tư tưởng của quỷ. Qua ý nghĩ đó quỷ muốn đưa chúng quay lưng lại với Thiên Chúa sống động, bằng một luận lí dối trá, mà chúng ta dễ rơi vào bẩy. Không, Giáo Hội của Chúa ngày nay cũng không chỉ có cá xấu và cỏ lùng mà thôi. Giáo Hội của Chúa hôm nay vẫn hiện diện, và đó chính là dụng cụ để Chúa cứu thoát chúng ta hôm nay. Chống lại những dối trá và những sự thật nửa vời là việc rất quan trọng: Vâng, có tội lỗi và xấu xa trong Giáo Hội. Nhưng ngày nay cũng có Giáo Hội thánh thiện và bất diệt. Ngày nay cũng có nhiều tín hữu khiêm tốn, chịu đau khổ và đầy tình thương, qua họ ta nhận ra được khuôn mặt đích thực và nhân ái của Thiên Chúa. Cả ngày nay Thiên Chúa cũng có những nhân chứng („tử đạo“) của Người trong thế giới. Chúng ta chỉ cần tỉnh thức, để thấy và nghe được họ.

Chữ „tử đạo“ xuất phát từ án luật. Trong phiên xử chống lại Xa-tan, đức Giê-su Ki-tô là chứng nhân đích thực và đầu tiên cho Thiên Chúa, là vị tử đạo đầu tiên, và từ đó đã có muôn vàn kẻ đi theo Người. Hơn bao giờ hết, Giáo Hội ngày nay là Giáo Hội của các vị tử đạo và qua đó làm chứng cho Thiên Chúa sống động. Nếu chúng ta nhìn và nghe quanh mình với một tâm hồn tỉnh thức, chúng ta có thể nhận ra khắp nơi ngày nay giữa những con người bình dị, và cả nơi những vị trong hàng phẩm trật cao của Giáo Hội, những chứng nhân sẵn sàng hiến thân cho Thiên Chúa bằng sự sống và đau khổ của mình. Do sự trì trệ của tâm hồn, nên ta không muốn nhận ra họ mà thôi. Một nhiệm vụ to lớn và nền tảng trong công cuộc rao giảng của chúng ta, tùy vào khả năng có thể, là phải tạo ra những không gian để cho đức tin sống và nhất là tìm kiến và chấp nhận những không gian đó.

Tôi sống trong một Nhà, trong một cộng đoàn nhỏ vốn ngày ngày không ngớt khám phá ra những chứng nhân như thế về Thiên Chúa sống động, và họ luôn vui vẻ nhắc nhở tôi về điều đó. Một công tác tuyệt vời của chúng ta là làm sao thấy và gặp được Giáo Hội sống động; chính công tác này sẽ gia tăng sức mạnh và làm cho đức tin của chúng ta luôn mới và tươi vui.

Cuối những dòng suy tư này, tôi muốn cám ơn giáo tông Phan-sinh về tất cả những gì ngài đã và đang làm, để luôn chỉ cho chúng ta thấy lại được ánh sáng của Chúa vẫn tiếp tục chiếu tỏa ngay cả trong thời buổi hiện nay. Cám ơn đức Thánh Cha!

 

(Biển-đức XVI.)

Phạm Hồng Lam dịch

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC