Quan Hệ Ngoại Giao giữa Vatican và CSVN

31/01/20244:08 CH(Xem: 570)
Quan Hệ Ngoại Giao giữa Vatican và CSVN

(GS Nguyễn Lý-Tưởng trả lời các câu hỏi của Lạc Việt trên Diễn Đàn PalTalk “Yểm Trợ Khối 8406” phát thanh về Việt Nam lúc 7:00 giờ PM giờ California, ngày Chúa nhật 26/10/2014)

 

Xin lưu ý: Bài nầy đã phổ biến hơn 10 năm rồi. Nhưng vì tình hình hiện nay đang có nhiều biến chuyển quá nhanh nên chúng tôi xin bổ túc và phổ biến lại để anh chị em mở rộng kiến thức trước tình hình năm mới 2024

 

Câu hỏi (1) Xin cho biết vấn đề ngoại giao giữa Vatican và Cộng Sản Việt Nam bắt đầu từ lúc nào?

 

GS Nguyễn Lý-Tưởng:

 

-Từ thế kỷ 19, khi có các cuộc đàn áp người Công Giáo xảy ra tại Việt Nam, đặc biệt dưới thời các vua nhà Nguyễn Như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức...thì các Giáo Hoàng lãnh đạo Giáo Hội tại Vatican (Roma) rất quan tâm đến Giáo Hội Việt Nam.

Khoảng năm 1925, dưới thời vua Khải Định, lúc đó nước Việt Nam dưới quyền cai trị của người Pháp (Toàn Quyền tại Đông Dương ở Hà Nội) thì Tòa Thánh Vatican đã đặt một vị Khâm Mạng Tòa Thánh (còn gọi là Khâm Sứ Tòa Thánh) tại Huế. Hiện nay di tích nầy vẫn còn tại giáo xứ Phủ Cam Huế. Tiếng Pháp gọi là Deleguation Apostolique, để lo cho người công giáo Việt Nam trên toàn cõi Đông Dương. Đúng ra thì Văn Phòng nầy (thường gọi là Tòa Khâm Mạng ) phải đặt tại Hà Nội là nơi có Phủ Toàn Quyền là cơ quan lãnh đạo cao nhất của nước Pháp tại 5 xứ Đông Dương là Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Ai Lao, Cao Mên...Ai cũng biết vua Việt Nam là một vua bù nhìn, mọi quyền hành ở trong tay Khâm Sứ Trung Kỳ là một người Pháp, các phiên họp của triều đình đều do Khâm Sứ Trung Kỳ chủ tọa. Nhưng thâm ý của Vatican là đặt Tòa Khâm Mạng tại Huế là muốn bày tỏ cảm tình với vua Việt Nam. Sự thắng lợi ngoại giao nầy do công của ông Nguyễn Hữu Bài, một người Công giáo làm Thượng Thư Bộ Lại dưới triều vua Khải Định, vận động với Vatican trong lần yết kiến Giáo Hoàng tại Roma.

-Trước 1954, vị Khâm Sứ Tòa Thánh đặt văn phòng tại Hà Nội vì lúc đó vua Việt Nam không còn nữa. Sau 1954, Tòa Khâm Sứ vẫn ở Hà Nội. Nhưng khi Việt Minh tiếp thu Hà Nội sau hiệp định Geneve (20/7/1954) thì mấy năm sau đó, 1959, Hồ Chí Minh ra lệnh trục xuất vị Khâm Sứ ra khỏi nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Do đó, vị Khâm Sứ nầy phải dời văn phòng vào Sài Gòn. Mặc dù ở Sài Gòn, nhưng nhiệm vụ của Khâm Sứ Tòa Thánh là lo cho người Công Giáo toàn cõi Đông Dương (Miền Bắc Việt Nam, Miền Nam Việt Nam, Ai Lao, Cao Mên và cả Thái Lan nữa). Vị Khâm Sứ Tòa Thánh nầy chỉ lo việc tôn giáo cho người tín hữu Công giáo, không phải là Đại Sứ của Vatican trên phương diện ngoại giao với Hà Nội cũng như Sài Gòn. Xin lưu ý: lúc đó nước Việt Nam có hai Giáo Hội Công Giáo: ở Miền Bắc và ở Miền Nam. Miền Bắc có Hội Đồng Giám Mục của Miền Bắc và Miền Nam có Hội Đồng Giám Mục của Miền Nam. Nhiều người không am hiểu lịch sử, cứ cho rằng Vatican đã có quan hệ ngoại giao cấp bậc Đại Sứ với ông Ngô Đình Diệm, Tổng Thống của Việt Nam Cộng Hòa tức Miền Nam Việt Nam. Sự thực là Đức Khâm Sứ Tòa Thánh có mặt tại Sài Gòn là chung cho cả Miền Nam và Miền Bắc. Tòa Thánh Vatican tỏ ra “rất tế nhị” về vấn đề nầy. Vì Vatican còn phải liên lạc với cả hai bên: Hồ Chí Minh cũng như Ngô Đình Diệm. đại sứ của Việt Nam Cộng Hòa tại Ý Đại Lợi không phải là đại Sứ VNCH tại Vatican. Khi cần thì vị đại sứ nầy có thể liên lạc với Vatican nhưng không phải là với tư cách đại sứ vì hai bên chưa có quan hệ ngoại giao cấp bậc đại sứ.Sau 1963 và nhất là dưới thời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, đại sứ của Việt Nam Cộng Hòa tại Ý là ông Nguyễn Văn Hiếu (anh ruột của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu) vẫn không phải là đại sứ của VNCH tại quốc gia Vatican. Đức Giáo Hoàng tại Roma luôn luôn với tư cách là người cha tinh thần của người Công giáo trên thế giới và đặc biệt tại Việt Nam, Hà Nội cũng như Sài Gòn.

-Từ khi Giáo Hội mở ra Công Đồng Vatican II dưới thời Đức Giáo Hoàng Gioan 23, từ 1960 trở về sau thì Giáo Hội chủ trương đối thoại với thế giới bên ngoài kể cả các giáo hội ly khai như Tin Lành, Chính Thống Giáo cũng như các tổ chức đối lập với Công Giáo trong đó có Do Thái, Hồi Giáo, Cộng Sản và các tôn giáo khác không thuộc về Giáo Hội Công Giáo. Đức Giáo Hoàng Phaolo đệ VI là vị giáo hoàng đầu tiên đi ra khỏi Vatican để đến với thế giới bên ngoài. Ngài cũng tiếp các vị lãnh đạo tôn giáo, chính trị, của các quốc gia trên thế giới tại Vatican, trong đó có các lãnh tụ cộng sản Ngài cũng đã đến thăm trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York và đã đọc một thông điệp kêu gọi hòa bình cho toàn thế giới.

- Đối với Hà Nội, trước khi có Hiệp Định Paris 27-1-1973 và nhất là trong thời gian hai bên: Cộng Sản Việt Nam và Hoa Kỳ họp tại Paris, thì Nguyễn Thị Bỉnh (Bộ Trưởng Ngoại Giao của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam), Lê Đức Thọ (Trưởng phái đoàn Hòa Đàm của Hà Nội), Nguyễn Duy Trinh (Bộ Trưởng Ngoại Giao của Hà Nội) ... đã lần lượt đến Vatican gặp Đức Giáo Hoàng Phaolo đệ VI để vận động cho một giải pháp chính trị hầu mang lại hòa bình. Cộng Sản Việt Nam đã hứa hẹn sẽ có một Miền Nam hòa bình, trung lập, bảo đảm thực thi các quyền tự do dân chủ, nhất là tự do tôn giáo cho mọi người dân trong nước. (Trong thời gian nầy, cá nhân tôi và một phái đoàn dân biểu cũng đến Vatican yết kiến Đức Giáo Hoàng Phaolo VI để vận động cho một nền hòa bình công chính, không Cộng Sản sau khi chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Chúng tôi được Giáo Hoàng tiếp đón tại Vatican ngày 18/3/1970, báo Observatore Romano và đài Phát Thanh Vatican có loan tin). Phái đoàn chúng tôi cũng đến một số nước trên thế giới tổ chức họp báo, trình bày tội ác của Cộng Sản trong Tết Mậu Thân 1968 tại Huế và gặp gỡ các giới lãnh đạo, Quốc Hội, báo chí để vận động cho VNCH...)

 

-Sau 30/4/1975, mặc dù đã công khai trở mặt với Mỹ và “bạn bè khắp Năm Châu”, Cộng Sản Việt Nam vẫn đưa ra những lời hứa hẹn nhằm đánh lừa Vatican. Từ 1975 đến 1995, suốt 20 năm bị Mỹ cấm vận, các nước Âu Châu và thế giới thứ ba lên án, tẩy chay, thất bại về ngoại giao và kinh tế, nên Cộng Sản Việt Nam đã có nhiều cuộc tiếp xúc với Vatican ... Trong những dịp đó, Vatican đã đặt vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền cho Việt Nam. Cụ thể là tự do sinh hoạt tôn giáo của giáo dân, vấn đề đào tạo linh mục, mở các chủng viện, bổ nhiệm các Giám Mục cho các giáo phận còn thiếu, cho tu sinh đi du học, việc áp dụng Giáo Luật trong nội bộ Giáo Hội Việt Nam, các hoạt động y tế, từ thiện, văn hóa, giáo dục, tài sản của Giáo Hội bị tịch thu, v.v.

- Tháng 10/1998, có tin Hội Đồng Giám Mục VN mời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II qua thăm Việt Nam nhân dịp bế mạc Năm Thánh Mẫu La Vang vào tháng 8/1999. Người Công giáo Việt Nam rất hân hoan trước tin đó. Đức Giáo Hoàng cũng bày tỏ long thiết tha mong muốn đến thăm con cái tại Việt Nam...Nhưng đó lại là một sự lo ngại đối với Cộng Sản Việt Nam.

- Mười ngày trước khi phái đoàn Tòa Thánh lên đường qua Việt Nam (14/3/1999) thì ngày 4/3/1999, Bà Phan Thúy Thanh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã tuyên bố:

 “Nội dung cuộc gặp gỡ của phái đoàn Tòa Thánh là trao đổi ý kiến về việc bổ nhiệm các Giám Mục tại các giáo phận trống ngôi hay thay thế các vị quá già yếu, bệnh hoạn.”

Được hỏi Việt Nam có dự trù mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Việt Nam hay không? –Bà Phan Thúy Thanh đã trả lời “chỉ ưu tiên cho vấn đề quan hệ ngoại giao”. Sau đó, chính quyền Cộng Sản Việt Nam lại tuyên bố: “Muốn tiếp đón một vị quốc trưởng, trước hết phải thiết lập quan hệ ngoại giao”. Họ cũng giải thích thêm rằng: “Đức Giáo Hoàng vừa là Giáo Chủ vừa là Quốc Trưởng, thì trước tiên phải có quan hệ ngoại giao”.

-Về phía Tòa Thánh, sau khi đã hiểu rõ về lập trường của Cộng Sản Việt Nam, phát ngôn viên của Tòa Thánh đã tuyên bố: “Cuộc gặp gỡ của phái đoàn Tòa Thánh vào ngày 14/3/1999 sẽ bàn đến việc nghiên cứu để thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh và Cộng Sản Việt Nam”.

Sau khi trở về, phái đoàn Tòa Thánh cũng xác nhận: “Trong giai đoạn nầy, hai bên sẽ tìm phương tiện đi đến thiết lập quan hệ ngoại giao”. Như vậy, mục tiêu chính yếu của Cộng Sản VN là “quan hệ ngoại giao” còn việc Đức Giáo Hoàng đến thăm Việt Nam không phải là chuyện của họ ... Một chi tiết về thủ tục cần được biết rõ: Tại sao Hà Nội đã cho phép Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngỏ ý mời Đức Giáo Hoàng qua thăm Việt Nam, mà họ lại không chịu xúc tiến thủ tục ngoại giao cần thiết là chính quyền gởi thư mời ngài? “Muốn đón một vị quốc trưởng, trước tiên phải có quan hệ ngoại giao”, đó là chủ trương của Cộng Sản Việt Nam. Vì thế Hà Nội không chính thức mời Đức Giáo Hoàng.

-Cần phải lưu ý điểm nầy: kể từ năm 1990, trong các lần phái đoàn Tòa Thánh Vatican chính thức đến Việt Nam, đại diện Tòa Thánh đều có nhắc đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai bên. Nhưng phía Cộng Sản Việt Nam lại gạt đi, không muốn đề cập đến. Bây giờ thì chính phủ Cộng Sản Việt Nam lại thúc đẩy việc đặt quan hệ ngoại giao rồi lại gợi ý cho phép Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gởi thư mời Đức Giáo Hoàng qua thăm Việt Nam. Ngày 12/3/1999, hãng Thông Tấn Fides của Tòa Thánh (số 3311) cho biết: “Đã bao năm qua, mỗi năm, khi phái đoàn Tòa Thánh đến viếng thăm Hà Nội, vấn đề quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh đã là một trong những vấn đề được đưa ra bàn cãi. Trong quá khứ chính nhà nước Việt Nam đã gạt vấn đề nầy ra ngoài”. Cũng trong thời gian đó, Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng ở Hà Nội tuyên bố:”Toàn dân Việt Nam ước mong cho mối bang giao nầy (giữa Việt Nam va Tòa Thánh Vatican) được chào đời, bởi vì nhờ đó mà Đức Thánh Cha dễ dàng đến thăm Việt Nam. Tôi đã chính thức xin Nhà Nước mời Đức Thánh Cha, nhưng cho đến bây giờ họ chưa trả lời. Chúng ta hãy đợi chờ và cầu nguyện bởi vì còn nhiều vần đề phải thương thuyết”.

-Trước đây, Cộng Sản Việt Nam KHÔNG MUỐN có quan hệ ngoại giao với Vatican. Bây giờ lại muốn có quan hệ ngoại giao với Vatican! Thật là khó hiểu! Như vậy Cộng Sản Việt Nam muốn gì?

 (Bổ túc: Năm 2011, CSVN và Vatican đi đến thỏa thuận cho Vatican được cử một “Đại diện không thường trú” để có thể liên lạc, thăm viếng các Giáo phận Công giáo tại Việt Nam gặp gỡ các vị Giám Mục…Sau mấy chục phiên họp giữa hai bên, cuối cùng phía CSVN mới đồng ý cho Vatican cử “đại diện không thường trú” đó là Vị Sứ Thần Tòa Thánh tại Singapore, mỗi lần đến VN, phải xin visa nhập cảnh…Mới đây, ngày 27/7/2023, Ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước (Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam) đã hội kiến với Đức Giáo Hoàng Francis tại Vatican … Sau đó, đã cùng với Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh (phía VN gọi ngài là Thủ Tướng của Vatican) đã ký một thỏa thuận với CSVN về “Vị đại diện thường trú của Vatican tại Việt Nam”…) Dịp nầy, Ông Võ Văn Thưởng tuyên bố “Chúng tôi muốn nâng cấp quan hệ ngoại giao với Vatican cao hơn nữa. (Ý nói muốn có quan hệ ngoại giao cấp đại sứ) nhưng Hồng Y Quốc Vụ Khanh của Vatican trả lời “hãy từ từ, để xem việc thực hiện “Đại diện thường trú tại VN” kết quả như thế nào đã…Sau đó mới nói đến quan hệ ngoại giao cấp đại sứ…” ( không phải nguyên văn…nhưng theo chúng tôi hiểu là “đại ý” như vậy…).

Từ Vatican trở về VN, Ông Võ Văn Thưởng đã lên TV trình bày vấn đề nầy cho đồng bào trong nước và tuyên bố ông sẽ chính thức mời Đức Giáo Hoàng Francis thăm Việt Nam…Mấy hôm sau đó, vào tháng 8/2023, CT Nước Võ Văn Thưởng đã có cuộc gặp Hội Đồng Giám Mục VN tại Saigon do TGM Giuse Nguyễn Năng, đương kim Chủ Tịch và các TGM Hà Nội và Huế… để thông báo kết quả cuộc gặp gỡ Giáo Hoàng Francis tại Vatican (27-7-2023) (Vấn đề nầy xin được trình bày chi tiết sau)

 

Câu hỏi (2) Xin cho biết mục đích của Tòa Thánh Vatican khi đặt vấn đề quan hệ ngoại giao với Cộng Sản Việt Nam?

 

GS Nguyễn Lý-Tưởng:

 

Chúng ta thấy rõ mục đích của Tòa Thánh Vatican khi muốn có quan hệ ngoại giao với Cộng Sản Việt Nam và mục đích của Cộng Sản Việt Nam khi muốn có quan hệ ngoại giao với Vatican hoàn toàn khác nhau. Cái lợi mà Cộng Sản Việt Nam nhắm tới hoàn toàn khác với cái lợi mà Vatican đi tìm. Con đường của Vatican là con đường của TÔN GIÁO với chủ trương ĐEM YÊU THƯƠNG đến cho mọi dân tộc, lấy TÌNH YÊU THƯƠNG làm nền tảng xây dựng xã hội. Còn Cộng Sản Việt Nam chủ trương ĐẤU TRANH GIAI CẤP, dùng HẬN THÙ làm nền tảng cho việc xây dựng xã hội với ý thức hệ VÔ THẦN, chống lại TÔN GIÁO. Từ sau ngày 30/4/1975 đến nay, Giáo Hội Công Giáo vẫn chủ trương ĐEM TÌNH YÊU THUƠNG đến với dân tộc Việt Nam, dưới hình thức nầy, hình thức khác, điều đó đã quá rõ ràng.

-Điều CSVN muốn là: Giáo Hội Công Giáo Việt Nam phải do Nhà Nước CSVN, tức là do Đảng Cộng Sản VN lãnh đạo. Giáo Hội Công Giáo Việt Nam không thể tự do, độc lập trong việc điều hành và sinh hoạt nội bộ của mình. Họ phân biệt rõ ràng hai cách nói: Giáo Hội Công Giáo của Việt Nam và Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam (Eglise catholique du Viet Nam và Eglise catholique au Viet Nam). Khi họ bảo “Gíao Hội giữa lòng dân tộc” có nghĩa là Giáo Hội Công Giáo của Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. (Eglise catholique du Viet Nam). Vì thế, Giáo Hội giữa lòng dân tộc là một Giáo Hội phải bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội theo luật pháp của Nhà Nước Việt Nam. Điều 3 của phần II trong “Chỉ Thị của Bộ Chính Trị” ngày 2 tháng 7/1998, xác định như sau: “Mọi cá nhân và tổ chức hoạt động tín ngưỡng tôn giáo phải tuân thủ Hiến Pháp và Pháp Luật; có nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của Tổ Quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa; gìn giữ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia”.

-Hoãng Thông Tấn Reuter, ngày 4 tháng 3/1999 đưa tin: “Hà Nội tuyên bố rằng: Vatican không được ảnh hưởng trực tiếp trên Giáo Hội Việt Nam và không được đương nhiên chuẩn y các việc bổ nhiệm của Đức Giáo Hoàng”.

 

Câu hỏi (3) Xin cho biết chính sách ngoại giao của Vatican và Cộng Sản Việt Nam khác nhau như thế nào? Nói rõ hơn là “Sự mâu thuẫn giữa chính sách ngoại giao của hai bên: Vatican và Cộng Sản Việt Nam”. Khi có quan hệ ngoại giao với Cộng Sản Việt Nam thì Vatican có lợi gì? Và Cộng Sản Việt Nam có lợi gì? Xin giải thích rõ các danh từ “phái viên Tòa Thánh” và “Khâm Sứ Tòa Thánh” (hay Khâm Mạng Tòa Thánh” (tiếng Pháp là DelegueApostolique)?

 

GS Nguyễn Lý-Tưởng:

 

-Muốn giúp các cộng đồng quốc gia thăng tiến về mặt đạo đức, Giáo Hội phải có một sự liên hệ tối thiểu với các chính quyền của các quốc gia đó. Từ thời xa xưa, Đức Giáo Hoàng đã dùng các concilium (Hội Đồng) hay các tổ chức luật pháp quan trọng khác để đại diện cho mình. Từ Thế kỷ thứ 11 trở về sau công tác nầy được trao cho các Hồng Y và được gọi là đặc sứ bên cạnh Đức Giáo Hoàng (legat de latere) cũng có khi trao cho các Giám Mục chính tòa quan trọng. Các vị nầy được gọi là legati nati (đặc sứ bẩm sinh). Vào thế kỷ thứ 15 thì các vị đại diện đức giáo hoàng (phần nhiều là giám mục trong các việc riêng biệt hay ít quan trọng thì gọi là nonce (sứ thần tòa thánh). Qua Thế kỷ thứ 16 thì có các nonciature permanente (sứ thần thường trực) vì thế họ thường được đặt bên cạnh một nước, một cộng hòa, một công quốc độc lập (principaute), với trách nhiệm của các vị đặc sứ bên cạnh Tòa Thánh xưa (Legats a latere). Các vị nầy chỉ được sai đi trong các trường hợp bất thường như thay mặt Tòa Thánh quyền phán quyết trong các vụ khiếu nại nhất định, thương thuyết các việc chính trị, v.v. Hiện tại các sứ thần tòa thánh thường được chức trưởng đoàn ngoại giao trong một số quốc gia. Nơi nào sứ thần tòa thánh không được ân huệ ấy, thì Tòa Thánh đặt một vị gọi là prononce ngang hàng một đại sứ (quyền sứ thần). Vì một lý do nào đó, tòa sứ thần phải thiếu vắng lâu dài thì Tòa Thánh đặt một vị gọi là Internonce (sứ thần tạm quyền). Vị này đảm trách công việc của sứ thần vắng mặt và có tính cách ổn định có thể so sánh với bậc công sứ toàn quyền (Ministre Pleipotentiaire). Bộ Giáo Luật mới nói về các sứ thần tòa thánh trong số tiếp nhau từ số 362- 367. Số 364 định nghĩa vai trò của các phái viên tòa thánh (tức các vị sứ thần hoặc khâm sứ tòa thánh) như sau: “Nhiệm vụ chính yếu của phái viên tòa thánh là lo liệu cho mối dây hợp nhất giữa tòa thánh với các giáo hội địa phương mỗi ngày được thêm bền chặt và hiệu lực hơn...” trong đó kể ra 8 nhiệm vụ chính để thực hiện mục tiêu nầy. Số 365, còn thêm các nhiệm vụ khác đối với các quốc gia theo các quy tắc của luật quốc tế còn có nhiều nhiệm vụ:

a. Cổ vũ và duy trì mọi liên lạc giữa Tòa Thánh với chính quyền;

b. Dàn xếp mọi vấn đề liên hệ tương quan giữa Giáo Hội với quốc gia; và đặc biệt là lo việc ký kết những thỏa ước hay các quy ước tương tự, cũng trông xem việc thi hành các quy ước ấy.

 Khi một vị phái viên tòa thánh không được trao phó thêm nhiệm vụ chính trị thì gọi là “khâm sứ tòa thánh” (delegue apostolique) người chỉ lo săn sóc cho giáo hội thuộc thẩm quyền và được tự do gặp gỡ và báo cáo về cho Đức Giáo Hòang. Từ đầu Thế kỷ 20, Việt Nam đã có Tòa Khâm Sứ, trước tiên tại Huế (1925), rồi đến Hà Nội (1945) và sau hết là Sài Gòn (trước 1975).

 

Khi đặt quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia thì mỗi quốc gia đều có mục đích sẽ đạt đến những mối lợi gì? Thông thường thì cả hai bên đều có lợi và cố làm thế nào để không bên nào phải chịu thiệt thòi. Nếu có sự mâu thuẫn về quyền lợi của một bên nào thì phải có giải pháp ngoại giao:

- Hai bên nhượng bộ nhau và chấp nhận cái bất lợi tối thiểu (Minus maltum)

- Nếu không tương nhượng thì quan hệ ngoại giao giữa hai bên phải đi đến chỗ đổ vỡ

 

Trước hết, CSVN cần có ngoại giao với Tòa Thánh Vatican, vì chính họ đòi hỏi phải có quan hệ ngoại giao trước khi Đức Giáo Hoàng đến thăm Việt Nam. Tại sao họ đòi hỏi điều kiện nầy trước hết? Chúng ta có thể thấy được một số lý do:

-Đảng viên CSVN từ trên xuống dưới đã mất hết niềm tin vào lý tưởng của Đảng. Sở dĩ họ phải ra sức bảo vệ Đảng vì Đảng sụp đổ thì quyền lợi của họ sẽ mất hết.

-Để bảo vệ Đảng, các đảng viên CSVN chia thành hai nhóm, có hai khuynh hướng đối nghịch nhau: Nhóm “bảo thủ” còn gọi là Phe của Đảng như Tổng Bí Thư, Bộ Chính Trị...cho rằng “đổi mới, chuyển qua chế độ dân chủ” sẽ đưa Đảng đến chỗ sụp đổ hoàn toàn. Nhóm nầy dựa vào thế lực của Trung Cộng để tồn tại. -Nhóm “đổi mới” thường là Phe Chính Phủ do Thủ Tướng và các Bộ Trưởng, các tập đoàn kinh tế, tài chánh, kinh doanh thương mãi...Nhóm nầy dựa vào Mỹ và Tây phương. Lúc đầu hai nhòm nầy đã có những hành động chống đối, thanh toán lẫn nhau. Nhưng về sau cả hai cũng phải dựa vào nhau để tồn tại. Lúc đầu, Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang bắt tay nhau loại trừ Nguyễn Tấn Dũng nhưng về sau cũng phải hòa để cùng tồn tại.

- Cộng Sản VN thường nhân danh “Dân” để lừa gạt mọi người: Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý ... nhưng trên thực tế thì người dân đã bị Đảng bóc lột thậm tệ. Người dân Việt Nam đang mong chờ ngày được giải phóng khỏi ách Cộng Sản.

Từ năm 1990 dến nay, các vụ nổi dậy của dân ở khắp nơi: Thái Bình, Xuân Lộc, Trà Cổ, Dân Oan, Cồn Dầu, Thái Hà, Hải Phòng,v.v...Nhất là Phong Trào đòi bỏ Điều 4 Hiến Pháp, đòi đa nguyên, đa đảng, đòi tự do tôn giáo...Đặc biệt là năm 2013, phong trào giới trẻ tranh đấu đòi thực hiện các quyền tự do dân chủ cho dân lên rất cao, tưởng rằng trong năm 2013 đã có thể dứt diểm Đảng Cộng Sản VN...Hiện nay, phe đối lập, đòi dân chủ rất mạnh gồm có: tín đồ các tôn giáo, cựu chiến binh và gia đình, thanh niên, sinh viên học sinh, kể cả đảng viên trong quân đội, công an cũng không thiếu gì những người tiến bộ. Hải ngoại cũng bùng lên các phong trào đòi thực thi các quyền tự do dân chủ cho dân, ủng hộ những nhà đấu tranh dân chủ trong nước ...

- Cộng sản thấy rõ sức mạnh của các tôn giáo, vì hiện nay chỉ có tôn giáo là có thể quy tụ được quần chúng đông đảo. Do đó, từ khi có chính quyền trong tay, CS đã ra sức đàn áp, bắt bớ, giam cầm, thủ tiêu, gây chia rẽ, lôi kéo những người của tôn giáo theo chúng, lập ra các tổ chức tôn giáo quốc doanh...Trên thực tế thì CSVN đã thành công trong chủ trương thâm độc nầy. Nhưng hiện nay các tôn giáo đã thấy rõ điều đó và đã có những cuộc vận động liên tôn. Giáo Hội Công Giáo ở Vatican và Hội Đồng Giám Mục Á Châu cũng đã nêu lên vấn đề “tình liên đới các tôn giáo”. Từ 1992, một cuộc gặp gỡ chung giữa các vị đại diện tôn giáo VN trên thế giới tại Roma để cầu nguyện cho Việt Nam (07 Oct 1992). Sau đó, Đức Ông Philippe Trần Văn Hoài ở Roma đã vận động thành lập Hội Đồng Liên Tôn, hợp tác với nhau để ‘cứu dân tộc và đồng bào trong cơn nguy khốn”. Sự hợp tác, đoàn kết giữa các tôn giáo cổ truyền tại Việt Nam cũng như ở hải ngoại đã làm cho Cộng Sản VN rất lo sợ. Sự chia rẽ giữa các tôn giáo chỉ có lợi cho Cộng Sản là kẻ thù của tôn giáo mà thôi.

-Nhìn vào bối cảnh chính trị kinh tế hiện nay, Việt Nam là một trong số các nước nghèo đói, chậm tiến. Việt Nam đã được xem là con cờ trong sự tranh chấp ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung cộng. Do đó, vai trò của Việt Nam không còn quan trọng và không được quốc gia khác chú ý.

Việt Nam muốn thoát ra khỏi tình trạng bị cô lập hiện nay và nhất là bị hai cường quốc Trung cộng và Hoa Kỳ chèn ép trong ván bài tranh dành ảnh hưởng tại Thái Bình Dương (Bờ Thái Bình Dương) chỉ có một con đường chạy đến với Vatican. Nếu có quan hệ ngoại giao với Vatican thì sẽ có lợi cho Việt Nam rất nhiều trong hoàn cảnh hiện tại. Trên thực tế, hiện nay CSVN đã thấy rõ dân chúng đã quá chán ghét Cộng Sản. Cộng Sản VN cũng đã thấy được sức mạnh của các tôn giáo nên bắt buộc CSVN phải xoay chiều. Một khi không nắm được dân, không nói chuyện được với dân thì phải dùng đến các tôn giáo để thực hiện kế hoạch đó. CSVN đã tốn bao nhiêu tiền bạc, tâm huyết sử dụng sư quốc doanh, cha quốc doanh...nhưng không đạt được kết quả gì nên bắt buộc phải chạy đến với các tôn giáo chân chính, có thực lực, có hậu thuẫn quần chúng.

 

Cộng Sản Việt Nam đã thấy rõ ảnh hưởng của Đức Giáo Hoàng: tại Cuba, tại Hoa Kỳ hay bất cứ nơi nào mà ngài bước chân đến, tiếng nói của ngài là tiếng nói của công lý và hòa bình. Ngài là một con người tượng trưng cho sự đạo đức, cho tiếng nói của lương tâm. Sứ mệnh của Đức Giáo Hoàng là sứ mệnh của Giáo Hội giữa lòng trần thế như lời Đức Chúa Giêsu đã nói trong Kinh Thánh: “Mọi quyền phép trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy chúng con hãy đi khắp thế giới, mọi dân mọi nước tuyển chọn môn đệ, rao giảng Tin Mừng, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (MT 28, 19-20)

 

Ngày 18/3/1970, tôi là phát ngôn nhân của phái đoàn Quốc Hội VNCH (Hạ Nghị Viện) được Đức Giáo Hoàng Phaolo VI tiếp kiến tại Vatican. Trong dịp đó, tôi đã nghiên cứu một số tài liệu về các hoạt động của ngài, đặc biệt lần ngài đến thăm và phát biểu tại Liên Hiệp Quốc ... Tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, có một quả chuông đúc bằng những mảnh bom nguyên tử thả xuống hai đảo Hiroshima và Nagazaki của Nhật 6/8/1945 và 9/8/1945. Quả chuông đó được đặt tên là “Chuông Hòa Bình” ... Từ xưa tới nay, chưa ai dám đánh lên tiếng chuông đó. Nhưng khi Đức Giáo Hoàng Phaolo VI đến Liên Hiệp Quốc, thì ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc mời ngài đánh lên chuông đó vì ngài rất xứng đáng là con người của Hòa Bình. Dù là Tổng Thống nước Mỹ, Chủ Tịch nước Nga là hai siêu cường đứng đầu thế giới lúc đó, cũng không ai dám tự cho mình là con người tượng trưng cho “Hòa Bình” và “Đạo Đức”.

 

 Công Đồng Vatican II đã trình bày trong Hiến Chế “Vui Mừng và Hy Vọng” (Gaudium et Spes) về sự tương quan giữa Giáo Hội và Trần Thế như sau:

“Vui mừng và Hy Vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và đau khổ của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ...”

Ở một đoạn khác, Hiến Chế nầy giải thích về vai trò của Giáo Hội như sau:

“...là một đoàn thể hữu hình và là một cộng đoàn thiêng liêng, Giáo Hội đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần thế với thế giới; Giáo Hội như men va linh hồn của xã hội loài người, phải được đổi mới trong Chúa Kitô và biến thành gia đình của Thiên Chúa” (số 40)

 

Vatican bang giao với Việt Nam không phải vì lợi ích kinh tế, thương mãi hay chính trị. Khi Đức Giáo Hoàng đặt chân đến một quốc gia nào, việc trước hết, ngài cúi xuống hôn đất. Điều đó có nghĩa là “Ngài đến thăm quốc gia đó là vì quyền lợi của dân tộc đó, vì muốn đem lại những điều tốt đẹp cho dân tộc đó chứ không vì người lãnh đạo, vì đảng chính trị đang cầm quyền tại đó.”

 

Hiện nay Giáo Hội Việt Nam đang có những đòi hỏi sau đây:

- Quyền tự do trong việc thờ phượng, tổ chức các nghi lễ, đào tạo nhân sự, bổ nhiệm nhân sự trong nội bộ, xây cất nhà thờ và các cơ sở khác để phục vụ cho sinh hoạt tôn giáo, hoạt động xã hội, từ thiện theo đúng chủ trương của mình.

- Cho các linh mục, tu sĩ được đi du học, các giám Mục được đi ra nước ngoài hội họp (Trước đây CSVN cũng có cho phép rồi, nhưng điều kiện rất khó khăn, và có nhiều lần từ chối không cho đi).

- CSVN không công nhận Giáo Hội Việt Nam là thành phần của Giáo Hội Công Giáo thế giới, họ không công nhận Đức Giáo Hoàng là vị lãnh đạo duy nhất. Họ cho rằng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam là một giáo hội của nước Việt Nam và dưới quyền của Nhà Nước CSVN. Điều đó hoàn toàn trái với “ĐỨC TIN” của người Công Giáo. Vì tất cả mọi người Công giáo trên thế giới đều công nhận chỉ có một người lãnh đạo duy nhất của Giáo Hội là Đức Giáo Hoàng tại Vatican. Các quốc gia trên thế giới đều công nhận điều nầy chỉ trừ các nước Cộng Sản vì họ chủ trương thành lập giáo hội ly khai để chống lại đức giáo hoàng.

-Ý đồ của CSVN là muốn có quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican để đặt mình ngang hàng với Tòa Thánh để điều khiển Giáo Hội Việt Nam trong mọi tổ chức sinh hoạt, quản trị và sắp đặt nhân sự. Trung cộng đã thực hiện chủ trương nầy với một Giáo Hội ly khai (quốc doanh) và đàn áp những giám mục, linh mục và giáo dân trung thành với CHỦ CHĂN duy nhất là Đức Giáo Hoàng ở Vatican.

 

Với một Giáo Hội Công Giáo đã trải qua hơn 2000 năm, chắc chắn cũng đã có thừa kinh nghiệm để đối phó.

 

Do hoàn cảnh lịch sử, từ ngày đạo Công Giáo được rao giảng tại Việt Nam, đã gặp phải những sự hiểu lầm đối với các tôn giáo khác ở trong nước và đối với chính quyền. Cộng Sản cũng như người Mỹ đã lợi dụng sự kiện nầy để tạo nên những biến cố lịch sử đau thương cho quốc gia và dân tộc Việt Nam chúng ta. Những người có trình độ nhận thức sáng suốt đều thấy rõ điều nầy. Tuy nhiên, về mặt tâm lý, những người ngoài Công Giáo có thể nghi ngờ một khi họ chưa hiểu được chủ trương của Vatican trong vấn đề quan hệ ngoại giao với các quốc gia trên thế giới “không vì quyền lợi của Vatican mà chính vì quyền lợi của các dân tộc đó”. Một khi Vatican lên tiếng đòi hỏi thực thi các quyền tự do dân chủ và nhất là quyền tự do tôn giáo, thì đòi hỏi đó không chỉ riêng cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam mà còn cho tất cả các Giáo Hội khác tại Việt Nam nữa, cũng như cho tất cả mọi người dân trong quốc gia nầy. Trong Kinh Thánh Tân Ước, Gioan đã thuật lại lời Đức Chúa Giê Su nói với quan Tổng Trấn Philato của La Mã, khi ông ấy hỏi Ngài: “Ông có phải là vua không?” và Ngài đã trả lời: ‘Vâng, tôi là vua...nhưng nước của tôi không thuộc về thế gian nầy”. (Gioan, 18-36). Vatican không phải là một quốc gia như các quốc gia khác trên thế giới, vì khi đặt quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác, Vatican không có mục đích đi tìm các quyền lợi về kinh tế, chính trị ... nhưng là đi tìm công lý và hòa bình, đem tình yêu thương đến cho các quốc gia khác. Vatican là nước của Thiên Chúa, không phải nước của thế gian.

 

Nếu mục đích của các tôn giáo là đi tìm hạnh phúc cho con người thì các tôn giáo ở Việt Nam sẽ sẵn sàng hợp tác với Giáo Hội Công Giáo trong nguyện vọng “cứu dân độ thế” của mình. Về phía Giáo Hội Công Giáo, cũng phải có tinh thần “đấu tranh chung”, đừng để rơi vào cái bẫy của Cộng Sản. Cộng Sản có thể sẵn sàng nhượng bộ đối với Giáo Hội Công Giáo, nhưng không nhượng bộ đối với các tôn giáo khác. Chẳng hạn chúng sẽ trả lại tài sản, nhà thờ, tu viện, trường học, cơ sở từ thiện...cho Công Giáo, cho phép Công Giáo được xuất bản báo chí, sách vở...Nếu trường hợp đó xảy ra thì Giáo Hội Công Giáo nên thận trọng, đừng vì quyền lợi của mình mà tạo nên sự nghi kỵ lẫn nhau giữa các tôn giáo, tạo nên chia rẽ có lợi cho Cộng Sản. Phải đòi hỏi cho các tôn giáo khác cũng được mọi quyền lợi như Công Giáo, đừng để họ phải thiệt thòi. Phải luôn giữ tinh thần đoàn kết giữa các tôn giáo với nhau.

 

Cộng Sản rất sợ thế lực của các tôn giáo. Nếu các tôn giáo sẵn sàng hợp tác với nhau thì Cộng Sản có nguy cơ sụp đổ và con đường “cứu nhân độ thế” của các tôn giáo mới có hy vọng thực hiện được.

 

 

Câu hỏi (4) Quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Cộng Sản Việt Nam có làm tổn thương đến tình liên đới giữa Giáo Hội Công Giáo Việt Nam và các tôn giáo khác tại Việt Nam hay không?

 

GS Nguyễn Lý-Tưởng:

 

Vatican đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 171 quốc gia trên thế giới trong đó có các nước theo chế độ dân chủ tự do cũng như các nước Hồi Giáo (Iran, Libia...) và các nước Cộng Sản (Cuba)...Có những quốc gia, sau khi đã có quan hệ ngoại giao với Vatican, vẫn còn những sự đàn áp, cấm cách, bắt bớ tín đồ Công giáo...Vatican muốn có quan hệ ngoại giao với Việt Nam, trước hết vì nghĩ đến 7 triệu người Công giáo Việt Nam là con cái của Giáo Hội Công Giáo thế giới mà Đức Giáo Hoàng là vị Cha Chung của mọi tín hữu công giáo trong đó có tín hữu Việt Nam. Sau đó là nghĩ đến dân tộc Việt Nam. Lợi ích mà Vatican nhắm đến là lợi ích tinh thần. Điều đó không gây trở ngại gì cho Việt Nam về mặt chính trị hay kinh tế, thương mãi. Tiếng nói của Đức Giáo Hoàng là tiếng nói của CÔNG LÝ và HÒA BÌNH. Vị đại diện của Tòa Thánh Vatican tại các quốc gia trên thế giới luôn luôn nhắc nhở các nhà lãnh đạo vấn đề đó. Nếu một quốc gia không có công lý: người dân không được hưởng các quyền tự do tôn giáo, không được sống trong một chế độ tự do dân chủ thực sự...thì Đức Giáo Hoàng vẫn lên tiếng đòi hỏi chính quyền phải thực thi các điều đó cho dân. Nếu người dân trong quốc gia đó phải sống trong cảnh nghèo đói, chậm tiến, đầy dẫy bất công xã hội...thì Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội Công Giáo vẫn tìm cách giúp đỡ họ. Các bệnh viện, các cơ sở từ thiện, bác ái, trường học...do Giáo Hội Công Giáo lập ra với mục đích trên. Vatican tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo không phải chỉ có người Công Giáo Việt Nam được hưởng mà tất cả mọi người dân đều được hưởng, không phân biệt tín đồ của tôn giáo nào. Thiết nghĩ, những điều nói trên không có gì gây thiệt hại cho các tôn giáo khác tại Việt Nam.

 

Câu hỏi (5): Tại sao từ 2007 đến nay phía Cộng Sản Việt Nam đã nhiều lần tìm đến Vatican? Cụ thể là -Nguyễn Tấn Dũng (Thủ Tướng), -Nguyễn Minh Triết (Chủ Tịch nước), -Nguyễn Phú Trọng (Tổng Bí Thư), -Nguyễn Sinh Hùng (Chủ Tịch Quốc Hội) và mới đây ngày 18/10/2014, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng lại đến Vatican một lần nữa? Như vậy CSVN tìm đến gặp Giáo Hoàng tại Vatican là vì mục đích gì?

 

GS Nguyễn Lý-Tưởng:

 

Trước hết, như lời Staline, lãnh tụ Cộng Sản Nga đã từng nói: Giáo Hoàng có bao nhiêu sư đoàn? Ai cũng biết: Vatican là một quốc gia nhỏ bé nhất trên thế giới, không có quân đội. Thời xưa tại Âu Châu có một luật pháp bất thành văn, xem như là một thứ Công Pháp Quốc Tế, mà người ta gọi là “PAX ROMANA” nghĩa là hòa bình chung quanh Roma (Vatican). Dù cho giáo hoàng không có quân đội, nhưng mỗi lần có một vị hoàng đế lên ngôi thì xin giáo hoàng chủ lễ phong vương và chính giáo hoàng đặt vương miện lên đầu vị vua đó. Vị hoàng đế nầy được giáo hoàng thừa nhận thì thần dân trong nước phải tuân phục và không ai được quyền dùng vũ lực mà lật đổ. Các nước trong vùng ảnh hưởng của giáo hoàng (tức là các nước theo Công Giáo tại Âu Châu) đều ủng hộ vị hoàng đế đó. Các vua ở Âu Châu đã yêu cầu nước Ý cắt một phần đất thuộc thành phố Roma để cho giáo hoàng lập thủ đô của Giáo Hội. Phần đất đó nằm trong nước Ý nhưng là lãnh thổ của giáo hoàng, là quốc gia Vatican, hoàn toàn độc lập. Giáo Hoàng vừa là giáo chủ vừa là quốc trưởng, vì không phải là công dân nước Ý nên mới nhân danh là giáo chủ để phong vương cho hoàng đế nước khác. Nếu ngài là công dân nước Ý thì lấy tư cách gì để phong vương cho vua nước khác. Ai tôn trọng giáo hoàng và tùng phục ngài thì được hưởng một nền hòa bình mà sách vở gọi là Pax Romana (nghĩa là Hòa Bình chung quanh Roma)...Lịch sử đã chứng minh, nhưng ai chống lại giáo hoàng, đem quân đội bắt giam giáo hoàng thì cuối cùng cũng thân bại danh liệt...Vatican cũng không phải là kho bạc lớn của thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Nhật, Đức, Anh và Trung cộng hiện nay. Tại sao các cấp lãnh đạo của Cộng Sản Việt đều tìm đến Vatican?

 

Năm 1995, tôi qua Âu Châu, có gặp Đức Ông Philippe Trần Văn Hoài, lúc đó đang Phụ Trách Văn Phòng Phối Kết Tông Đồ Mục Vụ cho người Công Giáo Việt Nam tại Hải Ngoại. Đức ông Hoài du học từ 1968, rồi làm việc dưới quyền Hồng Y Sodano phụ trách Bộ Truyền Giáo liên tục trên 30 năm. Ngài rất am hiểu tình hình chính trị thế giới và Việt Nam. Tôi có nêu vấn đề quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Cộng Sản Việt Nam thì Đức ông nói với tôi:

-Tòa Thánh ưu tiên cho vấn đề quan hệ ngoại giao với Trung Cộng. Việt Nam là nước đàn em của Trung Cộng, giải quyết vấn đề Trung Cộng xong thì Việt Nam cũng sẽ theo đường lối đó mà giải quyết thôi.

 

Nhưng năm 2007, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN, lần đầu tiên qua Vatican yết kiến đức giáo hoàng trong khi phía Trung Cộng và Vatican đi đến bế tắc. Rõ ràng là Cộng Sản Việt Nam qua mặt đàn anh Trung Cộng hay nói cách khác “cá nhân Nguyễn Tấn Dũng” đã đi một nước cờ cao, rất cao, qua mặt Trung Cộng mà không sợ! Bạn bè của tôi đưa ra nhận xét: “Nguyễn Tấn Dũng sức mấy mà dám đi nước cờ nầy! Phải có cố vấn tài giỏi, mưu cao, ở đàng sau anh ta”.

Nếu chúng ta nhìn vào bản đồ thế giới, Âu Châu, Mỹ Châu, Úc Châu và một vài quốc gia Á Châu thì sẽ thấy được vùng ảnh hưởng của giáo hoàng rất lớn. Đó là các quốc gia có đa số dân theo đạo Công Giáo...Trong hai mươi năm trở lại đây, người ta nói đến một cuộc vận động để thay đổi chế độ tại Việt Nam hay còn gọi là “dân chủ hóa Việt Nam” mà không phải đổ máu. Giải pháp đó do Mỹ đưa ra, Canada, Úc, Âu Châu, Ấn Độ, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á đều ủng hộ. Nhân vật có thể đứng ra vận động cho giải pháp đó, có thể nói không ai có uy tín và được mọi giới tin tưởng ngoài đức giáo hoàng tại Vatican. Một khi đã có quan hệ ngoại giao với Vatican thì giải pháp đó hy vọng chóng thành tựu hơn. Nhưng phía Cộng Sản Việt còn bị áp lực của Trung Cộng quá nặng nên phải có sự hậu thuẫn của Âu Châu, Mỹ Châu, Úc Châu (nói chung là các nước có đa số dân theo Thiên Chúa Giáo: Công Giáo, Tin Lành...) thì mới độc lập và tồn tại bên cạnh Trung Cộng được.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
FOLLOW US
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN MỚI
Thông tin của bạn được giữ kín tuyệt đối và có thể hủy đăng ký bất cứ lúc nào. Nhập địa chỉ email của bạn
THÔNG TIN LIÊN LẠC